BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4068/QĐ-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2011 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Theo đề nghị của Ông Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, giám đốc các đại học, học viện, viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
THỰC
HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2011 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; huy động và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục nhằm hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy - học, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo đảm thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục gắn kết với Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2015 hoàn thành việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan quản lý thuộc ngành Giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đến năm 2020 hoàn thành việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ sở giáo dục và cộng đồng thuộc một số khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai để cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng hiểu và biết cách ứng phó với các tình huống thiên tai.
b) Đến năm 2020 hoàn thành tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho 100% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục; đến năm 2015, 100% các cơ sở giáo dục thuộc các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai xây dựng được kế hoạch hành động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của đơn vị mình; Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai các cấp được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, cùng hệ thống thông tin liên lạc phù hợp, hiệu quả.
c) Đến năm 2015 hoàn thành việc lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường; từ năm 2016 tổ chức triển khai đại trà theo kế hoạch cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
d) Đến năm 2015 hoàn thành việc mở và tổ chức đào tạo các chuyên ngành phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
đ) Đến năm 2012 hoàn thành việc nghiên cứu và thiết kế mô hình trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đến năm 2015 xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở một số khu vực đặc thù; từ 2016 - 2020 tổ chức triển khai áp dụng đại trà mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo kế hoạch cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục
a) Rà soát các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục cho phù hợp với các chuẩn quốc tế: xác định mức độ phù hợp, vấn đề cần phải bổ sung, thay đổi (ví dụ như ‘Chuẩn tối thiểu về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp’, ‘Bình đẳng giới’, sự tham gia bình đẳng, hiệu quả của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng nhằm ‘Giảm thiểu sự gián đoạn’, ‘Tăng khả năng phục hồi sớm’ góp phần ‘Phát triển bền vững’ ngành Giáo dục,…).
b) Đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục (2011 - 2012).
c) Xây dựng tiêu chí đánh giá trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các khu vực đặc thù và trong cả nước (2011 - 2012).
d) Triển khai xây dựng văn bản thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên gặp khó khăn do thiên tai gây ra (2011 - 2012).
2. Tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục
a) Chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền của ngành Giáo dục về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2012).
b) Xây dựng cơ chế và tổ chức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực, bình đẳng của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai (2011-2012).
c) Biên soạn tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (2011 - 2012).
d) Tổ chức bồi dưỡng cán bộ cốt cán ở các cơ quan quản lí và cơ sở giáo dục về phương pháp, kỹ năng tuyên truyền (2012 - 2013).
đ) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức các chương trình tuyên truyền thường xuyên, định kỳ trong tất cả các trường học, cơ quan quản lý giáo dục các cấp bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn; tổ chức nhân rộng kinh nghiệm hay về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011-2020).
3. Bồi dưỡng, tập huấn về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ, giáo viên
a) Xác định nội dung, phương pháp, biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với từng đối tượng trong ngành Giáo dục (2011 - 2012).
b) Tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, định kỳ cho cán bộ, giáo viên cốt cán ở Trung ương và địa phương về phương pháp tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các môn học phù hợp trong chương trình, các giờ học ngoại khóa (2012 - 2014).
c) Hướng dẫn tích hợp nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các hoạt động liên quan của toàn ngành Giáo dục (2012 - 2013).
4. Đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường
a) Rà soát các kiến thức trong nhà trường về giáo dục phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2012).
b) Cập nhật, tích hợp, lồng ghép có chọn lọc những kiến thức về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai vào các môn học phù hợp trong chương trình, sách giáo khoa đang thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các nội dung giáo dục ‘Ứng phó với biến đổi khí hậu’, ‘Môi trường’, ‘Kỹ năng sống’, ‘Phòng chống tai nạn thương tích’ và ‘Chuẩn tối thiểu về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp’ cùng với nội dung ‘Hỗ trợ tâm lý trẻ em trong các hoạt động giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp’ để tránh chồng chéo, quá tải cho học sinh, sinh viên (2012 - 2013).
c) Xây dựng và ban hành danh mục trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu phục vụ cho việc dạy - học về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2012 - 2013).
d) Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên liên quan tới công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2020).
đ) Lồng ghép với Đề án ‘Xây dựng xã hội học tập’ và các đề án khác để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, đặc biệt những nội dung liên quan đến hoạt động của các ‘trung tâm giáo dục thường xuyên’ và ‘trung tâm học tập cộng đồng’.
e) Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Kế hoạch hành động ứng phó với ‘Biến đổi khí hậu’ của ngành Giáo dục và Ban Chỉ đạo Xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới để đề xuất mục tiêu, nội dung giáo dục phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đưa vào nội dung chương trình, sách giáo khoa mới (sau 2015).
g) Tích hợp nội dung phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai vào các hoạt động, phong trào của ngành Giáo dục: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Tuyên truyền phổ cập bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2015; Công tác kiểm định chất lượng giáo dục; Công tác thi đua khen thưởng; Công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; Giáo dục kĩ năng sống trong trường phổ thông; Công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật của ngành Giáo dục (2011 - 2012).
5. Tổ chức đào tạo chuyên ngành phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
a) Xác định điều kiện căn bản và xây dựng chương trình đào tạo cho các chuyên ngành phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số trường đại học trọng điểm ở một số khu vực đặc thù (2011 - 2014).
b) Tổ chức đào tạo chuyên ngành phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số trường đại học trọng điểm ở một số khu vực đặc thù (2015 - 2020).
c) Tích hợp nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào một số môn, ngành có liên quan hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khoá ở các trường không đào tạo chuyên ngành phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2014).
d) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
6. Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và nhân rộng mô hình trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
a) Nghiên cứu, thiết kế mô hình trường/lớp học đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở một số khu vực đặc thù như i) vùng ven biển (bão, lụt, lũ, sóng thần); ii) vùng núi đồi, ven sông suối (lũ quét, sạt lở, cháy rừng); iii) vùng đồng bằng (lụt, bão); iv) vùng đô thị (động đất, cháy nổ) trong các năm 2011 – 2012.
b) Thí điểm xây dựng trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở một số khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai để tổ chức dạy, học và là nơi phòng, tránh an toàn cho cộng đồng khi có thiên tai xảy ra (2013 - 2015).
c) Đề xuất triển khai xây dựng trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở mức độ đại trà theo các mẫu đã được nghiệm thu và ban hành (2017 - 2020).
7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức trong khu vực và quốc tế có tiềm năng và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và huy động nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 (2011 - 2020).
8. Khảo sát, đánh giá về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục
a) Đánh giá thực trạng công tác giáo dục phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tình hình thiệt hại trong ngành Giáo dục do thiên tai gây ra (2011 - 2012).
b) Đánh giá khả năng (nhận thức, kĩ năng, năng lực) và kết quả thực tiễn đã đạt được trong công tác phòng, chống, ứng phó và khả năng phục hồi sớm sau thiên tai của ngành Giáo dục (2012 - 2013).
c) Xác định các vùng đặc thù trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng bản đồ mầu về thiên tai, về khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh, ổn định, bền vững (2011 - 2013).
d) Cập nhật dự báo về các loại thiên tai, cảnh báo mức độ tác hại của từng loại thiên tai, khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai của các cơ sở giáo dục.
9. Xây dựng bộ máy tổ chức và cơ chế phối hợp trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
a) Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục (2011 - 2012).
b) Tổ chức xây dựng hệ thống thông tin hai chiều giữa các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa ngành Giáo dục với các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2012).
c) Xây dựng phần mềm quản lý thông tin để tổng hợp, theo dõi, đánh giá trước, trong và sau thảm họa cũng như đánh giá kịp thời việc thực hiện Kế hoạch hành động trong ngành Giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (2011 - 2012).
d) Xây dựng quy trình, cơ chế tổ chức hoạt động, cơ chế phối hợp hiệu quả cho công việc và những người tham gia, tránh hình thức, quá tải hoặc chủ quan để đảm bảo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai hiệu quả. Xây dựng cơ chế phối hợp hành động giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục, các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, trong việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 (2011 - 2012).
10. Xây dựng quỹ và tổ chức nguồn dự phòng phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục
a) Phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế có nhiều tiềm năng, nhằm huy động mọi nguồn lực để tổ chức và triển khai lập Quỹ dự phòng của ngành Giáo dục. Đồng thời, xây dựng cơ chế đồng thuận trong việc tổ chức, huy động và sử dụng Quỹ dự phòng được huy động từ các nước và các tổ chức quốc tế (2011 - 2020).
b) Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực trong toàn ngành Giáo dục để chia sẻ trách nhiệm, đáp ứng kịp thời, có hiệu quả các yêu cầu của công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tránh lãng phí, chồng chéo hoặc không đáp ứng được yêu cầu ở cơ sở (2011 - 2012).
c) Tổ chức dự phòng năng động ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam về thiết bị, đồ dùng dạy - học, sách vở và hỗ trợ một phần cơ sở vật chất cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiên tai gây ra (2011 - 2020).
1. Biện pháp phi công trình
a) Đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên.
b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thành lập và duy trì Ban Chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão của Bộ Giáo dục và Đào tạo); tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các nhà trường và cộng đồng; lập quỹ và tổ chức dự phòng.
c) Xây dựng đề án thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, đánh giá trước, trong và sau thảm hoạ thiên tai nhằm chủ động lập kế hoạch chuẩn bị, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
d) Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo nhu cầu xã hội.
2. Biện pháp công trình
Nghiên cứu, thiết kế mô hình và xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số khu vực đặc thù.
3. Các biện pháp ưu tiên
a) Biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên.
b) Thông tin, tuyên truyền, đưa kiến thức về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường và cộng đồng; lập quỹ và tổ chức dự phòng.
c) Nghiên cứu, thiết kế mô hình và xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số khu vực đặc thù.
4. Biện pháp kết hợp
a) Lồng ghép, phối hợp với các chương trình, hoạt động khác của ngành Giáo dục.
b) Đề án ‘Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng’ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13 tháng 7 năm 2009.
1. Nguồn nhân lực
a) Lực lượng chuyên trách về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của các lực lượng, đơn vị liên quan (Quân đội, Công an, Y yế, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, các tổ chức quốc tế,…).
b) Các cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục thuộc ngành Giáo dục.
c) Các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
2. Nguồn tài chính
a) Ngân sách nhà nước đảm bảo một phần cho việc đầu tư thực hiện các chương trình, dự án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nguồn kinh phí dự phòng để xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai trong ngành Giáo dục.
b) Nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho sửa chữa khẩn cấp các công trình của các cơ sở giáo dục khi bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra.
c) Kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong nguồn vốn sự nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho quản lý, hỗ trợ khẩn cấp cho các đơn vị (chiếm 1% đến 3%).
d) Nhà nước nâng tỷ lệ ngân sách hàng năm cấp cho các đơn vị trong việc tăng cường năng lực quản lý, đào tạo bồi dưỡng, tăng cường năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục, thực hiện các chương trình, dự án trong Kế hoạch hành động, xây dựng mới, nâng cấp, tu bổ các công trình, mua sắm trang thiết bị đáp ứng cho việc phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
đ) Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA cho các chương trình, dự án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA không hoàn lại trong việc nâng cao năng lực, đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường, xây dựng mẫu các trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
e) Huy động các nguồn lực, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục.
g) Huy động kinh phí xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và khắc phục hậu quả thiên tai.
h) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến kết hợp với các biện pháp truyền thống để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục.
Kinh phí dự kiến cho các chương trình, dự án được trình bày ở Phụ lục 1.
V. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Nội dung đánh giá
a) Văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
- Văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn được xây dựng mới.
- Văn bản cũ được bổ sung, sửa đổi.
- Văn bản cũ vẫn còn giá trị.
- Việc thực hiện Kế hoạch hành động theo chu kỳ hàng năm, 3 năm, 5 năm và 10 năm.
b) Bộ máy tổ chức
- Hiệu quả hoạt động của bộ máy về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hiệu quả hoạt động của bộ máy về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục.
c) Kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
- Nội dung hoạt động tuyên truyền đã và sẽ thực hiện.
- Mức độ phù hợp của bộ công cụ đánh giá nhận thức, kĩ năng và hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế của công tác tuyên truyền theo định kỳ hàng năm.
d) Khả năng, hiệu quả của công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
- Khả năng đáp ứng về nhân lực, cơ sở vật chất, sự phối hợp qua kiểm tra hoặc diễn tập theo phân cấp (có sự tham gia của học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục).
- Khả năng ứng phó và phục hồi nhanh, bền vững ở những nơi thiên tai đã xảy ra.
đ) Hiệu quả đầu tư và hỗ trợ
- Về tài liệu, bồi dưỡng tập huấn hàng năm: Đánh giá kết quả thực tiễn thông qua hội nghị sơ kết 3 năm, 5 năm thực hiện và tổng kết 10 năm về công tác đưa kiến thức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường.
- Về cơ sở vật chất: Tác dụng thực tiễn của việc đầu tư, hỗ trợ.
- Về mô hình: Khả năng đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đã được xây dựng theo mô hình thí điểm.
e) Kết quả và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực
- Đầu ra, hiệu quả thực tiễn của cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng.
- Hiệu quả việc tích hợp kiến thức vào các môn học có liên quan thuộc các chuyên ngành không chuyên về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
g) Hiệu quả của sự phối hợp, hợp tác
- Hiệu quả phối hợp của các lực lượng trong nhà trường.
- Hiệu quả phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng trên địa bàn.
- Hiệu quả phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong nước.
- Hiệu quả hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế.
2. Phương pháp đánh giá
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế có tiềm năng và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá để xây dựng các tiêu chí và bộ công cụ đánh giá đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động hàng năm và đột xuất, 5 năm và 10 năm.
- Cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện kế hoạch phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục và của Chính phủ.
b) Các đơn vị cơ sở
Các đơn vị cơ sở tự đánh giá theo tiêu chí chung và bộ công cụ đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi đã được các sở giáo dục và đào tạo và nhà trường cụ thể hoá cho phù hợp với thực tế.
1. Tổ chức bộ máy
a) Ở cấp Bộ
Thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Ban Chỉ đạo có Văn phòng thường trực, có ít nhất 3 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ hợp đồng, chuyên gia theo yêu cầu của công việc theo từng giai đoạn cụ thể.
b) Ở cấp tỉnh
Thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo khác có liên quan: Ban Chỉ đạo về biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão,…).
c) Ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo khác có liên quan).
d) Tổ chức kiểm tra, giao ban theo nhóm, khu vực để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa phương theo ba giai đoạn trước, trong và sau thảm họa thiên tai.
đ) Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục bao gồm việc chỉ đạo, phối hợp các hoạt động trước, trong và sau thảm họa; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả hoạt động và chuẩn bị báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện
a) Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em
Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức và điều hành Quỹ dự phòng công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục; xây dựng các đề án thu thập thông tin, đánh giá trước, trong và sau thảm họa thiên tai; nghiên cứu thiết kế và xây dựng mô hình mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; giúp Ban Chỉ đạo tổ chức thẩm định và phê duyệt thuyết minh đề cương các nhiệm vụ, dự án về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục; tổ chức kiểm tra đánh giá, giám sát việc thực hiện Kế hoạch hành động.
b) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức nghiên cứu phương thức đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường, tổ chức biên soạn tài liệu và tập huấn cán bộ, giáo viên.
c) Vụ Công tác học sinh, sinh viên
Chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc tuyên truyền về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đối với học sinh, sinh viên; lồng ghép nội dung của Kế hoạch hành động với các chương trình, phong trào, cuộc vận động có liên quan đến học sinh, sinh viên.
d) Vụ Pháp chế
Chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc rà soát và tổ chức sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục.
đ) Vụ Giáo dục đại học
Chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức triển khai đào tạo nguồn nhân lực về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đáp ứng nhu cầu xã hội.
e) Vụ Hợp tác quốc tế
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc tìm kiếm và xúc tiến các cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, nâng cao năng lực, góp phần thực hiện thành công các nội dung của Kế hoạch hành động; phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Bộ tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, đàm phán, hợp tác song phương, đa phương về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g) Vụ Kế hoạch - Tài chính
Chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động; hướng dẫn các đơn vị quản lí, sử dụng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo đúng các quy định hiện hành.
h) Các cục, vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, các viện, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các đơn vị khác có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án của Kế hoạnh hành động liên quan đến đơn vị mình có hiệu quả.
1. Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhiệm vụ quan trọng nhằm tích cực chủ động phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo và các đơn vị liên quan cần nghiêm túc quán triệt mục tiêu và chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và chương trình, đề án của Kế hoạch hành động này.
2. Căn cứ Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2011 – 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định các nhiệm vụ, nội dung, biện pháp cần ưu tiên để bố trí các nguồn lực triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện đặc thù, nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mình.
3. Định kỳ hàng năm, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước và các đơn vị liên quan báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, qua thực tiễn triển khai kế hoạch hành động của đơn vị mình, tổng hợp các vấn đề phát sinh để đề xuất các giải pháp, biện pháp bổ sung cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.