ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2015/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014;
Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013;
Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2013/QH13 ngày 21/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại Tờ trình số 7455/TTr-SXD ngày 19/8/2015 về việc ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội và Báo cáo thẩm định số 2404/STP-VBQP ngày 17/8/2015 của Sở Tư pháp về việc Báo cáo thẩm định Dự thảo Quyết định ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 17/3/2009 của UBND thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn; các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
VỀ
ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CÁC
CÔNG TRÌNH TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh - đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, phá dỡ, sửa chữa và cải tạo công trình (không phân biệt quy mô, nguồn vốn đầu tư); quá trình vận chuyển cấu kiện, vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (viết tắt là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã); các chủ đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong khu vực thi công xây dựng công trình và khu vực xung quanh;
2. Đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình và các công trình liền kề; giải quyết trong trường hợp thi công gây thiệt hại đến công trình liền kề theo đúng các quy định pháp luật;
3. Đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Điều 3. Công tác khảo sát, chuẩn bị thi công
Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn khi thực hiện khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện các quy định của pháp luật về công tác khảo sát và những yêu cầu sau:
1. Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, khi lập dự án phải khảo sát đầy đủ hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thuộc phạm vi mặt bằng thi công và các công trình liền kề để có biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình đã có. Nếu phải di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư phải liên hệ với cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành để được hướng dẫn và thống nhất biện pháp di chuyển.
2. Đối với các dự án thuộc diện phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận trước khi triển khai dự án; có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất.
3. Đối với các công trình xây dựng gần các công trình hiện có, trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền cơ sở, chủ công trình liền kề về quy mô, thời gian xây dựng công trình, các biện pháp tổ chức khảo sát, thi công công trình bảo đảm an toàn, cam kết đền bù khi việc thi công làm hư hỏng công trình liền kề.
Chủ đầu tư có trách nhiệm khảo sát hiện trạng và lập Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề. Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề có thể thực hiện bằng cách chụp ảnh, đo vẽ, lập sơ đồ và cần lập thành biên bản có xác nhận của chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình liền kề, đại diện chính quyền địa phương.
Chủ đầu tư phải chủ động làm việc với chủ sở hữu, sử dụng công trình liền kề và phối hợp với chính quyền địa phương để thống nhất kế hoạch khảo sát hiện trạng. Trường hợp chủ công trình liền kề không đồng ý cho khảo sát, chủ đầu tư thực hiện khảo sát mặt ngoài có sự chứng kiến của UBND cấp xã và đại diện tổ dân phố, lập biên bản khảo sát làm cơ sở để giải quyết đền bù hoặc khiếu kiện.
Công tác thiết kế phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thiết kế xây dựng và những yêu cầu sau:
1. Các giải pháp thiết kế phải tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn xây dựng được phép áp dụng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đường sắt, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử văn hóa và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật; phù hợp với điều kiện thi công tại địa điểm xây dựng công trình; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ; hạn chế sử dụng các cấu kiện chế tạo sẵn có kích thước và trọng lượng quá lớn vào nội thành, nội thị.
2. Trước khi khởi công xây dựng, nhà thầu xây dựng phải lập thiết kế biện pháp thi công bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định và trình chủ đầu tư phê duyệt. Biện pháp thi công (gồm cả việc phá dỡ công trình cũ nếu có) phải đảm bảo trật tự công cộng; an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công của công trình xây dựng và các công trình liền kề trong mọi điều kiện; thực hiện các biện pháp giảm bụi, tiếng ồn, độ rung. Đối với các công việc, hạng mục công trình, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt, có kỹ thuật phức tạp, xây dựng công trình nhà cao tầng có tầng hầm, xây dựng các công trình có nguy cơ tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận khác; trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu thiết kế phải tuân thủ thực hiện theo các quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Quy định này.
Chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo các quy định của pháp luật và những yêu cầu sau:
1. Trước khi khởi công xây dựng, trong thời hạn 07 ngày làm việc, chủ đầu tư phải thông báo về việc khởi công cho UBND cấp xã, cơ quan cấp phép xây dựng và Sở quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành (đối với các công trình xây dựng chuyên ngành) và các đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan (điện, nước, thoát nước, thông tin truyền thông...) để thực hiện việc quản lý, kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng; trừ các công trình xây dựng thuộc diện không phải thông báo khởi công theo quy định tại Luật Xây dựng.
Hồ sơ thông báo gồm:
a) Văn bản của chủ đầu tư thông báo khởi công xây dựng công trình (theo mẫu tại Phụ lục số 1);
b) Bản sao giấy phép xây dựng (đối với những công trình phải xin giấy phép xây dựng); hoặc Bản sao các bản vẽ thiết kế, gồm: mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chính công trình; mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ đấu nối đường giao thông, thoát nước với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào công trình (đối với các công trình được miễn giấy phép xây dựng nhưng thuộc diện phải thông báo khởi công theo quy định tại Luật Xây dựng);
c) Giấy phép sử dụng tạm hè, đường (nếu có nhu cầu sử dụng);
d) Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản sao giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình (đối với công trình thuộc diện phải thực hiện nội dung này);
e) Biện pháp thi công được phê duyệt, biên bản khảo sát hiện trạng công trình liền kề (nếu có), cam kết đền bù thiệt hại về người, công trình, tài sản nếu được xác định do việc thi công xây dựng công trình mới gây ra.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông báo của chủ đầu tư và theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra sự chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư xây dựng công trình.
Điều 6. Phá dỡ công trình - chuẩn bị mặt bằng thi công
Việc phá dỡ công trình, chuẩn bị mặt bằng thi công thực hiện theo quy định của pháp luật về phá dỡ công trình và những yêu cầu sau:
1. Trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải lập, thẩm tra phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định. Tổ chức, cá nhân thực hiện phá dỡ công trình phải thực hiện theo đúng các nội dung, phương án phá dỡ đã được phê duyệt; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho người, tài sản của công trình phá dỡ và các công trình liền kề, phế thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển và đổ đúng nơi quy định.
2. Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm bảo vệ cây xanh và các công trình hạ tầng khác trong và xung quanh công trường. Trường hợp buộc phải di chuyển hoặc cắt tỉa cành cây xanh phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định.
3. Nếu nghi ngờ mặt bằng thi công có bom, mìn, vật liệu nổ, hóa chất độc hại, nguồn phóng xạ... chủ đầu tư phải thuê đơn vị chuyên môn có tư cách pháp nhân thực hiện việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ; báo cáo cơ quan có thẩm quyền có ý kiến xử lý nguồn hóa chất, phóng xạ trước khi khởi công xây dựng.
4. Trường hợp trong quá trình thi công phát hiện các công trình ngầm, di tích, cổ vật... chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm dừng ngay thi công, bảo vệ hiện trạng, kịp thời báo cáo UBND cấp xã, UBND cấp huyện và các ngành liên quan biết để giải quyết.
Điều 7. Yêu cầu đối với mặt bằng thi công xây dựng
1. Biển báo công trường:
Tất cả các công trình xây dựng (trừ nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân từ 7 tầng trở xuống) phải có phối cảnh công trình và biển báo công trình (theo mẫu phụ lục số 2) tại cổng ra vào công trình.
2. Hàng rào công trường
Xung quanh khu đất xây dựng (trừ những mặt tiếp giáp với tường của công trình khác và cổng vào công trình) chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải làm hàng rào ngăn cách khu vực đang thi công với bên ngoài. Hàng rào thi công phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Chiều cao hàng rào tối thiểu là 02m;
b) Hàng rào có kết cấu chắc chắn, kín khít, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo tồn tại trong suốt quá trình thi công, nếu hư hỏng phải sửa chữa, phục hồi kịp thời;
c) Hàng rào chỉ được xây dựng trên phạm vi đất thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư;
d) Trường hợp hàng rào công trường nằm ngoài phạm vi đất của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng hè phố ngoài mục đích giao thông thì phải được sự chấp thuận, cho phép của chủ quản lý sử dụng, cơ quan quản lý chuyên ngành.
Điều 8. An toàn trong thi công công trình.
Quá trình thi công phải đảm bảo an toàn theo các quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng công trình và các yêu cầu sau:
1. Khi thi công, nhà thầu xây dựng hoặc chủ đầu tư phải làm sàn che để ngăn vật liệu rơi từ trên xuống. Kết cấu sàn che phải chắc chắn, không để vật liệu xây dựng rơi vãi xuống hè đường và các công trình liền kề, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên hè, đường, đảm bảo chiều cao thông thủy tối thiểu là 4,5m.
2. Các công trình công nghiệp, dân dụng, nhà ở... khi xây dựng hoặc tháo dỡ đều phải có màn che kín, khít trong thời gian thi công. Màn che phải vững chắc, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và cao hơn điểm cao nhất của phần công trình đang thi công tối thiểu 02m.
3. Các nhà thầu xây dựng trên công trường khi sử dụng nguồn điện phải thiết kế hệ thống điện thi công và tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng điện, phòng chống cháy nổ. Hệ thống điện đèn bảo vệ, đèn báo phải tách riêng với mạng điện thi công.
4. Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành và các nội dung sau:
a) Thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp với đặc điểm công trình và đã được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
b) Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định và luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động;
c) Các nhà thầu thi công phải thành lập đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở; đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở và những người làm việc trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất, vật tư, vật liệu nguy hiểm về cháy, nổ phải được huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy theo quy định;
d) Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công phải xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo khả năng thoát nạn an toàn và cứu người, bảo vệ tài sản khi cháy xảy ra trong công trình đang xây dựng và trên toàn bộ công trường.
5. Việc quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công phải thực hiện theo các quy định pháp luật, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan. Các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (theo danh mục quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trước khi đưa vào thi công phải được kiểm định kỹ thuật an toàn và khai báo, đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội theo quy định.
6. Đối với công trình thi công có sử dụng cần trục tháp, ngoài việc tuân thủ quy định tại Khoản 5 Điều này còn phải tuân thủ các quy định tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 13/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
7. Khi thi công các công việc, hạng mục công trình, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt, có kỹ thuật phức tạp, xây dựng công trình nhà cao tầng có tầng hầm, xây dựng các công trình có nguy cơ tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận khác; chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu thiết kế tuân thủ thực hiện theo các nội dung sau:
a) Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện khảo sát bổ sung để lập thiết kế biện pháp thi công bảo đảm an toàn và chỉ được khởi công xây dựng khi đã có giải pháp thi công đảm bảo an toàn được phê duyệt và có đủ các điều kiện khác theo quy định;
b) Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn độc lập có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra thiết kế biện pháp thi công của nhà thầu trước khi chấp thuận;
c) Nhà thầu thi công xây dựng lập hệ thống quan trắc biến dạng công trình và các công trình liền kề, khi có dấu hiệu bất thường phải tạm dừng thi công và báo cho Chủ đầu tư để tìm biện pháp xử lý, nếu cố tình không thông báo kịp thời để gây ra sự cố thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm;
d) Nhà thầu thiết kế phải thực hiện giám sát tác giả thường xuyên để kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình thi công xây dựng.
8. Các công trình thi công gần khu dân cư, nơi tập trung đông người, gần đường giao thông... chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải lập biện pháp thi công với thời gian thi công phù hợp, hạn chế thi công trong giờ cao điểm. Khi thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật (như đào đường, thi công các lớp kết cấu đường, hệ thống cấp nước và thoát nước, hệ thống chiếu sáng, lắp đặt đường dây cáp nổi, ngầm...), chủ đầu tư và nhà thầu thi công có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công, như: phải có hệ thống rào chắn đảm bảo chắc chắn, kín khít theo quy định, bố trí đầy đủ hệ thống biển báo giao thông, biển báo và đèn quay cảnh báo, cọc tiêu, dây phản quang, đèn chiếu sáng ban đêm, bố trí người hướng dẫn, phân luồng giao thông...
Trường hợp thi công dưới đường dây điện trên không hoặc gần trạm biến áp phải có biện pháp thi công đảm bảo an toàn hành lang lưới điện theo quy định.
9. Những người tham gia thi công xây dựng trên công trường (kể cả cán bộ quản lý, giám sát thi công) phải được khám sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện khám sức khỏe theo quy định; phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Trên công trường phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế phục vụ công tác sơ cứu ban đầu.
Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định. Những người điều khiển máy, thiết bị và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và có chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định.
10. Không tôi vôi trong các khu vực dân cư nội thành, nội thị. Những khu vực khác: phải bố trí nơi tôi vôi xa đường đi, có biện pháp đảm bảo an toàn, xung quanh chỗ tôi vôi phải có hàng rào chắc chắn chiều cao tối thiểu 01m, có biển báo, đèn báo hiệu về ban đêm đảm bảo an toàn cho người, xe qua lại, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 9. Đảm bảo môi trường trong quá trình thi công
Trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tuân thủ các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường đã cam kết và đảm bảo các nội dung sau:
1. Trên công trường phải bố trí hệ thống thoát nước thi công, thiết kế biện pháp đấu nối hợp lý đảm bảo tiêu nước triệt để, không gây ngập úng trong suốt quá trình thi công. Nước thải thi công trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của Thành phố phải thu về hố ga, lắng đọng bùn đất, phế thải qua các ngăn lắng đọng, kích thước các hố ga phải phù hợp với lưu lượng nước thải. Đơn vị thi công phải thường xuyên tổ chức nạo vét, thu gom bùn rác chuyển đến nơi quy định; không để vật liệu, phế thải xây dựng, dung dịch khoan, hóa chất... trôi vào hồ ao, kênh mương, hệ thống thoát nước chung của Thành phố (các dung dịch khoan, bentonite... phải được thu gom lắng đọng đổ đúng nơi quy định của Thành phố).
2. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải bố trí đủ nhà vệ sinh tạm (loại tự hoại hoặc bán tự hoại) trên công trường hoặc hợp đồng thuê nhà vệ sinh lưu động của đơn vị có chức năng để phục vụ trong suốt thời gian thi công.
3. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng có nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch của Thành phố để thi công phải thiết kế, thi công hệ thống cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp nước và tiết kiệm nước, liên hệ với đơn vị kinh doanh nước sạch để ký hợp đồng sử dụng nước.
4. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng khi khoan giếng, khai thác nước ngầm để thi công phải được cấp có thẩm quyền cho phép và tuân thủ theo các quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân Thành phố về quản lý và khai thác nước ngầm. Sau khi thi công xong hoặc không sử dụng giếng khoan khai thác nước ngầm, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải trám lấp lỗ khoan theo đúng quy định.
5. Chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phải ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực và tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định của Thành phố. Chủ các phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển phải thực hiện thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định và tuân thủ các biện pháp giảm bụi. Xe vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng, bùn, đất, chất thải sinh hoạt... phải có thùng xe kín khít, che chắn đảm bảo không để bụi bay, chảy nước, rơi vãi vật tư, vật liệu, phế thải khi vận chuyển; hoặc phải sử dụng xe chuyên dùng để vận chuyển. Không vận chuyển quá tải trọng quy định. Các phương tiện vận chuyển khi đi vào nội thành, nội thị và ra khỏi công trường phải được rửa sạch đảm bảo mỹ quan và không gây bẩn đường phố.
6. Sau mỗi lần trung chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải tổ chức dọn dẹp ngay vật liệu xây dựng rơi vãi (nếu có), trả lại hè, đường phố, lối đi sạch sẽ cho khu vực.
7. Phế thải xây dựng khi vận chuyển từ trên cao xuống phải được đóng vào bao, đựng trong thùng hoặc vận chuyển trong đường ống bọc kín. Cấm đổ phế thải xây dựng rơi tự do từ trên cao xuống.
8. Thi công đóng cọc (trừ cọc tre):
a) Trong phạm vi khu phố cổ, khu phố cũ cấm thi công cọc đóng (và thử cọc) bằng các loại máy búa có trọng lượng từ 600kg trở lên (hoặc bằng các thiết bị tương tự, thiết bị dùng năng lượng nổ) gây rung động và tiếng ồn lớn.
b) Tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng có thể sử dụng cọc đóng trong trường hợp vị trí đóng cọc cách mép công trình hiện có ít nhất 150m và có biện pháp hạn chế ảnh hưởng do chấn động và tiếng ồn. Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm đền bù nếu việc thi công cọc đóng gây ra lún nứt các công trình khác.
c) Tại các khu vực khác, muốn sử dụng biện pháp đóng cọc, phải được Sở Xây dựng chấp thuận.
9. Trong quá trình thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, không được sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT và QCVN 27:2010/BTNMT (Phụ lục số 3). Phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng không khí theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2009/BTNMT (Phụ lục số 4). Thi công công trình giao thông qua khu dân cư phải thường xuyên tưới nước chống bụi, có biện pháp nấu nhựa khi thi công rải đường để hạn chế ô nhiễm môi trường.
10. Các kho chứa chất cháy nổ, hóa chất độc hại, nhiên liệu phục vụ thi công, khu chứa tạm phế thải xây dựng:
Các kho chứa chất cháy nổ, hóa chất độc hại, nhiên liệu phục vụ thi công phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình lân cận theo quy định.
Đối với công trình khi thi công có sử dụng các hóa chất độc hại phải có biện pháp lưu giữ, biện pháp thi công, biện pháp vận chuyển, thu gom và xử lý chất thải được cấp có thẩm quyền quy định.
Nhiên liệu, dầu mỡ cung cấp cho máy, thiết bị thi công phải được lưu giữ trong thùng kín tại khu vực riêng, có mái che, tường bao và sàn kín không để rò rỉ ra môi trường xung quanh. Đơn vị lưu giữ, sử dụng nhiên liệu phải có biện pháp phòng chống cháy nổ theo quy định; phải có giải pháp thu hồi xăng, dầu khi có sự cố, trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy phù hợp với chất cháy và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về xăng, dầu.
11. Việc xây dựng công trình trong khu vực phố cổ Hà Nội, xây dựng công trình bên cạnh khu đất công trình có giá trị đặc biệt, công trình công cộng, công trình di tích lịch sử văn hóa:
a) Chủ đầu tư và nhà thầu phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về cấp phép xây dựng, đảm bảo trật tự xây dựng đô thị;
b) Trong quá trình thi công, hoàn thiện, sửa chữa, bảo trì công trình phải có biện pháp hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư, đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực nơi có công trình do đơn vị thi công;
c) Chủ đầu tư có trách nhiệm lập biển báo công trình, ngoài các quy định Biển báo công trình theo Phụ lục số 2 (kèm theo Quy định này) phải đề rõ số Giấy phép xây dựng các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc được duyệt; có rào chắn, vật liệu che chắn đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện đi đường;
d) Chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và các giá trị di sản, phải có trách nhiệm tái tạo môi trường, không gian, cảnh quan bị hư hại do thi công công trình gây ra.
Điều 10. Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công
Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật và các yêu cầu sau:
1. Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công phải đảm bảo an toàn, khuyến khích dùng cấu kiện chế tạo sẵn dễ tháo lắp hoặc container chuyên dụng.
2. Công trình xây dựng tạm, nhà vệ sinh công trường phải được xây dựng ở vị trí thuận tiện, đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Sau khi thi công xong công trình chính của dự án; các công trình xây dựng tạm, nhà vệ sinh công trường phải được tháo dỡ, thu dọn trả lại mặt bằng như nguyên trạng ban đầu, trừ trường hợp công trình xây dựng tạm phù hợp quy hoạch được duyệt.
Điều 11. Đảm bảo trật tự, trị an trong quá trình xây dựng
1. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nếu có nhu cầu cho cán bộ, công nhân và lao động ở lại công trường xây dựng phải đăng ký tạm trú với cơ quan công an phường, xã, thị trấn sở tại.
2. Chủ đầu tư và các nhà thầu có trách nhiệm quản lý các hoạt động của những người do mình thuê trong suốt thời gian thi công và ở tại công trình; phối hợp với công an, chính quyền phường, xã, thị trấn sở tại đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội khu vực thi công.
3. Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải xây dựng phương án quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất, thiết bị xe máy; thực hiện đúng các quy định về phòng chống cháy nổ; phối hợp với chính quyền sở tại đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong thời gian thi công.
Điều 12. Giải quyết hư hỏng công trình liền kề
1. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình (kể cả cải tạo, nâng cấp, phá dỡ) có hành vi tổ chức thi công vi phạm các quy định về xây dựng, gây thiệt hại cho công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật) thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời tạm dừng thi công để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Trình tự giải quyết thực hiện theo các bước sau:
a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Nếu sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Tại buổi thỏa thuận lần hai mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng, chủ đầu tư phải cam kết sửa chữa hư hỏng cho bên bị thiệt hại và có biện pháp kiểm soát hậu quả không để xảy ra những thiệt hại khác. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm;
b) Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 07 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;
c) Trong thời hạn 07 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2;
d) Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó, chủ đầu tư phải cam kết sửa chữa hư hỏng cho bên bị thiệt hại. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng.
2. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
3. Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều này để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận, UBND cấp xã phải thực hiện kiểm tra ngay sau khi nhận được trình báo của bên bị thiệt hại, có kế hoạch và chịu trách nhiệm di chuyển người, tài sản ra khỏi công trình bị hư hỏng; kịp thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình dừng thi công và có ngay biện pháp chống đỡ công trình hư hỏng, đồng thời báo cáo UBND cấp huyện để tiếp tục giải quyết. Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng chỉ được phép tiếp tục thi công sau khi công trình liền kề có nguy cơ sụp đổ đã được xử lý đảm bảo an toàn. Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.
Điều 13. Thu dọn, bàn giao mặt bằng công trường
Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng công trình tạm và các yêu cầu sau:
1. Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải tháo dỡ xong toàn bộ công trình xây dựng tạm (trừ trường hợp công trình xây dựng tạm phù hợp quy hoạch được duyệt), nhà vệ sinh, chuyển hết vật liệu, cấu kiện thừa, phế thải xây dựng đến nơi quy định của Thành phố, di chuyển máy móc, thiết bị phục vụ thi công ra khỏi mặt bằng công trình, nạo vét bùn, đất, phế thải, sửa chữa những vị trí hư hỏng của đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước do quá trình thi công gây nên, dọn dẹp mặt bằng công trường để bàn giao lại cho chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng, cơ quan quản lý chuyên ngành. Nghiêm cấm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng sử dụng công trình tạm vào mục đích khác sau khi đã kết thúc thi công.
2. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (cấp điện, cấp nước, thoát nước...) công trình xây dựng, duy tu cải tạo nâng cấp hè, đường, hạ ngầm đường dây đi nổi ngay sau khi xây dựng xong toàn bộ hoặc từng phần (đối với công trình xây dựng theo tuyến) chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải san, lấp, dọn dẹp hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông trong khu vực.
3. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ, chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ thu hồi vật tư. Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ.
THANH TRA, KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM
1. Tất cả các hoạt động làm trái hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ Quy định này đều coi là vi phạm.
2. Tất cả các hoạt động xây dựng công trình, vận chuyển cấu kiện, vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng trên địa bàn Thành phố đều phải chịu sự thanh tra, kiểm tra xử lý của chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố theo từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành và theo Quy định này.
Mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt thực hiện theo các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; bảo vệ môi trường; giao thông đường bộ; an toàn điện; phòng cháy chữa cháy và Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Trường hợp một hành vi vi phạm được quy định những mức xử phạt khác nhau bởi những văn bản đang hiện hành, thì áp dụng mức xử phạt cao nhất để xử lý vi phạm.
Điều 16. Trách nhiệm của chính quyền địa phương
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
a) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo Quy định này. Chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý hoạt động xây dựng, đảm bảo trật tự vệ sinh môi trường trên địa bàn; chỉ đạo các lực lượng trực thuộc và lực lượng hiệp quản, UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền;
b) Phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/02/2014 của UBND thành phố Hà Nội về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội;
c) Quyết định xử phạt và thực hiện xử phạt theo thẩm quyền, lập hồ sơ vi phạm và đề xuất ý kiến xử lý đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
d) Tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt của Ủy ban nhân dân Thành phố, thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 13 Quy định này;
e) Kiểm tra và xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án theo phân cấp;
f) Tổ chức cấp giấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông theo phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
a) Thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của UBND phường, xã, thị trấn để các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ thực hiện Quy định này. Tổ chức quản lý hoạt động xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn và vệ sinh môi trường trên địa bàn;
b) Kiểm tra và xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường (khi được phân cấp, ủy quyền);
c) Tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm, lập biên bản đình chỉ thi công, lập hồ sơ vi phạm, ban hành các quyết định xử lý và tổ chức xử lý theo thẩm quyền;
d) Lập hồ sơ vi phạm đề xuất ý kiến xử lý đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, quyết định;
e) Tổ chức thực hiện quyết định xử phạt, cưỡng chế của Ủy ban nhân dân quận, huyện;
f) Phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 3; khoản 2 Điều 5; khoản 1, 3, 4 Điều 12 Quy định này;
g) Phối hợp với Thanh tra xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/02/2014 của UBND thành phố Hà Nội về Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 17. Trách nhiệm của các Sở, ngành thuộc Thành phố
1. Sở Xây dựng
a) Theo dõi tổng hợp tình hình quản lý thực hiện Quy định này, đề xuất hướng giải quyết với Ủy ban nhân dân Thành phố đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện, thị xã trong quá trình thực hiện Quy định này;
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng, các phòng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình theo thẩm quyền.
2. Sở Giao thông vận tải
a) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử phạt theo thẩm quyền và quy định của pháp luật;
b) Tổ chức cấp giấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông tại các tuyến phố do Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý;
c) Cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện giao thông để phục vụ thi công công trình; cấp giấy phép đỗ xe tạm thời để bốc xếp hàng hóa, vật tư phục vụ thi công;
d) Tham gia với các ngành, chính quyền địa phương kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
3. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành
Chủ trì kiểm tra các công trình xây dựng chuyên ngành về công tác đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố ban hành các quy định và chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc tổ chức điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thực hiện khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo về tai nạn lao động;
c) Tiếp nhận các tài liệu khai báo đăng ký sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng; kiểm tra và cấp giấy xác nhận khai báo theo quy định;
d) Thực hiện quản lý nhà nước về công tác huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng;
b) Thực hiện việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
6. Sở Quy hoạch - Kiến trúc
a) Thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc;
b) Có ý kiến trả lời, tham gia phối hợp giải quyết về những vấn đề thuộc nội dung quy hoạch kiến trúc và quản lý quy hoạch kiến trúc theo đề nghị của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.
7. Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố
a) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố ban hành các quy định và chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy;
b) Thẩm tra, xét duyệt, kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng công trình;
c) Chỉ đạo công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn quản lý nhân khẩu tạm trú trong quá trình thi công xây dựng công trình;
d) Tham gia, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình của các cấp có thẩm quyền.
8. Các đơn vị, doanh nghiệp quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (cấp nước, thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng, hè đường, vệ sinh môi trường...).
Có trách nhiệm theo dõi, phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực được giao, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khắc phục vi phạm hoặc kiến nghị chính quyền các cấp, thanh tra chuyên ngành, các sở chuyên ngành xử lý.
Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố có trách nhiệm bố trí bộ máy, cán bộ để thực hiện nhiệm vụ tại Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành những văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến nội dung của Quy định này, Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, phối hợp với các sở, ngành, các cấp chính quyền đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
Hà Nội, ngày ….. tháng ……. năm ………
Kính gửi: UBND phường, xã, thị trấn
- Chủ đầu tư:.....................................................................................................................
- Địa chỉ:............................................................................................................................
- Thông báo khởi công công trình:....................................................................................
Tại: ...................................................................................................................................
- Giấy phép xây dựng số....... ngày...... tháng..... .năm......
Do....................................................................................... cấp
- Giấy phép đầu tư số....... ngày...... tháng..... .năm......
Do................................................................................... phê duyệt
- Giấy phép sử dụng hè, đường (nếu có)
Số: ………… ngày …….. tháng …….. năm ......... do ……………………. cấp
- Tổ chức thi công
Tên tổ chức........................................................................................................................
Địa chỉ................................................................................................................................
- Ngày khởi công:..............................................................................................................
- Ngày hoàn thành:............................................................................................................
Chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng các quy định của Thành phố về đảm bảo TTAT - VSMT trong quá trình thi công xây dựng công trình.
UBND............................
xác nhận: |
CHỦ
ĐẦU TƯ |
* Tên công trình:
* Địa điểm xây dựng:
* Quy mô công trình:
* Tên Chủ đầu tư, địa chỉ, số điện thoại liên hệ:
* Tên Nhà thầu thi công, địa chỉ, số điện thoại liên hệ:
* Tên Nhà thầu thiết kế, địa chỉ, số điện thoại liên hệ:
* Tên Nhà thầu hoặc người giám sát thi công, địa chỉ, số điện thoại liên hệ:
* Ngày khởi công:
* Ngày hoàn thành:
* Bản vẽ phối cảnh công trình:
Giới hạn tối đa cho phép về
tiếng ồn
(theo âm mức tương đương)
Đơn vị: dBA
TT |
Khu vực |
Từ 6 giờ đến 21 giờ |
Từ 21 giờ đến 6 giờ |
1 |
Khu vực đặc biệt: Là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác... |
55 |
45 |
2 |
Khu vực thông thường: Gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... |
70 |
55 |
QCVN 27:2010/BTNMT
Mức gia tốc rung cho phép trong hoạt động xây dựng
Đơn vị: dB
TT |
Khu vực |
Thời gian áp dụng trong ngày |
Mức gia tốc rung cho phép |
1 |
Khu vực đặc biệt: Là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác... |
6 giờ - 18 giờ |
75 |
18 giờ - 6 giờ |
Mức nền |
||
2 |
Khu vực thông thường: Gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... |
6 giờ - 21 giờ |
75 |
21 giờ - 6 giờ |
Mức nền |
Ghi chú: Mức nền: Là mức gia tốc rung đo được khi không có các hoạt động xây dựng tại các khu vực được đánh giá.
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ XUNG QUANH
(Căn cứ QCVN 05 : 2009/BTNMT - Quy chuẩn Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh)
1. Phạm vi áp dụng:
1.1. Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số cơ bản, gồm lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon (CO), nitơ oxit (NOx), ôzôn (O3), bụi lơ lửng, bụi PM10 (bụi ≤ 10µm) và chì (Pb) trong không khí xung quanh.
1.2. Quy chuẩn này áp dụng để đánh giá chất lượng không khí xung quanh và giám sát tình trạng ô nhiễm không khí.
2. Giá trị giới hạn:
Giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong không khí xung quanh
Đơn vị: Microgam trên mét khối (µg/m³)
TT |
Thông số |
Trung bình 1 giờ |
Trung bình 8 giờ |
Trung bình 24 giờ |
Trung bình năm |
1 |
SO2 |
350 |
- |
125 |
50 |
2 |
CO |
30000 |
10000 |
5000 |
- |
3 |
NOx |
200 |
- |
100 |
40 |
4 |
O3 |
180 |
120 |
80 |
- |
5 |
Bụi lơ lửng (TSP) |
300 |
- |
200 |
140 |
6 |
Bụi ≤ 10 µm (PM10) |
- |
- |
150 |
50 |
7 |
Pb |
- |
- |
1,5 |
0,5 |
Ghi chú: Dấu (-) là không quy định |
Ghi chú: Phương pháp phân tích xác định các thông số chất lượng không khí thực hiện theo hướng dẫn của các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn phân tích tương ứng của các tổ chức quốc tế.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.