ỦY BAN
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2021/QĐ-UBND |
Nghệ An, ngày 22 tháng 9 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20/11/2019;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 535/TTr-CAT-PA04-PV01 ngày 06/9/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2021 thay thế Quyết định số 74/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định giải quyết đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT VIỆC ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC DO PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, quy trình phối hợp và trách nhiệm các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An (sau đây gọi tắt là đình công).
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh, Hội Luật gia tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ đình công.
1. Công tác phối hợp giải quyết đình công giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, thống nhất và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp lao động góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Nội dung phân công các cơ quan chức năng tham gia giải quyết đình công phải bảo đảm hợp lý, tránh chồng chéo gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc.
1. Tiếng nói, chữ viết dùng trong quá trình giải quyết đình công là tiếng Việt.
2. Các đương sự có quyền sử dụng phiên dịch khi làm việc để biểu hiện nội dung tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
3. Các đương sự có thể ủy quyền bằng văn bản cho đại diện của mình để tham gia quá trình giải quyết đình công và chịu trách nhiệm về sự ủy quyền đó theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quy trình phối hợp giải quyết
1. Khi phát hiện có dấu hiệu, ý định đình công tại doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp đồng thời là người sử dụng lao động phải thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp); trực tiếp làm việc, đối thoại với người lao động để xem xét, nghiên cứu và có giải pháp giải quyết nhu cầu chính đáng của người lao động.
2. Khi nhận được thông tin về việc người lao động tiến hành đình công xảy ra tại doanh nghiệp thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở doanh nghiệp hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp) khẩn trương thành lập đoàn công tác liên ngành đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh, trật tự; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện quá khích; có biện pháp xử lý nhanh, hiệu quả không để lan rộng cuộc đình công sang khu vực lân cận. Đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về các tình hình liên quan để chủ động giải pháp xử lý.
a) Đối với doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì thành lập Đoàn công tác liên ngành cấp huyện do 01 đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng đoàn và mời đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động cấp huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện tham gia Đoàn công tác;
b) Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì thành lập Đoàn công tác liên ngành do 01 đồng chí lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm Trưởng đoàn và mời đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban liên quan cấp huyện, Liên đoàn Lao động cấp huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam tham gia Đoàn công tác.
3. Khi vụ việc phức tạp kéo dài, vượt quá khả năng giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh để tham gia giải quyết vụ việc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn, mời Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia Đoàn công tác.
4. Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh nhanh chóng tiếp cận hiện trường xảy ra cuộc đình công để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tiếp tục giải quyết vụ việc.
5. Trường hợp vụ việc phức tạp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh thì Trưởng đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh phải báo cáo ngay Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng chỉ đạo giải quyết.
6. Trường hợp có dấu hiệu chuyển hóa từ đình công sang gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn thì Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng tăng cường lực lượng đủ mạnh, trong đó lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt để ngăn chặn, giải quyết vụ việc theo phương châm “Bốn tại chỗ” bảo đảm sớm ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn.
Điều 5. Chế độ thông tin báo cáo
1. Hình thức báo cáo
Văn bản giấy, văn bản điện tử, trực tiếp báo cáo tại cuộc họp, buổi làm việc, qua điện thoại…
2. Phương thức báo cáo
Qua văn thư, hệ thống thư điện tử, mạng nội bộ, thiết bị, hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dụng, trực tiếp báo cáo.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Liên đoàn Lao động cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam theo dõi và báo cáo việc thực hiện cam kết của các bên tranh chấp lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
2. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi kích động, đe dọa, cưỡng ép người lao động ngừng việc, tham gia đình công. Đồng thời, củng cố tài liệu, chứng cứ phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cầm đầu, quá khích trong quá trình đình công để xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều 7. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
b) Tham gia, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trong việc hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp lao động, đình công có những tình tiết phức tạp (khi có đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam);
c) Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có);
d) Xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra tranh chấp lao động, đình công theo thẩm quyền;
đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp;
e) Tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;
g) Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm của Công an tỉnh
a) Chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân cấp huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam về nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn quản lý;
b) Chủ trì tổ chức các kế hoạch, phương án phân công bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự nơi đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công;
c) Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kích động, xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia đình công;
d) Tham gia góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết các vụ tranh chấp lao động.
3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cung cấp cho Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh các thông tin nội dung doanh nghiệp đã thực hiện trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn; phối hợp tổng hợp tình hình và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm sau đăng ký thành lập của doanh nghiệp tại địa phương (khi có yêu cầu).
4. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
Trong trường hợp vụ việc phát sinh có liên quan đến doanh nghiệp và cá nhân người nước ngoài, trên cơ sở đề nghị của Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh, Sở Ngoại vụ là đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin giữa cơ quan Việt Nam với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để đề nghị phối hợp, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động liên quan đến tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
5. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
a) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp để phòng ngừa và tránh tái diễn xảy ra đình công;
b) Tham gia góp ý, đề xuất phương án giải quyết đình công và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án (khi có yêu cầu).
6. Trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam
a) Chủ động nắm chắc tình hình và tập trung giải quyết ban đầu việc đình công (đối với việc đình công xảy ra tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp); trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết;
b) Phối hợp với lực lượng Công an bảo đảm an ninh, trật tự nơi xảy ra đình công thuộc quyền quản lý.
7. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh
Cung cấp cho Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp; hỗ trợ Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh phương án giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội của người lao động (khi có yêu cầu).
8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chủ động nắm chắc tình hình và tập trung giải quyết ban đầu việc đình công; trường hợp vượt quá khả năng giải quyết thì kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết;
b) Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về kết quả giải quyết ban đầu vụ việc;
c) Phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cho Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh;
d) Chủ động phương án theo phương châm “Bốn tại chỗ” để xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh về an ninh, trật tự liên quan đến đình công. Huy động hệ thống chính trị trong đó lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự tại các mục tiêu, địa bàn trọng điểm.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
a) Chỉ đạo Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên cơ sở nắm tình hình phát hiện và thông báo kịp thời cho Công đoàn cấp trên và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động;
b) Làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (nếu có) hoặc đại diện tập thể người lao động và tiếp xúc với người lao động để làm rõ nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động;
c) Tuyên truyền, vận động, giải thích cho người lao động hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật lao động về quan hệ lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp;
d) Tham gia góp ý về phương án giải quyết vụ tranh chấp lao động tại các buổi đối thoại với người sử dụng lao động;
đ) Giải thích, vận động, thuyết phục người lao động trở lại vị trí làm việc và giám sát việc thực hiện quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có);
e) Giám sát việc thực hiện các cam kết sau tranh chấp lao động.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh
Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức trong đơn vị mình tham gia tuyên truyền, vận động người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về lao động.
11. Đề nghị Hội Luật gia tỉnh
a) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp;
b) Trợ giúp pháp lý, hỗ trợ Đoàn công tác các cấp trong việc đề xuất phương án giải quyết đình công (khi có yêu cầu).
Điều 8. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trung thực, khách quan; hợp tác với Đoàn công tác các cấp, tiến hành giải quyết bước đầu vụ đình công.
2. Cùng với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động đã đạt được trong quá trình hòa giải, giải quyết của Đoàn công tác các cấp.
Điều 9. Trách nhiệm của người lao động
1. Chấp hành quy định của pháp luật về trật tự và an toàn công cộng; chấp hành sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; tuân thủ nội quy lao động của doanh nghiệp.
2. Cung cấp thông tin, tài liệu trung thực, khách quan mà mình biết được; hợp tác với Đoàn công tác các cấp, tiến hành giải quyết bước đầu vụ đình công.
3. Thực hiện đầy đủ các cam kết mà người sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận được.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc phát sinh vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.