ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3485/QĐ-UBND |
Bình Dương, ngày 23 tháng 11 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 979/QĐ-BNN-KH ngày 19/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Ban hành kế hoạch xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2291/SNN-NN ngày 29/10/2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Thống kê tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
KẾ HOẠCH
CƠ CẤU LẠI NGÀNH
NÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 3485/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh Bình
Dương)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3,0%/năm.
- Tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
- Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- 20% diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); 30% số trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP).
- Duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 99%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 93%.
- Tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm duy trì ở mức 57,5% .
- Tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 2,5%.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1. Trung ương
- Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;
- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
- Chỉ thị số 3110/CT-BNN-KH ngày 08/5/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 năm 2021 - 2025;
- Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
2. Địa phương
- Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông lâm ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và bổ sung quy hoạch đến năm 2025;
- Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 20/01/2020 của Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Kế hoạch số 2916/KH-UBND ngày 23/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
III. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU LẠI NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐẾN NĂM 2030
1. Lĩnh vực trồng trọt
- Ứng dụng vào sản xuất các giống cây trồng có xác nhận đạt tiêu chuẩn, lưu giữ và bảo tồn nguồn gen quý hiếm nhằm mục đích cho công tác sản xuất giống. Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh; phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%.
2. Lĩnh vực chăn nuôi
- Mở rộng quy mô đàn heo ngoại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tổng đàn heo ổn định ở quy mô đầu con khoảng 800.000 con. Trong đó đàn heo nái khoảng 80.000 con.
- Chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng trang trại an toàn sinh học và nuôi gà ta thả vườn có kiểm soát dịch bệnh. Tổng đàn gà tăng bình quân 2% năm, số đầu con có mặt thường xuyên khoảng 12 triệu con. Trong đó: đàn gà nuôi công nghiệp chiếm khoảng 80%; đàn thủy cầm ổn định khoảng 750.000 con (trong đó: đàn thủy cầm nuôi công nghiệp chiếm khoảng 40%). Sản lượng trứng gia cầm hàng năm đạt khoảng 300 triệu quả/năm.
- Chăn nuôi gia súc: Đàn bò đạt quy mô khoảng 27.000 con[1], trong đó khoảng 11% chăn nuôi tập trung và khoảng 70% là bò thịt chăn thả; đàn trâu khoảng 2.500 con, nuôi tập trung chủ yếu ở các nông hộ.
- Kiểm soát chặt chẽ và chấp hành tốt quy định mật độ chăn nuôi theo Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh; ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Lĩnh vực lâm nghiệp
- Quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có, tổ chức quản lý nghiêm ngặt rừng tự nhiên và rừng trồng. Rà soát, đưa diện tích rừng đặc dụng vào quy hoạch lâm nghiệp[2] theo văn bản số 10346/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
- Thực hiện khoán bảo vệ rừng và các chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo đứng quy định; bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. Nâng cao hiệu quả công tác cho thuê môi trường rừng thực hiện Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu.
- Đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phục vụ công tác Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Thực hiện trồng rừng tập trung khi có quỹ đất trống, trồng tái canh sau khai thác chính kịp thời và đúng thời vụ. Thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đối với diện tích rừng tự nhiên chưa giao khoán. Phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và triển khai vận động cơ quan, tổ chức, nhân dân tích cực trồng cây phân tán theo kế hoạch hàng năm.
- Hướng dẫn các đơn vị chủ rừng xây dựng và thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững theo đúng quy định.
- Rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới lâm phận và đôn đốc các chủ rừng xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững.
4. Lĩnh vực thủy sản
Tiếp tục duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu vực hồ cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng và đập Phước Hoà, xã An Thái, huyện Phú Giáo.
5. Công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường
- Kêu gọi, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản.
- Áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.
6. Lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai
- Bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%.
- Tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đến năm 2025 đạt tỷ lệ 93%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 98%.
- Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai góp phần quan trọng bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh.
7. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đảm bảo theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn. Hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra, đồng thời xây dựng chương trình nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của giai đoạn mới.
- Nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, hỗ trợ làm giàu, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội ở khu vực nông thôn; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn theo hướng bền vững; bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.
- Xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030 gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn. Nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, bình an, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
IV. ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh
- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo 3 trục sản phẩm([3]). Thực hiện đồng bộ kế hoạch cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực, chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh cây trồng, vật nuôi,... thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.
- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng và trồng cây phân tán, quản lý động vật hoang dã.
2. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm cải tiến chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị. Đưa khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
- Triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học,...
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. Chú trọng phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ đê hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Hình thành và phát triển hệ thống logistic đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.
3. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; Đẩy mạnh phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản
- Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất với sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp nông nghiệp; tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ; Triển khai các chương trình, đề án nhằm mục tiêu đa dạng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ xây dựng phát triển thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh phát triển thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử; các kênh phân phối, đẩy mạnh kết nối giữa nhà phân phối và nông dân.
- Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường; ký kết hợp tác nông nghiệp với các địa phương trong vùng để tạo mối liên kết phát triển bền vững, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản.
- Tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
4. Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí nâng cao
a) Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình; duy trì 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí (Đặc biệt là đối với các xã đã được công nhận). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình, đảm bảo chất lượng thiết thực.
b) Phát triển ngành nghề nông thôn
- Thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực theo 03 trục sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nông thôn và Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
- Phối hợp hỗ trợ các làng nghề, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng hiện đại và có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo nhân lực cho Hợp tác xã.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên
- Đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình thủy lợi; tham gia quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Phát triển và sử dụng có hiệu quả bền vững diện tích rừng và quỹ đất được quy hoạch; phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội.
6. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Rà soát, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3,4 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí. Công khai và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện hỗ trợ đối vái các chính sách phát triển nông nghiệp.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác. Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp thu hút Doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách liên quan để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn.
8. Tăng cường công tác thanh tra; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng
- Triển khai kế hoạch thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 35/CT/TW ngày 26/5/2014, Nghị quyết 39/2012/pH13 ngày 23/11/2012 và các chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
9. Kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
Thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng; thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
10. Thực hiện tốt và đổi mới công tác dự báo thống kê; thông tin tuyên truyền, thi đua, khen thưởng
- Tăng cường năng lực công tác thống kê, dự báo và truyền thông đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất, kinh doanh của ngành. Tổ chức tốt việc thực hiện hợp tác, phối hợp về công tác thống kê và chia sẻ thông tin với Cục Thống kê. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý; khai thác cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Tăng cường công khai, minh bạch và cung cấp thông tin về các vấn đề của ngành được xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Kịp thời đánh giá, tổng kết và phản ánh hoạt động của ngành; phát hiện, phê phán và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu và tuyên dương những gương người tốt, những việc làm hay để nhân rộng trong toàn ngành.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục cụ thể hóa các phong trào thi đua chuyên đề, hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương phát động, như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong toàn ngành.
11. Triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; các Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các Chương trình, dự án trọng tâm của ngành; Các Chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai các chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp các Sở ngành và địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các địa phương giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên toàn tỉnh theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các sở, ban, ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án theo Kế hoạch số 2916/KH-UBND ngày 23/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Cục Thống kê: Hàng năm, xây dựng kế hoạch điều tra, cung cấp số liệu có liên quan đến giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của địa phương; Giám sát, đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Tích cực thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt kế hoạch./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.