ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2022/QĐ-UBND |
Gia Lai, ngày 29 tháng 7 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;
Thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2022
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ VÀ NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
GIA LAI
(Kèm theo Quyết định số 32/2022-UBND ngày 29 tháng 07 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Gia Lai)
1. Quy định này quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
2. Quy định này không quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với căn hộ trong chung cư; công trình dân dụng không phải nhà ở riêng lẻ; nhà ở đã chuyển đổi công năng không còn chức năng để ở; nhà, công trình khác được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh đã có quy định pháp luật riêng về phòng cháy và chữa cháy.
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Điều 3. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy
Thực hiện phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Quy định này bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực và quy hoạch tỉnh.
AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ VÀ NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH
Điều 4. An toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ
Chủ hộ gia đình có trách nhiệm bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, như sau:
1. Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng
a) Gian phòng để ở cần ưu tiên bố trí gần đường, lối ra thoát nạn; ngăn cách với khu vực, gian phòng có bảo quản vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ và nơi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
b) Không bố trí gian phòng bảo quản, tích trữ xăng, dầu hoặc chất nguy hiểm về cháy, nổ khác trong nhà.
c) Gian phòng, khu vực để xe ô tô, xe máy, máy phát điện dự phòng và phương tiện, thiết bị khác có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu phải được ngăn cách hoặc có khoảng cách an toàn với đường, lối ra thoát nạn của nhà, nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt nhằm loại trừ nguyên nhân gây cháy, cháy lan, bảo đảm thoát nạn an toàn cho người từ các gian phòng khác, tầng phía trên của nhà.
d) Trường hợp các gian phòng, khu vực bố trí trong không gian kín phải duy trì thường xuyên giải pháp thông gió phù hợp với đặc điểm của nhà.
đ) Nhà có tầng hầm, tầng bán hầm phải có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà.
2. Đường, lối ra thoát nạn
a) Nhà có 01 đường, lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm 01 đường, lối ra thoát nạn thứ 2 qua ban công hoặc lô gia hoặc cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng hoặc lối lên mái nhà bằng thang sắt hoặc ống tụt hoặc thang dây ngoài nhà để thoát nạn khi cần thiết. Trường hợp đường, lối ra thoát nạn qua lồng sắt, lưới sắt, ô cửa thì lồng sắt, lưới sắt, ô cửa có kích thước đủ rộng để cho người di chuyển thuận lợi.
b) Trên đường, lối ra thoát nạn không sử dụng vật liệu dễ cháy để thi công, lắp đặt, trang bị nội thất; không bố trí, lắp đặt vật dụng, thiết bị phản quang hoặc nhô ra khỏi mặt tường làm ảnh hưởng đến việc thoát nạn an toàn; chiều rộng của đường, lối ra thoát nạn phải bảo đảm cho người di chuyển thuận lợi.
c) Đường, lối ra thoát nạn phải thoát trực tiếp ra ngoài hoặc thoát qua gian phòng khác. Trường hợp thoát qua gian phòng khác thì phải duy trì chiều rộng của đường, lối ra thoát nạn và bảo đảm khoảng cách giới hạn thoát nạn cho phép.
d) Cửa đi qua đường, lối ra thoát nạn ưu tiên sử dụng cửa bản lề (cửa cánh), hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt. Trường hợp sử dụng cửa cuốn, phải có bộ phận lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc có động cơ điện bị hỏng.
3. Sắp xếp vật dụng, thiết bị; quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, trong nhà
a) Vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở đường, lối ra thoát nạn; không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, ổ cắm điện, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt; không bảo quản, sử dụng vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gầm cầu thang, buồng thang bộ hoặc liền kề với đường, lối ra thoát nạn.
b) Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (như: Bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini) gần vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu, thiết bị điện có sinh nhiệt.
c) Việc sử dụng nguồn lửa trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:
- Bếp sử dụng khí LPG (gas): Bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, thông thoáng, cách xa thiết bị điện, thường xuyên kiểm tra tình trạng của van khóa, dây dẫn khí và khóa van bình gas sau khi sử dụng; không sử dụng bình gas, dây dẫn khí, bếp không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt công tắc thiết bị điện vào thời điểm đó); không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến); mở cửa sổ, cửa chính (tránh làm phát sinh tia lửa) để thoát khí gas; phải khóa ngay van bình gas và báo cho đại lý cung cấp gas gần nhất.
- Bếp điện: Lắp đặt, sử dụng dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất của bếp và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Bếp dầu: Bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu; không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, tắt bếp sau khi sử dụng.
- Thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã: Vách, trần, vật liệu trang trí khu vực thờ cúng là loại không cháy hoặc khó cháy; không thắp hương khi không có người trong nhà; khi đốt vàng mã phải có người trông coi và có biện pháp ngăn tàn lửa để chống cháy lan.
- Khi hàn cắt trong sửa chữa, cải tạo nhà phải thực hiện đúng quy trình, quy định; có người giám sát, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy.
4. Lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện trong nhà
a) Hệ thống điện được lắp đặt bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ phải tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải; vị trí lắp đặt, bố trí thiết bị phải bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
b) Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Khi sử dụng các thiết bị điện trên cùng một ổ cắm phải bảo đảm phù hợp với công suất, định mức của ổ cắm để đề phòng quá tải. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện đến các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.
c) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện hư hỏng; ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị điện không an toàn. Các ổ cắm riêng lẻ phải có tiếp xúc chắc chắn và phù hợp với phích cắm, có thể kiểm tra bằng cách xem có phát nóng trong quá trình sử dụng không. Đối với đường dây dẫn điện âm tường sử dụng ống nhựa chống cháy để luồn dây (nếu có thể); các vị trí đi dây dẫn điện nổi trong nhà được gắn trên các sứ ống chỉ cách điện hạ thế (nếu có thể).
5. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy
a) Tùy theo nhu cầu sử dụng, quy mô của nhà ở riêng lẻ (số tầng, chiều cao), chủ hộ gia đình có thể trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy cần thiết như: Bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (như: Búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực, ...); phương tiện chữa cháy thô sơ; đèn pin hoặc đèn tích điện hoặc đèn chiếu sáng sự cố; hệ thống, thiết bị báo cháy tự động; mặt nạ phòng độc; thang dây; ống tụt cứu người; phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác theo quy định của pháp luật.
Bố trí phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, mở cửa, thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
b) Các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy được trang bị phải được kiểm định, dán tem kiểm định về phòng cháy và chữa cháy, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định của pháp luật.
6. Ngoài các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này, chủ hộ gia đình có thể thực hiện các giải pháp khác về bố trí mặt bằng, công năng sử dụng, ngăn cháy lan, thoát nạn, trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Điều 5. An toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phần diện tích nhà sử dụng để ở theo quy định tại Điều 4 Quy định này; bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phần diện tích nhà sử dụng để sản xuất, kinh doanh, như sau:
1. Lập, quản lý, cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng
a) Khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy lan, ngăn khói với khu vực để ở, đường, lối ra thoát nạn.
b) Khu vực sản xuất, kinh doanh có bố trí gian phòng chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy, nổ hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác phải được ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh khác bằng kết cấu ngăn cháy.
c) Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.
3. Đường, lối ra thoát nạn
a) Khi thiết kế đường, lối ra thoát nạn cần bảo đảm có ít nhất 02 đường, lối ra thoát nạn bố trí phân tán. Đường, lối ra thoát nạn của khu vực sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật. Trường hợp nhà có nhiều tầng sử dụng chung cầu thang bộ thoát nạn thì khu vực sản xuất, kinh doanh có chất nguy hiểm về cháy, nổ tại từng tầng nhà phải được ngăn cháy lan, ngăn khói với cầu thang bộ bằng kết cấu ngăn cháy, cửa ngăn cháy. Trường hợp bố trí lối lên sân thượng hoặc lên mái nhà thì phải có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn.
b) Dây chuyền công nghệ bố trí trong khu vực sản xuất, bảo quản, sắp xếp vật tư, hàng hóa, mặt bằng kinh doanh phải bảo đảm duy trì chiều rộng, chiều cao của đường, lối ra thoát nạn và khoảng cách an toàn từ vị trí xa nhất đến cửa đi qua đường, lối ra thoát nạn.
c) Cửa đi qua đường, lối ra thoát nạn ưu tiên sử dụng cửa bản lề (cửa cánh), hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt. Trường hợp sử dụng cửa cuốn, cửa trượt phải duy trì chế độ thường mở của các cửa trong thời gian có người làm việc trong nhà; cửa cuốn phải có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
4. Sắp xếp vật tư, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ và quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà
a) Vật tư, hàng hóa sắp xếp, bảo quản theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm; để trên bục kệ, giá hoặc chồng đống phải vững chắc, gọn gàng, ngăn nắp, không cản trở đường, lối ra thoát nạn.
Vật tư, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ cần bố trí trong các khu vực, gian phòng riêng và bảo đảm ngăn cháy lan.
Không tập kết, bố trí vật tư, hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông và có thể làm ảnh hưởng đến việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đến từng nhà.
b) Vật tư, hàng hóa dễ cháy phải bố trí bảo đảm khoảng cách đến các thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt như: Bóng đèn, ổ cắm, cầu dao, khu vực phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.
c) Không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, bảo quản vật tư, hàng hóa và chất nguy hiểm về cháy, nổ.
d) Khi điều kiện sản xuất, kinh doanh có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt thì thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, các vật tư, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ cần bảo đảm khoảng cách an toàn đến nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
đ) Khi hàn cắt trong sửa chữa, cải tạo nhà phải thực hiện đúng quy trình, quy định; có người giám sát, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy.
5. Hệ thống, thiết bị điện trong nhà
a) Hệ thống điện cho khu vực sản xuất, kinh doanh phải được lắp đặt riêng biệt với khu vực để ở của nhà; bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Khi lắp đặt thêm thiết bị, máy móc phải tính toán công suất của hệ thống điện để tránh quá tải; vị trí lắp đặt, bố trí phải bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
b) Tại khu vực có bảo quản, sản xuất, kinh doanh vật tư, hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải sử dụng loại dụng cụ điện, thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong nhà kho phải có thiết bị đóng ngắt tự động và đặt bên ngoài nhà kho.
c) Dây dẫn điện đặt trong nhà phải bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm; khi nối dây dẫn điện phải nối so le và quấn băng keo cách điện, không để hở các mối nối dây dẫn điện, không dùng nilon để bọc các mối nối dây dẫn điện.
d) Bảo đảm khoảng cách an toàn từ thiết bị tiêu thụ điện có phát sinh nguồn nhiệt không có biện pháp chụp bảo vệ đến vật tư, hàng hóa cháy được.
đ) Không lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy; lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn điện.
e) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện hư hỏng; ngắt nguồn điện đến đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện không an toàn.
6. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy
a) Khu vực sản xuất, kinh doanh phải trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống thông gió, chống tụ khói phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm, mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.
Bố trí phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, mở cửa, thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
b) Các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy được trang bị phải được kiểm định, dán tem kiểm định về phòng cháy và chữa cháy, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định của pháp luật.
7. Ngoài các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh có thể thực hiện các giải pháp khác về bố trí mặt bằng, công năng sử dụng, ngăn cháy lan, thoát nạn, trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân
1. Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm:
a) Chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tích cực tham gia các đợt tuyên truyền, huấn luyện bồi dưỡng về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Công an, địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy mô, công năng sử dụng thực tế; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng để các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy hoạt động tốt trong mọi tình huống.
b) Phổ biến, nhắc nhở thành viên trong gia đình, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; giả định và thực tập tình huống, cách xử lý khi có sự cố về cháy, nổ xảy ra.
c) Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình.
d) Phối hợp với cơ quan được phân công thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy (Công an huyện, thị xã, thành phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn và tổ chức thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
đ) Tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các vật tư, thiết bị, chất nguy hiểm về cháy, nổ.
2. Thành viên hộ gia đình và người làm việc trong hộ kinh doanh, hộ gia đình có trách nhiệm:
a) Chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy được trang bị; tích cực tham gia các đợt tuyên truyền, huấn luyện bồi dưỡng về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Công an, địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy tại địa phương.
b) Thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở riêng lẻ, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm:
a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
b)Thực hiện Quy định này và quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy khác có liên quan; thực hiện trách nhiệm quản lý, phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy và duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, sở, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này; phổ biến, triển khai thực hiện Quy định này và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định này của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy định này trong phạm vi địa bàn quản lý.
Điều 9. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện Quy định này.
2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy định này cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.
Nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã đưa vào sử dụng, hoạt động trước thời điểm Quy định này có hiệu lực: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Quy định này.
1. Nhà ở riêng lẻ và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đưa vào sử dụng, hoạt động sau thời điểm Quy định này có hiệu lực: Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Quy định này trước khi đưa vào sử dụng, hoạt động.
2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.