BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2845/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG CƠ QUAN THUẾ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20/11/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Quyết định này.
2. Cục Thuế có trách nhiệm gửi Quy định phân công cơ quan Thuế quản lý đối với người nộp thuế trên địa bàn đã được ban hành về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để thống nhất thực hiện.
3. Tổng cục Thuế có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phân công quản lý thuế đối với người nộp thuế, kiểm tra việc thực hiện phân công quản lý đối với người nộp thuế tại các Cục Thuế, Chi cục Thuế.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.
Việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế theo quy định tại Quyết định này được thực hiện từ ngày 01/01/2017.
Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Thủ trưởng các Vụ/đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
PHÂN CÔNG CƠ QUAN THUẾ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính)
Quy định này hướng dẫn việc phân công cơ quan thuế (bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế trong các trường hợp sau đây:
1. Doanh nghiệp mới thành lập; tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi chủ sở hữu dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý), thay đổi địa chỉ trụ sở (dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý) theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Tổ chức kinh tế, tổ chức khác thực hiện đăng ký thuế mới, tổ chức lại hoạt động (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập), chuyển đổi loại hình hoạt động dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, thay đổi thông tin đăng ký thuế về địa chỉ trụ sở dẫn đến thay đổi cơ quan thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế.
3. Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh, cá nhân khác thực hiện đăng ký thuế mới, tái hoạt động, thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý theo quy định của Luật quản lý thuế và Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế.
4. Người nộp thuế đang hoạt động đã được phân công cơ quan thuế (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế) quản lý trước thời điểm ban hành Quyết định này thì thực hiện theo các quy định phân công tại thời điểm đó, trừ trường hợp phân công quản lý người nộp thuế và quản lý khoản thu cho Tổng cục Thuế quản lý theo hướng dẫn tại Điều 5 và các trường hợp phân công lại theo hướng dẫn tại Điều 7, Điều 8 Quy định này.
1. Cơ quan thuế, gồm: Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế.
2. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Yêu cầu đối với việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế
Việc phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền quản lý, phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước tại địa phương; phù hợp với các quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
2. Phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan thuế các cấp.
3. Phù hợp với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; đặc điểm của từng địa phương, vùng, miền trên cả nước.
4. Đồng bộ, thống nhất với phân cấp quản lý nhà nước khác trên địa bàn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đảm bảo sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
5. Thực hiện tự động trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế của ngành thuế và đồng bộ, thống nhất với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Điều 4. Cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế
1. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý thuế theo Luật quản lý thuế.
Trường hợp Luật quản lý thuế quy định người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế (khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế hoặc nghĩa vụ thuế khác) thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế khác cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế thì cơ quan thuế đó được gọi là cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước để đảm bảo việc quản lý thuế đầy đủ, tập trung, thống nhất về người nộp thuế và tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
2. Thông tin về cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế được thông báo cho người nộp thuế qua các hình thức sau đây:
a) Đối với người nộp thuế thuộc Khoản 1 và Khoản 4 (đối với doanh nghiệp) Điều 1 Quy định này, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi Thông báo về cơ quan thuế quản lý đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
b) Đối với người nộp thuế Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 (đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh, cá nhân khác) Điều 1 Quy định này, thông tin về cơ quan thuế quản lý trực tiếp được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế.
Điều 5. Về người nộp thuế và khoản thu giao Tổng cục Thuế quản lý
1. Người nộp thuế do Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp:
a) Các hợp đồng, hiệp định tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí đối với các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.
b) Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông có phần vốn của nhà nước; các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải và dịch vụ hàng không (trừ khoản thu liên quan đến đất đai điều tiết 100% cho ngân sách địa phương do các cơ quan thuế ở địa phương xác định và ra thông báo thuế gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, lệ phí trước bạ). Việc phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với các khoản thu thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách của người nộp thuế nêu tại điểm này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Các khoản thu do Tổng cục Thuế quản lý:
a) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế (bao gồm cả gốc và lãi); Cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu.
b) Khoản chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
c) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ các mỏ do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
d) Tiền sử dụng khu vực biển đối với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của trung ương.
đ) Các khoản phí, lệ phí, gồm: Phí sử dụng tần số vô tuyến điện; Lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Phí quyền hoạt động viễn thông; Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông; Phí sử dụng mã, số viễn thông; Phí duy trì sử dụng tên miền và địa chỉ Internet; Lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet; Phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông; Phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính; Phí sử dụng đường bộ; Phí bay qua vùng trời Việt Nam; Phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
e) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng quyết định công nhận (gọi là Công ty quốc phòng) nộp về Cục Tài chính Bộ Quốc phòng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 206/2014/TTLT/BTC-BQP ngày 24/12/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện khai, nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước.
f) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty an ninh và các đơn vị sự nghiệp có thu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ an ninh theo quyết định của Bộ Công An nộp về tài khoản của Bộ Công An theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 85/2005/TTLT/BTC-BQP ngày 26/09/2005 của Bộ Tài chính và Bộ Công An hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị thuộc Bộ Công An.
Điều 6. Hướng dẫn về phân công cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế
1. Người nộp thuế do Cục Thuế quản lý
Phân công cho Cục Thuế quản lý trực tiếp những người nộp thuế (trừ người nộp thuế, khoản thu do Tổng cục Thuế quản lý quy định tại Điều 5 Quy định này) theo các tiêu chí sau:
a) Đối với doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
- Doanh nghiệp có vốn nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khác có quy mô kinh doanh lớn.
Cơ quan thuế xác định quy mô kinh doanh của doanh nghiệp căn cứ vào số vốn điều lệ (công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh), vốn đầu tư (đối với doanh nghiệp tư nhân) trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh) do cơ quan đăng ký kinh doanh gửi đến, hoặc hồ sơ đăng ký thuế đối với doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan thuế để phân công cơ quan thuế quản lý.
Việc xây dựng và phê duyệt tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý theo quy mô vốn của doanh nghiệp được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Quy định này.
- Doanh nghiệp dự án hoặc doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án (trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án) BOT, BTO, BT, BOO, BLT, BTL, O&M theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, như hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng, khai khoáng và ngành nghề kinh doanh khác theo yêu cầu quản lý thuế của từng địa phương.
- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh quản lý.
- Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; hoặc doanh nghiệp có quan hệ liên kết, quan hệ với một trong các thành viên góp vốn với doanh nghiệp theo quy định của giao dịch kinh doanh giữa các bên có liên kết đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp; doanh nghiệp có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn.
b) Đối với người nộp thuế là tổ chức:
- Tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí trước bạ) do cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập, trừ các khoản phí, lệ phí giao Tổng cục Thuế quản lý tại Điều 5 Quy định này.
- Chủ dự án ODA, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, Nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA.
- Nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
- Tổ chức chi trả thu nhập khẩu trừ nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc chỉ phát sinh hoàn thuế, gồm: cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương; cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan khác ở cấp tỉnh; cơ quan đại diện ngoại giao; cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cơ quan lãnh sự; văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.
c) Đối với cá nhân:
- Cá nhân nước ngoài sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài (trường hợp cá nhân không làm việc tại Việt Nam).
- Chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình dự án ODA; chương trình dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.
- Người Việt Nam làm việc cho văn phòng đại diện của các tổ chức Quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc tại Việt Nam thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.
2. Người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý
Chi cục Thuế quản lý trực tiếp các người nộp thuế còn lại sau khi trừ các người nộp thuế do Tổng cục Thuế và Cục Thuế quản lý theo quy định tại Quy định này có địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cấp huyện.
3. Người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức (trừ chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức do Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Điều 5 Quy định này).
a) Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý theo cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức.
b) Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức không cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý theo cấp của cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức do Cục Thuế quản lý thì chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cũng do Cục Thuế quản lý).
Riêng Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh có số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc lớn, Cục trưởng Cục Thuế phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc trên địa bàn cho phù hợp với năng lực quản lý của Cục Thuế, Chi cục Thuế.
4. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh thực hiện phân công cho cơ quan thuế đang quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.
5. Đối với tổ chức được cơ quan thuế ký hợp đồng ủy nhiệm thu thực hiện phân công cho cơ quan thuế có hợp đồng ủy nhiệm thu.
1. Căn cứ nội dung phân cấp nguồn thu ngân sách địa phương theo quy định tại Điều 30 của Luật Ngân sách nhà nước và các nội dung hướng dẫn phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế tại Quy định này, Cục Thuế xây dựng phương án phân công cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế trên địa bàn phù hợp với nội dung phân cấp nguồn thu ngân sách trên địa bàn và thực hiện phân công tự động trên hệ thống ứng dụng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.
Trên cơ sở phương án phân công cơ quan thuế quản lý đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, Cục Thuế ban hành bộ tiêu chí phân công cơ quan thuế quản lý trên địa bàn, báo cáo Tổng cục Thuế và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về phân cấp nguồn thu ngân sách dẫn đến thay đổi phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế thì Cục Thuế xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung phân công cơ quan thuế quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Cục Thuế sửa đổi tiêu chí phân công theo phương án phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh để đảm bảo thống nhất.
3. Trường hợp cơ quan thuế thực hiện phân công lại cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế đang hoạt động do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh, sửa đổi Nghị quyết phân cấp nguồn thu ngân sách trên địa bàn theo thẩm quyền được quy định tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước thì việc phân công phải thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Quy định này.
Điều 8. Hệ thống ứng dụng quản lý thuế thực hiện việc phân công cơ quan thuế quản lý người nộp thuế
1. Đối với người nộp thuế do Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp
Tổng cục Thuế thực hiện cập nhật danh sách người nộp thuế do Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp theo Quyết định của Bộ Tài chính vào Hệ thống ứng dụng quản lý thuế ngay khi Quyết định của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành.
2. Đối với người nộp thuế do Cục Thuế, Chi cục Thuế quản lý trực tiếp
a) Đối với người nộp thuế thuộc khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Quy định này
Căn cứ tiêu chí phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đã được phê duyệt, cơ quan thuế thực hiện:
- Đối với doanh nghiệp thực hiện liên thông với cơ quan đăng ký kinh doanh
Căn cứ vào thông tin trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (thành lập mới và tổ chức lại doanh nghiệp) và hồ sơ thay đổi địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp do Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh truyền sang, hệ thống ứng dụng của ngành thuế hiện phân công cơ quan thuế (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế) quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế tự động ngay trong ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định và truyền thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Đối với các người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế
Căn cứ vào hồ sơ đăng ký thuế (thành lập mới và tổ chức lại hoạt động tổ chức kinh tế), hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế gửi đến, cơ quan thuế thực hiện phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế cùng với việc giải quyết hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định tại Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế.
b) Đối với người nộp thuế thuộc khoản 4 Điều 1 Quy định này:
Căn cứ tiêu chí phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đã được phê duyệt và thông tin quản lý thuế đối với người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện phân công lại cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế từ Chi cục Thuế về Cục Thuế và thông báo cho người nộp thuế biết.
c) Đối với người nộp thuế được cấp mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế và phân công cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp theo hướng dẫn tại Quy định này, sau đó có hoạt động xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; hoặc doanh nghiệp có quan hệ liên kết, quan hệ với một trong các thành viên góp vốn với doanh nghiệp theo quy định của giao dịch kinh doanh giữa các bên có liên kết đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp; hoặc doanh nghiệp có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn; hoặc có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù.
Căn cứ vào thông tin quản lý thuế đối với người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện phân công lại cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với người nộp thuế từ Chi cục Thuế về Cục Thuế và thông báo cho người nộp thuế biết và thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.