BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 3932/QĐ-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2009 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP, ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP, ngày 19/3/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ
quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo
sư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chủ tịch Hội đồng chức danh
giáo sư nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC,
CÁC HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NGÀNH, LIÊN NGÀNH VÀ HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ
CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3932/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 6 năm
2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư, bao gồm: Nhiệm vụ của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; họp, bỏ phiếu, biểu quyết và lấy ý kiến của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; Thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở.
2. Quy chế này áp dụng đối với Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở; các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Điều 2. Hội đồng Chức danh giáo sư
Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) gồm Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGS nhà nước), các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành (HĐCDGS ngành) và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGS cơ sở).
HĐCDGS nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).
HĐCDGS ngành là hội đồng chuyên môn của HĐCDGS nhà nước do Chủ tịch HĐCDGS nhà nước quyết định thành lập, được tổ chức theo từng ngành hoặc một số ngành chuyên môn để giúp HĐCDGS nhà nước thực hiện việc xét đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thuộc ngành, liên ngành chuyên môn được giao xét.
HĐCDGS Cơ sở là hội đồng chuyên môn của HĐCDGS nhà nước do Chủ tịch HĐCDGS nhà nước quyết định thành lập ở một hoặc một số cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 26 của Quy chế này. HĐCDGS Cơ sở giúp HĐCDGS nhà nước thực hiện việc xét đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ứng viên là giảng viên, giảng viên thỉnh giảng của cơ sở giáo dục đại học và ứng viên được HĐCDGS nhà nước giới thiệu.
Điều 3. Nguyên tắc làm việc của các HĐCDGS
1. Tập thể, dân chủ, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại các phiên họp để quyết nghị những vấn đề quan trọng về xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
2. Các nghị quyết quan trọng về xét đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên có mặt tham gia bỏ phiếu.
3. Thực hiện đúng các quy định thẩm định hồ sơ xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc của Hội đồng.
4. Khi thấy cần thiết, Thường trực HĐCDGS nhà nước, Thường trực HĐCDGS ngành, Thường trực HĐCDGS cơ sở có thể mời các GS, PGS người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài am hiểu lĩnh vực chuyên môn, có uy tín khoa học cao và phẩm chất tốt, để thẩm định những phần trong hồ sơ của ứng viên mà các GS, PGS có điều kiện tham gia.
5. Danh sách người được phân công thẩm định hồ sơ và các giấy tờ, tài liệu, thông tin liên quan đến việc thẩm định, nhận xét, đánh giá, phải được giữ bí mật. Thành viên HĐCDGS không được tiết lộ nội dung, tình hình trong các cuộc họp của HĐCDGS như việc trao đổi, thảo luận, thẩm định, đánh giá, đề nghị xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Điều 4. Nhiệm vụ của HĐCDGS Nhà nước
1. Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các ứng viên trong danh sách đề nghị của HĐCDGS ngành.
2. Xét huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ứng viên đã được công nhận, nhưng bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, Điều 19 Quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 174/2008/QĐ-TTg).
3. Tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của các HĐCDGS ngành, HĐCDGS cơ sở.
4. Tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và công việc của HĐCDGS theo quy định của pháp luật.
5. Nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để không ngừng nâng cao chất lượng xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, tiếp cận chuẩn mực khu vực và quốc tế về tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS; đề xuất hoàn thiện chế độ, chính sách đối với chức danh GS và PGS.
Điều 5. Họp, bỏ phiếu, biểu quyết và lấy ý kiến của HĐCDGS nhà nước
1. HĐCDGS nhà nước họp theo kế hoạch để thảo luận và quyết nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ quy định ở Điều 4 của Quy chế này.
2. HĐCDGS nhà nước có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch, Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước hoặc theo đề nghị của trên 1/2 tổng số thành viên của HĐCDGS nhà nước để thảo luận và quyết nghị những vấn đề đột xuất, cấp bách liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của HĐCDGS nhà nước .
3. Trong trường hợp đặc biệt, nghị quyết của HĐCDGS nhà nước có thể được thông qua bằng cách tập hợp ý kiến bằng văn bản của từng thành viên. Kết quả tập hợp ý kiến được thường trực HĐCDGS nhà nước thông báo tới từng uỷ viên HĐCDGS nhà nước.
4. Việc tổ chức họp HĐCDGS nhà nước hoăc lấy ý kiến các thành viên HĐCDGS nhà nước có thể được thường trực HĐCDGS nhà nước tổ chức thực hiện thông qua mạng internet.
5.Việc công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và các nghị quyết quan trọng khác của HĐCDGS nhà nước phải được thông qua tại phiên họp để nghị quyết bằng cách bỏ phiếu kín. Các nghị quyết công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên HĐCDGS nhà nước bỏ phiếu tán thành.
6. HĐCDGS nhà nước có thể biểu quyết công khai tại phiên họp để quyết định một số vấn đề thuộc về kỹ thuật và nghiệp vụ của HĐCDGS nhà nước theo nguyên tắc quá bán, nếu ý kiến biểu quyết ngang nhau thì ý kiến biểu quyết của Chủ tịch HĐCDGS nhà nước là ý kiến quyết định.
THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC
Điều 6. Thường trực HĐCDGS nhà nước
Thường trực HĐCDGS nhà nước gồm Chủ tịch HĐCDGS nhà nước, Phó Chủ tịch HĐCDGS nhà nước và Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
Thường trực HĐCDGS nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết các công việc thường xuyên của HĐCDGS nhà nước và giữa hai kỳ họp của HĐCDGS nhà nước; tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của các HĐCDGS ngành và HĐCDGS cơ sở.
Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐCDGS nhà nước
1. Chủ toạ các kỳ họp của HĐCDGS nhà nước.
2. Thay mặt Hội đồng ký các quyết định theo nghị quyết của HĐCDGS nhà nước.
3. Chủ trì giải quyết các công việc của HĐCDGS nhà nước giữa hai kỳ họp.
4. Quyết định thành lập; tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các HĐCDGS ngành và HĐCDGS cơ sở.
5. Tham gia công việc của HĐCDGS Nhà nước với tư cách là thành viên Hội đồng.
6. Hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Chủ tịch HĐCDGS nhà nước.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó chủ tịch HĐCDGS nhà nước
1. Thay mặt Chủ tịch HĐCDGS nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 8 khi được Chủ tịch HĐCDGS nhà nước uỷ quyền hoặc khi Chủ tịch HĐCDGS nhà nước vắng mặt.
2. Cùng Chủ tịch HĐCDGS nhà nước và Tổng thư ký giải quyết các công việc của HĐCDGS nhà nước giữa hai kỳ họp và theo phân công của Chủ tịch HĐCDGS nhà nước.
3.Tham gia công việc của HĐCDGS nhà nước với tư cách thành viên Hội đồng.
4. Hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Phó chủ tịch HĐCDGS nhà nước.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước
1. Thay mặt Thường trực HĐCDGS nhà nước giải quyết các công việc thường xuyên của HĐCDGS nhà nước và những việc có liên quan khác khi được Chủ tịch HĐCDGS nhà nước uỷ quyền.
2. Cùng Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐCDGS nhà nước tổ chức các hoạt động và giải quyết các công việc của HĐCDGS nhà nước, hướng dẫn hoạt động của các HĐCDGS ngành và HĐCDGS cơ sở.
3. Trực tiếp quản lý, điều hành Văn phòng HĐCDGS nhà nước; thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên công tác tại Văn phòng HĐCDGS nhà nước.
4. Tham gia công việc của HĐCDGS Nhà nước với tư cách thành viên Hội đồng.
5. Hưởng lương và phụ cấp trách nhiệm chuyên trách Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
Điều 10. Tiêu chuẩn ủy viên HĐCDGS nhà nước
1. Là nhà giáo có chức danh GS, có uy tín cao về chuyên môn; đang tham gia đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và nghiên cứu khoa học; xứng đáng đại diện cho ngành chuyên môn trong HĐCDGS Nhà nước.
2. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; trung thành với Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Trung thực, công bằng, khách quan và có trách nhiệm cao trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
3. Có sức khỏe tốt, có thời gian để hoàn thành công việc của HĐCDGS Nhà nước, tuổi không quá 65 tính đến thời điểm được bổ nhiệm. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ có thể bổ nhiệm một số GS trên 65 tuổi có đủ sức khỏe để hoàn thành công việc của ủy viên HĐCDGS nhà nước.
Điều 11. Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của ủy viên HĐCDGS nhà nước
1. Ủy viên HĐCDGS nhà nước đại diện cho ngành chuyên môn của giáo dục đại học, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước HĐCDGS nhà nước và trước pháp luật về hoạt động của HĐCDGS ngành và thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Thường trực HĐCDGS nhà nước.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn ủy viên HĐCDGS nhà nước:
a) Tham gia các hoạt động của HĐCDGS nhà nước và tích cực đóng góp ý kiến trong kỳ họp của HĐCDGS nhà nước;
b) Kịp thời có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề HĐCDGS nhà nước yêu cầu phải có ý kiến bằng văn bản;
c) Biểu quyết, bỏ phiếu về các nghị quyết của HĐCDGS nhà nước;
d) Chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của HĐCDGS ngành được phân công;
đ) Nếu ủy viên HĐCDGS nhà nước không có điều kiện tham gia công việc của HĐCDGS Nhà nước trong 12 tháng liên tục thì Chủ tịch HĐCDGS nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế .
6. Được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm ủy viên HĐCDGS nhà nước.
VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC
Điều 12. Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐCDGS nhà nước
1. Văn phòng HĐCDGS Nhà nước là cơ quan giúp việc cho HĐCDGS nhà nước, chịu sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của Tổng Thư ký HĐCDGS nhà nước để giải quyết các công việc hàng ngày về hành chính và nghiệp vụ chuyên môn .
2. Nhiệm vụ của Văn phòng HĐCDGS nhà nước:
a) Chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu, điều kiện làm việc cho các kỳ họp HĐCDGS Nhà nước và của Thường trực HĐCDGS nhà nước.
b) Theo sự chỉ đạo của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước, thông báo họp và chuyển các tài liệu dùng cho.
c) Ghi biên bản, dự thảo nghị quyết kỳ họp của HĐCDGS nhà nước.
d) Theo dõi và hướng dẫn các HĐCDGS ngành và HĐCDGS cơ sở thực hiện nhiệm vụ, theo sự phân công của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
đ) Tiếp nhận và phân loại hồ sơ của các ứng viên do các HĐCDGS cơ sở chuyển đến, bàn giao hồ sơ cho các HĐCDGS ngành theo chỉ đạo của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
e) Thông báo cho từng ứng viên chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lý do chưa được công nhận chậm nhất 15 ngày sau kỳ họp xét của HĐCDGS nhà nước.
g) Dự thảo báo cáo của HĐCDGS nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan về công việc của các HĐCDGS.
h) Lưu trữ hồ sơ và các tài liệu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; hồ sơ của những người vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và hồ sơ của các GS, PGS đã được công nhận trong các năm trước; quản lý con dấu của HĐCDGS nhà nước; làm công tác hành chính, văn thư theo quy định về hành chính, văn thư lưu trữ của nhà nước.
i) Lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của HĐCDGS nhà nước; quản lý tài chính, tài sản của HĐCDGS Nhà nước.
j) Thường xuyên giữ mối liên hệ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan để thực hiện các công việc được giao có liên quan tới hoạt động của HĐCDGS nhà nước.
k) Chuẩn bị các điều kiện để HĐCDGS nhà nước thiết lập, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế.
l) Tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo để báo cáo Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐCDGS nhà nước xem xét, xử lý; thực hiện nhiệm vụ xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của Chủ tịch hoặc Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
m) Thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước về các hoạt động của Văn phòng HĐCDGS nhà nước.
Điều 13. Tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐCDGS nhà nước
1. Văn phòng HĐCDGS nhà nước gồm có:
a) Phòng Chuyên môn gồm các Thư ký HĐCDGS nhà nước được tuyển dụng để giúp HĐCDGS nhà nước chuẩn bị các công việc về chuyên môn. Thư ký HĐCDGS nhà nước là người có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, công tâm và am hiểu công việc của HĐCDGS nhà nước; có chức danh GS, PGS hoặc có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; có đủ sức khoẻ để hoàn thành công việc được giao.
Trưởng phòng của Phòng Chuyên môn do Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước bổ nhiệm và phân công nhiệm vụ.
b) Phòng Hành chính - Tổng hợp gồm các cán bộ và nhân viên được tuyển dụng để làm nhiệm vụ hành chính, tài vụ, văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng, có trách nhiệm đảm bảo về cơ sở vật chất, tài chính và các điều kiện làm việc của HĐCDGS nhà nước.
Trưởng phòng của Phòng Hành chính - Tổng hợp do Tổng Thư ký HĐCDGS nhà nước bổ nhiệm và phân công nhiệm vụ.
2. Văn phòng HĐCDGS nhà nước có biên chế tối đa không quá 15 người làm việc chuyên trách và một số cán bộ làm việc theo chế độ hợp đồng.
3. Chánh văn phòng của Văn phòng HĐCDGS nhà nước do Chủ tịch HĐCDGS nhà nước bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước. Chánh văn phòng điều hành công việc hàng ngày của Văn phòng HĐCDGS nhà nước theo sự phân công của Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước.
HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NGÀNH
Điều 14. Tổ chức của HĐCDGS ngành
1. Mỗi HĐCDGS Ngành có từ 9 đến 15 thành viên gồm Chủ tịch HĐCDGS ngành, một Phó chủ tịch HĐCDGS ngành, một Uỷ viên thư ký HĐCDGS ngành và các ủy viên HĐCDGS ngành. Số lượng thành viên trong một HĐCDGS ngành của cùng một cơ sở giáo dục đại học không quá 3, trường hợp đặc biệt do Chủ tịch HĐCDGS nhà nước quyết định.
2. Thường trực HĐCDGS ngành gồm Chủ tịch HĐCDGS ngành, Phó Chủ tịch HĐCDGS ngành và Uỷ viên thư ký HĐCDGS ngành.
Chủ tịch HĐCDGS ngành do Chủ tịch HĐCDGS nhà nước bổ nhiệm. Phó chủ tịch HĐCDGS ngành và Uỷ viên thư ký HĐCDGS ngành do HĐCDGS ngành bầu và trình Chủ tịch HĐCDGS nhà nước phê duyệt.
Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐCDGS ngành phải là GS.
3. Mỗi HĐCDGS ngành có một tổ giúp việc do Chủ tịch HĐCDGS ngành chỉ định.
4. Nhiệm kỳ của HĐCDGS ngành theo nhiệm kỳ của HĐCDGS nhà nước là 5 năm.
Điều 15. Nhiệm vụ của HĐCDGS ngành
1. Xét và đề nghị HĐCDGS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của các ứng viên trong danh sách do HĐCDGS nhà nước chuyển đến thuộc ngành, liên ngành chuyên môn của HĐCDGS ngành được giao xét.
2. Xét và đề nghị HĐCDGS nhà nước huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ứng viên đã được công nhận, nhưng bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn quy định ở Điều 8, Điều 9, Điều 10, Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg.
3. Tiếp nhận và kịp thời xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công việc của HĐCDGS ngành, báo cáo HĐCDGS nhà nước.
Điều 16. Họp, bỏ phiếu, biểu quyết và lấy ý kiến của HĐCDGS ngành
1. Cuộc họp của HĐCDGS ngành phải có ít nhất 3/4 tổng số thành viên HĐCDGS ngành tham dự.
2. Sau khi HĐCDGS ngành đã thẩm định hồ sơ của từng ứng viên, việc bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín.
HĐCDGS ngành có thể biểu quyết công khai những nội dung công việc khác và lấy kết quả theo nguyên tắc quá bán trên tổng số thành viên dự họp. Nếu số ý kiến biểu quyết ngang nhau thì ý kiến biểu quyết của Chủ tịch HĐCDGS ngành là ý kiến quyết định.
3. Các ứng viên đạt từ 3/4 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGS ngành sẽ được đề nghị HĐCDGS nhà nước xem xét.
Trong trường hợp ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là thành viên của HĐCDGS ngành thì thành viên này không tham gia phần trao đổi, thảo luận, đánh giá về hồ sơ của mình, nhưng vẫn được quyền tham gia bỏ phiếu tín nhiệm.
4. HĐCDGS ngành có thể họp hoặc lấy ý kiến các thành viên HĐCDGS ngành qua mạng internet, trừ trường hợp bỏ phiếu kín trực tiếp.
Điều 17. Tiêu chuẩn thành viên HĐCDGS ngành
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
2. Là GS; trong trường hợp không đủ số GS tham gia thì một số thành viên có thể là PGS nhưng không quá 1/3 tổng số thành viên của HĐCDGS ngành.
3. Có uy tín khoa học, đang tham gia đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và nghiên cứu khoa học; hiểu biết đội ngũ cán bộ khoa học trong cùng lĩnh vực chuyên môn.
4. Trung thực, công bằng, khách quan và có trách nhiệm cao trong việc thẩm định, đánh giá, xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
5. Có sức khoẻ tốt và có thời gian để hoàn thành công việc của HĐCDGS ngành, tuổi không quá 65 tính đến thời điểm được bổ nhiệm. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch HĐCDGS nhà nước có thể xem xét và bổ nhiệm một số GS từ 65 đến 70 tuổi, có uy tín khoa học, có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ làm thành viên HĐCDGS ngành. Số thành viên trong độ tuổi từ 65 đến 70 tuổi không quá 1/3 tổng thành viên của HĐCDGS ngành.
Điều 18. Lựa chọn và bổ nhiệm thành viên HĐCDGS ngành
1. Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở giáo dục đại học giới thiệu những người có đủ các điều kiện ghi tại Điều 17 của Quy chế này để Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học lựa chọn, đề cử bằng văn bản, có xếp theo thứ tự ưu tiên và gửi tới Văn phòng HĐCDGS nhà nước.
2. Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước, căn cứ danh sách đề cử của các cơ sở giáo dục đại học, của Chủ tịch HĐCDGS ngành, tiêu chuẩn thành viên HĐCDGS Ngành và yêu cầu cụ thể của việc thành lập HĐCDGS ngành, lựa chọn và lập danh sách các thành viên HĐCDGS Ngành trình Chủ tịch HĐCDGS nhà nước quyết định.
3. Chủ tịch HĐCDGS nhà nước căn cứ vào nhu cầu công tác, khả năng của những người được đề cử, để quyết định thành lập HĐCDGS ngành và lựa chọn bổ nhiệm thành viên HĐCDGS ngành. Chủ tịch HĐCDGS nhà nước có thể bổ nhiệm một số thành viên HĐCDGS ngành không có tên trong danh sách đề cử của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học và Chủ tịch HĐCDGS ngành.
Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên HĐCDGS ngành.
1. Thường trực HĐCDGS ngành chịu trách nhiệm giải quyết các công việc của HĐCDGS Ngành giữa hai kỳ họp của HĐCDGS ngành.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐCDGS ngành:
a) Chủ toạ các kỳ họp của HĐCDGS ngành;
b) Chủ trì giải quyết các công việc của HĐCDGS ngành giữa hai kỳ họp;
c) Chịu trách nhiệm trước HĐCDGS Nhà nước về công việc của HĐCDGS ngành được phân công phụ trách;
d) Tham gia một số công việc của HĐCDGS ngành với tư cách thành viên Hội đồng;
d) Chỉ định và giao nhiệm vụ cho tổ giúp việc HĐCDGS ngành;
đ) Được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Chủ tịch HĐCDGS ngành.
3. Phó Chủ tịch HĐCDGS ngành có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Thay mặt Chủ tịch HĐCDGS ngành thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch HĐCDGS ngành khi được Chủ tịch uỷ quyền hoặc khi Chủ tịch vắng mặt;
b) Cùng với Chủ tịch và Uỷ viên Thư ký HĐCDGS ngành giải quyết các công việc của HĐCDGS Ngành giữa hai kỳ họp của HĐCDGS ngành theo sự phân công của Chủ tịch HĐCDGS ngành;
c) Tham gia một số công việc của HĐCDGS ngành với tư cách thành viên Hội đồng;
d) Được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Phó Chủ tịch HĐCDGS ngành.
4. Nhiệm vụ và quyền hạn Ủy viên thư ký HĐCDGS ngành:
a) Giải quyết các công việc của HĐCDGS ngành theo sự phân công của Chủ tịch HĐCDGS ngành.
b) Chuẩn bị các văn bản, hồ sơ cho kỳ họp HĐCDGS ngành; chuẩn bị hồ sơ, các tài liệu và dự thảo báo cáo của HĐCDGS ngành để gửi tới HĐCDGS nhà nước;
c) Trực tiếp phụ trách các hoạt động của tổ giúp việc HĐCDGS ngành;
d) Tham gia công việc của HĐCDGS ngành với tư cách thành viên Hội đồng;
đ) Được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm Uỷ viên thư ký HĐCDGS ngành.
5. Ủy viên HĐCDGS ngành có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Tham gia các hoạt động của HĐCDGS ngành, thẩm định hồ sơ ứng viên theo sự phân công của Chủ tịch HĐCDGS ngành;
b) Xem xét, đánh giá và thảo luận về từng hồ sơ ứng viên trong các kỳ họp của HĐCDGS ngành;
c) Bỏ phiếu kín để nghị quyết về việc đề nghị công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; tham gia biểu quyết về các công việc khác của HĐCDGS ngành;
d) Giữ bí mật theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Quy chế này và theo quyết nghị của HĐCDGS ngành về những nội dung phải giữ bí mật.
6. Thành viên HĐCDGS ngành không có điều kiện tham gia công việc của HĐCDGS Ngành trong 12 tháng liên tục thì Chủ tịch HĐCDGS ngành đề nghị Chủ tịch HĐCDGS nhà nước ra quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.
Điều 20. Thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
1. Trước kỳ họp xét của HĐCDGS ngành, Thường trực HĐCDGS ngành phân công ba người thẩm định hồ sơ của mỗi ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Người thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải là GS. Người thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS là GS hoặc PGS. Người thẩm định hồ sơ có thể không phải là thành viên HĐCDGS Ngành, nhưng phải có cùng ngành chuyên môn với ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS. Trong trường hợp không đủ ba người có cùng ngành chuyên môn thì Thường trực HĐCDGS ngành mời những nhà khoa học có uy tín và có chuyên môn gần nhất với ngành chuyên môn của ứng viên để thẩm định hồ sơ.
2. Người thẩm định hồ sơ phải nghiên cứu kỹ hồ sơ của ứng viên, điền đầy đủ thông tin đánh giá về ứng viên vào bản trích ngang và phiếu thẩm định hồ sơ, ký tên vào phiếu thẩm định .
Điều 21. Trình tự xét đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
1. Kỳ họp thứ nhất của HĐCDGS ngành:
a) Trao đổi những vấn đề chung;
b) Người thẩm định đọc bản trích ngang và phiếu thẩm định, nếu người thẩm định không phải là thành viên HĐCDGS ngành thì Uỷ viên thư ký đọc thay; các thành viên HĐCDGS ngành tự ghi các thông tin vào bản trích ngang để theo dõi;
c) Thảo luận công khai trong kỳ họp để đánh giá đối với từng hồ sơ ứng viên;
d) Biểu quyết công khai trong kỳ họp về danh sách ứng viên đủ điều kiện để được mời trình bày báo cáo khoa học tổng quan và được thẩm định trình độ ngoại ngữ.
2. Ngay sau kỳ họp, Uỷ viên thư ký HĐCDGS ngành thông báo cho các ứng viên trong danh sách ứng viên được mời trình bày báo cáo khoa học tổng quan và được thẩm định trình độ ngoại ngữ biết thời gian và địa điểm trình bày báo cáo khoa học tổng quan và thẩm định ngoại ngữ.
3. Kỳ họp thứ hai của HĐCDGS ngành:
a) Từng ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan, trả lời câu hỏi của HĐCDGS Ngành và thực hiện các yêu cầu thẩm định về ngoại ngữ của HĐCDGS Ngành;
b) HĐCDGS ngành đánh giá báo cáo khoa học tổng quan và trình độ sử dụng ngoại ngữ của từng ứng viên;
c) Biểu quyết công khai thông qua danh sách ứng viên đạt đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn ghi tại Điều 8 và Điều 9 hoặc Điều 10 của Quyết định 174 /2008/QĐ-TTg để được HĐCDGS ngành bỏ phiếu tín nhiệm. Lập hai danh sách riêng: Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS;
d) Cử các thành viên tham gia ban kiểm phiếu. Ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS không tham gia ban kiểm phiếu;
đ) Bỏ phiếu kín tín nhiệm những người trong danh sách ứng viên có đủ điều kiện được trình bày báo cáo khoa học tổng quan và được dự thẩm định trình độ ngoại ngữ;
e) Thông qua biên bản kiểm phiếu và nghị quyết kỳ họp của HĐCDGS Ngành, thông qua toàn bộ hồ sơ và tổng hợp kết quả theo mẫu để gửi tới HĐCDGS nhà nước;
g) Trao đổi, rút kinh nghiệm về đợt xét và các ý kiến kiến nghị với HĐCDGS Nhà nước ( nếu có).
4. Công việc của HĐCDGS ngành sau kỳ họp:
a) Báo cáo HĐCDGS nhà nước; thông báo cho các ứng viên chưa được HĐCDGS Ngành đề nghị HĐCDGS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS về các tiêu chuẩn chưa đạt của từng ứng viên. Việc thông báo cho các ứng viên phải hoàn thành chậm nhất sau 2 ngày; báo cáo HĐCDGS nhà nước chậm nhất sau 7 ngày kể từ khi kết thúc kỳ họp thứ hai của HĐCDGS ngành ;
b) Gửi toàn bộ hồ sơ và tổng hợp kết quả theo mẫu đến HĐCDGS nhà nước, bao gồm:
Danh sách ứng viên kèm theo các bản trích ngang (mẫu số 3), các bản thẩm định (mẫu số 2) và 3 bộ hồ sơ cá nhân của mỗi ứng viên đã đạt đủ số phiếu tín nhiệm;
Biên bản chi tiết của tất cả các kỳ họp của HĐCDGS ngành (mẫu số 5);
Báo cáo của Hội đồng về kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại kỳ họp HĐCDGS ngành (mẫu số 6);
Biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu của HĐCDGS ngành (mẫu số 4).
Kiến nghị của HĐCDGS ngành và các tài liệu khác về ứng viên (nếu có).
HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ CƠ SỞ
Điều 22. Tổ chức của HĐCDGS cơ sở
1. HĐCDGS Cơ sở có từ 9 đến 17 thành viên là GS hoặc PGS, trong đó có Chủ tịch HĐCDGS cơ sở là GS, một Uỷ viên thường trực HĐCDGS Cơ sở và các ủy viên HĐCDGS cơ sở là GS hoặc PGS.
Chủ tịch HĐCDGS cơ sở và Uỷ viên thường trực HĐCDGS cơ sở do HĐCDGS Cơ sở bầu. Trong trường hợp HĐCDGS cơ sở không có GS thì có thể bầu người có chức danh PGS làm Chủ tịch HĐCDGS cơ sở.
2. HĐCDGS cơ sở có tổ giúp việc do Chủ tịch và Uỷ viên thường trực HĐCDGS cơ sở lựa chọn để giúp HĐCDGS Cơ sở tiếp nhận, kiểm tra các hồ sơ đăng ký, chuẩn bị tài liệu và các điều kiện cần thiết cho kỳ họp HĐCDGS cơ sở, tổng hợp kết quả thẩm định các hồ sơ, lập danh sách trích ngang theo mẫu và giúp HĐCDGS cơ sở chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ của ứng viên, trừ các nội dung ghi tại Khoản 5 Điều 3 của bản Quy chế này.
4. Nhiệm kỳ hoạt động của HĐCDGS cơ sở là một năm.
5. Kinh phí hoạt động của HĐCDGS cơ sở do cơ sở giáo dục đại học, nơi tổ chức HĐCDGS cơ sở cấp.
Điều 23. Nhiệm vụ của HĐCDGS cơ sở
1. Xét để đề nghị HĐCDGS chà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS cho các ứng viên là giảng viên thuộc biên chế cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học hồ sơ của những ứng viên được HĐCDGS chà nước giới thiệu đến.
2. Xét đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của HĐCDGS cơ sở, báo cáo HĐCDGS chà nước.
Điều 24. Họp, bỏ phiếu và biểu quyết của HĐCDGS cơ sở
1 Kỳ họp của HĐCDGS cơ sở phải có ít nhất 3/4 tổng số thành viên HĐCDGS cơ sở tham dự.
3. Sau khi thẩm định hồ sơ, việc bỏ phiếu tín nhiệm đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín. Những ứng viên đạt từ 2/3 tổng số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGS cơ sở sẽ được chuyển lên HĐCDGS nhà nước xét.
4. Những nội dung công việc khác liên quan tới thực hiện nhiệm vụ của HĐCDGS Cơ sở có thể được biểu quyết công khai tại kỳ họp theo nguyên tắc quá bán trên tổng số thành viên dự họp. Nếu số ý kiến biểu quyết ngang nhau thì ý kiến biểu quyết của Chủ tịch HĐCDGS cơ sở là ý kiến quyết định.
Điều 25. Tiêu chuẩn thành viên HĐCDGS cơ sở
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa
2. Có chức danh GS hoặc PGS.
3. Có uy tín khoa học và hiểu biết về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trong đơn vị và trong cùng lĩnh vực khoa học.
4. Trung thực, công bằng, khách quan và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của HĐCDGS cơ sở.
5. Có sức khoẻ và điều kiện thời gian để hoàn thành công việc của HĐCDGS cơ sở.
Điều 26. Thành lập HĐCDGS cơ sở
1. Mỗi cơ sở giáo dục đại học có thể được thành lập một HĐCDGS cơ sở khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có từ 15 giảng viên trở lên ( không kể giảng viên thỉnh giảng ) có chức danh GS, PGS hoặc có học vị tiến sĩ, trong đó có ít nhất 5 GS hoặc PGS;
b) Cơ sở giáo dục đại học có ứng viên là giảng viên của chính cơ sở mình. Ứng viên của cơ sở giáo dục đại học không đồng thời là ủy viên HĐCDGS cơ sở.
2. Trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học không đủ số lượng GS, PGS là giảng viên để thành lập HĐCDGS cơ sở thì việc thành lập HĐCDGS cơ sở được thực hiện như sau:
a) Mời không quá 4 GS hoặc PGS đang là giảng viên thỉnh giảng hoặc đang hướng dẫn luận án, luận văn tại cơ sở giáo dục đại học để thành lập HĐCDGS Cơ sở;
b) Nếu đã mời 4 GS, PGS theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này mà vẫn chưa đủ 9 thành viên trở lên thì có thể chọn một ứng viên tham gia HĐCDGS cơ sở, ứng viên không được làm Chủ tịch hoặc Uỷ viên thường trực HĐCDGS cơ sở.
3. Cơ sở giáo dục đại học có đủ 10 giảng viên ( không kể giảng viên thỉnh giảng) có chức danh GS, PGS hoặc có học vị tiến sĩ, trong đó có ít nhất 3 GS hoặc PGS thì có thể kết hợp với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập HĐCDGS cơ sở. Số lượng cơ sở giáo dục đại học được liên kết để thành lập một HĐCDGS Cơ sở không quá hai và phải được thủ trưởng của cả hai cơ sở giáo dục đó nhất trí đề nghị bằng văn bản, cả hai cơ sở đều phải có ứng viên.
4. Một cơ sở giáo dục đại học có từ 10 mã số ngành chuyên môn trở lên có thể được thành lập một số HĐCDGS cơ sở nếu mỗi HĐCDGS cơ sở có từ 7 giảng viên là GS trở lên làm ủy viên và mỗi HĐCDGS cơ sở có từ 3 ứng viên trở lên .
5. Thường trực HĐCDGS nhà nước xem xét và quyết định cụ thể việc thành lập HĐCDGS cơ sở tại các cơ sở giáo dục đại học của các ngành nghệ thuật, thể dục thể thao.
Điều 27. Quy trình thành lập HĐCDGS cơ sở
1. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện theo quy định tại điều 26 của quy chế này, căn cứ ý kiến đề xuất bằng văn bản của Hội đồng Khoa học đào tạo, gửi hồ sơ đề nghị HĐCDGS nhà nước thành lập HĐCDGS cơ sở. Hồ sơ đề nghị thành lập HĐCDGS cơ sở gồm:
Công văn đề nghị thành lập HĐCDGS cơ sở kèm theo danh sách dự kiến các thành viên HĐCDGS cơ sở.
Danh sách giảng viên là GS, PGS, Tiến sĩ và Danh sách giảng viên thỉnh giảng là GS, PGS của cơ sở giáo dục đại học.
Danh sách ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của cơ sở giáo dục đại học.
2. Tổng thư ký HĐCDGS nhà nước xem xét hồ sơ đề nghị của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, trình Chủ tịch HĐCDGS nhà nước quyết định thành lập HĐCDGS Cơ sở và bổ nhiệm các thành viên HĐCDGS cơ sở.
3, Sau khi có quyết định thành lập HĐCDGS cơ sở và bổ nhiệm các thành viên HĐCDGS Cơ sở, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức họp để bầu Chủ tịch và ủy viên thường trực HĐCDGS cơ sở; gửi báo cáo tới Chủ tịch HĐCDGS nhà nước về kết quả bầu Chủ tịch và ủy viên thường trực HĐCDGS cơ sở để được phê duyệt.
Điều 28. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ ứng viên
1. Ủy viên thường trực HĐCDGS cơ sở tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ ứng viên, viết giấy biên nhận đã nhận đủ hồ sơ cho từng ứng viên, sắp xếp, mã hóa hồ sơ và nộp toàn bộ hồ sơ cho Chủ tịch HĐCDGS cơ sở.
2. Chủ tịch HĐCDGS cơ sở phân công ba người thẩm định hồ sơ của mỗi ứng viên.
a) Người thẩm định hồ sơ của ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS phải là GS. Người thẩm định hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS là GS hoặc PGS. Người thẩm định có thể không phải là ủy viên Hội đồng, nhưng phải có cùng ngành chuyên môn với ứng viên. Trong trường hợp không có đủ ba người thẩm định có cùng ngành chuyên môn với ứng viên thì Chủ tịch HĐCDGS cơ sở mời nhà khoa học có lĩnh vực chuyên môn gần nhất với lĩnh vực chuyên môn mà ứng viên đăng ký xét để thẩm định hồ sơ ứng viên;
b) Người thẩm định nghiên cứu kỹ hồ sơ của ứng viên, viết phiếu thẩm định, điền đầy đủ các thông tin về ứng viên vào phiếu thẩm định và bản trích ngang, ký tên và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã ghi trong phiếu thẩm định, bản trích ngang.
Điều 29. Trình tự họp xét hồ sơ ứng viên
1. Một tuần trước khi HĐCDGS cơ sở họp xét, ủy viên thường trực HĐCDGS cơ sở phải báo cáo lịch làm việc tới Văn phòng HĐCDGS nhà nước.
2. Kỳ họp thứ nhất của HĐCDGS cơ sở:
a) Trao đổi về những vấn đề chung;
b) Người thẩm định đọc bản trích ngang của từng ứng viên được phân công thẩm định, nếu người thẩm định không phải là ủy viên HĐCDGS cơ sở thì Uỷ viên thường trực HĐCDGS cơ sở đọc thay. Các ủy viên HĐCDGS cơ sở tự ghi những thông tin vào bản trích ngang theo mẫu;
c) Hội đồng trao đổi, đánh giá hồ sơ từng ứng viên. Nếu ủy viên HĐCDGS cơ sở là ứng viên thì không tham gia phần HĐCDGS cơ sở trao đổi về hồ sơ của mình, nhưng vẫn được quyền tham gia bỏ phiếu;
d) Biểu quyết công khai trong kỳ họp danh sách những ứng viên được mời trình bầy báo cáo khoa học tổng quan, được thẩm định trình độ ngoại ngữ;
đ) HĐCDGS cơ sở thông báo cho các ứng viên trong danh sách được mời trình bầy báo cáo khoa học tổng quan, được thẩm định trình độ ngoại ngữ biết thời gian, địa điểm trình bày báo cáo khoa học tổng quan và thẩm định trình độ ngoại ngữ.
3. Kỳ họp thứ hai của HĐCDGS cơ sở:
a) Các ứng viên trình bày báo cáo và trả lời các câu hỏi của HĐCDGS cơ sở, thực hiện các yêu cầu thẩm định trình độ sử dụng ngoại ngữ;
b) HĐCDGS cơ sở đánh giá, kết luận về báo cáo khoa học tổng quan và về trình độ sử dụng ngoại ngữ của từng ứng viên;
c) Biểu quyết công khai tại kỳ họp để thông qua danh sách những ứng viên đạt đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 hoặc Điều 10 của Quyết định 174/2008/QĐ-TTg. Lập riêng hai danh sách: Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và Danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS để bỏ phiếu tín nhiệm;
d) Cử các thành viên HĐCDGS cơ sở tham gia ban kiểm phiếu, thành viên HĐCDGS Cơ sở là ứng viên không tham gia ban kiểm phiếu;
đ) Bỏ phiếu tín nhiệm: bỏ phiếu kín cho các ứng viên trong danh sách ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS đã được biểu quyết thông qua;
e) Thông qua biên bản kiểm phiếu và nghị quyết kỳ họp của HĐCDGS cơ sở, thông qua toàn bộ hồ sơ và tổng hợp kết quả theo mẫu để gửi đến HĐCDGS nhà nước;
g) Trao đổi, rút kinh nghiệm về đợt xét và các ý kiến kiến nghị lên HĐCDGS Nhà nước ( nếu có).
4. Một tuần sau kỳ họp thứ hai của HĐCDGS Cơ sở, trước khi gửi báo cáo kết quả lên HĐCDGS nhà nước, HĐCDGS Cơ sở công bố công khai danh sách ứng viên được đề nghị đạt tại trụ sở của cơ sở giáo dục đại học; thông báo cho từng ứng viên chưa đạt biết các điều kiện và tiêu chuẩn chưa đạt;
5. Chủ tịch HĐCDGS Cơ sở gửi HĐCDGS nhà nước Danh sách ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm được đề nghị lên HĐCDGS nhà nước xem xét, kèm theo các bản trích ngang (mẫu số 3), các phiếu thẩm định (mẫu số 2) và 3 bộ hồ sơ cá nhân của ứng viên; Biên bản chi tiết của tất cả các buổi họp HĐCDGS Cơ sở (mẫu số 4); Báo cáo của HĐCDGS cơ sở về kết quả xét đề nghị đạt tiêu chuẩn chưc danh GS, PGS (mẫu số 6); Biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu của HĐCDGS cơ sở (mẫu số 5); Các tài liệu khác liên quan tới hồ sơ ứng viên. Đồng thời gửi thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học Danh sách ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm được đề nghị lên HĐCDGS nhà nước xét tiếp, Báo cáo của HĐCDGS cơ sở về kết quả xét đề nghị đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.