BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4105/2001/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2001 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
- Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
- Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn,
trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;
- Xét đề nghị của các Ông: Vụ trưởng Vụ Pháp chế vận tải, Cục Đăng kiểm Việt
Nam và Cục Trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002 và thay thế Thông tư 135/PC-KHKT ngày 27/6/1995, Thông tư 330/1998/QĐ-GTVT ngày 08/10/1998 và Quyết định 1885QĐ/KHKT-PCVT ngày 28/7/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng vụ Pháp chế-Vận tải, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam , Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi gửi: |
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4105/2001/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
1.1. Kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là kiểm định) là việc tiến hành kiểm tra đánh giá trạng thái an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe theo tiêu chuẩn và quy định hiện hành để chứng nhận phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) có đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.
1.2. Trong Quy định này các từ ngữ được hiểu như sau:
1.2.1 Chu kỳ kiểm định là khoảng thời gian giữa hai lần kiểm định, tính theo đơn vị tháng. Chu kỳ kiểm định của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại "Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
1.2.2 Hồ sơ kiểm định bao gồm Giấy chứng nhận, Tem kiểm định, Phiếu kiểm định, Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.
1.2.2.1 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm tra bảo đảm các tiêu chuẩn và quy định hiện hành, đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ trong nước và đường bộ của các nước phù hợp với Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới có quy định khác với Quy định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Hiệu lực của giấy chứng nhận phù hợp với chu kỳ kiểm định và có mẫu thống nhất.
1.2.2.2 Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới (sau đây gọi là Tem kiểm định) là biểu trưng được dán lên kính chắn gió nhằm giúp cho cơ quan tuần tra, kiểm soát trên đường bộ, cơ quan thanh tra giao thông đường bộ biết rõ xe cơ giới đã kiểm định, được phép tham gia giao thông đường bộ tới thời hạn được in trên Tem kiểm định. Tem kiểm định gồm 2 loại: Tem kiểm định cấp cho xe cơ giới có kinh doanh vận tải (nền màu xanh) và Tem kiểm định cấp cho xe cơ giới không kinh doanh vận tải (nền màu vàng).
1.2.2.3 Phiếu kiểm định là biên bản kiểm tra xe cơ giới khi tiến hành kiểm định. Kết quả kiểm tra, đánh giá trong phiếu kiểm định là căn cứ để Trạm Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định. Phiếu kiểm định được quản lý thống nhất trong các Trạm Đăng kiểm và theo mẫu thống nhất.
1.2.2.4 Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi là Sổ chứng nhận kiểm định) là lý lịch của xe cơ giới để quản lý về kỹ thuật, về hành chính, về quá trình sử dụng và kiểm định xe. Sổ chứng nhận kiểm định có nội dung được lưu trữ tại Trạm Đăng kiểm quản lý xe đó và được đóng thành quyển theo mẫu thống nhất.
1.3. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1.3.1 Quy định này được áp dụng cho các loại xe cơ giới của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia giao thông đường bộ trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:
- Các loại xe ôtô kể cả xe ôtô chuyên dùng.
- Các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc.
- Máy kéo.
- Xe lam và các loại xe tương tự xe lam.
- Xe xích lô máy các loại.
1.3.2 Quy định này không áp dụng đối với các loại xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
II. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
2.1 Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác kiểm định và cơ quan thực hiện kiểm định.
2.1.1 Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác kiểm định xe cơ giới, cơ quan giúp việc Cục Đăng kiểm Việt Nam về công tác kiểm định là Trung tâm quản lý kiểm định xe cơ giới.
2.1.2 Nội dung quản lý nhà nước về công tác kiểm định xe cơ giới bao gồm:
2.1.2.1 Lập quy hoạch hệ thống mạng lưới các Trạm Đăng kiểm phù hợp với tốc độ tăng trưởng xe cơ giới và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.
2.1.2.2 Trực tiếp và phối hợp với các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) tổ chức chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ đối với các Trạm Đăng kiểm trực thuộc các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) và các Trạm Đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2.1.2.3 Thực hiện việc thẩm định các điều kiện hoạt động của Trạm Đăng kiểm theo các tiêu chuẩn do Bộ Giao thông vận tải ban hành để cấp Giấy phép kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới cho các Trạm Đăng kiểm quy định.
2.1.2.4 Thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ các hoạt động kiểm định, tổ chức việc kiểm chuẩn thiết bị kiểm định nhằm bảo đảm về độ chuẩn xác của thiết bị và kết quả đo kiểm.
2.1.2.5 Tổ chức việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác kiểm định, thực hiện công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ.
2.1.2.6 Ban hành thống nhất các mẫu chứng chỉ và quản lý in ấn, phát hành các hồ sơ kiểm định, các biểu mẫu và chế độ báo cáo, lưu trữ. Thực hiện việc cấp, đổi, thu hồi hồ sơ kiểm định.
2.1.2.7 Thống nhất quản lý việc nối mạng nội bộ trong các Trạm Đăng kiểm, nối mạng giữa các Trạm Đăng kiểm và với cơ quan quản lý chuyên ngành.
2.1.2.8 Thống nhất quy định về kiểu loại, các chế độ sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của các thiết bị kiểm định trang bị trong các Trạm Đăng kiểm.
2.1.2.9 Thực hiện việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới cải tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2.1.2.10 Tham gia giám định các sự cố, các tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật của xe cơ giới.
2.2 Cơ quan thực hiện việc kiểm định
2.2.1 Các Trạm Đăng kiểm kiểm xe cơ giới (sau đây gọi là Trạm Đăng kiểm) là cơ quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ, được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải cấp "Giấy phép kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới".
2.2.2 Hệ thống tổ chức mạng lưới kiểm định xe cơ giới bao gồm các Trạm Đăng kiểm trực thuộc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và các Trạm Đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
2.2.3 Các Trạm Đăng kiểm được thu giá, phí kiểm định, lệ phí cấp chứng chỉ kiểm định và thanh toán kinh phí kiểm chuẩn thiết bị, kinh phí mua các mẫu ấn chỉ theo chế độ tài chính và các quy định của Nhà nước.
2.3 Quy định về kiểm định
2.3.1 Các xe cơ giới khi vào kiểm định cần có các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Giấy chứng nhận đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
- Sổ chứng nhận kiểm định cùng giấy chứng nhận và tem kiểm định còn hiệu lực.
- Các giấy tờ có liên quan khác phù hợp với nội dung yêu cầu của kiểm định (Giấy chứng nhận tạm ngừng lưu hành, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải, Giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu, Giấy chứng nhận chất lượng sản xuất, lắp ráp, cải tạo xe cơ giới…)
2.3.2 Trạm Đăng kiểm có quyền từ chối việc kiểm định khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc yêu cầu chính đáng bằng văn bản của chủ sở hữu xe cơ giới.
2.3.3 Quá trình thực hiện kiểm định phải căn cứ vào các tiêu chuẩn và quy định hiện hành, tuân theo một quy trình kiểm định thống nhất.
2.3.4 Cán bộ đăng kiểm phải có chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức theo tiêu chuẩn quy định và phải được đào tạo cấp thẻ Đăng kiểm viên mới được thực hiện công việc kiểm định.
Người đứng đầu cơ quan kiểm định và Người trực tiếp thực hiện việc kiểm định phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận kết quả kiểm định.
2.4 Quy định về việc đưa xe tới Trạm kiểm định
2.4.1 Xe cơ giới sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký biển số, khi tiến hành kiểm định lần đầu tiên thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải đưa xe tới Trạm Đăng kiểm đặt tại địa phương nơi phương tiện đăng ký biển số để làm thủ tục quản lý cấp sổ chứng nhận kiểm định và thực hiện kiểm định.
2.4.2 Các chu kỳ kiểm định tiếp theo thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) có thể đưa xe đến bất kỳ một Trạm Đăng kiểm nào để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi hết hạn ghi trong giấy chứng nhận và tem kiểm định.
2.4.3 Nếu thời hạn ghi trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã hết hạn nhưng xe chưa tiến hành kiểm định lại thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xe phải tạm ngừng hoạt động thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải làm đơn nói rõ lý do, gửi tới Trạm Đăng kiểm quản lý xe đó (Trạm cấp Sổ chứng nhận kiểm định) để được cấp Giấy chứng nhận tạm ngừng lưu hành.
2.5 Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp cụ thể cho phép Trạm Đăng kiểm được triển khai kiểm định bằng phương pháp bán cơ giới tại các huyện đảo, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao; nơi mà các xe cơ giới của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động nhưng không có điều kiện đưa xe tới Trạm kiểm định.
III. QUY ĐỊNH VỀ CẤP MỚI, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN, TEM KIỂM ĐỊNH VÀ SỔ CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH
3.1 Cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận, tem kiểm định và sổ chứng nhận kiểm định.
3.1.1 Sau khi xe cơ giới được kiểm định tại Trạm Đăng kiểm, nếu kết quả kiểm định đạt được các tiêu chuẩn và quy định hiện hành thì Trạm Đăng kiểm sẽ cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định cho xe có đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.
Giấy chứng nhận được dán trong sổ chứng nhận kiểm định và được đóng giáp lai với sổ chứng nhận kiểm định.
3.1.2 Tem kiểm định phải dán ở mặt trong kính chắn gió phía trước, tại góc bên tay phải người lái. Trường hợp xe không có kính chắn gió phía trước thì Tem kiểm định được dán phía sau thùng xe cùng phía với biển số đăng ký.
3.1.3 Sổ chứng nhận kiểm định được cấp cho mỗi xe cơ giới khi vào kiểm định lần đầu, nội dung của sổ chứng nhận kiểm định phải phù hợp với nội dung quản lý đã được lưu trữ tại Trạm Đăng kiểm quản lý xe cơ giới đó.
3.1.4 Trường hợp bị mất giấy chứng nhận, tem kiểm định hoặc sổ chứng nhận kiểm định thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải đưa xe và các giấy tờ theo quy định tại mục 2.3.1 tới Trạm Đăng kiểm quản lý xe đó để làm thủ tục cấp lại.
3.2 Đổi giấy chứng nhận, tem kiểm định và sổ chứng nhận kiểm định
Trong trường hợp hồ sơ kiểm định bị nhàu nát, hư hỏng hoặc do phải thay kính chắn gió có dán tem kiểm định hoặc sổ chứng nhận kiểm định đã hết trang ghi thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải đưa xe đến Trạm Đăng kiểm quản lý xe đó để làm thủ tục đổi lại hồ sơ.
3.3 Thu hồi giấy chứng nhận, tem kiểm định và sổ chứng nhận kiểm định.
3.3.1 Trường hợp có vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị các Cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý thu giữ hồ sơ kiểm định thì chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải trình báo kịp thời cho Trạm Đăng kiểm quản lý xe đó. Chủ xe cơ giới (hoặc người lái) lợi dụng quy định tại mục 3.1.4 để xin cấp lại hồ sơ kiểm định sẽ bị xử lý theo pháp luật.
3.3.2 Trường hợp Trạm Đăng kiểm đã cấp hồ sơ kiểm định nếu phát hiện chủ xe cơ giới (hoặc người lái) có vi phạm về hồ sơ thủ tục khai báo hoặc có hành vi gian lận trong kiểm định thì Trạm Đăng kiểm được phép thu hồi hồ sơ kiểm định đã cấp. Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thông báo, chủ xe cơ giới (hoặc người lái) phải nộp lại hồ sơ kiểm định cho Trạm Đăng kiểm đã cấp ra hồ sơ kiểm định đó và phải hoàn tất các thủ tục để tiến hành kiểm định lại.
3.3.3 Xe cơ giới đã bị thu hồi Hồ sơ kiểm định không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI (HOẶC NGƯỜI LÁI)
Ngoài việc thực hiện các nội dung trong Quy định này chủ xe cơ giới (hoặc người lái) có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:
4.1 Thực hiện đúng chế độ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
4.2 Phải kê khai chính xác các thông tin cần thiết có liên quan tới nội dung kiểm định, nội dung quản lý hành chính, quản lý kỹ thuật của xe cơ giới kể cả việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho các Trạm Đăng kiểm quản lý và cấp sổ chứng nhận kiểm định cho xe.
4.3 Thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ và sửa chữa thường xuyên nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
4.4 Không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kết của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4.5 Nghiêm cấm mọi hành vi thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định và tự bóc, dán, tẩy xoá, sửa đổi các nội dung được in trên hồ sơ kiểm định.
4.6 Chủ xe cơ giới (hoặc người lái) có trách nhiệm kiểm tra các tính năng an toàn kỹ thuật của xe cơ giới trước khi khởi hành; nếu thấy phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm an toàn thì chủ xe (hoặc người lái) phải sửa chữa khắc phục cho xe bảo đảm an toàn kỹ thuật thì mới cho xe chuyển bánh để tham gia giao thông.
4.7 Chủ xe cơ giới (hoặc người lái) có trách nhiệm mang theo Giấy chứng nhận và Sổ chứng nhận kiểm định khi tham gia giao thông để xuất trình khi có yêu cầu của người thi hành công vụ thuộc các cơ quan có thẩm quyền.
5.1 Các loại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định do các Trạm Đăng kiểm cấp cho xe cơ giới trước ngày 01/01/2002 vẫn có giá trị lưu hành cho đến khi hết thời hạn được in trên Giấy chứng nhận và Tem kiểm định.
Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm quy định các mẫu ấn chỉ, mẫu tem kiểm định và hướng dẫn cụ thể việc quản lý, cấp phát, sử dụng hồ sơ kiểm định để áp dụng thống nhất trong các Trạm Đăng kiểm; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia và các Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về các nội dung trong công tác kiểm định vào tháng 1 và tháng 7 hàng năm.
5.2 Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính tổ chức thực hiện Quy định này và hướng dẫn cho các Trạm Đăng kiểm thực hiện.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.