BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3244/QĐ-BNN-KHCN |
Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2010 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 1 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2693/QĐ-BNN-KHCN ngày 24 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 - 2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020 (nội dung chi tiết trong phụ lục kèm theo) với những nội dung chủ yếu sau:
Hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn được tăng cường dựa trên 5 quan điểm sau:
a) Xây dựng và hoạt động theo Luật Bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành về môi trường nông nghiệp, nông thôn;
b) Quản lý thống nhất, tránh chồng chéo nhưng phải đáp ứng được yêu cầu đặc thù của một ngành có phạm vi hoạt động rộng, đa dạng và phức tạp;
c) Kế thừa và phối hợp chặt chẽ với hệ thống quan trắc môi trường Trung ương và các địa phương để đảm bảo tính thống nhất về phương pháp, kết quả đồng thời tiết kiệm chi phí;
d) Dựa trên mạng lưới sẵn có để tránh lãng phí và xáo trộn về tổ chức, tuy nhiên phải được nâng cấp, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quan trắc thường xuyên và cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và đề xuất được giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả;
đ) Gắn kết chặt chẽ giữa quan trắc môi trường với các chương trình sản xuất nông sản an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản.
a) Kịp thời đánh giá được hiện trạng chất lượng môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường nông thôn, phục vụ cho công tác cảnh báo ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh trong nông nghiệp;
b) Thu thập thông tin và thiết lập cơ sở dữ liệu về môi trường nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cho công tác quản lý và chỉ đạo kịp thời, hiệu quả hoạt động sản xuất của Ngành.
3.1. Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn:
3.1.1. Nhiệm vụ của mạng lưới quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn:
a. Phối hợp với các Vụ, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các địa phương và mạng lưới quan trắc môi trường thuộc các Bộ, ngành khác xác định nhu cầu, lập kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường, dịch bệnh trong nông nghiệp, nông thôn;
b. Tổ chức quan trắc các nội dung và chỉ tiêu về môi trường, dịch bệnh đặc thù trong nông nghiệp, nông thôn như: chất lượng đất nông nghiệp, xói mòn, rửa trôi, hoang mạc hóa; chất lượng môi trường nước tưới, môi trường chăn nuôi, môi trường nuôi trồng thủy sản, môi trường lâm nghiệp, môi trường trong các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và môi trường nông thôn; các tác nhân và điều kiện lan truyền dịch bệnh v.v... mà các hệ thống quan trắc môi trường khác không thực hiện hoặc không đủ cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu của công tác xử lý ô nhiễm môi trường, cảnh báo dịch bệnh và chỉ đạo sản xuất của Ngành;
c. Quản lý, xử lý số liệu và khai thác kết quả quan trắc của các mạng lưới quan trắc môi trường thuộc các Bộ, ngành khác để cảnh báo sớm chất lượng môi trường và phát sinh dịch bệnh;
d. Đề xuất và tư vấn cho Bộ trưởng ban hành các quyết định xử lý trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và chỉ đạo sản xuất; Trực tiếp tham gia xử lý các sự cố môi trường, dịch bệnh và thiên tai khi có yêu cầu của Bộ và các địa phương.
đ. Xây dựng các báo cáo định kỳ, báo cáo hàng năm về hiện trạng chất lượng môi trường nông nghiệp, nông thôn để báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan;
e. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quan trắc môi trường, dịch bệnh cho các Trung tâm, Trạm và mạng lưới quan trắc địa phương.
h. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; quản lý việc công bố và trao đổi thông tin về môi trường nông nghiệp, nông thôn trong và ngoài nước.
3.1.2. Tổ chức hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn:
Để xây dựng hệ thống quan trắc đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí, đáp ứng kịp thời và hiệu quả công tác giám sát chất lượng môi trường, cảnh báo dịch bệnh và chỉ đạo sản xuất theo yêu cầu đặc thù của Ngành, mạng lưới quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn được xây dựng theo một hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
a) Hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn Trung ương: gồm 3 đầu mối do Bộ quản lý:
- Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn: trực thuộc Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ thu nhận, hợp tác trao đổi thông tin, tập hợp kết quả, lập báo cáo định kỳ báo cáo Bộ và thông báo cho các cơ quan có liên quan để kịp thời chỉ đạo sản xuất;
- Các Trung tâm vùng: có đầy đủ năng lực về con người và phòng thí nghiệm hiện đại để tổ chức quan trắc tất cả các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; hỗ trợ các địa phương, các trạm chuyên đề phân tích các chỉ tiêu chất lượng; kết nối hoạt động và tập hợp các kết quả quan trắc của các mạng lưới khác nhau trong vùng;
- Các Trạm chuyên đề và các trạm tiểu vùng: dưới các Trung tâm vùng sẽ xây dựng các Trạm quan trắc chuyên đề và các trạm tiểu vùng, được trang bị ở quy mô tối thiểu với các thiết bị quan trắc hiện trường để thực hiện các nội dung quan trắc chuyên sâu phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoặc các nội dung quan trắc của tiểu vùng (đối với các vùng có phạm vi địa lý rộng).
Để kế thừa cơ sở vật chất và nguồn lực cán bộ hiện có của mạng lưới quan trắc môi trường nông nghiệp, tránh lãng phí và xáo trộn tổ chức, trong giai đoạn 2011 đến 2020, tập trung xây dựng 7 Trung tâm vùng, 3 trạm tiểu vùng và 17 trạm chuyên đề trên cơ sở nâng cấp, bổ sung hoạt động cho các Trạm quan trắc, các Trung tâm có liên quan trực thuộc Bộ (Trung tâm Bảo vệ thực vật và Thú y vùng) hiện có. Trước mắt, các Trạm chuyên đề và tiểu vùng được xác định dựa trên yêu cầu đặc thù của từng vùng và các cơ sở có liên quan hiện có để tránh đầu tư xây mới, cụ thể:
(1) Trung tâm Quan trắc môi trường miền núi phía Bắc đặt tại Hòa Bình được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trạm Nghiên cứu môi trường và rừng phòng hộ sông Đà thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Trung tâm sẽ phụ trách toàn bộ địa bàn miền núi phía Bắc (trừ Quảng Ninh), trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc và cảnh báo dịch bệnh trong tất cả các lĩnh vực tại vùng Tây Bắc.
Dưới Trung tâm sẽ đầu tư xây mới 1 trạm quan trắc tiểu vùng là “Trạm Quan trắc môi trường Đông Bắc” đặt tại Thái Nguyên để thực hiện các nội dung quan trắc tại tiểu vùng;
(2) Trung tâm Quan trắc môi trường đồng bằng sông Hồng đặt tại Bắc Ninh được xây dựng trên cơ sở nâng cấp "Trung tâm Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc” thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. Trung tâm sẽ phụ trách toàn bộ địa bàn đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc về môi trường nước, không khí và cảnh báo dịch bệnh thủy sản trong vùng. Dưới Trung tâm có 4 Trạm chuyên đề gồm:
- Trạm Quan trắc môi trường đất đồng bằng sông Hồng: được xây dựng trên cơ sở kế thừa Trạm quan trắc môi trường đất vùng đồng bằng sông Hồng thuộc Viện Môi trường nông nghiệp để thực hiện các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường đất;
- Trạm Quan trắc môi trường nông thôn đồng bằng sông Hồng: được xây dựng trên cơ sở Phòng thí nghiệm tổng hợp thuộc Viện Nước, tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam để thực hiện các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường nông thôn;
- Trạm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh chăn nuôi - Thú Y đồng bằng sông Hồng: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm kiểm tra vệ sinh Thú y Trung ương I - Hà Nội để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong chăn nuôi;
- Trạm Quan trắc và cảnh báo dịch bệnh cây trồng đồng bằng sông Hồng: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc đặt tại Hưng Yên để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong trồng trọt.
(3) Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Trung bộ đặt tại Nghệ An được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Phòng thí nghiệm thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trung tâm sẽ phụ trách toàn bộ địa bàn Bắc Trung bộ, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc về môi trường đất, nước, không khí trong phạm vi từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Dưới Trung tâm có 3 Trạm chuyên đề và 1 trạm tiểu vùng gồm:
- Trạm Quan trắc môi trường Lâm nghiệp Bắc Trung bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Kiểm lâm vùng II tại Thanh Hóa để thực hiện quan trắc chất lượng môi trường lâm nghiệp (sạt lở, xói mòn, đa dạng sinh học rừng v.v..);
- Trạm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh chăn nuôi - Thú y Bắc Trung bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm kiểm tra vệ sinh Thú y vùng Nghệ An để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong chăn nuôi (bao gồm cả dịch bệnh trong thủy sản);
- Trạm Quan trắc và cảnh báo dịch bệnh cây trồng Bắc Trung bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm Bảo vệ thực vật Bắc Trung bộ đặt tại Nghệ An để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong trồng trọt;
- Trạm quan trắc môi trường Thừa Thiên - Huế: được xây dựng mới để thực hiện các nội dung chuyên sâu tại khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.
(4) Trung tâm Quan trắc môi trường Nam Trung bộ đặt tại Nha Trang được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Trung tâm sẽ phụ trách toàn bộ địa bàn Nam Trung bộ, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc về môi trường đất, nước, không khí và cảnh báo dịch bệnh trong thủy sản trong vùng. Dưới Trung tâm có 2 Trạm chuyên đề gồm:
- Trạm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh Chăn nuôi - Thú y Nam Trung bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm kiểm tra vệ sinh Thú y vùng Đà Nẵng để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong chăn nuôi;
- Trạm Quan trắc và cảnh báo dịch bệnh cây trồng Nam Trung bộ: xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm Bảo vệ thực vật Nam Trung bộ đặt tại Quảng Ngãi để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong trồng trọt;
(5) Trung tâm Quan trắc môi trường Nam bộ đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Nam thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2. Trung tâm phụ trách toàn bộ khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc về môi trường nước, không khí và cảnh báo dịch bệnh trong thủy sản tại vùng. Dưới Trung tâm có 6 Trạm chuyên đề và một trạm vùng gồm:
- Trạm Quan trắc môi trường đất Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở kế thừa Trạm Quan trắc môi trường đất Nam bộ thuộc Viện Môi trường nông nghiệp đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường đất;
- Trạm Quan trắc môi trường nông thôn Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để thực hiện các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường nông thôn;
- Trạm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh chăn nuôi - Thú y Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm kiểm tra vệ sinh Thú y Trung ương II - Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong chăn nuôi;
- Trạm Quan trắc và cảnh báo dịch bệnh cây trồng Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đặt tại Tiền Giang để thực hiện điều tra, cảnh báo dịch bệnh trong trồng trọt.
- Trạm Quan trắc môi trường Lâm nghiệp Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Phân Viện Lâm nghiệp Nam bộ - Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam;
- Trạm Quan trắc thủy lợi và mưa axit Nam bộ: được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trạm Quan trắc mưa axít khu vực phía Nam thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam;
- Trạm Quan trắc môi trường Cà Mau: được xây dựng mới tại Cà Mau để thực hiện các nội dung quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trong thủy sản tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
(6) Trung tâm Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh Tây Nguyên đặt tại Đắk Lắk được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trạm Quan trắc môi trường đất thuộc Viện Môi trường nông nghiệp. Trung tâm phụ trách toàn bộ địa bàn Tây Nguyên, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc và cảnh báo dịch bệnh trong tất cả các lĩnh vực tại vùng Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Dưới Trung tâm đầu tư xây mới 1 trạm quan trắc tiểu vùng là "Trạm Quan trắc môi trường Gia Lai” đặt tại Gia Lai trên cơ sở mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
(7) Trung tâm Quan trắc môi trường biển được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện nghiên cứu Hải sản đặt tại Hải Phòng, trực tiếp thực hiện các nội dung quan trắc môi trường biển và cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng hải sản khu vực miền Bắc. Dưới Trung tâm có 1 Trạm vùng là Trạm Quan trắc môi trường biển miền Nam được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Phân viện Hải sản miền Nam.
b) Hệ thống quan trắc địa phương: thành lập các Trung tâm hoặc Trạm quan trắc môi trường do các tỉnh quản lý, tiến hành các nội dung quan trắc chuyên sâu về môi trường nông nghiệp, nông thôn theo đặc thù của từng địa phương để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất và xử lý ô nhiễm thuộc địa bàn quản lý.
3.2. Tăng cường nguồn lực (con người, thiết bị và tài chính) cho hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn
a) Bổ sung và đào tạo cán bộ cho các đơn vị quan trắc
- Về số lượng: từ năm 2011 đến năm 2020, mạng lưới quan trắc sẽ sử dụng 144 cán bộ thuộc 5 Trung tâm và 3 Trạm Quan trắc môi trường đã có. Đồng thời bổ sung thêm 90 chỉ tiêu biên chế, trong đó cho Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn 5 biên chế, mỗi Trung tâm vùng được biên chế 20 cán bộ (trong đó: 12 cán bộ có chuyên môn phân tích và 8 cán bộ có chuyên môn về quản lý dữ liệu, mô hình hóa và cảnh báo dịch bệnh thuộc 8 lĩnh vực đất, nước, thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, vi sinh vật, sinh học, thủy sản); mỗi Trạm tiểu vùng được biên chế 7 cán bộ và mỗi Trạm chuyên đề 4 cán bộ.
- Về chất lượng: nguồn lực cán bộ hiện có cơ bản đã đáp ứng về cơ cấu. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu về khoa học môi trường, cảnh báo ô nhiễm và dịch bệnh. Cử một số cán bộ tham gia đào tạo về kỹ năng phân tích ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Mỗi Trung tâm vùng cần có ít nhất 2 cán bộ được đào tạo chính quy để có đủ năng lực đào tạo lại cho các cán bộ khác. Song song với đào tạo nước ngoài, hàng năm tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước cho các cán bộ phòng thí nghiệm thuộc cả hệ thống Trung ương và địa phương.
Đối với mạng lưới do địa phương quản lý, mỗi tỉnh cần có 5 - 10 cán bộ chuyên trách (tùy theo quy mô và mức độ đa dạng của mỗi địa phương) để xác định nhiệm vụ, lập kế hoạch, tổ chức liên kết với các đơn vị quan trắc Trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ quan trắc; trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quan trắc thường xuyên, khai thác kết quả từ các mạng lưới khác, lập báo cáo định kỳ để ứng dụng trong chỉ đạo sản xuất.
b) Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Trên cơ sở kế thừa, nâng cấp các Trung tâm, Trạm quan trắc đã có của Ngành, từ năm 2011 đến 2020, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các đơn vị quan trắc, đặc biệt là các đơn vị còn thiếu cơ sở hạ tầng như nhà làm việc, phòng thí nghiệm. Tổng kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng là 58 tỷ đồng. Trong đó:
- Kinh phí nâng cấp các Trung tâm, trạm và các cơ sở khác hiện có thành 7 Trung tâm vùng là 42 tỷ (6 tỷ/Trung tâm x 7 Trung tâm);
- Đầu tư xây mới 3 Trạm tiểu vùng (Thái Nguyên; Thừa Thiên - Huế và Cà Mau: 7,5 tỷ (2,5 tỷ/Trạm x 3 Trạm);
- Nâng cấp 17 Trạm chuyên đề: 8,5 tỷ (0,5 tỷ/Trạm x 17 Trạm).
c) Đầu tư mới trang thiết bị cho đơn vị đầu mối và đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm: 270 tỷ đồng, cụ thể:
- Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh: mua sắm các thiết bị, máy móc chuyên dùng cho phân tích và xử lý số liệu, trao đổi thông tin với kinh phí là 10 tỷ đồng.
- Các Trung tâm vùng: đầu tư thêm 200 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị đảm bảo đồng bộ về các thiết bị lấy mẫu và phân tích nhanh hiện trường, các thiết bị phân tích chính xác. Trên cơ sở tổng giá trị tài sản còn lại của các Trung tâm là 80 tỷ, bổ sung để đảm bảo mỗi phòng thí nghiệm được đầu tư khoảng 40 tỷ đồng;
- Các Trạm tiểu vùng và Trạm chuyên đề: đầu tư mới 60 tỷ để mua các thiết bị quan trắc hiện trường, mỗi trạm 3 tỷ đồng;
3.3. Tăng cường hoạt động quan trắc, nghiên cứu cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong nông nghiệp
Từ năm 2011 đến 2020, bổ sung thêm nội dung, chỉ tiêu, tần suất quan trắc trong tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, để nâng cao năng lực cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trong nông nghiệp, cần đẩy mạnh 3 nội dung nghiên cứu cơ bản sau:
- Nghiên cứu bổ sung mối quan hệ giữa chất lượng môi trường với một số dịch bệnh chủ yếu trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và điều kiện phát sinh dịch (dịch tễ học);
- Nghiên cứu mô hình hóa và xây dựng phần mềm cảnh báo ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh;
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường và các yếu tố phát sinh dịch hại nông nghiệp.
Để thực hiện các nội dung trên, Bộ sẽ đầu tư mỗi năm 37,6 tỷ đồng (tương đương với 376 tỷ đồng trong 10 năm), trong đó kinh phí để duy trì hoạt động quan trắc thường xuyên là 26,6 tỷ (mỗi Trung tâm vùng 3 tỷ đồng/năm; mỗi trạm vùng là 0,7 tỷ; mỗi Trạm chuyên đề là 0,5 tỷ) và kinh phí đầu tư cho nghiên cứu mỗi năm là 8 tỷ đồng.
3.4. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý và văn bản kỹ thuật
Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý và văn bản kỹ thuật để quản lý tốt công tác quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn. Từ nay đến năm 2015 tập trung ban hành các văn bản sau:
- Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn;
- Bộ quy chuẩn kỹ thuật quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn;
- Sổ tay hướng dẫn cảnh báo ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh trong nông nghiệp, nông thôn.
3.5. Quản lý và chia sẻ thông tin môi trường
Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm kết nối thông tin giữa hệ thống quan trắc do Bộ quản lý với các hệ thống quan trắc do địa phương, các Bộ, ngành khác quản lý, thông tin trong nước và quốc tế. Các nội dung cần tăng cường liên kết bao gồm:
- Thống nhất nội dung và phương pháp thực hiện quan trắc có liên quan đến môi trường nông nghiệp, nông thôn;
- Chia sẻ thông tin, kết quả quan trắc và các chương trình dự báo ô nhiễm môi trường, dịch bệnh;
- Thống nhất quản lý công bố số liệu về chất lượng môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
4.1. Về tổ chức và thể chế
4.1.1. Đối với hệ thống quan trắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
- Rà soát và quyết định thành lập, đồng thời phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cho Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn, các Trung tâm và Trạm quan trắc;
- Ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn để thống nhất phân công nhiệm vụ và hướng dẫn hoạt động cho các đơn vị tham gia trong hệ thống, sự phối hợp giữa các đơn vị quan trắc thuộc Bộ quản lý với mạng lưới quan trắc địa phương và các Bộ, ngành khác;
- Tuyển dụng, đào tạo và sắp xếp nguồn nhân lực cho Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn, các Trung tâm, Trạm quan trắc do Bộ quản lý. Lực lượng cán bộ có thể lấy từ ba nguồn:
+ Nguồn cán bộ quan trắc của các Trung tâm/Trạm quan trắc hiện có của Bộ;
+ Điều chuyển một số cán bộ có chuyên môn sâu về công tác dự tính, dự báo dịch bệnh, phân tích chất lượng môi trường và nông sản, các cán bộ nghiên cứu về mô hình hóa và cơ sở dữ liệu môi trường, cán bộ làm công tác thông tin từ các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ;
+ Tuyển dụng mới cán bộ có chuyên môn phù hợp đặc biệt về lĩnh vực hóa phân tích và sinh học.
Cán bộ được tuyển dụng và phân công thực hiện nhiệm vụ quan trắc phải được đào tạo, đào tạo lại để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh;
4.1.2. Đối với hệ thống quan trắc do địa phương quản lý
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiệp thương với Bộ Nội vụ và các địa phương để sớm thành lập bộ phận theo dõi môi trường nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương. Bộ phận này vừa thực hiện việc xây dựng nội dung quan trắc, trực tiếp thực hiện một số hoạt động quan trắc đặc thù, quan trắc nhanh hiện trường, tổ chức tiếp nhận thông tin từ các mạng lưới quan trắc khác nhau để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất, đồng thời quản lý công tác môi trường của Ngành tại địa phương. Trước mắt Bộ phận này có thể trực tiếp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh hoặc sáp nhập với Chi cục Quản lý chất lượng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.2. Về tài chính
Tổng kinh phí để thực hiện đề án đến năm 2020 là 751,1 tỷ đồng, trong đó, kinh phí đầu tư một lần để nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị là 328 tỷ, kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên trong 10 năm (bao gồm lương, hoạt động bộ máy, thực hiện nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ v.v.) là 423,1 tỷ đồng, trung bình mỗi năm phải chi 42,31 tỷ đồng. Cụ thể:
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng: 58 tỷ đồng;
- Nâng cấp và mua sắm mới trang thiết bị: 270 tỷ đồng;
- Bổ sung lương và hoạt động bộ máy cho cán bộ: 30,6 tỷ đồng trong 10 năm (3,06 tỷ đồng/năm x 10 năm);
- Đào tạo cán bộ: 6,5 tỷ đồng trong 10 năm (3,5 tỷ đồng cho đào tạo nước ngoài; 0,3 tỷ đồng/năm x 10 năm cho đào tạo trong nước);
- Duy trì hoạt động quan trắc hàng năm: 296 tỷ đồng (29,6 tỷ/năm x 10 năm);
- Nghiên cứu khoa học: 80 tỷ đồng (8 tỷ/năm x 10 năm);
- Duy trì hoạt động của Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn: 10 tỷ đồng (1 tỷ/năm x 10 năm).
Nguồn kinh phí: Kinh phí để thực hiện đề án có thể được vận dụng từ một số nguồn chủ yếu sau:
Đối với mạng lưới quan trắc do Bộ quản lý:
- Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ: để xây dựng cơ sở hạ tầng;
- Kinh phí từ nguồn vốn vay như: vốn vay của ADB, Ngân hàng thế giới: để bổ sung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực;
- Kinh phí sự nghiệp khoa học và sự nghiệp môi trường: để biên soạn các văn bản pháp lý và kỹ thuật; nghiên cứu khoa học; trả lương cán bộ; duy trì hoạt động thường xuyên; duy trì hoạt động của Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn; bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.
Đối với mạng lưới do địa phương quản lý: lấy từ nguồn kinh phí địa phương.
4.3. Giải pháp khoa học công nghệ
- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo lập cơ sở khoa học phục vụ xây dựng các phần mềm cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, xây dựng và hoàn thiện các phương pháp quan trắc môi trường;
- Đẩy mạnh trao đổi thông tin, tiếp thu và cập nhật các kết quả nghiên cứu trong nước và thế giới về diễn biến chất lượng môi trường, phương pháp quan trắc, mối quan hệ giữa môi trường và dịch bệnh để đổi mới nội dung và phương pháp quan trắc, nâng cao chất lượng cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh;
- Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu và quan trắc trong công tác chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường, cảnh báo dịch bệnh, quy hoạch vùng và điều chỉnh hoạt động sản xuất.
4.4. Giải pháp đào tạo
- Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước để nâng cao năng lực và cập nhật kiến thức cho cán bộ về kỹ thuật lấy mẫu, phân tích và cảnh báo ô nhiễm môi trường, dịch bệnh;
- Gửi cán bộ đào tạo ở các nước trên thế giới và khu vực để có chuyên môn sâu về mô hình hóa cơ sở dữ liệu phục vụ cảnh báo ô nhiễm, cảnh báo dịch bệnh và sử dụng các thiết bị phòng thí nghiệm.
4.5. Giải pháp hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các nước có nhiều kinh nghiệm trong công tác quan trắc và cảnh báo ô nhiễm như Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm về phương pháp quan trắc, quản lý thông tin môi trường, mô hình hóa và xây dựng phần mềm cảnh báo ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, kỹ năng sử dụng trang thiết bị;
- Tranh thủ mọi dự án hợp tác quốc tế, các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các chương trình đào tạo sau đại học để đào tạo các cán bộ có chuyên môn sâu thuộc các lĩnh vực trên.
5.1. Từ 2011 đến 2013:
a) Thành lập Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn;
b) Ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn;
c) Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy; nâng cấp và đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho 5 Trung tâm đã có và cần được ưu tiên cao là: Trung tâm Quan trắc môi trường đồng bằng sông Hồng; Trung tâm Quan trắc môi trường Nam Trung bộ: Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam; Trung tâm Quan trắc môi trường Tây nguyên và Trung tâm Quan trắc môi trường biển;
d) Xúc tiến việc thành lập các Trạm quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương;
đ) Cử 14 cán bộ đào tạo nghiệp vụ về sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm tại hàn Quốc để đủ năng lực xây dựng các đề án nâng cấp phòng thí nghiệm và làm chủ các thiết bị;
e) Xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn;
h) Xác định nội dung và tổ chức các hoạt động quan trắc hàng năm;
5.2. Từ 2014 đến 2016:
a) Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho 5 Trung tâm đã hình thành trong giai đoạn 2011 - 2013;
b) Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy; nâng cấp và đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho các Trạm vùng, Trạm chuyên đề thuộc 5 Trung tâm trên;
c) Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy; xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho 2 Trung tâm còn lại là Trung tâm Quan trắc môi trường miền núi phía Bắc và Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Trung bộ;
d) Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trang thiết bị cho các Trạm Quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương;
đ) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh;
e) Hoàn chỉnh và ban hành bộ Quy chuẩn kỹ thuật quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn;
h) Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước cho cán bộ;
i) Xác định nội dung và tổ chức các hoạt động quan trắc hàng năm.
5.3. Từ 2016 đến 2020:
a) Hoàn chỉnh tổ chức bộ máy; xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư đồng bộ trang thiết bị cho các Trạm vùng, Trạm chuyên đề thuộc 2 Trung tâm đã hình thành trong giai đoạn 2014-2016;
b) Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về cảnh báo ô nhiễm môi trường và dịch bệnh;
c) Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước cho cán bộ;
d) Xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn cảnh báo ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh trong nông nghiệp, nông thôn;
đ) Xác định nội dung và tổ chức các hoạt động quan trắc hàng năm;
e) Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án đến năm 2020 và xác định nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.
6.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Các Vụ:
- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường là đơn vị đầu mối trực tiếp quản lý Văn phòng Quản lý Quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn; chủ trì biên soạn các Thông tư, văn bản kỹ thuật có liên quan trình lãnh đạo Bộ phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới quan trắc; thu thập kết quả quan trắc để lập báo cáo hàng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu; quản lý, chia sẻ và công bố thông tin về môi trường, dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn; chủ trì phối hợp với các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành có liên quan thu nhận đề xuất, thẩm định kế hoạch quan trắc hàng năm, 5 năm và phân công nhiệm vụ cho các Trung tâm vùng, các đơn vị quan trắc; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính, Cục Quản lý xây dựng công trình và các đơn vị liên quan thẩm định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, các dự án đầu tư xây dựng của các Trung tâm, Trạm trực thuộc Bộ;
- Vụ Tổ chức cán bộ: chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính thẩm định và soạn thảo các quyết định thành lập, quyết định phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các Trung tâm, Trạm; chuẩn bị nguồn nhân sự chủ chốt, kế hoạch lựa chọn, tuyển dụng và đào tạo cán bộ trình lãnh đạo Bộ phê duyệt;
- Vụ Kế hoạch: tổng hợp nhu cầu, cân đối và bố trí kinh phí từ các nguồn khác nhau để thực hiện Đề án.
- Vụ Tài chính: chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động tài chính đối với mạng lưới quan trắc; Phân bổ và thẩm định kinh phí thực hiện Đề án.
Các Tổng cục, Cục:
- Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành có liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ đề xuất các nội dung cần quan trắc; tham gia thẩm định, phê duyệt kế hoạch hàng năm, 5 năm; thu nhận và ứng dụng kết quả quan trắc để chỉ đạo hoạt động của Ngành.
- Cục Quản lý xây dựng công trình: thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm và nâng cấp trang thiết bị.
Các Viện nghiên cứu: phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường biên soạn các văn bản pháp lý và kỹ thuật; cung cấp và tham gia đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ trang thiết bị và trực tiếp tham gia các hoạt động quan trắc khi có yêu cầu; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về các nội dung có liên quan.
Các Doanh nghiệp trực thuộc Bộ: lập và gửi về Bộ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về công tác bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường và tình hình dịch bệnh trong địa bàn quản lý của Doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Quản lý quan trắc môi trường và dịch bệnh nông nghiệp, nông thôn, các đơn vị có liên quan trong mạng lưới để tiếp nhận thông tin, ứng dụng kết quả quan trắc vào việc chỉ đạo sản xuất của đơn vị;
6.2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Chỉ đạo các ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập bộ phận quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn; lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng cường trang thiết bị; đề xuất phương án nhân sự trình lãnh đạo phê duyệt; hướng dẫn và quản lý hoạt động quan trắc trong phạm vi của tỉnh; tham gia kiểm tra, đánh giá hoạt động quan trắc và chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; lập báo cáo định kỳ và đột xuất về chất lượng môi trường và tình hình dịch bệnh trong nông nghiệp, nông thôn để báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp nhận, chia sẻ thông tin môi trường, dịch bệnh để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất tại địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan/đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.