BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3900/QĐ-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2023 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-BGDĐT ngày 22/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Ban biên soạn Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông;
Căn cứ biên bản cuộc họp và kết luận của Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết định số 2788/QĐ-BGDĐT ngày 27/9/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông (Tài liệu kèm theo).
Điều 2. Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp Trung học phổ thông được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học cơ sở và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
MỤC LỤC
PHẦN 1
KHÁI QUÁT VỀ TÁC HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ VÀ GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
I. TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VÀ CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ MỚI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE, KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG
1.1. Tác hại của thuốc lá điếu truyền thống
1.2. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
2.1. Vị trí, vai trò giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đối với giáo dục toàn diện HS
2.2. Định hướng về nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và Hoạt động giáo dục cấp THPT
2.3. Định hướng về phương pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng các môn học, Hoạt động giáo dục cấp THPT
2.4. Định hướng đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá
PHẦN 2
HƯỚNG DẪN GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG BÀI GIẢNG MÔN HỌC, HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
1.1. Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
1.2. Nguyên tắc giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
1.3. Quy trình giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
1.4. Phương pháp trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá
1.5. Đánh giá trong tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phòng, chống tác hại của thuốc lá
II. GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỘT SỐ MÔN HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
2.1. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình Hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp
2.2. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật
2.3. Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình môn Sinh học
Ký hiệu viết tắt |
Tên đầy đủ |
FDA |
Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ |
GDPT |
Giáo dục phổ thông |
GV |
Giáo viên |
HĐTN |
Hoạt động trải nghiệm |
HS |
Học sinh |
KTDH |
Kỹ thuật dạy học |
PPDH |
Phương pháp dạy học |
THPT |
Trung học phổ thông |
TLĐT |
Thuốc lá điện tử |
TLNN |
Thuốc lá nung nóng |
WHO |
Tổ chức Y tế Thế giới |
YCCĐ |
Yêu cầu cần đạt |
Hình 1. Một số chất độc hại có trong sản phẩm thuốc lá điếu thông thường
Hình 2. Các bệnh do sử dụng sản phẩm thuốc lá thông thường gây ra
Hình 3. Các bệnh do hút thuốc thụ động
Hình 4. Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường
Hình 5. Cấu tạo của TLĐT
Hình 6. Các loại TLĐT
Hình 7. Các loại hương vị của tinh dầu TLĐT
Hình 8. Cấu tạo của thuốc lá nung nóng
Hình 9. Các loại thuốc lá nung nóng
Hình 10. Thuốc lá điếu và viên nang trong các sản phẩm TLNN khác nhau
Hình 11. Thuốc lá nung nóng với các hương vị khác nhau
Hình 12. Tổn thương phổi cấp tính liên quan đến TLĐT
Hình 13: Một số hương vị tinh dầu sử dụng cho TLĐT
Hình 14: Một số sản phẩm TLĐT được bán trên thị trường
Bảng 1. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp THPT
Bảng 2. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Giáo dục kinh tế và pháp luật
Bảng 3. Nội dung và địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức dạy học môn Sinh học cấp THPT
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh (HS) độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022); trong nhóm tuổi từ 13 đến 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50% (từ 5,4% năm 2013 xuống còn 2,8% năm 2019). Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở HS cấp học mầm non đến trung học phổ thông (THPT) tại khu vực trường học giảm từ 24,4% (năm 2020) xuống 20,5% (năm 2022).
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận các em HS sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, bên cạnh đó việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: TLĐT, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng. Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng TLĐT trong HS 13-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong HS năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT HS độ tuổi 13 -15 là 3,5%. Theo các chuyên gia WHO tại Việt Nam, với lứa tuổi HS, khi hút một trong các loại trên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập và tương lai sau này.
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua các hoạt động ngoại khóa thì việc lồng ghép giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, HS nhận thức được các hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá và có thái độ, ứng xử đúng đắn đối với phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc lá.
Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong một số môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT được biên soạn nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên THPT cập nhật các kiến thức về thuốc lá, tác hại của thuốc lá, cách phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như phương pháp luận tiếp cận và các hình thức thực hiện lồng ghép, tích hợp khối kiến thức này trong việc dạy và học một số môn học, các hoạt động giáo dục ở cấp THPT. Tài liệu bao gồm hai nội dung chính:
Phần 1. Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá. Phần này giúp người đọc hiểu biết hơn về tác hại của thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá mới đối với sức khỏe con người, kinh tế, xã hội, và môi trường cũng như vị trí, vai trò của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với việc giáo dục toàn diện người học; giúp xác định được nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giúp người đọc có các định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Phần 2. Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT. Trong phần này, người đọc sẽ xác định mục tiêu, nguyên tắc, quy trình lồng ghép giáo cũng như các hướng dẫn lồng ghép về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học và hoạt động giáo dục cấp THPT.
Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn và mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc để nội dung tài liệu được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau.
I. TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ VÀ CÁC SẢN PHẨM THUỐC LÁ MỚI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE, KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG
1.1. Tác hại của thuốc lá điếu truyền thống
1.1.1 Các thành phần độc hại trong khói thuốc lá
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, “Thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Theo báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ, khói thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Một số chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá gồm:
Nicotine
Nicotine là một chất gây nghiện, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp.
Cục quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự Heroin và Cocain. Khi nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào não bộ, các hóa chất dẫn truyền thần kinh được phóng thích tạo ra nhiều tác động như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ... Vì vậy, để có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc.
Ở những người sử dụng thuốc lá, nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ. Đối với những người hút trên 15 điếu thuốc một ngày, nồng độ nicotine trong máu luôn ở mức cao làm cho việc cai thuốc trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhà sản xuất thuốc lá sử dụng nhiều hóa chất đi kèm nhằm tăng độ hấp thụ nicotine vào cơ thể.[1]
Hắc ín (Tar)
Hắc ín hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.
Carbon monoxide (khí CO)
Khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây các bệnh về tim mạch, đột quỵ.
Benzene
Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn.
Nitrosamines
Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong khói thuốc và cả trong các sản phẩm thuốc lá không khói.
Ammonia
Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng tăng cường khả năng hấp thụ Nicotine của niêm mạc đường hô hấp, vì thế cùng một lượng khói thuốc hít vào, lượng Nicotine được hấp thụ tăng lên.
Formaldehyde
Là chất dùng trong công nghệ ướp xác, và nó cũng có nhiều trong khói thuốc. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.
Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH): Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác.
Hình 1. Một số các chất độc hại có trong sản phẩm thuốc lá điếu thông thường
1.1.2. Tác hại của hút thuốc lá chủ động
Thế giới hiện có 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc, 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Theo WHO[2], hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ[3]. Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,23 triệu người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
Hình 2. Các bệnh do sử dụng sản phẩm thuốc lá truyền thống gây ra
1.1.2.1. Hút thuốc lá và các bệnh ung thư
Ung thư phổi
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 90% các ca ung thư phổi. Trên thế giới, tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh và có sự liên quan mật thiết với việc hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị mắc ung thư phổi cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Với nam giới hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi, từ 12,2 lên tới 25 lần[4]. Khi hút thuốc lá với lượng lớn hơn và thời gian hút dài hơn, nguy cơ ung thư phổi cũng tăng lên. [5]
Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện K, hơn 90% những người mắc ung thư phổi là người sử dụng thuốc lá.
Nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi tăng lên cùng với sự gia tăng số lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc. Bỏ thuốc lá thành công làm hạn chế đáng kể nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi.
Ung thư thanh quản
Thanh quản tiếp xúc trực tiếp với chất sinh ung thư trong khói thuốc lá khi hơi thuốc được hít qua thanh môn ở khoảng giữa hai dây thanh âm. Những người hút thuốc từ 30 đến 39 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc. Những người hút từ 40 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư thanh quản gấp 14 lần so với những người không hút thuốc.
Những người hút thuốc từ 20 đến trên 20 điếu/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 đến 25 lần so với người không hút thuốc [6] [7] [8] [9] .
Ung thư hầu, miệng
Các dẫn chất trong khói thuốc lá có chứa các chất thúc đẩy sự phát triển ung thư trong khoang miệng[10].
Nguy cơ mắc ung thư khoang miệng ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn 27 lần so với nam giới không hút thuốc lá[11]. Con số này lên tới 14 lần đối với ung thư hầu[12]. Nghiên cứu theo dõi của Hội ung thư Hoa Kỳ theo dõi 352.363 nam và 553.593 nữ từ 1982-1996 cho thấy nguy cơ chết do ung thư miệng hầu tăng lên từ 4 đến 13 lần (ở nam) và từ 2 đến 12 lần (ở nữ) khi số lượng điếu thuốc lá hút hàng ngày tăng lên.
Ung thư thực quản
Với đầy đủ các bằng chứng từ nghiên cứu dịch tễ học, y sinh học và thực nghiệm các nhà khoa học Hoa Kỳ đã kết luận được hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản[13]. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá liên tục có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn gấp 3,7 lần so với người không hút thuốc[14].
Ung thư tụy
Các nghiên cứu cho thấy người sử dụng nhiều thuốc lá nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn người không bao giờ hút thuốc từ 3 đến 5 lần. Nguy cơ này giảm đi ở những người đã cai thuốc lá.
Ung thư bàng quang và ung thư thận
Hút thuốc lá có thể gây ra tới 30% đến 40% các trường hợp ung thư bàng quang. Nguy cơ này tăng lên cùng với số lượng và thời gian hút thuốc tăng.
Hút thuốc lá gây ra 70% đến 82% các trường hợp ung thư quanh thận và ung thư niệu quản ở nam và 37% đến 61% ở nữ. Nguy cơ mắc ung thư thận ở những người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc có thể tới 5 lần[15].
Ung thư cổ tử cung
Có mối quan hệ nhân quả giữ hút thuốc lá và ung thư cổ tử cung. Nguy cơ mắc ung thư tử cung ở người hút thuốc có thể cao gấp 5 lần người không hút thuốc. Nguy cơ mắc giảm sau khi cai thuốc[16].
Ung thư dạ dày
Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã báo cáo tỷ lệ chết và mắc ung thư dạ dày cao hơn ở nhóm những người hút thuốc. Từ năm 2002, các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã kết luận rằng có đủ bằng chứng chứng tỏ hút thuốc lá có quan hệ nhân quả với ung thư dạ dày[17].
1.1.2.2. Hút thuốc lá và các bệnh tim mạch
Khói thuốc khi vào cơ thể sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút.
Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tim mạch đã được các nhà khoa học phát hiện ra từ những năm 1940. Mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch không chỉ thấy ở cả 2 giới, trong người trẻ và người già mà còn thấy ở tất cả các chủng tộc.
Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ.
Xơ vữa động mạch
Chứng xơ vữa động mạch là do tích lũy các chất béo trong động mạch và gây cản trở và làm hẹp các động mạch. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành do lớp nội mạch bị phá hủy bởi các hóa chất trong khói thuốc.
Một nghiên cứu trên cộng đồng ở Pháp năm 1991 cho thấy so với nhóm nữ không hút thuốc, nhóm nữ hút thuốc có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao gấp 3,9 lần[18]. Một nghiên cứu khác do Fine-Edelstein và cs. (1994) tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng so với nhóm không hút thuốc, nhóm đang hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 2,8 lần (ở nam) và 3,1 lần (ở nữ) [19].
Bệnh mạch vành
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá và nhồi máu cơ tim cho dù nghiên cứu được thực hiện trên chủng tộc hay dân tộc nào[20]. Hút thuốc lá còn được xác định là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng nhất của bệnh nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi [21] [22]. So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc, lên 3 lần ở người hút từ 1-14 điếu/ngày và lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu thuốc/ngày.
Nguy cơ mắc và chết do bệnh mạch vành ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 2,5 lần đến 75 lần tùy theo mức độ hút thuốc, theo giới và tuổi.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ chết đột ngột do kết dính tiểu cầu, giải phóng những chất catecholamines gây ra huyết khối cấp tính và loạn nhịp tim. Các bằng chứng cho thấy nicotine ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền của tế bào cơ tim, thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá với loạn nhịp tim và chết đột ngột [23].
Bệnh mạch máu não
Bệnh mạch máu não là một hội chứng tổn thương thần kinh do máu tưới lên não bị ngắt quãng. Tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo vùng não bộ nào bị tổn thương và có thể là tạm thời (thiếu máu cục bộ tạm thời) hay vĩnh viễn (đột quỵ).
Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa đã khẳng định hút thuốc lá là một nguyên nhân gây ra bệnh mạch máu não. Một nghiên cứu theo dõi 40 năm từ 1951 đến 1991 của Doll và cs. (1994) khẳng định liên quan giữa hút thuốc và chết cho đột quỵ. Nguy cơ chết do đột quỵ ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 1,3 đến 2,1 lần tùy vào loại đột quỵ. Với những người hút thuốc nhiều hơn, nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, cụ thể là nguy cơ chảy máu dưới màng não tăng lên từ 1,4 đến 1,7 và 3,4 lần ở ba nhóm tương ứng hút từ 1-14 điếu thuốc lá/ngày, hút từ 15-24 điếu/ngày và hút từ trên 24 điếu/ngày [24].
Cao huyết áp
Một tác động nguy hiểm khác của khói thuốc là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong vòng vài phút hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng. Để phản ứng lại sự kích thích này, mạch máu co bóp lại buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để luân chuyển ô xy. Một số nghiên cứu cho thấy huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày làm tăng huyết áp trung bình, dẫn đến các bệnh về tim mạch.
Hút thuốc còn làm giảm tác dụng của việc điều trị tăng huyết áp do các chất hóa học trong khói thuốc kích thích gan sản xuất enzym vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc.
1.1.2.3. Hút thuốc lá và các bệnh về hô hấp
Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi và chức năng phổi như: tổn thương phổi, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, làm giảm chức năng phổi. Hút thuốc lá còn gây ra nhiều triệu chứng hô hấp tính như: ho mạn tính, khò khè, có đờm, khó thở.
Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Những sự thay đổi cấu trúc phổi ở những người hút thuốc làm giảm khả năng lấy oxygen của phổi. Khói thuốc gây phá hủy phế nang làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi oxygen. Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, từ đó dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxygen cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.
Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng giảm thông khí đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc, và do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở.
Các bệnh hô hấp cấp tính
Hút thuốc lá làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 đến 7 lần. So với nhóm không hút thuốc, tỷ lệ chết do lao hô hấp ở nhóm hút thuốc lá cao hơn 3 đến 5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 đến 2,6 lần[25].
Các bệnh hô hấp mạn tính
Bodner và cs. (1998) đã tiến hành một nghiên cứu bệnh chứng ở người từ 35 đến 49 tuổi cho thấy so với người không hút thuốc, người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc chứng thở khò khè cao gấp 2 lần và mắc chứng ho mãn tính và có đờm gấp 11,5 lần. Những người đã cai thuốc nguy cơ thở khò khè giảm xuống.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuật ngữ để chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tử vong. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trên toàn thế giới.
Mối liên quan giữa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hút thuốc cũng mạnh như với ung thư phổi. Theo các thống kê cho thấy, 90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người nghiện thuốc lá.
Hen
Ở người hút thuốc bệnh hen sẽ bị nặng hơn. Người mắc bệnh hen là người hút thuốc lá có nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm bệnh và dị ứng. Người mắc bệnh hen có triệu chứng hô hấp mạn tính cao hơn ở người không hút thuốc.
Viêm đường hô hấp mãn tính
Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp mãn tính cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ phải chịu đựng số lần mắc bệnh nhiều hơn mà họ phải chịu nhiều các đợt bệnh ở mức độ nặng hơn.
1.1.2.4. Hút thuốc lá và các bệnh về sức khỏe sinh sản
Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới
Hút thuốc giảm lượng tinh trùng: các nghiên cứu chỉ ra rằng các chất độc trong khói thuốc kìm hãm chất enzym - là chất cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. So với người không hút thuốc, mật độ tinh trùng của người hút thuốc giảm 13% [26].
Hút thuốc làm biến đổi hình dạng tinh trùng: Ở những người hút thuốc có phần trăm tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn tới sảy thai, thai nhi dị tật bẩm sinh, hoặc biến chứng khi sinh.
Nghiện thuốc lâu năm có thể dẫn tới chứng liệt dương: Giống như cơ chế gây tắc nghẽn mạch máu ở tim do quá trình xơ vữa động mạch, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi của bệnh xơ vữa động mạch trong mạch máu của dương vật, làm giảm khả năng cương cứng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc. Nguyên nhân do các chất độc trong khói thuốc làm xơ vữa động mạch ở dương vật, làm giảm lượng máu tới dương vật.
Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới
Các nghiên cứu khoa học hiện nay đã chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc với khả năng sinh sản ở nữ giới. Hút thuốc làm giảm khả năng sinh sản của nữ, làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai [27]. So với nữ không hút thuốc, nữ hút trên một bao thuốc một ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy phụ nữ hút thuốc, khả năng mang thai chỉ bằng từ 50% đến 89% so với phụ nữ không hút thuốc [28] [29].
Các nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của việc thai ngoài tử cung. Phụ nữ hút thuốc làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung từ 1,3 đến 2,5 lần, gây đẻ non hoặc thai chết lưu từ 1,4 đến 2,4 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra hút thuốc còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ sơ sinh.
1.1.2.5. Hút thuốc lá và ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài
Hút thuốc lá có thể khiến cho người hút thuốc trông có vẻ già hơn tuổi và ngoại hình sẽ trở nên kém hấp dẫn bởi răng bị ố vàng, hơi thở có mùi hôi, da xỉn, đầu tóc, quần áo luôn ám mùi khói thuốc.
Màu da của người hút thuốc sẽ có xu hướng ngả về tông màu cam hoặc xám do thiếu lượng oxy cung cấp cho các tế bào da, cùng với các tác động tiêu cực của nhiều hóa chất khác trong thuốc lá. Chất nicotin và các chất độc khác có trong thuốc lá sẽ bám màu vào răng, ngón, móng tay, khiến chúng dần chuyển sang màu vàng và có mùi khó chịu. Việc này gần như không thể loại bỏ bằng xà phòng hay nước. Cách duy nhất để thực sự thoát khỏi tình trạng vàng da này là ngừng hút thuốc [30].
1.1.3. Tác hại của hút thuốc lá thụ động
Hình 3. Các bệnh do hút thuốc lá thụ động
1.1.3.1. Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với người lớn
Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống và làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Một số bệnh điển hình như:
Hút thuốc thụ động và bệnh ung thư phổi
Hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc[31].
Hút thuốc thụ động và bệnh tim mạch
Hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.
Hút thuốc thụ động và sức khỏe sinh sản
Nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động còn được biết đến là một nguyên nhân làm thai chết lưu và làm giảm cân nặng trẻ sơ sinh từ 200-400gram.
1.1.3.2. Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em
Ở Việt Nam, hút thuốc là thói quen của nam giới và họ thường hút thuốc trong nhà, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thường bao gồm con cái, vợ (chồng) của người hút thuốc, sống trong cùng nhà với người hút thuốc hoặc người làm việc trong môi trường có khói thuốc.
Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như
cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bệnh tật nào khác có thể gây tử vong khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần [32].
Cân nặng khi sinh thấp
Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.
Các vấn đề về hô hấp
Viêm đường hô hấp cấp tính: là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung, các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ: là ho nhiều, nhiều nước dãi hoặc đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên. Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác.
Viêm tai giữa
Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc thụ động ở trẻ em và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính. Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe.
Các triệu chứng hen
Hen là một dạng mắc hô hấp mãn tính được mô tả là sưng đường dẫn khí, làm cản trở một phần đường dẫn khí, gây thường xuyên thở khò khè và khó thở. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, hút thuốc thụ động sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và tái phát bệnh thường xuyên hơn.
Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ; nó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
Suy giảm sự phát triển chức năng phổi
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ [33].
1.1.4. Tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới kinh tế và môi trường
1.1.4.1. Trên thế giới
Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; Chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá [34].
Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng hóa chất, chất thải độc hại, đầu mẩu thuốc lá, bao gồm cả vi hạt nhựa và chất thải từ TLĐT.
Sử dụng thuốc lá gây ra chi phí khổng lồ cho chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, cộng thêm tổn thất do giảm hoặc mất khả năng lao động, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường. Trên toàn thế giới, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ. Bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá thuốc còn làm suy giảm năng suất lao động, giảm thu nhập của hộ gia đình.
Hình 4. Tác hại của thuốc lá tới kinh tế và môi trường
1.1.4.2. Tại Việt Nam
Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra.
Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Ước tính số tiền người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá hàng năm là 49.000 tỷ VND/năm (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra: Trên thế giới khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).
Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Một cuộc điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá [35]. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.
1.2. Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Trong những năm gần đây, nhiều loại sản phẩm gọi là thuốc lá mới đã được các công ty đa quốc gia đưa ra thị trường, bao gồm: TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha và các loại khác (thuốc hít, nhai…). Các loại thuốc lá mới này còn có các tên gọi khác nhau như: sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (next generation products); sản phẩm nicotin dạng hơi (vaporized nicotine products); sản phẩm nicotin thay thế (alternative nicotine products); ...
TLĐT và thuốc lá nung nóng là hai loại sản phẩm thuốc lá mới có xu hướng sử dụng gia tăng và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, đặc biệt là ở giới trẻ. Các sản phẩm này hiện không được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
1.2.1. Thông tin chung về đặc điểm, cấu tạo, thành phần của TLĐT, thuốc lá nung nóng
1.2.1.1. Đặc điểm, cấu tạo của TLĐT
TLĐT (Electronic Nicotine Delivery Systems - ENDS), còn được gọi tên khác như E- cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào [36].
TLĐT có bốn bộ phận chính gồm pin, bộ phận cảm biến, buồng đốt/bộ phun, và bộ phận ống chứa dung dịch điện tử.
Hình 5. Cấu tạo của TLĐT
(Nguồn: Cục Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ - Từ điển hình ảnh về các sản phẩm TLĐT)
➢ Các loại TLĐT
Các thiết bị TLĐT khác nhau về hình dạng, kích thước và chức năng. Có nhiều “thế hệ” TLĐT khác nhau tùy theo công nghệ và thiết kế, từ thế hệ TLĐT đầu tiên có hình dạng “giống điếu thuốc” và sử dụng 1 lần đến các thiết bị TLĐT sử dụng nhiều lần hiện nay.
|
TLĐT sử dụng một lần Có hình giống điếu thuốc (cigalike), không thể sạc hay tái nạp lại dung dịch điện tử, dùng một lần cho đến khi hết pin hoặc hết dung dịch có sẵn trong thiết bị. |
|
TLĐT sử dụng nhiều lần (vape pens) Có ống chứa dung dịch điện tử được đóng sẵn bởi nhà sản xuất và có thể thay ống mới khi sử dụng hoặc có bộ phận chứa dung dịch điện tử có thể tái nạp sau khi sử dụng. Ống chứa dung dịch điện tử được gắn vào pin. TLĐT này có hình như chiếc bút (vape pen). |
|
TLĐT sử dụng nhiều lần (tank systems) Có đầu đốt dung dịch điện tử và thân máy tích hợp bộ điều khiển và pin (tanks mods) cho phép người sử dụng có thể điều chỉnh được nhiệt độ và thay đổi thành phần dung dịch điện tử. Thiết bị có thể sạc và sử dụng nhiều lần. |
|
TLĐT sử dụng nhiều lần (pod systems) Có phần đầu là bình chứa dung dịch điện tử được nạp sẵn hoặc tái nạp gắn với thân máy tích hợp hệ thống có thể điều chỉnh (Pod- mods). Sản phẩm thường sử dụng muối nicotine thay vì nicotine đơn thuần như trong các sản phẩm TLĐT khác, cho phép dung nạp nicotine nồng độ cao. |
Hình 6. Các loại TLĐT
Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại TLĐT mới kết hợp chức năng của các sản phẩm điện tử khác, chẳng hạn như TLĐT Bluetooth kết hợp hút TLĐT với nghe nhạc hoặc gọi điện cho bạn bè[37] [38]. Các thiết bị khác có thể được sử dụng vừa là TLĐT vừa là điện thoại di động như Vaporcade Jupiter [39].
➢ Dung dịch điện tử/tinh dầu dùng trong TLĐT
Dung dịch hay còn gọi là tinh dầu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT có thành phần, nồng độ rất khác nhau. Chúng thường là hợp chất có chứa: nicotine, propylene glycol, glycerin, và chất tạo hương vị. Một số rất ít TLĐT không chứa nicotine.
Thành phần chính của dung dịch điện tử/tinh dầu như sau:
o Nicotine
Nicotine là một chất gây nghiện cao. Chất nicotine có trong TLĐT có nguồn gốc từ chiết xuất từ thuốc lá hoặc nicotine tổng hợp nhân tạo. Hàm lượng nicotine của TLĐT có thể dao động từ 0 mg/ml đến hơn 66 mg/ml (ít nhất gấp đôi hàm lượng nicotine trong một điếu thuốc lá tiêu chuẩn).
Nicotine được sử dụng trong dung dịch điện tử/tinh dầu có các dạng khác nhau. Nicotine gốc tự do là một dạng nicotine được biến đổi và có thể khiến thuốc lá trở nên gây nghiện hơn bằng cách đưa nicotine nhanh chóng vào não. Gần đây, các nhà sản xuất TLĐT đã phát triển các muối nicotine cung cấp lượng nicotine cao hơn cho người dùng [40].
o Propylene glycol (PG) and glycerol
Các hợp chất này là chất mang nicotine và một số hương liệu. Tỷ lệ của 2 hợp chất này thường quyết định trải nghiệm với TLĐT vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ êm, và khói (đám mây) được tạo ra trong quá trình sử dụng. Bụi mịn và siêu mịn ở trong sol khí thụ động có thể được hình thành từ hơi 1, 2-propanediol (propylene glycol) bão hòa[41].
o Hương vị
Có khoảng 16.000 hương vị độc đáo có sẵn ở trên thị trường, nhiều loại trong số đó hấp dẫn trẻ em [42] [43] [44] [45]. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotine và đóng vai trò trong quyết định sử dụng TLĐT lần đầu của người dùng[46]. Hương vị làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, do đó, thay đổi nhận thức liên quan đến việc sử dụng[47]. Ví dụ, hương vị như tinh dầu bạc hà góp phần thúc đẩy và duy trì việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, trong khi các hương vị như quế có thể cải thiện vị ngon của sản phẩm [48] [49].
Các loại hương vị khác nhau là yếu tố hấp dẫn người sử dụng TLĐT và là yếu tố thúc đẩy thanh thiếu niên thử TLĐT và nghiện nicotine.
Hình 7. Các loại hương vị của tinh dầu TLĐT
➢ Chất độc hại trong khói TLĐT (hạt khí dung hay sol khí)
Sol khí (sau đây gọi là khói TLĐT) được tạo ra do quá trình làm nóng dung dịch TLĐT, chứa rất nhiều hợp chất[50]
• Nicotine;
• Hợp chất của cacbon: acetaldehyde, aceton, acrolein, hợp chất hữu cơ formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs);
• Nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA);
• Kim loại: chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường;
• Chất tạo mùi hương: diacetyl and acetyl propionyl...
1.1.2. Đặc điểm, cấu tạo của thuốc lá nung nóng
Thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Products - HTPs) là thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định hoặc kích hoạt thiết bị có chứa sợi thuốc lá, tạo ra sol khí chứa nicotine và các chất phụ gia tạo hương vị cho người dùng hít vào. Nhiệt độ do thuốc lá nung nóng tạo ra (trực tiếp hoặc gián tiếp) lên đến 350ºC, thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá truyền thống (600ºC) [81].
Thuốc lá nung nóng có cấu tạo cơ bản gồm ba phần chính gồm phần sạc pin, tẩu hút (có chứa pin) và phần thuốc lá chuyên dụng.
Hình 8. Cấu tạo của thuốc lá nung nóng
(Nguồn: Tạp chí ScienceDirect - Đánh giá hệ thống nhiệt thuốc lá[82])
Phần sạc pin (charger): dùng để sạc cho tẩu thuốc sau mỗi lần hút. Hộp sạc chứa pin lớn hơn dự trữ đủ năng lượng để sạc tẩu hút 20 lần. Tùy vào từng dòng máy mà hộp sạc sẽ có thiết kế khác nhau đôi chút về hình dáng.
Phần tẩu hút thuốc (holder): được thiết kế để gắn phần điếu thuốc lá vào và có thanh tạo nhiệt được điều khiển bằng điện tử.
Phần điếu thuốc lá chuyên dụng (tobacco stick): chứa thuốc lá được chế biến phù hợp để tạo khói.
➢ Các loại thuốc lá nung nóng
Thuốc lá nung nóng cũng có nhiều loại thiết kế khác nhau. Đáng lưu ý là ngày càng có nhiều sản phẩm thuốc lá “lai” mới có chứa cả nguyên liệu lá thuốc lá và dung dịch nicotine, và thiết bị hóa hơi có thể làm nóng thảo mộc khô bao gồm cả cần sa.
|
Thuốc lá nung nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá được thiết kế dạng điếu, hoặc ổ cắm hoặc viên nang. |
|
Thuốc lá nung nóng nung nóng dung dịch điện tử để tạo ra khí dung (sol khí) và sau đó đưa lượng khí này vào khoang chứa nguyên liệu thuốc lá để hấp thu hương vị và nicotine từ thuốc lá. |
|
Thuốc lá nung nóng có gắn thiết bị làm nóng sợi thuốc lá hoặc cả lá thuốc lá và thảo mộc khô bao gồm cần sa. |
Hình 9. Các loại thuốc lá nung nóng
(Nguồn: Tạp chí Frontiers-Thuốc lá nung nóng: tổng hợp các hiểu biết và đánh giá ban đầu)
➢ Nguyên liệu thuốc lá dùng trong thuốc lá nung nóng
Nguyên liệu thuốc lá sử dụng trong thuốc lá nung nóng là thuốc lá đã qua chế biến, các chất phụ gia không phải thuốc lá và các hương liệu. Thuốc lá có thể ở hình thức điếu hoặc ở các hình thức thiết kế đặc biệt khác như thanh, viên nang chứa thuốc lá băm nhỏ.
Hình 10. Thuốc lá điếu và viên nang trong các sản phẩm TLNN khác nhau
Nhiều sản phẩm thuốc lá nung nóng cũng có chứa chất tạo hương vị để tăng tính hấp dẫn. Các hương vị phổ biến như trái cây, bạc hà, cà phê,v.v.[83]
Hình 11. Thuốc lá nung nóng với các hương vị khác nhau
➢ Các hóa chất có trong khói của thuốc lá nung nóng
Khói của thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường, các hóa chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có hương vị. Các hóa chất trong thuốc lá nung nóng có khả năng gây hại cho sức khỏe gồm: kim loại nặng, formaldehyde, nicotine, hydrocarbon thơm đa vòng, cacbon monoxide, accetaldehyde, acrolein.
1.2.2. Tác hại của sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng tới sức khỏe của người hút thuốc chủ động
1.2.2.1. Tác hại của TLĐT đến sức khỏe của người sử dụng
➢ Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh
Nicotine có trong TLĐT là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.
• Nicotine làm cho người hút thuốc lá nhanh chóng bị nghiện thuốc lá (lệ thuộc vào nicotine) dù chỉ sau vài lần hút thuốc. Nicotine có thể vào não bộ từ 7 đến 10 giây sau khi hút TLĐT, làm tăng lượng dopamine trong não và làm người hút thuốc cảm thấy sảng khoái. Khi đã bị nghiện thuốc lá, nếu thiếu thuốc lá hoặc dừng hút thuốc sẽ có biểu hiện thèm thuốc, cơ thể mệt mỏi, chán nản, hay cáu kỉnh. Để cai nghiện thuốc lá rất khó, và mất nhiều thời gian và công sức.
• Sử dụng nitcotine liều cao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
• Sử dụng nicotine lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, do vậy đặc biệt tác động đối với trẻ em. Do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn.
• Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác (như ma túy) ở nhóm tuổi này. Hơn nữa, sử dụng TLĐT ở giới trẻ cũng làm tăng khả năng hút thuốc lá trong tương lai.
• Các dung dịch TLĐT hoặc dung dịch có trong một số loại thuốc lá nung nóng dạng “lai” trong quá trình sử dụng người dùng/người sản xuất có thể phối trộn thêm các chất ma túy rất khó kiểm soát.
➢ Gây ra bệnh lý đường hô hấp
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã khẳng định rằng TLĐT tạo ra các hóa chất độc hại giống như thuốc lá điếu thông thường, kèm theo các phụ gia hương liệu và kim loại nặng. Những chất này có thể gây hại cho sức khỏe và tác động tiêu cực của TLĐT đối với chức năng phổi đã được ghi nhận. Các bệnh lý tổn thương phổi nghiêm trọng liên quan đến TLĐT có thể kể đến:
• Bệnh “phổi bỏng ngô” (popcorn lung) hay còn gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, một bệnh hiếm gặp được cho là do diacetyl, một trong các hóa chất tạo mùi hương trong khói TLĐT có khả năng đi sâu vào phổi gây ra. Các biểu hiện thường gặp là ho, thở khò khè, đau ngực và thở nông. Hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này[51].
• Bệnh viêm phổi lipoid có liên quan đến hút TLĐT và cả thuốc lá nung nóng (vaping- related lipoid pneumonia) là hậu quả của việc hít các hợp chất dầu có trong dung dịch điện tử. Các axit béo bám dính vào phổi và gây ra phản ứng viêm tại phổi. Các triệu chứng thường gặp là ho mạn tính, thở nông, ho ra máu hoặc đờm có máu. Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này [52].
• Hội chứng tổn thương phổi cấp do TLĐT (EVALI) là hậu quả nổi bật nhất do sử dụng TLĐT. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2 năm 2020. Tetrahydrocannabinol (THC) và Vitamin E acetate có trong TLĐT được cho là nguyên nhân gây hội chứng này. Các triệu chứng thường gặp là khó thở, ho, đau ngực, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, thở nhanh và nông[53], thiếu oxy máu, X-quang có các đám mờ vùng khí quản hai bên. Bệnh nhân EVALI thường phải nhập viện và nhiều trường hợp cần đến trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Hình 12. Hình ảnh tổn thương phổi cấp tính liên quan đến TLĐT[54]
• Suy giảm chức năng phổi: Kim loại được giải phóng từ khói TLĐT, tùy mức độ tiếp xúc, có khả năng gây ra khó thở, kích ứng phế quản và phổi, kích ứng màng nhầy ở mắt và đường hô hấp trên[55].
• Hen suyễn, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): sử dụng TLĐT lâu dài có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Triệu chứng thường gặp của bệnh là ho, khó thở kéo dài vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống[56].
Hơn nữa, TLĐT được cho là có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh phổi khác, bao gồm xơ nang, viêm phổi kích ứng đường hô hấp, chủ yếu là đường hô hấp trên, hội chứng suy hô hấp cấp tính, thay đổi chức năng tế bào miễn dịch, thay đổi chức năng tế bào biểu mô, thay đổi biểu hiện gen và protein của tế bào biểu mô, và xuất huyết phế nang[57].
➢ Tác hại lên hệ tim mạch
Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng TLĐT tác động đến chức năng tim mạch[58] [59]. Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy dù chỉ tiếp xúc với TLĐT trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra rối loạn chức năng mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, trong lâu dài là nguy cơ biến chứng mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
➢ Tăng nguy cơ ung thư
Một số hợp chất có trong khói TLĐT như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường.
Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.
➢ Gây ra các bệnh răng, miệng
Người sử dụng TLĐT có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác và tổn thương niêm mạc miệng cao hơn nhiều so với những người không bao giờ sử dụng. Nguy cơ mắc bệnh nha chu ở người sử dụng TLĐT cũng cao hơn đáng kể so với người không hút thuốc và tương đương với người hút thuốc lá bởi tiếp xúc với TLĐT có ảnh hưởng tới sự hình thành màng vi khuẩn, điều chỉnh phản ứng viêm miệng, tăng cường sự gắn kết của tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) với các tế bào biểu mô miệng, do đó, thúc đẩy viêm nha chu và tiền ung thư[60].
➢ Tác hại lên sự phát triển và sinh sản
TLĐT chứa nhiều chất có hại, trong đó có chất gây rối loạn nội tiết gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng lên quá trình phát triển hình thái và chức năng của cơ quan sinh sản. Một số tinh dầu có hương vị cụ thể trong TLĐT có khả năng gây độc tế bào đặc biệt với tế bào gốc phôi thai, gây giãn phế quản ở trẻ sơ sinh và các biến chứng khác. Trong số các hương vị, hương quế (cinnamaldehyde and 2-methoxycinnamaldehyde) là hóa chất có độc tính tế bào mạnh nhất.
➢ Các nguy cơ khác của việc sử dụng TLĐT
• Ngộ độc
Ngộ độc do sử dụng TLĐT bao gồm cả do vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn), đã được báo cáo ở Mỹ[61], Châu Âu[62] và các quốc gia khác trong những năm gần đây.
Từ năm 2015 đến năm 2022, tổng cộng 66 trường hợp ngộ độc được báo cáo tiếp xúc với TLĐT và chất lỏng của TLĐT ở Malaysia. Hơn một nửa (40 trường hợp) liên quan đến trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp đều vô tình nuốt phải chất lỏng của TLĐT (76%) tại nhà và các triệu chứng do phơi nhiễm dao động từ nhẹ đến nặng, bao gồm nhiễm toan chuyển hóa, co giật và suy nhược hệ thần kinh trung ương[63].
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng TLĐT trong HS đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi HS, trong đó có cả nữ giới. Một số trường hợp điển hình theo phản ánh của các cơ quan báo chí như: Ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong TLĐT. Ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút TLĐT bơm tinh dầu. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê. Ngày 22/8/2022, 7 HS trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu TLĐT rồi cùng nhau hút sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp và sau đó được đưa đi cấp cứu. Ngày 01/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút TLĐT được bơm tinh dầu mua trên thị trường. Ngày 9/11/2022, một nam sinh 12 tuổi hút TLĐT đã được đưa đến bệnh viện. Sau khi hút, xuất hiện các cơn run, chóng mặt, khó thở và co giật. Kết quả xét nghiệm mẫu TLĐT cho thấy có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc. Ngày 5/12/2022, 7 HS lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải TLĐT. Ngày 7/12/2022, bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của TLĐT, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, v.v.[65]
• Bỏng và chấn thương
Bỏng nhiệt, bỏng kiềm (do lithium hydroxit), cháy nhà và thậm chí thương vong đã được báo cáo do sử dụng TLĐT[66]. Các thiết bị TLĐT cho phép người dùng tùy chỉnh các thành phần không tương thích với nhau, ví dụ: thay đổi ống tinh dầu hay điều chỉnh nhiệt độ làm nóng. TLĐT bị lỗi, kém chất lượng hoặc tuỳ chỉnh không hợp lý làm thiết bị và/hoặc pin quá nóng và có thể phát nổ, dẫn đến bỏng nhiệt/lửa, bỏng hóa chất và chấn thương do nổ ở vùng mặt, tay và đùi hoặc háng[67].
Chỉ riêng tại Hoa Kỳ từ năm 2015 đến 2017, ước tính có khoảng 2.035 vụ nổ TLĐT và các tổn thương do bỏng tại các khoa cấp cứu của bệnh viện Hoa Kỳ[68] [69]. Từ năm 2016 đến 2019, 15 thanh thiếu niên Mỹ (13-18 tuổi) bị chấn thương do nổ thiết bị TLĐT. Các chấn thương bao gồm bỏng mặt, đùi, háng, bàn tay, mắt, mất nhiều răng, chấn thương dây thần kinh hướng tâm, rách mặt và gãy xương hàm dưới[70]. Ít nhất hai trường hợp chết đã được ghi nhận ở Mỹ do TLĐT phát nổ[71] [72].
• Hiệu ứng cửa ngõ-tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống và các chất gây nghiện khác bao gồm cả ma túy
Các nghiên cứu xã hội và báo cáo phân tích của WHO đã cảnh báo rằng, TLĐT đóng vai trò là cửa ngõ khiến cho trẻ em và thanh thiếu niên sau này sẽ sử dụng thuốc lá thông thường[73] [74] [75] [76].
Bằng chứng cho thấy việc tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống[77] [78], tăng nguy cơ sử dụng rượu và uống rượu say[79], và sử dụng ma túy bất hợp pháp[80] ở những thanh niên đang sử dụng TLĐT mà trước đây chưa từng có ý định hút thuốc.
1.2.2.2. Tác hại của thuốc lá nung nóng đến sức khỏe của người sử dụng
Do có tính tương đồng với thuốc lá điếu thông thường về thành phần nguyên liệu, thuốc lá làm nóng cũng gây nghiện do có chứa nicotine và có những tác hại đối với sức khỏe tương tự như thuốc lá điếu thông thường hiện nay. Những sản phẩm này mới được đưa vào thị trường gần đây, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của chúng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, tích lũy. Tuy nhiên, các nghiên cứu y khoa tiến bộ đã chỉ ra được những tác hại tiêu biểu và không kém phần nguy hiểm cần được lưu ý:
➢ Tác hại lên hệ hô hấp
TLNN có chứa và thải ra nicotine. Theo WHO, hàm lượng nicotine trong nhiều loại TLNN gần bằng thuốc lá điếu truyền thống[84].
Ngoài những hậu quả lâu dài do tiếp xúc với nicotine trong TLNN như với TLĐT, TLNN còn có thể gây hại hơn TLĐT do tạo ra carbonyl (acrolein, acetaldehyde, formaldehyde) và hydrocarbon thơm đa vòng đều là chất có hại cho phổi[85], trong đó có bệnh viêm phổi lipoid.
➢ Tác hại lên hệ tim mạch
Người dùng TLNN có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương tự như hút thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy tác động cấp tính lên nhịp tim, huyết áp và độ cứng động mạch giữa hút thuốc lá nung nóng và thuốc lá truyền thống là như nhau[86]. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim và các tổ chức mô khác, theo đó qua thời gian làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein có trong TLNN góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và cả đột quỵ giống carbon monoxide.
➢ Tăng nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng TLNN chứa các thành phần gây ung thư ở mức độ tương tự như trong thuốc lá điếu thông thường và nhiều độc chất khác ở mức độ cao hơn so với khói thuốc lá như glycidol, formaldehyde và acetaldehyde, …Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn trong khi phơi nhiễm chất nitrosamines đặc trưng có liên quan tới các loại ung thư như ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung.
➢ Tác động lên phụ nữ mang thai và trẻ em
Do tác dụng phụ rõ ràng của nicotine đối với sự phát triển và chức năng sinh sản, việc sử dụng TLNN ở phụ nữ mang thai và trẻ em được quan tâm đặc biệt. TLNN có liên quan đáng kể đến bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng đối với thanh thiếu niên[87] và hút TLNN khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân so với tuổi thai[88], gây ra đẻ non, thai chết lưu cùng hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ.
➢ Tăng nguy cơ bị bệnh răng, miệng
Người sử dụng TLNN và các sản phẩm thuốc lá khác có tỷ lệ mắc bệnh nha chu cao hơn so với những người không bao giờ sử dụng[89].
1.2.3. Tác hại của TLĐT, TLNN đối với người hút thuốc thụ động
Với bản chất hóa hơi của TLĐT và TLNN, thì nguy cơ gây hại là rõ ràng khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động, ngay cả khi các hóa hơi này không được nhìn rõ. WHO và Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NASEM) đều xác định rằng có bằng chứng thuyết phục cho thấy sol khí của TLĐT làm tăng nồng độ các hạt vật chất, nicotine và một số chất độc trong không khí [90] [91].
Các nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng phơi nhiễm trực tiếp với sol khí của TLĐT làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở thanh thiếu niên[92], cũng như gây ho, buồn nôn/nôn, viêm họng và kích thích hô hấp hoặc nhiễm độc nicotine cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên[93]. Người tiếp xúc thụ động với sol khí HTPs có các triệu chứng ngắn hạn như đau họng, đau mắt và cảm giác không khỏe[94].
WHO[95] và các chuyên gia về không khí trong nhà[96] khuyến cáo rằng hút TLĐT, thuốc lá nung nóng nên bị cấm ở những nơi cấm hút thuốc.
1.2.4. Ảnh hưởng của TLĐT, TLNN tới xã hội, kinh tế, môi trường
1.2.4.1. Nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội
TLĐT và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng TLĐT cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng TLĐT đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử[97]. Ở Việt Nam, nhiều trường hợp HS phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong TLĐT đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công an [99] [99] [100]. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
1.2.4.2. Ảnh hưởng tới môi trường
Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Rác thải của bộ phận điện tử của TLĐT và thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần. Theo báo cáo của WHO năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: hai phần ba lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá: trồng cây, sấy, ... Thêm vào đó, thiết bị TLĐT, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch…, quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine, ...Thực tế tại Mỹ, 58 triệu sản phẩm TLĐT được bán ra trong năm 2015, trong đó có 19,2 triệu sản phẩm dùng một lần[101]. Các sản phẩm TLĐT thiếu hướng dẫn người dùng cách vứt bỏ sản phẩm.
1.2.4.3. Ảnh hưởng tới an sinh xã hội, kinh tế và sự phát triển bền vững
TLĐT gây gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan đến bệnh tật lớn. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP[102].
Tiêu dùng TLĐT, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng tới đói nghèo và phát triển bền vững. Các hãng TLĐT, thuốc lá nung nóng đang có xu thế đưa ra nhiều sản phẩm với giá bán thấp hơn để tiếp cận người có thu nhập thấp (là đối tượng dễ tổn thương nhất). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người[103]. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.
1.2.5. Sự thật liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới
1.2.5.1. TLĐT, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường
WHO đã khẳng định: “Không có bằng chứng nào chứng minh rằng TLĐT, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường.” [104] TLĐT, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên[105].
Khói TLĐT có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói của một số sản phẩm TLĐT ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu truyền thống) [106].
Khói thuốc lá nung nóng có chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu truyền thống. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu truyền thống, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe[107].
Không có bằng chứng khoa học của tuyên bố: “TLĐT giảm hại hơn 95% so với thuốc lá thông thường.” Thông tin này được đưa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học[108].
FDA không phê duyệt sản phẩm thuốc lá nung nóng IQOS là “giảm hại”. FDA chỉ phê duyệt IQOS là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ, và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác[109].
WHO khuyến cáo các quốc gia cần có biện pháp “ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của TLĐT, thuốc lá nung nóng” (COP8/FCTC).
1.2.5.2. TLĐT, thuốc lá nung nóng không giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường
Các sản phẩm phân phối nicotine thay thế, như TLĐT và TLNN, bằng cách nhanh chóng đưa nicotine vào não tương tự như thuốc lá, giúp duy trì chứ không làm mất đi việc nghiện nicotine.
Theo WHO, chưa có bằng chứng cho thấy TLĐT, TLNN giúp cai thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng TLĐT, TLNN tăng nguy cơ sử dụng kép các loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả TLĐT, TLNN và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.
Ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống (CDC Hoa Kỳ) [110]. Khoảng 70% người dùng TLNN ở Nhật Bản và 96,2% người dùng TLNN ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời TLNN với thuốc lá điếu truyền thống[111].
Mặt khác, TLĐT/TLNN cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng TLĐT thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm chưa từng sử dụng TLĐT[112].
Trên thế giới, hàng triệu người hút thuốc đã bỏ thuốc lá qua các biện pháp kiểm soát thuốc lá của chính phủ, mà không sử dụng bất kỳ loại cai nghiện thuốc lá nào. Việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang TLĐT, thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá. Thay vào đó, chính phủ nên thúc đẩy cai thuốc lá để giúp người hút thuốc không bị nghiện tất cả các dạng nghiện nicotine.
1.2.5.3. TLĐT, thuốc lá nung nóng là sản phẩm không chỉ dành cho người trưởng thành hút thuốc mà còn nhắm tới giới trẻ
Ngành công nghiệp thuốc lá thường lập luận rằng các sản phẩm TLĐT, TLNN là những sản phẩm ít độc hại và chỉ dành cho những người trưởng thành sử dụng để giảm độc hại. Tuy nhiên, trên thực tế, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau họ đang nhắm tới đối tượng khách hàng mới là thanh thiếu niên. Số liệu thống kê cho thấy xu hướng sử dụng TLĐT và nung nóng trong trẻ em và thanh thiếu niên ở các nước trên thế giới gia tăng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt ở Mỹ và Châu Âu.
• Tại Mỹ theo điều tra quốc gia (NYTS), giai đoạn từ 2017 - 2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT ở HS THPT tăng từ 11,7 % lên 27,5%; ở HS THCS tăng từ 3,3% lên 10,5%[113].
• Các quốc gia Châu Âu: tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm 13-15 tuổi tăng nhanh, cả ở nam và nữ: ở Rumani tỷ lệ này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Ý tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018) [114].
• Về thuốc lá nung nóng, 3,1% thanh niên Rumani sử dụng thuốc lá nung nóng năm 2017. Ở Hàn Quốc chỉ sau một năm sau khi sản phẩm thuốc lá nung nóng ra mắt thị trường lần đầu tiên đã có 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12-18 cho biết là đã sử dụng thuốc lá nung nóng.
• Tại Việt Nam, sử dụng TLĐT trong thanh thiếu niên và HS gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn Năm 2019 Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành khảo sát sức khỏe HS toàn cầu (GSHS) cho thấy tỷ lệ hiện đang hút TLĐT (trong 30 ngày qua, có ít nhất 1 ngày sử dụng TLĐT) ở HS 15-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở HS thành thị là 3,4%[115]. Năm 2021-2022, kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022) cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT ở nhóm tuổi 13-15 tuổi là 3.5% (nam là 4.3%, nữ là 2.8%)[116]. Tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn hơn và TLĐT sẵn có hơn, tỷ lệ hút TLĐT ở HS hiện rất đáng quan ngại. Theo Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe HS THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng TLĐT ở HS lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở HS lớp 10-12 là 12,6%[117].
Các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia sử dụng nhiều cách thức để hướng tới đối tượng là giới trẻ như sử dụng hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm “bắt mắt”, “thời trang”, “tiện ích theo xu hướng công nghệ” và quảng bá rộng rãi sản phẩm trên mạng xã hội.
• Quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nhắm tới giới trẻ:
Nắm bắt được xu hướng tiếp cận các dịch vụ công nghệ của giới trẻ, các tập đoàn thuốc lá sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ. Các chiến dịch quảng cáo này thường tạo các hình ảnh sành điệu, thời thượng và vui vẻ khi sử dụng TLĐT và thuốc lá nung nóng.
• Hương vị hấp dẫn, phù hợp thị hiếu thanh thiếu niên: Nghiên cứu cho thấy có hơn 16.000 hương vị độc đáo được sử dụng trong dung dịch TLĐT có sẵn trên thị trường, nhiều loại trong số đó hấp dẫn trẻ em như hương trái cây, hương vị kẹo,… [118]. Nghiên cứu cho thấy hương vị đóng vai trò trong quyết định sử dụng TLĐT lần đầu của người dùng[119]. Hương vị cũng làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn, do đó, thay đổi nhận thức liên quan đến tác hại của việc sử dụng[120]. |
|
• Thiết kế sản phẩm bắt mắt: các sản phẩm TLĐT và TLNN được thiết kế đa dạng từ màu sắc đến hình ảnh, kiểu dáng nhỏ gọn, tạo xu hướng sang trọng, phong cách, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi (phát sáng, phát nhạc, ...). Rất nhiều sản phẩm được thiết kế như những đồ dùng học tập (bút, USB, ...), dây đeo cổ, đồng hồ đeo tay, cây son môi, … nên giáo viên và cha mẹ không biết vì không nhận dạng được đó là TLĐT. |
Hình 14:Một số sản phẩm TLĐT bán trên thị trường |
Ở Việt Nam, TLĐT và TLNN đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam cho thấy: trong vòng 06 tháng cuối năm 2021, có 54,967 tin bài đăng liên quan đến TLĐT, thuốc lá nung nóng trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam (báo điện tử, trang thông tin điện tử, Blog, Diễn đàn (forum), mạng xã hội Facebook, Youtube). Trong đó, mạng xã hội Facebook là kênh tập trung lượng tin bài nhiều nhất và tiếp theo là Tiktok; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng[121].
Bên cạnh đó, các sản phẩm TLĐT và thuốc lá nung nóng được giới thiệu và bán tại các cửa hàng được thiết kế hào nhoáng. Đồng thời, các cửa hàng này cũng cho dùng thử, khuyến mại giảm giá, quà tặng hấp dẫn nhằm tạo hình ảnh thời thượng để lôi kéo thanh thiếu niên.
II. VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
2.1. Vị trí, vai trò giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đối với giáo dục toàn diện HS
Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế (Luật Giáo dục, 2019).
Tại Điều 10, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Thông tin, giáo dục, truyền thông bao gồm các nội dung:
- Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội;
- Tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội;
- Các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá;
Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 “Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông” được quy định như sau:
Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức, cung cấp thông tin khoa học về tác hại của thuốc lá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá vào trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; quy định việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình;
Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả;
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá và lồng ghép vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học.
Như vậy, nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đã được quy định cụ thể tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện đối với HS, góp phần thực hiện mục tiêu của giáo dục, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá là thành tố quan trọng của giáo dục sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đối với HS.
- Đối với sức khỏe thể chất: Thuốc lá chứa nhiều chất độc nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt đối với HS đang trong giai đoạn phát triển về thể chất. Ảnh hưởng của các chất độc có trong thuốc lá rất lâu dài, là nguyên nhân trực tiếp, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tim mạch, ung thư, bệnh đường hô hấp…
- Đối với sức khỏe tinh thần: Nicotine có trong thuốc lá làm thay đổi tâm trạng người sử dụng. Nó kích thích hệ thần kinh trung ương khiến người sử dụng cảm thấy tràn đầy sinh lực, thôi thúc người hút muốn hút thêm dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá. Ngoài ra, nicotine còn gây ức chế, cản trở sự trao đổi thông tin giữa các tế bào thần kinh, làm cho hệ thần kinh quen với sự có mặt của nicotine, làm gia tăng lượng nicotine có trong máu của người hút. Khi hiệu ứng này lắng xuống, người hút sẽ cảm thấy mệt mỏi và thèm hơn. Các độc tố trong khói thuốc còn ngăn cản việc tuần hoàn máu lên não, ảnh hưởng đến tinh thần trong ngày của người hút, làm suy giảm trí nhớ và khả năng học tập hiệu quả.
Thứ hai, Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá một trong những nội dung, biện pháp cụ thể của giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục pháp luật đối với HS.
Hút thuốc lá là một thói quen xấu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người hít phải khói thuốc thụ động và môi trường xung quanh. Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ góp phần trực tiếp hình thành đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức tuân thủ pháp luật đối với HS, cụ thể:
- Hình thành lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và người xung quanh.
- Hình thành kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng biết từ chối với những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại.
- Hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với HS.
- Hút thuốc lá ở lứa tuổi HS nếu dẫn đến nghiện sẽ rất nguy hiểm. Ngoài yếu tố nguy hiểm về sức khỏe, nghiện thuốc lá dẫn đến HS liên tục cần tiền để mua thuốc, khi không có tiền, không được thỏa mãn cơn nghiện sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm khác như trộm cắp, trấn lột, … Mặt khác, rất nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ma túy đều bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc lá. Nhiều sản phẩm thuốc lá mới hiện nay có màu sắc, hương vị rất bắt mắt, lôi cuốn giới trẻ rất dễ để các đối tượng xấu trà trộn, sử dụng cùng với ma túy tổng hợp.
Trong tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có thể tích hợp các nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá như sau:
(1) Tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động
- Các loại thuốc lá
- Thành phần độc tính của khói thuốc lá
- Chất gây nghiện có trong sản phẩm thuốc lá
- Ảnh hưởng của hút thuốc lá đối với sức khỏe con người
- Tác hại của hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá)
(2) Thực trạng hút thuốc và hút thuốc thụ động tại Việt Nam, các tổn thất do sử dụng thuốc lá.
- Tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam
- Thực trạng hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam
- Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam
- Các tổn thất về kinh tế của việc sử dụng thuốc lá
- Thuốc lá và vấn đề ô nhiễm môi trường
(3) Các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá
- Những quy định của pháp luật phòng chống tác hại của thuốc lá
- Các biện pháp và hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá
- Nhiệm vụ của HS trong hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá
a) Mục tiêu của giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá:
- Người học có hành vi, thái độ ứng xử đúng đắn đối với việc sử dụng thuốc lá.
- Nói không với việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
- Tự nguyện, mong muốn tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh không khói thuốc.
b) Phương pháp: Để đạt được mục tiêu hướng vào thái độ hành vi phòng chống tác hại của thuốc lá thì cần vận dụng phù hợp các phương pháp dạy học tích cực tác động trực tiếp tới người học, lôi cuốn người học tham gia thực hiện các hoạt động học tập cũng như tham gia ngay vào các hoạt động thực tiễn tìm hiểu về thuốc lá, tìm hiểu và thực hiện những biện pháp, hành vi, thể hiện thái độ phòng chống tác hại của thuốc lá.
Giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong cấp THPT là phương thức giáo dục tích hợp, sử dụng nhiều phương pháp dạy học của các bộ môn, chịu sự chi phối của các phương pháp đặc trưng của từng bộ môn nhưng nó cũng có những phương pháp mang tính đặc thù. Việc kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học cho hoạt động này cần theo phương châm tạo điều kiện cho HS tích cực hoạt động và gắn nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống. Ở bậc này, giáo viên có thể khai thác các hoạt động giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá theo các khía cạnh sau:
(i) Điều tra khảo sát thực địa, nghiên cứu khoa học
Hoạt động này không chỉ giúp HS kiểm chứng lại các lý thuyết đã học trên lớp mà còn giúp HS có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng hút thuốc lá, sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và đời sống xã hội cũng như ô nhiễm môi trường của người dân địa phương, nơi HS tiến hành nghiên cứu, điều tra khảo sát. Từ các kết quả nghiên cứu, HS có thể nhận thấy các vấn đề và có thể tự đưa ra các phương án để giải quyết các vấn đề đó. Ở phương pháp này GV hướng HS lên kế hoạch nghiên cứu và xây dựng các bộ phiếu điều tra phù hợp với mục tiêu nghiên cứu cụ thể.
(ii) Quan sát, thực hiện thí nghiệm
Việc sử dụng TN trong giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá góp phần chứng minh thực tế tính độc hại của thuốc lá đối với sức khỏe cũng như môi trường. Nhiều kiến thức các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học HS cần tiếp thu trải nghiệm qua các thí nghiệm. Đây cũng là những PPDH đặc trưng cho các môn Khoa học tự nhiên. Thông qua TN, bản thân HS cần phải tư duy cao mới có thể khám phá ra được những điều cần nghiên cứu, HS lĩnh hội kiến thức rộng hơn và nhanh hơn, HS quan sát và đưa ra những dự đoán, những ý tưởng mới, nhờ đó hoạt động nhận thức của HS sẽ được tích cực và tư duy của các em sẽ được phát triển tốt hơn. Ví dụ thiết kế thí nghiệm nghiên các hóa chất thấm từ một mẩu thuốc lá (ngâm 24 giờ trong một lít nước) đã giải phóng đủ độc tố để giết chết 50% cá nước mặn và nước ngọt tiếp xúc với nó trong 96 giờ. Từ hoạt động này giúp HS nhận thức được các chất thải từ một mẩu thuốc lá có thể ngấm vào đất, nước gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất và gây hại cho các sinh vật sống trong môi trường đó.
c) Khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục
HS cấp THPT đã có vốn kiến thức tương đối lớn và ngày càng được mở rộng và sâu thêm. Tầm nhìn của các em không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường và gia đình. Chính vì vậy cần bồi đắp thêm kiến thức, kỹ năng của HS trên nền tảng kỹ năng đã có GV nên đưa các em vào những tình huống cần tìm hiểu, cần giải quyết, buộc các em phải vận dụng vốn hiểu biết của mình, tìm kiếm những vốn kiến thức, kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề, từ đó thu nhận thêm vốn kiến thức kỹ năng mới làm giàu thêm vốn học vấn của mình.
d) Kết hợp hoạt động thực tiễn, giải quyết vấn đề cộng đồng và giáo dục kỹ năng sống
Mỗi cộng đồng địa phương đều có hiện tượng người dân hút thuốc lá cũng như mức độ tệ nạn xã hội khác nhau. Giáo viên cần khai thác tình hình hút thuốc lá ở địa phương để giáo dục HS đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Phương pháp này đòi hỏi GV phải thu thập số liệu, sự kiện, tình hình hút thuốc lá và sức khỏe của người dân ở địa phương đảm bảo tính chân thực và hiệu quả. Nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động phù hợp để HS tham gia góp phần giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá ở địa phương như: tổ chức các cuộc thi tình hiểu về khói thuốc và sức khỏe cộng động; thiết kế poster, vẽ tranh, vận động người dân bỏ địa phương bỏ thuốc lá, … đồng thời những hoạt động này cũng tác động lên ý thức của HS, rèn luyện kỹ năng, thói quen phòng, chống lại tác hại của thuốc lá. Trong quá trình giáo dục cần chú ý rèn luyện kỹ năng phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc luyện tập, xử lý các tình huống cụ thể. Xây dựng kế hoạch hành động vì môi trường không khói thuốc, kỹ năng kiên định thực hiện kế hoạch hành động phòng chống tác hại của thuốc lá.
e) Nêu gương
HS cấp trung học vẫn luôn nhìn vào hành vi của người lớn để xem xét, so sánh và bình luận. Muốn giáo dục các em có nếp sống văn minh, lịch sự, tránh xa thuốc lá và các tệ nạn xã hội thì trước hết GV và các bậc phụ huynh cần là tấm gương cho các em noi theo. Ngoài ra tác động của bạn học cũng rất lớn. Những gương người tốt, việc tốt từ bạn bè sẽ cảm hóa và làm tấm gương tốt cho các em. GV cần tận dụng các hoạt động tập thể để HS thi đua cùng thực hiện tốt cá hoạt động phòng phòng, chống tác hại của khói thuốc lá từ những việc cụ thể như xây dựng trường học không khói thuốc, gia đình, làng xóm không khói thuốc…
Như vậy, tùy từng nội dung, mức độ tích hợp, đối tượng, điều kiện cụ thể mà giáo viên lựa chọn, phối hợp một các phù hợp, linh hoạt các hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy trong đó HS phải là chủ thể của các hoạt động học để tìm tòi, khám phá cũng như thể hiện quan điểm, thái độ, vận dụng thực hiện các hành vi phòng chống tác hại của thuốc lá.
2.4. Định hướng đánh giá kết quả học tập của HS THPT về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng nhằm xác định mức độ chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng vận dụng của người học và xác định mục tiêu dạy học đạt được cũng như xác nhận văn bằng chứng chỉ cho người học.
Đối với HS là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá có tác dụng thúc đẩy quá trình học tập phát triển không ngừng. Qua kết quả kiểm tra, HS tự đánh giá mức độ của bản thân để có phương pháp tự mình ôn tập, củng cố, bổ sung nhằm hoàn thiện học vấn bằng phương pháp tự học với hệ thống thao tác tư duy của chính mình.
Đối với GV, kết quả kiểm tra đánh giá là cơ sở thực tiễn để mỗi giáo viên tự đánh giá kết quả giảng dạy của mình, tự nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Việc đánh giá HS không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng và định hướng điều chỉnh hoạt động của HS mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định thực trạng và định hướng điều chỉnh hoạt động dạy học của giáo viên.
Kiểm tra, đánh giá là một bộ phận hợp thành không thể thiếu trong quá trình giáo dục. Đây là khâu cuối cùng, đồng thời cũng là khởi đầu cho một quy trình kín tiếp theo với một chất lượng cao hơn.
Trong tổ chức các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, việc đánh giá cũng theo định hướng chung về đánh giá phẩm chất, năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. GV cần vận dụng đa dạng, phù hợp và linh hoạt các phương pháp, công cụ đánh giá như đánh giá viết, đánh giá qua hỏi đáp, đánh giá qua quan sát, đánh giá qua sản phẩm hay qua hồ sơ học tập với công cụ phù hợp theo mục tiêu lồng ghép.
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC, QUY TRÌNH GIÁO DỤC LỒNG GHÉP PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
1.1. Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chủ đề/ bài học của môn học hay hoạt động giáo dục có liên quan nhằm giúp HS biết được thành phần cơ bản của thuốc lá, các loại thuốc lá, dấu hiệu nhận diện, các tác hại của thuốc lá với sức khỏe và các tác hại khác đến môi trường, kinh tế, xã hội; Lí giải được tại sao thuốc lá có hại với sức khỏe; Có thái độ, ứng xử, hành vi đúng đắn với thuốc lá để phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của mình và cộng đồng; Chia sẻ, lan tỏa những hiểu biết và biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá với bạn bè, người thân, cộng đồng.
1.2. Nguyên tắc giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
Giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng như lồng ghép các vấn đề về giáo dục nói chung trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục là sự kết hợp một cách có hệ thống các kiến thức môn học, hoạt động giáo dục với kiến thức phòng, chống tác hại của thuốc lá tạo thành một thể thống nhất, hợp lí.
Một số nguyên tắc cơ bản cần đảm bảo khi giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục, đó là:
- Không làm thay đổi tính đặc trưng môn học hay hoạt động giáo dục thực hiện việc lồng ghép. Không biến bài học của môn học hay hoạt động giáo dục thành bài giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Đảm bảo yêu cầu cần đạt của các chủ đề/bài học trong các môn học, hoạt động giáo dục khi giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá và mục tiêu phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đảm bảo thời lượng phù hợp theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục.
- Phù hợp với đối tượng HS, điều kiện cơ sở vật chất và đặc điểm, tình hình địa phương, nhà trường.
- Khai thác nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá có chọn lọc, có tính tập trung vào những chương mục nhất định phù hợp với nội dung của chủ đề/bài học các môn học và hoạt động giáo dục thực hiện lồng ghép.
- Phát huy các hoạt động tích cực chủ động nhận thức của HS; Tạo điều kiện cho HS trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có và các kinh nghiệm thực tế của HS; Tạo cơ hội để HS phân tích, khái quát hóa, trình bày quan điểm, cách ứng xử trong các hoạt động giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.
1.3. Quy trình giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
1.3.1. Quy trình thực hiện
Để thực hiện giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dạy học các môn học hay hoạt động giáo dục có thể thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định địa chỉ giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
Xác định địa chỉ lồng ghép tức là xác định môn học, chủ đề và yêu cầu cần đạt cụ thể phù hợp để giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để thực hiện điều này GV cần tìm hiểu các kiến thức nền về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá (trong phần 1 của tài liệu này và các tài liệu tham khảo khác) và các yêu cầu cần đạt cụ thể trong các chủ đề, mạch nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục được chọn để lồng ghép (ở cấp THPT thường là các môn: Sinh học, Vật lí, Hóa học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Từ đó, GV đối chiếu để xác định nội dung các môn học/hoạt động giáo dục có kiến thức nào liên quan tới thuốc lá hoặc các yêu cầu cần đạt về kĩ năng, năng lực trong môn học/hoạt động giáo dục phù hợp trong việc tìm hiểu và thể hiện thái độ, hành vi, ứng xử đúng đắn với việc giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đó chính là đại chỉ có thể thực hiện giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
Bước 2: Xác định nội dung về giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá
Đối chiếu yêu cầu cần đạt của chủ đề trong môn học/hoạt động giáo dục đã xác định ở bước 1 với nội dung kiến thức nền cơ bản về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá ở phần 1 chỉ ra các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá để lồng ghép cụ thể.
Tùy thuộc vào nội dung lồng ghép cần xác định thời lượng của bài học có sự lồng ghép so với thời lượng bài học trước khi có sự lồng ghép và đưa vào kế hoạch của tổ chuyên môn trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bước 3: Đề xuất hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá
Việc xác định hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động lồng ghép trong bài học/chủ đề cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt và nội dung lồng ghép sao cho phù hợp.
Khi tổ chức dạy học các bài học có nội dung lồng ghép về phòng, chống tác hại của thuốc lá có thể sử dụng các phương pháp dạy học như: phương pháp dạy học dự án, phương pháp đóng vai, phương pháp thuyết trình, phương pháp tranh biện và phương pháp xemina/thảo luận, phương pháp webquest,…. Tùy theo mục tiêu cụ thể, nội dung và đối tượng, điều kiện về cơ sở vật chất mà GV sẽ chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Trong một số trường hợp cũng có thể thực hiện dưới dạng bài học STEM, hoạt động giáo dục STEM hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là sự liên hệ, giới thiệu đến nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá, hoặc đưa các dữ liệu này lồng ghép trong các bài tập của các môn học.
Bước 4: Thiết kế kế hoạch bài dạy/kế hoạch giáo dục của môn học, hoạt động giáo dục
Từ yêu cầu cần dạy nội dung lồng ghép và hình thức, phương pháp lựa chọn trong 3 bước trên, GV xác định mục tiêu cụ thể của bài học/chủ đề bao gồm:
- Năng lực đặc thù,
- Năng lực chung,
- Phẩm chất chủ yếu,
- Mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Từ đó xác định chuỗi các hoạt động học và đánh giá phù hợp; xây dựng nội dung chi tiết cho từng hoạt động theo khung kế hoạch bài dạy/hoạt động giáo dục gợi ý trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 và các công văn, thông tư hướng dẫn liên quan khác
Bước 5: Tổ chức thực hiện thử nghiệm hoạt động dạy học, giáo dục đã xây dựng
Tổ chức dạy học/tổ chức hoạt động thử nghiệm theo kế hoạch đã xây dựng, tự đánh giá, dự giờ để đánh giá hiệu quả của các hoạt động dạy học so với mục tiêu đặt ra. Từ đó đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp.
Bước 6: Rút kinh nghiệm, điều chỉnh
Thực hiện điều chỉnh các kế hoạch đã xây dựng theo các đánh giá, đề xuất điều chỉnh một cách hợp lí.
1.3.2. Ví dụ minh họa
Dưới đây trình bày ví dụ minh họa vận dụng quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sức khỏe trong môn học, hoạt động giáo dục (bước 1, 2, 3, 4), cụ thể với hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp.
Bước 1: Xác định địa chỉ lồng ghép
Trong hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp, trong chủ đề Hoạt động xây dựng cộng đồng - HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN XÃ HỘI ở lớp 11 có yêu cầu cần đạt “Xây dựng được kế hoạch tổ chức hoạt động phát triển cộng đồng và đề xuất được giải pháp quản lí việc thực hiện hoạt động đó.” Với yêu cầu này có thể lựa chọn các hoạt động phát triển cộng đồng khác nhau, do đó phù hợp để lồng ghép về tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới. Trong đó, HS sẽ lập kế hoạch và thực hiện tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá mới tới sức khỏe, những hiểu biết chưa đúng đắn về tác hại của thuốc lá mới và truyền tải thông điệp nói không với thuốc lá mới.
Bước 2: Xác định nội dung lồng ghép
Đối chiếu với các kiến thức nền về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ phù hợp với việc lồng ghép các nội dung
- Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe (các bệnh do hút thuốc lá chủ động và thụ động).
- Tác hại của hút TLĐT, thuốc lá nung nóng với người hút chủ động và người hút thụ động.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.
- Các quy định về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bước 3: Đề xuất hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học
Với nội dung lồng ghép và yêu cầu cần đạt như vậy có thể thực hiện hoạt động giáo dục theo hình thức chủ đề dưới dạng dự án.
Có thể thực hiện nội dung này với 2 ý tưởng dự án sau:
- Dự án: Điều tra sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên trong nhà trường, địa phương và tuyên truyền
Lập kế hoạch tuyên truyền ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên trong nhà trường và địa phương thông qua hình thức tờ rơi, trong đó cung cấp thông tin về: Thực trạng sử dụng thuốc lá trong đối tượng HS THPT ở trường và địa phương; Các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên; Biện pháp ngăn sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên.
- Dự án: Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới
Lập kế hoạch và thực hiện tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá mới tới sức khỏe, những hiểu biết chưa đúng đắn về tác hại của thuốc lá mới và truyền tải thông điệp nói không với thuốc lá mới.
Bước 4: Thiết kế kế hoạch cụ thể
GV thiết kế hoạt động giáo dục cụ thể theo cách tổ chức của dạy học dự án để đạt được mục tiêu theo yêu cầu cần đạt của hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp và mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá đã xác định.
Trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục có thể giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá cho HS bằng cách tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo nhiều phương pháp dạy học khác nhau, điển hình có thể kể đến một số phương pháp dạy học như dạy học theo dự án, đóng vai, tranh biện, trò chơi, đàm thoại. Tùy theo mục tiêu, nội dung và mức độ tích hợp, thời lượng mà GV lựa chọn PPDH và thiết kế nhiệm vụ học tập phù hợp.
1.4.1. Dạy học theo dự án
Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học, trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành, tự lực lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm, kết quả dự án là những sản phẩm có thể giới thiệu được như các bài viết, tập tranh ảnh sưu tầm, chương trình hành động cụ thể,...
Cốt lõi của PPDH theo dự án là: xuất phát từ yêu cầu thực tế, từ tình huống có vấn đề HS là người học thực hiện (thường là qua cộng tác và làm việc nhóm) giải quyết vấn đề thông qua đó hình thành kiến thức, kĩ năng và phát triển phẩm chất, năng lực cho mình.
Phòng, chống tác hại của thuốc lá là một vấn đề thực tiễn, gần gũi với hiểu biết của HS. Các vấn đề đưa ra về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần có sự hiểu biết kiến thức về thuốc lá, kiến thức, kĩ năng của môn học và hoạt động giáo dục để vận dụng, kết hợp với ý thức, thái độ để đưa ra các phương án giải quyết do đó nhiều vấn đề rất phù hợp để vận dung dạy học dự án.
Quy trình thực hiện một dự án học tập khi lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá:
(1) Chọn đề tài và xác định mục đích của dự án
Đề tài dự án có thể được xác định bởi GV hoặc từ chính HS. Tuy nhiên, do dự án phải định hướng đạt các mục tiêu giáo dục phổ thông nói chung, phù hợp với mục tiêu, nội dung và thời lượng của bài học tích hợp như đã trình bày ở bước; gắn với các vấn đề thực tiễn về phòng, chống tác hại của thuốc lá nên thông thường GV đưa ra tình huống hay đặt vấn đề, từ đó HS phát hiện vấn đề hoặc chỉ ra các nguyên nhân khác nhau tìm các hướng giải quyết khác nhau và đề xuất các dự án để giải quyết tình huống hay vấn đề đó.
Vấn đề đặt ra để giải quyết trong dự án nên có tính mở để phát huy các hướng giải quyết và sáng tạo khác nhau của HS và cũng cần chú ý đến hứng thú của người học, tạo ra sự thách thức ở mức độ phù hợp. Tính mở của dự án cần .
Ví dụ có thể thực hiện các dự án như:
- Điều tra thực tiễn về hiểu biết, thực trạng sử dụng, quan niệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá và xử lí thống kê, rút ra các nhận định, đề xuất biện pháp.
- Các dự án về tuyên truyền, đề xuất giải pháp về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho HS, cha mẹ của HS.(2) Xây dựng đề cương, kế hoạch thực hiện
- Xây dựng nhiệm vụ, sản phẩm của dự án và các tiêu chí để đánh giá sản phẩm của dự án.
Đây là bước quan trọng để định hướng đạt mục tiêu của bài học/hoạt động giáo dục. Giáo viên cần chú ý xác định nhiệm vụ, sản phẩm dự án rõ ràng và đặc biệt cần xây dựng các tiêu chí đánh giá sản phẩm. Các tiêu chí ở đây sẽ định hướng đến các yêu cầu cần đạt của môn học/hoạt động giáo dục và mục tiêu giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc là. Cần xác định rõ các tiêu chí về nội dung và hình thức.
- Xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.
HS thảo luận, lập kế hoạch thực hiện thông qua xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm.
(3) Thực hiện dự án
HS thực hiện tìm khai thác các nguồn thông tin, xử lí thông tin và thực hiện tạo sản phẩm, đề xuất giải pháp theo nhiệm vụ, tiêu chí của dự án xác định ở bước 2.
(4) Công bố sản phẩm.
- HS trình bày sản phẩm dự án trước lớp và thảo luận đánh giá sản phẩm theo các tiêu chí đã đặt ra. Trong bước này cần lưu khi tổ chức cho HS trình bày hay nhận xét, góp ý cần nêu rõ các yêu cầu. GV cũng cần chủ động chuẩn bị các câu hỏi làm rõ các nội dung của bài học và nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt nêu các câu hỏi để HS thể hiện quan điểm, thái độ của mình và với các thái độ, quan niệm chưa đúng cần gợi ý, dẫn dắt để các HS tự phát biện và phản biện.
(5) Đánh giá dự án.
- GV tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng về sản phẩm và quá trình thực hiện dự án.
- GV đánh giá, tổng kết các kiến thức, bài học sau khi thực hiện dự án, rút kinh nghiệm dự án.
Khi vận dụng phương pháp
1.4.2. Phương pháp đóng vai
Đây là phương pháp được đặc trưng bởi một hoạt động với các nhân vật giả định, mà trong đó các tình thế trong thực tiễn cuộc sống được thể hiện tức thời thành những hoạt động có kịch tính. Trong vở kịch này, các vai khác nhau do chính HS đóng và trình diễn. Các hành động kịch được xuất phát từ chính sự hiểu biết, óc tưởng tượng và trí sáng tạo của HS, không cần phải qua đợt tập dượt hay dàn dựng công phu, vì vậy đây là quá trình thông tin với đặc điểm cơ bản là trình diễn tức thời.
Với đặc điểm như vậy GV có thể lựa chọn các vấn đề thực tiễn về phòng, chống tác hại của thuốc lá để HS sẽ vào các vai khác nhau thực hiện câu chuyện đưa ra các thông điệp cần thiết. Ví dụ như: vai người sử dụng thuốc lá để thể hiện những hiểu biết chưa đúng đắn về thuốc lá; vai cha mẹ HS thể hiện quan điểm, sự hiểu biết, giáo dục con cái của cha mẹ HS; vai bác sĩ hay các tổ chức về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá để đưa ra các thông tinh đúng đắn;….
Phương pháp đóng vai được tiến hành theo các bước sau:
(1)Tạo không khí để đóng vai
Việc đóng vai không phải bao giờ cũng được tất cả các HS chấp nhận, vì vậy bước này rất quan trọng. GV cần cho HS nhận thức được rằng bất kì con người nào trong cuộc sống cũng có thể gặp các tình huống cụ thể khác nhau. GD cần dẫn dắt để đưa ra tình huống về phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách tự nhiên để HS chấp nhận, hào hứng vào các vai diễn.
(2) Lựa chọn vai và chuẩn bị
GV có thể phân vai phù hợp với từng HS hoặc để HS tự nhận các vai trong vở kịch. Các HS khác còn lại đóng vai khán giả quan sát. Người quan sát cần phải chú ý xem diễn viên nhập vai như thế nào, tự đặt mình vào diễn và hình dung về tính phù hợp với thực tế của các diễn viên và cách giải quyết vấn đề, suy nghĩ xem có cách nào khác giải quyết vấn đề không.
Trong bước này GV cần đưa ra yêu cầu với các vai diễn là thể hiện được hiểu biết, quan điểm, ứng xử của mình với vấn đề. GV cũng có thể tạo nhóm hỗ trợ các vai diễn, thảo luận cần thể hiện như thế nào về nội dung và hành động, biểu cảm. Lưu ý các vai thể hiện đúng hiểu biết, quan niệm, thái độ của mình. Các vai là cha mẹ, bác sĩ cần đưa ra các thông tin đúng đắn, phù hợp thì GV nên cũng cấp các tài liệu về thuốc lá.
(3) Các vai trình diễn
Các vai thực hiện trình vai diễn. Nếu thấy ý đồ của mình đã được thực hiện thì GV có thể cho ngừng diễn. Sau đó hướng dẫn HS thảo luận về các cách giải quyết vấn đề của vai diễn và có đánh giá vở kịch. Việc các HS làm khác giản phân tích, nhận xét là khâu quan trọng để đưa ra được các thông điệp, nhận định cần thiết.
(4) Có thể yêu cầu các diễn viên khác trình diễn vở kịch theo cách khác, với các cách giải quyết vấn đề khác.
(5)Hướng dẫn HS trao đổi kinh nghiệm và rút ra các kết luận cần thiết về các vấn đề của vở kịch nêu lên.
1.4.3. Phương pháp tranh biện
Đây là phương pháp mà GV sẽ tổ chức dạy học thông qua một cuộc tranh biện của các HS để thực hiện tìm hiểu một nội dung mới hoặc vận dụng kiến thức đã học, thông qua tranh biện và tổ chức thảo luận nhận xét, đánh giá sau đó mà đạt được mục tiêu dạy học.
Với đặc điểm như vậy GV có thể lựa chọn các vấn đề về quan niệm với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá để HS tranh biện thể hiện hiểu biết, quan niệm, ý kiến cá nhân của mình.
- Cách thực hiện:
+ GV chia toàn thể số người tham gia thành hai bên. Mỗi bên cử một nhóm từ 3 đến 5 người làm đại diện. Số người giữa hai nhóm là bằng nhau. Cuộc tranh biện sẽ diễn ra giữa hai nhóm này. Số còn lại gồm các cổ động viên cho nhóm mình. Cần một trọng tài công bằng.
+ GV đóng vai là điều khiển, trọng tài, dẫn chương trình đưa ra một ý kiến (dưới dạng một mệnh đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá ví dụ @Nên cấm hay không việc sản xuất thuốc lá?”.
+ Bốc thăm để phân công một trong hai nhóm gọi là “nhóm ủng hộ” (bảo vệ ý kiến trên), còn nhóm kia là “nhóm chống” (phản bác ý kiến trên). Mỗi nhóm có một thời gian nhất định để hội ý để thống nhất đưa ra các lí lẽ chính của nhóm mình (mỗi người trong nhóm chịu trách nhiệm biện hộ cho một lí lẽ).
+ Phần tranh biện: nhóm “ủng hộ” cử người thứ nhất đưa ra lí lẽ thứ nhất. Nhóm “chống” cử người thứ nhất của mình phản bác lại ý kiến của nhóm kia, đồng thời đưa ra lí lẽ riêng của nhóm mình. Lần lượt như vậy đối với người thứ hai, thứ ba… cho đến hết.
Vai trò trọng tài: giữ cho cuộc tranh biện xảy ra đúng luật. Vai trò cử tọa: quan sát và bình chọn đội nào có lí lẽ vững vàng và có sức thuyết phục. Nguy cơ có thể gặp khi tranh biện: có một nhóm nào cố tình “cướp diễn đàn” một cách thiếu lịch sự, hoặc cử tọa nhảy lên diễn đàn để… cãi!
+ Kết thúc GV nhận xét, đánh giá các nhóm, đánh giá sự tham dự của cử tọa và rút ra những kết luận, những bài học về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
1.4.4. Phương pháp thuyết trình
Là phương pháp, trong đó HS tự thu nhập tư liệu qua các tài liệu, báo chí và các phương tiện truyền thông khác, xây dựng thành một báo cáo và trình bày trước tập thể (lớp hay nhóm người có chung mục đích, cùng có quan tâm đến vấn đề).
Đây là phương pháp thể hiện sự vận dụng tổng hợp các kĩ thuật ở nhiều phương pháp khác (khám phá, điều tra, thực địa, dự án, quan sát - phỏng vấn). Sử dụng được phương pháp này, nghĩa là HS đã đặt mình vào vị trí của người vừa có hành động tích cực đối với môi trường, vừa thông tin, lí giải và lôi cuốn mọi người quan tâm đến môi trường.
Khi thực hiện phương pháp thuyết trình, GV cần lưu ý đưa ra các tiêu chí với bài thuyết trình về nội dung, hình thức thể hiện và thời gian, đặc biệt chú ý các nội dung cần thể hiện được để đạt được mục tiêu dạy học. Trong các tiêu chí với bài về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần lưu ý về nội dung phải làm rõ nội dung liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, cần đảm bảo yêu cầu của bài học thuộc môn học chọn để lồng ghép. Không biến bài học thành bài về giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá.
1.4.5. Phương pháp thảo luận
Là phương pháp mà GV đặt ra các câu hỏi liên quan đến vấn đề nội dung của bài học/chủ đề, HS sẽ tham gia trả lời, ủng hộ hay phản biện ý kiến của nhau,… theo cá nhân hay các nhóm sau đó trình bày ý kiến chung trước lớp. Thông qua việc thảo luận đó giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sức khỏe cho HS.
Lưu ý với những câu hỏi để khai thác ý kiến, quan điểm của HS nên đặt ở dạng các câu hỏi mở, không nên thể hiện thái độ, ý kiến của người học trong nội dung hay ngữ điệu nêu câu hỏi để không ảnh hưởng đến ý kiến của HS.
Có thể kết hợp sử dụng các kĩ thuật dạy học như công não (nên sử dụng công não viết), kĩ thuật Think - Pair - Share hay kĩ thuật kim tự tháp, kĩ thuật công não, sơ đồ tư duy, kĩ thuật 321,... trong thảo luận để có nhiều ý kiến hơn, việc phân tích các vấn đề, nội dung được sâu hơn.
1.5. Đánh giá trong tổ chức các hoạt động giáo dục tích hợp phòng, chống tác hại của thuốc lá
Như đã trình bày trong mục về định hướng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá ở phần 1, mục tiêu là HS biết và hiểu được các tác hại của thuốc lá từ đó thể hiện được quan điểm, thái độ, hành vi cụ thể. Do đó trong các hoạt động này cần sử dụng các phương pháp và công cụ đánh giá năng lực để đánh giá được và kiến thức và hành vi, thái độ cụ thể của HS trong các nội dung lồng ghép cụ thể. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp, thường sử dụng trong tổ chức hoạt động dạy học tích hợp lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá: Kiểm tra viết, Kiểm tra vấn đáp và kiểm tra thông qua quan sát, đánh giá qua sản phẩm.
1.5.1. Phương pháp kiểm tra viết
Kiểm tra viết là hình thức kiểm tra phổ biến, được sử dụng đồng thời với nhiều HS cùng một thời điểm. Nội dung kiểm tra có thể bao quát từ vấn đề lớn có tính chất tổng hợp đến vấn đề nhỏ, HS phải diễn đạt câu trả lời bằng ngôn ngữ viết.
Kiểm tra viết có thể thực hiện dưới dạng câu hỏi/bài tập tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan, dưới dạng bài kiểm tra hoặc bảng hỏi, phiếu KWL,..
Trong tổ chức dạy học, giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá có GV có thể sử dụng phương pháp đánh giá viết để đánh giá mức độ đạt yêu cầu bài học của HS.
Hình thức tự luận sẽ rất phù hợp để hỏi trình bày hiểu biết sâu về tác hại của thuốc lá, về quan niệm, thái độ, cách ứng xử của HS với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ví dụ như:
- Hãy phân tích tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe của con người?
- Hãy giải thích tại sao rác thải thuốc lá và TLĐT lại gây ra ô nhiễm môi trường? Còn với hình thức trắc nghiệm, GV có thể sử dụng để kiểm tra nhanh về kiến thức bài học và kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
1.5.2. Phương pháp vấn đáp
Kiểm tra vấn đáp là phương pháp hỏi đáp giữa người dạy và người học nhằm giúp GV biết được mức độ nắm tri thức của HS qua câu trả lời của họ. Ứu điểm của phương pháp này là: Thu được thông tin nhanh chóng từ HS, HS tự kiểm tra kiến thức của bản thân nhanh chóng; Kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy và học; Thúc đẩy sự tiến bộ, học tập của người học; Sử dụng mọi thời điểm dạy học; Điều khiển được quá trình nhận thức, kích thích tư duy sáng tạo của HS.
Do đó trong quá trình tổ chức các hoạt động lồng ghép giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá GV cần chủ động chuẩn bị các câu hỏi để hỏi vấn đáp thu thập thông tin phản hồi từ HS để có các điều chỉnh cho việc dạy và học phù hợp. GV cũng cần chú ý khuyến khích việc hỏi đáp giữa HS với HS.
1.5.3. Phương pháp quan sát
Đây là phương pháp thu thập thông tin thông qua việc quan sát việc trình bày, hành vi, thái độ của HS trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục.
Khi đánh giá qua quan sát, GV có thể sử dụng các công cụ như sổ ghi nhật kí, các bảng kiểm, thang đo hoặc phiếu đánh giá theo tiêu chí để quan sát các hành vi, thái độ của HS. Từ các thông tin quan sát được GV bổ sung các nội dụng cần thiết, chuẩn hóa thông tin và phân tích các quan điểm, hành vi phù hợp hoặc chưa phù hợp.
1.5.4. Phương pháp đánh giá qua sản phẩm
Đây là phương pháp đánh giá kết quả học tập của HS khi những kết quả ấy được thể hiện bằng các sản phẩm như bức vẽ, bản đồ, đồ thị, đồ vật, sáng tác, chế tạo, lắp ráp…
Sản phẩm được hiểu là các bài làm hoàn chỉnh được HS thể hiện qua việc xây dựng, sáng tạo, thể hiện ở việc hoàn thành được công việc một cách có hiệu quả. Các sản phẩm học tập chọn để đánh giá cần:
- Giới hạn ở những kĩ năng thực hiện trong phạm vi hẹp (cắt hình, xếp hình, hát một bài hát…)
- Đòi hỏi HS phải sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin, các kĩ năng có tính phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn. Sản phẩm này có thể đòi hỏi sự hợp tác giữa các HS và nhóm HS, thông qua đó mà GV có thể đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn của HS.
Trong các hoạt động giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá, các sản phẩm cần thể hiện được nội dung lồng ghép do đó cần đưa ra các tiêu chí phù hợp định hướng mục tiêu này. Các tiêu chí và tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm là rất đa dạng có thể dựa trên ngữ cảnh cụ thể của hiện thực, và cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của bài học.
Khi sử dụng phương pháp đánh giá sản phẩm học tập cần: Thông báo, thống nhất các tiêu chí đánh giá trước khi HS thực hiện làm sản phẩm; Xây dựng chỉ dẫn cụ thể cho việc chấm điểm, bao gồm các tiêu chí và mức độ cho từng sản phẩm của HS nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan.
Công cụ thường sử dụng trong phương pháp đánh giá sản phẩm học tập là bảng kiểm, thang đánh giá.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hình thành, phát triển ở HS năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, 5 phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình GDPT tổng thể 2018.
Nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân HS với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp. Mỗi mạch nội dung chỉ rõ yêu cầu cần đạt về các kĩ năng, hành vi, thái độ của HS. Nhiều kĩ năng, hành vi, thái độ của HS được thể hiện trong nhận thức và các hành động với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá do đó có thể chọn lồng ghép các nội dung phù hợp để tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS, thông qua đó đạt được các yêu cầu cần đạt trong chương trình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bảo đảm tính mở, linh hoạt. Cơ sở giáo dục và GV chủ động lựa chọn nội dung, phương thức, không gian, thời gian hoạt động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học, cấp học.
Các phương thức, hình thức và phương pháp tổ chức HĐTN, HN được thực hiện theo các định hướng chung sau đây: (1) Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; làm cho mỗi HS đều sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực; (2) Tạo điều kiện cho HS trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm; (3)Tạo cơ hội cho HS suy nghĩ, phân tích, khái quát hóa những gì trải nghiệm để kiến tạo kinh nghiệm, kiến thức và kĩ năng mới; (4)Vận dụng các PPGD và hình thức tổ chức giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng HS và điều kiện cụ thể. Đánh giá kết quả giáo dục hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực HS.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình GDPT2018, bao gồm cả cấp THCS, quy định tổ chức thông qua các 4 loại hình hoạt động sau: (1) Sinh hoạt dưới cờ; (2) Sinh hoạt lớp; (3) Hoạt động giáo dục theo chủ đề (thường xuyên và định kỳ); (4) Hoạt động câu lạc bộ với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: GV chủ nhiệm lớp, GV môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường (Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ HS, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Với mục tiêu, đặc điểm về nội dung, chương trình, phương thức tổ chức, đánh giá như trên nên việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp rất thuận lợi cho việc lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thực hiện tổ chức các hoạt động theo các chủ đề trong chương trình.
Cụ thể bảng dưới đây gợi ý có thể giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá khi tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trải nghiệm đáp ứng một số yêu cầu cần đạt trong cụ thể trong chương trình như sau:
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.