ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 299/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG DỰA TRÊN NỀN TẢNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 2412/TTr-SKHCN ngày 04 tháng 11 năm 2021 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất và chất lượng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
KẾ HOẠCH
TỔNG THỂ NÂNG CAO
NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG DỰA TRÊN NỀN TẢNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG
TẠO CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong cách ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các biện pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm.
- Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế.
- Số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 10% - 15%.
2. Đối tượng
a) Đối tượng thụ hưởng
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành được định hướng phát triển các ngành kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2025[1]; tổ chức thử nghiệm, phòng thử nghiệm của các tổ chức, doanh nghiệp.
- Chuyên gia thuộc các tổ chức tư vấn, đào tạo; công chức, viên chức làm việc tại các sở, ban, ngành và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Đối tượng tham gia thực hiện
Các trường, viện, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp có chức năng nhiệm vụ phù hợp.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Nhiệm vụ 1: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Mục tiêu: đề xuất những cơ chế, chính sách riêng phù hợp với các điều kiện đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nội dung:
+ Nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định cụ thể các mức chi đảm bảo phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch[2].
+ Đề xuất danh mục tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh[3].
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025
Nhiệm vụ 2: Huấn luyện nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng
- Mục tiêu:
Hỗ trợ về huấn luyện cho tối thiểu 10.000 lượt doanh nghiệp, 150 chuyên gia[4]; xây dựng 01 mạng lưới hỗ trợ cho hoạt động năng suất chất lượng.
- Nội dung:
+ Triển khai các hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực để nâng cao năng suất chất lượng về các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lân thứ tư; hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành (năng suất dịch vụ công, năng suất xanh, năng suất bền vững).
+ Xây dựng nền tảng trực tuyến kết nối các tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng.
+ Giới thiệu doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực (nếu có).
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh
- Mục tiêu: hỗ trợ về tư vấn cho 200 doanh nghiệp.
- Nội dung:
Hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh, áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
Nhiệm vụ 4: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất, chất lượng
- Mục tiêu: Chia sẻ, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và thông tin về các hoạt động năng suất, chất lượng để góp phần hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
- Nội dung:
+ Tổ chức các sự kiện: phát động ngày năng suất, thực hiện các Morning talkshow về năng suất chất lượng, Giải thưởng chất lượng quốc gia; hội nghị/hội thảo/tọa đàm giới thiệu về các nhiệm vụ của Kế hoạch; sơ kết, tổng kết; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có đóng góp đối với hoạt động năng suất tại thành phố; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất, chất lượng trong khối sinh viên các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Truyền thông về năng suất chất lượng: truyền thông về các mô hình, doanh nghiệp áp dụng và duy trì các hệ thống quản lý/công cụ nâng cao năng suất chất lượng mang lại hiệu quả cao, về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về hiệu quả của việc nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia; truyền thông về ISO 56000 về hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, các hệ thống quản lý, các công cụ năng suất chất lượng khác vào hoạt động quản trị doanh nghiệp.
+ Quảng bá các nội dung liên quan đến chương trình năng suất chất lượng trên nền tảng công nghệ thông tin đa truyền thông (trên mạng xã hội): xây dựng các đoạn animation ngắn, video clip hướng dẫn, xây dựng mini game đa nền tảng (website, HTML 5, mobile,...) các thể loại (Quiz test, tương tác, tuyến tính,...) để mô phỏng việc áp dụng các công cụ/hệ thống.
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
Nhiệm vụ 5: Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
- Mục tiêu: Hỗ trợ tối thiểu 10 tổ chức thử nghiệm, phòng thử nghiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
- Nội dung:
Hỗ trợ cho việc bồi dưỡng, huấn luyện, xây dựng hệ thống tài liệu, mở rộng phạm vi công nhận và lĩnh vực cho tổ chức thử nghiệm, phòng thử nghiệm của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành, các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận.
- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2025.
Nhiệm vụ 6: Đánh giá hiệu quả
- Mục tiêu: Hàng năm và 05 năm đánh giá hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ so với Mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Kế hoạch; tỷ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia chương trình năng suất chất lượng đạt từ 80% trở lên.
- Nội dung:
+ Đánh giá hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt hàng năm.
+ Đánh giá hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025.
- Đơn vị chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Đơn vị chủ trì nhiệm vụ, đối tượng thụ hưởng.
- Thời gian thực hiện: Năm 2022-2025.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có liên quan lập dự toán kinh phí, gửi cơ quan tài chính cùng cấp cùng với thời điểm xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
2. Nguồn kinh phí thực hiện
- Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Nguồn kinh phí của các doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch hằng năm; chủ trì, phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này.
- Trước ngày 20 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân Thành phố để tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Tổ chức tổng kết 05 năm giai đoạn 2021-2025, xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2026-2030; đánh giá hiệu quả thực hiện giai đoạn 05 năm và 10 năm.
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận, huyện
Tuyên truyền, phối hợp, hướng dẫn và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp tham gia chương trình; gắn kết các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương với phong trào năng suất, chất lượng của thành phố.
4. Các tổ chức, đơn vị khác có liên quan
Tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị kịp thời thông tin về Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.
[1] Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025” (nhóm sản phẩm ngành Cơ khí, nhóm sản phẩm ngành Cao su - Nhựa, nhóm sản phẩm ngành Lương thực - Thực phẩm, nhóm sản phẩm ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông, nhóm sản phẩm ngành Dệt may, nhóm sản phẩm ngành Dược); Quyết định số 4818/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đề án hình thành và phát huy các hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020-2025 (logistics; thương mại điện tử; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ; dịch vụ bưu chính; viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; du lịch; dịch vụ kinh doanh bất động sản).
[2] Điều 11 Thông tư số 35/2021/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ Tài chính Quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
[3] Lồng ghép Quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019 đến năm 2025.
[4] Chuyên gia của các tổ chức tư vấn, đào tạo; nhân viên của các doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các trường, viện, hiệp hội, tổ chức khoa học công nghệ, đơn vị sự nghiệp có trụ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.