ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3392/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 12 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hộ tịch ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về chức danh số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
Căn cứ Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 150/TTr-STP ngày 25 tháng 11 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025’’.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
KIỆN TOÀN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC
TƯ PHÁP - HỘ TỊCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN
2022 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 3392/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế)
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được ngành Tư pháp và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đã được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, quản lý và giải quyết nhiệm vụ công tác tư pháp theo quy định pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, theo quy định pháp luật, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đang đảm nhận thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ về thẩm tra, rà soát văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã; kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật; quản lý và đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi, chứng thực; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; báo cáo, thống kê và tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tư pháp tại địa phương theo quy định của pháp luật. Ngoài các nhiệm vụ công tác tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã còn thực hiện những nhiệm vụ khác cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phân công thực hiện, như: trực tiếp công dân, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia ý kiến về các lĩnh vực pháp lý như giải phóng mặt bằng, giải quyết an ninh trật tự,...Với nhiệm vụ công tác tư pháp ngày càng mở rộng, khối lượng công việc gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch phải đảm bảo các tiêu chuẩn bắt buộc đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch, phải am hiểu về chính trị, pháp luật, phong tục, tập quán, có năng lực về tổ chức vận động nhân dân, điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Tính chất và sự kiện hộ tịch có tính dân sự, gắn liền với nhân thân của người dân ở cơ sở, công chức Tư pháp - Hộ tịch cũng cần phải có sự chuyên trách, ổn định, có kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững địa bàn, tình trạng hộ tịch của hộ gia đình, cư dân trên địa bàn để bảo đảm việc quản lý và đăng ký hộ tịch được kịp thời, chính xác, chất lượng và có hiệu quả.
Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch hiện có một số bất cập, hạn chế, như: công chức Tư pháp - Hộ tịch đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ dẫn đến việc quá tải và làm ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết các đầu công việc chuyên môn. Việc bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch không phù hợp với chuyên môn vẫn còn, nhất là khi thực hiện điều chuyển công an xã sang giữ chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch theo Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; một số công chức Tư pháp - Hộ tịch có khả năng phát triển đã được điều động, bố trí, bổ nhiệm ở những vị trí công việc khác hoặc bổ nhiệm ở vị trí cao hơn nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời tuyển dụng bổ sung dẫn đến quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn, lúng túng. Một số xã mới sau sắp xếp các đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết số 1264/NQ- UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có số lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch lớn nhưng chưa được địa phương bố trí phù hợp. Một số địa phương thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã dù công việc mà đội ngũ này phải đảm nhận có phạm vi rộng hơn so với vị trí phải định kỳ chuyển đổi. Thực tế này ảnh hưởng đến chất lượng triển khai công tác tư pháp cấp xã, đồng thời chưa bao quát được hết các nhiệm vụ tư pháp theo quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên và xây dựng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đảm bảo số lượng, chất lượng, giúp chính quyền cấp xã trong việc triển khai các nhiệm vụ tư pháp trên địa bàn theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX: “Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân, trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở” , việc xây dựng, ban hành Đề án “Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025’’ là hết sức cần thiết.
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
- Căn cứ Luật Hộ tịch năm 2014;
- Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về chức danh số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
- Căn cứ Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn;
- Căn cứ Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
- Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Căn cứ Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
- Căn cứ Công văn số 2363/BNV-CQĐP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch;
- Căn cứ Công văn số 416-CV/TU ngày 18 tháng 8 năm 2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về đánh giá, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã;
- Căn cứ Công văn số 7850/UBND-TH ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
III. THỰC TRẠNG SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC TƯ PHÁP - HỘ TỊCH CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Về số lượng
Tính đến ngày 30/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 264 công chức Tư pháp - Hộ tịch, trong đó có 06 xã bố trí 03 công chức Tư pháp - Hộ tịch; có 98 xã bố trí 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch; 32 xã, phường, thị trấn do thiếu biên chế nên chỉ bố trí được 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch; còn lại 05 xã do mới sát nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Bình Tiến (Hương Trà), xã Giang Hải (Phú Lộc), xã Lâm Đớt, xã Quảng Nhâm (A Lưới) có 04 công chức Tư pháp - Hộ tịch; xã Phú Gia (Phú Vang) có 05 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
2. Về chất lượng
a) Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ
- Thạc sĩ Luật: 10 người, tỷ lệ 3,78%; Đại học Luật: 234 người, tỷ lệ 88,6%; Trung cấp Luật: 12 người, tỷ lệ 4,5%; Cử nhân hành chính: 03 người, tỷ lệ 1,1%; Trung cấp khác: 05 người, tỷ lệ 1,8%.
Như vậy, trong tổng số 264 công chức Tư pháp - Hộ tịch, có 08 công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 72 Luật Hộ tịch hiện đang công tác tại các đơn vị sau: UBND xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà; UBND xã Phú Mỹ, UBND xã Vinh Hà, huyện Phú Vang; UBND xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; UBND xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông; UBND xã Hồng Thái, Lâm Đớt (02 người) thuộc huyện A Lưới.
b) Về trình độ tin học
- Trung cấp tin học trở lên có 03 người, tỷ lệ 1,1%; chứng chỉ tin học: 261 người, tỷ lệ 98,8%
c) Về trình độ ngoại ngữ
- Đại học ngoại ngữ có 01 người, tỷ lệ tỷ lệ 0,37%; chứng chỉ ngoại ngữ: 263 người, tỷ lệ 99,6%.
d) Về bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo Điều 72 của Luật Hộ tịch năm 2014
- Công chức Tư pháp - Hộ tịch đã được bồi dưỡng: 256 người, tỷ lệ 96,9%; chưa được bồi dưỡng: 08 người, tỷ lệ 3,0%, trong 08 người chưa được bồi dưỡng có 05 người không đủ điều kiện chuyên môn nghiệp vụ để được học tập, bồi dưỡng về nghiệp vụ.
(Chi tiết thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã tại Phụ lục đính kèm).
3. Đánh giá chung về đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch
a) Ưu điểm
- Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cơ bản có trình độ phù hợp với tiêu chuẩn, đặc điểm, tính chất và yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Phần lớn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã không ngừng được kiện toàn, củng cố, rèn luyện, thử thách trong quá trình công tác, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần tự học tập nâng cao trình độ kiến thức, trình độ chuyên môn nhằm phục vụ công tác được giao; nhiệt tình trong công tác; chủ động nghiên cứu chính sách, văn bản pháp luật mới có liên quan đến hoạt động để tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả.
b) Tồn tại, hạn chế
- Công chức Tư pháp - Hộ tịch phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong khi các văn bản liên quan đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhiều, thường thay đổi, bổ sung, ban hành mới, do vậy trong thực thi công việc chuyên môn vẫn còn chậm, chưa kịp thời, còn một số sai sót.
- Một số công chức được chuyển từ các chức danh khác sang chưa được tập huấn nghiệp vụ hoặc không đủ tiêu chuẩn theo quy định của Điều 72 Luật Hộ tịch, nên việc tiếp cận các văn bản luật, cách thức, trình tự giải quyết công việc đôi lúc còn lúng túng, mặt khác, vừa tiếp cận công việc mới, nên kinh nghiệm chưa có vì vậy có phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng khi tham mưu giải quyết công việc.
- Một số đơn vị có sự thay đổi, chuyển vị trí công tác và nghỉ hưu theo chế độ nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ. Đối với công chức khi chuyển đổi đến địa phương mới thì phải mất nhiều thời gian để nắm bắt tình hình, đặc điểm dân cư ở tại địa phương và mất nhiều thời gian trong việc xác minh về nhân thân một số trường hợp yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính như: chứng thực Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; chứng thực các hợp đồng, giao dịch về đất đai; xác nhận tình trạng hôn nhân,…
- Việc bố trí số xã do Quyết định phân loại đơn vị hành chính thuộc loại 3 (tối đa chỉ được 19 cán bộ, công chức) nên chỉ bố trí 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch; do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã gây khó khăn cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cũng như chính quyền địa phương; đặc biệt là trong trường hợp công chức Tư pháp - Hộ tịch bị ốm đau hoặc chuyển vị trí công tác thì không có công chức khác đủ tiêu chuẩn để đảm bảo xử lý công việc kịp thời.
c) Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
- Do một số địa phương trên địa bàn tỉnh có điều động, luân chuyển cán bộ như Công an, Xã đội, Văn phòng qua làm công tác Tư pháp - Hộ tịch, nên công việc vừa mới tiếp cận còn mới, kinh nghiệm giải quyết công việc chưa nhiều nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như chất lượng khi tham mưu giải quyết công việc.
- Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 158/2007/NĐ-CP đã ảnh hưởng và gây khó khăn cho UBND cấp xã khi quy hoạch nhân sự cũng như việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác giữa các công chức.
1. Mục tiêu chung
a) Xây dựng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trung thành, gương mẫu, chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa phương.
b) Củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đủ số lượng, ưu tiên bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn loại 1, loại 2.
c) Ổn định cơ bản đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo hướng hài hòa giữa thực hiện quy định pháp luật phòng chống tham nhũng và yêu cầu công tác tư pháp được giao ngày càng nhiều, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu am hiểu tình hình địa bàn dân cư, nhất là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi; các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển...
2. Mục tiêu cụ thể
a) 100% các xã, phường, thị trấn loại 1, loại 2, có số lượng công việc nhiều được bố trí tối thiểu 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
b) 100% công chức Tư pháp - Hộ tịch đảm bảo tiêu chuẩn theo Điều 72 của Luật Hộ tịch năm 2014 và Thông tư 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
c) Hàng năm, trên 80% công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng (trong đó, mỗi đơn vị cấp xã phải có ít nhất 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng); 100% công chức làm công tác hộ tịch được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch.
d) Nâng cao trình độ các mặt như: chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn các mặt theo yêu cầu vị trí việc làm, chức danh theo quy định.
a) Rà soát các xã, phường, thị trấn loại 1, loại 2 và đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch để xây dựng phương án sắp xếp đảm bảo xã, phường, thị trấn loại 1, loại 2 được bố trí tối thiểu 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp
- Thời gian thực hiện: hoàn thành trong Quý III/2022
b) Điều động công chức Tư pháp - Hộ tịch ở các xã còn dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính sang các xã lân cận thiếu biên chế nhưng phải bảo đảm chuyên môn, phù hợp với chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp
- Thời gian thực hiện: hoàn thành trong Quý III/2022
a) Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan và đảm bảo tính cạnh tranh theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công chức Tư pháp - Hộ tịch được tuyển dụng, bố trí phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn; bảo đảm công chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức danh được phân công.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
b) Quy hoạch đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, đảm bảo nguồn cán bộ kế cận có đủ tiêu chuẩn khi thực hiện điều động công chức Tư pháp - Hộ tịch đảm nhận công việc khác. Quan tâm quy hoạch, đề bạt, luân chuyển công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã có khả năng phát triển vào các vị trí chủ chốt của bộ máy chính quyền cấp xã. Kiên quyết không bố trí công chức bị kỷ luật hoặc không hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương, lĩnh vực công tác này, lại được bố trí sang đảm nhận nhiệm vụ công chức Tư pháp - Hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
3. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã
a) Bố trí, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, nhất là các trường hợp chưa có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ được gia đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn luật và nghiệp vụ về công tác hộ tịch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
b) Cử công chức Tư pháp - Hộ tịch tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; quản lý hành chính nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm của công chức cấp xã; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hành chính; kỹ năng vận động quần chúng; kỹ năng giao tiếp giải quyết các yêu cầu của nhân dân; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chữ ký số, chứng thư số...
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
c) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cấp xã nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác cho đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở Nội vụ
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
a) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành chính sách pháp luật và thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại cấp xã hàng năm. Kết hợp kiểm tra với hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa phương.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở Tư pháp
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
b) Tăng cường công tác giám sát đối với hành vi, thái độ, phong cách phục vụ của đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch thông qua hệ thống giám sát, qua kênh tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, hòm thư góp ý... để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quản lý đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch theo thẩm quyền.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
a) Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Tài chính,
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
b) Tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho công chức Tư pháp
- Hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở Thông tin và truyền thông
- Thời gian thực hiện: Hàng năm
c) Đầu tư trang thiết bị làm việc; bố trí máy vi tính, máy in, máy scan; nâng cấp đường truyền internet và các phương tiện làm việc khác cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, nhất là nâng cao hiệu quả ứng dụng phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch, cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính...
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
a) Thực hiện kịp thời các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch như: chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
b) Kịp thời biểu dương, khen thưởng công chức Tư pháp - Hộ tịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời xử lý nghiêm minh và kiên quyết các trường hợp công chức Tư pháp - Hộ tịch vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống, kỷ luật công tác, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
1. Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đảm bảo các chế độ, chính sách chi cho việc đào tạo nâng chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ công chức Tư pháp - Hộ tịch theo quy định hiện hành.
2. Trên cơ sở các nhiệm vụ, hàng năm các ngành, các cấp dự toán kinh phí cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt.
1. Sở Tư pháp
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Đề án.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế trong việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
c) Rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Nội vụ
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, điều động, xét chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đảm bảo theo đúng quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế trong triển khai thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho công chức Tư pháp - Hộ tịch.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tư pháp trong triển khai các dự án chuyển đổi số, số hóa dữ liệu hộ tịch từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
5. Sở Tài chính
Căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, lồng ghép kinh phí đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo đề án này; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đề án tại địa phương; phối hợp bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn (lồng ghép trong Báo cáo kết quả công tác tư pháp hàng năm hoặc theo đề nghị của Sở Tư pháp), gửi Sở Tư pháp theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan để triển khai thực hiện các nội dung được giao tại đề án bảo đảm thời gian
c) Chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện có hiệu quả đề án trên địa bàn.
7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức Tư pháp - Hộ tịch hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Huế để phê duyệt và tổ chức tuyển dụng.
b) Thực hiện chế độ, chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, tạo nguồn đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch. Xét, đề nghị khen thưởng công chức Tư pháp - Hộ tịch có thành tích trong công tác theo quy định hiện hành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.