ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2015/QĐ-UBND |
Lào Cai, ngày 06 tháng 08 năm 2015 |
BAN
HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CƠ SỞ CHẾ BIẾN GỖ, LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 109/TTr - SNN ngày 02/6/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và ĐT, Công Thương, Tài nguyên và MT, Xây dựng; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUẢN
LÝ CƠ SỞ CHẾ BIẾN GỖ, LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 37/2015/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh
Lào Cai)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Quy chế này quy định về quản lý cơ sở chế biến gỗ, lâm sản bao gồm: Địa điểm xây dựng; ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản; xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; phân công trách nhiệm quản lý hoạt động chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
b) Những nội dung không quy định trong Quy chế này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động chế biến gỗ, lâm sản phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam có cơ sở chế biến gỗ, lâm sản đặt trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
b) Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản: Là quá trình gia công, chế biến, chế tác nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ thành các sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
2. Cơ sở chế biến gỗ, lâm sản: Là đơn vị hoạt động chế biến gỗ, lâm sản độc lập, được thành lập, đăng ký kinh doanh ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản dưới hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể và đáp ứng các điều kiện sản xuất kinh doanh chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.
3. Chủ cơ sở chế biến gỗ, lâm sản: Là chủ sở hữu hợp pháp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ theo quy định của pháp luật.
4. Nguyên liệu gỗ, lâm sản hợp pháp: Là gỗ và lâm sản ngoài gỗ được khai thác từ rừng trồng, rừng tự nhiên, hoặc được mua, bán, nhập khẩu có đầy đủ hồ sơ, chứng từ; đảm bảo trình tự, thủ tục pháp lý; được cơ quan có chức năng kiểm soát, xác nhận theo đúng quy định của pháp luật.
5. Ranh giới rừng tự nhiên: Là ranh giới quy hoạch đất lâm nghiệp mà hiện trạng trên đất có rừng tự nhiên.
6. Chế biến sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ có giá trị gia tăng cao: Là quá trình chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng ít nhất 2 (hai) lần so với giá trị nguyên liệu đầu vào.
Điều 3. Địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản
1. Địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, thành phố, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh và phương án bố trí, sắp xếp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản ở từng địa phương. Các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản riêng lẻ xây dựng phải cách xa ranh giới rừng tự nhiên có bán kính tối thiểu là 3 (ba) km.
2. Thẩm quyền chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản:
a) UBND tỉnh chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản đối với tổ chức, nhà đầu tư (không thuộc Điểm c Khoản này) theo đề nghị của Sở Xây dựng đối với các dự án cơ sở chế biến gỗ, lâm sản không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp dự án cơ sở chế biến gỗ, lâm sản thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư trước khi dự án triển khai hoạt động.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trong Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, phù hợp với quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết của Khu Công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.
c) UBND cấp huyện chấp thuận địa điểm xây dựng đối với tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trong Cụm công nghiệp trên địa bàn do cấp huyện quản lý hoặc cơ sở chế biến gỗ, lâm sản của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài Cụm công nghiệp phù hợp phương án bố trí, sắp xếp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản tại địa phương.
3. Việc xem xét, chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản đối với các trường hợp thành lập mới, được thực hiện đồng thời với việc giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký ngành nghề kinh doanh, thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành của UBND tỉnh đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản
1. Các ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản được khuyến khích:
a) Chế biến theo quy trình công nghiệp, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có giá trị gia tăng cao;
b) Chế biến gắn với trồng rừng hoặc liên kết với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong tỉnh trồng rừng và sử dụng rừng trồng tại chỗ đưa vào chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn lao động tại địa phương;
c) Chế biến nguyên liệu tận dụng (gốc, rễ, cành, ngọn) gỗ rừng trồng, rừng tự nhiên hoặc phụ liệu, phế liệu gỗ chế biến để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng; giảm lượng rác thải, góp phần bảo vệ môi trường;
d) Gia công, chế tác đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ nội, ngoại thất, hàng mỹ nghệ tinh xảo có tính mỹ thuật cao, tiết kiệm nguyên phụ liệu, tạo giá trị gia tăng cao trên đơn vị sản phẩm;
đ) Chế biến các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ có nguồn gốc hợp pháp: chưng cất tinh dầu quế, tinh dầu thảo quả, sa nhân, dược liệu; mây, tre, trúc, vầu, nứa...
2. Không khuyến khích đầu tư, lập mới đối với cơ sở:
a) Chế biến thô, bán thành phẩm (gỗ dăm, gỗ bóc,...) từ nguyên liệu rừng trồng để buôn bán, xuất khẩu;
b) Chuyên gom, trữ, sơ chế thủ công gỗ nguyên liệu để bán mà không đầu tư trang thiết bị, không có nguồn nhân lực để thực hiện các công đoạn chế biến sản phẩm giá trị gia tăng tiếp theo.
Điều 5. Nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản đưa vào chế biến
1. Các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp và thực hiện quản lý hồ sơ, thủ tục gỗ, lâm sản theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trong phương án chế biến gỗ, lâm sản phải lập phương án sử dụng nguồn nguyên liệu phù hợp với quy mô, công suất của các cơ sở, gồm khối lượng, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, hình thức cung cấp nguồn nguyên liệu.
3. Các cơ sở sản xuất chế biến gỗ, lâm sản đầu tư trồng rừng tạo vùng nguyên liệu hoặc chủ động liên kết với tổ chức, cá nhân hộ gia đình trồng rừng, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến ổn định.
Điều 6. Đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản
Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng đồng thời các quy định sau:
1. Có địa điểm xây dựng mới, mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo Khoản 2, Điều 3 của Quy chế này.
2. Có ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.
3. Có nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản hợp pháp theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
4. Thực hiện đúng thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản và thủ tục về đầu tư theo quy định của pháp luật.
1. Các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh đang hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép hoạt động chế biến gỗ, lâm sản, quyết định phê duyệt hoặc văn bản chấp thuận dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây được tiếp tục hoạt động nếu đáp ứng các quy định sau:
a) Địa điểm cơ sở chế biến gỗ, lâm sản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và phương án bố trí, sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng đề án bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy theo quy định;
c) Có nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ hợp pháp sử dụng cho chế biến ổn định đáp ứng quy mô, công suất đang hoạt động.
2. Các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản tại Khoản 1, Điều này nếu chưa thực hiện đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy theo quy định thì phải bổ sung hoàn tất các thủ tục nêu trên trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực.
3. Các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản đang hoạt động nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phương án bố trí, sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải cam kết di dời đến vị trí mới phù hợp quy hoạch trong thời hạn 01 (một) năm kể từ thời điểm cấp có thẩm quyền công bố quy hoạch, phương án bố trí, sắp xếp lại; nếu quá thời hạn mà không chấp hành thì sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định.
4. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chế này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHẾ BIỂN GỖ, LÂM SẢN
Điều 8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện lập Quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công bố công khai quy hoạch trên địa bàn tỉnh; tham gia thẩm định Phương án sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn cấp huyện do UBND cấp huyện lập.
2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện thẩm định, có ý kiến về ngành nghề chế biến, nguồn nguyên liệu hợp pháp sử dụng cho chế biến đối với tổ chức, cá nhân đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh làm cơ sở giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định.
3. Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan.
4. Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ đưa vào chế biến tại các cơ sở trong tỉnh theo quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản ban hành tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; xử lý nghiêm các chủ cơ sở chế biến gỗ, lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ bất hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng và hằng năm về hoạt động sản xuất chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh gửi UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
1. Có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến gỗ, lâm sản đối với tổ chức đáp ứng các quy định tại Điều 6 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 7 Quy chế này.
2. Hướng dẫn các tổ chức đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở sản xuất chế biến gỗ, lâm sản ngoài Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, Cụm công nghiệp đáp ứng các quy định của Quy chế này thực hiện thủ tục đầu tư theo các quy định hiện hành về đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách của tỉnh.
3. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản có hành vi vi phạm các quy định về đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015, Luật Đầu tư năm 2015 và các Văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chấp thuận địa điểm xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân và trình UBND tỉnh phê duyệt, phù hợp với quy hoạch.
2. Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản.
Điều 11. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc lập Quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản; bố trí cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trong các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các thủ tục về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thành lập chi nhánh, thay đổi nội dung đầu tư, đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trong Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải theo quy định của pháp luật về đầu tư và đáp ứng các quy định tại Điều 6 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 7 Quy chế này.
3. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm tra hoạt động sản xuất chế biến gỗ, lâm sản của các tổ chức, cá nhân trong Khu công nghiệp theo quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này.
1. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc lập Quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh; tham gia thẩm định Phương án sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn cấp huyện do UBND cấp huyện lập.
2. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ, lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên, rừng trồng, gỗ nhập khẩu của các tổ chức sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Điều 13. Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện trong việc lập Quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh và Phương án bố trí, sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn cấp huyện phù hợp Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và từng địa phương.
2. Tiếp nhận, xử lý, tham mưu UBND tỉnh giải quyết hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các vấn đề khác có liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức đầu tư dự án xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản thuộc đối tượng phải lập đánh giá tác động môi trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các cơ sở chế biến gỗ, chế biến lâm sản vi phạm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Các sở, ngành chức năng khác căn cứ chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và quy định pháp luật có liên quan hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Điều 14. Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì rà soát, lập Phương án bố trí, sắp xếp lại cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn cấp huyện và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc lập Quy hoạch phát triển chế biến gỗ, lâm sản của tỉnh trên địa bàn huyện.
2. Cấp Giấy đăng ký hộ kinh doanh, ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản cho cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế này.
3. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư cho cá nhân, nhà đầu tư trong nước đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở sản xuất chế biến gỗ, lâm sản trong Cụm công nghiệp theo quy định phân cấp của UBND tỉnh đáp ứng các quy định tại Quy chế này; thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn huyện thực hiện quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên việc sử dụng nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến của các cơ sở trên địa bàn huyện theo quy định hồ sơ gỗ, lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc gỗ, lâm sản do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hanh tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Chủ trì hoặc phối hợp các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
6. Thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý vào ngày 25 của tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng và hằng năm về hoạt động sản xuất chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn quản lý gửi Sở Nông nghiệp và PTNT.
7. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nội dung sau:
a) Thông báo công khai Quy hoạch, Phương án sắp xếp bố trí cơ sở sản xuất chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn quản lý theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền; tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản thực hiện chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước và của UBND tỉnh;
b) Thực hiện quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản ban hành tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
c) Phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn quản lý; xử lý các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản vi phạm theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Điều 15. Trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất chế biến gỗ, lâm sản
1. Thực hiện đúng quy định về đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp cơ sở chế biến gỗ, lâm sản tại Điều 6 Quy chế này.
2. Cơ sở chế biến gỗ, lâm sản đang hoạt động sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định tại Điều 7 Quy chế này.
3. Chấp hành quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản ban hành tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 và Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý chuyên ngành khi thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cơ sở thuộc quyền quản lý theo quy định của Quy chế này và quy định của pháp luật hiện hành.
4. Nguyên liệu, sản phẩm sau chế biến, phế liệu sau chế biến chỉ được xếp, dỡ, phơi khô trong phạm vi khuôn viên nhà máy, cơ sở; các loại phế liệu, phụ phẩm sau chế biến phải thu, gom, xử lý theo quy định; nghiêm cấm việc chôn, lấp, đốt cháy gây tác hại xấu đến môi trường xung quanh.
5. Định kỳ 03 tháng một lần, vào ngày 20 tháng cuối quý Báo cáo về tình hình nhập, xuất lâm sản, chế biến gỗ, lâm sản gửi Hạt Kiểm lâm cấp huyện theo quy định tại khoản 1, Điều 32 Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Điều 16. Việc xử lý chuyển tiếp đối với các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trước thời điểm Quy chế này có hiệu lực thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.
Điều 17. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phổ biến công khai Quy chế này trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.