ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2007/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 22 tháng 6 năm 2007 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;
Căn cứ Luật Công nghệ Thông tin ngày 29/6/2006;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông tại Tờ trình số 255/TTr-SBCVT ngày 24 tháng 5 năm 2007 về việc ban hành Quy định về công tác phối hợp bảo vệ an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 58/BC-STP ngày 15/5/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phối hợp bảo vệ an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP BẢO VỆ AN
TOÀN MẠNG LƯỚI VÀ AN NINH THÔNG TIN TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2007 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Điều 1. Quy định này được áp dụng đối với tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là BCVT - CNTT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Công tác phối hợp bảo vệ an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong lĩnh vực BCVT - CNTT nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong các hoạt động BCVT - CNTT bao gồm bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong các hoạt động quản lý Nhà nước; đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng các dịch vụ BCVT - CNTT; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng môi trường mạng cũng như dịch vụ bưu chính, viễn thông để xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân hợp pháp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực BCVT - CNTT.
Điều 3. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực BCVT - CNTT đều phải chấp hành pháp luật về BCVT - CNTT; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và phối hợp thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới, an ninh thông tin và phòng chống vi phạm pháp luật BCVT - CNTT của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong Quy định này những thuật ngữ, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Mạng bưu chính công cộng: Bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến đường thư.
Mạng chuyển phát: Do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định pháp luật về bưu chính, viễn thông và quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.
Mạng viễn thông: Bao gồm mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng là tập hợp các thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng các đường truyền dẫn.
Mạng viễn thông công cộng: Là mạng viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập để cung cấp các dịch vụ viễn thông.
Mạng viễn thông dùng riêng: Là mạng viễn thông do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam để thiết lập bảo đảm thông tin cho các thành viên của mạng.
Mạng viễn thông chuyên dùng: Là mạng viễn thông dùng để phục vụ thông tin đặc biệt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ thông tin quốc phòng, an ninh.
Thông tin số: Là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số.
Thiết bị số: Là thiết bị điện tử, máy tính, viễn thông, truyền dẫn, thu phát sóng vô tuyến điện và thiết bị tích hợp khác được sử dụng để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
Thiết bị đầu cuối: Là thiết bị viễn thông được đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp đến điểm kết cuối của mạng viễn thông để gửi, xử lý, và nhận các thông tin dưới dạng ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh qua mạng viễn thông.
Dịch vụ bưu chính: Là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện qua mạng bưu chính công cộng.
Dịch vụ viễn thông: Là dịch vụ truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh hoặc các dạng khác của thông tin giữa các điểm kết cuối của các mạng viễn thông.
Công nghệ thông tin: Là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
Môi trường mạng: Là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin.
Vi rút máy tính: Là chương trình máy tính có khả năng lây lan, gây ra hoạt động không bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trong thiết bị số.
Phần mềm: Là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định.
1. Bảo vệ an toàn bưu chính và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện của khách hàng; an toàn đối với mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát.
2. Mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm bảo vệ bí mật thư tín và an toàn bưu phẩm, bưu kiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi:
a) Lợi dụng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây mất trật tự về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; vi phạm đạo đức thuần phong mỹ tục; hoạt động buôn lậu và hoạt động vi phạm pháp luật khác;
b) Chiếm đoạt, hủy bỏ, bóc xem, tráo đổi và tiết lộ nội dung bưu phẩm, bưu kiện hoặc họ tên, địa chỉ ngưởi gửi, người nhận;
c) Gửi hoặc nhận gửi thuốc phiện, các hợp chất từ thuốc phiện, các chất ma túy, kích thích thần kinh; vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật quân sự; các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động, ấn phẩm, tài liệu nhằm phá hoại trật tự công cộng, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vật hoặc chất dễ nổ, dễ cháy và các chất gây nguy hiểm hoặc làm mất vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; các vật phẩm, hàng hóa mà Nhà nước cấm lưu thông, cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc ấn phẩm, vật phẩm, hàng hóa các nước nhận cấm nhập khẩu; gửi tiền Việt Nam, tiền nước ngoài và các giấy tờ có giá trị như tiền trong bưu phẩm, bưu kiện.
d) Cản trở, phá hoại mạng lưới bưu chính công cộng và mạng lưới bưu chính chuyên dùng.
1. Bảo vệ mạng viễn thông là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị lực lượng vũ trang bảo vệ an toàn mạng viễn thông công cộng.
2. Chủ mạng viễn thông dùng riêng, viễn thông chuyên dùng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông và thiết bị đầu cuối của mình, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các hành vi phá hoại, xâm phạm mạng viễn thông công cộng.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng mạng viễn thông công cộng để truyền đưa các thông tin nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây mất trật tự về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; vi phạm đạo đức thuần phong mỹ tục; hoạt động buôn lậu; trộm cắp cước viễn thông Quốc tế; buôn lậu, gian lận thương mại đối với các thiết bị viễn thông và hoạt động vi phạm pháp luật khác; chiếm đoạt, hủy bỏ, bóc mở, tráo đổi, tiết lộ nội dung điện văn của người khác.
4. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm an toàn đường dây thông tin như:
a) Cắt phá, làm hư hại, lấy trộm, mua bán, tàng trữ, sử dụng vào sản xuất kinh doanh trái phép các loại dây dẫn, dây chằng, cột, xà, sứ, ụ cột, dây cáp thông tin, nắp bể cáp, hộp cầu chì thu lôi, bảng đấu dây và các thiết bị vật liệu khác thuộc đường dây thông tin;
b) Buộc chập đường dây và sợi cáp thông tin;
c) Nghe trộm, thu trộm các thông tin truyền trên mạng viễn thông công cộng;
d) Các hành vi khác xâm phạm đến an toàn đường dây thông tin.
Điều 7. Lĩnh vực công nghệ thông tin
1. Thông tin riêng hợp pháp của tổ chức, cá nhân trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng được bảo đảm bí mật, bảo mật theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân không được cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền Quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.
3. Nghiêm cấm cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây:
a) Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
d) Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
4. Tổ chức, cá nhân không được tạo ra, cài đặt, phát tán vi rút máy tính, phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác để thực hiện một trong những hành vi sau đây:
a) Thay đổi các tham số cài đặt của thiết bị số;
b) Thu thập trái phép các thông tin của người khác;
c) Xóa bỏ, làm mất tác dụng của các phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được cài đặt trên thiết bị số;
d) Ngăn chặn hoặc làm hạn chế hay xóa bỏ những phần mềm hợp pháp của người sử dụng;
đ) Chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số;
e) Thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số;
f) Các hành vi khác xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng.
CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA CÁC SỞ, NGÀNH
1. Công tác phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan.
2. Việc cung cấp các thông tin, các dấu hiệu nghi vấn tội phạm trong lĩnh vực BCVT - CNTT phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản thể hiện trên giấy hoặc văn bản điện tử và phải có chữ ký điện tử xác nhận của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp.
3. Vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì việc xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Sở Bưu chính Viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại - Du lịch, Cục Hải quan và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin phải cử người có trách nhiệm phụ trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin, kịp thời báo cáo người có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin, chỉ đạo công tác phối hợp.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Bưu chính, Viễn thông
1. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu nghi vấn gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; trộm cắp cước viễn thông Quốc tế; kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet và các loại thẻ điện thoại lậu; phá hoại các công trình bưu chính, viễn thông.
2. Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ chuyển sang Cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Luật Thanh tra năm 2004 và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
3. Tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng Giám định về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 11. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì công tác điều tra, xác minh và xử lý đối tượng trộm cắp cước viễn thông Quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc trong trường hợp có thông báo của Sở Bưu chính, Viễn thông.
2. Đối với các vụ việc khác do Công an tỉnh phát hiện, trường hợp cần có sự phối hợp thì kịp thời thông báo bằng văn bản cho Sở Bưu chính, Viễn thông và các đơn vị liên quan. Đồng thời cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp theo đề nghị của đơn vị phối hợp. Trường hợp thông tin, tài liệu đang phục vụ cho quá trình điều tra, xác minh không cung cấp được thì trả lời đơn vị phối hợp bằng văn bản.
3. Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong hoạt động BCVT - CNTT trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin về phòng chống cháy nổ.
4. Phối hợp tham gia các hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm về cung cấp, sử dụng và quản lý dịch vụ BCVT - CNTT trên địa bàn tỉnh.
Điều 12. Trách nhiệm của Cục Hải quan
1. Chủ trì công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hàng lậu, hàng cấm xuất, nhập khẩu qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp nhận được thông báo và đề nghị phối hợp về vụ việc xuất nhập khẩu hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát của Sở Bưu chính, Viễn thông, Cục Hải quan có trách nhiệm kịp thời phối hợp với Sở trong việc kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hóa. Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông trong việc xử lý đối tượng vi phạm.
3. Khi phát hiện vụ việc xuất nhập khẩu hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Cục Hải quan có trách nhiệm kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Thương mại - Du lịch
1. Khi nhận được thông tin, báo cáo của Sở Bưu chính - Viễn thông hoặc của các doanh nghiệp bưu chính, về việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát. Sở Thương mại - Du lịch chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường phối hợp Sở Bưu chính - Viễn thông kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Nếu phát hiện các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại - Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin
1. Chấp hành pháp luật về BCVT - CNTT; triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng lưới bưu chính, viễn thông, mạng chuyển phát để hoạt động xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Xây dựng các phương án bảo vệ; phòng, chống cháy, nổ; tuần tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông;
Tổ chức lực lượng bảo vệ, trang bị các thiết bị bảo vệ mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông;
Xây dựng phương án phối hợp hành động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như đột nhập, phá hoại mạng lưới và các công trình bưu chính, viễn thông;
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa gửi trong bưu phẩm, bưu kiện và các gói, kiện hàng khi tiếp nhận của khách hàng.
2. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông Quốc tế; việc kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông Internet, các loại điện thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet, các doanh nghiệp có trách nhiệm kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho Sở Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
3. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng xác minh đối tượng vi phạm.
4. Phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau và các đơn vị khác nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật.
5. Kịp thời cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động giám định theo yêu cầu của Cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.
6. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, mua sắm trang thiết bị, quản lý tài chính kế toán; tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội nhằm hạn chế tối đa các hành vi tham nhũng, tiêu cực đồng thời phát hiện những sơ hở, bất hợp lý trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đề xuất điều chỉnh, khắc phục không để cho tội phạm lợi dụng hoạt động.
Điều 15. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, viễn thông – Công nghệ thông tin thực hiện theo đúng Quy định này.
Điều 16. Sở Bưu chính - Viễn thông, Công an tỉnh Đồng Nai, Sở Thương mại - Du lịch, Cục Hải quan, các Sở, ban ngành có liên quan và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin có trách nhiệm tuân thủ Quy định này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 17. Đơn vị, cá nhân có thành tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo quy định hiện hành; đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật và Quy định này, tùy theo mức độ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
Điều 19. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, Sở Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm tổng hợp ý kiến báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.