BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4177/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2016 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020 số 139/KH-BYT ngày 01/03/2016 của Bộ Y tế;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020” với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và thực hiện các biện pháp dự phòng có hiệu quả, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn nhằm tiếp tục giảm sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ; góp phần thực hiện các Mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em trong các Mục tiêu phát triển bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu cụ thể 1: Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ giữa các vùng miền.
+ Giảm tỷ số tử vong mẹ xuống còn 52/100.000 trẻ đẻ sống.
+ Tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ lên 92%, trong đó tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần đạt 85%.
+ Tăng tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng đủ mũi vắc xin uốn ván lên 98%.
+ Duy trì tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ ở mức 98%, trong đó tỷ lệ phụ nữ đẻ do người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ đạt 80%.
+ Tăng tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh lên 95%, trong đó trong tuần đầu sau sinh đạt 85%.
+ Tăng tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi từ 15-49 đang áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại lên 71,9%.
+ Giảm tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai xuống còn 28%.
+ Tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV lên 70%.
- Mục tiêu cụ thể 2: Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và tử vong trẻ sơ sinh, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.
+ Giảm tỷ suất tử vong sơ sinh xuống dưới 10‰.
+ Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới một tuổi xuống còn 14‰.
+ Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 20,4‰.
+ Tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 30%.
+ Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau đẻ đạt 85%.
+ Tỷ lệ trẻ 0-24 tháng tuổi được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý đạt 90%.
+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 21,8%.
+ Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 12%.
+ Tăng tỷ lệ trẻ 0-59 tháng tuổi nghi ngờ viêm phổi được Điều trị bằng kháng sinh đạt 95%.
2. Các giải pháp chính
a) Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học, công nghệ.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến xã, đặc biệt các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, vùng núi cao, nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu. Duy trì nguồn cung các thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đặc biệt là các thuốc cấp cứu ở tuyến xã;
- Bổ sung đồng bộ trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, nâng cấp cơ sở vật chất, kết hợp với đào tạo cán bộ cho các bệnh viện đa khoa huyện có khó khăn về địa lý để có đủ khả năng cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa toàn diện và triển khai, duy trì hoạt động của đơn nguyên sơ sinh;
- Đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa tuyến trung ương, khu vực và tuyến tỉnh theo;
- Triển khai hiệu quả hệ thống bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa, nhi khoa theo Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013- 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế để nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh, từng bước giảm người bệnh chuyển tuyến trên và tăng tiếp nhận người bệnh từ tuyến trên về Điều trị;
- Củng cố, nâng cấp hoặc xây mới, bổ sung trang thiết bị cho các Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, thành phố, ưu tiên các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo để có thể thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao theo Thông tư số 59/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế;
- Cập nhật, tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất, các gói trang thiết bị, gói vật tư tiêu hao theo các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các tuyến;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phù hợp trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, đồng thời đánh giá các mô hình, giải pháp can thiệp nhằm rút kinh nghiệm cho việc nhân rộng.
b) Nhóm giải pháp đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.
- Tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em từ ngân sách trung ương thông qua dự án hỗ trợ có Mục tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời huy động thêm từ ngân sách địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ;
- Đổi mới cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán BHYT theo gói dịch vụ (bao gồm các gói: chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc khi mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong khi sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh cho đến 24 giờ sau sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ 24 giờ đến 42 ngày sau sinh và chăm sóc trẻ em từ 42 ngày sau sinh đến 6 tuổi);
- Đổi mới cơ chế chi trả, khuyến khích mở rộng triển khai các phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như chi trả, hỗ trợ tài chính dựa vào đầu ra (OBA) đối với cơ sở cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, cung cấp thẻ dịch vụ (voucher) cho người sử dụng dịch vụ;
- Nghiên cứu, xây dựng bổ sung chính sách về BHYT, đề xuất các quy định cải thiện chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.
c) Nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản/nhi-sơ sinh cho y tế các tuyến.
- Đối với các thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn:
+ Tăng cường nhân lực chăm sóc hộ sinh cho các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn (dân tộc, miền núi), đặc biệt thông qua mở rộng hình thức đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản, ưu tiên lựa chọn nữ nhân viên y tế thôn bản người dân tộc thiểu số để đào tạo thành cô đỡ thôn bản;
+ Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số theo hướng được hưởng các đãi ngộ như y tế thôn bản.
- Đối với tuyến xã:
+ Bổ sung số lượng nhân lực sản, nhi thông qua việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển hộ sinh và đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng hộ sinh cho y sỹ của các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, ưu tiên các cơ sở có đỡ đẻ tại các vùng khó khăn về địa lý;
+ Tăng cường đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế đang làm công tác đỡ đẻ theo hướng đạt được các tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng.
- Đối với tuyến huyện:
+ Bổ sung số lượng bác sỹ chuyên khoa thông qua thực hiện quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sỹ về công tác ở vùng sâu, vùng xa (chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh theo Quyết định 14/2013-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ), luân chuyển bác sỹ chuyên khoa sản, nhi; đào tạo bác sĩ đa khoa thành bác sỹ chuyên ngành sản, nhi, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý;
+ Tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc, hoặc các hình thức phù hợp tại các cơ sở lâm sàng. Áp dụng phương thức đưa hộ sinh, Điều dưỡng ở tuyến xã làm việc quay vòng ở bệnh viện huyện nhằm duy trì và tăng cường năng lực;
+ Tăng cường đào tạo liên tục cho nhân viên y tế trực tiếp làm công tác đỡ đẻ theo hướng đạt được các tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng, ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý;
+ Chú trọng đào tạo cán bộ theo kíp đáp ứng yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật về cấp cứu, hồi sức sản khoa và chăm sóc sơ sinh (phẫu thuật cấp cứu sản khoa, hồi sức nội khoa trong sản khoa, truyền máu, chăm sóc, Điều trị, cấp cứu, hồi sức sơ sinh).
- Đối với tuyến tỉnh và trung ương: Tăng cường bố trí nhân lực theo số giường bệnh, đặc biệt là nhân lực Điều dưỡng và hộ sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.
d) Nhóm giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
- Bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Chú trọng sử dụng bằng chứng trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, đề xuất can thiệp phù hợp với Điều kiện thực tế;
- Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các tuyến;
- Tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ ... của các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân, y tế ngành;
- Củng cố, kiện toàn các đơn vị (trung tâm, phòng/bộ phận) đào tạo, chỉ đạo tuyến ở các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, bệnh viện sản-nhi; Luân phiên, luân chuyển nhân viên y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới; Xây dựng, hoàn thiện quy trình và tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là cho bệnh viện tuyến huyện, đảm bảo bệnh viện tuyến dưới tự thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao;
- Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hành động giữa các ngành, các tổ chức liên quan, các địa phương, các đối tác phát triển trong nước và quốc tế trong việc triển khai các mô hình can thiệp có hiệu quả về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Xây dựng và áp dụng các tiêu chí chất lượng bệnh viện đối với các cơ sở khám chữa bệnh nói chung và cơ sở sản phụ khoa, nhi khoa nói riêng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Thúc đẩy nhanh việc triển khai hệ thống đăng ký, cấp chứng chỉ, cấp phép hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa;
- Xây dựng và áp dụng hệ thống công nhận chất lượng đào tạo để đảm bảo các tiêu chuẩn về đào tạo và chất lượng đào tạo cán bộ y tế nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa và hộ sinh nói riêng;
- Rà soát, cập nhật, chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, đào tạo lại bác sỹ chuyên khoa sản, nhi (bao gồm cả chuyên khoa định hướng), hộ sinh, Điều dưỡng nhi. Đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đào tạo dựa trên năng lực (competency-based training), đào tạo lấy học viên làm trung tâm (student- centered learning), người đỡ đẻ có kỹ năng (SBA). Thể chế hóa chế độ đào tạo cập nhật thường xuyên bắt buộc cho cán bộ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Xây dựng và thể chế hóa: (i) quy trình đào tạo và cấp chứng nhận giảng viên quốc gia, giảng viên cấp vùng, giảng viên tuyến tỉnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản, (ii) quy trình về theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo, giám sát sau đào tạo.
đ) Nhóm giải pháp tăng cường truyền thông và tuyên truyền vận động.
- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác làm mẹ an toàn và CSSS cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo và các đại biểu dân cử. Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em;
- Tăng cường các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng về: (i) Kiến thức, thực hành tốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; (ii) Tính sẵn có và chất lượng của dịch vụ; (iii) Chế độ chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử. Ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác, sân khấu tương tác;
- Tiếp tục chú trọng truyền thông thay đổi hành vi thông qua đội ngũ truyền thông viên trực tiếp tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở cung cấp dịch vụ. Đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng, tăng cường kết nối giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ;
- Phối hợp với các ban/ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến các nhóm đối tượng ưu tiên;
- Truyền thông giáo dục y đức, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ nhân viên Ngành Y tế.
e) Nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế.
- Hoàn thiện bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản; huấn luyện/đào tạo cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng báo cáo;
- Cải thiện hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai các can thiệp về sức khỏe bà mẹ-trẻ em đặc biệt là về làm mẹ an toàn như: cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, giám sát và đáp ứng tử vong mẹ và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc thực hiện tin học hóa hệ thống thống kê báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản;
- Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định tử vong mẹ, chuyển đổi cách tiếp cận từ “thẩm định” sang “giám sát và đáp ứng” theo hướng chú trọng hơn vào thông tin phản hồi và đáp ứng kịp thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hướng tới việc triển khai thường quy về giám sát và đáp ứng tử vong mẹ. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định tử vong mẹ ở trung ương và Ban thẩm định tử vong mẹ ở các địa phương. Bước đầu nghiên cứu áp dụng thẩm định tử vong sơ sinh;
- Tiến hành các cuộc khảo sát thực trạng mạng lưới, Điều tra định kỳ về tình hình sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tử vong mẹ, tử vong trẻ em nhằm cung cấp số liệu cho công tác lập kế hoạch, quy hoạch, truyền thông vận động và xây dựng chính sách;
- Triển khai khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine) nhằm trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới tại các cơ sở y tế;
- Đào tạo cán bộ y tế cơ sở về ứng dụng và tư vấn cho bệnh nhân sử dụng một số phần mềm tự theo dõi sức khỏe, phát hiện nguy cơ bằng điện thoại di động, máy tính (mHealth, eHealth).
f) Nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ
- Xây dựng, ban hành các quy định về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn, kỹ thuật bảo đảm nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo Điều kiện thuận lợi để phát triển kỹ thuật ở tuyến dưới đồng thời hạn chế tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết;
- Xây dựng và rà soát cập nhật các hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là về cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ để phổ biến áp dụng trong các cơ sở y tế;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ theo phân cấp kỹ thuật, kết hợp với ưu tiên xây dựng và hỗ trợ hệ thống chuyển tuyến thích hợp. Đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở: Đảm bảo thực hiện chăm sóc sản khoa và sơ sinh thiết yếu cơ bản ở các trạm y tế ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở khu vực thành thị hoặc gần cơ sở y tế tuyến trên tập trung vào các dịch vụ dự phòng như: quản lý thai, chăm sóc sau sinh, phòng chống các bệnh mạn tính không lây ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai; tiêm chủng, sàng lọc phát hiện các trường hợp chậm phát triển tâm thần, vận động ở trẻ em, tư vấn truyền thông, giáo dục sức khỏe...Ở tuyến huyện, tập trung tăng cường các dịch vụ cấp cứu sản khoa, nhi khoa, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình lâm sàng, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã bằng nhiều hình thức bao gồm cả đội lưu động. Tuyến tỉnh tập trung tăng cường các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán ung thư, chẩn đoán và Điều trị vô sinh, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và xã. Tuyến trung ương tập trung tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho tuyến tỉnh;
- Thực hiện đúng quy trình khám thai, theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời. Thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (ENC, EENC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết. Thực hiện nghiêm quy định kiểm soát nhiễm khuẩn;
- Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng;
- Từng bước triển khai việc sàng lọc đánh giá sự phát triển toàn diện nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển hoặc rối loạn ở trẻ nhỏ về: vận động, nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp, khiếm thính, khiếm thị...;
- Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi, hồi sức cấp cứu và các chuyên khoa khác có liên quan (lây nhiễm, tim mạch, nội Tiết, dinh dưỡng) trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với các trẻ sơ sinh có nguy cơ: đẻ non, đẻ thiếu cân..., các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hồi sức cấp cứu;
- Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo theo kíp, theo địa chỉ, theo nhu cầu. Chú trọng nâng cao kỹ năng tư vấn và giáo dục cho cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dự phòng và phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản;
- Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm từ cha mẹ sang con, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;
- Mở rộng áp dụng các cách tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản: cung cấp dịch vụ theo gói dịch vụ, thực hiện hình thức nhượng quyền xã hội, chi trả trước (pre-payments), chi trả theo kết quả đầu ra (OBA) trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản... nhằm đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sự hài lòng cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ của khách hàng;
- Nhân rộng các mô hình can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả cao như chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình, cộng đồng đến cơ sở y tế, nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng, đội cấp cứu, phẫu thuật lưu động, chăm sóc Kangaroo (KMC), duy trì, mở rộng mô hình đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện huyện, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các thành tố của chiến lược lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) bao gồm cả nội dung chăm sóc trẻ nhỏ từ 0-7 ngày tuổi.
3. Kinh phí thực hiện
Tổng ngân sách dự kiến cho việc thực hiện kế hoạch là 1.500 tỷ đồng (tương đương 68 triệu đô la Mỹ). Khoản ngân sách này sẽ được huy động từ các nguồn:
- Ngân sách Trung ương (từ nguồn Chương trình hỗ trợ có Mục tiêu).
- Ngân sách địa phương.
- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
- Các nguồn khác (nếu có).
4. Tổ chức thực hiện
a) Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động
- Ban chỉ đạo ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban thường trực, ủy viên Ban Chỉ đạo gồm có lãnh đạo các Vụ, Cục, Bệnh viện, Viện có liên quan;
- Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban thường trực, ủy viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ sở có liên quan.
b) Trách nhiệm của các đơn vị tham gia
- Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em: Chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức triển khai, theo dõi, Điều phối các hoạt động của kế hoạch;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính: Chịu trách nhiệm huy động và Điều phối các nguồn lực của Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các Mục tiêu của Kế hoạch;
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật, nội dung hoạt động trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng như tổ chức đào tạo về chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu cho mạng lưới bác sỹ gia đình
- Vụ Bảo hiểm y tế: Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các gói chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện việc chi trả bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo: Chịu trách nhiệm rà soát, bổ sung, thẩm định các chương trình tài liệu đào tạo mới và đào tạo liên tục về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; chủ trì xây dựng, rà soát, bổ sung và hoàn thiện nội dung chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo bác sỹ chuyên khoa, chuyên khoa định hướng sản phụ khoa, nhi khoa, đào tạo hộ sinh, Điều dưỡng nhi nhằm tăng cường nguồn nhân lực sản, nhi cho các tuyến. Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các hướng dẫn về nghiên cứu, Điều tra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Vụ Tổ chức - Cán bộ: Chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em, hoàn thiện và bổ sung chính sách nhằm tăng cường đào tạo, tuyển dụng và khuyến khích đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành sản, nhi (bao gồm cả cô đỡ thôn bản) về công tác tại tuyến cơ sở ở các vùng khó khăn;
- Cục Công nghệ thông tin: Phối hợp cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản; đề xuất nâng cấp và áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng: Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng kế hoạch truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; chủ trì và phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tổ chức cung cấp thông tin định hướng dư luận, nâng cao y đức và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện;
- Đề nghị các đoàn thể, các hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong công tác tuyên truyền vận động nhằm tăng cường sự ủng hộ về chính sách và nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em đồng thời tích cực tham gia công tác truyền thông - giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa, Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em và liên quan về lĩnh vực chuyên môn được giao như: cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, tiêm chủng phòng bệnh, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh. Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa chủ động triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ vào nhu cầu công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em của địa phương cũng như Điều kiện về nguồn lực, xây dựng kế hoạch hành động trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt. Huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ, TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ EM GIAI ĐOẠN
2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4177/QĐ-BYT, ngày 03 tháng 8 năm 2016 của
Bộ trưởng Bộ Y tế)
CHƯƠNG I. TỔNG QUAN
CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG, THÁCH THỨC VÀ CÁC ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH ĐỐI VỚI SỨC KHỎE BÀ MẸ, TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ EM HIỆN NAY
I. THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC
1. Sức khỏe bà mẹ
2. Sức khỏe trẻ em
3. Hệ thống y tế, mạng lưới CSSKSS/SKBMTE
II. CÁC ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH
CHƯƠNG III. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
I. MỤC TIÊU
1.1. Mục tiêu chung
1.2. Mục tiêu cụ thể
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁC CAN THIỆP THIẾT YẾU
2.1. Đối tượng can thiệp
2.2. Các can thiệp thiết yếu
III. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH
3.1. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học, công nghệ
3.2. Nhóm giải pháp đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em
3.3. Nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản/nhi-sơ sinh cho y tế các tuyến
3.4. Nhóm giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ em
3.5. Nhóm giải pháp tăng cường truyền thông và tuyên truyền vận động
3.6. Nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế
3.7. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ
IV. CÁC KẾT QUẢ VÀ ĐẦU RA MONG ĐỢI
Kết quả mong đợi 1: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu được đảm bảo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng tăng của các đối tượng bà mẹ, trẻ em
Kết quả mong đợi 2: Tài chính cho chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ được đảm bảo
Kết quả mong đợi 3: Nhân lực sản/nhi ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở ở các vùng khó khăn được cải thiện cơ bản
Kết quả mong đợi 4: Năng lực quản lý/quản trị công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nâng cao
Kết quả mong đợi 5: Nhận thức, thái độ của người dân trong cộng đồng và lãnh đạo các cấp được cải thiện, từ đó thay đổi hành vi và tăng cường sự ủng hộ đối với công tác LMAT và CSSS, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Kết quả mong đợi 6: Hệ thống thông tin, báo cáo thống kê về sức khoẻ sinh sản/sức khỏe bà mẹ-trẻ em được cải thiện
Kết quả mong đợi 7: Nâng cao tính sẵn có, chất lượng và sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động
5.2. Phân công trách nhiệm thực hiện
VI. DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BVĐK |
Bệnh viện đa khoa |
CSSKSS |
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản |
CSSS |
Chăm sóc sơ sinh |
IMCI |
Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh |
KHHGĐ |
Kế hoạch hoá gia đình |
KMC |
Chăm sóc Kangaroo |
LHQ |
Liên hợp quốc |
LMAT |
Làm mẹ an toàn |
NCBSM |
Nuôi con bằng sữa mẹ |
PKĐKKV |
Phòng khám đa khoa khu vực |
PNCT |
Phụ nữ có thai |
SKBMTE |
Sức khoẻ bà mẹ trẻ em |
SKTD |
Sức khỏe tình dục |
TTYT |
Trung tâm y tế |
TVM |
Tử vong mẹ |
TVSS |
Tử vong sơ sinh |
TVTE |
Tử vong trẻ em |
TYT |
Trạm Y tế |
YSSN |
Y sỹ sản nhi |
Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng để các quốc gia trong đó có Việt Nam đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đối với Việt Nam, năm 2015 cũng là năm kết thúc giai đoạn đầu thực hiện các mục tiêu của Chiến lược về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.
Theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ), bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 1990 - 2013, tử vong mẹ (TVM) và tử vong trẻ em (TVTE) chỉ giảm tương ứng là 45% và 49% so với mục tiêu phải giảm là 75% và 67%. Như vậy ở mức độ toàn cầu sẽ không đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ suất TVTE và ¾ tỷ số TVM vào năm 2015. Trong khi phần lớn các ca TVM và tử vong sơ sinh (TVSS), TVTE là do các nguyên nhân có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đã được chứng minh rất có hiệu quả (ước tính chỉ riêng tập trung vào can thiệp trong khi sinh, ngay sau sinh và tuần đầu sau sinh đã có thể giúp làm giảm 2/3 số TVM và 3/4 số ca TVSS nhưng về số tuyệt đối, hàng năm trên thế giới vẫn còn 289.000 trường hợp TVM (99% xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình) và 6,3 triệu trường hợp TVTE < 5 tuổi (trong đó TVSS chiếm tới 45%).
Tuy không đạt về tốc độ cần phải giảm nhưng do số ca TVM đã giảm nên trên phạm vi toàn cầu và ở nhiều quốc gia đang có sự chuyển đổi mô hình bệnh tật và xu hướng TVM từ giảm dần các ca TVM do nguyên nhân trực tiếp và bệnh truyền nhiễm sang tăng dần tỷ lệ TVM do nguyên nhân gián tiếp và do các bệnh mãn tính không lây. Việc thay đổi này đòi hỏi các quốc gia trong xây dựng chính sách, kế hoạch hành động cần có cách tiếp cận và giải pháp can thiệp thích hợp với tình hình.
Nhằm tiếp tục triển khai Chương trình nghị sự sau năm 2015 (Post2015 Agenda), Hội nghị thượng đỉnh của LHQ, tháng 9/2015 tại New York, Hoa Kỳ với sự tham gia của nguyên thủ 193 quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự của LHQ về phát triển bền vững đến năm 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu cụ thể, trong đó các chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em (SKBMTE) chủ yếu tập trung tại Mục tiêu 2 “Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững” và Mục tiêu 3 “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi”. Cũng liên quan đến lĩnh vực sức khỏe sinh sản (SKSS)/SKBMTE, dự thảo Chiến lược toàn cầu về Sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên (GSWCAH) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra 3 nhóm mục tiêu: (i) Mục tiêu về cứu sống - chấm dứt những trường hợp tử vong có thể phòng tránh được; (ii) Mục tiêu về vươn tới - đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về y tế; và (iii) mục tiêu về chuyển đổi - đạt được các thay đổi có tính chất chuyển đổi và bền vững.
Ngoài dự thảo Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên, mục tiêu “Loại trừ TVM, TVSS, TVTE do các nguyên nhân có thể phòng tránh được” (ending preventable maternal, newborn and child deaths) còn được nhấn mạnh trong các Chiến lược, Kế hoạch hành động khác của các tổ chức LHQ như: Kế hoạch hành động về trẻ sơ sinh (ENPA), Chiến lược loại trừ TVM do các nguyên nhân có thể phòng tránh được (EPMM)…
Để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp và nội dung can thiệp chủ yếu được khuyến nghị, bao gồm:
1. Áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục theo vòng đời (continuum of care - life course) - đặc biệt là chăm sóc trong thời kỳ mang thai, chăm sóc trong và ngay sau khi sinh, chăm sóc tuần đầu sau sinh- và tiếp cận phổ cập dịch vụ CSSK (universal access, universal health coverage) được nhấn mạnh.
2. Quan tâm giải quyết sự khác biệt trong sử dụng và tiếp cận dịch vụ CSSK giữa các vùng miền, các nhóm dân cư để đảm bảo công bằng trong CSSK.
3. Quan tâm đến tất cả các khía cạnh: tính tiếp cận, tính sẵn có, khả năng chi trả và chất lượng của dịch vụ (AAAQ) trong việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người đỡ đẻ có kỹ năng.
4. Quan tâm đến các nguyên nhân gốc rễ (underlying causes), trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời - từ giai đoạn trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi.
5. Tăng cường chất lượng số liệu báo cáo thống kê, hoạt động theo dõi đánh giá các chỉ số.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) /SKBMTE đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ số về SKBMTE mà Việt Nam đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có thu nhập bình quân/đầu người tương tự. Tỷ số TVM đã giảm 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2014. TVTE dưới 1 tuổi đã giảm gần 3 lần từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn xuống còn 14,9‰ năm 2014. Tử vong trẻ em < 5 tuổi giảm hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn xuống 22,4 năm 2014.
Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng SKBMTE nhưng còn có sự khác biệt khá lớn về TVM, TVTE và TVSS giữa các vùng, miền. TVSS vẫn còn cao, chiếm đến 70% số TVTE dưới 1 tuổi và xu hướng giảm chưa rõ rệt. Tốc độ giảm TVM, TVTE trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại. Tuy TVM và TVSS đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng 580 - 600 trường hợp TVM và trên 10.000 trường hợp TVSS.
Bên cạnh đó, tình trạng phá thai và vô sinh còn tương đối phổ biến. Tình trạng phá thai lặp lại, phá thai không an toàn vẫn xảy ra. Nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS và ung thư đường sinh sản còn cao. Việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị chưa được quan tâm đúng mức. Sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ CSSKSS/SKBMTE và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con bao gồm cả HIV còn hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV từ chồng và bạn tình có xu hướng gia tăng. Sức khỏe sinh sản/SKBMTE, sức khỏe tình dục (SKTD) ở các nhóm đối tượng đặc thù còn nhiều thách thức. Tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên và thanh niên có xu hướng gia tăng. Hiểu biết, hành vi về SKSS/SKTD của vị thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế. Kiến thức, thái độ và hành vi về CSSKSS/SKBMTE trong cộng đồng và ngay cả cán bộ y tế còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều hạn chế. Phong tục, tập quán lạc hậu trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tình trạng phụ nữ có thai không được quản lý thai và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa rất thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện. Hầu hết các bệnh viện huyện đều bố trí khoa Sản chung với khoa Ngoại để tận dụng nhân lực. Tỷ lệ bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa ngoại làm công tác sản khoa khá lớn. Năng lực chuyên môn của nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh (CSSS), đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở cũng còn có những hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Cán bộ y tế làm công tác sản phụ khoa, nhi khoa, nhất là ở tuyến huyện, xã ít có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn bổ túc, cập nhật kiến thức và thực hành chuyên môn do thiếu kinh phí và không bố trí được người làm thay. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, trẻ sơ sinh khi có tai biến xảy ra.
Nhằm thực hiện giai đoạn 2 và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 cũng như hướng tới thực hiện các chỉ tiêu của SDGs có liên quan đến SKSS/SKBMTE, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch hành động đã xác định các giải pháp và can thiệp cơ bản dựa trên các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt và các bằng chứng khoa học cũng như cách tiếp cận và khuyến cáo cập nhật của quốc tế.
Tỷ số tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống đã giảm hơn 3 lần, từ 233 năm 1990 xuống còn 85 năm 2005 và 69 năm 20091 (mục tiêu đến năm 2015 là 58,3). Kết quả điều tra TVM ở Việt Nam 2006-2007 do Vụ SKBMTE kết hợp với Viện Chiến lược và Chính sách y tế- Bộ Y tế thực hiện cho thấy tỷ số TVM của Việt Nam là 63 trên 100.000 trẻ đẻ sống với khoảng giao động từ 42 - 84 ca TVM trên 100.000 trẻ đẻ sống2. Báo cáo tóm tắt “Xu hướng tử vong mẹ từ 1990 đến 2015”3 của LHQ ước tính tỷ số tử vong mẹ năm 2015 tại Việt Nam là 54/100.000 trẻ đẻ sống. Chênh lệch tỷ số tử vong mẹ từ năm 1990 đến 2015 là 61,2. Tốc độ giảm TVM trung bình trong cả giai đoạn 1990 đến 2015 đạt được 3,8%/năm. Cũng theo tài liệu này, so sánh với một số nước trong khối ASEAN, cả tỷ số TVM và tốc độ giảm TVM của Việt Nam đạt được tốt hơn của Philippin (114 và 1,1); Indonesia (126 và 5,0); Myanmar (178 và 3,7); Lào (197 và 6,1); Cambodia (161 và 7,4).
Cũng tương tự như ở nhiều nước trên thế giới, TVM ở Việt Nam phần lớn (khoảng 70% các trường hợp) là do các nguyên nhân trực tiếp, trong đó chủ yếu là do băng huyết, sản giật và nhiễm khuẩn. Một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sản khoa là thực hiện thẩm định TVM đối với tất cả các trường hợp TVM. Ở Việt nam, hoạt động thẩm định TVM đã được chính thức thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2011. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong báo cáo, các dữ liệu thu thập được cũng đã chỉ ra bức tranh tương đối toàn cảnh của TVM. Tổng số ca TVM được báo cáo năm 2012 là 289, số ca đã được tiến hành thẩm định là 207, chiếm 71.4%. TVM trong quá trình mang thai chiếm 18%, trong chuyển dạ và 24 giờ đầu sau đẻ là 45%. Có đến 38% các trường hợp TVM xảy ra tại tuyến huyện, tỉnh, và bệnh viện chuyên khoa so với 36% các trường hợp TVM xảy ra tại nhà. Con số này ít nhiều chỉ ra chất lượng chăm sóc sản khoa của các cơ sở y tế cũng như phản ánh mức độ nguy cơ của đẻ tại nhà. Cũng theo Báo cáo thẩm định TVM năm 2012, mô hình 3 chậm trễ trong Làm mẹ an toàn [1]. Chậm trong nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và ra quyết định sử dụng dịch vụ y tế; 2. Chậm tiếp cận đến cơ sở và dịch vụ y tế; và 3. Chậm trong tiếp nhận điều trị thích hợp tại cơ sở y tế], được áp dụng để phân tích các nguy cơ TVM, và mức độ ứng phó của chăm sóc sản khoa tại Việt nam. 159 trường hợp TVM được phân tích có liên quan đến 3 chậm trễ, trong đó 69% liên quan đến chậm 1, 40% liên quan đến chậm 2, và 58% có liên quan đến chậm 34.
Có một điều đáng lưu ý là trong vòng 15 năm gần đây ở Việt Nam đã có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ lệ TVM do nguyên nhân trực tiếp và tăng tỷ lệ tử vong do nguyên nhân gián tiếp. Theo Điều tra TVM 2001-2002, các nguyên nhân trực tiếp gây TVM là 76,3% và nguyên nhân gián tiếp chiếm 23,7%5. Tỷ lệ tương ứng của Điều tra 2006-2007 là 68% và 18,7%. Số liệu mới nhất (năm 2014) của Vụ SKBMTE cho thấy nguyên nhân trực tiếp chiếm 59,7% và có tới 35,4% là do nguyên nhân gián tiếp6. Điều này cho thấy tính hiệu quả của các can thiệp về làm mẹ an toàn (LMAT), đặc biệt là các can thiệp về cấp cứu, hồi sức sản khoa được triển khai trong thời gian qua ở nước ta nhưng mặt khác cũng cho thấy sự cần thiết phải quan tâm hơn đến các can thiệp nhằm làm giảm các nguy cơ dẫn đến TVM do các nguyên nhân gián tiếp gây ra.
Thách thức:
- Còn có sự khác biệt khá lớn về tình trạng sức khoẻ và TVM giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế xã hội và giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Điều tra TVM 2006-2007 cho thấy TVM ở khu vực nông thôn miền núi là 108 [72-144] trên 100.000 trẻ đẻ sống, cao hơn 3 lần so với khu vực nông thôn đồng bằng (36 trên 100.000 trẻ đẻ sống) và khu vực thành thị (40 trên 100.000 trẻ đẻ sống). Điều tra TVM tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên do Trường Đại học Y khoa Thái Bình tiến hành cho thấy tỷ số TVM là 119/100.000 trẻ đẻ sống, trong đó là vùng Tây Bắc là 242/100.000 trẻ đẻ sống và Tây Nguyên là 108/100.000 trẻ đẻ sống. Điều tra TVM và TVSS gần đây nhất tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc do Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc tiến hành cho thấy tỷ số TVM trong dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc H’mông cao hơn nhiều lần so với tỷ số TVM ở dân tộc Kinh (tỷ số TVM ở các dân tộc H’mông, Thái, Dao, Nùng, Tày và Kinh lần lượt như sau: 210, 64, 52, 53, 43 và 12/100.00 trẻ đẻ sống)7.
- Về nguyên nhân TVM, số liệu ở cả 2 cuộc điều tra TVM ở khu vực miền núi (Điều tra TVM tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên 20072008 và Điều tra TVM,TVSS tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc 2013-2014) đều cho thấy tỷ lệ TVM do các nguyên nhân trực tiếp ở các tỉnh miền núi còn khá cao so với cả nước và đáng quan ngại hơn là tỷ lệ này không có xu hướng giảm (81,5% và 81,2%). Điều này cho thấy trong thời gian tới cần phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho các vùng miền núi khó khăn các can thiệp nhằm làm giảm các nguy cơ dẫn đến TVM do các nguyên nhân trực tiếp gây ra như tăng cường chất lượng quản lý, chăm sóc thai nghén, đảm bảo kịp thời các can thiệp về cấp cứu, hồi sức sản khoa trong các trường hợp nguy cơ…
- Tốc độ giảm TVM trong những năm gần đây đã có sự chậm lại. Báo cáo của nhóm đánh giá độc lập thuộc Ủy ban Thông tin và Trách nhiệm giải trình về sức khỏe phụ nữ và trẻ em của LHQ phân tích số liệu của 75 quốc gia cho thấy, nếu như giai đoạn 1990-2003, Việt Nam đạt tốc độ giảm tỉ số TVM trung bình năm là -5,2% thì trong giai đoạn 2003-2013 tốc độ này chỉ còn 4,6%/năm và Việt Nam nằm trong số 19 quốc gia có xu hướng giảm tỉ số TVM chậm lại trong giai đoạn này. Tương tự như vậy, Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam cũng cho thấy: nếu trong giai đoạn 1990-2005 tốc độ giảm bình quân hàng năm đạt được là 9,8 trường hợp TVM trên 100.000 trẻ sơ sinh sống, thì đến giai đoạn từ 2006-2014 chỉ còn 2,14 trường hợp TVM trên 100.000 trẻ sơ sinh sống8 .
Phụ nữ đẻ cần được khám thai 3 lần trở lên nhằm phát hiện sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Trong các năm từ 2005 -2009, tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai 3 lần trở lên tăng đều qua các năm, từ 84,6% năm 2005 tăng lên 87,7% năm 2009. Từ năm 2010, tỷ lệ này được thay thế bằng tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai trên 3 lần trở lên trong 3 thai kỳ. Thống kê của Vụ SKBMTE cho thấy tỷ lệ này đã tăng từ 79,1% năm 2010 lên 86,68% năm 2011 và luôn đạt xấp xỉ 90% vào các năm tiếp theo trong giai đoạn từ 2012-20149.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc trước sinh đạt thấp ở khu vực miền núi và nông thôn; chỉ đạt dưới 50% ở 25 huyện nghèo nhất.
Bảo đảm cuộc đẻ được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ là một trong các yếu tố rất quan trọng giúp cuộc đẻ an toàn, góp phần làm giảm tai biến sản khoa, giảm TVM và TVSS. Số liệu Báo cáo tổng kết công tác CSKSSS năm 2014 của Vụ SKBMTE cho thấy từ năm 2010 đến 2014, tỷ lệ phụ nữ sinh con được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ luôn duy trì ở mức cao từ 97-98%.
Chăm sóc sau sinh, đặc biệt là chăm sóc sớm ngay sau sinh là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và xử trí sớm các tai biến ở bà mẹ và sơ sinh, góp phần giảm TVM và trẻ sơ sinh. Số liệu theo dõi cho thấy tỷ lệ bà mẹ/trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh trong các năm từ 2010-2014 đạt các tỷ lệ tương ứng là 79,0%, 75,4%, 77,9%, 76,95% và 78,7 %. Theo báo cáo, các vùng Trung du & miền núi phía Bắc và đặc biệt là Đông Nam bộ thường có tỷ lệ thấp hơn so với trung bình toàn quốc.
Thực hiện Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sức khỏe phụ nữ, trẻ em thông qua việc giúp phòng tránh thai quá sớm, quá muộn hoặc quá nhiều lần. Theo Điều tra MICS 201410, có 75% (so với 77,8% của điều tra MICS 2011) phụ nữ tuổi từ 15-49 hiện đang có chồng hoặc đang chung sống như vợ chồng cho biết có sử dụng biện pháp tránh thai. Biện pháp phổ biến nhất là đặt dụng cụ tử cung (28,2%), tiếp đến là tính vòng kinh (13,4%), bao cao su nam (11,8%), thuốc uống tránh thai (11,9%), xuất tinh ngoài (5,4%), đình sản nữ (2,8%) và thuốc tiêm tránh thai (1,7%). Cũng theo Điều tra MICS 2014, tổng nhu cầu KHHGĐ không được đáp ứng là 6,1%, hay nói cách khác trong 100 phụ nữ từ 15-49 tuổi đã kết hôn hoặc đang chung sống như vợ chồng thì có 6 người không được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ. Tỷ lệ này cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với điều tra MICs 2011 (4,3%) và cao hơn ở khu vực Tây Nguyên, Trung du, miền núi phía Bắc, ở nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong nhóm phụ nữ trẻ từ 15-19 và 20-24 tuổi.
Số liệu thống kê của Vụ SKBMTE cho thấy tỷ số phá thai (số phá thai /100 ca đẻ sống) đã giảm qua các năm từ 2010-2015 với số tương ứng là 0,28, 0,25, 0,18, 0,19, 0,19 và 0,17.
Về số phá thai phân theo tuổi thai, theo số liệu thống kê của Vụ SKBMTE năm 2015, phần lớn (74,3%) các ca phá thai là phá thai sớm (dưới 7 tuần tuổi). Phá thai từ 7-12 tuần chiếm 22,9%. Các ca phá thai to (trên 12 tuần) là các ca phá thai tiềm ẩn nguy cơ cao bị tai biến chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2,8%).
Cũng theo báo cáo trên của Vụ SKBMTE, năm 2015 cả nước ghi nhận có 376 trường hợp tai biến phá thai so với 463 ca tai biến của năm 2014. Tỷ lệ tai biến do phá thai là 0,14%, giảm so với năm 2014 (0,15%), 2013 (0,22%), năm 2012 (0,24%) và năm 2011 (0,43%). Tỷ lệ tai biến do phá thai giảm thể hiện phần nào năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ phá thai an toàn được cải thiện hơn.
- Kiến thức, thái độ và hành vi trong quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp tránh thai của người dân còn hạn chế.
- Tính sẵn có, khả năng tiếp cận cũng như mức độ đa dạng các biện pháp tránh thai cung cấp cho người dân cũng chưa cao.
- Chất lượng dịch vụ chăm sóc phá thai toàn diện ở khu vực nông thôn, miền núi cần được cải thiện.
- Ở một số vùng đồng bào dân tộc việc phá thai không an toàn vẫn xảy ra do phong tục tập quán lạc hậu, tình trạng dân trí.
Hàng năm, ở Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,25% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 5000 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1500-2000 trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ các bà mẹ bị nhiễm HIV. Theo báo cáo năm 2009 của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tăng nhanh ở một số tỉnh miền núi như Điện Biên (2%) và Thái Nguyên (2,38%). Tuy nhiên, số liệu chính xác về số trẻ em nhiễm HIV hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Các can thiệp về phòng lây truyền từ mẹ sang con hiện đang được triển khai trên địa bàn toàn quốc với định hướng mới dùng thuốc ARV dự phòng lây truyền từ mẹ sang con ngay khi phát hiện mẹ bị nhiễm HIV mà không phải chờ đến tuần thai thứ 14 như hướng dẫn trước đây. Cho đến cuối năm 2013, toàn quốc có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có 2 điểm tuyến trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, 132 điểm tuyến huyện chiếm khoảng 25% số huyện trong toàn quốc. Số liệu của Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2013 trong số 1.048.534 phụ nữ có thai được tư vấn xét nghiệm có 794.681 (chiếm 75%) trường hợp được xét nghiệm HIV. Trong đó, 449.718 trường hợp được xét nghiệm trong thời gian mang thai và 352.503 làm xét nghiệm trong lúc chuyển dạ và phát hiện 1.031 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV11.
Thách thức: tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV đạt còn thấp và số xét nghiệm trong chuyển dạ vẫn chiếm đến gần một nửa số trường hợp được xét nghiệm. Mất dấu và tiếp cận điều trị ARV muộn đối với các trường hợp nhiễm HIV còn cao. Cung ứng test xét nghiệm và thuốc ARV điều trị liên tục cũng là vấn đề khó khăn, nhất là trong bối cảnh ngân sách và hỗ trợ quốc tế bị cắt giảm.
Tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ có liên quan chặt chẽ tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng dinh dưỡng không đảm bảo của bà mẹ mang thai cũng là một trong các yếu tố chính dẫn đến đẻ non, cân nặng sơ sinh thấp, tăng tử vong chu sinh và sơ sinh. Vì vậy có thể nói chăm sóc dinh dưỡng cho các bà mẹ tương lai, đặc biệt là phụ nữ mang thai chính là chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ. Số liệu từ Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 cho thấy tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ bị suy dinh dưỡng là rất cao, hơn 1/4 phụ nữ tuổi từ 15 đến 24 tuổi và 1/5 phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ bị thiếu năng lượng trường diễn năm 2005 là 22,7%, năm 2010 là 21,2% - nghĩa là tỷ lệ này gần như không đổi sau 5 năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ uống vitamin A của người mẹ sau sinh có xu hướng giảm đi. Theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 có 58,7 % bà mẹ sau sinh được uống vitamin A thì tỷ lệ này chỉ còn 42,3% năm 2015 theo Điều tra quốc gia về vi chất dinh dưỡng 2014-2015. Số liệu về tỷ lệ phụ nữ có thai được uống viên sắt dự phòng thiếu máu cũng rất đáng quan tâm. Trong khi 57,6% phụ nữ bắt đầu bổ sung sắt trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, thì chỉ có 25% bà mẹ được bổ sung sắt trong 6 tháng tiếp theo và có tới 14,7% phụ nữ không bổ sung sắt trong suốt thai kỳ12.
Điều tra quốc gia vi chất dinh dưỡng 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai đều khá cao (25,5% và 32,8%)13. Điều tra này cũng cho thấy mức độ đáng báo động về tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai (80%) và ở trẻ em (70%) Việt Nam.
Trong những năm qua, TVTE ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Theo Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, tử vong TE<5 tuổi đã giảm hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn 22,1 năm 2015 (so với mục tiêu còn 19,3‰ vào năm 2015). TVTE dưới 1 tuổi đã giảm xấp xỉ 2/3 từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,7‰ năm 2015.
Tử vong trẻ sơ sinh (NMR) là một chỉ số quan trọng vì chỉ số này liên quan chặt chẽ với sức khỏe bà mẹ cũng như là chỉ báo quan trọng về tính tiếp cận và chăm sóc y tế. Tuy nhiên, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của Việt Nam vẫn chưa thu thập số liệu cho chỉ tiêu này. Theo ước tính từ các cuộc điều tra, TVSS chiếm khoảng 70-75% số tử vong trẻ dưới 1 tuổi. Với cách ước tính này, tỷ suất TVSS ở Việt Nam năm 2014 vào khoảng 10-11/1.000 trẻ sinh sống. Báo cáo của nhóm đánh giá độc lập thuộc Ủy ban Thông tin và Trách nhiệm giải trình về sức khỏe phụ nữ và trẻ em của LHQ ước tính tỷ suất TVSS là 9,5‰- trong đó sơ sinh sớm (0-6 ngày tuổi) là 6,9‰và sơ sinh muộn (7-28 ngày tuổi) là 2,6‰.
Theo nghiên cứu được đăng tải gần đây trên tạp chí Lancet, 5 nguyên nhân chính gây TVTE là TVSS (44%), viêm phổi (13%), tiêu chảy (9%), sốt rét (7%) và tai nạn thương tích (5%)14. Cũng theo nghiên cứu này, 4 nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh là đẻ non (15%), ngạt (11%), nhiễm khuẩn nặng (7%) và dị tật bẩm sinh (4%). Nhận định này cũng phù hợp với các nghiên cứu trong nước về nguyên nhân chính gây TVSS.
Các nguyên nhân chính gây TVSS như đẻ non, ngạt, nhiễm khuẩn là những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Nâng cao chất lượng chăm sóc trước sinh, trong sinh, ngay sau sinh, đặc biệt hồi sức trẻ ngạt đúng, kịp thời là những can thiệp tích cực và hiệu quả để giảm tử vong trẻ sơ sinh. Kinh nghiệm thế giới cho thấy 80% số TVSS có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản, ít tốn kém15. Điều quan trọng là bà mẹ và trẻ sơ sinh phải được tiếp cận sớm với các can thiệp trong trường hợp có nguy cơ.
- Cũng như TVM, còn có sự chênh lệch đáng kể về tỷ suất TVTE giữa các vùng thành thị và nông thôn, giữa dân tộc kinh và dân tộc thiểu số và giữa các vùng địa lý và kinh tế xã hội khác nhau. Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất cả nước. Tỷ suất TVTE tại khu vực nông thôn cũng cao hơn gấp 2 lần so với khu vực thành thị. Tỷ suất TVTE của dân tộc thiểu số cao gấp gần 3 lần so với ở trẻ em dân tộc kinh. Năm 2013, ước tính tổng số tử vong dưới 5 tuổi ở Việt Nam là khoảng 26.600 trẻ em.
- Tốc độ giảm tỷ suất TVTE đã chậm lại trong những năm gần đây. Theo Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, trong giai đoạn 1990-2004, tỷ suất TVTE dưới 5 tuổi duy trì tốc độ giảm trung bình khoảng 2‰ /năm, đến giai đoạn 2005-2010 chỉ còn 0,6‰ /năm và từ 2011 - 2014, tốc này giảm xuống chỉ còn 0,5‰/năm. Tương tự, trong giai đoạn 1990 - 2010, tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi giảm với tốc độ 1,4‰/năm nhưng từ 2011-2014, con số này chỉ đạt 1,15‰/năm. Báo cáo của nhóm đánh giá độc lập thuộc Ủy ban Thông tin và Trách nhiệm giải trình về sức khỏe phụ nữ và trẻ em của LHQ cũng cho thấy, nếu như giai đoạn 1990-2000, Việt Nam đạt tốc độ giảm TVTE dưới 5 tuổi là 5%/năm thì đến giai đoạn 2011-2013 tốc độ giảm chỉ còn 3,4%/năm.
- Mặc dù TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể nhưng tử vong trẻ sơ sinh vẫn còn cao, chiếm khoảng 70-75% TVTE dưới 1 tuổi và 50% TVTE dưới 5 tuổi. Đáng lo ngại hơn, tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh tuy có giảm nhưng tốc độ giảm rất chậm so với 2 chỉ số TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Điều này cho thấy công tác chăm sóc trước sinh cũng như chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức trong cuộc đẻ và chăm sóc ngay sau sinh đối với trẻ sơ sinh còn nhiều bất cập và hạn chế.
Suy dinh dưỡng là nguy cơ lớn nhất liên quan đến TVTE. Theo ước tính của WHO và UNICEF, từ 30 - 50% TVTE dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng. Thành tựu giảm TVTE ở nước ta trong những thập kỷ qua chắc chắn có phần đóng góp quan trọng của việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.
Điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm của Viện Dinh dưỡng cho thấy suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đều và bền vững. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng trên tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 31,9% năm 2001 xuống còn 17,5% năm 2010 và 14% năm 2015. Suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao trên tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 43,4% năm 2000 xuống còn 29,3% năm 2010 và 24,9% năm 201516.
- Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về tình trạng dinh dưỡng trẻ em nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta vẫn còn ở mức cao hơn các nước trong khu vực. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi đã giảm những hiện nay vẫn còn ở mức cao (24,9%). Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng thể thấp còi trong 2 năm đầu là rất quan trọng đến chiều cao khi trưởng thành và sức khỏe nói chung. Vì vậy cần có những can thiệp dài hạn, tích cực và toàn diện kể từ khi mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nói chung và suy dinh dưỡng thể thấp còi nói riêng trong chiến lược lâu dài nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam.
- Sự khác biệt giữa các vùng miền cũng là một vấn đề tồn tại trong lĩnh vực dinh dưỡng trẻ em. Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cả thể nhẹ cân và thấp còi cao nhất nước (20,9% và 24,6% so với tỷ lệ chung cả nước là 15,3% đối với thể nhẹ cân) (31,9 % và 36,4 % so với tỷ lệ chung cả nước là 25,9% đối với thể thấp còi)17.
- Bên cạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em hiện còn ở mức cao, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em tại khu vực thành thị, những nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội thuận lợi và phát triển cũng như tình trạng gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Đây thực sự là gánh nặng kép về dinh dưỡng mà Việt Nam cần phải giải quyết trong các năm tới.
- Mặc dù thiếu vitamin A thể nặng hầu như đã được loại trừ ở trẻ em, thể tiền lâm sàng vẫn đang còn tồn tại có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em là 13%, Việt nam được xếp ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng18.
- Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) còn nhiều tồn tại, thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Chỉ 62% trẻ sơ sinh ở Việt Nam được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh19. Việt Nam hàng năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra - như vậy có khoảng 600 nghìn trẻ không được bú sữa mẹ trong giờ đầu. Có thể thấy sữa mẹ trong giờ đầu - nguồn vắc xin quý cho trẻ đã bị lãng phí.
NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu là yếu tố quan trọng trong việc giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại Việt Nam được cải thiện rất ít. Chỉ có 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn20. Như vậy chỉ có 1 trong số 5 bà mẹ NCBSM hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và cứ 10 bà mẹ thì có 3 người (31%) nuôi con chủ yếu bằng sữa mẹ (sữa mẹ + thức uống khác) trong vòng 6 tháng đầu. Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 cho thấy, có tới 20% bà mẹ vắt bỏ sữa non trước khi cho trẻ bú.
Theo một nghiên cứu định lượng được dự án A&T tiến hành năm 2011 về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ, trở ngại lớn nhất và phổ biến nhất trong việc không cho trẻ bú sớm là do bà mẹ nghĩ rằng mình không đủ sữa ngay sau khi sinh. Trở ngại tiếp theo là người mẹ không được tư vấn đầy đủ về tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sớm. Bên cạnh đó, tỷ lệ mổ đẻ cao, đặc biệt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện tư nhân khiến cho việc bắt đầu cho trẻ bú diễn ra muộn hơn vì người mẹ đang ở trong tình trạng sức khỏe yếu và không được ở bên cạnh đứa trẻ.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong các hoạt động về NCBSM nhưng bản thân nhiều đơn vị trong Ngành Y tế cũng chưa thực hiện đầy đủ các hoạt động khuyến khích NCBSM. Với các lý do khác nhau, nhiều cán bộ y tế còn chưa quyết tâm và dành thời gian để hỗ trợ bà mẹ NCBSM cũng như còn thiếu kiến thức và kỹ năng về tư vấn NCBSM. Về phía cộng đồng, ít người dân tin rằng bà mẹ có thể có đủ sữa cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, trong khi đó lại tin tưởng vào việc cho ăn bổ sung sớm sẽ làm trẻ cứng cáp.
- Việt Nam triển khai thực hiện Bệnh viện bạn hữu trẻ em từ năm 1992 tại các cơ sở sản khoa và nhi khoa. Sáng kiến này nhằm bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ NCBSM. Cho đến nay, chỉ có 59 bệnh viện Trung ương và tỉnh trong số 12.146 bệnh viện (chưa đến 1%) được cấp giấy chứng nhận bệnh viện Bạn hữu trẻ em (BVBHTE). Việc duy trì và mở rộng số lượng BVBHTE còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí cũng như hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, việc thiếu kinh phí và cam kết giám sát duy trì tiêu chuẩn BVBHTE của các Sở Y tế cũng là một lý do khiến cho số lượng BVBHTE tăng không nhiều.
- Năng lực của các cán bộ y tế tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở tất cả các tuyến còn hạn chế. Chương trình đào tạo về NCBSM đã được xây dựng và đưa vào giảng dạy tại các trường Trung học Y tế, tuy nhiên cần phải được cập nhật kiến thức thường xuyên. Chưa xây dựng được một chương trình đào tạo lại về NCBSM cấp quốc gia cho các cán bộ y tế các tuyến. Năng lực tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ của đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã và y tế thôn bản còn hạn chế.
- Việc quảng cáo quá mức và việc tặng quà của các công ty sữa đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của bà mẹ trong việc lựa chọn sản phẩm thay thế sữa mẹ hơn là việc NCBSM. Kết quả nghiên cứu năm 2011 trên 10 tỉnh của Dự án Nuôi dưỡng và phát triển cho thấy Việt Nam có tỷ lệ xem truyền hình cao (gần 99% bà mẹ xem truyền hình), trong khi hơn 80% bà mẹ xem các quảng cáo về sữa bột ít nhất 1 lần 1 tuần, thì chỉ có gần 40% bà mẹ được xem các chương trình tuyên truyền về NCBSM trên truyền hình. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý được hoạt động quảng cáo của các công ty sữa cũng như tăng cường truyền thông về NCBSM trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu chúng ta muốn hỗ trợ, khuyến khích và bảo vệ NCBSM21.
- Việc cho trẻ ăn dặm sớm (bắt đầu từ tháng thứ 2) là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Lý do chính là vì người mẹ cho con cai sữa sớm và bắt đầu ăn dặm, khiến cho đứa trẻ không muốn bú mẹ nữa. Việc người mẹ quay trở lại làm việc cũng là một lý do quan trọng. Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm là không phù hợp đối với nhu cầu của trẻ sơ sinh, cả về số lượng và chất lượng. Thức ăn bổ sung ở Việt Nam thường có mật độ dinh dưỡng thấp, chế độ ăn uống không đa dạng. Tỷ lệ cho ăn bổ sung hợp lý ở trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi là rất thấp, chỉ có 51,7%, như vậy có tới gần một nửa số trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, có tới 16% trẻ không được ăn đủ bữa, 28% trẻ không được ăn đủ năng lượng và 18% trẻ không được ăn thức ăn giàu sắt22
- Nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong các tình trạng khẩn cấp, nhóm trẻ dễ bị tổn thương cũng cần được ưu tiên và đánh giá thường xuyên. Nhóm này bao gồm trẻ mồ côi, trẻ nhiễm hoặc phơi nhiễm HIV, trẻ sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trẻ có nguy cơ cao, trẻ thuộc đối tượng di cư hoặc giãn dân.
Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ hợp lý đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ có HIV dương tính và con của họ nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con qua sữa mẹ và giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và suy dinh dưỡng do các thức ăn thay thế không hợp vệ sinh. Bà mẹ có thể lựa chọn: NCBSM và dùng thuốc kháng virus hoặc không NCBSM để tránh lây nhiễm HIV qua sữa mẹ nhưng trẻ lại có nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn do mắc bệnh tiêu chảy hoặc bệnh về đường hô hấp. Nghiên cứu của FANTA-2 vào năm 2009 về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ đối với những phụ nữ nhiễm HIV dương tính ở hai thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV cao tại Việt Nam cho thấy khá nhiều thách thức để tìm được nguồn thức ăn thay thế an toàn23.
Giảm các bệnh lây nhiễm có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng góp một phần quan trọng trong giảm tỷ lệ bệnh tật và TVTE nước ta. Từ tháng 10 năm 2000, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là nước đã thanh toán bệnh bại liệt và đến năm 2005 được công nhận là nước đã loại trừ uốn ván sơ sinh. Theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ em trước ngày sinh nhật đầu tiên cần được tiêm một mũi vắc xin BCG phòng lao, ba mũi DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, ba liều vắc xin phòng bại liệt, một liều vắc xin phòng sởi, ba mũi tiêm phòng viêm gan B và 3 mũi vắc xin Hib phòng viêm màng não. Điều tra MICs 2014 cho thấy, trong vòng năm đầu có 98,0% trẻ em được tiêm BCG, 96,3% được tiêm Bạc hầu - Uốn ván - Ho gà mũi 1, có 93,5%% được tiêm mũi 2 và 88,6% được tiêm mũi 3. Số liệu tương tự đối với vắc xin phòng bại liệt như sau: mũi 1: 96,9%, mũi 2: 95,1% và mũi 3: 91,9%. Các loại vắc xin đạt tỷ lệ tiêm còn thấp là: tiêm phòng sởi trong vòng năm đầu (86,2%) và tiêm phòng VGB sơ sinh (78,5%). Tính chung cho tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh trước ngày sinh nhật đầu tiên là 75,6%.
Bên cạnh những thành tựu đã nêu trên, chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn còn phải giải quyết một số thách thức liên quan đến vấn đề công bằng trong cung cấp dịch vụ. Theo Điều tra MICs 2014, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ ở nhóm dân tộc Kinh/Hoa đạt được cao hơn nhóm trẻ em dân tộc thiểu số. Nhóm trẻ em thuộc nhóm 20% hộ nghèo nhất cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với trẻ em thuộc các nhóm có mức sống khá giả hơn.
Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Từ năm 1994, chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đã được triển khai thực hiện ở nước ta. Nội dung chính của chương trình là giáo dục kiến thức cho bà mẹ biết cách phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời; huấn luyện cán bộ y tế cơ sở biết chẩn đoán và điều trị đúng; cung cấp thuốc thiết yếu phù hợp và hiệu quả để điều trị viêm phổi. Theo điều tra MICs 2014, có 3% trẻ em dưới 5 tuổi được khai báo có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong vòng 2 tuần trước thời điểm phỏng vấn. Trong đó 81,1% được đưa đến cơ sở y tế và 88,2% được điều trị bằng kháng sinh. Số điều trị ở cơ sở y tế tư nhân cao hơn (56,4%) so với cơ sở y tế nhà nước (42,6%).
Phòng chống tiêu chảy
Chương trình phòng chống tiêu chảy được bắt đầu triển khai ở nước ta từ năm 1983. Nội dung chính của chương trình là điều trị bù nước, điện giải sớm, an toàn (bằng đường uống) kết hợp với chăm sóc dinh dưỡng tốt cho các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em. Cũng giống như chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp, chương trình phòng chống tiêu chảy được lồng ghép vào chiến lược Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) từ năm 1999.
Theo số liệu điều tra MICS 2014, có 8,6% trẻ em dưới 5 tuổi được khai báo có triệu chứng tiêu chảy cấp trong vòng 2 tuần trước thời điểm phỏng vấn. Tỷ lệ này cao hơn ở vùng Tây nguyên, vùng trung du-miền núi phía Bắc, ở nhóm trẻ nhỏ 0-11 tháng tuổi, nhóm trẻ sống trong các hộ gia đình nghèo nhất, nhóm trẻ thuộc dân tộc thiểu số. Cũng theo điều tra MICS 2014, có 79,6% trẻ em dưới 5 tuổi được khai báo có triệu chứng tiêu chảy cấp trong vòng 2 tuần trước thời điểm phỏng vấn có đi tìm lời khuyên hoặc phương pháp điều trị từ các cơ sở y tế hoặc người cung cấp dịch vụ y tế và nhà thuốc. Có 50,9% trẻ em khi bị tiêu chảy được uống gói ORS hoặc dung dịch ORS pha sẵn, 41,1% được uống các loại dung dịch tự pha chế tại nhà (nước gạo rang, nước cơm pha muối, nước luộc rau…) và 16,9% được uống viên kẽm hoặc sirô kẽm.
Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh
Hoạt động IMCI là sáng kiến của WHO và UNICEF nhằm lồng ghép các chương trình ngành dọc hiện có như chương trình phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét...với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, điều trị trẻ bệnh nhằm giảm tỷ lệ TVTE.
Chiến lược IMCI được giới thiệu vào nước ta từ năm 1996 và được Bộ Y tế chính thức phê duyệt cho triển khai thực hiện trên diện rộng từ năm 1999 và IMCI được coi là một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường hoạt động chăm sóc trẻ bệnh tại các tuyến y tế và cộng đồng. Cho đến nay hoạt động IMCI đã được triển khai ở hầu hết các tỉnh/ thành phố trong cả nước. Nội dung IMCI đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại 7 trường Đại học và 19 trường Trung học Y tế và hàng ngàn cán bộ y tế đã được tập huấn cập nhật về nội dung này.
Thách thức đối với các hoạt động IMCI: Mặc dù IMCI được coi như là một chiến lược hành động nhằm giảm bệnh tật, TVTE nhưng việc triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn ở tất cả các tuyến. Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này có thể kể đến như sau:
Tại Trung ương, các thành viên trong Ban điều hành đã có nhiều thay đổi nhưng chưa được kiện toàn lại. Việc không có một Vụ, Cục nào của Bộ Y tế được phân công chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước về hoạt động IMCI nên việc kiểm tra, giám việc triển khai hoạt động lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Văn phòng IMCI ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động cán bộ kỹ thuật tham gia các hoạt động. Một trở ngại lớn nữa là do không có kinh phí hàng năm từ Bộ Y tế cho việc triển khai IMCI ở các tỉnh nên các hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các dự án của các tổ chức quốc tế. Chính vì vậy, mặc dù IMCI đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng mới chỉ bao phủ được khoảng hơn 1/3 số huyện trong cả nước, và trong mỗi huyện cũng chỉ có một số ít xã triển khai hoạt động này.
Tại tuyến tỉnh, huyện: do nguồn lực hạn chế, trách nhiệm pháp lý cho việc triển khai chưa cao nên ban điều hành hoạt động không đều, chỉ đạo, phối hợp giữa tuyến tỉnh và huyện thiếu chặt chẽ, hoạt động phụ thuộc nhiều vào tuyến trung ương, còn thụ động trong khâu lập kế hoạch.
Về mặt kỹ thuật, 3 thành tố được khuyến cáo trong nội dung IMCI chưa được triển khai một cách đồng bộ. Các hoạt động IMCI chủ yếu là triển khai thành tố I - đào tạo cán bộ, một phần trong thành tố II - cải thiện hệ thống y tế. Thành tố 3 với nội dung rất quan trọng là cải thiện thực hành tại gia đình và cộng đồng thì hầu như chỉ mới áp dụng được ở một số tỉnh. Đây là một hạn chế rất lớn trong hoạt động IMCI vì việc nâng cao kiến thức thực hành chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng là yếu tố góp phần quan trọng làm giảm đáng kể TVTE, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
3. Hệ thống y tế, mạng lưới CSSKSS/SKBMTE
Mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ CSSKBMTE nói riêng ở Việt Nam được bao phủ rộng khắp. Các cơ sở y tế cũng như mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKBMTE được thiết lập từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã và thôn bản. Theo số liệu khảo sát năm 2013 của Vụ SKBMTE, ở tuyến tỉnh, ngoài các khoa sản, khoa nhi ở 156 bệnh viện tuyến tỉnh và đa khoa khu vực, chưa kể hệ thống tư nhân, toàn quốc có 11 bệnh viện chuyên khoa phụ sản, 12 bệnh chuyên khoa nhi, 9 bệnh viện sản nhi. 100% huyện/thị có trung tâm y tế (TTYT) /BV tuyến huyện, trong đó có các khoa sản và nhi hoặc nội/nhi. 97,9% tổng số xã phường có trạm y tế (TYT). Ngoài ra còn có 595 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) đang hoạt động trên toàn quốc24.
Nhìn chung, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế ở nước ta đang dần được đổi mới, cải thiện; từng bước được đầu tư nâng cấp để đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng cao của nhân dân. Nhiều tiến bộ khoa học, y học đã được áp dụng trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị; nhiều kỹ thuật cao, phức tạp đang được thực hiện trong các bệnh viện như thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, mổ nội soi,…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được,việc cung cấp các dịch vụ y tế, trong đó có dịch vụ CSSKBMTE hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập như: mô hình tổ chức nhiều biến động; việc tổ chức lại mô hình y tế tuyến huyện thành bệnh viện huyện, TTYT dự phòng, phòng y tế, và việc phân công lại nhiệm vụ giám sát hoạt động của TYT đã phần nào tạo ra sự mất ổn định, xáo trộn về nhân lực và năng lực cung cấp dịch vụ ở tuyến y tế cơ sở (đánh giá thực trạng y tế dự phòng tuyến huyện năm 2014 của Cục Y tế dự phòng cho thấy chỉ có 28,9% huyện áp dụng mô hình TTYT huyện thực hiện đồng thời cả 2 chức năng dự phòng và điều trị, 71,1% số huyện áp dụng mô hình y tế tuyến huyện có bệnh viện huyện, TTYT dự phòng và phòng y tế). Quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến huyện hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây hạn chế trong việc thực thi các nhiệm vụ chuyên môn; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tuyến; còn tách biệt giữa phòng bệnh và khám, chữa bệnh; tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương còn nặng nề. Chính sách tài chính y tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là các phương thức chi trả dịch vụ y tế. Tình trạng lạm dụng các dịch vụ y tế (đặc biệt là lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc,…) còn khá phổ biến. Chưa xây dựng được hệ thống hiệu quả để kiểm soát và đánh giá chất lượng dịch vụ y tế, trong cả các cơ sở công lập và tư nhân25.
Số lượng và phân bố nhân lực:
Theo số liệu Khảo sát mạng lưới CSSKSS năm 2014 của Vụ SKBMTE, cả nước có 37.639 cán bộ chuyên môn y tế đang làm việc trong các cơ sở thuộc mạng lưới CSSKSS ở 3 tuyến tỉnh, huyện và xã, trong đó bao gồm: Bs trở lên: 8.896 người, hộ sinh/ y sỹ sản nhi (YSSN): 28.743 người. Phân bổ theo tuyến và theo trình độ như sau:
Tuyến tỉnh: 11.653 (Bs trở lên: 4897 người = 42,02%,
Hộ sinh/YSSN: 6757 người = 57,98%).
Tuyến huyện: 13.123 (Bs trở lên: 3909 người = 29,79%,
HSSN: 9217 người = 70,21%).
Tuyến xã: 12.863 (Bs trở lên 90 = 0,7%,
Hộ sinh/YSSN: 12.773=99,30%).
Khó khăn, thách thức:
Nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa rất thiếu, đặc biệt tại tuyến huyện. Hầu hết các bệnh viện huyện đều bố trí khoa Sản chung với khoa Ngoại để tận dụng nhân lực. Tỷ lệ bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa ngoại làm công tác sản khoa khá lớn (chiếm khoảng 1/3). Việc bố trí cho các cán bộ đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cũng gặp rất nhiều khó khăn do không đủ cán bộ làm việc.
Số liệu khảo sát tình hình mạng lưới CSSKSS năm 2013 cho thấy, trong hệ thống y tế công, cả nước hiện mới đạt 0,33 BS chuyên khoa sản (kể cả định hướng)/10.000 dân; 0,2 BS nhi/10.000 dân; 3,48 y sỹ sản nhi-hộ sinh/10.000 dân (trong khi đó nhu cầu đến năm 2020 cần đạt 1,2 BS sản, 1,2 BS nhi/10.000 dân và 4,5 hộ sinh và 4,5 điều dưỡng nhi/10.000 dân).
Tại tuyến xã mới có 73,3% TYT xã có hộ sinh từ trung học trở lên, nếu tính cả YSSN và hộ sinh sơ học, thì tỷ lệ này là 91,3%. Như vậy, còn khoảng trên 8% TYT chưa có YSSN hoặc hộ sinh trung học trở lên, Đặc biệt, tại 62 huyện nghèo, vẫn còn 15,4% TYT chưa có YSSN hoặc hộ sinh từ trung học trở lên.
Theo báo cáo của các địa phương, toàn quốc có khoảng trên 12.000 thôn bản vùng khó khăn cần được bố trí cô đỡ thôn bản làm việc, tuy nhiên, tính đến hết năm 2014 mới có 1.737 cô đỡ thôn, bản được đào tạo theo các chương trình 6 -18 tháng trong khuôn khổ một số chương trình, dự án.
Tại tuyến huyện, có tới 25,61% bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện không có BS chuyên khoa sản (từ định hướng trở lên) và 56,4% không có BS chuyên khoa nhi (từ định hướng trở lên). Đối với 62 huyện nghèo thì tỷ lệ các khoa sản, khoa nhi không có BS chuyên khoa sản, chuyên khoa nhi làm việc còn cao hơn. Cụ thể có tới 39% số huyện không có BS chuyên khoa sản (từ định hướng trở lên) làm việc. Tỷ lệ huyện nghèo không có BS chuyên khoa nhi (từ định hướng trở lên) làm việc còn cao hơn: 83%.
Ở các bệnh viện tỉnh, khoa Sản trung bình có khoảng 10 bác sỹ (nhiều tỉnh chỉ có 5-7 BS), tính chung (cả khoa sản và khoa nhi) có tới 1/3 là bác sỹ đa khoa đang làm sản và nhi. Mỗi đêm trực thường chỉ bố trí được 1 bác sỹ phụ trách. Thiếu cán bộ chuyên ngành, trực nhiều và liên tục đã ảnh hưởng đáng kể đến việc theo dõi và xử trí khi có tình huống bất thường xảy ra, đặc biệt khi có quá đông sản phụ thì càng dễ xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện thiếu ý thức trách nhiệm, chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản khoa, sơ sinh khi có tai biến xảy ra.
Đào tạo kỹ năng thực hành còn nhiều hạn chế. Cơ hội thực hành trên người bệnh rất ít, vì vậy để đào tạo kỹ năng cần phải dựa vào đào tạo thực hành trên mô hình (tiền lâm sàng). Tuy nhiên mô hình đào tạo thường không được trang bị đầy đủ, kể cả tại hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung cấp y (đào tạo chính quy) và các bệnh viện, trung tâm CSSKSS (đào tạo lại). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo thực hành và năng lực thực hành của CBYT.
Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế
Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Ít cơ hội được tham dự tập huấn chuyên môn do kinh phí hạn chế và khó bố trí người làm thay cũng là các nguyên nhân hạn chế năng lực. Bên cạnh đó, còn tồn tại các biểu hiện thực hiện chưa đúng quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ khi có tai biến xảy ra. Ngoài việc thiếu cán bộ chuyên khoa, việc bố trí cán bộ trực chưa phù hợp, phối hợp chưa tốt giữa sản và sơ sinh, giữa sản và gây mê, hồi sức cấp cứu... cùng với tình trạng quá tải dẫn đến xử trí không hiệu quả, kịp thời khi có tai biến sản khoa xảy ra.
Báo cáo khảo sát thực trạng, khả năng cung cấp dịch vụ và chất lượng thực hành chăm sóc cấp cứu sản khoa và sơ sinh do Vụ SKBMTE thực hiện mới đây tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện ở 6 tỉnh26 cho thấy:
Kết quả quan sát thực hành trên mô hình xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ đã chỉ ra còn một tỷ lệ đáng kể làm không đúng ở các bước quan trọng nhất như: tiêm oxytocin, kéo dây rốn, kiểm tra bánh rau, màng rau và dây rốn và xử trí ban đầu nếu rau không bong. Kết quả này tương tự với các quan sát được thực hiện trong nghiên cứu người đỡ đẻ của Bộ Y tế năm 2010. Một số lỗi thao tác cũng được ghi nhận bởi các chuyên gia đánh giá, bao gồm: thời gian kéo dây rốn ngắn chưa đủ để xác định bánh rau xuống được không, động tác kéo dây rốn quá mạnh và đột ngột, không kèm với động tác đẩy thân tử cung lên trên, quy trình kiểm tra bánh rau và màng rau chưa đúng và vẫn thực hiện các thao tác bong rau sinh lý.
Đối với kết quả thực hành trên mô hình bóc rau nhân tạo và kiểm soát tử cung,còn một tỷ lệ đáng kể làm không đúng ở các bước quan trọng nhất là chụm các ngón tay của một bàn tay luồn vào tử cung theo hướng từ dưới lên trên (bước 9), và tay bên trong đẩy dần các mô trong đó ra ngoài và tiếp tục các thao tác kiểm soát tử cung (bước 12). Kết quả này chưa được cải thiện so với cùng quan sát được thực hiện trong nghiên cứu người đỡ đẻ của Bộ Y tế năm 2010 tại tuyến quận/huyện.
Một số lỗi thao tác khác cũng được ghi nhận bởi các chuyên gia đánh giá, gồm: động tác thô bạo, không phối hợp tốt 2 tay trên dưới, không đo lại mạch huyết áp và ghi chép hồ sơ, và cho tay trở lại buồng tử cung khi đã rút ra.
Kết quả thực hành trên mô hình hồi sức sơ sinh bằng bóp bóng ambu và mặt nạ cho thấy tỷ lệ bỏ qua hoặc không thực hiện đúng một số bước quan trọng là khá lớn, trong đó quan trọng nhất là các bước ủ ấm cho trẻ (bước 2), kiểm tra sự kín khít của mặt nạ và đặt lại mặt nạ (bước 7 và 8), đặt trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ (bước 14), và các kỹ thuật ấn tim cùng với bóp bóng (bước 17 và 18). Kết quả này không tiến bộ hơn cùng quan sát được thực hiện trong Nghiên cứu người đỡ đẻ của Bộ Y tế năm 2010 tại tuyến quận/huyện. Một số bước khác có tỷ lệ không thực hiện cao như liên quan đến việc đánh giá thường xuyên tình trạng của trẻ (bước 4, 10, 12 và 15) và việc yêu cầu hỗ trợ cùng chuẩn bị chuyển tuyến (bước 19).
Trong giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng chi cho y tế đã cao hơn so với tốc độ tăng chi trung bình của ngân sách nhà nước (NSNN) và đạt khoảng 78% tổng chi ngân sách. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho Việt Nam có xu hướng bị cắt giảm, ngành y tế vẫn tăng cường huy động các nguồn viện trợ. Tỷ lệ nguồn viện trợ vẫn duy trì được ở mức 1,5% tổng chi y tế. Xã hội hoá các hoạt động y tế được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển kỹ thuật; trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại. Lộ trình thực hiện BHYT toàn dân được đẩy mạnh, diện bao phủ BHYT được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 71,6% năm 2014 và dự kiến đạt 75% dân số năm 2015. Cùng với việc mở rộng độ bao phủ dân số có BHYT, Bộ Y tế đang nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế thông qua thí điểm sửa đổi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất27 và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán (DRG)28. Thực hiện lộ trình chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội.
Tuy nhiên những khó khăn về kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng chi NSNN cho y tế. Mục tiêu phấn đấu đạt được tỷ lệ chi tiêu cho sức khỏe ở mức 10% tổng chi tiêu NSNN khó đạt được. Tỷ lệ này năm 2011 đạt 8,5%, giảm trong năm 2012 và 2013, nhưng sau đó tăng lên 8,6% năm 2014 (dựa trên dự toán ngân sách nhà nước). Với chi tiêu cho y tế chiếm tỷ lệ thấp trong tổng chi, NSNN không đủ để thực hiện có hiệu quả một số chức năng công cộng quan trọng trong lĩnh vực y tế như thanh tra, kiểm tra, thống kê y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.
Chi công trong tổng chi tiêu y tế (bao gồm NSNN, BHYT và viện trợ) trong vài năm qua có xu hướng giảm, từ 46,6% năm 2010 xuống còn 42,6% năm 2012 theo số liệu Tài khoản y tế quốc gia ước tính mới nhất năm 2014. Tình trạng này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu tỷ lệ chi công cho y tế bằng 50% vào năm 2015 rất khó thực hiện. Hậu quả tiêu cực của xu hướng này là chi tiêu từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế đã từng có xu hướng giảm giờ bắt đầu tăng trở lại, chiếm 48,8% tổng chi tiêu cho y tế năm 2012.
Liên quan đến ngân sách đầu tư cho công tác CSSKSS/SKBMTE: Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, tổng ngân sách dành cho công tác CSSKSS trong giai đoạn 5 năm 2011-2015 ước đạt 1.173 tỷ 760 triệu đồng, trong đó 669 tỷ 500 triệu đồng là ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia và 504 tỷ 260 triệu là từ hỗ trợ quốc tế (vốn vay, ODA…)29. Tuy nhiên, cần lưu ý là phần ngân sách do Vụ SKBMTE trực tiếp điều hành chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số trên và cũng chủ yếu là cho các nội dung về LMAT/CSSS thông qua dự án mục tiêu quốc gia về CSSKSS (nếu tính cả giai đoạn từ 2008 là năm đầu tiên DAMTQG về SKSS được triển khai thực hiện đến năm 2015, tức là sau 8 năm triển khai, DA được đầu tư tổng số là 247 tỷ đồng). Do nguồn lực hạn chế nên trong những năm qua mới chỉ tập trung vào một số tỉnh miền núi khó khăn và các can thiệp chủ yếu cũng chỉ tập trung vào việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, chưa thể nhân rộng các mô hình can thiệp hiệu quả tác động trực tiếp tới người dân. Không chỉ hạn chế về số lượng, ngân sách nhà nước cấp thông qua Dự án mục tiêu quốc gia trong những năm gần đây lại bị cắt giảm đáng kể (khoảng 50%) và thường được cấp muộn. Hơn nữa, việc chỉ thông báo hạn mức ngân sách từng năm cũng gây ra nhiều khó khăn cho công tác lập kế hoạch cho cả giai đoạn.
Ngoài ra, vai trò tham gia của Vụ SKBMTE còn rất hạn chế trong điều hành các hoạt động và ngân sách của các Dự án bằng nguồn vốn vay hoặc ODA của các tổ chức quốc tế như đối với các Dự án của WB, ADB. Sự phối hợp giữa các bên liên quan còn thiếu cả trong việc xây dựng kế hoạch, và triển khai các hoạt động có nội dung liên quan đến lĩnh vực CSSKSS/SKBMTE. Điều này cần được quan tâm cải thiện để tăng cường chất lượng và tính hiệu quả của các hoạt động được triển khai.
Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, năng lực cung cấp dịch vụ:
Cơ sở vật chất của hệ thống khám chữa bệnh sản nhi nhìn chung còn rất khó khăn. Trong tổng số 9.185 TYT xã có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ, chỉ có 3.579 TYT (39%) có phòng đẻ riêng. Các TYT xã khác phòng đẻ được bố trí chung với các phòng thủ thuật, phòng khám phụ khoa. Về mặt chất lượng, chỉ có 22,1% TYT xã có phòng đẻ đạt tiêu chuẩn của Hướng dẫn quốc gia về cung cấp dịch vụ CSSKSS. Trang thiết bị ở các bệnh viện tuyến huyện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh (hiện chỉ có 67,9% BVĐK huyện có máy theo dõi (monitoring) sản khoa, trung bình mỗi bệnh viện chỉ có 1 máy. 69,1% khoa sản của BVĐK huyện có bình oxy và bộ dụng cụ thở oxy, trung bình mỗi khoa sản cũng chỉ có 1 bộ. 31,4% bệnh viện huyện không có bộ hồi sức sơ sinh, 59,0% không có đèn chiếu điều trị vàng da, 48,7% không có lồng ấp sơ sinh, 86,1% không có máy thở CPAP cho trẻ sơ sinh (theo Khảo sát thực trạng mạng lưới CSSKSS 2010 và báo cáo 2014).
Liên quan đến thuốc thiết yếu, tỷ lệ TYT xã không có sẵn một số thuốc cấp cứu quan trọng trong sản khoa và sơ sinh còn khá cao. Kết quả điều tra tại các TYT trong toàn quốc cho thấy: 83,1% TYT không có Magnesi sulphat dùng trong dự phòng và điều trị sản giật và tiền sản giật; 63,9% TYT không có Diazepam tiêm; 33,9% TYT không có Vitamin K1 để tiêm phòng xuất huyết não cho trẻ sơ sinh; 23,7% TYT không có Salbutamol để giảm co tử cung; 13,6% TYT không có Oxytocin để xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ và điều trị băng huyết sau đẻ.
Việc thiếu thuốc thiết yếu dẫn đến những hạn chế về năng lực cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ảnh hưởng nhiều đến sự sống còn của bà mẹ và trẻ sơ sinh như: Xử trí cấp cứu sản giật, tiền sản giật, xử trí chảy máu sau đẻ, dự phòng xuất huyết não cho trẻ sơ sinh.
Về năng lực cung cấp dịch vụ:
Qua nhiều năm củng cố, khả năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của các TYT đã được cải thiện, đặc biệt là nhóm các dịch vụ KHHGĐ và LMAT. Đỡ đẻ thường ngôi chỏm có tỷ lệ thực hiện khá cao (83,6%), tuy nhiên các dịch vụ quan trọng kèm theo khác trong gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản lại chưa ở mức cao tương ứng. Tỷ lệ TYT xã có cung cấp đủ 5 loại dịch vụ cấp cứu sản khoa cơ bản mới chỉ đạt 23,6%. Ngay tại TYT xã có đỡ đẻ, cũng chỉ có 87,6% theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ, 87,7% có tiêm oxytocin, 58,2% có bóc rau nhân tạo khi sản phụ băng huyết, 76,8% có kiểm soát tử cung, 90,4% có hồi sức sơ sinh ngạt. Tỷ lệ TYT xã có đỡ đẻ và có đủ 5 loại dịch vụ trên mới đạt 47,3%.
Các dịch vụ cận lâm sàng tại TYT rất yếu. Tỷ lệ TYT xã có thực hiện thử protein niệu mới đạt 36,6%, định lượng huyết sắc tố mới đạt 3%.
Đối với tuyến huyện: toàn quốc có 66,9% bệnh viện huyện có khả năng mổ đẻ, 55,8% thực hiện truyền máu, 53,7% có khả năng cung cấp được cả hai dịch vụ mổ đẻ và truyền máu. Riêng các huyện miền núi là nơi bắt buộc phải triển khai được các loại phẫu thuật, thủ thuật trên thì mới có 85,8% các huyện có thể mổ lấy thai, 70,2% mổ được cắt tử cung bán phần cấp cứu và 69,8% có thể triển khai truyền máu (nếu tính cả hai loại dịch vụ mổ đẻ và truyền máu thì chỉ có 67,1% BV huyện miền núi có khả năng thực hiện được). Có 61,6% BVĐK huyện có đơn nguyên sơ sinh, trong đó số đơn nguyên sơ sinh hoạt động hiệu quả còn thấp: chỉ có 57,6% có điều trị vàng da sơ sinh, 32,8% có sử dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục không xâm nhập (CPAP) để điều trị sơ sinh bị suy hô hấp.
Trong những năm gần đây, hệ thống thông tin, thống kế y tế đã được củng cố và ngày một hoàn thiện. Phần mềm thống kế, báo cáo thuộc lĩnh vực CSSKSS đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước. Hệ thống thống kê báo cáo từ xã lên huyện, tỉnh và trung ương đã cung cấp số liệu tương đối hoàn chỉnh, với các chỉ số ngày càng toàn diện hơn.
Tuy nhiên, các số liệu về TVM, TVSS được thu thập và báo cáo thường không đầy đủ và không chính xác. Theo Điều tra quốc gia về TVM và TVSS30 trong tổng số 49 trường hợp TVM được xác định trong điều tra thì hệ thống báo cáo thường quy đã bỏ sót 19 trường hợp và báo cáo sai 11 trường hợp tử vong phụ nữ là TVM. Về số TVSS, theo báo cáo của các địa phương là 400 trường hợp, nhưng điều tra xác định chỉ có 341 trường hợp, còn lại 59 trường hợp là nhầm lẫn với thai chết lưu hoặc tử vong trẻ dưới 1 tuổi. Tương tự như vậy, báo cáo nghiên cứu điều tra TVM và TVSS tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện gần đây cũng cho thấy trong tổng số 70 trường hợp được xác định là TVM trong nghiên cứu thì báo cáo của các địa phương chỉ ghi nhận 42 trường hợp, tương đương 60% số thực tế, thậm chí có tỉnh, hệ thống báo cáo chỉ ghi nhận được chưa đến 40% số trường hợp TVM31.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nói trên có thể kể đến là:
- Các số liệu về CSSKSS từ hệ thống y tế tư nhân chưa được báo cáo đầy đủ. Cơ sở pháp lý để thu thập thông tin ở cơ sở ngoài công lập chưa rõ ràng và chưa có chế tài để đảm bảo được thực thi đầy đủ;
- Khả năng bỏ sót số liệu TVM và TVSS ở khu vực miền núi là rất cao vì tập quán đẻ tại nhà, địa hình hiểm trở. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai rộng rãi quy trình thẩm định TVM trên toàn quốc nhằm mục tiêu có được số liệu xác thực hơn về TVM;
- Thiếu một số quy định về phối hợp, phân công trách nhiệm thu thập, xử lý, cung cấp và chia sẻ thông tin trong nội bộ Ngành Y tế và giữa Ngành Y tế với các bộ/ngành có liên quan. Chưa có cơ chế giám sát, chế tài nhằm bảo đảm các đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thống kê y tế32.
1. Xây dựng kế hoạch can thiệp dựa trên các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm thực hành tốt và các khuyến cáo cập nhật của quốc tế;
2. Áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục, toàn diện theo vòng đời (Continuum of Care) và tiếp cận toàn diện dịch vụ CSSKBMTE (Universal Access);
3. Ưu tiên can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm các tai biến sản khoa, sai sót chuyên môn. Củng cố, tăng cường mạng lưới cấp cứu và điều trị sản khoa, nhi khoa;
4. Tập trung làm giảm sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và TVM, TVTE giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng ưu tiên như phụ nữ nghèo, phụ nữ người dân tộc thiểu số, người di cư;
5. Lựa chọn các can thiệp phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, tôn trọng yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, huy động tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng;
6. Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ em trọn gói, thiết yếu và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng tuyến, đảm bảo tính đồng bộ giữa nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc thiết yếu;
7. Tăng cường tính sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ đi đôi với tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ của người dân thông qua truyền thông, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em;
8. Ổn định và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cấp theo hướng chuyên môn hóa. Triển khai các giải pháp hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương để tăng cường thu hút cán bộ y tế chuyên ngành sản khoa, nhi khoa làm việc lâu dài tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
9. Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin về sức khỏe bà mẹ-trẻ em, nâng cao chất lượng số liệu báo cáo thống kê và sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch và vận động nguồn lực, chính sách cho các mục tiêu về LMAT và CSSS;
10. Gắn kết chặt chẽ công tác LMAT/CSSS với các chương trình y tế liên quan như chương trình DS-KHHGĐ, HIV/AIDS, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em, tiêm chủng mở rộng, bác sỹ gia đình.
Cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em thông qua các giải pháp can thiệp và thực hiện các biện pháp dự phòng có hiệu quả, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn nhằm tiếp tục giảm sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ; góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em trong các Mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể 1: Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và TVM giữa các vùng miền.
TT |
Chỉ số |
Thực hiện 2015 |
Chỉ tiêu 2020 |
1 |
Tỷ số TVM/100.000 trẻ đẻ sống |
58,333 |
52 |
2 |
Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thời kỳ (%) |
90,8 (2014) |
92 |
|
Trong đó tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ |
- |
85 |
3 |
Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng đủ mũi vắc xin uốn ván (%) |
95,8 |
98 |
4 |
Tỷ lệ phụ nữ đẻ được CBYT đỡ (%) |
98,1 (2014) |
≥ 98 |
|
Trong đó do người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ (%) |
- |
80 |
5 |
Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (%) |
91,3 (2014) |
95 |
|
Trong đó trong tuần đầu |
80,6 |
85 |
6 |
Tỷ lệ phụ nữ trong nhóm tuổi từ 15-49 đang áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại (%) |
70 |
71,9 |
7 |
Tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai (%) |
32,8 |
28 |
8 |
Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV |
40 |
60 |
Mục tiêu cụ thể 2: Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, ưu tiên những vùng khó khăn/đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em giữa các vùng miền.
TT |
Chỉ số |
Thực hiện 2015 |
Chỉ tiêu 2020 |
1 |
Tỷ suất TVSS/1000 trẻ đẻ sống (‰) |
10 |
<10 |
2 |
Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi/1000 trẻ đẻ sống (‰) |
14,7 |
14 |
3 |
Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi/1000 trẻ đẻ sống (‰) |
22,1 |
20,4 |
4 |
Tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (%) |
24,3 |
30 |
5 |
Tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau đẻ (%) |
80 (2014) |
85 |
6 |
Tỷ lệ trẻ 0-24 tháng tuổi được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý (%) |
80 |
90 |
7 |
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi (%) |
24,6 |
21,8 |
8 |
Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi (%) |
14,1 |
12 |
9 |
Tỷ lệ trẻ 0-59 tháng tuổi nghi ngờ viêm phổi được điều trị bằng kháng sinh (%) |
88,2 (2014) |
95 |
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁC CAN THIỆP THIẾT YẾU
2.1. Đối tượng can thiệp
Đối tượng can thiệp của Kế hoạch này bao gồm:
- Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ trong thời gian mang thai, trong cuộc đẻ, sau đẻ, bà mẹ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ em đến hết 5 tuổi, người chăm sóc trẻ từ 0-24 tháng tuổi và cộng đồng. Ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc ít người.
- Cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực CSSKBMTE ở tất cả các tuyến, tập trung vào tuyến cơ sở.
- Cán bộ quản lý liên quan đến lĩnh vực CSSKBMTE ở tất cả các tuyến.
2.2. Các can thiệp thiết yếu
1. Chăm sóc trước khi mang thai (KHHGĐ, Quản lý thai, dinh dưỡng, tiêm chủng…).
2. Chăm sóc trong khi mang thai.
3. Chăm sóc trong và ngay sau sinh, bao gồm: chăm sóc thiết yếu sớm bà mẹ và trẻ sơ sinh; chăm sóc và điều trị sơ sinh đến đủ 28 ngày; chăm sóc bà mẹ sau sinh đến 42 ngày.
4. Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
5. Dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con.
6. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ từ 0-24 tháng tuổi (nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nuôi dưỡng trẻ nhỏ, bổ sung vitamin, vi chất…).
7. Lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, dự phòng, điều trị các bệnh thông thường ở trẻ nhỏ như tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, sốt xuất huyết, bệnh tay-chân- miệng, sốt rét - ở vùng sốt rét lưu hành…
8. Sàng lọc đánh giá sự phát triển về tâm thần và vận động nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển và rối nhiễu ở trẻ nhỏ.
9. Tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em.
3.1. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học, công nghệ
- Tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến xã, đặc biệt các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, vùng núi cao, nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu. Duy trì nguồn cung các thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, đặc biệt là các thuốc cấp cứu ở tuyến xã;
- Bổ sung đồng bộ trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, nâng cấp cơ sở vật chất, kết hợp với đào tạo cán bộ cho các bệnh viện đa khoa huyện có khó khăn về địa lý để có đủ khả năng cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa toàn diện và triển khai, duy trì hoạt động của đơn nguyên sơ sinh;
- Đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa tuyến trung ương, khu vực và tuyến tỉnh;
- Triển khai hiệu quả hệ thống bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa, nhi khoa theo Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế để nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh, từng bước giảm người bệnh chuyển tuyến trên và tăng tiếp nhận người bệnh từ tuyến trên về điều trị;
- Củng cố, nâng cấp hoặc xây mới, bổ sung trang thiết bị cho các Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh, thành phố, ưu tiên các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo để có thể thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao theo Thông tư số 59/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế;
- Cập nhật, tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất, các gói trang thiết bị, gói vật tư tiêu hao theo các nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các tuyến;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phù hợp trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, đồng thời đánh giá các mô hình, giải pháp can thiệp nhằm rút kinh nghiệm cho việc nhân rộng.
3.2. Nhóm giải pháp đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em
- Tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em từ ngân sách trung ương thông qua dự án hỗ trợ có mục tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời huy động thêm từ ngân sách địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh và chăm sóc trẻ nhỏ;
- Đổi mới cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán BHYT theo gói dịch vụ (bao gồm các gói: chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc khi mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong khi sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh cho đến 24 giờ sau sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ 24 giờ đến 42 ngày sau sinh và chăm sóc trẻ em từ 42 ngày sau sinh đến 6 tuổi);
- Đổi mới cơ chế chi trả, khuyến khích mở rộng triển khai các phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như chi trả, hỗ trợ tài chính dựa vào đầu ra (OBA) đối với cơ sở cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, cung cấp thẻ dịch vụ (voucher) cho người sử dụng dịch vụ;
- Nghiên cứu, xây dựng bổ sung chính sách về BHYT, đề xuất các quy định cải thiện chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.
3.3. Nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản/nhi-sơ sinh cho y tế các tuyến
Đối với các thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn:
- Tăng cường nhân lực chăm sóc hộ sinh cho các thôn bản vùng đặc biệt khó khăn (dân tộc, miền núi), đặc biệt thông qua mở rộng hình thức đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản, ưu tiên lựa chọn nữ nhân viên y tế thôn bản người dân tộc thiểu số để đào tạo thành cô đỡ thôn bản;
- Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số theo hướng được hưởng các đãi ngộ như y tế thôn bản.
Đối với tuyến xã:
- Bổ sung số lượng nhân lực sản, nhi thông qua việc tăng cường tuyển dụng, luân chuyển hộ sinh và đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng hộ sinh cho y sỹ của các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, ưu tiên các cơ sở có đỡ đẻ tại các vùng khó khăn về địa lý;
- Tăng cường đào tạo liên tục nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên y tế đang làm công tác đỡ đẻ theo hướng đạt được các tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng.
Đối với tuyến huyện:
- Bổ sung số lượng bác sỹ chuyên khoa thông qua thực hiện quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sỹ về công tác ở vùng sâu, vùng xa (chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh theo Quyết định 14/2013-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ), luân chuyển bác sỹ chuyên khoa sản, nhi; đào tạo bác sĩ đa khoa thành bác sỹ chuyên ngành sản, nhi, đặc biệt ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý;
- Tăng cường đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc, hoặc các hình thức phù hợp tại các cơ sở lâm sàng. Áp dụng phương thức đưa hộ sinh, điều dưỡng ở tuyến xã làm việc quay vòng ở bệnh viện huyện nhằm duy trì và tăng cường năng lực;
- Tăng cường đào tạo liên tục cho nhân viên y tế trực tiếp làm công tác đỡ đẻ theo hướng đạt được các tiêu chuẩn của người đỡ đẻ có kỹ năng, ưu tiên các huyện có khó khăn về địa lý;
- Chú trọng đào tạo cán bộ theo kíp đáp ứng yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật về cấp cứu, hồi sức sản khoa và chăm sóc sơ sinh (phẫu thuật cấp cứu sản khoa, hồi sức nội khoa trong sản khoa, truyền máu, chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức sơ sinh).
Đối với tuyến tỉnh và TW: Tăng cường bố trí nhân lực theo số giường bệnh, đặc biệt là nhân lực điều dưỡng và hộ sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.
3.4. Nhóm giải pháp tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ em
- Bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách về chăm sóc sức khoẻ sinh sản/sức khoẻ bà mẹ - trẻ em. Chú trọng sử dụng bằng chứng trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, đề xuất can thiệp phù hợp với điều kiện thực tế;
- Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khoẻ sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại các tuyến;
- Tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ … của các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân, y tế ngành;
- Củng cố, kiện toàn các đơn vị (trung tâm, phòng/bộ phận) đào tạo, chỉ đạo tuyến ở các bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, bệnh viện sản-nhi; Luân phiên, luân chuyển nhân viên y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới; Xây dựng, hoàn thiện quy trình và tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là cho bệnh viện tuyến huyện, đảm bảo bệnh viện tuyến dưới tự thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao;
- Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hành động giữa các ngành, các tổ chức liên quan, các địa phương, các đối tác phát triển trong nước và quốc tế trong việc triển khai các mô hình can thiệp có hiệu quả về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Xây dựng và áp dụng các tiêu chí chất lượng bệnh viện đối với các cơ sở khám chữa bệnh nói chung và cơ sở sản phụ khoa, nhi khoa nói riêng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
- Thúc đẩy nhanh việc triển khai hệ thống đăng ký, cấp chứng chỉ, cấp phép hoạt động nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa;
- Xây dựng và áp dụng hệ thống công nhận chất lượng đào tạo để đảm bảo các tiêu chuẩn về đào tạo và chất lượng đào tạo cán bộ y tế nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa và hộ sinh nói riêng;
- Rà soát, cập nhật, chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, đào tạo lại bác sỹ chuyên khoa sản, nhi (bao gồm cả chuyên khoa định hướng), hộ sinh, điều dưỡng nhi. Đổi mới phương thức đào tạo theo hướng đào tạo dựa trên năng lực (competency-based training), đào tạo lấy học viên làm trung tâm (student-centered learning), người đỡ đẻ có kỹ năng (SBA). Thể chế hóa chế độ đào tạo cập nhật thường xuyên bắt buộc cho cán bộ y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản về làm mẹ an toàn, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Xây dựng và thể chế hóa: (i) quy trình đào tạo và cấp chứng nhận giảng viên quốc gia, giảng viên cấp vùng, giảng viên tuyến tỉnh về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, (ii) quy trình về theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động đào tạo, giám sát sau đào tạo.
3.5. Nhóm giải pháp tăng cường truyền thông và tuyên truyền vận động
- Đẩy mạnh truyền thông vận động về tầm quan trọng của công tác làm mẹ an toàn và CSSS cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo và các đại biểu dân cử. Huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào vận động chính sách, nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi cho công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em;
- Tăng cường các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng về: (i) Kiến thức, thực hành tốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; (ii) Tính sẵn có và chất lượng của dịch vụ; (iii) Chế độ chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử. Ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác, sân khấu tương tác;
- Tiếp tục chú trọng truyền thông thay đổi hành vi thông qua đội ngũ truyền thông viên trực tiếp tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở cung cấp dịch vụ. Đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng, tăng cường kết nối giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ;
- Phối hợp với các ban/ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp nhằm đa dạng hoá các loại hình truyền thông đến các nhóm đối tượng ưu tiên;
- Truyền thông giáo dục y đức, nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ nhân viên Ngành Y tế;
3.6. Nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế
- Hoàn thiện bộ chỉ số, công cụ theo dõi, đánh giá về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản; huấn luyện/đào tạo cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng báo cáo;
- Cải thiện hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai các can thiệp về sức khỏe bà mẹ-trẻ em đặc biệt là về làm mẹ an toàn như: cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, giám sát và đáp ứng tử vong mẹ và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ;
- Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc thực hiện tin học hóa hệ thống gửi/nhận văn bản điện tử, hệ thống thống kê báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản;
- Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định tử vong mẹ, chuyển đổi cách tiếp cận từ “thẩm định” sang “giám sát và đáp ứng” theo hướng chú trọng hơn vào thông tin phản hồi và đáp ứng kịp thời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hướng tới việc triển khai thường quy về giám sát và đáp ứng tử vong mẹ. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định tử vong mẹ ở trung ương và Ban thẩm định tử vong mẹ ở các địa phương. Bước đầu nghiên cứu áp dụng thẩm định tử vong sơ sinh;
- Tiến hành các cuộc khảo sát thực trạng mạng lưới, điều tra định kỳ về tình hình sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, tử vong mẹ, tử vong trẻ em nhằm cung cấp số liệu cho công tác lập kế hoạch, quy hoạch, truyền thông vận động và xây dựng chính sách;
- Triển khai khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin
(telemedicine) nhằm trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới tại các cơ sở y tế;
- Đào tạo cán bộ y tế cơ sở về ứng dụng và tư vấn cho bệnh nhân sử dụng một số phần mềm tự theo dõi sức khỏe, phát hiện nguy cơ bằng điện thoại di động, máy tính (mHealth, eHealth).
3.7. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, chú trọng phát triển các dịch vụ chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ
- Xây dựng, ban hành các quy định về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn, kỹ thuật bảo đảm nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kỹ thuật ở tuyến dưới đồng thời hạn chế tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết;
- Xây dựng và rà soát cập nhật các hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là về cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ để phổ biến áp dụng trong các cơ sở y tế;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ theo phân cấp kỹ thuật, kết hợp với ưu tiên xây dựng và hỗ trợ hệ thống chuyển tuyến thích hợp. Đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản thiết yếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở: Đảm bảo thực hiện chăm sóc sản khoa và sơ sinh thiết yếu cơ bản ở các trạm y tế ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở khu vực thành thị hoặc gần cơ sở y tế tuyến trên tập trung vào các dịch vụ dự phòng như: quản lý thai, chăm sóc sau sinh, phòng chống các bệnh mạn tính không lây ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai; tiêm chủng, sàng lọc phát hiện các trường hợp chậm phát triển tâm thần, vận động ở trẻ em, tư vấn tuyền thông, giáo dục sức khỏe…
+ Ở tuyến huyện, tập trung tăng cường các dịch vụ cấp cứu sản khoa, nhi khoa, các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình lâm sàng, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã bằng nhiều hình thức bao gồm cả đội lưu động.
+ Tuyến tỉnh tập trung tăng cường các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán ung thư, chẩn đoán và điều trị vô sinh, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và xã.
+ Tuyến trung ương tập trung tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho tuyến tỉnh;
- Thực hiện đúng quy trình khám thai, theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời. Thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (ENC, EENC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết. Thực hiện nghiêm quy định kiểm soát nhiễm khuẩn;
- Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng;
- Từng bước triển khai việc sàng lọc đánh giá sự phát triển toàn diện nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển hoặc rối loạn ở trẻ nhỏ về: vận động, nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp, khiếm thính, khiếm thị...;
- Tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi, hồi sức cấp cứu và các chuyên khoa khác có liên quan (lây nhiễm, tim mạch, nội tiết, dinh dưỡng) trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ. Đối với các trẻ sơ sinh có nguy cơ: đẻ non, đẻ thiếu cân..., các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hồi sức cấp cứu;
- Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo theo kíp, theo địa chỉ, theo nhu cầu. Chú trọng nâng cao kỹ năng tư vấn và giáo dục cho cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dự phòng và phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản;
- Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản với phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm từ cha mẹ sang con, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;
- Mở rộng áp dụng các cách tiếp cận mới trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản: cung cấp dịch vụ theo gói dịch vụ, thực hiện hình thức nhượng quyền xã hội, chi trả trước (pre-payments), chi trả theo kết quả đầu ra (OBA) trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhằm đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sự hài lòng cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ của khách hàng;
- Nhân rộng các mô hình/can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả cao như chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh liên tục từ gia đình, cộng đồng đến cơ sở y tế; chuyển tuyến dựa vào cộng đồng; đội cấp cứu, phẫu thuật lưu động; chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (KMC); duy trì, mở rộng mô hình đơn nguyên sơ sinh tại bệnh viện huyện; giúp trẻ thở; ổn định trẻ sơ sinh; Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh; đẩy mạnh triển khai đồng bộ các thành tố của chiến lược lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) bao gồm cả nội dung chăm sóc trẻ nhỏ từ 0-7 ngày tuổi; Mô hình “Tình Chị em”
IV. CÁC KẾT QUẢ VÀ ĐẦU RA MONG ĐỢI
Kết quả mong đợi 1: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu được đảm bảo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng tăng của các đối tượng bà mẹ, trẻ em
Đầu ra 1.1: Khảo sát về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện chuyển tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa, nhi khoa để xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cần được cung cấp.
Chỉ báo: 01 cuộc khảo sát được thực hiện.
Đầu ra 1.2 Cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Chỉ báo:
- Ít nhất 95% TYT xã đỡ đẻ có phòng đẻ riêng hoặc bố trí nơi đẻ đảm bảo tiêu chí về phòng đẻ (nơi đẻ) theo quy định.
- Ít nhất 80% TYT xã đỡ đẻ có đầy đủ hoặc tương đối đủ thuốc và trang thiết bị, vật tư tiêu hao thiết yếu34 về CSSKSS theo danh mục quy định.
- Ít nhất 50% BVĐK huyện có đơn nguyên sơ sinh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế (đối với các huyện thuộc vùng khó khăn về địa lý là 60%).
Kết quả mong đợi 2: Tài chính cho chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ được đảm bảo
Đầu ra 2.1. Nguồn lực cho công tác LMAT, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh được đảm bảo tối thiểu ở mức 4USD/phụ nữ có thai/năm và được phân bổ hợp lý, ưu tiên các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đầu ra 2.2. Tăng cường ngân sách địa phương đầu tư cho công tác LMAT, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh.
Chỉ báo:
- 100% tỉnh/TP có hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác LMAT, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Đầu ra 2.3. Tăng cường ngân sách hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho công tác LMAT, CSSS, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ Chỉ báo:
- 100% các can thiệp thiết yếu về sản khoa, sơ sinh được hỗ trợ thực hiện bởi các tổ chức, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế.
Đầu ra 2.4: Thực hiện thanh toán BHYT theo gói dịch vụ: chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc thời kỳ mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong khi sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh cho đến 24 giờ sau sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ 24 giờ đến 42 ngày sau sinh và chăm sóc trẻ em từ 42 ngày sau sinh đến 6 tuổi.
Chỉ báo: BHYT thực hiện thanh toán theo gói dịch vụ đối với khám thai và sinh thường.
Đầu ra 2.5: Triển khai thí điểm các phương thức chi trả nhằm tăng tính tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: chi trả, hỗ trợ tài chính dựa vào đầu ra (OBA) đối với cơ sở cung cấp dịch vụ và hỗ trợ, cung cấp thẻ dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ.
Kết quả mong đợi 3: Nhân lực sản/nhi ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở ở các vùng khó khăn được cải thiện cơ bản
Đầu ra 3.1: Khảo sát, đánh giá năng lực, trình độ, cơ cấu, nhu cầu đào tạo các loại hình nhân viên y tế chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa tại các tuyến y tế để có kế hoạch đào tạo, huấn luyện phù hợp.
Chỉ báo: 01 cuộc khảo sát được thực hiện.
Đầu ra 3.2. Tăng cường Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế ban hành..
Chỉ báo: Ít nhất 13% thôn bản vùng đặc biệt khó khăn có cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo
Đầu ra 3.3. Chính sách đãi ngộ và sử dụng CBYT trực tiếp làm công tác đỡ đẻ được thực hiện ở các vùng khó khăn.
Chỉ báo: 100% số tỉnh có cô đỡ thôn bản hoạt động thực hiện chế độ hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương.
Đầu ra 3.4. Tăng cường đội ngũ hộ sinh tại TYT xã Chỉ báo:
- 100 % TYT xã ở vùng đồng bằng có hộ sinh hoặc YSSN, trong đó trên 90% hộ sinh có trình độ cử nhân trở lên.
- Ít nhất 95% TYT xã ở các huyện khó khăn về địa lý có hộ sinh/YSSN.
Đầu ra 3.5. Đảm bảo số lượng nhân lực chuyên ngành sản, nhi cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện
Chỉ báo:
- Tại mỗi bệnh viện huyện có ít nhất 02 bác sỹ chuyên khoa phụ sản từ định hướng trở lên (trong đó có ít nhất 1 chuyên khoa cấp 1) và 02 bác sỹ chuyên khoa nhi từ định hướng trở lên (trong đó có ít nhất 1 chuyên khoa cấp 1).
- 100% số điều dưỡng/hộ sinh tại khoa sản, khoa nhi bệnh viện đa khoa tuyến huyện có trình độ cao đẳng trở lên.
Đầu ra 3.6. Tăng cường đội ngũ nhân viên y tế đạt được các kỹ năng của NĐĐCKN (bao gồm cả CSSS sớm thiết yếu) tại các tuyến Chỉ báo:
- 95% CBYT BYT tại các cơ sở tuyến tỉnh trực tiếp làm công tác đỡ đẻ đạt được các kỹ năng của NĐĐKN theo quy định của trong đó khu vực đồng bằng đạt 100% và 90% ở khu vực miền núi.
- 80% CBYT trực tiếp làm công tác đỡ đẻ tại các cơ sở tuyến huyện đạt được các kỹ năng của NĐĐKN theo quy định của BYT trong đó khu vực đồng bằng đạt 90% và 70 % khu vực miền núi.
- 70% CBYT tại TYT xã/PKĐKKV trực tiếp làm công tác đỡ đẻ đạt được các kỹ năng của NĐĐKN theo quy định của BYT trong đó đồng bằng đạt 80%; miền núi: 60%.
Đầu ra 3.7. Chương trình đào tạo chính quy cho bác sỹ đa khoa (nội dung sản khoa, nhi khoa), hộ sinh đại học được cập nhật, xây dựng mới và ban hành để đạt được các kỹ năng của NĐĐKN.
Đầu ra 3.8. Các chương trình đào tạo liên tục cho CBYT trực tiếp làm công tác đỡ đẻ nhằm đạt được các kỹ năng của NĐĐKN (BSĐK, hộ sinh trung cấp, y sỹ đa khoa, y sỹ sản nhi) được ban hành.
Đầu ra 3.9. Các chương trình đào tạo liên tục theo yêu cầu của các gói dịch vụ được bổ sung, cập nhật: Chương trình đào tạo phẫu thuật mổ cấp cứu sản khoa (bao gồm cả gây mê hồi sức), đào tạo về hồi sức nội khoa, truyền máu an toàn, đào tạo về chăm sóc, điều trị sơ sinh nhẹ cân, non tháng, sơ sinh bệnh lý tại đơn nguyên sơ sinh…
Đầu ra 3.10. Hướng dẫn triển khai, chương trình và tài liệu đào tạo về chăm sóc kangaroo (KMC) bao gồm cả mổ đẻ được xây dựng và ban hành.
Đầu ra 3.11. Tăng cường đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh về LMAT và CSSS
Chỉ báo:
- 100% tỉnh/ thành phố có đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đủ năng lực để thực hiện các hoạt động đào tạo về LMAT và CSSS theo nhu cầu của địa phương.
Đầu ra 3.12. Tăng cường năng lực đào tạo về LMAT và CSSS cho các Trung tâm CSSKSS tỉnh/thành phố
Chỉ báo: Ít nhất 50% Trung tâm CSSKSS tỉnh đạt tiêu chuẩn là cơ sở đào tạo liên tục về CSSKSS theo chuẩn của Bộ Y tế ban hành.
Kết quả mong đợi 4: Năng lực quản lý/quản trị công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nâng cao
Đầu ra 4.1. Các chính sách, quy trình, hướng dẫn chuyên môn cần thiết cho lĩnh vực LMAT/CSSS, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ được xây dựng và cập nhật.
Đầu ra 4.2. Tăng cường năng lực cho các tỉnh về công tác lập kế hoạch
Chỉ báo:
- 100% các tỉnh, thành phố có kế hoạch hành động về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch hoạt động hàng năm được phê duyệt.
Đầu ra 4.3. Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ CSSKSS
Chỉ báo:
- Xây dựng bộ công cụ giám sát chất lượng dịch vụ về LMAT và chăm sóc sơ sinh.
- 100% các huyện được tỉnh giám sát hỗ trợ kỹ thuật về thực hiện các dịch vụ CSSKSS.
- Tại các tỉnh có trên 200 xã, ít nhất 20% số xã (nếu là tỉnh đồng bằng) và ít nhất 5% số xã (nếu là tỉnh miền núi) được tuyến tỉnh giám sát hỗ trợ kỹ thuật hàng năm về thực hiện các dịch vụ CSSKSS.
- Tại các tỉnh có dưới 200 xã, ít nhất 40% số xã (nếu là tỉnh đồng bằng) và ít nhất 15% số xã (nếu là tỉnh miền núi) được tuyến tỉnh giám sát hỗ trợ kỹ thuật hàng năm về thực hiện các dịch vụ CSSKSS.
Đầu ra 4.4. Các phát hiện thu được từ các chuyến giám sát hỗ trợ được sử dụng trong công tác điều hành, quản lý.
Đầu ra 4.5. Sự phối hợp hành động giữa các tổ chức, các nhà tài trợ, các chương trình, dự án hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em được tăng cường
Đầu ra 4.6. Các chỉ số đầu ra của KHHĐ quốc gia về CSSKBM, TSS và trẻ nhỏ được đánh giá.
Kết quả mong đợi 5: Nhận thức, thái độ của người dân trong cộng đồng và lãnh đạo các cấp được cải thiện, từ đó thay đổi hành vi và tăng cường sự ủng hộ đối với công tác LMAT và CSSS, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ
Đầu ra 5.1. Tăng cường sự ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp, các đại biểu dân cử, các nhà hoạch định chính sách, những người có uy tín trong cộng đồng đối với công tác CSSKBM, TSS và trẻ nhỏ.
Chỉ báo:
- 80% cán bộ Lãnh đạo Đảng, Chính quyền, đoàn thể các cấp, các đại biểu dân cử được tiếp cận tới các thông tin về Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020 của quốc gia và của địa phương, 50% nắm được các mục tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của quốc gia và của địa phương.
Đầu ra 5.2. Tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc bà mẹ trước, trong, sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, KHHGĐ và phòng tránh có thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn.
Chỉ báo:
- 90% phụ nữ tuổi sinh đẻ ở khu vực miền núi biết ít nhất một dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ có thai, 80%-85% biết ít nhất một dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ đang chuyển dạ, 80%-85% biết ít nhất một dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ sau sinh, 90% biết ít nhất một dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
- 80% bà mẹ và người chăm sóc trẻ biết các thực hành chăm sóc trẻ tại nhà và biết ít nhất 2 dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
- 95% bà mẹ biết cần cho trẻ bú sớm trong giờ đầu sau đẻ và cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- 100% phụ nữ khu vực nghèo người dân tộc thiểu số sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi đến cơ sở y tế để tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em.
Đầu ra 5.3. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe BM-TE, sức khỏe sinh sản.
Chỉ báo:
- 70% các cơ quan truyền thông đại chúng có tham gia vào công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.
- 80% các phóng viên chuyên viết về y tế của trung ương và địa phương nắm được các mục tiêu về sức khỏe bà mẹ trẻ em của Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 20162020 và các định hướng can thiệp chủ yếu của Ngành Y tế.
Đầu ra 5.4: Tăng cường sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Chỉ báo:
- 100% các đoàn thể bao gồm Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn lao động các cấp có kế hoạch cụ thể nhằm tham gia thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020.
Đầu ra 5.5: Nâng cao ý thức tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ nhân viên Ngành Y tế;
Chỉ báo:
- 100% cơ sở y tế thực hiện quy định của Bộ Y tế về đổi mới phong cách phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh;
- 100% cán bộ, nhân viên y tế có tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản được đào tạo về thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp.
- 100% nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản được đào tạo kỹ năng và tham gia thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản tại hộ gia đình.
Kết quả mong đợi 6: Hệ thống thông tin, báo cáo thống kê về sức khoẻ sinh sản/sức khỏe bà mẹ-trẻ em được cải thiện
Đầu ra 6.1. Bộ chỉ số theo dõi về sức khoẻ bà mẹ, trẻ em phản ánh kết quả thực hiện Chiến lược DS/SKSS Việt Nam và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về sức khỏe bà mẹ, trẻ em được áp dụng và cập nhật thường xuyên trong hệ thống y tế.
Đầu ra 6.2. Thực hiện tin học hóa hệ thống thống kê báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản.
Đầu ra 6.3 Cơ sở dữ liệu cơ bản của mạng lưới CSSKSS/SKBMTE toàn quốc và 63 tỉnh/TP được xây dựng và cập nhật thường xuyên.
Đầu ra 6.4. Hệ thống sổ sách, báo cáo có ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trên toàn quốc
Chỉ báo:
- 100% cơ sở dịch vụ CSSKSS triển khai hệ thống sổ sách, biểu mẫu báo cáo thống kê theo quy định
- 100% cơ sở dịch vụ CSSKSS tuyến huyện trở lên triển khai hệ thống phần mềm báo cáo theo quy định.
Đầu ra 6.5. Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định TVM, chuyển đổi cách tiếp cận từ “thẩm định” sang “giám sát và đáp ứng” theo hướng chú trọng hơn vào thông tin phản hồi và đáp ứng kịp thời
Chỉ báo:
- 100% các địa phương thực hiện thường quy và có hiệu quả hoạt động giám sát TVM và đáp ứng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Ít nhất 85% số ca TVM trên toàn quốc được thẩm định.
- Một năm 2 lần có báo cáo phản hồi của Hội đồng thẩm định trung ương cho địa phương
Đầu ra 6.6. Hệ thống giám sát bệnh tật và TVM được thí điểm tại một số tỉnh có tỷ số TVM cao so với chỉ số quốc gia.
Đầu ra 6.7. Các chỉ số tử vong bà mẹ, TVTE được theo dõi, cập nhật thường xuyên
Đầu ra 6.8. Tiến hành điều tra định kỳ về tình hình sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, TVM, TVTE nhằm cung cấp số liệu cho công tác lập kế hoạch, quy hoạch, truyền thông vận động và xây dựng chính sách
Chỉ báo: 01 cuộc nghiên cứu điều tra quy mô quốc gia về TVM và TVSS được thực hiện.
Đầu ra 6.9. Triển khai thí điểm áp dụng công nghệ thông tin mHealth trong chăm sóc và theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở một số địa phương.
Đầu ra 6.10. Triển khai đồng bộ hệ thống gửi/nhận văn bản trên hệ thống Voffice giữa Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em và Trung tâm CSSKSS các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ báo: 100% Trung tâm CSSKSS các tỉnh/thành phố triển khai ứng dụng hệ thống gửi/nhận văn bản Voffice ổn định, thường xuyên.
Kết quả mong đợi 7: Nâng cao tính sẵn có, chất lượng và sự tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh
A. Tại cộng đồng:
Đầu ra 7.1.Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tại cộng đồng
Chỉ báo:
- Thực hiện truyền thông, tư vấn về KHHGĐ, vận động khám thai, đăng ký quản lý thai, theo dõi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời gian mang thai, sau sinh và trẻ sơ sinh trong 42 ngày sau đẻ, chăm sóc các bệnh thông thường ở trẻ nhỏ, phát hiện các dấu hiệu bất thường ở bà mẹ và trẻ sơ sinh và chuyển tuyến kịp thời.
- Triển khai thí điểm hướng dẫn cha mẹ biết cách theo dõi đánh giá sự phát triển về thể chất, tinh thần và vận động nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển và rối nhiễu ở trẻ nhỏ.
Đầu ra 7.2. Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh và CSSS ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Chỉ báo:
- 100% Cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo, đang hoạt động thực hiện đầy đủ các hoạt động chăm sóc trước, trong và sau sinh và CSSS tại địa bàn phụ trách theo Hướng dẫn Quốc gia và phân tuyến kỹ thuật.
Đầu ra 7.3. Tăng cường công tác chuyển tuyến dựa vào cộng đồng ở các vùng đặc biệt khó khăn
Chỉ báo: Ít nhất 10% thôn bản vùng đặc biệt khó khăn có nhóm chuyển tuyến dựa vào cộng đồng hoạt động hiệu quả.
B. Tuyến xã:
Đầu ra 7.4. Tăng cường cung cấp các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng tại TYT xã
Chỉ báo: Ít nhất 90 % TYT xã có cung cấp tối thiểu 3 biện pháp tránh thai hiện đại (bao cao su, dụng cụ tử cung, thuốc uống/thuốc tiêm tránh thai).
Đầu ra 7.5. Tăng cường cung cấp gói dịch vụ chăm sóc trước đẻ tại các TYT xã.
Chỉ báo:
- 90% TYT xã có cung cấp viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất, 80% TYT thực hiện xét nghiệm protein niệu cho phụ nữ có thai.
- 100% TYT xã có tư vấn xét nghiệm HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ có thai.
Đầu ra 7.6. Tăng cường cung cấp gói dịch vụ chăm sóc trong và ngay sau đẻ, bao gồm cả cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản35 và chăm sóc, hồi sức sơ sinh cơ bản (theo Hướng dẫn triển khai chăm sóc sản khoa và sơ sinh thiết yếu) tại TYT xã
Chỉ báo:
- 100 % TYT xã có đỡ đẻ và ít nhất 80% ở các huyện có khó khăn về địa lý cung cấp đầy đủ các kỹ thuật cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản áp dụng cho tuyến xã. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết.
- 100% TYT có đỡ đẻ thực hiện hồi sức sơ sinh cơ bản. Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết.
- Ít nhất 90% TYT xã có đỡ đẻ thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (EENC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đầu ra 7.7. Tăng cường cung cấp gói dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh sau đẻ và nuôi dưỡng chăm sóc trẻ nhỏ tại TYT xã
Chỉ báo:
- 100% TYT xã có đỡ đẻ có góc sơ sinh theo Hướng dẫn tổ chức thực hiện đơn nguyên sơ sinh và góc sơ sinh tại các tuyến y tế do Bộ Y tế ban hành.
- 100% TYT xã có đỡ đẻ cho trẻ sơ sinh tiêm Vitamin K1 ngay sau đẻ.
- Ít nhất 80% TYT được đào tạo về xử trí, chăm sóc các bệnh thông thường ở trẻ nhỏ.
- Ít nhất 80% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức về nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
- Ít nhất 30% TYT được tập huấn về sàng lọc đánh giá sự phát triển về thể chất, tinh thần và vận động nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển và rối nhiễu ở trẻ nhỏ.
Đầu ra 7.8. Tăng cường sự sẵn có, chất lượng của dịch vụ phá thai an toàn tại các cơ sở y tế tuyến xã
Chỉ báo:
- Ít nhất 60% TYT có cung cấp dịch vụ phá thai an toàn đến hết 7 tuần tuổi thai bằng phương pháp hút chân không.
- Ít nhất 80% PKĐKKV có cung cấp dịch vụ phá thai an toàn đến hết 7 tuần tuổi thai bằng phương pháp hút chân không.
C. Tuyến huyện:
Đầu ra 7.9. Cải thiện chất lượng chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ
Chỉ báo:
- 100% BVĐK huyện thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (ENC, EENC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tăng tỷ lệ BVĐK huyện thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh lên 50% so với năm 2015.
Đầu ra 7.10. Tăng cường năng lực cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện tại các BVĐK ở các huyện khó khăn về địa lý
Chỉ báo:
- Ít nhất 85% BVĐK huyện khó khăn về địa lý cung cấp được gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện (bao gồm mổ lấy thai và truyền máu).
Đầu ra 7.11. Tăng cường cung cấp gói dịch vụ chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại BVĐK huyện
Chỉ báo:
- Ít nhất 70% BVĐK huyện có đơn nguyên sơ sinh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế ( riêng đối với các huyện thuộc vùng khó khăn về địa lý là 80%).
- 100% BVĐK huyện triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau đẻ.
- Ít nhất 80% BVĐK huyện được đào tạo về lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, chăm sóc Kangaroo và tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
- Ít nhất 70% BVĐK huyện triển khai thực hiện lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, chăm sóc Kangaroo và tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
- Ít nhất 50% BVĐK huyện được đào tạo về sàng lọc đánh giá sự phát triển về tâm thần và vận động nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển và rối nhiễu ở trẻ nhỏ.
Đầu ra 7.12. Tăng cường cung cấp dịch vụ phá thai an toàn tại các cơ sở y tế tuyến huyện.
Chỉ báo:
- 100% BVĐK huyện có thể thực hiện phá thai an toàn bằng bơm hút chân không đến hết 12 tuần tuổi thai.
- Ít nhất 80% BVĐK huyện thực hiện phá thai bằng thuốc đến hết 8 tuần tuổi thai.
Đầu ra 7.13. Tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ cấp cứu và vận chuyển cấp cứu cho các BVĐK huyện vùng khó khăn
Chỉ báo:
- 100% BVĐK huyện ở các vùng khó khăn về địa lý cung cấp dịch vụ cấp cứu và vận chuyển cấp cứu sản khoa và sơ sinh lưu động hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết.
Đầu ra 7.14. Tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ lưu động của Khoa/Đội CSSKSS thuộc TTYT các huyện vùng khó khăn.
Chỉ báo:
- 100% Khoa/Đội CSSKSS thuộc TTYT ở các huyện có khó khăn về địa lý có đội cung cấp các dịch vụ CSSKSS lưu động tới vùng cao, vùng sâu theo chức năng nhiệm vụ.
Đầu ra 7.15. Tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị tuyến huyện cho cho các TYT xã, PKĐKKV và phòng khám tư nhân
Chỉ báo:
- 100% TTYT huyện, BVĐK huyện tham gia giám sát hỗ trợ kỹ thuật định kỳ cho TYT xã, PKĐKKV và phòng khám tư nhân nhằm thực hiện đúng HDQG về các dịch vụ CSSKSS.
- 100% số xã trong huyện được Khoa/Đội CSSKSS thực hiện giám sát hỗ trợ kỹ thuật trong năm.
Đầu ra 7.16. Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc SKSS với phòng chống HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục Chỉ báo:
- 100% TTYT/BVĐK huyện thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV, Giang mai, Viêm gan B.
- Ít nhất 60% TTYT/BVĐK huyện thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV, Giang mai, Viêm gan B cho phụ nữ có thai.
D. Tuyến tỉnh
Đầu ra 7.17. Cải thiện chất lượng chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ
Chỉ báo:
- 100% BVĐK tỉnh/bệnh viện khu vực có đỡ đẻ, bệnh viện phụ sản, bệnh viện sản nhi tỉnh thực hiện thường quy chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ (ENC, EENC) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bảo đảm cấp cứu, chuyển tuyến an toàn, kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong các trường hợp cần thiết.
- Ít nhất 95% BVĐK tỉnh/ bệnh viện khu vực có đỡ đẻ, bệnh viện phụ sản, bệnh viện sản nhi tỉnh thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Đầu ra 7.18. Tăng cường khả năng chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức sơ sinh và chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại bệnh viện tuyến tỉnh Chỉ báo:
- 100% BVĐK tỉnh/bệnh viện khu vực có khoa/đơn nguyên sơ sinh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế.
- 100% BVĐK tỉnh/bệnh viện khu vực có đỡ đẻ triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau đẻ.
- 100% BVĐK tỉnh/bệnh viện khu vực có đỡ đẻ được đào tạo và triển khai thực hiện lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh, chăm sóc Kangaroo và tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
- Ít nhất 80% BVĐK tỉnh/bệnh viện khu vực được tập huấn về sàng lọc đánh giá sự phát triển về thể chất, tinh thần và vận động nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trạng thái chậm phát triển và rối nhiễu (tăng động, tự kỷ, rối loạn tâm lý) ở trẻ nhỏ.
Đầu ra 7.19. Tăng cường năng lực cấp cứu lưu động về sản khoa và sơ sinh cho các bệnh viện tuyến tỉnh
Chỉ báo:
- 100% BVĐK tỉnh/khu vực, bệnh viện Nhi, bệnh viện Phụ sản, bệnh viện sản nhi tỉnh có đội lưu động sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật về phẫu thuật, cấp cứu sản khoa và sơ sinh cho tuyến dưới.
Đầu ra 7.20. Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc SKSS với phòng chống HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
Chỉ báo:
- 100% Trung tâm CSSKSS/bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV, Giang mai, Viêm gan B cho phụ nữ có thai.
- Ít nhất 90% Trung tâm CSSKSS/bệnh viện tuyến tỉnh huyện thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, viêm gan B cho phụ nữ có thai.
- Ít nhất 90% BVĐK tỉnh/bệnh viện phụ sản, bệnh viện sản nhi tuyến tỉnh thực hiện điều trị lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ cha mẹ sang con.
Đầu ra 7.21. Tăng cường giám sát hỗ trợ kỹ thuật của các đơn vị tuyến trên cho tuyến dưới
Chỉ báo:
- 100% số tỉnh được các bệnh viện chỉ đạo tuyến Trung ương giám sát hỗ trợ kỹ thuật ít nhất 1 lần trong năm.
- 100% số huyện, ít nhất 30% xã được Trung tâm CSSKSS tỉnh/ khoa sản bệnh viện tỉnh thực hiện giám sát hỗ trợ kỹ thuật trong năm.
5.1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động
a) Ban chỉ đạo ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban thường trực, ủy viên Ban Chỉ đạo gồm có lãnh đạo các Vụ, Cục, Bệnh viện, Viện có liên quan;
b) Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban thường trực, ủy viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ sở có liên quan.
5.2. Phân công trách nhiệm thực hiện
a) Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em: Chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức triển khai, theo dõi, điều phối các hoạt động của kế hoạch;
b) Vụ Kế hoạch - Tài chính: Chịu trách nhiệm huy động và điều phối các nguồn lực của Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch;
c) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật, nội dung hoạt động trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em cũng như tổ chức đào tạo về chăm sóc sản khoa, sơ sinh thiết yếu cho mạng lưới bác sỹ gia đình;
d) Vụ Bảo hiểm y tế: Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các gói chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện việc chi trả bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
đ) Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo: Chịu trách nhiệm rà soát, bổ sung, thẩm định các chương trình tài liệu đào tạo mới và đào tạo liên tục về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; chủ trì xây dựng, rà soát, bổ sung và hoàn thiện nội dung chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo bác sỹ chuyên khoa, chuyên khoa định hướng sản phụ khoa, nhi khoa, đào tạo hộ sinh, điều dưỡng nhi nhằm tăng cường nguồn nhân lực sản, nhi cho các tuyến. Phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng các hướng dẫn về nghiên cứu, điều tra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
e) Vụ Tổ chức - Cán bộ: Chịu trách nhiệm hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em, hoàn thiện và bổ sung chính sách nhằm tăng cường đào tạo, tuyển dụng, khuyến khích sử dụng đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành sản, nhi (bao gồm cả cô đỡ thôn bản) tại tuyến cơ sở ở các vùng khó khăn;
g) Cục Công nghệ thông tin: Phối hợp cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản; đề xuất nâng cấp và áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản.
h) Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng: Phối hợp với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em xây dựng kế hoạch truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; chủ trì và phối hợp với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em tổ chức cung cấp thông tin định hướng dư luận, nâng cao y đức và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện;
i) Đề nghị các đoàn thể, các hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong công tác tuyên truyền vận động nhằm tăng cường sự ủng hộ về chính sách và nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em đồng thời tích cực tham gia công tác truyền thông - giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em;
k) Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa, Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành cho cán bộ y tế trong lĩnh vực CSSKBMTE và liên quan về lĩnh vực chuyên môn được giao như: cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc, cấp cứu, hồi sức sơ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhỏ, tiêm chủng phòng bệnh, lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh. Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và nhi khoa chủ động triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên khoa sản và chuyên khoa nhi theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 774/BYT-QĐ ngày 11 tháng 3 năm 2013;
l) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Căn cứ vào nhu cầu công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em của địa phương cũng như điều kiện về nguồn lực, xây dựng kế hoạch hành động trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt. Huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế.
1 |
Tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2015 - 2020 |
1.500 tỷ đồng |
|
trong đó: |
|
2 |
Nguồn Chương trình Mục tiêu về y tế - Dân số (Dự án CSSKSS), |
|
2.1 |
Vốn thường xuyên ngân sách Trung ương |
150 tỷ đồng |
2.2 |
Vốn đầu tư cho các TTCSSKSS tỉnh |
50 tỷ đồng |
3 |
Nguồn từ các chương trình, dự án khác của Chính phủ (trái phiếu Chính phủ, các Chương trình DS-KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS…) |
100 tỷ đồng |
4 |
Nguồn từ viện trợ phát triển chính thức (ODA, vốn vay hỗ trợ theo dự án, chương trình, ngân sách) |
750 tỷ đồng |
5 |
Nguồn ngân sách địa phương |
200 tỷ đồng |
6 |
Cần vận động thêm từ các đối tác phát triển (các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế) |
250 tỷ đồng |
1 Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt nam 2009-Mức sinh và mức chết ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những sự khác biệt. 2001, Hà Nội
2 Bộ Y tế. Điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở Việt Nam 2006-2007. 2009, Hà Nội
3 Trends in Maternal mortality: 1990 to 2015 - Estimates by WHO, UNICEF, UNFPA, World Bank Group and the United Nations Population Division
4 Bộ Y tế, Vụ SKBMTE. Báo cáo thẩm định tử vong mẹ 2012
5 Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe sinh sản. Tử vong mẹ ở Việt Nam. Nhà xuất bản y học, 2004
6 Bộ Y tế, Vụ SKBMTE. Số liệu TĐTVM năm 2014
7 DA Hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ Y tế. Điều tra TVM,TVSS tại 7 tỉnh MNPB 2013-2014 (Dự thảo)
8 Bộ Kế hoạch Đầu tư Tổng cục Thống kê. Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam. 2015, Hà Nội
9 Vụ SKBMTE, Bộ Y tế. Báo cáo tổng kết CTCSKSSS năm 2014
10 Tổng cục Thống kê. Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ 2014. Hà Nội, 2015
11 Cục Phòng, Chống HIV/AIDS. Báo cáo tổng kết công tác phòngchống HIV/ADIS năm 2013, phương hướng 2014
12 Viện Dinh dưỡng. Tổng điều tra dinh dưỡng 2010
13 Viện Dinh dưỡng. Điều tra quốc gia vể vi chất dinh dưỡng 2014-2015
14 Liu et all.2015. Global, regional and national causes ò child mortality in 2000-2013 with projctions to inform post-2015 priorities.Lancet
15 WHO, UNICEF.2014. Every Newborn:an action plan to end preventable death: Executive summary.
Geneva: World Health Organization
16 Viện Dinh dưỡng. Điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm.
17 Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Số liệu điều tra năm 2015.
18 Viện Dinh dưỡng. Điều tra quốc gia vể vi chất dinh dưỡng 2014-2015
19 Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Tổng điều tra dinh dưỡng - 2010
20 Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Tổng điều tra dinh dưỡng - 2010
21 A & T, 2012
22 Viện Dinh dưỡng, 2010
23 Sethuraman, 2011
24 Vụ SKBMTE,Bộ Y tế. Báo cáo khảo sát mạng lưới CSSKSS năm 2013
25 Báo cáo JAHR 2014
26 Vụ SKMBTE, Bộ Y tế. Báo cáo khảo sát thực trạng, khả năng cung cấp dịch vụ và chất lượng thực hành chăm sóc cấp cứu sản khoa và sơ sinh tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện 2014
27 Theo Quyết định số 5380/QĐ-BYT ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế
28 Theo Quyết định số 488/QĐ-BYT ngày 9/2/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế
29 Báo cáo đánh giá triển khai thực hiện KHHĐ CSSKSS tập trung vào LMAT và CSSS giai đoạn 2011-2015 (Dự thảo)
30 Báo cáo kết quả điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở Việt Nam 2006-2007. Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế 2010.
31 Báo cáo kết quả điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở Việt Nam 2006-2007. Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế 2010.
32 Báo cáo JAHR 2010
33 ước tính 2015
34 TYT xã có tương đối đủ thuốc và trang thiết bị thiết yếu: được hiểu là đảm bảo ít nhất70% nhu cầu thuốc và trang thiết bị thiết yếu TTB trở lên (Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020, ban hành theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014)
35 Cấp cứu sản khoa thiết yếu cơ bản bao gồm: Tiêm/truyền kháng sinh, tiêm/truyền thuốc co tử cung sau đẻ, tiêm truyền thuốc chống co giật, bóc rau bằng tay và đỡ đẻ thường ngôi chỏm
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.