ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3840/QĐ-UBND |
Cần Thơ, ngày 12 tháng 12 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022 THÀNH PHỐ CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về phân bố dự toán ngân sách năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc giao, cho ý kiến kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 thành phố Cần Thơ các nguồn thuộc ngân sách nhà nước.
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3626/TTr-SKHĐT ngày 10 tháng 12 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cho các Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện (đính kèm Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 03 phụ lục).
Điều 2. Giao Giám đốc sở, các Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố căn cứ Điều 1 của Quyết định này và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương tổ chức triển khai quyết định phân bổ và giao chỉ tiêu kế hoạch cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, các đơn vị, bộ phận trực thuộc về nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trước ngày 31 tháng 12 năm 2021, báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố giám sát, kiểm tra theo quy định; thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch được giao; kịp thời phân tích, đánh giá, báo cáo tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, các Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ -
XÃ HỘI NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2021 của
UBND thành phố)
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2021
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2021
Năm 2021, nền kinh tế trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực, tiếp nối những kết quả quan trọng, ấn tượng và toàn diện đã đạt được năm 2020; tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bùng phát trở lại ở nhiều địa phương với số ca nhiễm lớn và tăng nhanh, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Đối với thành phố, dịch bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 7 và phải thực hiện giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng, thu ngân sách, doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân thành phố.
Với sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thành ủy, HĐND thành phố và sự đồng hành, tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự điều hành quyết liệt của UBND thành phố quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Sau thời gian tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, kinh tế dần phục hồi; UBND thành phố đã triển khai các giải pháp quan trọng[1] nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đây là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
1. Thực hiện nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
Ngay sau khi Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV được ban hành, thành phố phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai ngay việc học tập, quán triệt, nghiên cứu, tổ chức thực hiện; tổ chức Hội nghị trực tuyến trực tiếp tới tận các điểm cầu cấp xã trong toàn thành phố, tổ chức triển khai quán triệt và tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết, thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức, đảm bảo sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố; nâng cao được nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần phấn đấu, thống nhất hành động cho các ngành, các cấp, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố. Đồng thời thành phố chủ động, khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhất là Chương trình, Đề án toàn khóa ngay từ năm đầu của các Nghị quyết.
Quán triệt Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP , 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Thành ủy về nhiệm vụ năm 2021; các Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 tại kỳ họp thứ 19 của HĐND thành phố (khóa IX); UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2768/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2020 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các kế hoạch, chương trình, chỉ đạo triển khai thực hiện cụ thể hóa yêu cầu nhiệm vụ[2], và tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện và chỉ đạo sở, ban, ngành, UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tiềm năng, điều kiện thực tiễn của thành phố, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
2. Kết quả thực hiện 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu
Trong tổng số 17 chỉ tiêu chủ yếu, có 11 chỉ tiêu vượt và đạt chỉ tiêu Nghị quyết (NQ), 06 chỉ tiêu chưa đạt. Cụ thể:
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
(1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Chưa đạt.
Kết quả: GRDP năm 2021 ước giảm 2,79% so năm 2020, cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,12%; công nghiệp - xây dựng giảm 10,70%; khu vực dịch vụ tăng 0,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,16%[3].
(2) GRDP/người: Chưa đạt.
Kết quả thực hiện: 72,30 triệu đồng/người, đạt 69,52% chỉ tiêu NQ, giảm 0,62% so năm 2020[4].
(3) Cơ cấu GRDP: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu đề ra.
Kết quả thực hiện: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,80%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,20%; dịch vụ chiếm 52,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,55% trong cơ cấu GRDP[5].
(4) Tổng vốn đầu tư trên địa bàn: Chưa đạt.
Kết quả đạt[6]: 29.500 tỷ đồng, bằng 48,12% chỉ tiêu NQ, tăng 11,4% so năm 2020[7].
(5) Thu, chi ngân sách nhà nước (Chưa đạt): Tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu được giao thực hiện 10.370,07 tỷ đồng[8], đạt 89,34% dự toán TW giao và đạt 86,90% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 13,14% so năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương 13.311 tỷ đồng, đạt 94,82% dự toán TW giao và đạt 79,05% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 10,94% so năm 2020.
(6) Năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 128,95 triệu đồng, đạt 67,07% chỉ tiêu NQ; tốc độ năng suất lao động theo giá hiện hành giảm 0,94%. Chưa đạt.
(7) Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 13,02%[9]; tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 30,6% tổng giá trị sản phẩm[10]. Cơ bản đạt.
(8) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 71,51%[11]. Đạt.
b) Các chỉ tiêu xã hội:
(9) Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đúng độ tuổi: Đạt.
Ước thực hiện: Mẫu giáo 99,1%; Tiểu học 100%; THCS 95%; THPT phấn đấu ít nhất 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và GDNN[12].
(10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Đạt.
Kết quả thực hiện: 76%[13].
(11) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo: Vượt.
Kết quả thực hiện: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,25%[14].
(12) Số bác sỹ/vạn dân 16,99%[15]. Vượt.
(13) Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, tham gia BHXH: Đạt.
Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 91%[16].
Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 95%; bảo hiểm thất nghiệp đạt 100%; BHXH tự nguyện đạt 3%[17].
(14) Công nhận 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao[18], vượt 03 xã nông thôn mới nâng cao; riêng nội dung công nhận 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu chưa đạt. Cơ bản đạt.
c) Các chỉ tiêu môi trường:
(15) Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch: Đạt.
Kết quả thực hiện: 95,02%[19], trong đó: đô thị 98,5%, nông thôn 87,2%.
(16) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị 98,42%[20].Vượt.
d) Chỉ tiêu quốc phòng, an ninh:
(17) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “an toàn về trật tự” và “3 không: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm” đạt từ 75% trở lên. Đạt.
3. Công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19
a) Công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắcxin cho người dân:
- UBND thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và thành lập các Tổ chuyên trách giúp việc cho UBND thành phố và Ban Chỉ đạo. Duy trì tổ chức họp giao ban trực tuyến hàng ngày với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
- Chủ động kích hoạt hệ thống phản ứng nhanh phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19; xây dựng kịch bản đáp ứng tiếp nhận, điều trị với tình huống dịch COVID-19, thành lập kịp thời các Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn. Thành phố hiện có 13 cơ sở xét nghiệm khẳng định và 39 cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh sàng lọc SARS-CoV-2. Thường xuyên tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các điểm tiêm chủng, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn hướng đến miễn dịch cộng đồng[21].
b) Các hoạt động triển khai Kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế và công tác hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất: Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất[22], hướng mở lại chợ truyền thống đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Kiểm tra hoạt động các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân và thực hiện tốt thông điệp 5K. Giám sát việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân.
c) Hoạt động cung ứng hàng hóa trên địa bàn: Hiện có 9 siêu thị và 145 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động kinh doanh hàng hóa tươi sống, rau củ quả và thực phẩm trên địa bàn[23]; 100% đơn vị cam kết hoạt động an toàn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và tổ chức xét nghiệm định kỳ cho các nhân viên, 99,1% nhân viên tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã được tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 (0,9% còn lại thuộc các trường hợp chống chỉ định hoặc đã khỏi bệnh).
d) Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19: Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch UBND thành phố về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, triển khai nền tảng quét mã QR điểm kiểm dịch. Hiện thành phố với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang triển khai các giải pháp phần mềm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm: phần mềm quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; phần mềm khai báo y tế điện tử; quét mã QR địa điểm ra vào phục vụ truy vết; phần mềm tổng hợp, phân tích báo cáo tình hình dịch COVID-19; phần mềm quản lý thu mẫu xét nghiệm ở cộng đồng; phần mềm quản lý di biến động dân cư.
4. Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19
a) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ: Tính đến ngày 09/12/2021, toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.703 người sử dụng lao động, 499.565 lượt người, kinh phí trên 934 tỷ đồng; Đã chi hỗ trợ cho 3.703 người sử dụng lao động, 430.545 lượt người với tổng kinh phí trên 786 tỷ đồng, đạt 86,18% so với số lượng được duyệt thuộc các nhóm chính sách.
b) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ: tính đến ngày 01 tháng 11 năm 2021 kết quả giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người sử dụng lao động: Đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 3.554 đơn vị, tương ứng 85.592 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng 12 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 là 57,359 tỷ đồng). Hỗ trợ người lao động: Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 69.640 lao động (bằng 85,14% tổng số lao động đã đề nghị hưởng), trong đó đang tham gia BHTN là 63.689 người và đã dừng tham gia BHTN là 5.951 người; Từ chối giải quyết đối với 449 người do không thuộc đối tượng hoặc cần điều chỉnh thông tin (bằng 0,55% số đề nghị hưởng hỗ trợ) và đã chi trả 152,536 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân (khoảng 151,435 tỷ đồng).
c) Kết quả thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19: Tổng số tiền giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 3, đợt 4, đợt 5 là 43.706 triệu đồng với trên 340.000 khách hàng được hỗ trợ.
d) Kết quả triển khai các chính sách lĩnh vực ngân hàng: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi lũy kế với số tiền trên 4.217 tỷ đồng cho 4.340 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; dư nợ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 2.198,6 tỷ đồng cho 3.257 khách hàng; dư nợ thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đạt 650,6 tỷ đồng cho 281 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 9/2021 đạt 70.516 tỷ đồng, dư nợ cho vay mới đạt 20.808,5 tỷ đồng cho 8.257 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến đáp ứng nhu cầu thanh toán, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước với dư nợ cho vay đạt 12.170 tỷ đồng, tăng 46,33% so với cuối năm 2020. Hạn mức cấp tín dụng thu mua, tạm trữ lúa gạo đã phê duyệt năm 2021 là 12.989 tỷ đồng. Riêng dư nợ cho vay thu mua, tạm trữ lúa gạo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/9/2021 là 9.632 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 97,81%, dư nợ trung dài hạn chiếm 2,19%,
Về lãi suất cho vay thu mua lúa gạo, hiện nay các tổ chức tín dụng áp dụng cho các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo với lãi suất ưu tiên dành cho xuất khẩu hoặc lãi suất ưu đãi thấp hơn 3-4%/năm so với lãi suất thông thường, đồng thời từ ngày 15/7/2021 đến nay, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng hỗ trợ giảm thêm lãi suất 0,25-1,0%/năm (hỗ trợ ảnh hưởng COVID-19) cho các khoản vay hiện hữu cũng như khoản vay mới.
đ) Kết quả triển khai các chính sách về thuế:
- Về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất: Đến ngày 31 tháng 7 năm 2021, tổng số người nộp thuế đề nghị gia hạn là 1.476, trong đó: DN là 1.108 DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là: 368 hộ; tổng số tiền thuế đã gia hạn là: 382,5 tỷ đồng, trong đó: thuế giá trị gia tăng là 301,1 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 53,1 tỷ đồng, tiền thuê đất là 24,3 tỷ và thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh là 4 tỷ đồng.
- Về chính sách miễn, giảm thuế, dự kiến số thuế miễn, giảm cho người nộp thuế là: 230 tỷ đồng. Cụ thể: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế năm 2021 đối với doanh nghiệp có “doanh thu kỳ tính thuế năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu kỳ tính thuế năm 2019” là: 56,67 tỷ đồng. Miễn thuế phải nộp quý III, quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh: 121 tỷ đồng. Giảm 30% thuế giá trị gia tăng tháng 11 và 12 năm 2021 đối với một số ngành nghề, lĩnh vực: 15,33 tỷ đồng và giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021: 37 tỷ đồng.
5. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng; cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung, rút ngắn thời gian giải quyết cũng như giảm bớt các thành phần hồ sơ không phù hợp theo quy định; đặc biệt triển khai thực hiện thí điểm phối hợp cải cách thủ tục đăng ký số tài khoản ngân hàng và đăng ký khắc dấu cho doanh nghiệp; dịch vụ công đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử với mô hình dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tổ chức triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, công nghệ 4.0 trong các hàng hóa sản phẩm chủ lực của thành phố. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo[24], đã hỗ trợ hơn 100 dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của thành phố và tỉnh, thành cả nước; tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
- Các khu chế xuất và công nghiệp thu hút 03 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,36 triệu USD, điều chỉnh 06 dự án tăng vốn đầu tư 09 triệu USD, thu hồi 02 dự án vốn giảm 7,504 triệu USD. Đến cuối năm, ước có 252 dự án còn hiệu lực[25], thuê 352,39 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.774 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 1.162 triệu USD, chiếm 65,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Doanh thu của các doanh nghiệp 1.887,76 triệu USD, vượt 0,44% KH.
- Thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp): Có 03 dự án mới, vốn đầu tư 1.622 tỷ đồng; đến cuối năm, có 104 dự án đang thực hiện, tổng diện tích khoảng 3.323 ha, tổng vốn đầu tư theo chủ trương 135.615 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Ước cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.318 triệu USD; chấm dứt 03 dự án vốn đăng ký khoảng 11,7 triệu USD. Đến cuối năm, có 86 dự án vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký khoảng 2.051 triệu USD.
- Cấp mới 1.250 lượt hồ sơ đăng ký mới doanh nghiệp với tổng vốn 16.000 tỷ đồng, đạt 78,12% KH về số lượng doanh nghiệp và vượt 23,07% KH về vốn, giảm 16,56% về số lượng doanh nghiệp và tăng 30% về vốn so năm 2020.
- Doanh nghiệp nhà nước: Thành phố đang quản lý: 03 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gồm: Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên xổ số kiến thiết Cần Thơ, Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu; 03 doanh nghiệp có vốn nhà nước: Công ty Cổ phần cấp Thoát nước Cần Thơ (51% vốn nhà nước), Công ty Cổ phần Đô Thị Cần Thơ (51% vốn nhà nước) và Công ty cổ phần cấp nước Cần Thơ 2 (49% vốn nhà nước). Công tác sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước:
+ Đối với các doanh nghiệp nhà nước: Điều chỉnh thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu Công ty TNHH NN MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ đến hết năm 2022; Công ty TNHH NN MTV xổ số kiến thiết Cần Thơ đang tiến hành triển khai thực hiện đề án. Hoàn chỉnh phương án chuyển đổi Nông trường sông Hậu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tìm kiếm đối tác mời gọi hợp tác thành lập Công ty TNHH hai thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ.
+ Triển khai thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định. Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục duy trì 01 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty TNHH NN MTV xổ số kiến thiết Cần Thơ; đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 giữ tỷ lệ vốn nhà nước như hiện nay: Công ty CP Cấp Thoát nước Cần Thơ (51% vốn nhà nước), Công ty CP Đô Thị Cần Thơ (51% vốn nhà nước) và Công ty CP Cấp nước Cần Thơ 2 (49% vốn nhà nước).
- Khu vực kinh tế tập thể tương đối ổn định, không có nhiều biến động về số lượng, tính hợp tác tương trợ được phát huy; khẳng định rõ hơn vai trò hỗ trợ kinh tế của thành viên. Tình hình hoạt động của các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp vẫn duy trì đầu ra cho thành viên theo hợp đồng đã ký kết; riêng lĩnh vực HTX phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn dịch bệnh kéo dài.
Trong năm, thành lập mới 15 HTX, đạt 75% KH; lũy kế đến nay toàn thành phố có 293 HTX hoạt động trong các lĩnh vực[26] và 1.400 THT; trong đó có 140 HTX và trên 50% THT hoạt động có hiệu quả, 05 THT phát triển thành HTX. Doanh thu bình quân ước đạt 3,7 tỷ đồng/HTX; 1,2 tỷ đồng/THT (do ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh thu không tăng so với năm 2020).
6. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
a) Thu chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu giao thực hiện 10.370,07 tỷ đồng, đạt 89,34% dự toán Trung ương giao và đạt 86,90% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 13,14% so năm 2020 (bao gồm: Thu nội địa 9.650 tỷ đồng, đạt 89,71% dự toán Trung ương giao và đạt 87,07% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 14,59%; thu từ thuế hải quan 720,07 tỷ đồng, đạt 84,71% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND thành phố giao, tăng 12,28%). Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 13.311 tỷ đồng, đạt 94,82% dự toán Trung ương giao và đạt 79,05% dự toán HĐND thành phố giao, giảm 10,94% so năm 2020.
b) Hoạt động ngân hàng:
- Hệ thống ngân hàng thành phố hiện có 47 chi nhánh tổ chức và 07 Quỹ tín dụng. Các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, dư nợ cho vay ước thực hiện tăng 12,76%, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
- Tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn ước đến cuối tháng 12 đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so đầu năm, đáp ứng 76,92% tổng dư nợ cho vay. Tổng dư nợ cho vay đạt 117.000 tỷ đồng, tăng 12,76% so với đầu năm[27]. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đã giúp giải quyết khá tốt vấn đề nợ xấu từ nhiều năm trước; nợ xấu 1.697 tỷ đồng, chiếm 1,45% tổng dư nợ cho vay, tăng so với đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
c) Huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển:
- Tập trung huy động các nguồn lực, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ước năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 29.500 tỷ đồng, đạt 48,12% KH, tăng 11,4% so năm 2020.
- Ước tổng số kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện năm 2021 được bố trí hết năm 2021 là 5.557,324 tỷ đồng, ước giải ngân đến 31 tháng 01 năm 2022 là 4.471,702 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,47%.
d) Hoạt động xuất nhập khẩu:
- Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tiếp tục được quan tâm triển khai, tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài nên các hoạt động xúc tiến chuyển sang hình thức trực tuyến với các đối tác Nhận Bản, Hàn Quốc. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với các Chương trình kết nối trực tuyến, mời gọi doanh nghiệp tham gia các hội thảo, hội nghị giao thương trực tuyến giữa Việt Nam với một số quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore,... giúp doanh nghiệp duy trì, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện đạt 1.806,9 triệu USD, đạt 92,19% KH, giảm 6,6% so với năm 2020; trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.406 triệu USD, đạt 93,73% KH, giảm 6,3%; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 400,9 triệu USD, đạt 87,15% KH, giảm 7,61% so với năm 2020. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 485 triệu USD, đạt 98,98% KH, tăng 4,82% so với năm trước.
7. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế
a) Tăng trưởng kinh tế:
- Do ảnh hưởng dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 7 cho đến nay, đặc biệt trong quý III/2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp so năm trước và so chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phát triển kinh tế của cả nước nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng; tốc độ tăng tổng sản phẩm ước đạt 97,21%, giảm 2,79% so năm 2020.
- Quy mô nền kinh tế ước năm 2021 thực hiện 90.194 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 72,30 triệu đồng, giảm 0,62% so năm 2020. Tình hình dịch bệnh đã tác động xấu đến sản xuất kinh doanh, việc thực hiện cơ cấu lại ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, cơ cấu kinh tế của thành phố trong năm 2021 thay đổi đáng kể, làm giảm tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; ước đến cuối năm 2021, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,80%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,20%, dịch vụ chiếm 52,45%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,55% GRDP.
b) Lĩnh vực công nghiệp: Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, thực hiện tạm giãn ca, giảm ca, giảm tiến độ sản xuất để phòng chống dịch bệnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới; từ tháng 10 đến nay, sản xuất công nghiệp đang dần khôi phục lại hoạt động, tuy nhiên một số sản phẩm chủ lực vẫn giảm do chưa khôi phục lại thị trường, ảnh hưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 8,38% so năm 2020[28].
c) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ:
Trước khi dịch bùng phát trở lại đầu tháng 5, tình hình kinh doanh các ngành dịch vụ có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực; đặc biệt vào dịp lễ, các chương trình kích cầu du lịch, tiêu dùng được triển khai nhằm phục hồi lại ngành du lịch, thương mại sau nhiều tháng gián đoạn. Tuy nhiên, trong quý III, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, khu vực dịch vụ tiếp tục chịu tác động mạnh và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, vận tải phát sinh nhiều khó khăn.
- Lượng cung - cầu các hàng hóa thiết yếu được đảm bảo; đồng thời đẩy mạnh các kênh bán hàng Online thay thế việc mua sắm trực tiếp, giúp người dân có thêm lựa chọn an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Do ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu các ngành kinh doanh đều giảm mạnh ở các nhóm sản phẩm không thiết yếu; tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước thực hiện 139.279 tỷ đồng, đạt 86,4% KH, tăng 0,1% so năm 2020.
- Hoạt động du lịch bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, ước năm 2021, tổng số khách đến thành phố 2.118,2 ngàn lượt, đạt 34,2% KH, giảm 62,2% so năm 2020; các doanh nghiệp lưu trú phục vụ 898,2 ngàn lượt khách[29], đạt 34% KH, giảm 55,5%; doanh thu 1.375 tỷ đồng, đạt 33,5% KH, giảm 56,6% so năm 2020. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức đón và đưa khách đi quốc tế[30]. Triển khai kế hoạch phục hồi, kích cầu du lịch thành phố Cần Thơ, Kế hoạch tổ chức thí điểm chương trình tham quan “Trải nghiệm du lịch Cần Thơ”. Xây dựng 02 tuyến du lịch mới đưa vào khai thác trên địa bàn: Tuyến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - Vườn trái cây Bà Hiệp; Tuyến Ninh Kiều - Thốt Nốt.
- Hoạt động vận tải trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề, phải tạm dừng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; một số doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, ảnh hưởng vận tải hàng hóa, hành khách sụt giảm... Ước năm 2021, vận chuyển hàng hóa 7,2 triệu tấn, giảm 29,95%; luân chuyển 1.153,6 triệu T.km, giảm 28,25%. Vận chuyển hành khách thực hiện 49,6 triệu lượt hành khách, giảm 30,07%; luân chuyển hành khách 702,7 triệu lượt HK.Km, giảm 29,19%. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 2.667,8 tỷ đồng, giảm 29,23% so năm 2020. Tăng cường hoạt động kiểm tra, nhắc nhở các bến xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, bến tàu, bến khách ngang sông trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
d) Sản xuất nông nghiệp:
- Diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng, chăn nuôi, thủy sản đạt khá và chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực[31]; sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống thơm đặc sản từ 90% trở lên trên mỗi vụ, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên chiếm hơn 80%, duy trì diện tích cánh đồng lớn hàng vụ trên 32.000 ha[32].
- Tổng diện tích lúa gieo trồng 222.376 ha, vượt 7,47% KH; sản lượng thu hoạch khoảng 1,4 triệu tấn, vượt 12% KH, tăng 1% so năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 17.320 ha, vượt 17% KH, giảm 4%; sản lượng 204.885 tấn, vượt 30% KH, tăng 4% so năm trước. Tổng diện tích cây ăn trái 23.639 ha, vượt 3% KH, tăng 9%; sản lượng 171.464 tấn, vượt 13% KH, tăng 20%.
- Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, theo quy trình VietGAHP[33]; quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ước tổng đàn gia súc gia cầm: Đàn bò 4.556 con, đạt 95% KH, tăng 11%; đàn heo 139.878 con, vượt 8% KH, tăng 16%; đàn gia cầm 2,174 triệu con, vượt 11 % KH, tăng 2%. Tổng sản lượng gia súc, gia cầm 41.800 tấn, vượt 7,2% KH, tăng 5,7% so năm 2020[34]. Diện tích nuôi thủy sản 8.803 ha, vượt 7% KH; sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 217.488 tấn, vượt 9% KH, tăng 1,28%; sản lượng khai thác 6.626 tấn, vượt 176% KH, tăng 4,33%.
Trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm và thủy sản. Từ ngày 24/9/2021 - 28/11/2021, bệnh Viêm da nổi cục ở bò đã xảy ra tại 02 hộ chăn nuôi với tổng đàn bò trong 0 dịch: 26 con, ngành Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy bò mắc bệnh. Từ ngày 6/10/2021 - 28/11/2021, dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 29 hộ chăn nuôi, tổng đàn heo trong ổ dịch 1.756 con; ngành Thú y phối hợp với chính quyền tiến hành chôn hủy số heo mắc bệnh và chết theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong điều kiện nuôi tái đàn, tăng đàn ngày càng tăng để cung cấp thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
8. Công tác quy hoạch; phát triển đô thị, đất đai; liên kết phát triển kinh tế vùng; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
a) Công tác Quy hoạch: Tập trung thực hiện Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi, đang triển khai nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch. Đã hoàn thành Báo cáo đầu kỳ thực hiện quy hoạch, lấy ý kiến đóng góp các thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện quy hoạch. Chủ động rà soát các quy hoạch có liên quan để tích hợp vào nội dung quy hoạch thành phố, đảm bảo đồng bộ, khả thi và toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển chung của thành phố.
b) Phát triển đô thị, xây dựng:
- Đã tổ chức rà soát quy hoạch chung thành phố trình Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung thành phố tại Công văn số 1713/TTg-CN ngày 07 tháng 12 năm 2020. Đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2021 triển khai tổ chức lập điều chỉnh tổng thể Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; đang khẩn trương thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch theo quy định, dự kiến hoàn thành trình nhiệm vụ phê duyệt trong quý I năm 2022.
- Đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn: Đã gửi lấy ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định hồ sơ đồ án và Bộ Xây dựng góp ý theo quy định, dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2021. Công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn (Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Thạnh An) UBND huyện (chủ đầu tư) đang triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu lập đồ án quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ đồ án trình phê duyệt theo quy định. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Hành chính - Văn hóa thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch và kế hoạch lựa chọn nhà thầu; sau khi phê duyệt sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu và tổ chức lập đồ án quy hoạch theo quy định.
- Rà soát các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, qua đó bãi bỏ 10 đồ án quy hoạch không còn phù hợp; tiếp tục rà soát các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và các quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận Cái Răng, Thốt Nốt và các huyện, nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch.
- Kết quả phát triển nhà ở trong năm 2021: Thành phố có 02 dự án nhà ở thương mại được công nhận đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai[35]. Kết quả phát triển nhà ở xã hội: Thành phố có 01 chung cư nhà ở xã hội thuộc dự án chỉnh trang và phát triển đô thị An Phú Cần Thơ đã được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm 100 căn hộ chung cư và 15 căn nhà ở thấp tầng tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, tổng diện tích sàn 8.347,24 m2. Đối với các dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại không có phát sinh dự án được thực hiện.
- Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn: Thành phố có 10 khu tái định cư (TĐC), sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó: 09 khu TĐC đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư 1.534,73 tỷ đồng, với số nền dự kiến 3.050 nền, gồm: TĐC Ninh Kiều, TĐC Bình Thủy (khu 1), TĐC Cái Răng, TĐC Ô Môn (khu 1), TĐC Thốt Nốt (khu 1), TĐC Phong Điền, Khu TĐC Long Hòa (khu 2), TĐC Thường Thạnh - Cái Răng, TĐC thuộc khu đô thị Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cái Sơn - Hàng Bàng đến ĐT 923). Năm 2021, tổng số vốn bố trí cho 09 khu tái định cư là 373,868 tỷ đồng, đã giải ngân 138,22 tỷ đồng, đạt 36,97%; có 02/09 khu (TĐC Ô Môn, TĐC Thốt Nốt) đã cơ bản hoàn thành, đang chờ nghiệm thu, 07/09 khu đang triển khai thực hiện.
- Tập trung huy động các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (thoát nước, xử lý chất thải rắn, cơ sở hỏa táng, hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung...) theo đồ án quy hoạch đã được duyệt. Xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025; phương án giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực dịch vụ công ích đô thị.
- Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và chất lượng công trình, đã thực hiện thẩm định thiết kế và dự toán 178 công trình với tổng giá trị dự toán sau thẩm định 2.937,8 tỷ đồng, qua thẩm định đã cắt giảm dự toán hơn 38 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 2%); thẩm định thiết kế cơ sở 17 dự án với tổng mức đầu tư 5.107,9 tỷ đồng; thẩm định dự án đầu tư xây dựng 48 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 1.359,3 tỷ đồng; cấp 1.091 giấy phép xây dựng. Không xảy ra sự cố công trình xây dựng do rủi ro về chất lượng không đảm bảo và không có tai nạn lao động nghiêm trọng trong thi công xây dựng công trình.
- Tích cực triển khai việc đấu nối, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, ước năm 2021, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 95,02%.
c) Quản lý đất đai: Công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Hoàn thành thẩm định và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 09/09 quận, huyện; tổ chức họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 4/4 huyện. Công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất quan tâm thực hiện[36]. Tập trung triển khai Đề án khai thác quỹ đất giai đoạn 2017 - 2021 Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1, diện tích 35ha); tiếp tục tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án[37]. Thường xuyên kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công trình xây dựng nhà ở của các chủ đầu tư dự án trên địa bàn thành phố. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ Đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng số 77.007 hồ sơ, tương ứng 92.790 giấy chứng nhận.
d) Liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng: Thành phố đã rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác của thành phố Cần Thơ với các tỉnh, thành phố và các viện, trường giai đoạn 2020 - 2025; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; triển khai thực hiện công tác sơ kết, ký kết Chương trình liên kết hợp tác giữa thành phố Cần Thơ với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, thành phố luôn phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, tạo sự gắn kết giữa các địa phương, phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng, quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng Kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, xác định danh mục dự án trọng điểm của vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông và thủy lợi liên Vùng, xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, trong đó có thành phố Cần Thơ.
đ) Xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; ước năm 2021, công nhận 07 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 03 xã so chỉ tiêu NQ; nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 17/36 xã. Kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” dự kiến cả năm công nhận 22 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, vượt 10% KH; nâng tổng số có 41 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.
9. Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
a) Thành phố ban hành Kế hoạch số 168, 169/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2021, Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2021 về bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thẩm định 53 trường hợp đào tạo sau đại học; triển khai kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng.
b) Trước ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành giáo dục đã chủ động tổ chức cho học sinh ôn tập, học tập tại nhà trong thời gian thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức qua internet, qua truyền hình... triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tăng cường vệ sinh trường, lớp đảm bảo an toàn cho học sinh; tinh giản nội dung dạy học cấp tiểu học, trung học theo Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022; tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, đúng quy định. Trong năm, ước công nhận 09 trường đạt chuẩn quốc gia; nâng tổng số có 330/444 trường đạt chuẩn quốc gia[38], đạt tỷ lệ 74,32%. Tăng cường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
c) Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ được đẩy mạnh[39], tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp thiết phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ mới giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chủ lực của thành phố, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước. Hướng dẫn thực hiện thủ tục liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho 114 trường hợp; có 218 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp mới, vượt 21% kế hoạch. Năng lực kỹ thuật về kiểm định đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đo lường pháp quyền, phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL[40].
10. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
a) Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu[41]... chỉ đạo kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát. Công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được triển khai phù hợp tình hình dịch COVID-19[42]. Duy trì thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tiếp tục triển khai áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh, hiện nay 100% xã phường thị trấn có cán bộ y học cổ truyền; 100% các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo xử lý chất thải y tế theo quy định. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; tỷ lệ dân số tham gia BHYT ước đạt 91%, đạt 100% kế hoạch.
b) Tuyên truyền, cổ động trực quan và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị; các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước[43] đảm bảo về hình thức và nội dung. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; công tác gia đình và xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố được triển khai có hiệu quả; việc xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, lịch sử văn hóa được quan tâm.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được chú trọng. Tổ chức phục vụ 108.520 lượt khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Cần Thơ và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Thực hiện hồ sơ khoa học của 346 hiện vật, vượt 73% KH. Hệ thống thư viện công cộng toàn thành phố bổ sung 34.253 bản sách, vượt 18,1% KH; phục vụ 3,091 triệu lượt bạn đọc, vượt 3,9% KH.
Phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao được tập trung phát triển, ước năm 2021, số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên 422.773 người, đạt 99,2% KH, số gia đình thể thao: 92.153 hộ, đạt 98,5% KH; số câu lạc bộ TDTT: 1.274 CLB, đạt 98% KH. Tổ chức thành công Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2025 kết hợp Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội TDTT thành phố Cần Thơ lần thứ IX năm 2022[44]. Cử 52 lượt huấn luyện viên, 255 lượt vận động viên tham dự 19 giải[45], đạt 89 huy chương các loại, đạt 22,19% KH. Xây dựng Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp đến năm 2035”.
c) Duy trì công tác tư vấn việc làm gắn kết với kết nối việc làm, ước giải quyết việc làm cho làm cho 43.498 người, đạt 86,48% KH. Hiện có 77 cơ sở giáo dục nghề nghiệp[46], đã tuyển mới và đào tạo nghề 40.118 người, đạt 80,24% KH; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%. Tăng cường tuyên truyền và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, bảo vệ quyền lợi người lao động theo quy định pháp luật BHXH; tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc đạt 95%; BHTN đạt 100%; BHXH tự nguyện đạt 3%.
Thực hiện tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, chú trọng công tác xã hội, người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới và thanh niên[47]. Các chính sách, dự án giảm nghèo tích cực triển khai, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo đạt 100% đối tượng; chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm còn 913 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,25% tổng số hộ (NQ còn 0,3% - theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020).
d) Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính, chuyển phát; tổng số điểm phục vụ bưu chính hiện nay 215 điểm, bán kính phục vụ 1,44 km. Xây dựng kế hoạch phát triển viễn thông thụ động trong năm 2021; kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông tại các khu dân cư; thống nhất tọa độ trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, phát triển mới 85 trạm, yêu cầu dùng chung 65 trạm.
Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số[48]. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Cổng Dịch vụ công thành phố đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đã thực hiện các chức năng như đăng nhập một lần. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đủ điều kiện. Hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc đến 100% các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã. Hệ thống đã được triển khai kết nối, liên thông Trục liên thông văn bản của thành phố với Trục liên thông văn bản Quốc gia bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông bốn cấp (từ Trung ương đến cấp xã). Hệ thống Hội nghị truyền hình được triển khai cho các UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn, đặc biệt là phục vụ các cuộc họp trực tuyến trong tình hình dịch COVID-19. Hệ thống Hội nghị truyền hình thành phố khai thác ổn định, hiệu quả với 130 điểm.
đ) Công tác dân tộc luôn được chú trọng, thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Xây dựng mới, sửa chữa 04 căn nhà với tổng số tiền 185 triệu đồng; xét và hỗ trợ vay vốn cho 62 hộ dân tộc thiểu số với tổng số tiền 1,938 tỷ đồng; tổ chức họp mặt, tổ chức đoàn đến thăm, chúc tết, tặng trên 400 phần quà với tổng kinh phí trên 210 triệu đồng cho hộ gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức,hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thành công các hoạt động Tết quân dân mừng Chôl Chnăm Thmây cùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn từ nguồn vận động xã hội hóa trên 2 tỷ đồng..góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số duy trì ở mức dưới 1%.
Triển khai, quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật; kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của các tôn giáo. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, đã kiểm tra, vận động hơn 200 cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng hưởng ứng và chấp hành việc tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND thành phố. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo với tổng số tiền 67,533 tỷ đồng; có 15 bếp ăn từ thiện của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hoạt động và các Hội quán Tịnh độ Cư sỹ vẫn duy trì thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; ủng hộ nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị tại các chốt kiểm soát dịch phòng, chống COVID-19 góp phần trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.
11. Quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường
Công tác cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện đúng quy định của pháp luật[49]. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ; các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái Đất, Ngày Nước thế giới năm 2021, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2021 với chủ đề “phục hồi hệ sinh thái”. Thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 98,42%. Phối hợp với Tổ chức JICA triển khai dự án Thí điểm mô hình phân loại rác quy mô nhỏ tại thành phố. Phối hợp Tổ chức Làm sạch biển triển khai vận hành thử nghiệm phi dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại thành phố Cần Thơ”. Tăng cường hợp tác các tổ chức quốc tế về quản lý chất lượng không khí, kiểm kê khí thải, ứng dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường[50]. Đặc biệt, thành phố Cần Thơ được vinh dự nhận Giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường năm 2021.
12. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
a) Công tác CCHC luôn được chú trọng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); thông qua phương án đơn giản hóa 38 thủ tục thuộc các lĩnh vực[51] (trong đó 31 TTHC đề xuất giảm thời gian giải quyết TTHC, 07 TTHC đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ); hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố 1.916 thủ tục, toàn bộ TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết tại các cơ quan tiếp nhận và giải quyết TTHC. Hồ sơ giải quyết TTHC luôn được đồng bộ, kịp thời từ Cổng Dịch vụ công thành phố và Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tổng số TTHC cung cấp mức độ 3, 4 đang cung cấp là 1.432 TTHC[52], trong đó đã tích hợp 793 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ban hành danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử với 297 thủ tục. Cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp; thực hiện đạt và vượt lộ trình tinh giản và cắt giảm biên chế của giai đoạn 2015 - 2021, kết quả như sau:
- Thành phố thực hiện tốt công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, qua đó đã sắp xếp giảm 43 tổ chức bên trong tại các cơ quan hành chính, 05 phòng thuộc Chi cục[53], giảm 01 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện do thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tại huyện Cờ Đỏ, 87 đơn vị sự nghiệp công lập, 09 Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện và 41 điểm trường tiểu học và mầm non. Thực hiện chuyển 21 đơn vị sự nghiệp[54] từ loại hình tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên sang loại hình tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, qua đó cắt giảm 3.269 số lượng người làm việc và 64 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thành phố[55], sẽ thực hiện sắp xếp giảm 08 phòng chuyên môn thuộc Sở, 04 cơ quan, đơn vị[56], 31 phòng chuyên môn thuộc Chi cục và tương đương, tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn, có hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Công tác biên chế: Việc giao, quản lý và sử dụng biên chế được thực hiện theo đúng chủ trương, quy định. Đặc biệt, thực hiện rất hiệu quả việc cân đối, điều chỉnh số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo (kết hợp việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu số lượng giáo viên theo định mức nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ về giáo viên), sự nghiệp y tế khi thành lập mới, tăng số học sinh, lớp học, tăng quy mô giường bệnh nhằm đảm bảo cơ bản định mức biên chế được quy định.
- Tinh giản biên chế: Phê duyệt danh sách tinh giản biên chế năm 2021 đối với 84 cán bộ, công chức, viên chức; thành phố đã đạt và vượt lộ trình tinh giản và cắt giảm biên chế của giai đoạn 2015 - 2021, cụ thể: Về biên chế công chức trong cơ quan hành chính đã tinh giản và cắt giảm 243/213 biên chế, vượt 14,08% KH của giai đoạn 2015 - 2021 (giảm 11,41% so với biên chế giao năm 2015); số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đã tinh giản và cắt giảm 3.455/2.313 người, vượt 49,37% KH của giai đoạn 2015 - 2021 (giảm 14,93% so với biên chế giao năm 2015); hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: Đã cắt giảm 483 chỉ tiêu, thực hiện tinh giản biên chế đối với 11 hợp đồng.
b) Công tác tư pháp: Công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách của thành phố đảm bảo hợp Hiến, hợp pháp và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố[57]. Củng cố, kiện toàn và hoạt động theo Quy chế của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật 09 quận, huyện và 83 xã, phường, thị trấn. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời phổ biến các quy định pháp luật đến cán bộ, công chức và Nhân dân. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quan tâm sâu sát[58].
c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm:
- Triển khai thực hiện 169 cuộc thanh tra, kiểm tra, vượt 10% KH; qua thanh tra, kiểm tra, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định, cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm 13 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 6,87 tỷ đồng (đã thu hồi 5,13 tỷ đồng); kiến nghị xử lý khác 6,13 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 16 tập thể, 70 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 02 vụ[59]; ban hành 852 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,4 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách Nhà nước 3,3 tỷ đồng.
- Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tiếp 2.403 lượt với 2.483 người, giảm 772 lượt so năm 2020; tiếp 03 đoàn đông người, giảm 03 đoàn so năm 2020. Tiếp nhận 2.636 đơn, giảm 499 đơn; qua xử lý có 913 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại 146 đơn; tố cáo 13 đơn; phản ánh, kiến nghị 754 đơn); đã giải quyết đơn khiếu nại đạt tỷ lệ 92,40%, đơn tố cáo đạt 100%, đơn phản ánh, kiến nghị đạt tỷ lệ 81,69%.
- Chủ động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm có hiệu quả; kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm theo chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều nhiều hình thức phong phú[60]. Các cấp, các ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo quy định[61]. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan báo chí đã phối hợp thực hiện tốt trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phê phán các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, góp phần vào việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ở địa phương.
13. Quốc phòng - an ninh; công tác đối ngoại
a) Quốc phòng, an ninh:
- Lực lượng quân sự phối hợp tốt với lực lượng công an, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị quan trọng, trọng tâm là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; chỉ đạo tăng cường cán bộ, chiến sỹ thường trực và dân quân tự vệ hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch COVID- 19. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ quận Ô Môn và huyện Thới Lai, diễn tập chiến đấu phòng thủ đối với 23 xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ và Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Công tác xây dựng lực lượng, tập huấn, huấn luyện và triển khai kế hoạch giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch. Chỉ đạo các địa phương tổ chức Lễ giao nhận quân chặt chẽ, an toàn, đúng kế hoạch.
- Bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự tại khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị COVID-19. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 07 cao điểm đấu tranh, tấn công trấn áp các loại tội phạm, đã từng bước đẩy lùi, làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật[62]. Tập trung thực hiện 02 Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chip điện tử; đã thu nhận hồ sơ cấp 885.467 căn cước công dân gắn chíp điện tử, đạt tỷ lệ 99,8%; tỷ lệ làm sạch dữ liệu thông tin về dân cư đạt 99,9%, hoàn thành đúng tiến độ.
- Tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm đáng kể cả 03 tiêu chí so cùng kỳ, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông (giảm 37 vụ), làm chết 39 người (giảm 19 người), bị thương 30 người (giảm 17 người). Xảy ra 15 vụ cháy (giảm 13 vụ), thiệt hại tài sản khoảng 1,1 tỷ đồng. Tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ 19 vụ.
b) Hoạt động đối ngoại:
- Thành phố đón tiếp 32 đoàn với 90 lượt khách nước ngoài đến thăm, làm việc và khảo sát thực tế tại địa phương; do ảnh hưởng dịch bệnh không tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài. Diễn ra 05 cuộc hội thảo quốc tế với nội dung chủ yếu là giới thiệu và tư vấn, tuyển dụng lao động, giới thiệu sản phẩm, biến đổi khí hậu và tập huấn chuyên ngành điều dưỡng. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, văn hóa đối ngoại và thông tin đối ngoại bằng nhiều hình thức[63], duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước.
- Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố tranh thủ từ tỉnh/thành phố nước ngoài có ký kết hợp tác hoặc có mối quan hệ hợp tác mật thiết với thành phố, đề nghị hỗ trợ trang thiết bị và phương tiện cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; đến nay, thành phố tiếp nhận hỗ trợ vật tư y tế từ thành phố Riverside, Hoa Kỳ[64]; thành phố Kaposvar, Hungary[65]; thành phố Okayama, Nhật Bản[66] và tỉnh Jeollanam-do, Hàn Quốc[67].
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Mặt đạt được
Trong năm 2021, UBND thành phố tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Thành ủy, HĐND thành phố giao. Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ bỏ phiếu rất cao, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, triển khai kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo sự ủng hộ, đồng hành từ Nhân dân và sự nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần cùng chính quyền thành phố thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội” và ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố”; đạt được một số kết quả quan trọng:
a) Sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi về thời tiết, điều kiện sản xuất; sản lượng lúa thu hoạch vượt KH. Các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp tạo được hiệu ứng lan tỏa. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 0,79% là điểm sáng trong việc tổ chức kinh doanh của hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị và tiểu thương đã dần thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”. Chi ngân sách kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên, chi phòng, chống dịch.
b) Công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tiếp tục được đẩy mạnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ giải quyết khó khăn còn tồn tại đó là điểm nghẽn mà thành phố và cả vùng ĐBSCL đang cần tháo gỡ. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thành phố tiếp đón nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư tại thành phố. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc, 06 dự án mới với vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đô thị, tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được tăng cường.
c) Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm; giáo dục và đào tạo chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt yêu cầu, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; y tế cơ sở từng bước được nâng cao, tinh thần phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; các chính sách an sinh xã hội được sự quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; hoạt động khoa học - công nghệ, thông tin và truyền thông tiếp tục được tăng cường. Hoạt động văn hóa được người dân đồng tình hưởng ứng, trên tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, an toàn.
d) Quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, gắn kết chặt chẽ với công tác CCHC. Việc triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Cần Thơ đánh dấu việc đặt nền móng cho việc xây dựng thành phố phát triển thành đô thị thông minh, là trung tâm đầu mối tổng hợp các nguồn thông tin của thành phố trên các lĩnh vực, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành các hoạt động của thành phố.
đ) Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo; công tác phòng, chống các loại tội phạm thực hiện có hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm được chú trọng, thực hiện thường xuyên, đạt kết quả tốt. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tai nạn giao thông giảm nhiều trên tất cả các tiêu chí; hoạt động ngoại giao được duy trì thông qua hình thức trực tuyến.
2. Tồn tại, hạn chế
a) Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là trong quý III khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, kinh tế thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề ở tất cả các khu vực kinh tế; quý IV năm 2021, thành phố dần mở cửa trở lại theo lộ trình, vừa khởi động lại sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch, các chỉ số kinh tế đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên chưa thể đột biến, tăng tốc để có thể bù đắp sự giảm sút của quý III năm 2021, nên có 06/17 chỉ tiêu chưa đạt chỉ tiêu NQ đề ra.
b) Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước giảm 2,79%. Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ mang tính động lực chậm phát triển; nông nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tiềm lực các thành phần kinh tế chưa được phát huy tốt, các doanh nghiệp trên địa bàn còn ở quy mô nhỏ, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, quản lý chưa nhiều. Các Chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động kết nối giao thương chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến nên khả năng kết nối gặp nhiều hạn chế; việc giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả không cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa thực hiện triệt để trong công tác thu hồi nợ thuế, số nợ các năm về trước chuyển sang chưa xử lý dứt điểm, còn kéo dài.
c) Công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, chưa thu hút được nhiều dự án và nhà đầu tư cũng chưa quyết định mở rộng quy mô dự án. Công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung thị trấn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
d) Đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là lao động tự do, công nhân và nông dân; thiên tai, giông lốc, sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống, nhu cầu đi lại của Nhân dân; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
I. BỐI CẢNH THỰC HIỆN
Năm 2022, là năm có ý nghĩa ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, dự báo:
Trên thế giới, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi; chương trình tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng không đồng đều, tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức.
Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên; nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Thành phố Cần Thơ, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp kéo dài; giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trang thiết bị y tế còn hạn chế; một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ mang tính động lực chậm phát triển; tiềm lực các thành phần kinh tế chưa được phát huy tốt... Tuy nhiên với những nỗ lực trong thời gian qua, đồng thời với việc triển khai đồng loạt các kế hoạch/Chương trình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng mục tiêu phát triển trong năm 2022; việc thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn được chú trọng; bên cạnh đó, việc ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1) và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (sau khi được Quốc hội thông qua)..., sẽ mở ra những thuận lợi, cơ hội, nhằm tạo đột phá trong huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh vừa nêu trên, đòi hỏi chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực đổi mới, hành động hiệu quả hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phát triển thành phố nhanh và bền vững hơn, từng bước vươn lên xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
II. MỤC TIÊU, CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
Năm 2022, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời triển khai thực hiện Chủ đề năm “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố” với mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Mục tiêu
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả hơn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển thành phố, đặc biệt là tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng, dịch vụ logistics. Quan tâm phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Các chỉ tiêu kinh tế:
(1) Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,5%/năm; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,1%; dịch vụ tăng 8,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,0%.
(2) Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - giá hiện hành) bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 77,5 triệu đồng.
(3) Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,07%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30,10%, dịch vụ chiếm 52,60% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,23% trong cơ cấu GRDP.
(4) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến tăng 10,17% so ước thực hiện năm 2021, đạt 32.500 tỷ đồng.
(5) Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao. Dự kiến thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao 11.117 tỷ đồng, trong đó: Thu nội địa 10.617 tỷ đồng, thu thuế hải quan 500 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 15.328,91 tỷ đồng.
(6) Năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 141,5 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành 9,7%.
(7) Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 12-13%; tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 31-32% tổng giá trị sản phẩm.
(8) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 73%.
b) Các chỉ tiêu xã hội:
(9) Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ vào học mẫu giáo 99,1%, bậc tiểu học 100%, bậc THCS 95%, phấn đấu ít nhất 82% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và GDNN.
(10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%.
(11) Giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,2%; cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo còn 1% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
(12) Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 17,36%.
(13) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: 100%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp: 100%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: 3,5%.
(14) Công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
c) Các chỉ tiêu môi trường:
(15) Tỷ lệ hộ dân số được cung cấp nước sạch 95,39%, trong đó: đô thị đạt 98,8%, nông thôn đạt 89%.
(16) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị 98,5%.
d) Chỉ tiêu về quốc phòng, an ninh:
(17) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự” và “3 không: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm” đạt từ 75% trở lên.
III. DỰ BÁO CÁC CÂN ĐỐI LỚN
1. Lao động và việc làm
Củng cố và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, quan tâm nâng cao kết quả và chất lượng đào tạo nghề của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Tăng cường hợp tác 03 bên giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và Trung tâm Dịch vụ việc làm; đẩy mạnh đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên xuất ngũ; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2022, khả năng giải quyết thêm việc làm cho 50.400 lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 4,22%. Tuyển sinh đào tạo nghề đạt 45.000 người; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 61%.
2. Cân đối thu chi ngân sách
Năm 2022, năm đầu thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024, tăng cường quản tài chính - ngân sách theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.
Dự kiến năm 2022, thu ngân sách nhà nước dự kiến Trung ương và HĐND thành phố giao 11.117 tỷ đồng, tăng 7,20% so ước thực hiện năm 2021 (trong đó: thu nội địa 10.617 tỷ đồng, tăng 10,02%; thuế xuất nhập khẩu 500 tỷ đồng, bằng 69,44%). Chi ngân sách địa phương dự kiến 15.328,91 tỷ đồng.
Thực hiện hiệu quả Luật quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số; phấn đấu thu vượt dự toán HĐND thành phố giao để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh. Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, ngay từ khâu lập dự toán đến tổ chức thực hiện. Thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu.
3. Lĩnh vực ngân hàng
Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách.
4. Cân đối vốn đầu tư công
Tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư các nguồn vốn xã hội thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; dự kiến năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,17% so ước năm 2021, tương ứng khả năng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 32.500 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch vốn dự kiến trong Kế hoạch năm 2022 là 7.510,368 tỷ đồng[68]; bao gồm:
- Vốn ngân sách địa phương: 4.512,100 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác thuộc địa phương quản lý: 274,490 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách Trung ương: 2.723,778 tỷ đồng.
Dự kiến phân bổ vốn thực hiện phân cấp quản lý: Thành phố quản lý đầu tư 6.032,448 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,32%; các quận, huyện quản lý đầu tư 1.477,920 tỷ đồng (vốn phân bổ theo tiêu chí định mức), chiếm 19,67%. Các nguồn vốn ưu tiên bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu, các khâu đột phá của thành phố, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Xuất nhập khẩu
Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các ưu đãi thuế quan từ các FTA mà Việt Nam đã ký; khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế các hiệp định mang lại; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thực hiện 2.020 triệu USD, tăng 11,79%; trong đó xuất khẩu hàng hóa 1.540 triệu USD, tăng 9,53% và dịch vụ thu ngoại tệ 480 triệu USD, tăng 19,73%. Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến 500 triệu USD, tăng 3,09% so ước thực hiện năm 2021.
IV. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Về phát triển kinh tế
a) Phát triển công nghiệp - xây dựng:
- Tập trung quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, liên kết ngành nhằm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước, chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 2,5% so ước thực hiện năm 2021.
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, lập quy hoạch Khu công nghiệp Ô Môn 500 ha và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 900 ha. Dự kiến năm 2022, vốn đầu tư tiếp nhận vào các khu công nghiệp 50 triệu USD; giá trị sản lượng công nghiệp 1.419 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu 551 triệu USD; giải quyết việc làm mới cho 3.000 - 5.000 lao động. Hoàn thành xây dựng Hệ thống thoát nước thải KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (giai đoạn 2) với công suất 6.000 m3/ngày.đêm; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hưng Phú I (Cụm A); khu công nghiệp Thốt Nốt giai đoạn 1.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động xây dựng, đặc biệt là công trình cao tầng, tập trung đông người, công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (tập trung các dự án vốn ODA), vốn khác; kiểm tra các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Công khai thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện năng lực theo quy định. Tổ chức lập và công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định.
Tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của thành phố[69]; tổ chức rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở đang triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư để các nhà đầu tư sớm đưa các sản phẩm nhà ở vào sử dụng, tăng số lượng nhà ở xây mới cho thành phố. Rà soát, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Khẩn trương rà soát quy hoạch để bổ sung ngay các khu vực tái định cư nhằm phục vụ cho các dự án đang triển khai, các dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và danh mục các dự án dự kiến mời gọi đầu tư trong giai đoạn tới. Xây dựng và triển khai Đề án Nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
b) Phát triển thương mại - dịch vụ:
Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ dự kiến tăng 8,0%, đóng góp 52,6% trong cơ cấu GRDP. Chú trọng phát triển mạnh thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Phát triển mạnh chuỗi siêu thị tiện lợi, siêu thị bán lẻ, cửa hàng tự chọn và đa dạng hóa các phương thức kinh doanh mới, cung ứng hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp; phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Phấn đấu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 177.330 tỷ đồng, tăng 27,32% so ước năm 2021.
Nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch bị ảnh hưởng sau đại dịch. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của thành phố, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại; khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch của thành phố, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngỏ của vùng hạ lưu sông Mekong gắn với phát huy thế mạnh đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Khai thác hiệu quả lợi thế về sản phẩm đặc trưng, thị trường khách nội địa, có giải pháp phục hồi khách quốc tế sau khi đại dịch COVID-19 trên thế giới được kiểm soát tốt. Dự kiến năm 2022, phấn đấu tiếp đón khách đến thành phố khoảng 4 triệu lượt khách; trong đó khách lưu trú khoảng 2.005 ngàn lượt khách du lịch lưu trú (khách quốc tế 5 ngàn lượt khách, khách trong nước 2.000 ngàn lượt khách); doanh thu ngành du lịch 3.400 tỷ đồng.
Đẩy nhanh lộ trình triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng do Trung ương thực hiện và các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương nhằm kết nối nội vùng và liên vùng. Từng bước hoàn chỉnh quy hoạch, khung giao thông đảm bảo giao thông kết nối thông suốt trung tâm các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác 05 tuyến xe buýt nội tỉnh mở mới dự kiến có trợ giá trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tuyên truyền các biện pháp về công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế đến các chủ cảng, bến, chủ phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa.
c) Phát triển nông nghiệp:
- Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản, thủy sản có lợi thế của thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản.
- Kiểm soát chất lượng cây giống, con giống, phát triển chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản; áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi thủy sản hiện đại. Dự kiến diện tích lúa cả năm 206.720 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 1,24 triệu tấn; rau màu và đậu các loại 15.588 ha với sản lượng đạt 170.480 tấn; cây ăn quả 24.320 ha với sản lượng 165.825 tấn; trồng mới 1.440 ngàn cây phân tán; tổng đàn heo 130.000 con, đàn gia cầm 2 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại 35.500 tấn; diện tích nuôi thủy sản 8.500 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 216.750 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 215.000 tấn).
- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; triển khai hiệu quả kế hoạch xây dựng công nhận 04 xã nông thôn mới nâng cao và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.
d) Khoa học công nghệ:
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2022 (triển khai 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nghiệm thu 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm trước chuyển sang và trên 80% nhiệm vụ khoa học và công nghệ được chuyển giao, áp dụng vào sản xuất và phục vụ đời sống phát triển kinh tế - xã hội). Phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, tổ chức tuyển chọn/giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện. Ban hành Quy định quản lý công nghệ trên địa bàn thành phố. Tập trung triển khai thực hiện các Chương trình quốc gia để hỗ trợ DNNVV tại thành phố Cần Thơ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế[70]. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, tư vấn hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát triển mở rộng năng lực trong các lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định và hiệu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khoa học công nghệ phấn đấu trở thành đơn vị khoa học công nghệ hàng đầu khu vực ĐBSCL.
đ) Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể:
- Tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hỗ trợ môi trường pháp lý; vận động, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo thời gian giải quyết sớm hơn hạn định. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động. Dự kiến cấp mới 1.400 lượt hồ sơ đăng ký mới doanh nghiệp với tổng vốn 16.000 tỷ đồng. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái; năm 2022, dự kiến cấp mới 08 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 183 triệu USD.
- Đổi mới, phát triển HTX, tổ hợp tác đa dạng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, quy định của Luật HTX 2012; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các THT, HTX và giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế khác; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 cho kinh tế tập thể, HTX. Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm tạo kênh vốn riêng cho HTX thuận lợi tiếp cận. Dự kiến thành lập mới 20 HTX, số thành viên mới 1.000 người; doanh thu bình quân một hợp tác là 4 tỷ đồng/năm.
2. Về phát triển xã hội
a) Phát triển giáo dục, đào tạo: Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông báo đảm chất lượng và hiệu quả; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023. Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo quy định; biên soạn và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Thực hiện đánh giá chuẩn đầu ra cho học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và phát triển thể chất đối với từng cấp học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai phương án, kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và tuyển sinh năm học 2022 - 2023. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022. Triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy, học, kiểm tra trực tuyến; triển khai hệ thống câu hỏi trực tuyến cho các môn học; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dự kiến năm học 2022 - 2023, thành phố có tổng số 252.810 học sinh mầm non, phổ thông; công nhận thêm 07 trường đạt chuẩn quốc gia.
b) Chính sách an sinh xã hội:
- Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nâng cao đời sống người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực của xã hội chăm sóc người có công, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người có công. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm..., giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao số hộ nghèo tiếp cận mô hình; phấn đấu năm 2022, giảm 0,2% tỷ lệ hộ nghèo hiện có, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 1% so với hộ dân.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Quan tâm công tác chăm sóc người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em. Phát triển các dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện mô hình an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái. Đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông, chú trọng truyền thông trực tuyến về phòng, chống tệ nạn xã hội.
c) Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân: Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, không để dịch bệnh bùng phát. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu..., Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hiệu quả các phương pháp điều trị. Duy trì 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tiếp tục triển khai mô hình bác sĩ gia đình kèm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế. Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị; quản lý tốt chất lượng, giá thuốc trên địa bàn. Duy trì các hoạt động tuyên truyền dân số, chăm sóc sức khỏe, bà mẹ trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh công tác quản lý chất thải y tế, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
d) Phát triển văn hóa, thể dục thể thao:
- Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị. Đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị”; năm 2022, nâng chất danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” đối với 83 xã, phường, nâng chất danh hiệu 599 ấp, khu vực văn hóa. Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa vật thể, giá trị văn hóa truyền thống, mang nét đặc trưng, gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương.
- Phát triển mở rộng và đa dạng các hoạt động thể dục thể thao quần chúng; triển khai thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân trên địa bàn. Số người tập thể dục thể thao thường xuyên 429.396 người, số gia đình thể thao 94.611 gia đình. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển các môn thể thao thành tích cao giai đoạn 2021 - 2026, hướng đến các môn Asiad, Olympic và đặc thù thế mạnh của thể thao Cần Thơ. Năm 2022, tổng số huy chương phấn đấu đạt được 526 huy chương[71].
đ) Thông tin và truyền thông:
- Nâng cấp trang thiết bị Trung tâm Dữ liệu thành phố và triển khai nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm dữ dữ liệu thành phố phục vụ triển khai Chính quyền số; trang bị, nâng cấp trang thiết bị đầu cuối phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước, xây dựng Chính quyền số và số hóa văn bản, hồ sơ giải quyết TTHC; triển khai, hoàn thành nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử kết nối với nền tảng quốc gia (NIXA); xây dựng phần mềm nền tảng, điều hành cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Phát triển hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số.
- Phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (NGSP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố; phát triển các CSDL nền tảng dùng chung[72], kết nối, chia sẻ, khai thác trên phạm vi toàn thành phố với CSDL Quốc gia, Bộ ngành để hình thành Kho Dữ liệu dùng chung của thành phố và phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số[73]. Triển khai thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, triển khai nền tảng quét mã QR điểm kiểm dịch. Xây dựng Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của thành phố và kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng của Quốc gia. Dự kiến năm 2022, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động đạt 40%; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 40%.
e) Công tác Dân tộc - Tôn giáo:
- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trước mắt là giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục triển khai các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo. Đẩy mạnh hiệu quả công tác phối hợp giữa Ban Tôn giáo và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và địa phương; nắm tình hình các vụ việc phát sinh trong các tôn giáo để kịp thời hỗ trợ, giải quyết hiệu quả các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, không để xảy ra điểm nóng, bất ngờ. Thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm, chúc mừng các chức sắc, chức việc, tổ chức tôn giáo và người có uy tín trong các tôn giáo nhân dịp lễ, Tết và lễ đạo tôn giáo, tín ngưỡng dân gian.
3. Cải cách hành chính, tổ chức bộ máy
a) Ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những CBCCVC vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tham nhũng, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung và kết quả triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
b) Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình và tổ chức thực hiện các kế hoạch về công tác kiểm soát TTHC; kiểm tra công tác kiểm soát TTHC; số hóa kết quả giải quyết TTHC bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả; đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
c) Tiếp tục triển khai, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và quy định của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP , Nghị định số 108/2020/NĐ-CP , Nghị định số 120/2020/NĐ-CP , Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Chương trình số 27-CTr/TU và Chương trình số 28-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 cho CBCCVC của thành phố và CBCC cấp xã.
4. Công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
a) Công tác tư pháp: Triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Thẩm định Nghị quyết của HĐND thành phố và Quyết định của UBND thành phố theo quy định. Thực hiện công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của thành phố theo quy định. Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2022. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung tuyên truyền quy định pháp luật gắn với đời sống, sinh hoạt người dân. Thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn cho công dân.
b) Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Tập trung triển khai hoạt động thanh tra năm 2022, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Chú trọng thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
- Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỷ lệ từ 95% trở lên. Triển khai thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ từ 85% trở lên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh thành điểm nóng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
c) Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
- Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; tổ chức xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...
5. Tăng cường quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại
a) Quốc phòng, an ninh:
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm mới, làm giảm dần các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, hướng tới xây dựng xã hội văn minh, kỷ cương, an toàn, thân thiện, ứng dụng, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
b) Hoạt động đối ngoại:
Triển khai các hoạt động đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực phù hợp với định hướng của Trung ương, nhu cầu của thành phố và diễn biến của dịch COVID-19. Đổi mới nội dung, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân; chủ động hội nhập, liên kết hợp tác, mở rộng quan hệ đối ngoại trong việc vận động các nguồn vốn, nguồn viện trợ; triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự gắn kết chặt chẽ, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của thành phố. Chú trọng triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký kết; duy trì, giữ kết nối, nâng cao chất lượng các mối quan hệ truyền thống của thành phố và tăng cường hợp tác giữa thành phố với các vùng, địa phương các nước đã kết nghĩa; đồng thời, nghiên cứu xúc tiến mở rộng, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài có nét tương đồng với thành phố.
V. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN NĂM 2022
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhất là các Đề án, Chương trình và các Nghị quyết của Thành ủy; tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (sau khi được Quốc hội thông qua), nhằm tạo đột phá trong huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
a) Tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản quản lý Nhà nước thuộc thẩm quyền của địa phương; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.
b) Tăng cường rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các TTHC để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giao dịch; triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2022.
c) Công tác thu thuế: phấn đấu hoàn thành vượt dự toán năm 2022 gắn với hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Tăng cường đổi mới công tác thu, mở rộng đối tượng kê khai điện tử, nộp và hoàn thuế điện tử. Thực hiện chi ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
d) Bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn kho quỹ. Giám sát chặt chẽ hoạt động các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.
đ) Theo dõi sát diễn biến tình hình, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường. Kiểm soát, có biện pháp và kiến nghị kịp thời với Trung ương để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đặc biệt là các hoạt động xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư.
3. Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế số, xã hội số
a) Tuân thủ định hướng của Trung ương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung phát huy tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các biện pháp thích ứng từng cấp độ hiệu quả trong năm 2022, hướng tới nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương, liên kết ngành nhằm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước để chủ động hơn các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhanh chóng đạt độ bao phủ vắc xin 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi; tiếp tục mở rộng độ bao phủ.
c) Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới; tận dụng tốt cơ hội xây dựng và vận hành tốt hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo quy định. Phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng; cơ cấu lại, phát triển hiệu quả các ngành, lĩnh vực quan trọng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ.
4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Phát triển mở rộng năng lực trong các lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định và hiệu chuẩn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khoa học công nghệ phấn đấu trở thành đơn vị khoa học công nghệ hàng đầu khu vực ĐBSCL. Khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và trang thiết bị Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, xây dựng vườn ươm thành trung tâm nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, hỗ trợ tốt nhất cho cá nhân, doanh nghiệp ươm tạo công nghệ. Khuyến khích hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông. Phát triển hạ tầng cho phát triển kinh tế số, công nghệ thông tin, viễn thông và các dạng năng lượng điện mới, năng lượng tái tạo.
5. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế
a) Triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020, các nghị định và các văn bản có liên quan về đăng ký doanh nghiệp; các Nghị quyết của Chính phủ gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố năm 2022 và những năm tiếp theo; phấn đấu năm 2022 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
b) Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư đối với các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp; khuyến khích áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
c) Tiếp tục mời gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin. Thu hút đầu tư nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại; nhà máy nhiệt điện theo quy hoạch; xây dựng trung tâm logistics; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế cấp Vùng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công về lĩnh vực giao thông vận tải do thành phố quản lý, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả của từng dự án.
6. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai, xây dựng nông thôn mới
a) Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp Quy hoạch vùng ĐBSCL và cả nước.
b) Thực hiện công tác lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn các huyện. Thực hiện đầu tư phát triển, từng bước hoàn thành điều kiện về hệ thống hạ tầng theo Kế hoạch phát triển đô thị quốc gia. Khẩn trương rà soát quy hoạch để bổ sung ngay các khu vực tái định cư nhằm phục vụ cho các dự án đang triển khai, các dự án triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 và danh mục các dự án dự kiến mời gọi đầu tư trong giai đoạn tới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập, điều chỉnh Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và lập Quy chế quản lý kiến trúc (đã được thành phố ban hành tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2021), Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn (đã được thành phố ban hành tại Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2021) theo Luật Kiến trúc; ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Khẩn trương quyết liệt thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng của thành phố; công tác định giá, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tập trung triển khai các kế hoạch, đề án về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, phát triển bền vững đô thị và nông thôn.
c) Tăng cường quản lý đất đai, thường xuyên rà soát kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Triển khai công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 của thành phố Cần Thơ; phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của các huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá đất các loại đất kỳ 5 năm (2020 - 2024). Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, thống nhất, phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu thống nhất ở các cấp. Tăng cường quản lý nhà nước về viễn thám; triển khai ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực.
d) Phát huy vai trò và tiềm lực của xã hội, đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
7. Đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác với các tỉnh, thành
a) Tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là liên kết xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu... mang kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, với một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Cần Thơ - Cà Mau... Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; các dự án chống sạt lở do biến đổi khí hậu.
b) Tăng cường hơn nữa vai trò của thành phố trong Hội đồng điều phối vùng trong huy động, phân bổ nguồn lực, ngân sách, các quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng trong khuôn khổ hợp tác; tăng cường hợp tác và kết nối giữa các Bộ, ngành với chính quyền địa phương với cam kết mạnh mẽ gắn với trách nhiệm, hành động từng cơ quan, tổ chức các cấp; liên kết mạnh mẽ với các tỉnh vùng ĐBSCL, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
c) Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm Vùng của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng trung tâm thu thập và xử lý thông tin hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng.
d) Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, các nhà khoa học trong, ngoài vùng và ở nước ngoài, với các doanh nghiệp, Hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ quan nghiên cứu khoa học và HTX, tổ sản xuất trong nông nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường do thành phố quản lý để kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc, quốc lộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính, đảm nhận tốt hơn việc vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển.
8. Gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị, văn hóa con người thành phố, chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội
a) Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ”; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề hiệu quả, đúng quy định. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục và dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
b) Thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Gia tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm tự nguyện. Huy động các nguồn lực phát triển xã hội, phát triển các hoạt động trợ giúp dựa vào cộng đồng để chăm lo, hỗ trợ người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh. Xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên theo từng giai đoạn. Quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp; quan tâm hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo.
c) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW “về công tác dân số trong tình hình mới”. Quan tâm nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao tại các bệnh viện, hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh. Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc.
d) Thực hiện tốt Đề án phát triển văn hóa thành phố giai đoạn đến năm 2030. Xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp xã hội được tham gia hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa; phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa để tuyên truyền, quảng bá văn hóa thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long đến bạn bè trong nước và quốc tế. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội, Liên đoàn thể thao thành phố và hoạt động phong trào thể thao cơ sở. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư sân bãi tập luyện, công trình thể thao ở địa phương, đáp ứng yêu cầu tập luyện thể dục thể thao của người dân. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
đ) Phát triển hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền số. Khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính; khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng Mã địa chỉ gắn với Bản đồ số, nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng, đảm bảo an toàn thông tin mạng.
9. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo quy định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
10. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
a) Tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, thực hiện hiệu quả quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác khoáng sản; bảo vệ nghiêm ngặt khoáng sản chưa khai thác. Quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước; bảo đảm an ninh nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất. Kiểm tra/giám sát chương trình quan trắc nước dưới đất; rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, cấp phép về môi trường. Tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên, môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
b) Chủ động giám sát, nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông. Thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế xanh, khu công nghiệp sinh thái, xã hội các bon thấp; kinh tế tuần hoàn... Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, chủ động các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát an toàn thiên tai.
11. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội
a) Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Triển khai thực hiện các Đề án, quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ thành phố và các quận, huyện ngày càng vững chắc; chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ quận Bình Thủy, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, diễn tập chiến đấu phòng thủ đối với 21 xã, phường, thị trấn bảo đảm an toàn, chất lượng cao. Nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang thành phố, nhất là bản lĩnh chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện giỏi; thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự theo quy định.
c) Đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm mới, tạo chuyển biến căn bản làm giảm dần các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, hướng tới xây dựng xã hội văn minh, kỷ cương, an toàn, thân thiện. Thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đến mức thấp nhất; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm kịp thời, hiệu quả và sát hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
2. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành liên quan chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh được giao; thường xuyên theo dõi tiến độ, đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp, kịp thời và hiệu quả, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, cụ thể:
a) Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi thực hiện các chỉ tiêu: (1) Tăng trưởng kinh tế; (2) Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người; (3) Cơ cấu kinh tế; (4) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; (6) Năng suất lao động theo giá hiện hành, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành.
b) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố theo dõi thực hiện chỉ tiêu (5) Thu - chi ngân sách nhà nước.
c) Sở Khoa học và Công nghệ theo dõi thực hiện chỉ tiêu (7) Tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị, tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm.
d) Sở Xây dựng theo dõi thực hiện các chỉ tiêu: (8) Tỷ lệ đô thị hóa và (15) Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch, nước sạch đô thị.
đ) Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi thực hiện chỉ tiêu (9) Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi.
e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi thực hiện các chỉ tiêu: (10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo; (11) Tỷ lệ hộ nghèo; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố theo dõi thực hiện chỉ tiêu (13) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
g) Sở Y tế theo dõi thực hiện chỉ tiêu (12) Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân; chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố theo dõi thực hiện chỉ tiêu (13) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.
h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi thực hiện các chỉ tiêu: (14) Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu và chỉ tiêu (15) Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch.
i) Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi thực hiện chỉ tiêu (16) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở đô thị.
k) Công an thành phố theo dõi thực hiện chỉ tiêu (17) Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự và 3 không.
3. Đề nghị các Thủ trưởng cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc; thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch của đơn vị, địa phương; tiến độ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh được giao được giao, đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp, kịp thời và hiệu quả, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng tháng tình hình thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
4. Đề nghị Thường trực HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Ban, đại biểu HĐND thành phố, các tổ chức Đoàn thể căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu và các giải pháp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và hỗ trợ, phối hợp thông tin, tuyên truyền thực hiện hiệu quả Kế hoạch này./.
(Đính kèm các phụ lục 1, 2 và 3)
[1] Kế hoạch số 190/KH-UBND và Phương án số 01/PA-UBND ngày 16/9/2021 để tổ chức thực hiện, dần mở cửa trở lại, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh; Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 23/9/2021 về quản lý, điều hành của thành phố đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 29/10/2021 về tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
[2] Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 19/01/2021 về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 19/01/2021 về thực hiện Chủ đề năm 2021 của thành phố, Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố Cần Thơ năm 2021
[3] NQ: GRDP tăng 7,57%; từng khu vực tăng: 2,5%-9,2%-7,60% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,94%.
[4] NQ: 104 triệu đồng/người.
[5] NQ: khu vực I: 7,05%; khu vực II: 33,07%; khu vực III: 53,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6% trong cơ cấu GRDP.
[6] Theo Niên giám Thống kê năm 2020 (ban hành tháng 8/2021), tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 thực hiện 26.480 tỷ đồng.
[7] NQ: 61.300 tỷ đồng.
[8] NQ: 11.933,4 tỷ đồng.
[9] NQ: đạt 12-13%.
[10] NQ: 35-40%.
[11] NQ: 71,5%.
[12] NQ: Mẫu giáo 99,1%; Tiểu học 100%; THCS 95%; phấn đấu ít nhất 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và GDNN.
[13] NQ: 76%.
[14] NQ: Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,3%.
[15] NQ: 16,9%.
[16] NQ: 91%.
[17] NQ tương ứng: 95%-100%-3%.
[18] NQ: Xây dựng 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
[19] NQ: 95,01%.
[20] NQ: 98%.
[21] Đến ngày 10/12/2021, thành phố đã kích hoạt hoạt động của 83 trạm y tế lưu động và triển khai 64 Đội y tế lưu động về từng địa bàn cụ thể để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ quản lý, cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà từ ngày 22 tháng 11 năm 2021; đã tiêm trên 1,9 triệu liều; trong đó tỷ lệ người ≥ 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 92,28%/số người.
[22] Tính đến ngày 08/12/2021, trên địa bàn có 998/1.195 (tương đương 83,51%) doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trở lại. Còn lại 197/1.195 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 16,49%). Tổng số lao động hiện có là 79.017, trong đó số lao động đang làm việc trong các DN là 51.279, tương đương 64,9% lao động; số lao động đang tạm nghỉ việc là 27.738, tương đương 35,1%.
[23] Hiện các quận, huyện vẫn duy trì các điểm bán hàng bình ổn; có 31/105, chiếm tỷ lệ 29,5% chợ đã được mở trở lại (Cái Răng: 02; Thới Lai: 04; Ninh Kiều: 06; Vĩnh Thạnh: 06; Cờ Đỏ: 08; Phong Điền: 04; Thốt Nốt: 01). Hiện có 83 doanh nghiệp với 1.858 nhân viên shipper hoạt động, 100% số shipper đã được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
[24] Triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ: (i) Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; (ii) Dự án “Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Startup”, để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST cũng như hoạt động KNĐMST.
[25] Trong đó có 235 dự án đang hoạt động, 05 dự án đang xây dựng, 08 dự án chưa triển khai, 04 dự án tạm ngưng hoạt động.
[26] Số HTX đang hoạt động: 226 HTX, trong đó HTX nông nghiệp: 125 HTX, HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 10 HTX, HTX vận tải: 31 HTX, HTX xây dựng: 33 HTX, HTX thương mại - dịch vụ: 20 HTX, 07 Quỹ tín dụng. Số HTX ngưng hoạt động, tạm ngưng hoạt động: 66 HTX, trong đó có 20 HTX đang làm thủ tục giải thể.
[27] Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 28,63% tổng dư nợ, tăng 17,65% so đầu năm; cho vay xuất khẩu chiếm 10,43%, giảm 4,1%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 23,93%, tăng 13,05%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 0,17%, tăng 65,29%.
[28] Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,65%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,92%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải giảm 6,85%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm như: Xay xát gạo giảm 5,62%, bia đóng lon giảm 25,21%, dược phẩm dạng viên giảm 25,81%, xi măng giảm 16,92%...
[29] Trong đó; Khách quốc tế lưu trú 9,7 ngàn lượt khách, đạt 6,9% KH, giảm 91,3% so năm 2020; khách nội địa lưu trú 888,5 ngàn lượt khách, đạt 35,5% KH, giảm 53,5%.
[30] Lữ hành nội địa ước phục vụ 11.000 lượt, đạt 10% KH, giảm 82,7% so năm 2020.
[31] Thực hiện chuyển đổi được 774 ha diện tích trồng cây ăn quả (các loại cây ăn quả chuyển đổi từ nền đất trồng lúa như xoài, mít, sầu riêng, chanh,...) và vụ Hè Thu 2021 trên nền đất lúa kém hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng mè với diện tích 1.046 ha.
[32] Vụ Đông Xuân: 131 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 39.391 ha; vụ Hè Thu và Thu Đông: 136 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 32.833 ha. Đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP với trên 786 ha.
[33] Thành phố có 248 trang trại chăn nuôi, 03 mô hình liên kết SX theo chuỗi, 04 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP.
[34] Tổng sản lượng thịt gia súc 31.000 tấn, đạt 100% KH; gia cầm 10.800 tấn, vượt 35% KH.
[35] (1) Dự án mở rộng và phát triển đô thị mới và nâng cấp chợ Thới Lai hiện hữu tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, có 114 căn nhà ở thấp tầng (giai đoạn 2) tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, tổng diện tích sàn xây dựng 29.659,8 m2; (2) Dự án khu dân cư phường Phước Thới, khu vực Thới Thuận, phường Phước Thới, quận Ô Môn, có 30 căn nhà ở liên kế, tổng diện tích sàn xây dựng 6.469,1 m2.
[36] Kết quả đã thực hiện đo đạc và chuyển hồ sơ kỹ thuật cho 1.124 trường hợp với tổng điện tích 267,96 ha; giao đất cho 24 tổ chức với diện tích 13,8 ha, cho 25 tổ chức thuê đất với diện tích 82,95 ha; thu hồi đất 08 trường hợp với diện tích 21,32 ha và chuyển mục đích sử dụng đất cho 01 tổ chức với diện tích 0,95 ha.
[37] Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (các hạng mục: Đường và cầu Trần Hoàng Na quận Ninh Kiều; Đường và cầu Trần Hoàng Na quận Cái Răng, Đường song hành Trần Hoàng Na - IC3; Đường nối Cách mạng Tháng 8 (QL91) đến đường tỉnh 918); Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (35ha); Khu đô thị tái định cư Cửu Long; Khu đô thị mới Cồn Khương.
[38] Trong tổng số 330 trường đã được công nhận, có 168 trường đã hết hạn thời hạn công nhận kể từ ngày ra quyết định.
[39] Tổ chức Hội đồng tuyển chọn, xét giao tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện 30 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố thực hiện năm 2021 và 2022. Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN vượt 20% (12/10 nhiệm vụ); trên 80% số kết quả các đề tài, dự án được áp dụng vào thực tiễn sản xuất; ký hợp đồng thực hiện vượt 10% (11/10 nhiệm vụ). Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố như: Phối hợp với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Công ty TNHH MTV Sinh hoá Phù Sa đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 trên địa bàn TP. Cần Thơ; Nghiên cứu thiết kế, thi công buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 di động phục vụ công tác truy vết, lấy mẫu trong cộng đồng; Chế tạo thiết bị phun dung dịch rửa tay tự động...
[40] Thực hiện kiểm định 7.506 phương tiện đo, hiệu chuẩn 6.639 phương tiện đo; thử nghiệm 9.585 mẫu với 76.479 chỉ tiêu.
[41] Đến ngày 22/10/2021: Ghi nhận 752 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 206 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong; 1110 trường hợp tay chân miệng, tăng 539 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong; 01 trường hợp Sởi và sốt phát ban nghi sởi, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ; không ghi nhận trường hợp mắc Bạch hầu, SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1).
[42] Số người nhiễm HIV được phát hiện mới 355 người, chuyển sang AIDS 08 người và tử vong 09 người. Lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được qua xét nghiệm 6.862 người, trong đó số tử vong 2.549 người, số nhiễm HIV còn sống 4.313 người. Duy trì 05 cơ sở điều trị Methadone, có 361 người duy trì điều trị.
[43] Chuỗi hoạt động Chào năm mới 2021, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021); Chuỗi hoạt động “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Tân Sửu 2021”: Chuỗi hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2021), ngày Quốc tế Lao động (01/5) và 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021)43; Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Ban Dân tộc thành phố tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây. Thực hiện tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19...
[44] Tính đến thời điểm hiện tại, có 36 xã, phường, thị trấn của 7/9 quận, huyện tổ chức Đại hội Thể dục thể thao cấp xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội điểm cấp quận huyện và Đại hội Thể dục thể thao cấp thành phố lần thứ IX năm 2022.
[45] Bao gồm: 08 giải vô địch quốc gia, 01 giải trẻ, 06 giải cúp và 04 giải mời).
[46] Trong đó có 13 trường cao đẳng; 10 trường trung cấp; 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 33 cơ sở khác có dạy nghề.
[47] Hiện có 5.878 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng/tháng. Xây dựng, sửa chữa và bàn giao 51/49 căn nhà tình nghĩa (trong đó xây mới 27/25 căn). Triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì Người cao tuổi năm 2021”; thăm, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn thành phố; Tháng hành động vì trẻ em.
[48] Các Kế hoạch: số 10/KH-UBND ngày 14/01/2021 về phát triển chính quyền điện từ thành phố giai đoạn 2021 - 2025, số 11/KH-UBND ngày 15/01/2021 về phát triển chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ năm 2021, số 117/KH-UBND ngày 04/6/2021 về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố,... Các Quyết định: số 248/QĐ-UBND ngày 29/01/2021 phê duyệt nâng cấp Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố lên phiên bản 2.0; số 1564/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 về việc ban hành mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.
[49] Kết quả: Cấp 11 giấy phép khai thác nước dưới đất (với tổng lưu lượng khai thác 3.870m3/ngày đêm, tầng chứa nước khai thác chính là Pleistocen và Pliocen); cấp 06 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và gia hạn 15 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (Tổng lưu lượng xả thải 2.240 m3/ngày đêm); 01 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản cát san lấp trên lòng sông Hậu...
[50] Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn tại thành phố Cần Thơ” do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tài trợ thông qua quỹ Hợp tác Mê Công Hàn Quốc (MKCF); làm việc với Quỹ khí hậu Hà Lan với nội dung tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm việc với tổ chức JICA về “Hiệu quả của các dự án viện trợ nước ngoài liên quan đến ứng phó BĐKH và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL”, làm việc với tổ chức ISET và Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON) về việc phối hợp trao đổi thực hiện dự án Xây dựng khả năng chống chịu với lũ lụt cho cộng đồng, phối hợp Viện DRAGON và Quỹ Giải pháp khả năng phục hồi (InsuResilience Solutions fund) tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ về bảo hiểm rủi ro cho thành phố Cần Thơ. Phối hợp thu thập cung cấp thông tin, số liệu cần thiết cho tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF phục vụ việc tham gia Chương trình thành phố Xanh Quốc tế 2021 - 2022 với chủ đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...
[51] Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải,..
[52] Cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 280 TTHC, mức độ 4 là 1.152 TTHC (đạt 100% thủ tục đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công mức độ 4).
[53] Cụ thể: 05 phòng chuyên môn và tương đương thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 02 phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 02 Phòng chuyên môn thuộc Thanh tra thành phố; 01 phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ; 02 phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương; 02 phòng chuyên môn thuộc Ban Dân tộc; 01 phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; 03 phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng, 01 phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, 02 phòng chuyên môn thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, 01 phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND thành phố (nhưng sau đó lại tăng 01 do thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố), 02 phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế và giải thể 03 phòng chuyên môn thuộc Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, 03 phòng chuyên môn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, 01 phòng chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 02 phòng thuộc Chi cục Phát triển nông thôn), 03 phòng chuyên môn thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, 01 Phòng chuyên môn thuộc Sở Giao thông vận tải, 01 Phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp; 01 chuyên môn thuộc Sở Tài chính.
[54] Năm 2017: 02 đơn vị (Đài PTTH Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản); Năm 2018: 08 đơn vị (Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu; Trung tâm CSSKSS, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường); Năm 2019: 05 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa thành phố, Trường Cao đẳng Y tế, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai); Năm 2020 (04 đơn vị): Bệnh viện Nhi đồng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cần Thơ, Trung tâm ngoại ngữ-Tin học và bồi dưỡng nhà giáo; Năm 2021 (02 đơn vị): Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường).
[55] UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 về việc phê duyệt Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn cấp thành phố, cấp huyện; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 25/01/2021 để triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập.
[56] 03 chi cục và 01 trung tâm.
[57] Thành lập 15 Hội đồng tư vấn thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND thành phố ban hành còn hiệu lực với tổng số 339 văn bản và ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của thành phố năm 2020.
[58] Đăng ký khai sinh 344.829 trường hợp; đăng ký kết hôn 11.766 trường hợp; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 23 trường hợp... Tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ số gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Thành phố đã phát triển được 310 luật sư chính thức, 69 văn phòng luật sư; 35 công ty luật, 36 chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố; 35 tổ chức hành nghề công chứng với 69 công chứng viên...; số cuộc đấu giá đã thực hiện 54 cuộc; thực hiện trợ giúp pháp lý 288 vụ việc.
[59] Đoàn thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh; Đoàn thanh tra đột xuất việc giải quyết hồ sơ chứng thực liên quan đến bất động sản tại UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.
[60] Như: Hội nghị triển khai quán triệt, thông qua các cuộc hội họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị hoặc bằng panô, tờ rơi, tài liệu bướm... thành phố đã tổ chức 1.355 lượt tuyên truyền với 54.177 lượt cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia, tuyên truyền qua đài truyền thanh đã phát được 4.675 cuộc với tổng thời lượng là 54.240 phút.
[61] Như công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; tăng cường công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...
[62] Tội phạm trật tự xã hội xảy ra 569 vụ, điều tra, khám phá 518 vụ, bắt xử lý 1.031 đối tượng, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 91 %, giảm 227 vụ. Tội phạm tham nhũng, chức vụ khởi tố điều tra 06 vụ, 06 bị can về các tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tài sản ước 4,58 tỷ đồng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đa khởi tố 07 vụ, 29 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 02 vụ, 08 đối tượng. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế: Phát hiện 55 vụ, ít hơn 175 vụ so năm 2020; khởi tố 18 vụ, 23 bị can; tỷ lệ khởi tố đạt 32,7%. Tội phạm ma túy: Phát hiện, triệt phá 349 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, xử lý 487 đối tượng... Phát hiện, xử lý 75 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (ít hơn 85 vụ so năm 2020)...
[63] Tham dự các Hội nghị trực tuyến với các đối tác nước ngoài; đề xuất hợp tác với Tỉnh Hiroshima, Nhật Bản; tham dự Hội thảo trực tuyến Logistics Hà Lan - Việt Nam: Xác định cơ hội và kết nối đối tác, Tăng cường hợp tác Việt Nam - Trung Đông: Cơ hội, tiềm năng và cách tiếp cận mới; Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi; gửi Điện mừng Quốc khánh, Thư cảm ơn, Thư chúc mừng...
[64] Hỗ trợ vật tư y tế phòng chống COVID-19 cho thành phố với tổng trị giá 46.079 USD (tương đương 1.045,9 triệu đồng).
[65] 1.000 bộ test nhanh, trị giá 6.698,37 EUR (tương đương 180,5 triệu đồng).
[66] Khẩu trang vải không dệt 3 lớp trị giá 13.692 USD, tương đương 304,2 triệu đồng.
[67] Kính chắn giọt bắn với trị giá 166 triệu đồng.
[68] Không phân bổ 800 tỷ tiền ghi thu, ghi chi từ nguồn tiền sử dụng đất cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
[69] theo Nghị định 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
[70] (i) Chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2021-2025; (ii) Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030; (iii) Kế hoạch ứng dụng các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; (iv) Kế hoạch Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ đến năm 2025.
[71] Trong đó số huy chương giải thể thao thành tích cao 424 huy chương (Bao gồm: Huy chương vàng 135 huy chương; huy chương bạc 126 huy chương; huy chương đồng 163 huy chương).
[72] (người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức viên chức, TTHC, danh mục dùng chung, hồ sơ điện tử....)
[73] Ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước, ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động, đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử, giải quyết TTHC và ứng dụng trong giải quyết thực hiện trực tuyến được xác thực, nhanh chóng và an toàn; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình đến cấp xã phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo các cấp thông suốt, thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.