ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3220/QĐ-UBND |
Bình Định, ngày 18 tháng 9 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT.CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA ĐỐI NGOẠI TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3220/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2015 của Chủ
tịch UBND tỉnh)
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, quảng bá giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất, con người Bình Định đến bạn bè quốc tế, làm cho bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Bình Định, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
- Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn và khoa học, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động văn hóa đối ngoại được thực hiện có hiệu quả, bám sát, phục vụ tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.
- Văn hóa đối ngoại phải gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ tích cực cho các loại hình đối ngoại khác (chính trị, kinh tế…) để tăng cường hợp tác, phát triển, trong đó văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại, góp phần tăng cường tình đoàn kết, củng cố tình hữu nghị, hợp tác với bạn bè quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
1. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa đối ngoại
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò, vị trí của văn hóa đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước và của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Xây dựng cơ chế chính sách về tài chính, tài trợ cho công tác giao lưu, hợp tác về văn hóa nghệ thuật của tỉnh với các đơn vị, tổ chức thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước ngoài; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ trí thức người Bình Định ở nước ngoài có sáng tác về Bình Định.
- Xây dựng và cụ thể hóa chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đối ngoại và những chính sách ưu tiên về thuế trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng sản phẩm văn hóa đối ngoại
- Xây dựng kế hoạch giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, lịch sử, con người Bình Định đến với bạn bè quốc tế, tuyên truyền đậm nét về bản sắc văn hóa của tỉnh Bình Định, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của tỉnh: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt; Nghệ thuật Bài chòi (đang trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Hát bội Bình Định; Võ cổ truyền Bình Định; các cụm tháp Chàm: Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, Tháp Đôi…; các danh thắng, điểm du lịch có tiềm năng: Ghềnh Ráng, biển Quy Nhơn, Nhơn Lý, Cát Tiến, Mỹ Thọ, Tam Quan…; các lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh.
- Duy trì và tiếp tục phát huy việc tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh ở quy mô quốc gia và quốc tế như: Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.
- Có kế hoạch bảo tồn, phát triển cũng như xây dựng thương hiệu và hình ảnh riêng cho từng lễ hội, chương trình văn hóa nghệ thuật của địa phương; xây dựng, phát triển và đa dạng hóa các chương trình giới thiệu về văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, trang phục truyền thống, tặng phẩm lưu niệm, các điểm tham quan phù hợp từng đối tượng khách cụ thể nhằm tạo ra những nét đặc thù, điểm nhấn riêng về bản sắc văn hóa của tỉnh.
- Chủ động phát hiện, xây dựng và phối hợp cùng các ngành, các tỉnh, thành liên quan vận động công nhận các di sản, danh hiệu quốc tế cho sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc ở địa phương.
- Xây dựng kế hoạch liên kết chương trình du lịch văn hóa với các địa phương trong và ngoài nước để khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống, thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh, từng bước phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch kết hợp hội nghị - hội thảo, du lịch văn hóa địa phương theo hướng bền vững.
- Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng để vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong nước, vừa giới thiệu có hiệu quả nghệ thuật của tỉnh nhà ra quốc tế.
- Trao đổi trưng bày giới thiệu các sưu tập hiện vật bảo tàng của tỉnh với các bảo tàng uy tín của các nước trên thế giới để giới thiệu những di sản văn hóa, lịch sử lâu đời của Bình Định.
- Xây dựng kế hoạch, khuyến khích tuyển chọn các bộ sưu tập, các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đặc sắc của tỉnh tham gia các cuộc thi, liên hoan, trưng bày, triển lãm ở nước ngoài.
- Tham gia các chương trình Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện văn hóa nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức ở nước ngoài để kết hợp quảng bá, hợp tác về đầu tư, thương mại, du lịch, thể thao…
3. Công tác quảng bá, truyền thông
- Tuyên truyền thông qua việc tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa tiêu biểu, các Ngày hội và Lễ hội truyền thống, các hội thảo khoa học, các tour du lịch, các hình thức quảng bá du lịch, các sinh hoạt văn hóa, thể thao ở quy mô quốc gia và quốc tế...
- Xây dựng các chuyên mục quảng bá văn hóa của tỉnh bằng nhiều ngôn ngữ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, cơ quan liên quan như: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại vụ, Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định...; phối hợp với trang thông tin điện tử Vietnamnet.vn của Cục Thông tin đối ngoại, kênh thông tin đối ngoại VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu về địa phương.
- Tuyên truyền thông qua xuất bản một số ấn phẩm văn hóa, băng đĩa, ảnh, tờ rơi, tờ gấp, phim tài liệu, video clip... về đất nước, con người Bình Định, hình ảnh các anh hùng dân tộc, danh nhân cũng như nét đẹp tiêu biểu của con người Bình Định; trưng bày, bán những sản phẩm tiêu biểu để tuyên truyền quảng bá tại các khu du lịch của tỉnh.
4. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Tăng cường giáo dục về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp tiêu biểu của tỉnh đã qua sàng lọc, lựa chọn hoặc đã được các cơ quan có thẩm quyền công nhận, góp phần đưa các giá trị đó vào đời sống, trong ứng xử, văn học, nghệ thuật, báo chí, phim ảnh,... và trong các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế với nước ngoài.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa và văn hóa đối ngoại cho viên chức làm công tác văn hóa tại các Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh; công chức làm công tác văn hóa, công tác đối ngoại tại các sở, ban, ngành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư,...); UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Tranh thủ các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa đối ngoại.
5. Tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu về văn hóa với các đối tác, địa phương nước ngoài
- Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác, giao lưu, trao đổi về văn hóa với các đối tác, địa phương nước ngoài, trước hết là ở cấp địa phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, một số nước châu Âu....
- Có kế hoạch tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật (triển lãm tranh, ảnh, điêu khắc, liên hoan nghệ thuật truyền thống…) tại các hoạt động lễ hội lớn, các sự kiện trọng đại của các địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh. Tổ chức đưa các đoàn nghệ thuật truyền thống, đoàn võ thuật của tỉnh tham gia giao lưu, biểu diễn theo lời mời của các đối tác nước ngoài.
- Tăng cường mời các đoàn nghệ thuật truyền thống, đoàn võ thuật cổ truyền của các nước có quan hệ hợp tác với tỉnh tham gia giao lưu, biểu diễn trong các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh.
- Khuyến khích hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sản xuất, quảng bá sản phẩm về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.
- Gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài, vận động cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài hướng về quê hương, phát huy tài năng, tâm huyết tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương, tham gia phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Tổ chức gặp mặt, mời bà con Việt kiều về quê giao lưu, đón tết tại quê hương để hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nét đẹp văn hóa của tỉnh nhà; đồng thời góp phần hỗ trợ cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài duy trì và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ở nước sở tại.
6. Tăng cường nguồn lực tài chính
- Tăng cường đầu tư ngân sách cho các hoạt động văn hóa đối ngoại để chủ động triển khai các chương trình quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Định đến với bạn bè quốc tế.
- Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, các doanh nghiệp và nghệ sĩ tự do tham gia vào các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm đa dạng hóa nguồn lực vật chất cho các hoạt động.
- Đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, đóng góp cho các hoạt động văn hóa đối ngoại phù hợp với quy định của pháp luật.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện các hoạt động văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; gắn kết kế hoạch hoạt động văn hóa đối ngoại với các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện Kế hoạch này để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
2. Sở Ngoại vụ
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xuất bản các ấn phẩm quảng bá văn hóa và hình ảnh của tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa đối ngoại phục vụ công tác thông tin tuyên truyền ra nước ngoài; kết hợp các hoạt động thông tin tuyên truyền về văn hóa đối ngoại.
4. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc phổ biến, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật ra nước ngoài; định hướng, chỉ đạo hội viên của Hội tích cực tham gia các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh và các hoạt động văn học nghệ thuật khác do các cơ quan, tổ chức nước ngoài tổ chức trên địa bàn tỉnh để quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Bình Định ra thế giới.
5. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ xác định biên chế, xây dựng các chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hóa đối ngoại của tỉnh.
6. Sở Tài chính
Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành liên quan đề xuất kinh phí thực hiện cho các hoạt động văn hóa đối ngoại trong phạm vi khả năng cân đối ngân sách địa phương.
7. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng chương trình, chuyên mục, sản phẩm truyền thông quảng bá văn hóa, đất nước, con người Bình Định ra nước ngoài.
8. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thành phố
Theo chức năng và nhiệm vụ của mình, chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi thẩm quyền. Hàng năm, có báo cáo gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.