ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2017/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; số 173/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ; số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường: số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về bản đồ địa chính; số 46/2015/TT-BTNMT ngày 30/10/2015 quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động đo đạc và bản đồ; số 48/2015/TT-BTNMT ngày 12/11/2015 quy định về quản lý, cung cấp và khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; số 49/2015/TT-BTNMT ngày 12/11/2015 quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ công trình xây dựng đo đạc; số 63/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 quy định về kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; số 68/2015/TT-BTNMT ngày 22/12/2015 quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000; số 71/2015/TT-BTNMT ngày 24/12/2015 quy định kỹ thuật đặt chụp ảnh viễn thám;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 11102/TTr-STNMT ngày 15/11/2016 và Văn bản số 6531/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 11/8/2017; đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 2129/STP-VBPQ ngày 04/11/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2017 và thay thế các Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố: số 54/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 ban hành Quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ, sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn thành phố Hà Nội; số 45/QĐ-UBND ngày 17/10/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quy định về hoạt động đo đạc bản đồ, sử dụng các sản phẩm đo đạc bản đồ trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND ngày 19/11/2010 của UBND thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ
HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ, SỬ DỤNG SẢN PHẨM ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi trên mặt đất, trong lòng đất, vùng trời thành phố Hà Nội.
2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ thành phố Hà Nội; các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sử dụng các sản phẩm đo đạc và bản đồ làm tài liệu, hồ sơ khi giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
Quy định này không áp dụng đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm mục đích phục vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn Thành phố.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bản đồ hiện trạng: Là bản đồ chuyên đề, phản ánh hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm đo đạc, thể hiện cả nội dung địa chính và các yếu tố địa hình.
Bản đồ hiện trạng nhằm phục vụ cho các mục đích: Xin cấp chỉ giới đường đỏ, lập quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch đô thị và nông thôn, xin cung cấp thông tin quy hoạch, công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (trong trường hợp bản đồ hiện trạng phục vụ công tác lập quy hoạch mà bản đồ không phù hợp với hiện trạng tại thời điểm lập quy hoạch thì phải thực hiện đối soát, đo vẽ bổ sung). Trường hợp chủ đầu tư không sử dụng bản đồ hiện trạng thì có thể lựa chọn việc lập bản đồ địa hình và bản đồ địa chính để phục vụ cho dự án theo các quy định hiện hành.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân
1. Quyền của các tổ chức, cá nhân
a) Tổ chức, cá nhân được thực hiện hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội;
b) Mọi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng các sản phẩm đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật và Quy định này;
c) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong phạm vi pháp luật cho phép.
2. Nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân
a) Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ các công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật và Quy định này;
b) Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ trả phí kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu hoặc lệ phí khi khai thác sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ (nếu có) theo quy định của pháp luật;
c) Nghiêm cấm các hoạt động đo đạc và bản đồ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ
Điều 4. Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ
1. Tổ chức, cá nhân phải có Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ do cấp có thẩm quyền cấp và đang còn hiệu lực mới được thực hiện công tác xuất bản, đo đạc, lập hoặc chỉnh lý sản phẩm đo đạc và bản đồ trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của nhà nước.
2. Các sản phẩm đo đạc và bản đồ trước khi đưa vào sử dụng làm tài liệu, hồ sơ quản lý Nhà nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu theo quy định.
3. Bản đồ khi lưu hành phải đảm bảo các điều kiện sau: Thể hiện rõ cơ sở pháp lý, cơ sở toán học, nguồn gốc xuất xứ, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất bản bản đồ phải có giấy phép theo quy định của Luật Xuất bản.
Điều 5. Quy định thành lập bản đồ
1. Đối với bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, bản đồ hành chính và các loại bản đồ chuyên đề khác, thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đối với bản đồ hiện trạng:
- Cơ sở toán học khi lập bản đồ: Việc thành lập bản đồ trên địa bàn thành phố Hà Nội thống nhất áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ Quốc gia Việt Nam VN-2000 theo quy định tại Quyết định số 378/QĐ-UBND ngày 20/01/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Đối với phương pháp đo vẽ trực tiếp hoặc công nghệ GNSS động (xử lý thời gian thực hoặc xử lý sau): Được áp dụng để đo vẽ bản đồ ở những nơi chưa có bản đồ địa chính.
- Đối với phương pháp đo vẽ chỉnh lý, đo vẽ bổ sung từ bản đồ địa chính: Được áp dụng ở các khu vực đã có bản đồ địa chính cùng tỷ lệ hoặc lớn hơn tỷ lệ bản đồ cần đo vẽ (chỉ áp dụng đối với các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất), khi thành lập được sử dụng bản đồ địa chính làm nền để chỉnh lý nội dung địa chính và đo vẽ bổ sung yếu tố địa hình.
- Thể hiện ranh giới các thửa đất, chủ sử dụng đất; các chỉ giới về quy hoạch; ranh giới sử dụng đất theo các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
- Để đảm bảo cho việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật của dự án với khu vực xung quanh dự án, phạm vi đo vẽ phải rộng hơn so với ranh giới khu đất cần nghiên cứu tối thiểu 20m. Đối với các tuyến điện cao thế, trục đường giao thông phải đo rộng hơn so với ranh giới nghiên cứu ít nhất là 30m. Dáng đất được thể hiện trên bản đồ bằng điểm ghi chú độ cao thì mật độ phân bố đều không dưới 10 điểm/1 dm2 trên bản đồ.
- Thể hiện nội dung địa chính theo Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ sử dụng đất (hoặc chủ đầu tư), địa điểm, ranh giới các thửa đất, loại đất; các chỉ giới về quy hoạch; ranh giới sử dụng đất theo các quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
- Thể hiện nội dung địa hình theo quy định tại Điều 30 của Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT ngày 22/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Biên tập bản đồ:
+ Ký hiệu và phân lớp được quy định tại ký hiệu bản đồ hiện hành; các ký hiệu cho công trình ngầm chưa được quy định cụ thể cần ghi chú rõ trên bản đồ, các lớp đối tượng công trình ngầm chưa có quy định cụ thể cần được phân lớp theo nhóm đối tượng có cùng tính chất, công dụng;
+ Một số ký hiệu và địa vật điển hình được quy định tại Phụ lục 1 của bản Quy định này;
- Chia mảnh bản đồ được lập theo khổ: A2, A1, A0 đơn vị lập bản đồ chọn khổ giấy sao cho các góc khung có giá trị tọa độ chẵn và trong một dự án chỉ có một loại khổ giấy.
- Mẫu khung bản đồ được quy định tại Phụ lục 2 bản Quy định này.
Điều 6. Lập thiết kế kỹ thuật - dự toán
1. Nguyên tắc về việc lập thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình, dự án đo đạc và bản đồ.
- Các công trình, dự án đo đạc và bản đồ sử dụng nguồn vốn ngân sách phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện;
- Chủ đầu tư thuê đơn vị có đủ điều kiện và năng lực được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp giấy phép để lập thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ;
- Đối với các công trình đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước, việc lập dự toán kinh phí phải dựa trên đơn giá đo đạc và bản đồ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
- Đối với các công trình đo đạc và bản đồ không sử dụng ngân sách nhà nước, việc phê duyệt dự toán kinh phí do chủ đầu tư quyết định.
2. Căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật - dự toán:
a) Phạm vi nghiên cứu của dự án;
b) Các tài liệu trắc địa, bản đồ hiện có, chất lượng tài liệu;
c) Kết quả khảo sát khu vực thực hiện dự án về mức độ khó khăn, khả năng sử dụng các tài liệu trắc địa bản đồ hiện có;
d) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ do các bộ, ngành ban hành;
đ) Đơn giá sản phẩm đo đạc, thành lập bản đồ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành;
e) Các văn bản về định mức kinh tế - kỹ thuật và lập dự toán kinh phí về đo đạc và bản đồ do các bộ, ngành ban hành.
3. Nội dung thiết kế kỹ thuật - dự toán:
a) Sự cần thiết phải đo đạc, thành lập bản đồ;
b) Cơ sở pháp lý, các văn bản áp dụng trong thiết kế và thi công;
c) Mục đích, yêu cầu, phạm vi của dự án;
d) Đặc điểm địa hình, tình hình kinh tế xã hội của khu vực thực hiện dự án;
đ) Hiện trạng và khả năng sử dụng tư liệu, tài liệu đo đạc, bản đồ địa chính, bản đồ địa hình, bản đồ địa giới hành chính, các tư liệu ảnh và các loại tài liệu, bản đồ khác;
e) Thiết kế kỹ thuật và quy trình công nghệ từ tổng thể đến chi tiết cho từng hạng mục;
g) Kế hoạch thực hiện;
h) Công tác kiểm tra nghiệm thu, giao nộp sản phẩm;
i) Dự toán kinh phí.
4. Trường hợp trích đo địa chính thửa đất không phải lập thiết kế kỹ thuật - dự toán nhưng phải lập phương án thi công và được cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt.
Nội dung chính của phương án thi công bao gồm:
a) Căn cứ lập phương án;
b) Tóm tắt mục tiêu, yêu cầu, phạm vi nhiệm vụ, khối lượng công việc;
c) Tóm tắt giải pháp kỹ thuật và tổ chức thực hiện;
d) Kinh phí thực hiện.
5. Về đơn giá lập bản đồ hiện trạng: Áp dụng bộ đơn giá sản phẩm đo đạc địa chính do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành trên nguyên tắc chỉ được tính chi phí của những hạng mục công việc tương ứng khi thực hiện đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng.
Điều 7. Thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán
1. Thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ
a) Công trình đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước:
- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các dự án, công trình đo đạc và bản đồ sử dụng nguồn vốn ngân sách do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định đầu tư và do các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội thực hiện.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện có trách nhiệm thực hiện thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các dự án, công trình đo đạc và bản đồ sử dụng nguồn vốn ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã quyết định đầu tư.
- Kết quả thẩm định là căn cứ để phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán và nghiệm thu thanh quyết toán công trình đo đạc và bản đồ theo quy định.
b) Công trình đo đạc và bản đồ không sử dụng ngân sách nhà nước: Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định hoặc thuê đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và năng lực để thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán kinh phí công trình đo đạc và bản đồ.
c) Hồ sơ trình thẩm định:
- Tờ trình thẩm định của chủ đầu tư;
- Hồ sơ năng lực của tổ chức lập thiết kế kỹ thuật - dự toán;
- Báo cáo khảo sát phục vụ công tác lập thiết kế kỹ thuật - dự toán;
- Thiết kế kỹ thuật - dự toán và các văn bản sử dụng làm căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật - dự toán.
d) Hình thức thực hiện thẩm định:
Chủ đầu tư gửi tờ trình hoặc văn bản đề nghị thẩm định kèm theo hồ sơ tại bộ phận văn thư của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc qua đường bưu điện. Sau khi có kết quả thẩm định được gửi trả chủ đầu tư qua đường bưu điện hoặc thông báo trực tiếp cho chủ đầu tư đến nhận tại bộ phận văn thư.
2. Phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ
a) Đối với các công trình đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước thì việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán do cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư phê duyệt;
b) Các công trình đo đạc và bản đồ không sử dụng ngân sách nhà nước việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư.
Điều 8. Phân cấp kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ
1. Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu các sản phẩm bản đồ sử dụng làm tài liệu, hồ sơ phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, gồm:
- Bản đồ địa chính các tỷ lệ;
- Bản đồ địa hình các tỷ lệ phục vụ công tác quản lý và quy hoạch: Xây dựng đô thị - nông thôn; công trình ngầm đô thị; cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên và môi trường; quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi;
- Bản đồ hiện trạng.
2. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; bản đồ hiện trạng sử dụng làm tài liệu giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trích đo địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất và mục đích quản lý đất đai khác; bản đồ phục vụ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân thuộc thẩm quyền cấp huyện.
Điều 9. Nội dung kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ
1. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:
a) Quy trình kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ địa chính, bản đồ địa hình, bản đồ hành chính và các loại bản đồ chuyên đề khác được thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Đối với bản đồ hiện trạng, nội dung kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu gồm:
- Cơ sở toán học khi lập bản đồ;
- Phương pháp thành lập bản đồ;
- Đối chiếu dáng đất, địa vật giữa bản đồ và thực địa;
- Diện tích và tiếp biên với ranh giới các thửa đất các dự án liền kề; chỉ giới về quy hoạch; ranh giới sử dụng đất theo các quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
2. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, nội dung kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ gồm:
a) Bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nội dung kiểm tra theo quy định hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Bản đồ hiện trạng sử dụng làm tài liệu giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện; bản đồ phục vụ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền cấp huyện: Nội dung kiểm tra, thẩm định theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Điều 10. Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ
1. Thông tin, dữ liệu đo đạc bản đồ không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo nhu cầu sử dụng.
2. Việc cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước độ Mật cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt.
3. Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước độ Tối mật chỉ được cung cấp khi có yêu cầu bằng văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, người đứng đầu cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan của Trung ương Đảng, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.
4. Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) là đơn vị được giao cung cấp thông tin tư liệu tài nguyên môi trường, cung cấp trích lục bản đồ, điểm tọa độ, trả lời thông tin về nguồn gốc đất đai, sao lục bản đồ, hồ sơ địa chính, dịch vụ khai thác thông tin đất đai và khai thác các tài liệu khác có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường theo quy định của pháp luật.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố
Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.
2. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản, quy định, quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố;
b) Chủ trì rà soát, xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đo đạc và bản đồ trên địa bàn thành phố theo quy định;
c) Thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán các dự án, công trình đo đạc và bản đồ theo quy định tại Điều 8 của Quy định này;
d) Trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, dự án về đo đạc và bản đồ của ngành và địa phương, đảm bảo không chồng chéo với kế hoạch, dự án của cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ và của các Bộ, ngành khác;
đ) Tổ chức, quản lý việc triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ theo quy hoạch, kế hoạch; quản lý hệ thống tư liệu đo đạc và bản đồ trên toàn thành phố; quản lý việc bảo mật, lưu trữ, cung cấp khai thác sử dụng thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ; quản lý việc bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc và bản đồ theo quy định;
e) Kiểm tra, nghiệm thu xác nhận bản đồ theo quy định tại Điều 9 của Quy định này;
g) Thẩm định hồ sơ và đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp mới, cấp bổ sung hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho các tổ chức; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ của các tổ chức và cá nhân theo quy định;
h) Quản lý và tổ chức thực hiện việc xây dựng, cập nhật, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ; cập nhật, lưu trữ, công bố và cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý của thành phố và các thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao;
i) Theo dõi việc xuất bản, phát hành bản đồ và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ phát hành, thu hồi các ấn phẩm bản đồ có sai sót về địa giới hành chính, địa danh thuộc thành phố Hà Nội; ấn phẩm bản đồ có sai sót về kỹ thuật;
k) Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và quản lý bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính, giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính các cấp;
l) Chủ trì cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất trên bản đồ, cắm mốc và bàn giao mốc ngoài thực địa cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất; cắm mốc giới và bàn giao đất cho các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; chủ trì tổ chức sản xuất, gia công mốc giới và mặt mốc giới, thực hiện quản lý quy chuẩn mốc giới trên địa bàn Thành phố.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo và giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác quản lý và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ tại địa phương theo quy định;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm, dự án về đo đạc và bản đồ của địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch, dự án của Ủy ban nhân dân Thành phố và triển khai thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt;
c) Thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán hạng mục đo đạc bản đồ thuộc các dự án sử dụng vốn do cấp huyện và cấp xã làm chủ đầu tư; kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu bản đồ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; trích đo địa chính sử dụng làm tài liệu giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trích đo địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất và mục đích quản lý đất đai khác; bản đồ phục vụ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân thuộc thẩm quyền cấp huyện.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Tổ chức tuyên truyền và giáo dục mọi công dân có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ;
b) Ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động đo đạc, bản đồ và bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc bản đồ tại địa phương;
c) Phối hợp với các ngành để tiếp nhận, quản lý hệ thống bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính, mốc quy hoạch xây dựng, giao thông theo quy định.
5. Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội: Tổ chức lưu trữ, quản lý, khai thác, cập nhật và sử dụng dữ liệu về đo đạc và bản đồ theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ và pháp luật có liên quan khác khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
2. Chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình đo đạc có trách nhiệm lập hồ sơ và bàn giao công trình cho Ủy ban nhân dân xã nơi đặt công trình theo quy định.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc theo quy định của pháp luật.
4. Không được cản trở hoặc gây khó khăn cho người có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ.
5. Đề xuất và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản đình chỉ phát hành hoặc thu hồi: Các ấn phẩm bản đồ có sai sót về việc thể hiện địa giới hành chính, địa danh; sản phẩm bản đồ có sai sót nghiêm trọng về kỹ thuật; sản phẩm bản đồ có nội dung thuộc phạm vi nghiêm cấm theo quy định của Luật Xuất bản.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy định này; phối hợp với các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thi hành Quy định này trên địa bàn Thành phố./.
BẢNG
KÝ HIỆU CÁC KÝ HIỆU VÀ ĐỊA VẬT ĐIỂN HÌNH TỶ LỆ 1/500
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Số TT |
Loại địa vật |
Tên lớp (Layer) |
Mầu (Color) |
Tên Block |
Ký hiệu |
1 |
Ruộng trồng lúa 1 vụ |
17 |
Yellow |
1 LUA |
|
2 |
Ruộng trồng lúa 2 vụ |
17 |
Yellow |
2 LUA |
|
3 |
Ruộng trồng màu |
17 |
Yellow |
MAU |
|
4 |
Bồn trồng hoa |
17 |
Yellow |
B_HOA |
|
5 |
Cây thân cỏ (ngắn hạn) |
17 |
Yellow |
CAY-TC |
|
6 |
Cây thân gỗ |
17 |
Yellow |
CAY-TG |
|
7 |
Cây thân leo |
17 |
Yellow |
CAY-TL |
|
8 |
Cây lá rộng |
17 |
Yellow |
CAY-LR |
|
9 |
Cây dâu |
17 |
Yellow |
CAYDAU |
|
10 |
Họ cây dừa, cọ, cau |
17 |
Yellow |
CODUA |
|
11 |
Cây thuốc |
17 |
Yellow |
CTHUOC |
|
12 |
Họ cây tre, trúc, nứa |
17 |
Yellow |
TRENUA |
|
13 |
Cây lá nhọn |
17 |
Yellow |
CAYLN |
|
14 |
Ruộng rau |
17 |
Yellow |
RAU |
|
15 |
Cột cờ |
17 |
Yellow |
COTCO |
|
16 |
Ao sen |
17 |
Yellow |
SEN |
|
17 |
Bốt điện thoại |
17 |
Yellow |
BOT_DT |
|
18 |
Đài liệt sĩ |
17 |
Yellow |
DAI_LIET-SI |
|
19 |
Đài phun nước |
17 |
Yellow |
DAI_PN |
|
20 |
Ống khói nhà máy |
17 |
Yellow |
ONG KHOI |
|
21 |
Đèn neon |
17 |
Yellow |
DENNEON |
|
22 |
Đèn tín hiệu giao thông |
17 |
Yellow |
DEN_GT |
|
23 |
Kiến trúc dạng tháp cổ |
17 |
Yellow |
THAP |
|
24 |
Chòi cao, tháp cao |
17 |
Yellow |
CHOI |
|
25 |
Tháp chuông |
17 |
Yellow |
CHUONG |
|
26 |
Biển báo |
17 |
Yellow |
BB |
|
27 |
Cột điện không dây |
17 |
Yellow |
CDIEN_KD |
|
28 |
Cột điện hạ thế |
17 |
Yellow |
CDIEN |
|
29 |
Cột điện cao thế |
17 |
Yellow |
CDCT |
|
30 |
Cột điện cao thế - 1 hướng |
17 |
Yellow |
CDCT_CUT |
|
31 |
Trạm xăng |
17 |
Yellow |
TR_XANG |
|
32 |
Cột điện thông tin |
17 |
Yellow |
CDTT |
|
33 |
Miếu thờ, đình, chùa |
17 |
Yellow |
MIEU |
|
34 |
Cột đèn phải |
17 |
Yellow |
DEN-P |
|
35 |
Cột đèn trái |
17 |
Yellow |
DEN-T |
|
36 |
Mộ xây |
17 |
Yellow |
MOXAY |
|
37 |
Mộ đất |
17 |
Yellow |
MODAT |
|
38 |
Nghĩa địa |
17 |
Yellow |
N_DIA |
|
39 |
Mốc lộ giới |
17 |
Yellow |
M_L_G |
|
40 |
Trạm biến thế treo |
17 |
Yellow |
TRAMBT |
|
41 |
Tượng đài, bia kỷ niệm |
17 |
Yellow |
TĐ |
|
42 |
Điểm lưới ĐCCS |
17 |
Yellow |
ĐCCS |
|
43 |
Điểm lưới địa chính |
17 |
Yellow |
ĐC |
|
44 |
Điểm lưới cơ sở và đo vẽ |
17 |
Yellow |
LUOI |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.