ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2023/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 10 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 27/2019/QĐ-UBND NGÀY 22/5/2019 CỦA UBND TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27/6/2023 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Thông tư số 03/2022/TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 325/SNN-TL ngày 23/8/2023; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 256/BC-STP ngày 14/8/2023 và ý kiến thống nhất của các Thành viên UBND tỉnh tại phiên họp UBND tỉnh ngày 25/9/2023 (Thông báo số 429/TB- UBND ngày 27/9/2023).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ban hành kèm theo Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Kênh chìm là kênh dẫn nước hở, có mực nước thiết kế thấp hơn cao độ mặt đất tự nhiên trung bình trong phạm vi xây dựng tuyến kênh, khi xây dựng phải đào xuống dưới mặt đất tự nhiên.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 8 Điều 3 như sau:
“8. Công trình trên kênh là công trình xây dựng trên hệ thống kênh để phân phối, điều tiết nước và xử lý kỹ thuật, dân sinh như cống lấy nước và phân phối nước ở đầu kênh, cống điều tiết nước trên hệ thống, cống tháo nước ở cuối kênh, công trình nối tiếp ở chỗ kênh chuyển nước gặp chướng ngại vật (như cầu máng, cống luồn và xi phông, dốc nước và bậc nước), công trình đo nước, cầu giao thông qua kênh, tràn bên, công trình khống chế bùn cát và một số loại công trình phục vụ quản lý vận hành hệ thống kênh.”.
3. Bổ sung Khoản 10 Điều 3 như sau:
“10. Kênh tiêu là kênh dẫn nước thừa từ mặt ruộng hoặc từ các đối tượng có nhu cầu tiêu nước đến công trình đầu mối tiêu để tiêu ra nơi nhận nước tiêu.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 4 như sau:
“5. Kênh tưới, tiêu, công trình trên kênh
a) Đối với kênh nổi, phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân mái ngoài trở ra như sau:
- Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 01m đối với kênh đất và 0,5m đối với kênh đã kiên cố;
- Kênh có lưu lượng từ 0,5m3/s đến dưới 02m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 02m đối với kênh đất và 01 m đối với kênh đã kiên cố.
b) Đối với kênh chìm:
- Đối với kênh chìm không có đường quản lý:
+ Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 01m đối với kênh đất (tính từ điểm giao mái trong của kênh với mặt đất tự nhiên trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra) và 0,5m đối với kênh đã kiên cố (tính từ mép mặt ngoài cuối cùng phần xây đúc trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra).
+ Kênh có lưu lượng từ 0,5m3/s đến dưới 02m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 02m đối với kênh đất (tính từ điểm giao mái trong của kênh với mặt đất tự nhiên trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra) và 01m đối với kênh đã kiên cố (tính từ mép mặt ngoài cuối cùng phần xây đúc trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra).
+ Kênh có lưu lượng từ 02m3/s trở lên (đối với kênh không có mái ngoài), phạm vi vùng phụ cận đối với kênh đất (tính từ điểm giao mái trong của kênh với mặt đất tự nhiên trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra) và kênh đã kiên cố (tính từ mép mặt ngoài cuối cùng phần xây đúc trở ra hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh trở ra) như quy định tại Khoản 4 Điều 40 Luật Thủy lợi (tương ứng với các lưu lượng và kết cấu kênh).
- Đối với kênh chìm có đường quản lý, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài đường (hoặc mép ngoài phần gia cố bảo vệ cuối cùng của kênh) trở ra một khoảng như quy định đối với kênh không có đường quản lý.
c) Đối với kênh tiêu chưa xác định được lưu lượng:
- Đối với kênh tiêu có bề rộng lòng kênh nhỏ hơn 10m, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép bờ kênh ra mỗi bên là 02m;
- Đối với kênh tiêu có bề rộng lòng kênh từ 10m đến dưới 20m, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép bờ kênh ra mỗi bên là 03m;
- Đối với kênh tiêu có bề rộng lòng kênh từ 20m trở lên, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép bờ kênh ra mỗi bên là 05m.
d) Công trình trên kênh: Phạm vi vùng phụ cận của công trình trên kênh được tính từ mép ngoài phần xây đúc hoặc phần gia cố bảo vệ cuối cùng của công trình trở ra mỗi phía một khoảng bằng phạm vi vùng phụ cận của tuyến kênh đó.
e) Trường hợp kênh chia ra làm các đoạn với bề rộng khác nhau, các cấp lưu lượng khác nhau hoặc kênh gồm đoạn kênh đất và đoạn đã kiên cố thì vùng phụ cận của kênh được xác định cho từng đoạn kênh tương ứng với bề rộng, lưu lượng và kết cấu kênh. Đối với đoạn kênh bị sạt lở mái thì vùng phụ cận được xác định dựa trên vị trí của mái kênh trước khi bị sạt lở.”.
5. Bổ sung Khoản 12 Điều 4 như sau:
“12. Cống thủy lợi:
a) Cống trên sông: Phạm vi vùng phụ cận thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 40 Luật thủy lợi.
b) Cống không phải trên sông: Phạm vi vùng phụ cận được tính từ mép ngoài phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía được quy định theo tổng chiều rộng thông nước của cống:
- Cống có tổng chiều rộng thông nước dưới 0 2m, vùng phụ cận của cống bằng phạm vi vùng phụ cận của tuyến kênh dẫn nước qua cống.
- Cống có tổng chiều rộng thông nước từ 02m đến dưới 05m, vùng phụ cận là 02m.
- Cống có tổng chiều rộng thông nước từ 05m đến dưới 10m, vùng phụ cận là 05m.
- Cống có tổng chiều rộng thông nước từ 10m trở lên, vùng phụ cận là 10m.
c) Cống qua đê: Đối với cống tưới, tiêu qua đê phạm vi vùng phụ cận là hành lang bảo vệ đối với cống qua đê theo quy định của pháp luật về đê điều.”.
6. Bổ sung Khoản 13 Điều 4 như sau:
“13. Đối với các công trình thủy lợi khác khi điều chỉnh, thay đổi quy mô, kết cấu, kích thước, thông số thì phải điều chỉnh phạm vi vùng phụ cận phù hợp với quy định tại Điều này. Việc xử lý các công trình hiện có nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác được thực hiện theo Điều 48 Luật Thủy lợi.”.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2023.
2. Quy định chuyển tiếp: đối với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác đã thực hiện theo Phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc dự án làm mới, nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi được phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc các Công ty TNHH Một thành viên: Thủy lợi Nam Hà Tĩnh và Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh; Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Hà Tĩnh; Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.