UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2004/QĐ-UBND |
Tam Kỳ, ngày 04 tháng 6 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
VỀ MỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ TRÔNG GIỮ XE ĐẠP, XE MÁY, Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 15/2003/TT-BTC ngày 07/3/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 88/2004/NQ-HĐND ngày 25/3/2004 của HĐND tỉnh Quảng Nam Khoá VI, kỳ họp thứ 16 về thu, quản lý, sử dụng một số loại phí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 731/STC-NS ngày 13 tháng 5 năm 2004;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như sau:
1- Phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô là khoản thu vào chủ phương tiện có nhu cầu trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các điểm đỗ, bãi trông giữ phương tiện phù hợp với quy hoạch và quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị của địa phương hoặc là khoản thu vào chủ phương tiện bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
2- Đối tượng nộp:
Các chủ phương tiện có nhu cầu phải trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại các điểm đỗ, bãi trông giữ phương tiện hoặc chủ phương tiện bị tạm giữ do vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
3- Mức thu phí:
a- Đối với điểm giữ xe:
- Ban ngày: Xe đạp là 500 đồng/lượt, xe máy 1.000 đồng/lượt, ô tô 4 chỗ ngồi 4.000 đồng/lượt, ô tô trên 4 chỗ ngồi đến dưới 15 chỗ ngồi hoặc xe có trọng tải dưới 2,5 tấn thu 6.000 đồng/lượt, ô tô từ 15 chỗ ngồi trở lên hoặc xe tải từ 2,5 tấn trở lên thu 8.000 đồng/lượt.
- Ban đêm: Xe đạp là 1.000 đồng/lượt, xe máy 2.000 đồng/lượt, ô tô 4 chỗ ngồi 8.000 đồng/lượt, ô tô trên 4 chỗ ngồi đến dưới 15 chỗ ngồi hoặc xe có trọng tải dưới 2,5 tấn thu 12.000 đồng/lượt, ô tô từ 15 chỗ ngồi trở lên hoặc xe tải từ 2,5 tấn trở lên thu 16.000 đồng/lượt.
- Trường hợp trông giữ xe cả ngày lẫn đêm thì mức thu phí cả ngày lẫn đêm bằng mức thu phí ban ngày cộng với mức thu phí ban đêm.
Riêng đối với:
- Các điểm giữ xe tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, mức thu tối đa không quá 2 lần và tương ứng với thời gian nêu trên.
- Các điểm giữ xe ở các xã nông thôn, trường học, bệnh viện, chợ, mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy như sau:
+ Ban ngày: Xe đạp là 200 đồng/lượt, xe máy 500 đồng/lượt
+ Ban đêm: Xe đạp là 500 đồng/lượt, xe máy 1.000 đồng/lượt.
+ Trường hợp trông giữ xe cả ngày lẫn đêm thì mức thu phí cả ngày lẫn đêm bằng mức thu phí ban ngày cộng với mức thu phí ban đêm.
b- Đối với việc tạm giữ xe do vi phạm trật tự an toàn giao thông:
- Xe ô tô, máy kéo, xe công nông, xe máy chuyên dùng gồm: xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe tương tự, thu 20.000 đồng/chiếc/ngày - đêm;
- Xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy 2 bánh và các loại xe tương tự (trừ xe cơ giới dùng cho người tàn tật), thu 4.000 đồng/chiếc/ngày - đêm.
- Các loại xe thô sơ gồm xe đạp, xe xích lô, xe ba gác, xe bò, xe cải tiến, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự, thu 2.000 đồng/chiếc/ngày - đêm.
4- Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng:
4.1- Đối với điểm giữ xe do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý, phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô là phí thuộc ngân sách Nhà nước.
a. Tổ chức, cá nhân thu phí (gọi tắt là cơ quan thu) có trách nhiệm:
- Tổ chức thu, nộp phí theo đúng quy định tại Quyết định này; niêm yết hoặc thông báo công khai mức thu phí tại các địa điểm thu phí; khi thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.
- Mở tài khoản “tạm giữ tiền phí” tại Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan thu đóng trụ sở để theo dõi, quản lý tiền phí thu được; định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần phải gửi tiền phí đã thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí, trích nộp tiền phí vào ngân sách Nhà nước; mở sổ sách kế toán để theo dõi, phản ánh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí thu được theo chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.
- Đăng ký, kê khai, thu, nộp phí với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý theo đúng quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
- Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
b- Tiền phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô được quản lý và sử dụng như sau:
b1- Đối với điểm giữ xe:
Trích 10% trên tổng số phí thu được để lại cơ quan thu trang trải chi phí cho việc thu phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với nội dung chi cụ thể sau đây:
- Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản bồi dưỡng, làm việc thêm giờ, ngoài giờ, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công cho người lao động (kể cả lao động thuê ngoài) trực tiếp phục vụ việc thu phí theo chế độ hiện hành.
- Chi phí phục vụ cho việc thu phí như vật tư văn phòng, tiền điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí, in (mua) tờ khai, các loại ấn chỉ khác theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
- Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn nhà giữ xe.
- Các khoản chi khác hợp lý.
- Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí. Mức trích lập 2 (hai) quỹ trên bình quân một người một năm tối đa không quá 3 (ba) tháng lương, nếu thực hiện số thu năm sau cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương, nếu thực hiệnsố thu năm sau thấp hơn hoặc bằng năm trước.
Riêng đối với cơ quan thu phí là đơn vị sự nghiệp có thu đã thực hiện theo Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ thì nội dung chi cụ thể thực hiện theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b2- Đối với các xe tạm giữ do vi phạm trật tự an toàn giao thông:
Cơ quan thu được để lại 90% trên tổng số phí thu được (coi như 100%) để trang trãi chi phí cho việc thu phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với nội dung chi cụ thể sau đây:
- Trích 30% bổ sung vào chi phí quản lý chung của cơ quan thu để chi phục vụ công tác tổ chức và quản lý thu.
- 70% còn lại chi cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác xử lý phương tiện vi phạm, nội dung gồm:
+ Bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ giữ phương tiện (kể cả thuê người ngoài giữ), thuê kho bãi, thuê phương tiện vận chuyển (trong trường hợp đơn vị không có kho bãi, phương tiện vận chuyển) về nơi tạm giữ.
+ Xây dựng, tu bổ kho bãi phục vụ việc tạm giữ.
+ Chi cho công tác điều tra, xác minh làm cơ sở cho việc ra quyết định xử lý.
+ Bồi dưỡng làm ngoài giờ cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia xử lý phương tiện giao thông vi phạm hành chính, mức bồi dưỡng tối đa 200.000 đồng/người/tháng.
Tiền phí còn lại (sau khi trừ số đã trích để lại), cơ quan thu nộp vào ngân sách Nhà nước theo mục 038, tiểu mục 06 mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành (cơ quan thu phí cấp nào thì nộp vào ngân sách cấp đó tỉnh, huyện, xã).
c. Hàng năm, cơ quan thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô phải lập dự toán thu - chi số tiền phí để lại gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế cùng cấp, Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản tạm giữ tiền phí, đồng thời phải quyết toán thu, chi theo thực tế; nếu chưa chi hết trong năm thì được chuyển sang năm sau tiếp tục chi theo chế độ quy định.
d. Việc quyết toán phí trông giữ xe đạp, xe máy, tô tô cùng thời gian với việc quyết toán ngân sách Nhà nước. Hàng năm cơ quan thu phí thực hiện quyết toán việc sử dụng biên lai thu phí, số tiền phí thu được, số tiền phí để lại cho đơn vị, số tiền phí phải nộp ngân sách, số tiền phí đã nộp và số tiền phí còn phải nộp ngân sách Nhà nước với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý; quyết toán việc sử dụng số tiền được trích để lại với cơ quan Tài chính cùng cấp theo đúng quy định.
4.2- Đối với điểm giữ xe không do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do Nhà nước đầu tư xây dựng nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuê quản lý sử dụng thì phí trông giữ xe đạp xe máy, ô tô là phí không thuộc ngân sách Nhà nước. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê điểm giữ xe nộp một lần tiền thuê theo giá trị hợp đồng vào ngân sách Nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí; tổ chức, cá nhân thu phí có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp, quyết toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác (nếu có) với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý và có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí sau khi đã nộp thuế.
Điều 2. - Giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, các Quy định trước đây trái với Quyết định này không còn hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Tư pháp, Thương mại, Du lịch, Văn hoá - Thông tin, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.