ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3856/QĐ-UBND |
Quảng Ninh, ngày 11 tháng 10 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 27/9/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Thực hiện Kế hoạch số 440/KH-UBND ngày 25/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 25/9/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại văn bản số 2194/SLĐTBXH-BTXH ngày 27/9/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, gồm những nội dung chính sau:
1. Mục tiêu chung
Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo (sau đây gọi chung là đối tượng nghèo), ưu tiên các đối tượng nghèo thuộc vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Tạo cơ hội để đối tượng nghèo ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng nghèo.
Thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp của xã hội. Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
- Huy động các nguồn lực trợ giúp cho hộ nghèo, hộ thuộc diện không thể thoát nghèo (gồm những hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau bệnh tật, không có sức lao động);
- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của đối tượng nghèo; tạo điều kiện để đối tượng nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Thông qua các chiến lược, chương trình, kinh tế xã hội, đảm bảo hợp lý về chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực thành thị và nông thôn, khuyến khích tăng hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được
- Phấn đấu 100% đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;
- Thực hiện nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương quy định 30%;
- Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân mỗi năm giảm 0,7%; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng trên 4 lần so với năm 2010;
- Tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà dột nát;
- Thu nhập của những hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 15 đến 20%/năm; bình quân mỗi năm có 10% số hộ tham gia mô hình thoát nghèo, cận nghèo;
- Đến hết năm 2020, đưa 22 xã và 11 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135;
- Phấn đấu đến năm 2020, có 90% hộ nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, được tham gia học hỏi kinh nghiệm sản xuất.
- Phấn đấu đến năm 2020, đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới về giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, công trình điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, hệ thống chợ nông thôn, hệ thống công trình trường mầm non và phổ thông, hệ thống thông tin - truyền thông...; 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và 98% sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;
- Đến năm 2020, có 100% số xã đạt tiêu chí số 11 (hộ nghèo) và tiêu chí số 12 (tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên) theo chuẩn nông thôn mới (Theo kế hoạch số 7819/KH-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020).
- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.
- 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động.
1. Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong những năm tiếp theo, được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của Tỉnh và ở mỗi địa phương. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh.
2. Xác định nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; lồng ghép triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; Nhà nước, xã hội và cộng đồng chung tay thực hiện, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.
3. Công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, trong đó quan tâm hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
4. Thực hiện công tác giảm nghèo phải dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững; chủ động, tích cực huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế và tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên ngân sách bố trí thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
5. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo bộ tiêu chí nông thôn mới để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm vào những vùng, địa bàn và nhóm dân cư khó khăn nhất; khuyến khích sự tham gia trợ giúp của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo và số lượng hộ nghèo cao, ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, dân tộc thiểu số.
6. Đảm bảo tính bền vững của chương trình, tập trung hỗ trợ chăm lo để từng bước cải thiện và nâng dần điều kiện sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, tăng cường giải pháp chống tái nghèo; chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định, tăng năng suất lao động để từ đó góp phần tăng thu nhập, có tích lũy tiến tới giảm nghèo.
7. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách theo phương châm trợ giúp người nghèo, xã nghèo tự vươn lên thoát nghèo; đề xuất với Trung ương điều chỉnh việc hỗ trợ cho cộng đồng để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phân cấp, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các ngành, các địa phương; tăng cường vai trò tham gia của các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, mỗi đơn vị gắn với một địa phương nhằm giám sát, đánh giá và hỗ trợ địa phương khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo cao vươn lên thoát nghèo.
8. Thực hiện đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mong muốn được nghèo để thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Phân loại các nhóm đối tượng nghèo để có các chính sách hỗ trợ, trợ giúp phù hợp. Tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, có chính sách đối với các hộ thoát nghèo để mua phương tiện, cây con giống phát triển sản xuất nhằm khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” đối với một số nhóm đối tượng cụ thể.
9. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết (hỗ trợ có thời hạn, có điều kiện) cho người nghèo, hộ nghèo để phát triển sản xuất, nâng cao dân trí, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng để thoát nghèo bền vững; trong đó, ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và những địa phương có tỷ lệ nghèo cao; kiên quyết đẩy lùi tình trạng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để hưởng lợi các chính sách ưu đãi của nhà nước.
10. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo; không chạy theo thành tích, tránh phô trương; đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình.
11. Nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng cán bộ chuyên trách giảm nghèo ở các cấp và coi trọng chất lượng hoạt động các tổ, nhóm cộng tác viên tham gia giảm nghèo; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, các ngành đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Đối tượng
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo quốc gia và của tỉnh); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên những đối tượng là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em;
- Các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xã biên giới; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã thuộc vùng khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; người dân và cộng đồng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
2. Phạm vi thực hiện
- Phạm vi về không gian: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Phạm vi về thời gian: Đến hết năm 2020
1. Thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, tổ chức tập huấn cho cán bộ giảm nghèo các cấp; kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình ở các cấp theo từng năm và cả giai đoạn.
2. Bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới cho địa bàn nghèo (thôn, xã và huyện nghèo) và các huyện, xã, thôn có tỷ lệ nghèo cao, trong đó tập trung cho khu vực miền núi, xã đặc biệt khó khăn (chương trình 135), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
3. Hỗ trợ có thời hạn, có điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, đồng thời hỗ trợ các điều kiện sống cho hộ nghèo, cận nghèo để cải thiện các chỉ số thiếu hụt về Tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
4. Nghiên cứu xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới, có hiệu quả vào sản xuất để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, học tập, tham gia, đồng thời kết hợp giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Ưu tiên triển khai các mô hình trên địa bàn các xã có điều kiện khó khăn.
5. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp về chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo và phân loại hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
6. Thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ, khách quan, chính xác. Tổ chức cập nhật, quản lý thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; phân tích cụ thể nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình.
7. Tăng cường huy động và lồng ghép các nguồn lực phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước kịp thời, đủ để thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
8. Để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách đảm bảo giảm nghèo bền vững, Tỉnh thực hiện nâng mức chuẩn nghèo của Tỉnh cao hơn 30% so với chuẩn nghèo Quốc gia quy định từng thời kỳ. Mức chuẩn nghèo của Tỉnh dự kiến nâng lên bằng mức chuẩn hộ cận nghèo hiện tại của Quốc gia (thời gian thực hiện sau năm 2018).
1. Giải pháp về công tác chỉ đạo điều hành
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đẩy mạnh hoạt động dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo tại doanh nghiệp, nhận lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc nhằm tăng thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững; tạo điều kiện cho nông dân, các hộ nghèo tham gia hoạt động thăm quan, nghiên cứu, học tập các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo của các địa phương trong và ngoài Tỉnh.
- Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, mục tiêu giảm nghèo.
- Tiếp tục quan tâm triển khai hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết và tạo thêm nhiều việc làm mới, cải thiện chất lượng sống để giải quyết thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, cận nghèo từng bước khắc phục các chỉ số thiếu hụt đa chiều tiếp tới giảm nghèo bền vững.
- Tăng cường quản lý Nhà nước và triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020, các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt việc lồng ghép Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hằng năm có kế hoạch phối hợp cụ thể với các ban, ngành, hội đoàn thể, các địa phương để tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo.
- Tổ chức điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm. Tăng cường phân cấp quản lý và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chương trình, dự án và các chính sách liên quan về giảm nghèo.
2. Giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về dịch vụ y tế
- Thường xuyên rà soát, lập danh sách đối tượng tham gia BHYT để làm căn cứ thực hiện chính sách BHYT kịp thời; đảm bảo ngân sách đóng BHYT cho các nhóm đối tượng theo quy định của Luật BHYT, đồng thời tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng theo chính sách riêng của Tỉnh như: hỗ trợ mức đóng cho người thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi, trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
- Củng cố, duy trì và phát triển Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo.
- Thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chế độ tiền ăn, tiền đi lại cho người bệnh khi điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên.
- Củng cố mạng lưới y tế cơ sở; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn, trong đó quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực cho các trạm y tế gắn với việc phấn đấu và duy trì kết quả các xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Tiếp tục tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo cho nhân dân tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn.
- Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng thông qua việc thay đổi tập quán ăn ở, sinh hoạt và chăn nuôi để giảm mất vệ sinh, phòng bệnh cho người và vật nuôi.
3. Giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về dịch vụ giáo dục
- Tăng cường thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ và Thông tư 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trẻ em dưới 15 tuổi đến trường và người dân ở độ tuổi từ 15 đến dưới 30 tuổi tham gia các lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ khuyến học,... để không xảy ra tình trạng bỏ học.
- Tạo điều kiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác cho con em hộ nghèo; đồng thời giúp đỡ con em hộ nghèo có điều kiện theo học ở các trường bậc cao hơn.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho người học theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ; hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em 3, 4 và 5 tuổi theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi; ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các xã nghèo có khả năng sớm đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nhất là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
- Quan tâm đến chất lượng giáo dục tại các cơ sở bán trú, nội trú, đặc biệt là tỷ lệ đến lớp, chất lượng giáo dục thể chất.
4. Giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về dịch vụ nhà ở
- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo1, tổ chức kết hợp, lồng ghép tốt các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đang được triển khai hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng nhà ở và diện tích ở tối thiểu (từ 8m2/người trở lên).
- Hỗ trợ lãi suất vốn vay (từ nguồn ngân sách tỉnh) khi hộ nghèo vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để thực hiện chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo là đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
- Thực hiện chính sách xã hội hóa thu hút vốn đầu tư nhà ở xã hội từ các thành phần kinh tế để thực hiện chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, người có công trên địa bàn tỉnh; quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
5. Giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về dịch vụ nước sạch và vệ sinh
Đây là giải pháp cần được quan tâm trong thời gian tới, đặc biệt đối với các hộ gia đình không được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh (gồm: nước máy, nước giếng khoan, nước giếng đào có thành bảo vệ, nước khe suối được bảo vệ, nước mưa chứa trong bể chứa được bảo vệ) và sử dụng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh (gồm các loại: tự hoại, bản tự hoại, thấm dội nước, hai ngăn), thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức liên quan đến hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường giúp cho người dân có ý thức và nâng cao hiểu biết về vệ sinh môi trường, làm thay đổi thói quen cũ, thiếu vệ sinh trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày, tự mình đầu tư nâng cấp công trình phục vụ sinh hoạt.
- Tiếp tục bố trí nguồn vốn cho vay ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo xây dựng công trình nước sinh hoạt và hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh, trước mắt thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách để khuyến khích hộ nghèo xây dựng hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Tập trung triển khai thực hiện cung cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch cho khu vực nông thôn, nhất là miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức rà soát, đánh giá và bổ sung quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn, ưu tiên cấp nước cho các khu dân cư tập trung, các khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức để trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, cơ chế chính sách phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ về cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện đầu tư xây dựng công trình nước sạch đúng quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo tiêu chuẩn thiết kế, được sử dụng, vận hành và bảo dưỡng định kỳ, kịp thời theo quy định; bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình hằng năm và có chủ trương cho bù giá nước đối với các công trình thu không đủ chi để các công trình hoạt động bền vững.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo và tăng cường năng lực, xây dựng cơ sở vật chất để nắm chắc các quy trình, tiêu chuẩn; nâng cao năng lực quản lý vận hành, tiếp thu những công nghệ, quy trình quản lý mới cho đội ngũ cán bộ để đảm bảo vận hành, quản lý và sử dụng nguồn nước.
6. Giải pháp thực hiện các chỉ số thiếu hụt đa chiều về thông tin
- Đẩy mạnh công tác đào tạo kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung triển khai về chương trình, dự án hỗ trợ tiếp cận thông tin để người dân nắm bắt, tiếp cận thông tin và sử dụng các dịch vụ.
- Trong giai đoạn này, công tác truyền thông được ưu tiên hàng đầu, trong đó tiếp tục hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát hành, phát sóng, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các ấn phẩm truyền thông; Phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến các kinh nghiệm sản xuất, các gương điển hình trong sản xuất, hoạt động xã hội, kiến thức về khoa học kỹ thuật.
- Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thông tin để phục vụ cho nhu cầu sử dụng thông tin của người dân như có cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư về các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng đến 100% các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh.
- Thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo để được tiếp cận thông tin qua các chương trình: Chương trình Viễn thông công ích hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ cố định mặt đất, di động mặt đất; hỗ trợ cước thông tin liên lạc cho ngư dân trên biển.
- Tổ chức thực hiện tốt chương trình đưa văn hóa, thông tin về cơ sở; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo, người cận nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo; thực hiện hỗ trợ đầu thu số hóa truyền hình mặt đất, đầu thu vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh theo lộ trình số hóa mặt đất của Chính phủ để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dân theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ
- Thực hiện đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tại các đài truyền thanh cơ sở. Tăng cường nội dung thông tin cung cấp cho người dân qua hệ thống phát thanh truyền hình. Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc để góp phần đưa thông tin đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Khuyến khích trí thức trẻ tình nguyện về nhận công tác ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; sử dụng cán bộ đoàn thể ở cơ sở làm cộng tác viên giảm nghèo.
7. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hiện hành
7.7. Hỗ trợ đào tạo gắn với tạo việc làm:
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 4069/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 06/01/2011 của UBND tỉnh Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: Hỗ trợ học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng chính phủ;
- Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo tự tạo việc làm như hỗ trợ vốn vay qua các chương trình, dự án giải quyết việc làm.
- Nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho lao động nghèo, đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề của địa phương; ưu tiên đào tạo các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ, có nhu cầu cao, có khả năng tìm được việc làm trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương; có chính sách ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động ở các xã khó khăn hoặc thu hút nhiều lao động là người nghèo bằng các chính sách phù hợp; phát triển các nghề có thu nhập cao, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động nói chung, người nghèo nói riêng. Hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề (đặc biệt là các làng nghề truyền thống), tạo cơ sở cho người dân và doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, làm tiền đề duy trì ổn định việc làm và tạo thêm việc làm tại chỗ ở địa phương.
- Các địa phương, hội, đoàn thể vận động chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định, thoát nghèo.
- Kết nối và triển khai có hiệu quả hệ thống kênh thông tin về việc làm như các sàn giao dịch việc làm, hệ thống Website việc làm.
- Triển khai thực hiện các chính sách việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm”, nhằm tạo việc làm cho lao động ngay tại địa phương, nhất là lao động thời vụ nông nhàn, lao động không có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động khác thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
7.2. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi hộ nghèo
- Triển khai cho vay vốn đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia theo quy định của Chính phủ (theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn theo quy định).
- Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo (theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo); thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với Hộ mới thoát nghèo.
- Triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
- Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn theo các quy định hiện hành.
7.3. Tiếp tục thực hiện các chính sách khác
- Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
- Triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện kịp thời, đầy đủ trợ cấp khó khăn, trợ cấp đột xuất (do thiên tai, hỏa hoạn và rủi ro bất khả kháng gây ra) và một số chính sách có liên quan đến giảm nghèo.
- Thực hiện Nghị quyết 47/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
- Triển khai hiệu quả các dự án phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 2599/2016/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ thực hiện Dự án (phương án) Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 3197/2016/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh về Ban hành Quy định chi tiết một số nội dung và mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
8. Thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh
8.1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
8.1.1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (Dự án 1- Tiểu dự án 2: Chương trình 30a)
a. Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
b. Đối tượng: Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
c. Nhiệm vụ chủ yếu:
- Nội dung hỗ trợ: Đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; trạm y tế đạt chuẩn; trường, lớp học đạt chuẩn; bến cá, bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi;
- Duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
- Tăng cường sự tham gia giám sát của người dân và cộng đồng nhằm quản lý phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - chính trị, trật tự xã hội.
d. Kinh phí thực hiện:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ 6 xã trong 4 năm (2017-2020): 25.512 triệu đồng (252 triệu đồng/xã/năm), gồm:
+ Vốn đầu tư: 24.000 triệu đồng;
+ Vốn duy tu bảo dưỡng: 1.512 triệu đồng.
- Cơ quan chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn.
8.1.2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (Dự án 1- Tiểu dự án 3: Chương trình 30a)
a. Mục tiêu:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn;
- Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn; Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.
b. Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn; tổ chức và cá nhân có liên quan;
- Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về,...thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.
c. Nội dung hỗ trợ:
* Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:
Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y...; hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất;
- Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương xếp đá;
- Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;
- Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của phát luật.
* Nhân rộng mô hình giảm nghèo:
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp, mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư;
- Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản để tăng thu nhập cho người dân; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
d. Kinh phí thực hiện:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ (vốn sự nghiệp) 6 xã trong 4 năm (2017-2020): 7.200 triệu đồng.
e. Cơ quan chủ trì thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung nhân rộng mô hình giảm nghèo.
8.1.3. Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Dự án 1- Tiểu dự án 4: Chương trình 30a)
a. Mục tiêu: Tăng số lượng, nâng cao chất lượng lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
b. Đối tượng: Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên đối tượng lao động là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
c. Nội dung hỗ trợ:
+ Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại, cung cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, Visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
+ Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở; hỗ trợ hoạt động tư vấn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước tại cơ sở.
- Vốn và nguồn vốn: Ngân sách địa phương hỗ trợ trong 3 năm (2018-2020) là 1.000 triệu đồng.
d. Cơ quan chủ trì:
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.
8.2. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) gắn với thực hiện Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
8.2.1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. (Dự án 2 - Tiểu dự án 1: Chương trình 135)
a. Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
b. Đối tượng: các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.
c. Nội dung:
- Các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; trạm y tế xã đạt chuẩn; các công trình trường, lớp học đạt chuẩn; cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ, công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân;
- Các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi.
- Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
8.2.2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. (Dự án 2 - Tiểu dự án 2: Chương trình 135)
a. Mục tiêu: (1) Phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch gắn với lợi thế địa phương (tập trung vào trồng rừng và phát triển chăn nuôi đại gia súc); khuyến khích thực hiện các dự án phát triển sản xuất thông qua nhóm hộ (20% hộ không nghèo) để người nghèo được học tập cách làm ăn, là tiền đề hình thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch sản xuất; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn; (3) Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn.
b. Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo; Nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn; các tổ chức và cá nhân có liên quan;
- Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về,...thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.
c. Nội dung hỗ trợ:
* Hỗ trợ phát triển sản xuất:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản...;
- Hỗ trợ tạo đất sản xuất gồm: cải tạo đất sản xuất, tạo ruộng bậc thang, nương xếp đá;
- Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm;
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của phát luật.
* Nhân rộng mô hình giảm nghèo:
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư;
- Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản để tăng thu nhập cho người dân; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.
8.2.3. Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản đặc biệt khó khăn. (Dự án 2 - Tiểu dự án 3: chương trình 135)
a. Mục tiêu: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
b. Đối tượng: Cộng đồng, cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
- Đối với cộng đồng: Ban giám sát cộng đồng xã; cán bộ thôn, bản; đại diện cộng đồng; lãnh đạo tổ, nhóm; cán bộ chi hội đoàn thể; cộng tác viên giảm nghèo; các tổ duy tu và bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, bản; người có uy tín trong cộng đồng và người dân; ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.
- Đối với cán bộ cơ sở: Tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ xã và thôn bản về tổ chức thực hiện Chương trình, cán bộ khuyến nông/thú y cấp xã và thôn, bản; ưu tiên cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.
c. Nội dung hỗ trợ:
- Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn về quy trình, kỹ năng tổ chức thực hiện Chương trình, các vấn đề liên quan khác trong giảm nghèo.
- Nâng cao năng lực cho cộng đồng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn để đảm bảo tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát cộng đồng với các hoạt động của Chương trình.
8.2.4. Cơ quan chủ trì và kinh phí thực hiện.
a. Kinh phí thực hiện:
- Tổng nhu cầu vốn 1.342.439 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ 67.422 triệu đồng;
+ Ngân sách địa phương 968.475 triệu đồng:
+ Vốn doanh nghiệp đầu tư, huy động xã hội hóa và vốn lồng ghép 306.542 triệu đồng.
b. Cơ quan chủ trì, thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Ban Dân tộc.
- Cơ quan thực hiện: Ban Dân tộc trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho cộng đồng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung về hỗ trợ sản xuất; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung về nhân rộng mô hình giảm nghèo
8.3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 và Chương trình xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. (Dự án 3: xã ngoài Chương trình 135)
a. Mục tiêu:
- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch gắn với lợi thế địa phương (tập trung vào trồng rừng và phát triển chăn nuôi đại gia súc); Khuyến khích thực hiện các dự án phát triển sản xuất thông qua nhóm hộ (20% hộ không nghèo) để người nghèo được học tập cách làm ăn, là tiền đề hình thành tổ hợp tác, Hợp tác xã.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở quy hoạch sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn;
- Hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn;
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường.
b. Đối tượng:
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo;
- Nhóm hộ, cộng đồng dân cư;
- Tổ chức và cá nhân có liên quan;
- Tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về,... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án.
c. Nội dung hỗ trợ:
* Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y;
- Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: nhà xưởng; máy móc thiết bị; vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm;
- Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;
- Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.
* Nhân rộng mô hình giảm nghèo:
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; ưu tiên nhân rộng các mô hình giảm nghèo liên quan đến sinh kế phù hợp với từng vùng, nhóm dân cư;
- Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
d. Kinh phí thực hiện
- Nhu cầu về vốn: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 4 năm (giai đoạn 2017-2020) 16.000 triệu đồng
e. Cơ quan chủ trì, thực hiện.
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung nhân rộng mô hình giảm nghèo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp tham mưu, chỉ đạo nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
9. Nhóm giải pháp về truyền thông và kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình.
9.1. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình
9.1.1. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 4)
a. Mục tiêu:
- Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
- Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
- Hằng năm tổ chức cho người nghèo đi tham quan học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh để thay đổi nhận thức, từng bước giúp giảm nghèo.
b. Đối tượng: Người dân, cộng đồng dân cư; các tổ chức và cá nhân liên quan.
c. Nội dung hỗ trợ:
* Truyền thông về giảm nghèo: (1) Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo; (2) Xây dựng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo từ Tỉnh tới địa phương, cơ sở; (3) Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; (4) Tổ chức các hoạt động truyền thông giảm nghèo theo hình thức sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thôn, bản, xã, huyện thực hiện Chương trình; (5) Phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo.
* Giảm nghèo về thông tin: (1) Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở; ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cấp thôn, bản; (2) Hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, truyền tải, lưu trữ, quảng bá, phục vụ người đọc các sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm và các sản phẩm thông tin khác để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến các kinh nghiệm, gương điển hình và các thông tin thiết yếu khác; (3) Hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho các hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; (4) Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện, xã; (5) Xây dựng các điểm tuyên truyền, cổ động cố định ngoài trời; (6) Xây dựng nội dung chương trình cổ động cho các đội thông tin cơ sở; (7) Hỗ trợ thiết lập cụm thông tin cơ sở tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.
d) Phân công thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung giảm nghèo về thông tin; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung truyền thông về giảm nghèo.
9.1.2. Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình (Dự án 5)
a. Mục tiêu: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.
b. Đối tượng:
- Đối với hoạt động nâng cao năng lực: Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ nữ;
- Đối với công tác giám sát đánh giá: cơ quan chủ trì Chương trình các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án thành phần các cấp và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá;
- Các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c. Nội dung hỗ trợ: (1) Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; (2) Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, hội nghị về giảm nghèo; (3) Xây dựng khung kết quả của Chương trình, gồm: hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tiếp cận đa chiều; xây dựng chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện; (4) Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo định kỳ, hằng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết); (5) Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; tổ chức điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ ở các cấp; (6) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.
d. Phân cấp thực hiện.
* Đối với cấp tỉnh: (1) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn về thiết lập, cập nhật, khai thác thông tin theo dõi, giám sát giảm nghèo cho cán bộ quản lý các cấp; in phôi giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp cho các địa phương; (2) Tổ chức theo dõi, giám sát và đánh giá thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các mô hình, dự án, chính sách giảm nghèo và đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; (4) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo của cấp huyện và cấp xã; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý theo dõi hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
* Đối với cấp huyện: (1) Kiểm tra, giám sát, đánh giá các nội dung hoạt động và các chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, kiểm tra, đánh giá các dự án chính sách, mức độ tiếp cận của đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn; (2) Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ cấp xã, thôn, bản và đội ngũ cộng tác viên về quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; (3) Tổng hợp đánh giá, phân tích các nguyên nhân nghèo của hộ nghèo; cập nhật thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý hộ nghèo; tổ chức đánh giá, tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết về công tác giảm nghèo trên địa bàn cấp huyện.
* Đối với cấp xã, phường: (1) Triển khai tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm trên địa bàn; công nhận danh sách hộ nghèo cấp xã; lập sổ bộ theo dõi hộ nghèo tại địa phương; cấp giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện giảm nghèo trên địa bàn cấp xã; (2) Quan tâm đào tạo và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ giảm nghèo do các cấp tổ chức.
9.1.3. Kinh phí thực hiện:
- Nhu cầu về vốn: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 04 năm (giai đoạn 2017-2020) 8.000 triệu đồng.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông về giảm nghèo.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin.
9.2. Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý
- Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.
- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thông qua đó tuyên truyền phổ biến và giải đáp pháp luật miễn phí cho người nghèo.
- Khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo để thường xuyên và kịp thời phổ biến những quy định của pháp luật, chính sách của nhà nước giải đáp, tư vấn về pháp luật cho người nghèo.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ tư pháp cấp xã, tổ hòa giải.
10. Nâng chuẩn nghèo của Tỉnh cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia
Để mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách đảm bảo giảm nghèo bền vững, Tỉnh thực hiện nâng chuẩn nghèo của Tỉnh cao hơn 30% so với chuẩn nghèo Quốc gia quy định từng thời kỳ2. Mức chuẩn nghèo của Tỉnh dự kiến nâng lên bằng mức chuẩn hộ cận nghèo hiện tại của Quốc gia).
* Thời gian thực hiện sau năm 2018.
11. Nhóm giải pháp xã hội hóa công tác giảm nghèo
11.1. Duy trì Chương trình 101 cách thoát nghèo
Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia tài trợ cho Chương trình 101 cách thoát nghèo để trực tiếp giúp các hộ dân được hỗ trợ và thông qua Chương trình để giúp các hộ dân khác tiếp cận nhân rộng vươn lên thoát nghèo bền vững.
11.2. Tiếp tục vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của Tỉnh.
Tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp dân cư, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội hỗ trợ người nghèo. Từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội để trợ giúp có hiệu quả cho người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng xã hội yếu thế.
11.3. “Mỗi xã, phường một sản phẩm”
Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, để tạo việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Tổng nguồn vốn thực hiện các Dự án thuộc chương trình giảm nghèo: 1.400.151 triệu đồng, cụ thể:
- Nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 100.134 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 993.475 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí vận động xã hội hóa và lồng ghép với các Chương trình, dự án có liên quan: 306.542 triệu đồng.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
- Chủ trì tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, triển khai thực những nội dung: (1) rà soát xác định hộ nghèo; (2) xây dựng các tiêu chí (ngoài tiêu chí về thu nhập) để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo; (3) nâng chuẩn nghèo của tỉnh; (4) trợ cấp đối với những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo; (5) hỗ trợ, khuyến khích những hộ mới thoát nghèo; (6) hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; (7) tham mưu, đề xuất phân công các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trợ giúp xã nghèo.
- Chủ trì, phối hợp hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông; đôn đốc kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo tại các sở, ngành, địa phương và rà soát xác định hộ nghèo cuối năm; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc tỉnh các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung chương trình giảm nghèo. Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo và hoạt động truyền thông về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại thành phố Uông Bí, huyện Tiên Yên.
2. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167-Giai đoạn 2 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4220/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và Quyết định số 3431/QĐ-UBND ngày 20/10/2016).
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại huyện Hoành Bồ.
3. Sở Y tế
- Chủ trì đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Đề xuất bổ sung mở rộng đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại từ Quỹ khám chữa bệnh người nghèo.
- Phối hợp đề xuất cơ chế hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại thành phố Hạ Long.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách hỗ trợ trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông là con hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại thị xã Đông Triều.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp tổ chức triển khai hoạt động khuyến nông - lâm - ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề và xây dựng nhân rộng mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Chủ trì hướng dẫn việc tổ chức dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp cho lao động nông thôn (trong đó quan tâm ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nghèo) trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một số mô hình giảm nghèo có hiệu quả để giúp các hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp chỉ đạo hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tỉnh.
-Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất về Sở Lao động Thương binh và Xã hội cơ quan Thường trực chương trình giảm nghèo tỉnh.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại huyện Bình Liêu, huyện Cô Tô.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chương trình.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại huyện Hải Hà.
7. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chương trình.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, sở, ngành phân khai nguồn kinh phí và triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại huyện Vân Đồn.
8. Sở Nội vụ
- Tham mưu đề xuất thực hiện bố trí cán bộ làm các tác giảm nghèo tại cấp xã và cấp huyện cho phù hợp với từng địa bàn, khu vực.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
9. Sở Tư pháp
- Phối hợp lồng ghép các chương trình tổ chức trợ giúp pháp lý cho người dân trong đó quan tâm người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại thị xã Quảng Yên.
10. Ban Xây dựng nông thôn mới
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành (Lao động TB&XH, Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân tộc...) lồng ghép nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
11. Bảo hiểm xã hội Tỉnh
- Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở các xã thuộc vùng khó khăn, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng chính sách xã hội khác (theo quy định của Trung ương và của Tỉnh) đảm bảo đối tượng được thụ hưởng chính sách kịp thời, đầy đủ.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
12. Ban Dân tộc Tỉnh
- Chủ trì tham mưu thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, trực tiếp là nội dung về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho cộng đồng. Tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh theo quy định;
- Chủ trì tham mưu thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/01/2017;
- Chủ trì tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tham mưu, thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc và miền núi, gắn với thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, phối hợp tham mưu, đề xuất các chính sách liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cơ quan Thường trực chương trình giảm nghèo tỉnh.
- Trực tiếp tham gia đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hàng năm tại huyện Ba Chẽ, thành phố Móng Cái.
13. Cục Thống kê
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện rà soát, xác định hộ nghèo hằng năm.
- Phối hợp tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách dự án liên quan đến đối tượng nghèo theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
- Trực tiếp đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và rà soát xác định hộ nghèo hằng năm tại thành phố Cẩm Phả, huyện Đầm Hà.
14. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh
- Chủ trì tham mưu đề xuất cơ chế hỗ trợ cho vay vốn sản xuất kinh doanh đối với những hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Tỉnh.
- Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Quảng Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo.
15. Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Quảng Ninh
Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình, hồ sơ vay vốn theo quy định.
16. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
a) Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các sở, ngành, các địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Tuyên truyền, giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả, các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, các tấm gương tiêu biểu trong công tác giảm nghèo.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện truyền thông về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất;
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin.
b) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp, vận động xã hội hóa đối với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ tiếp tục duy trì Chương trình 101 cách thoát nghèo, để trực tiếp giúp các hộ được hỗ trợ và thông qua Chương trình để giúp các hộ khác tiếp cận nhân rộng vươn lên thoát nghèo bền vững.
17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Chương trình giảm nghèo của tỉnh cụ thể hóa triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về giảm nghèo; tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khuyến khích các địa phương chủ động bố trí, cân đối nguồn ngân sách, vận động xã hội hóa để thực hiện các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, xác định hộ nghèo hằng năm đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, tránh bệnh thành tích; xác định, nắm chắc nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, có hiệu quả; đồng thời cập nhật thông tin hộ nghèo vào phần mềm quản lý, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về hộ nghèo;
- Tổ chức đánh giá, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ.
- Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; duy tu bảo dưỡng, quản lý, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư;
- Đối với các huyện có xây dựng mô hình giảm nghèo phải tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và nhân rộng ra các nhóm hộ nghèo khác trên địa bàn và địa phương khác.
18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan và chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân và các hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện tốt và giám sát việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hội, đoàn thể cơ sở và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giúp các hội viên, đoàn viên thoát nghèo bền vững.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ Chương trình để cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị và triển khai thực hiện.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ hằng năm (trước ngày 31 tháng 12) tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 22/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Điều 4. Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
1 - Quyết định 4220/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015;
- Quyết định số 3431/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dụng của “Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ” ban hành kèm theo Quyết định 4220/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2 Chuẩn nghèo Quốc gia:
a) Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
b) Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.