ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2022/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 14 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND ngày 11 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 68/TTr-STC ngày 04 tháng 11 năm 2022 về việc xem xét thông qua dự thảo Quyết định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và kết quả biểu quyết của các thành viên UBND thành phố bằng Phiếu lấy ý kiến tại phần mềm và Công văn số 4532/VP-KT ngày 05 tháng 12 năm 2022 của Văn phòng UBND thành phố.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất có chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
2. Đối tượng áp dụng
a) Đối tượng theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của HĐND thành phố Đà Nẵng về thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa (bao gồm cả trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước từ ngày Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực thi hành nhưng chưa nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa).
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Điều 2. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
1. Mức thu:
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = 100% x Diện tích x Giá của loại đất trồng lúa.
Trong đó:
a) Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền;
b) Giá của loại đất trồng lúa được tính theo bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do UBND thành phố ban hành.
2. Khoản tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước như sau:
a) Tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa phải nộp vào ngân sách thành phố: Tài khoản 7111; Chương của đơn vị nộp tiền (nếu có); Tiểu mục: 4914.
b) Tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nộp vào ngân sách thành phố: Tài khoản 7111; Chương của đơn vị nộp tiền (nếu có); Tiểu mục: 4947.
3. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, cụ thể:
a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp;
b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
4. Thủ tục thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Điều 3. Quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
1. Nguồn kinh phí từ thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được sử dụng để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể và khả năng cân đối ngân sách, UBND thành phố quyết định hỗ trợ từ tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để các địa phương thực hiện nội dung công việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 4. Quy định về truy thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
Đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phát sinh từ ngày 01/7/2015 (thời điểm thực hiện thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND) đến thời điểm ban hành Quyết định này, UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thống kê toàn bộ dự án đã chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn từ ngày 01/7/2015 đến nay chưa thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa (kể cả thông tin của Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất) theo Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Tài chính). Trên cơ sở số liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, Sở Tài chính thực hiện thủ tục thông báo nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa cho Người được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương và Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu UBND thành phố (trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thuộc thẩm quyền của UBND thành phố), hướng dẫn UBND quận, huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện) xác định cụ thể diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả các dự án phát sinh từ ngày 01/7/2015 đến nay).
b) Căn cứ bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước của Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước thuộc thẩm quyền của UBND thành phố), xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa làm căn cứ để Sở Tài chính xác định số tiền phải nộp theo quy định.
c) Hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, HĐND thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý và sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa của các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố.
2. Sở Tài chính
a) Căn cứ hồ sơ đề nghị xác định số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp của Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước theo quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện xác định số tiền và ban hành thông báo thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Theo dõi hạch toán số tiền phải nộp, đã nộp, còn phải nộp, đúng thời hạn, không đúng thời hạn; trường hợp chưa nộp đủ, thực hiện đôn đốc và báo cáo tham mưu UBND thành phố có biện pháp giải quyết.
b) Căn cứ Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận huyện và các cơ quan có liên quan dự kiến khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và dự toán chi từ nguồn thu này để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.
c) Hướng dẫn việc thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách thành phố sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện) hoàn thành việc xác nhận diện tích đất trồng lúa cho Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định.
d) Tham mưu UBND thành phố thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của các dự án thuộc quản lý của cơ quan Trung ương có chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa phát sinh trên địa bàn thành phố theo quy định trên cơ sở báo cáo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng diện tích đất trồng lúa của các địa phương trên địa bàn thành phố.
b) Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán, chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định trên địa bàn thành phố gửi Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND thành phố: xác định các loại cây trồng hằng năm, cây lâu năm hoặc loại thủy sản phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương theo quy định; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của thành phố; hằng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của thành phố.
4. Kho bạc Nhà nước
Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo thông báo của cơ quan tài chính vào ngân sách thành phố tại Kho bạc Nhà nước.
5. Cục Thuế thành phố
Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện các nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ về quản lý thuế và chỉ đạo các Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực trực thuộc phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện thực hiện các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
a) Tổ chức công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa của địa phương đã được phê duyệt; xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa, hàng năm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc bảo vệ diện tích, chỉ giới, chất lượng đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt.
b) Phối hợp kiểm tra việc thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước trước khi giao đất ngoài thực địa.
c) Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán, lập kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa tại địa phương theo quy định Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến, gửi Sở Tài chính tổng hợp.
d) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xác định cụ thể diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trong quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ Bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước của Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện), xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định; tổng hợp tình hình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
đ) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ kê khai của Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định và thông báo khoản tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách thành phố theo quy định.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại khoản 9, Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
7. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước: Thực hiện kê khai và nộp đầy đủ, đúng thời hạn số tiền bảo vệ, phát triển đất lúa vào Kho bạc Nhà nước theo Thông báo của Sở Tài chính (hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện) và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2022.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Quyết định này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.
3. Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng; Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.