ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 389/QĐ-UBND |
Bình Định, ngày 01 tháng 02 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản các cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2014 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ;
Căn cứ Công văn số 3284/LĐTBXH-TE ngày 21/8/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn;
Căn cứ Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định;
Theo đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 03/TTr-SLĐTBXH ngày 08/01/2021 và của Sở Tư pháp tại Công văn số 76/STP-XDKTVB,TDTHP ngày 22/01/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động -Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Du lịch; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
TẬP TRUNG, GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG, CƠ NHỠ,
XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 01/02/2021 của UBND tỉnh
- Thực hiện Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu: Đảm bảo đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh từ nông thôn đến thành thị mà nhất là thành phố Quy Nhơn cơ bản không còn tình trạng người già, người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ, lang thang, xin ăn; không để những người lang thang, không nghề nghiệp ngủ trên các vỉa hè, góc chợ và nơi công cộng; không để người có sức khỏe nhưng lười lao động đi xin ăn và gây rối trật tự xã hội. Góp phần làm cho cảnh quan môi trường đô thị sạch đẹp, văn minh và đảm bảo an ninh trật tự.
- Việc triển khai thực hiện Đề án tập trung giải quyết người lang thang, cơ nhỡ xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa bàn như nhà ga, bến xe, các chợ, các tuyến đường có nhiều quán ăn, uống và các điểm tham quan du lịch để kịp thời phát hiện, tập trung xử lý các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
- Việc ban hành Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, góp phần làm cho cảnh quan, mỹ quan đô thị sạch đẹp, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, đảm bảo an ninh trật tự góp phần vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ.
- Qua 05 năm thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đã tập trung 365 đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn (người có hộ khẩu tại tỉnh 240 đối tượng; hộ khẩu tỉnh khác 125 đối tượng) bàn giao vào Cơ sở Cai nghiện ma túy để tạm quản lý, giáo dục, giải quyết theo Đề án, bình quân hàng năm có khoảng 73 đối tượng lang thang, cơ nhỡ xin ăn bị tập trung. Việc tập trung người lang thang xin ăn đã từng bước giảm đáng kể số người lang thang, xin ăn tại các khu di tích lịch sử, các khu danh lam thắng cảnh, công viên, bến xe, các chợ... trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo cảnh quan môi trường văn minh, lịch sự và tạo mỹ quan đô thị.
Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn được tập trung theo quy định của pháp luật bằng nhiều biện pháp như: Nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội đối với số đối tượng không tìm được thân nhân, đối tượng neo đơn không có người thân chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trả về nơi cư trú đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động đã xác minh được địa chỉ, quê quán.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn vẫn còn một số bất cập, tồn tại sau:
- Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan mặc dù đã triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên liên tục, thời lượng phát thanh giành cho nội dung này còn hạn chế, việc cung cấp đường dây nóng tại các nhà hàng, khách sạn, các điểm khu du lịch… chỉ được một thời gian ngắn vì các đối tượng xin ăn lén lút tháo gỡ.
- Trước tình hình các cơ quan chức năng ráo riết tập trung giải quyết đối tượng xin ăn, đối tượng chuyển sang hình thức trá hình như lợi dụng bán kẹo, vé số… để xin tiền. Một số đối tượng lang thang, xin ăn là những trường hợp đau ốm nặng hoặc người thân bị đau ốm nặng đang điều trị trong bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn hoặc giả danh là đau ốm nặng để đi xin ăn, người nêu hoàn cảnh do bị mất tài sản nhỡ tàu xe về quê, dẫn đến cản trở trong công tác xử lý tập trung.
- Một số hộ gia đình có người bị tâm thần, vì không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc nên để xảy ra tình trạng lang thang, một số đối tượng hung hãn gây thương tích cho những người xung quanh; đối tượng xin ăn là người đồng bào dân tộc thiểu số (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em) ở một số huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Yên, huyện Vân Canh thường xuyên tổ chức đi ăn xin theo số đông, tái xin ăn nhiều lần.
- Công tác phối hợp của cộng đồng dân cư chưa cao, nên việc báo tin đối tượng lang thang, xin ăn cho lực lượng chức năng chưa kịp thời. Việc một số đối tượng tháo gỡ các tờ rơi, số điện thoại đường dây nóng được dán tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… nhằm hạn chế việc người dân báo tin cho lực lượng chức năng đến thực hiện công tác tập trung.
- Đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn có giảm nhiều song chưa phải là hết, trong thời gian qua số đối tượng mất khả năng hành vi từ các tỉnh khác đến có xu hướng tăng lên, do việc sử dụng rượu bia, các chất kích thích như ma túy đá, nên số đối tượng lang thang này hiện nay rất nhiều và khó kiểm soát.
- Đối tượng được trả về gia đình và địa phương sau đó trở lại lang thang xin ăn đã bị tập trung lần 2, 3, cá biệt có người tái phạm nhiều lần, chủ yếu đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật nặng, điều đó cho ta thấy việc quản lý, giáo dục và áp dụng các chính sách xã hội tại địa phương chưa được tốt; sự quan tâm giúp đỡ của gia đình và chính quyền địa phương nhằm ổn định cuộc sống cho đối tượng chưa đúng mức.
- Nhiều người dân thương xót trước cảnh người ăn xin, lang thang, yếu thế không nơi nương tựa mà không biết mình đang dung túng cho một số người lười lao động, thích sống tự do không chấp nhận sự chăm sóc của gia đình, giúp đỡ của làng xóm, nhiều người có sức khỏe nhưng giả làm người khuyết tật để lợi dụng tấm lòng hảo tâm của xã hội. Mặt khác tình trạng một số đối tượng bảo kê, cưỡng ép trẻ em, người già hay những người yếu thế đi ăn xin thành nhóm để thu lợi bất chính từ những đối tượng này hiện đang là vấn đề nhức nhối của cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
- Chưa có chế độ, chính sách ưu đãi cho cán bộ làm công tác giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn nên chưa thật sự tạo động lực cho cán bộ phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm cao.
3.1. Nguyên nhân khách quan
- Chưa có chế tài hữu hiệu để xử lý người ăn xin nên việc tập trung chưa đủ sức răn đe. Các đối tượng khi bị tập trung vào Cơ sở Cai nghiện ma túy để giáo dục, phân loại xử lý chỉ được một thời gian ngắn, khi có gia đình bảo lãnh, hoặc hết thời gian tập trung, tái hòa nhập cộng đồng, sau đó tiếp tục tái lang thang, xin ăn. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn trong việc quản lý khi tập trung đối tượng trong cộng đồng dân cư hiện nay.
- Nhận thức của một số người dân hiện nay vẫn còn tư tưởng ban phát từ thiện cho các trường hợp xin ăn, dẫn đến tình trạng người xin ăn có xu hướng càng đông, lập nhóm để xin ăn, nhất là các ngày rằm, mùng Một hàng tháng, các ngày lễ và tết cổ truyền dân tộc.
- Số đối tượng tâm thần có xu hướng ngày càng tăng cao, trong khi đó trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn nên Trung tâm luôn trong tình trạng nuôi dưỡng vượt số người quy định. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho đối tượng tâm thần tại Trung tâm được thực hiện theo chính sách xã hội hóa nên nhiều gia đình của người bị tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, không đủ kinh phí để đóng góp chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. Vì vậy, người bị tâm thần vẫn tiếp tục sống tại gia đình, cộng đồng và tiếp tục đi lang thang với những hành vi gây phản cảm, hung hãn, đập phá, gây thương tích cho người khác.
- Lực lượng làm công tác tập trung đối tượng là kiêm nhiệm, nên công tác tập trung không thường xuyên và liên tục.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền (hoặc có tuyên truyền nhưng chưa thường xuyên liên tục) nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân biết và cùng với chính quyền địa phương xóa bỏ tình trạng người lang thang, xin ăn.
- Nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động nhưng lười lao động, trình bày hoàn cảnh khó khăn, gặp nạn nhằm lợi dụng lòng tốt của người dân để xin ăn kiếm sống; một số đối tượng là người cao tuổi, người đồng bào dân tộc thiểu số tranh thủ thời gian nông nhàn vào thành phố để xin ăn, xem đây là một nghề tăng thu nhập.
- Chính quyền cơ sở chưa theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời các đối tượng lang thang, xin ăn, đặc biệt là các đối tượng tái lang thang, xin ăn nhiều lần; sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các hội đoàn thể địa phương nhằm ổn định cuộc sống cho đối tượng một số nơi chưa đảm bảo; không kịp thời tập trung đối tượng khi có tin báo của nhân dân, đây cũng là lý do người dân không báo tin cho địa phương thực hiện công tác tập trung khi phát hiện đối tượng.
- Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả của Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự quyết tâm thực hiện của chính quyền địa phương và sự tham gia đồng hành của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, của các ngành liên quan và các hội đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn góp phần bảo đảm an toàn xã hội, mỹ quan đô thị, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt chủ trương và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của cơ quan tham mưu triển khai thực hiện và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành cùng với chính quyền địa phương trong việc thực hiện Đề án.
II. THỰC TRẠNG NGƯỜI LANG THANG, CƠ NHỠ, XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Cùng với sự phát triển của tỉnh và thu hút khách du lịch đến Bình Định, người lang thang, xin ăn từ các nơi khác cũng đến Bình Định để lang thang, xin ăn kiếm sống. Trong 05 năm (2016 - 2020), qua các đợt đã tập trung 365 đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn (người có hộ khẩu tại tỉnh 240 đối tượng; hộ khẩu tỉnh khác 125 đối tượng) bàn giao vào Cơ sở Cai nghiện ma túy để tạm quản lý, giáo dục, giải quyết theo Đề án, cụ thể: Thành phố Quy Nhơn tập trung 324 đối tượng; thị xã An Nhơn 07 đối tượng; thị xã Hoài Nhơn 09 đối tượng; Tuy Phước 09 đối tượng; Phù Cát 03 đối tượng; Phù Mỹ 02 đối tượng; An Lão 05 đối tượng; Vĩnh Thạnh 02 đối tượng; Tây Sơn 03 đối tượng; Hoài Ân 01 đối tượng. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt việc tiếp nhận, khám và điều trị cho người bệnh là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, số lượng khám và điều trị là 167 người.
Sau các đợt tập trung các đối tượng được tập trung vào Cơ sở Cai nghiện ma túy để phân loại. Cơ sở Cai nghiện ma túy tiến hành phối hợp lấy lời khai, khám bệnh, tuyên truyền, giáo dục và lập hồ sơ phân loại đối tượng theo quy định như sau:
- Tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn 35 đối tượng. Số đối tượng này hầu hết bị rối nhiễu tâm trí ở thể nặng, có nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội mà gia đình không quản lý nuôi dưỡng được, cá biệt số đối tượng từ các tỉnh khác theo các quốc lộ, tỉnh lộ đến tỉnh ta có chiều hướng gia tăng. Số đối tượng còn lại không khai thác được họ, tên, quê quán và quan hệ gia đình nên việc xác định được nhân thân, nơi cư trú gặp rất nhiều khó khăn, do đó không thể thông báo cho gia đình và địa phương biết để phối hợp nhận về quản lý tại gia đình.
- Tiếp nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định 19 đối tượng, số đối tượng này chủ yếu là người cao tuổi đơn thân, người tàn tật nặng không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ không xác định được nhân thân... (đã hoàn thành c c thủ tục thông báo cho gia đình và địa phương, nhưng gia đình, người thân không có khả năng nuôi dưỡng và quản lý).
- Phối hợp cùng các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh tái hòa nhập cộng đồng 311 đối tượng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với số đối tượng là người trong tỉnh được tái hòa nhập cộng đồng, số đối tượng được gia đình và chính quyền bảo lãnh về được giúp đỡ để ổn định cuộc sống, một số có nơi cư trú rõ ràng thì giáo dục và vận động cho đối tượng về gia đình và có thông báo cho chính quyền địa phương biết để có biện pháp quản lý tại cộng đồng.
Người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn được chia làm nhiều loại đối tượng như: Người không có khả năng lao động phải đi lang thang, xin ăn để kiếm sống (trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật nặng); người khuyết tật dạng thần kinh tâm thần đi lang thang; người trong độ tuổi lao động nhưng lười lao động đi xin ăn kiếm sống; các đối tượng lang thang, xin ăn trá hình; các đối tượng tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) không có nơi cư trú ổn định phải lang thang,...
Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi. Toàn tỉnh có 11 huyện, thị xã, thành phố (trong đó 01 thành phố, 02 thị xã, 03 huyện đồng bằng, 02 huyện trung du và 03 huyện miền núi); 159 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn tỉnh có gần 1,5 triệu người. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba Na và Hrê.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh trong việc tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, góp phần làm cho cảnh quan môi trường đô thị sạch đẹp, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn là một trong các nhiệm vụ cần phải thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn tỉnh cơ bản hạn chế không còn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, góp phần làm cho cảnh quan, môi trường đô thị sạch đẹp, môi trường du lịch văn minh thân thiện và đảm bảo an ninh trật tự.
- Thực hiện tốt quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn tỉnh không có người dân nào của địa phương có hành vi lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi: Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- Người lang thang xin ăn: Là những người trực tiếp đi xin ăn; người vừa kết hợp làm việc khác với việc xin ăn như: Đánh giày, bán báo, bán vé số, bán hàng rong hoặc giả danh nhà sư đi khất thực, giả danh đi tìm người thân, bị mất cắp trên đường, nhỡ tàu xe để xin ăn.
- Người tâm thần lang thang: Là những người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần đi lang thang, có biểu hiện hành vi gây nguy hiểm cho người khác, gây mất trật tự xã hội nơi công cộng.
- Các đối tượng có hành vi sống lang thang, xin ăn nơi công cộng: Là những người có nơi cư trú nhưng đi lang thang kiếm sống và xin ăn, ở tại những nơi công cộng như: Vỉa hè, chợ, bến xe, nhà ga, công viên.
3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2021 đến hết năm 2025.
1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã, phường, thị trấn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các hội đoàn thể và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn; mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn của việc tập trung, trợ giúp đối tượng; kịp thời phản ánh thực trạng, kết quả thực hiện việc tập trung, trợ giúp đối tượng; nêu gương những đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích, nghĩa cử cao đẹp trợ giúp đối tượng.
- Tăng cường vận động cơ sở kinh doanh ăn, uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, đền, chùa... cam kết không để đối tượng lang thang, bán hàng rong, hoặc xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý; đồng thời tuyên truyền vận động trực tiếp cho người lang thang nhất là người lang thang xin ăn để họ tự nguyện trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
2. Công tác tập trung đối tượng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong việc tập trung, tư vấn, động viên đối tượng, vận động người thân, gia đình đưa đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn về với gia đình.
- Phát hiện kịp thời đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn; phân loại, xác định rõ tình trạng đối tượng, đối với đối tượng có nơi cư trú ổn định thì thực hiện thông báo, phối hợp đưa đối tượng về địa phương, gia đình, người thân của đối tượng.
- Trong trường hợp người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn không xác định được nơi cư trú, không có gia đình, người thân hoặc gia đình, người thân đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng thì lập hồ sơ thủ tục đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội tạm thời hoặc lâu dài;
- Thời gian thực hiện: Tổ chức tập trung thường xuyên, nhất là các dịp lễ, tết.
- Tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự trị an, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các nhà nghỉ, nhà trọ cho tạm trú, lưu trú mà không có giấy tờ tùy thân, không khai báo tạm trú, lưu trú theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp phối hợp giải quyết không để phát sinh tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm như nhà ga, bến xe, các chợ, các tuyến đường có nhiều quán ăn, điểm tham quan du lịch nhằm phát hiện các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, đeo bám khách hoặc tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.
- Phối hợp thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, răn đe, xử lý kịp thời các đối tượng lang thang, ăn xin, đeo bám khách; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tại các điểm dịch vụ công cộng, khu du lịch, các danh lam thắng cảnh; Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chăn dắt trẻ em, người cao tuổi để xin ăn nhằm trục lợi; các chủ nhà trọ, nhà nghỉ chứa chấp các đối tượng lang thang, xin ăn.
- Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội; quan tâm hỗ trợ, trợ cấp đột xuất đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, tổ chức thăm hỏi tặng quà động viên kịp thời trong các dịp lễ, tết.
- Thực hiện các chính sách trợ giúp, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người bị bệnh tâm thần, giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật để họ ổn định cuộc sống tại gia đình, không đi lang thang; đối với những đối tượng trong độ tuổi lao động, các địa phương cần vận động đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống.
- Thông qua các hoạt động phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân... nhận hỗ trợ đỡ đầu cho các trẻ em lang thang, giúp đỡ cho gia đình có người tâm thần lang thang.
- Khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là trẻ em nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang kiếm sống.
5. Nâng cấp cơ sở, vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, Cơ sở Cai nghiện ma túy đảm bảo nhu cầu thiết yếu để quản lý, phục vụ đối tượng xã hội và chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đối tượng lang thang tập trung.
- Bố trí cán bộ nhân viên (bao gồm cả nhân viên y tế) để quản lý, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, đặc biệt chú trọng tổ chức lao động sản xuất phù hợp với đối tượng được tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
- Xây dựng kế hoạch, kinh phí đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng tập trung dài hạn, ngắn hạn và khẩn cấp cho các đối tượng.
6. Kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nội dung của Đề án, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
1. Quy trình tập trung chuyển giao đối tượng
- Đối với những đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại tỉnh Bình Định (có Biên bản lấy lời khai của đơn vị tập trung): Đơn vị tập trung phải liên hệ gia đình đối tượng đến làm thủ tục bảo lãnh và lập cam kết không để đối tượng tái lang thang, xin ăn; trường hợp gia đình không đến bảo lãnh, đơn vị tập trung có trách nhiệm chuyển đối tượng, bàn giao đến chính quyền địa phương nơi đối tượng sinh sống để có biện pháp quản lý, giáo dục và tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống tại cộng đồng.
- Đối với những đối tượng không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại tỉnh Bình Định hoặc đối tượng chưa xác định được địa chỉ nơi cư trú, không có giấy tờ tùy thân thì đơn vị tập trung lập biên bản, chuyển đối tượng về Cơ sở Cai nghiện ma túy (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định) để phân loại, tạm quản lý giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng.
2. Quản lý, phân loại và di chuyển đối tượng
a) Tiếp nhận, phân loại đối tượng
Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đối tượng, Cơ sở Cai nghiện ma túy có trách nhiệm quản lý, phân loại, lập văn bản đề xuất báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết: Hồi gia, hòa nhập cộng đồng, chuyển giao đối tượng về địa phương hoặc chuyển đến nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.
b) Thực hiện di chuyển đối tượng
- Đối với đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không có con cháu, người thân đến bảo lãnh: Cơ sở Cai nghiện ma túy thông báo, phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tiếp nhận tiếp tục nuôi dưỡng theo quy định.
- Đối với đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động (người từ đủ 16 tuổi): Nếu xác định nơi cư trú, Cơ sở Cai nghiện ma túy có trách nhiệm liên hệ và thông báo bằng văn bản đến gia đình làm thủ tục cam kết bảo lãnh về gia đình quản lý nuôi dưỡng; đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi đối tượng cư trú để phối hợp quản lý, giáo dục. Trường hợp đối tượng tái lang thang, cơ nhỡ, xin ăn (lần 2), Cơ sở Cai nghiện ma túy thông báo đến chính quyền địa phương tổ chức việc giao - nhận đối tượng tại trụ sở UBND cấp xã, đồng thời có cam kết của gia đình và chính quyền trong việc chăm sóc, quản lý công dân trên địa bàn, không tái diễn tình trạng lang thang, xin ăn. Trường hợp tái lang thang, cơ nhỡ, xin ăn (lần 3 trở lên) Cơ sở Cai nghiện ma túy thông báo, tổ chức bàn giao đối tượng tại trụ sở UBND cấp huyện. Đối với các đối tượng tái lang thang, cơ nhỡ, xin ăn là người ngoài tỉnh, Cơ sở Cai nghiện ma túy không tổ chức giao nhận tại địa phương.
Trường hợp đối tượng không xác định được nơi cư trú hoặc xác định được nơi cư trú (lần đầu) nhưng trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận và đã phân loại đối tượng, Cơ sở Cai nghiện ma túy đã liên hệ và thông báo bằng văn bản đến gia đình nhưng gia đình không đến bảo lãnh thì Cơ sở Cai nghiện ma túy giải quyết cho tái hòa nhập cộng đồng. Nếu trường hợp là người ngoài tỉnh, được hỗ trợ tiền vé xe và tiền ăn dọc đường theo quy định hiện hành.
- Đối với đối tượng là người bị tâm thần (có Bệnh án tóm tắt của Bệnh viện tâm thần tỉnh) Cơ sở cai nghiện ma túy thông báo về gia đình, địa phương nơi cư trú (nếu xác định được địa chỉ nơi cư trú) để làm thủ tục cam kết, bảo lãnh về quản lý nuôi dưỡng tại gia đình. Trường hợp gia đình không đến bảo lãnh hoặc các đối tượng không xác định được nơi cư trú thì Cơ sở Cai nghiện ma túy thông báo, phối hợp với Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn để tiếp nhận, nuôi dưỡng theo quy định.
- Trường hợp các đối tượng trong thời gian quản lý, phân loại, nuôi dưỡng để giải quyết theo Đề án nếu xảy ra bệnh nặng thì chuyển đến cơ sở y tế để điều trị bệnh.
c) Giải quyết bảo lãnh cho đối tượng
Cơ sở Cai nghiện ma túy trực tiếp giải quyết bảo lãnh cho đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Hồ sơ giải quyết bảo lãnh gồm:
- Đơn xin bảo lãnh của gia đình, người thân (ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột), người giám hộ theo quy định của pháp luật các xác nhận của UBND cấp xã. Đơn xin bảo lãnh cần thể hiện các nội dung sau: Thông tin người bảo lãnh và người được bảo lãnh (họ và tên, năm sinh, hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, mối quan hệ giữa người bảo lãnh với người được bảo lãnh); cam kết của gia đình đối tượng trong việc quản lý, giáo dục và ổn định cuộc sống cho đối tượng khi được bảo lãnh trở về gia đình.
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan đến người được bảo lãnh.
3. Phối hợp với các bên liên quan
Cơ sở Cai nghiện ma túy phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện:
- Có văn bản gửi Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định để tìm thân nhân cho đối tượng (hồ sơ bao gồm: Công văn, hình ảnh kèm theo).
- Liên hệ Bệnh viện Tâm thần tỉnh đến khám, lập bệnh án các đối tượng có biểu hiện bệnh tâm thần.
- Thông báo đến Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tiếp nhận đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không có con cháu, người thân đến bảo lãnh sau khi đã thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thông báo đến Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn tiếp nhận đối tượng tâm thần (có bệnh án của Bệnh viện tâm thần tỉnh) không có con cháu, người thân đến bảo lãnh sau khi đã thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo xã hội cân đối hàng năm cho Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội (đối với cấp tỉnh); ngân sách huyện, thị xã, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn hàng năm theo phân cấp quản lý.
- Lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan.
- Huy động sự đóng góp hợp pháp của các đơn vị, cá nhân trong nước và nước ngoài.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên phạm vi toàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền của các đối tượng yếu thế và pháp luật trợ giúp xã hội.
c) Phối hợp, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi.
d) Chỉ đạo Cơ sở Cai nghiện ma túy thực hiện tiếp nhận, quản lý tạm thời trong thời gian phân loại, giải quyết các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng hoặc xem xét đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định.
e) Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành chức năng cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chế độ được hỗ trợ, cứu trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
a) Chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Y tế cấp huyện, cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc tiếp nhận, khám, điều trị cho người lang thang ốm yếu suy kiệt và người tâm thần lang thang được cơ quan chức năng chuyển đến, đồng thời lập hồ sơ bệnh án cho những người tâm thần lang thang, người khuyết tật.
b) Phối hợp quản lý và điều trị các trường hợp được tập trung khi mắc bệnh truyền nhiễm như: Lao, HIV/AIDS đang sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
c) Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng lang thang, cơ nhỡ, tâm thần trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
a) Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn khu dân cư.
b) Chỉ đạo các ban quản lý di tích, các điểm lễ hội… khi phát hiện có người lang thang xin ăn thì phải thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương để thực hiện tập trung, giải quyết theo quy định.
Hướng dẫn ban quản lý các khu, điểm du lịch khi phát hiện có người lang thang xin ăn thì phải thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương để thực hiện tập trung, giải quyết theo quy định.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, các Đài phát thanh cơ sở tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để tình trạng bỏ rơi, bị dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn.
a) Chỉ đạo, theo dõi, quản lý và phát hiện những em học sinh có nguy cơ bỏ học, để kịp thời có biện pháp động viên, giúp đỡ, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, không để xảy ra tình trạng bỏ học, bỏ nhà đi lang thang. Nêu cao các tập thể, cá nhân có nghĩa cử tốt đẹp, giúp đỡ học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường.
b) Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường trực thuộc tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh trong việc giải quyết tình trạng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu về đầu tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận và quản lý người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
a) Phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu quả và quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
a) Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp thực hiện thường xuyên việc rà soát, phân loại, quản lý và xử lý các đối tượng lang thang xin ăn theo quy định.
b) Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, xúi dục, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn. Kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định
a) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chủ trương của tỉnh về giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Kịp thời nêu gương điển hình, biểu dương những địa phương, đơn vị làm tốt công tác quản lý người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn xuất trên địa bàn quản lý.
b) Phối hợp tìm thân nhân của các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn không khai thác được thông tin cụ thể; tuyên truyền xóa bỏ tình trạng lười lao động, lợi dụng người già, trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người mất năng lực hành vi để kiếm tiền bất hợp pháp.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức vận động, cảm hóa, giáo dục, phát động toàn dân tham gia phòng ngừa và giải quyết tốt vấn đề người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện, vận động xã hội giúp đỡ có tổ chức đối với người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn là người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các đối tượng ổn định cuộc sống.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với mặt trận, đoàn thể địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về tác động xã hội của việc lang thang xin ăn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm việc thiện thì địa phương chọn và giới thiệu, cá nhân trực tiếp trao tiền, quà cho đối tượng có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
b) Tổ chức các đợt cao điểm tập trung, phân loại, giải quyết người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý, giáo dục các trường hợp tái lang thang xin ăn nhiều lần.
c) Thành lập, kiện toàn Tổ công tác liên ngành cấp huyện (Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, UBND cấp xã, Trưởng thôn/Khu phố) thường xuyên tập trung, giải quyết người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn; hàng năm dự toán, bố trí kinh phí cho Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ.
d) Tổ chức giao - nhận đối tượng tái lang thang, cơ nhỡ, xin ăn (lần 3 trở lên) do Cơ sở Cai nghiện ma túy bàn giao tại UBND cấp huyện, ngân sách cấp huyện đảm bảo chi phí trong công tác bàn giao đối tượng tại địa phương.
đ) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:
- Theo dõi tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn một cách chặt chẽ, hiệu quả; tổ chức tiếp nhận đối tượng của địa phương mình do các lực lượng chức năng giao hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp chuyển giao; có kế hoạch tiếp nhận, quản lý và trợ giúp các đối tượng hồi hương như: Nhà ở, đất sản xuất, giúp con em họ đến trường, không để đối tượng quay trở lại tái lang thang xin ăn.
- Tổ chức tiếp nhận đối tượng khi Cơ sở Cai nghiện ma túy, Tổ công tác tập trung của các địa phương chuyển đối tượng đến trụ sở UBND cấp xã bàn giao và có cam kết trong việc quản lý đối tượng tại cộng đồng.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, để giúp đỡ và không có người dân trên địa bàn phải lang thang xin ăn.
- Thực hiện xác định mức độ khuyết tật đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội đóng trên địa bàn theo quy định khi có đề nghị của cơ sở trợ giúp xã hội.
- Thực hiện công tác giám sát, đánh giá, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Đề án này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn thực hiện hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.