ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2016/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2016 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NHÀ TANG LỄ, CƠ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1955/TTr-LĐTBXH ngày 03/8/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý một số hoạt động nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội; văn bản thẩm định số 206/HĐND ngày 08/6/2016 của HĐND Thành phố về việc cho ý kiến về nội dung Quy chế quản lý Nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; báo cáo thẩm định số 1407/STP-VBPQ ngày 28/7/2016 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý một số hoạt động nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NHÀ TANG LỄ, CƠ SỞ HỎA TÁNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2016/QĐ-UBND ngày 06/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định một số nội dung quản lý hoạt động nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong quy chế này các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Nhà tang lễ là nơi tổ chức các hoạt động tang lễ hoặc lễ tiễn biệt người chết.
2. Cơ sở hỏa táng là cơ sở vật chất bao gồm lò hỏa táng và các công trình phụ trợ khác (khu văn phòng, khu kỹ thuật, khu lưu trữ tro cốt, nhà tang lễ, các công trình hạ tầng kỹ thuật).
3. Dịch vụ nhà tang lễ bao gồm: Thuê hội trường tổ chức tang lễ hoặc lễ tiễn biệt; phương tiện vận chuyển thi hài, hài cốt; bảo quản, lưu giữ thi hài, hài cốt, tro cốt; khâm liệm thi hài; các dịch vụ cung ứng hàng hóa gồm áo quan, túi đồ khâm liệm và các vật dụng tổ chức tang lễ.
4. Dịch vụ hỏa táng bao gồm tổ chức tang lễ, hỏa táng thi hài hoặc hài cốt và bảo quản, lưu giữ tro cốt.
5. Người đăng ký sử dụng dịch vụ là người có quan hệ hoặc nghĩa vụ với người chết được nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng cung cấp dịch vụ.
6. Giá dịch vụ nhà tang lễ là toàn bộ các chi phí được tính đúng, tính đủ cho một lần tổ chức tang lễ và mức lợi nhuận hợp lý để thực hiện dịch vụ tang lễ.
7. Giá dịch vụ hỏa táng là toàn bộ các chi phí hỏa táng được tính đúng, tính đủ cho một ca hỏa táng và mức lợi nhuận hợp lý để thực hiện dịch vụ hỏa táng.
8. Khí thải là hỗn hợp các thành phần vật chất phát thải ra môi trường không khí từ ống khói của lò hỏa táng.
1. Đảm bảo quyền bình đẳng trong sử dụng dịch vụ tang lễ, hỏa táng.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ tang lễ, hỏa táng.
3. Nâng cao chất lượng phục vụ, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng.
4. Nghiêm cấm việc đưa nghi lễ mê tín dị đoan thành dịch vụ tang lễ để thu lợi nhuận.
5. Các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện quản lý toàn diện nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng theo các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về những hoạt động vi phạm của nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng.
Điều 4. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ tang lễ
1. Nhà tang lễ có trách nhiệm tuân thủ hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ, trong trường hợp đặc biệt vì lý do bất khả kháng (do thiên tai, có sự cố nguy hiểm khác) không thực hiện được hợp đồng phải thông báo và phối hợp với người đăng ký sử dụng dịch vụ tìm kiếm các giải pháp thay thế phù hợp.
2. Các nhà tang lễ phải có các phương án dự phòng về nguồn điện, ánh sáng, âm thanh, ứng phó kịp thời khi xảy sự cố kỹ thuật để đảm bảo hoạt động bảo quản thi hài, tổ chức tang lễ và các nghi lễ khác được diễn ra liên tục.
3. Nhà tang lễ có trách nhiệm xây dựng các quy trình phục vụ tang lễ thuận tiện, đơn giản và công khai niêm yết các quy trình phục vụ tang lễ. Có giải pháp ngăn ngừa việc lợi dụng, tiếp tay, trục lợi từ hoạt động tang lễ (nếu có).
4. Nhà tang lễ có trách nhiệm tuyên truyền thực hiện việc tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động tang lễ, vận động nhân dân hạn chế sử dụng “vòng hoa tươi” và thay thế bằng luân chuyển vòng hoa nhựa, không sử dụng vàng mã rải đường.
Điều 5. Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường
1. Các nhà tang lễ xây dựng nội quy cụ thể về các hoạt động: vệ sinh trong quàn ướp thi hài; vệ sinh trong khâm liệm thi hài; vận chuyển thi hài, hài cốt; vệ sinh nhà tang lễ; vệ sinh trong tổ chức tang lễ theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế về hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.
2. Các nhà tang lễ hình thành trước năm 2008 chưa đáp ứng đầy đủ quy chuẩn nhà tang lễ theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng, phải lập kế hoạch đến năm 2020 để từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, đường giao thông, giảm độ ồn trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các Sở, ngành chức năng, UBND các cấp có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tang lễ cải tạo nâng cấp cơ sở.
Điều 6. Quản lý giá dịch vụ tang lễ
1. UBND Thành phố phê duyệt mức giá tối đa các dịch vụ cơ bản tại các nhà tang lễ do ngân sách đầu tư: giá bảo quản thi hài, giá thuê địa điểm tổ chức tang lễ; giá xe tang vận chuyển thi hài.
2. Các nhà tang lễ phải niêm yết công khai giá từng loại hàng hóa dịch vụ. Nghiêm cấm mọi hình thức áp đặt ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người đăng ký dịch vụ.
3. UBND Thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý nhà tang lễ cải tiến công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ để hình thành mức giá dịch vụ thấp hơn giá UBND Thành phố đã phê duyệt nêu tại khoản 1 Điều này. Những nhà tang lễ xây dựng giá dịch vụ tang lễ cao hơn giá UBND Thành phố (tại khoản 1 Điều này) phải báo cáo Sở Xây dựng và Sở Tài chính thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt.
Điều 7. Đảm bảo an ninh trật tự
1. Các nhà tang lễ có trách nhiệm phối hợp UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các đơn vị liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giao thông trong và ngoài khu vực nhà tang lễ.
2. Các nhà tang lễ có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kiểm định các loại máy, vật tư, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.
Điều 8. Quản lý lưu trữ hồ sơ tang lễ
1. Nội dung hồ sơ
a) Sổ theo dõi hoạt động lưu giữ thi hài theo thời gian
b) Sổ lưu trữ các thông tin cơ bản của người chết: Họ tên, quê quán, nguyên nhân chết, ngày chết, nơi cấp giấy báo tử, ngày giờ tổ chức tang lễ, địa chỉ thân nhân để liên hệ.
2. Các nhà tang lễ có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ lâu dài; cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ tại nhà tang lễ.
3. Các nhà tang lễ phải điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện có để đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này ngay khi Quy chế có hiệu lực thi hành.
Điều 9. Bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ hỏa táng
1. Cơ sở hỏa táng có trách nhiệm tuân thủ nghiêm hợp đồng giao kết với người sử dụng dịch vụ, trong trường hợp đặc biệt vì lý do bất khả kháng (do sự cố kỹ thuật, thiên tai...) không thực hiện được hợp đồng phải thông báo và phối hợp với người đăng ký sử dụng dịch vụ tìm kiếm các giải pháp thay thế.
2. Cơ sở hỏa táng có trách nhiệm xây dựng các quy trình phục vụ tang lễ, hỏa táng thuận tiện đơn giản và công khai niêm yết. Có biện pháp ngăn ngừa việc lợi dụng, tiếp tay, trục lợi từ hoạt động hỏa táng.
3. Các cơ sở hỏa táng phải xây dựng các phương án dự phòng để đảm bảo hoạt động tổ chức tang lễ và hỏa táng được diễn ra liên tục.
Điều 10. Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường
1. Các cơ sở hỏa táng xây dựng nội quy cụ thể các hoạt động về: vệ sinh trong vận chuyển thi hài, hài cốt; vệ sinh trong hỏa táng; vệ sinh đối với người tham gia hoạt động trong hỏa táng; vệ sinh dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động hỏa táng; vệ sinh nhà hỏa táng theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.
2. Cơ sở hỏa táng hoạt động trước năm 2008 chưa đáp ứng đầy đủ quy chuẩn cơ sở hỏa táng theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng, phải lập kế hoạch đến năm 2020 cải tạo, nâng cấp cơ sở, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, giao thông nội bộ, giảm độ ồn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. UBND các cấp, các sở, ngành chức năng có trách nhiệm hướng dẫn và tạo thuận lợi cho các cơ sở hỏa táng nâng cấp cải tạo.
3. UBND Thành phố khuyến khích các cơ sở hỏa táng đầu tư lắp đặt thêm các thiết bị xử lý khí thải.
Điều 11. Quản lý giá dịch vụ hỏa táng
1. UBND Thành phố phê duyệt mức giá tối đa các dịch vụ cơ bản tại các cơ sở hỏa táng do ngân sách đầu tư: giá thuê địa điểm tổ chức tang lễ hoặc lễ tiễn biệt; giá hỏa táng; giá bảo quản lưu tro cốt.
2. Các cơ sở hỏa táng phải niêm yết công khai giá từng loại hàng hóa, dịch vụ. Nghiêm cấm mọi hình thức áp đặt ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người đăng ký dịch vụ.
3. UBND Thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở hỏa táng cải tiến công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ để hình thành mức giá dịch vụ thấp hơn giá UBND Thành phố đã phê duyệt nêu tại khoản 1 Điều này. Những cơ sở hỏa táng xây dựng giá dịch vụ hỏa táng cao hơn giá UBND Thành phố đã phê duyệt nêu tại khoản 1 Điều này phải báo cáo Sở Xây dựng và Sở Tài chính để thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt.
Điều 12. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ
1. Các cơ sở hỏa táng có trách nhiệm phối hợp UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giao thông trong và ngoài khu vực cơ sở hỏa táng.
2. Các cơ sở hỏa táng có trách nhiệm xây dựng các quy trình quản lý, lịch trình hoạt động của từng lò hỏa táng, quy trình giám sát tới từng ca hỏa táng để phục vụ công tác đảm bảo an ninh xã hội và phòng ngừa các vi phạm (nếu có).
3. Các cơ sở hỏa táng có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kiểm định các loại máy, vật tư, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.
Điều 13. Quản lý lưu trữ hồ sơ hỏa táng
1. Các cơ sở hỏa táng phải lập hồ sơ công việc quản lý và lưu trữ lâu dài các thông tin của người sử dụng dịch vụ tổ chức tang lễ, hỏa táng theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc bảo quản lưu trữ, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để sai lệch, thất lạc, mất hồ sơ.
2. Hồ sơ lưu trữ gồm
a) Sổ theo dõi tình hình hoạt động các lò hỏa táng; các hợp đồng tổ chức tang lễ, hỏa táng
b) Bản sao giấy báo tử do UBND xã, phường cấp (theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch), thông tin về người đại diện ký hợp đồng sử dụng dịch vụ. Trường hợp không có giấy báo tử phải có giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương như: Giấy báo tử của Bệnh viện; biên bản bàn giao tử thi của cơ quan Công an hoặc các loại giấy tờ khác có nêu rõ nguyên nhân sự việc do UBND xã, phường, thị trấn xác nhận.
3. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tin học trong lập, lưu trữ, khai thác hồ sơ hỏa táng.
4. Các cơ sở hỏa táng phải điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy định tại khoản 2 Điều này ngay khi Quy chế có hiệu lực thi hành.
Điều 14. Chính sách khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng
1. UBND Thành phố khuyến khích UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có chính sách hỗ trợ thêm cho đối tượng của địa phương lựa chọn hình thức hỏa táng.
2. UBND Thành phố khuyến khích việc tạo lập các mộ phần hoặc nhà lưu tro cốt hỏa táng tại các nghĩa trang địa phương theo hướng mỹ thuật, tiết kiệm đất và chi phí.
3. Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ chủ động tham mưu, trình UBND Thành phố cơ chế, thủ tục, phương thức tổ chức thực hiện việc hỏa táng các hài cốt không người thừa nhận do giải phóng mặt bằng và lưu tro cốt tại một địa điểm tập trung để tiết kiệm đất và tạo thuận lợi cho nhân dân tìm viếng. Cơ chế chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu, sản xuất, cung ứng áo quan dành cho hỏa táng bằng các chất liệu mới dễ cháy không gây ô nhiễm.
Mục 3. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm tại nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng
1. UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, hướng dẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm liên quan đến đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giá cả dịch vụ, phong tục tập quán, nếp sống văn minh, quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tại nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
2. Các tổ chức, cá nhân quản lý nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nhằm bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ tang lễ, hỏa táng và xử lý kịp thời các vụ việc theo quy định hiện hành.
3. UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng đóng trên địa bàn có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm (nếu có) tổng hợp báo cáo và giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 16. Trách nhiệm các Sở, ban, ngành
1. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực trong công tác quản lý nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố; phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện Quy chế này.
2. Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố.
3. Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề về cải tạo, xây dựng nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố.
4. Sở Tài chính thực hiện quản lý giá dịch vụ tang lễ, hỏa táng tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng được đầu tư từ ngân sách và phối hợp Sở Xây dựng thẩm định giá dịch vụ cơ bản tại khoản 1, Điều 6 và khoản 1, Điều 11 của Quy chế này tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng được xã hội hóa.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố.
6. Các Sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu, đề xuất, giải quyết các vấn đề liên quan.
Điều 17. Trách nhiệm của UBND các cấp
1. UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn căn cứ các quy định của hệ thống quản lý hiện hành và các nội dung cụ thể trong Quy chế này để tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể, bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an ninh xã hội, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng theo thẩm quyền quản lý.
3. Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thực hiện “tang văn minh, tiến bộ”.
Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định pháp luật.
Điều 19. Chế độ báo cáo
1. Các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng có trách nhiệm báo cáo kết quả tổ chức thực hiện các nội dung trong quy chế này UBND xã, phường, thị trấn trước ngày 20 tháng 12 hàng năm. Thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành chức năng.
2. UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy chế tại các nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng đóng trên địa bàn. Tổng hợp định kỳ báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã.
3. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế này, báo cáo định kỳ vào ngày 25 tháng 12 hàng năm và đột xuất gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố.
Trong quá trình thực hiện Quy chế có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.