UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4118/2005/QĐ-UBND |
Hạ Long, ngày 03 tháng 11 năm 2005 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
- Căn cứ Luật
tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày
04/12/2004;
- Căn cứ Quyết định số 311//2003/QĐ-TTg ngày 20/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ
về phê duyệt đề án tiếp tục tổ chức lại thị trường trong nước, tập trung phát
triển thương mại nông thôn đến năm 2010; Quyết định số 145/2004/QĐ-TTg ngày
13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế xã
hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết
định số 559/2004/QĐ-TTg ngày 31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
chương trình phát triển chợ đến năm 2010;
- Căn cứ Nghị quyết số 24/2005/NQ-HĐND ngày 25/7/2005 của Hội đồng Nhân dân tỉnh
Quảng Ninh về quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định
hướng đến năm 2020;
- Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 254/KHĐT/QHCS ngày
31/3/2005; của Sở Thương mại tại Tờ trình số 718/TM ngày 28/8/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:
1/ Mục tiêu tổng quát:
Khai thác tốt những lợi thế của địa phương, phấn đấu để thương mại Quảng Ninh phát triển mạnh, bền vững. Phát triển thị trường, tạo ra lượng hàng hoá phong phú đa dạng, có chất lượng và sức cạnh tranh cao, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế; Đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, đảm bảo cân đối cung cầu trên thị trường, giá cả ổn định.
Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng tỷ trọng hàng hoá đã qua chế biến. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, tận dụng lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh và phát triển xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.
Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống kho, cửa hàng, hệ thống chợ...
Từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh, cán bộ khoa học kỹ thuật và nhân viên tác nghiệp đủ trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu khi Quảng Ninh tham gia hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
2/ Mục tiêu cụ thể:
- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 16-18%.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ 471 triệu USD năm 2004 lên 800 –1.000 triệu USD năm 2010, tốc độ tăng đạt 20-22%.
- Xuất khẩu dịch vụ thương mại: Đến năm 2010 đạt 70-100 triệu USD, tốc độ tăng đạt 25-27%.
- Thời kỳ sau năm 2010 các chỉ tiêu trên phấn đấu tăng tốc độ cao hơn.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu: Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của địa phương: Khoáng sản; thuỷ hải sản; dầu thực vật; cao su tổng hợp, hàng dệt may; da giày; vật liệu xây dựng; sản phẩm cơ khí đóng tàu; các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao...
1/ Quy hoạch phát triển cơ sở vật chất thương mại .
1.1. Hệ thống trung tâm thương mại:
Đến năm 2010 xây dựng các trung tâm thương mại hạng I, II ở các đô thị: Trung tâm Thương mại Hội chợ Quảng cáo triển lãm và Dịch vụ thương mại tại thành phố Hạ Long, Trung tâm thương mại dịch vụ Bãi Cháy tại khu đô thị Bãi Cháy; Trung tâm Thương mại Hội chợ triển lãm và quảng cáo thương mại tại thị xã Móng Cái.
Từ năm 2006-2020, tuỳ theo điều kiện thực tế ở các địa phương để xây dựng các trung tâm thương mại hạng II, hạng III ở các đô thị: Vân Đồn; Cẩm Phả; Mạo Khê huyện Đông Triều; Quảng Yên huyện Yên Hưng; Tiên Yên; Hải Hà; Bình Liêu; Cầu Sến, Vàng Danh thị xã Uông Bí.
1.2 Quy hoạch hệ thống chợ:
Đến năm 2010, Toàn tỉnh có 163 chợ, trong đó 15 chợ loại I; 32 chợ loại II và 116 chợ loại III.
Phát triển ít nhất 1 chợ đầu mối chuyên doanh hàng thuỷ hải sản. Phát triển một số chợ thuỷ sản trên biển; phát triển, mở rộng các chợ dọc tuyến biên giới, cửa khẩu: Chợ trung tâm Móng Cái, chợ Bắc Phong Sinh, chợ Hoành Mô, chợ Đồng Văn, chợ Bắc Sơn (Móng Cái).
Về mô hình tổ chức: Đến năm 2010, các chợ loại I, các chợ đầu tư xây dựng mới chuyển hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Các chợ loại II và các chợ có từ 100 hộ kinh doanh cố định, nếu chợ nào có điều kiện thì chuyển hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Với các chợ có năng lực và điều kiện quản lý kinh doanh còn hạn chế thì duy trì Ban quản lý chợ trực thuộc Ủy ban Nhân dân các địa phương, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nếu dưới mức quy định trên thì chợ do phường, xã quản lý.
Sau năm 2010, các chợ còn lại chưa chuyển đổi, không phân biệt quy mô đều chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
1.3. Quy hoạch hệ thống siêu thị:
Đến năm 2010 sẽ đầu tư các siêu thị hiện đại tại thành phố Hạ Long; thị xã Móng Cái. Từ năm 2011 trở đi, các địa phương còn lại được đầu tư một siêu thị phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
1.4. Quy hoạch hệ thống các kho, bãi:
- Đến năm 2010: phát triển hệ thống kho, bãi phục vụ cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tại Cái Lân Hạ Long.
Đối với khu vực cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh: Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống kho bãi cho phù hợp với điều kiện thực tế tại khu vực cửa khẩu. Trước mắt xây dựng hạ tầng khu bãi xuất hàng tại Lục Lầm; xây dựng khu kho, bãi gần khu công nghiệp để làm nhiệm vụ chờ xuất, dự trữ cung ứng hàng hoá cho khu công nghiệp; Khu kho bãi trên đảo Vĩnh Thực.
Xây dựng hệ thống cửa hàng kiêm kho ở các xã thuộc các huyện: Cô Tô (1); Bình Liêu (2);Vân Đồn (1); Móng Cái (1); Đầm Hà (1); Hải Hà (1); Ba Chẽ (2); Tiên Yên (1) và Hoành Bồ (1). Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, kinh phí đầu tư bình quân mỗi cửa hàng kiêm kho từ 100-150 triệu đồng.
- Giai đoạn 2010-2010 : Xu hướng chở hàng bằng container ngày càng nhiều nên cần phải mở rộng diện tích bãi. Do vậy sau năm 2010 tiếp tục xây dựng khu bãi chứa hàng container tại Hạ Long và Móng Cái.
1.5. Quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.
- Giai đoạn 2006 - 2010 xây dựng ít nhất mỗi địa phương 1 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thành phố Hạ Long, các thị xã Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, công suất giết mổ 50 - 100 con trâu, bò, 400 - 500 con lợn/ngày, 2.000 - 3.000 con gia cầm/ngày trở lên. Từ năm 2010 trở đi các địa phương còn lại được đầu tư ít nhất 1 cơ sở giết mổ với công suất nhỏ hơn.
- Quy hoạch mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng: Đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 150 cửa hàng xăng dầu, trong đó: Cửa hàng trên bộ 130; Cửa hàng trên biển 20. Đến năm 2020 dự kiến bố trí thêm 15 cửa hàng ở gần các khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Đối với các cơ sở kinh doanh khí đốt hoá lỏng: Đến năm 2010 xây dựng cửa hàng chuyên doanh khí đốt hoá lỏng đạt tiêu chuẩn ở các địa bàn trọng điểm Hạ Long, thị xã Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí. Đầu tư cơ sở chiết nạp - kho ga tại Đại Yên thành phố Hạ Long. Tổ chức sắp xếp hệ thống cửa hàng đại lý kinh doanh khí đốt hoá lỏng toàn tỉnh, đảm bảo cho mạng lưới kinh doanh ổn định, đúng pháp luật.
1.6. Định hướng phát triển hệ thống thông tin và xúc tiến thương mạị, Hội nhập kinh tế quốc tế:
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Hội nhập kinh tế Quốc tế của tỉnh. Xây dựng nội dung, kế hoạch để thực hiện lộ trình Hội nhập kinh tế quốc tế.
1.7. Định hướng phát triển nguồn nhân lực thương mại: Sắp xếp, bố trí lại lao động theo hướng phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo. Đưa tỉ lệ lao động có trình độ cao đẳng trở lên đạt 50%, lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp 30%, số còn lại đạt tay nghề từ bậc 3 trở lên.
1.8. Nhu cầu vốn đầu tư.
Vốn đầu tư phát triển thương mại đến năm 2010.
Đơn vị: Tỉ đồng
Hạng mục |
Tổng vốn đầu tư |
Trong đó Vốn ngân sách |
Vốn xã hội |
1. Chợ |
518,5 |
15 |
503,5 |
2. Trung tâm thương mại |
256 |
|
256 |
3. Siêu thị |
36 |
|
36 |
4. Cửa hàng xăng dầu |
57 |
|
57 |
5. Cửa hàng khí đốt hoá lỏng |
28 |
|
28 |
6. Cơ sở giết mổ |
14 |
|
14 |
7. Kho bãi chứa hàng hoá |
30 |
15 |
15 |
8. Cửa hàng kiêm kho |
1,8 |
1,8 |
|
9. XTTM và đào tạo CB miền núi |
5 |
3 |
2 |
10. Đầu tư khác |
50 |
|
50 |
Tổng cộng |
996,3 |
34,8 |
961,5 |
1.9. Nguồn vốn đầu tư.
Nhà nước đầu tư vốn vào các công trình: Xây dựng chợ, cửa hàng kiêm kho ở địa bàn các xã vùng cao đặc biệt khó khăn; Đầu tư hạ tầng công trình xây dựng trung tâm thương mại, các chợ loại I; các chợ loại II ở địa bàn miền núi gồm đường vào các công trình, chi phí san gạt mặt bằng...Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ thành thị, nông thôn, kho bãi... và thu phí dịch vụ để thu hồi vốn đầu tư.
2/ Tổ chức lại mạng lưới kinh doanh trên thị trường của tỉnh.
- Hình thành và phát triển các Công ty “mẹ” thuộc các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành nghề hoặc chuyên doanh một số mặt hàng, nhóm hàng với mạng lưới phân phối là các công ty con, các đại lý, tiêu thụ rộng khắp, gắn sản xuất với chế biến, dự trữ với lưu thông hàng hoá, nhằm chủ động điều tiết thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu khi có những đột biến xảy ra.
- Tổ chức lại các doanh nghiệp, các hợp tác xã thương mại, dịch vụ để tập hợp lực lượng thương mại tư nhân (cá nhân và hộ kinh doanh) thành mạng lưới vệ tinh làm đại lý mua bán cho doanh nghiệp lớn.
- Tổ chức, sử dụng hộ kinh doanh làm đại lý mua bán hàng hoá, đảm bảo cho các hộ kinh doanh thực sự trở thành cầu nối của các doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ hai đầu, một bên là nông dân và một bên là doanh nghiệp.
3/ Phát triển thương mại tại thị trường các địa phương.
3.1. Thị trường thành phố Hạ Long.
Phát triển 4 chợ loại 1, trong đó phát triển chợ chợ Hạ Long I, chợ Vườn Đào gắn với phục vụ du lịch; chợ Hạ Long II, chợ Hồng Hà gắn với bán buôn, bán lẻ nông, thuỷ sản, thực phẩm và phục vụ nhu cầu cư dân địa phương. Phát triển mô hình thương mại tổng hợp. Hình thành các Công ty “mẹ” hoạt động đa ngành với mạng lưới phân phối, tiêu thụ rộng khắp; Hình thành và phát triển thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hoá làm cơ sở cho việc hình thành đồng bộ các loại thị trường; Hình thành 2 khu thương mại dịch vụ:
Khu I: Xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng lớn của tỉnh, có các khu thương mại, dịch vụ, khu văn phòng đại diện, tín dụng-ngân hàng, trung tâm giao dịch hàng hoá-dịch vụ-giới thiệu sản phẩm hàng hoá của tỉnh, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, siêu thị, bãi đỗ xe. Xây dựng 1 siêu thị hiện đại tại phường Hồng Gai; xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại khu vực Hà Khánh. Sắp xếp lại các cửa hàng kinh doanh ở khu vực trung tâm thành phố theo hướng hình thành từng khu phố thương mại kinh doanh theo chuyên ngành.
Khu 2: Trung tâm là Vườn Đào, Cái Dăm – Hùng Thắng – Tuần Châu. Xây dựng chợ đêm phục vụ du lịch, xây dựng Trung tâm Thương mại Bãi Cháy kinh doanh đa chức năng gồm khu kinh doanh thương mại-dịch vụ, khu hội nghị, hội thảo quốc tế, siêu thị, bãi đỗ xe; đầu tư cơ sở chiết nạp ga- kho ga tại Đại Yên, khu kho bãi tại Cái Lân.
3.2 Thị trường Móng Cái: Xây dựng Móng Cái thành trung tâm thương mại lớn của tỉnh, là đầu mối để gắn kết chặt chẽ thị trường trong nước với thị trường phía nam Trung Quốc; Xây dựng trung tâm thương mại đa chức năng quy mô khoảng 25.000-30.000 m2 gồm siêu thị, khu hội nghị, hội thảo quốc tế, khu văn phòng đại diện, trung tâm giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu, trung tâm hội chợ thương mại và triển lãm, trung tâm nghiên cứu thị trường Trung Quốc; Xây dựng các cơ chế chính sách đặc biệt áp dụng cho khu vực kinh tế cửa khẩu; Xây dựng khu kho, khu phân loại, chế biến, bảo quản hàng hoá chờ xuất tại Lục Lầm, Xây dựng khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung; Hình thành những khu phố thương mại chuyên ngành khi Móng Cái phát triển thành đô thị loại II.
3.3 Thị trường Cẩm Phả: Xây dựng 1 trung tâm thương mại hạng III, siêu thị tại Cửa Ông, xây dựng lại chợ trung tâm trở thành chợ trung tâm lớn của Cẩm Phả; đầu tư điểm giết mổ gia súc gia cầm tập trung.
3.4 Thị trường Uông Bí: Phát triển các khu thương mại tập trung: Khu thương mại trung tâm thị xã, khu thương mại dịch vụ Vàng Danh, khu thương mại phía đông thị xã, khu thương mại Cầu Sến; Đầu tư siêu thị ở phường Yên Thanh.
3.5. Thị trường Đông Triều: Phát triển thị trường Đông Triều gắn với việc phát triển hệ thống chợ, chú trọng phát triển chợ lưu thông các mặt hàng truyền thống của địa phương, các chợ nơi tụ điểm dân cư thu hút khách vãng lai, khách du lịch; Phát triển các làng gốm sứ tạo nguồn hàng cung cấp cho thị trường xã hội; Hình thành cụm kinh tế thương mại Tràng An làm vệ tinh cho khu đô thị và chợ nông sản của địa phương; Xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại khu đô thị mới thị trấn Mạo Khê.
3.6 Thị trường Yên Hưng: Hình thành Thị tứ - Cụm kinh tế Thương mại ở Biểu Nghi, Phong Cốc, Bến Giang. Giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng trung tâm thương mại Quảng Yên.
3.7 Thị trường Hoành Bồ: Phát triển thị trường Hoành Bồ gắn liền với phát triển các khu công nghiệp, các nhà máy lớn điện, xi măng... Hình thành hệ thống chợ; Xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ nhu cầu các nhà máy điện, xi măng, khu công nghiệp; Xây dựng trung tâm thương mại Hoành Bồ trong đó có 1 siêu thị loại III.
3.8 Thị trường Ba Chẽ: Xây dựng 02 cửa hàng kiêm kho để bảo quản hàng hoá thu mua và bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc. Khi kinh tế của huyện phát triển, đời sống nhân nhân được nâng lên sẽ đầu tư xây chợ trung tâm huyện tại Đầm Buôn.
3.9 Thị trường Bình Liêu: Phát triển 1 chợ phiên - chợ truyền thống mang bản sắc văn hoá của đồng bào vùng cao thành chợ du lịch; Mở rộng chợ cửa khẩu Hoành Mô để phát triển thành chợ biên giới có quy mô của chợ loại II; Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ và khách sạn tại cửa khẩu Hoành Mô; Xây dựng trung tâm thương mại hạng III tại trung tâm huyện Bình Liêu.
3.10 Thị trường Tiên Yên: Xây dựng các công trình dịch vụ: hệ thống kho trung chuyển hàng hóa phục vụ cảng Mũi Chùa; Đầu tư bãi chuyển tải hàng hoá Khe Tiên; Xây dựng trung tâm thương mại hạng III tại Khu thương mại nam huyện Tiên Yên.
3.11 Thị trường Hải Hà: Xây dựng trung tâm thương mại Hải Hà; Đầu tư xây dựng khu dịch vụ (bãi đỗ xe, kho chứa hàng, cửa hàng thương mại) tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
3.12 Thị trường Đầm Hà: Xây dựng các cửa hàng tại điểm dừng chân ven đường quốc lộ để giới thiệu quảng bá các sản phẩm địa phương; Xây dựng khu dịch vụ (ăn, nghỉ, hội nghị và các nhu cầu dân sinh khác) tại thị trấn Đầm Hà.
3.13 - Thị trường Vân Đồn: Phát triển chợ cá Hạ Mai để sau năm 2010 có thể trở thành thành chợ chuyên doanh hàng thuỷ sản có quy mô chợ loại II trên biển. Khi huyện được nâng cấp lên đô thị loại III sẽ xây dựng chợ, trung tâm thương mại hạng II tại khu đô thị mới; Hình thành khu thương mại dịch vụ tại trung tâm cụm xã ở Bãi Dài, xây dựng các cơ sở dịch vụ hỗ trợ (ăn, nghỉ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hoá lỏng...) tại xã có tiềm năng về du lịch; Xây dựng một trung tâm chế tác, giới thiệu quảng cáo ngọc trai tại thị trấn Cái Rồng.
3.14 Thị trường huyện Cô Tô: Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại - dịch vụ để làm dịch vụ hai chiều cho ngư dân và nhân dân trên đảo, xây dựng một cửa hàng kiêm kho, củng cố chợ cá Thanh Lân - chợ chuyên doanh thuỷ sản trên biển; Xây dựng một cửa hàng kinh doanh xăng dầu chủ yếu bán dầu Diesel để phục vụ tàu thuyền trên biển; Đầu tư xây dựng cụm dịch vụ hậu cần, chế biến, chợ hải sản và các công trình thiết yếu trên đảo Cô Tô - Thanh Lân để trở thành căn cứ hậu cần quan trọng phục vụ đánh bắt cá xa bờ kết hợp với dịch vụ hàng hải, giao lưu thương mại, phát triển du lịch; Xây dựng cơ sở thu mua, chế biến hải sản phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu phát triển thương mại đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2020 cần đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong các lĩnh vực thương mại; nhà nước tạo cơ chế, chính sách thông thoáng khuyến khích thương nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phát triển thương mại, cụ thể :
- Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất chế biến hàng hoá, phát triển dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất phát triển thương mại.
- Quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo giành quỹ đất hợp lý, cần thiết cho xây dựng các công trình thương mại theo quy hoạch.
- Có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu: Ban hành chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh; Lập quỹ xúc tiến thương mại, khuyến khích thương nhân đưa hàng hoá phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo, thu hút nhân tài, ưu đãi cho cán bộ làm công tác thương mại ở địa bàn miền núi, vùng cao.
- Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin, đảm bảo cho các doanh nghiệp, doanh nhân có những thông tin cần thiết phục vụ kinh doanh có hiệu quả.
- Từng bước xây dựng và phát triển thương mại điện tử, mua bán hàng qua mạng, hình thành sàn giao dịch hàng hoá của tỉnh ; Thành lập hiệp hội bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp ở những lĩnh vực, mặt hàng xuất khẩu quan trọng của địa phương như thuỷ sản, dệt may, xuất nhập khẩu...
- Phát triển rộng khắp thị trường trên các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với đặc điểm từng vùng, lấy thị trường đô thị làm đầu tầu lôi kéo các thị trường khác cùng phát triển.
- Phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất chế biến hàng hoá, giải quyết lao động và tăng sản lượng hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn: Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp ép dầu ăn lạc, vừng, hướng dương; Vùng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất giấy; Vùng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch.
- Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Hàng năm có kế hoạch đầu tư ngân sách xây dựng chợ, của hàng kiêm kho ở các xã miên núi thuộc khu vực III để thúc đẩy kinh tế hàng hoá ở vùng cao, biên giới, hải đảo phát triển.
- Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu lực quản lý thương mại ở tỉnh và cấp huyện đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, chống buôn lậu làm lành mạnh thị trường.
- Đào tạo nâng cao năng lực và quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại cho cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại ; Tổ chức hội chợ triển lãm phải đạt được mục đích quảng cáo giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá.
- Giao Sở Thương mại tổ chức thực hiện quy hoạch; chủ trì hướng dẫn các ngành, Uỷ ban Nhân dân các địa phương cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thương mại Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo từng lĩnh vực, từng giai đoạn; Hàng năm tiến hành rà soát tình hình thực hiện thực tế tại từng ngành, từng địa phương đề xuất giải pháp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Các Sở, ban, ngành và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm phối hợp và triển khai thực hiện Quy hoạch.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở: Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./
Nơi nhận: |
T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.