ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2830/QĐ-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 31 tháng 12 năm 2014 |
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Kết luận số 107-KL/TU ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân công theo dõi, chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai các giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU
1. Mục tiêu: Tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
2. Chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2015
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng khoảng 9 %, trong đó:
+ Các ngành dịch vụ tăng 10,5 %
+ Công nghiệp - xây dựng tăng 9,0 %
+ Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,5 %
Cơ cấu các ngành kinh tế dự kiến: Dịch vụ 51,3 %; công nghiệp - xây dựng 37,1 %; nông, lâm, thủy sản: 9,9 %.
- Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP) đạt 2.000 USD;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 16.200 tỷ đồng.
b) Sở Tài chính theo dõi, tham mưu đề xuất chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu:
- Thu NSNN 4.851,6 tỷ đồng; trong đó thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 4.118,5 tỷ đồng.
c) Sở Công Thương theo dõi chỉ tiêu:
- Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 680 triệu USD.
d) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi chỉ tiêu:
- Doanh thu du lịch tăng 15 %.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp theo dõi chỉ tiêu:
- Năng suất lúa bình quân đạt trên 55,5 tạ/ha; Sản lượng lương thực có hạt trên 305 nghìn tấn;
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 95 %; trong đó tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch: 75 %;
- Trồng 4.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng: 57 %;
e) Sở Y tế theo dõi chỉ tiêu:
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 12,5 %;
- Tỷ suất sinh 0,2 %o (còn 13,5 %o); giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 15 %; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,1 %;
- Số giường bệnh/vạn dân đạt 47,5 giường, số bác sĩ/vạn dân 17 bác sĩ
g) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi chỉ tiêu:
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7 % (theo chuẩn thời kỳ 2011 - 2015);
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 56 %;
- Giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động.
h) Sở Xây dựng theo dõi chỉ tiêu:
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 97 %.
3. Các chương trình trọng điểm
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật.
b) Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm Chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
c) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm Phát triển du lịch và dịch vụ.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các ngành tổ chức thực hiện Chương trình trọng điểm xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
4. Các dự án trọng điểm
a) Sở Giao thông Vận tải theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án:
+ Dự án giao thông đối ngoại: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, hai hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan, dự án nâng cấp cầu cảng số 1 Chân Mây phục vụ đón tàu du lịch cỡ lớn.
+ Các dự án giao thông quan trọng: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh (Huế - Quảng Điền), đường du lịch cụm điểm di tích Lăng Minh Mạng - Lăng Gia Long, đường vào Điện Hòn Chén, đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương - Thuận An, nâng cấp Tỉnh lộ 10A - đoạn qua khu C, An Vân Dương, đường Lâm Hoằng.
b) UBND thành phố Huế chỉ đạo tập trung triển khai dự án: đường Điện Biên Phủ, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế, dự án giải tỏa chỉnh trang Thượng Thành, Eo bầu phía Nam; chỉnh trang sông Ngự Hà.
c) Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục đẩy nhanh dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn - Hoàng Thành (giai đoạn 1), Dự án tu bổ, phục hồi di tích Phu Văn Lâu, Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương, tu bổ và phục hồi di tích lăng Tự Đức.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo dõi các dự án hạ tầng phục vụ sản xuất như: Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An, hệ thống đê nội đồng Ngũ Điền, nâng cấp đê Tây phá Tam Giang; cải tạo cầu Đập Đá.
đ) Sở Xây dựng chủ trì theo dõi các dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư - đô thị mới An Vân Dương, dự án lò đốt và bãi chôn lấp rác ở Phú Sơn.
e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi dự án cải tạo chỉnh lý trưng bày bảo tàng Hồ Chí Minh.
II. THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm nêu trên, các Sở, Ban ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau:
a) Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu:
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng các KCN, khu kinh tế, hạ tầng du lịch... Hoàn thành xây dựng các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị; cải tạo hệ thống truyền tải điện, gắn với xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin trong tỉnh theo hướng ngầm hóa, dùng chung hạ tầng mạng; bảo đảm mỹ quan môi trường.
- Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng BT, BOT, BTO, PPP. Làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về vốn cho các Chương trình, dự án quan trọng như: Đề án Phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế; đề án Cơ chế chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; đề án Phát triển kinh tế tổng hợp vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; vận động ODA cho dự án phát triển hạ tầng đô thị Huế (ADB), dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thành phố Huế “Xanh”; dự án hạ tầng đô thị Hương Trà (EU), Hạ tầng du lịch tiểu vùng sông Mê Kong.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên vốn cho công tác bồi thường GPMB, các dự án tạo quỹ đất để tăng nguồn thu cho ngân sách, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm hoặc có khối lượng thi công lớn.
- Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thông qua chương trình liên kết “Ngân hàng - doanh nghiệp”. Rà soát các dự án của các nhà đầu tư không đáp ứng tiến độ để tháo gỡ vướng mắc hoặc thu hồi. Đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI. Hoàn thành sớm các thủ tục về đầu tư xây dựng để sớm triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, NGO.
b) Sở Công Thương phối hợp với các địa phương phát triển hệ thống phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiêu thụ, phân phối sản phẩm; nắm bắt thông tin về tình hình cung cầu, giá cả để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, người dân xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
c) Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt chương trình khuyến công, nông, lâm, ngư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế trang trại với quy mô lớn, tập trung với các điều kiện và yếu tố sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại.
d) Các địa phương, sở ban ngành:
- Chỉ đạo tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, ưu tiên thực hiện các dự án giao thông, cấp điện, cấp nước… đảm bảo hạ tầng phục vụ sản xuất của người dân, doanh nghiệp; ưu tiên dành quỹ đất, hỗ trợ thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án nuôi trồng, chăn nuôi quy mô lớn và có quy trình, công nghệ hiện đại.
- Thực hiện nghiêm túc việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các quy định pháp luật đã ban hành để giảm bớt chi phí và thời gian của doanh nghiệp.
- Khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các dự án nông lâm ngư nghiệp có sức lan tỏa, mô hình cho người dân làm theo. Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản; khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác.
2. Tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển
a) Sở Xây dựng chủ trì chỉ đạo quy hoạch chung xây dựng thị trấn Khe Tre; quy hoạch chung các đô thị mới: Thanh Hà, Điền Lộc, Phong An, Vinh Hiền. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, chú trọng khu vực trung tâm thành phố Huế và các khu đô thị mới.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh để có cơ sở triển khai thực hiện và huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Phối hợp Sở Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác thanh quyết toán, giải ngân khối lượng XDCB. Lưu ý không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư có từ 3 dự án trở lên, vi phạm quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán; không cho phép nhà thầu tham gia đấu thầu dự án mới khi chưa hoàn thành quyết toán dự án đã thực hiện.
Tham mưu chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND thành phố Huế thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án liên quan đến di tích, giải tỏa Thượng Thành, hộ Thành hào và trong các di tích để triển khai trong kế hoạch 2016 - 2020.
c) Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án phát hành trái phiếu di tích hoặc vay vốn ngân hàng để triển khai các dự án bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế.
d) UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trình Đại hội Đảng các cấp phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và quy định tại Luật Đầu tư công. Thực hiện tốt công tác GPMB, trong đó chú trọng bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách liên quan đến những vướng mắc thường gặp trong GPMB nhưng chưa có cơ chế áp dụng giải quyết.
đ) Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô rà soát, khớp nối quy hoạch hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện, cung cấp xăng dầu, thông tin liên lạc trên địa bàn Khu Kinh tế. Tập trung hoàn chỉnh dự án đường vào Cảng Chân Mây và các chương trình tái định cư.
e) Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhanh các dự án lớn của Trung ương trên địa bàn: Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Phong Điền - La Sơn và hai hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, nâng cấp mở rộng QL 1A đoạn La Sơn - Lăng Cô. Đôn đốc thực hiện các tuyến giao thông chính kết nối đô thị Huế đến các đô thị vệ tinh, vùng kinh tế động lực; các dự án giao thông trong khu đô thị An Vân Dương, dự án đường Trường Chinh nối dài, tiếp tục chỉnh trang, mở rộng cửa ngõ phía Bắc và phía Nam; một số tuyến đường nội thị thiết yếu, ưu tiên các đường nội thị Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Thuận An, Sịa.
g) UBND thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế; sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu (vỉa hè, thoát nước, trồng cây xanh, chiếu sáng, trang trí...), các công viên, điểm cây xanh; hoàn thành dự án chỉnh trang đường Điện Biên Phủ. Tuyên truyền, vận động, tập trung xây dựng thành phố Huế “sạch, đẹp hơn” xứng với danh hiệu “thành phố bền vững môi trường”. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa, tạo quỹ đất. Xúc tiến nghiên cứu phương án giải tỏa mồ mả khu vực Ngự Bình để triển khai ngay khi có điều kiện về nguồn lực. Xây dựng 1 - 2 khu nhà ở xã hội phục vụ tái định cư.
h) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn, trùng tu di tích, trong đó tập trung vào các di tích khu vực Đại Nội như: Bảo tồn tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn; dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế; dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu; bảo tồn phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương; bảo tồn và phục hồi Lầu Tàng Thơ. Tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong Đại Nội và các di tích quan trọng để triển khai thi công trong giai đoạn 2016 - 2020.
i) Ban quản lý khu đô thị mới theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở An Đông, khu phức hợp Thủy Vân, khu nhà ở K2 - An Vân Dương; đôn đốc nhà đầu tư hoàn chỉnh khu đô thị An Cựu, Đông Nam Thủy An, Phú Mỹ Thượng. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án xây dựng khu nhà ở, đô thị trong Khu An Vân Dương, đầu tư hạ tầng nhà ở xã hội, các khu tái định cư, khu dân cư tập trung ở các đô thị.
k) Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư hệ thống thu gom chất thải rắn ở các huyện, dự án vệ sinh môi trường tại một số xã; xây dựng lò đốt và bãi chôn lấp rác ở Phú Sơn; mở rộng nghĩa trang phía Nam của thành phố Huế.
l) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo: Xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng đạt chuẩn; ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn các xã điểm, các xã thuộc huyện điểm Quảng Điền, Nam Đông. Hỗ trợ thành công trình hồ Tả Trạch, thi công xây dựng hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam. Tổ chức thực hiện dự án kè chống xói lở bờ sông Ô Lâu, kè chống xói lở bờ sông Tả Trạch đoạn qua thị trấn Khe Tre, hệ thống thoát lũ tiểu mãn xã Phong Hòa, hệ thống kênh cấp 2 hồ Truồi, nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang, kênh cấp 2 công trình thủy lợi Tây Hưng, hệ thống kênh cấp 2 trạm bơm Sư Lỗ, các tuyến đê thuộc hệ thống đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai. Tiếp tục triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu nuôi trồng thủy sản ven biển Điền Hương. Hoàn thành đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai; đầu tư xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An.
3. Tăng cường quản lý Ngân sách
a) Cục Thuế tỉnh thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu. Tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai. Nghiên cứu đề xuất thu đối với một số hoạt động kinh doanh mới như kinh doanh qua mạng, hoạt động chuyển nhượng vốn,... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế. Thực hiện kê khai thuế qua mạng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống gian lận thuế qua giá; làm tốt công tác tham vấn xác định giá tính thuế, hạn chế tình trạng để doanh nghiệp khiếu kiện. Thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; khai thác tốt các nguồn thu mới.
b) Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện thanh tra giám sát lãi suất cho vay và huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cục Thuế tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Rà soát, tham mưu phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công.
d) Sở Tài chính chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn thuộc sở hữu của nhà nước trong các doanh nghiệp. Tham mưu tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm triệt để tiết kiệm, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách từ khâu phân bổ dự toán đến tổ chức thực hiện. Tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên. Cắt giảm tối đa các khoản kinh phí hội nghị, hội thảo, các hoạt động phô trương, lãng phí không cần thiết. Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triển khai chính sách tín dụng, ưu đãi nguồn vốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Triển khai chính sách tín dụng, ưu đãi nguồn vốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tỉnh đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất có hiệu quả.
4. Tăng cường phát triển các ngành kinh tế
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Nghiên cứu kết nối, hoàn thiện dịch vụ cho sản phẩm du lịch tâm linh đến hệ thống chùa Huế. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng quê, làng nghề... Phát triển sản phẩm du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang, du lịch cộng đồng ở một số địa phương Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền. Nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý, phát triển các di tích trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả khai thác, sử dụng. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch, văn hóa Huế gắn với thương hiệu Thành phố Festival, Thành phố Văn hóa Asean. Đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối các dịch vụ phục vụ du khách cập cảng Chân Mây, thúc đẩy phát triển du lịch đường biển. Xúc tiến, liên kết mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa để phục vụ phát triển dịch vụ du lịch. Chú trọng cải thiện môi trường du lịch, trong đó duy trì công tá́c vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan; tăng cường kiểm tra ngăn ngừa tình trạng bán hàng rong, nâng giá và chèo kéo khách du lịch. Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý và phục vụ của lao động trong ngành du lịch; tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng phục vụ của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng.
b) Sở Công Thương chủ trì chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường và tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu. Triển khai thực hiện Quy hoạch công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 định hướng đến 2030; Quy hoạch phát triển ngành dệt may và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may. Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; xây dựng chính sách nhằm thu hút đầu tư vào Khu trình diễn làng nghề Thủy Xuân. Hỗ trợ khai thông thị trường các sản phẩm chủ lực như bia, xi măng, dệt may, du lịch...
c) Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện thanh tra giám sát lãi suất cho vay và huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên; trong đó chú ý đến cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và phát triển thủy sản. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Kiểm soát rủi ro tín dụng, không để phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Phát triển hệ thống thanh toán thông qua liên kết, ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt.
d) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện các giải pháp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế. Hoàn thành việc cải tạo, sắp xếp dây thuê bao theo mô hình mẫu. Xử lý, cải tạo các trạm BTS 2 đảm bảo theo đúng quy hoạch. Nhân rộng mô hình và phát triển bền vững các điểm Bưu điện văn hóa xã. Thực hiện quản lý về báo chí tuyền truyền trên địa bàn phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu tổ chức triển khai các Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng thêm cơ hội cho hoạt động đầu tư vào các cơ sở sản xuất trong nước và xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
- Kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Khuyến khích, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bia, sản xuất ngành công nghiệp dệt may, chế biến cát, sản phẩm silicat chất lượng cao. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy dệt may về các vùng nông thôn.
e) Sở Xây dựng chủ trì xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực gạch không nung.
g) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN Phong Điền giai đoạn 1, công suất 4.500 m3/ngày.đêm; các dự án xây dựng hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn 3, 4, KCN Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ. Triển khai quy hoạch KCN hỗ trợ, trọng tâm là hỗ trợ ngành dệt may. Xúc tiến, vận động đầu tư vào các KCN; ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN Phú Bài, Phong Điền.
h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo ổn định diện tích trồng lúa; mở rộng diện tích trồng lạc, cao su, cây ăn quả và các loại cây màu có giá trị cao. Nhân rộng mô hình "cánh đồng mẫu"; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai và tỷ lệ lợn nạc. Hỗ trợ Tập đoàn CP và các doanh nghiệp nhân rộng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại. Tiếp tục thực hiện đề án giao đất, giao rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng. Tập trung phát triển rừng vùng cát ven biển và đầm phá. Ổn định diện tích nuôi cao triều và hạ triều; kiểm soát an toàn dịch bệnh. Tổ chức thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Quản lý vùng tôm nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến của Công ty CP Việt Nam.
Chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chú trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ cho người dân và cán bộ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tập trung huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các xã gần đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Triển khai Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, vùng biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng. Nâng cao hoạt động của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Triển khai xây dựng đề án liên kết các thành phần kinh tế ở nông thôn.
5. Phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội
a) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: Thực hiện Kế hoạch “xây dựng trường chuẩn quốc gia Tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”; đầu tư nâng cấp các trường dân tộc đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục đổi mới phương cách kiểm tra, đánh giá, phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập. Tham mưu củng cố và nâng cao chất lượng các trường cao đẳng, trường đào tạo nghề để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao.
b) Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo thực hiện kiểm soát chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân; chú trọng chất lượng khám chữa bệnh của các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện và y tế ngoài công lập. Tập trung nâng cao chất lượng bộ máy lãnh đạo và cán bộ - bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để vận hành hết năng lực Bệnh viện, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trung ương Huế. Chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là những dịp lễ, tết. Vận động nhân dân tham gia đóng bảo hiểm y tế, từng bước thực hiện “bảo hiểm y tế toàn dân”. Tăng cường đào tạo và đào tạo nâng cao thực hành chuyên khoa, chuyên môn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến dưới. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, tạo điều kiện phát triển tiềm lực của các cơ sở y tế ngoài công lập.
c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm; tuyên truyền chào mừng Đại hội Đảng các cấp năm 2015; 40 năm giải phóng Huế; quảng bá về Thành phố Huế - Thành phố Văn hóa ASEAN. Phối hợp tổ chức Festival Nghề 2015. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; triển khai đăng ký xây dựng “tuyến phố văn minh”; phát triển văn hóa nông thôn.
d) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp nhận và phát triển các công nghệ mới; chú trọng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Tranh thủ nguồn nhân lực các chuyên gia đầu ngành của Trung ương và nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống thiết chế khoa học - công nghệ. Phối hợp thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia miền Trung tại Đại học Huế. Đầu tư Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung (Giai đoạn I - Rừng mưa nhiệt đới). Cập nhật và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu GISHue. Rà soát điều chỉnh các thủ tục hành chính, các văn bản pháp quy trong lĩnh vực KHCN, ban hành quy định khen thưởng về KHCN. Đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển khoa học - công nghệ. Tăng cường hợp tác về khoa học - công nghệ. Thực hiện xã hội hoá đầu tư cho KHCN; hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Đại học Huế và các tổ chức KHCN của Trung ương trên địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn, tiếp thu, cải tiến các công nghệ, tiến tới sáng tạo công nghệ đặc thù, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới...
đ) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động. Khuyến khích phát triển hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Tăng cường công tác huấn luyện, kiểm tra an toàn lao động - phòng chống cháy nổ. Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động mất việc làm. Đổi mới công tác dạy nghề; chuyển mạnh hệ thống đào tạo từ “cung” sang “cầu”; kiện toàn, hợp nhất các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp tại các địa phương. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sáp nhập các cơ sở dạy nghề theo hướng gọn, hiệu quả; tạm ngưng đầu tư kinh phí hoặc giải thể các cơ sở dạy nghề hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục chuẩn hoá cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề. Ưu tiên đầu tư các trường phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp, các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Thực hiện nghiêm túc các chính sách an sinh xã hội. Quản lý việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện. Triển khai giai đoạn 2 dự án tái định cư dân vạn đò, định cư dân thủy diện. Huy động nguồn lực trong xã hội cùng nhà nước thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công; phấn đấu huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Quan tâm các phong trào, kế hoạch bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội...
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
a) Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận “một cửa”; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 gắn với rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính hiện hành. Tiếp tục kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hoá hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tập trung đối tượng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956. Phối hợp bố trí trí thức trẻ tình nguyện đã trúng tuyển về công tác tại các xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 500.
Tham mưu các giải pháp duy trì đánh giá Chỉ số PAR ở các địa phương; triển khai đánh giá Chỉ số PCI các đơn vị cấp huyện. Kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật hành chính.
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý nhà nước hướng đến mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử. Triển khai dự án xây dựng hạ tầng trung tâm thông tin dữ liệu điện tử của tỉnh (giai đoạn 2). Nhân rộng Trang thông tin điện tử các xã, phường, thị trấn. Đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ GIS.
c) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn liên quan duy trì đối thoại chính sách theo từng chuyên đề giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan. Thực hiện công khai minh bạch chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Duy trì cung cấp dịch vụ công mức độ 3; xúc tiến một số dịch vụ công mức độ 4. Nhân rộng mô hình "một cửa điện tử hiện đại" ở UBND thành phố Huế. Tiếp tục triển khai diện rộng 5 phần mềm dùng chung.
7. Quản lý tài nguyên và môi trường, thích nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tiếp tục thực hiện việc cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính các địa phương. Tham mưu thực hiện tốt việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất; kiểm tra, thanh tra các dự án giao đất, cho thuê đất, quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Tham mưu tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất; không để tái diễn các hoạt động vi phạm về thăm dò và chế biến khoáng sản. Triển khai Quy hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn. Xử lý 03 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/QĐ-TTg. Quan trắc động thái chất lượng nước dưới đất tại các khu vực nuôi tôm trên cát các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang; khu vực xung quanh mỏ đá vôi Văn Xá của Công ty Hữu hạn xi măng Luks. Điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt tại hai huyện Quảng Điền và Phú Vang. Kiểm soát xả thải ra lưu vực sông Hương và các sông. Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng Xanh, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án quản lý tổng hợp đới bờ giai đoạn 2.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai kế hoạch phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
c) Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với các cơ quan Trung ương để tiến hành triển khai quan trắc động đất ở A Lưới.
8. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và công tác đối ngoại
a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu diễn biến của tình hình biển Đông; định hướng thông tin và tập trung tuyên truyền về quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến với lực lượng vũ trang và các tỉnh bạn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Tăng cường công tác biên giới. Giải quyết dứt điểm và phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh nông thôn.
b) Công an tỉnh tổ chức các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước; đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp. Tiếp tục thực hiện Đề án xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Mở các đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công, kiềm chế các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và tệ nạn xã hội. Tăng cường chủ động nắm chắc và dự báo sát tình hình, kiên quyết kiểm soát chặt chẽ các đối tượng xấu, chủ mưu cầm đầu kích động, xử lý kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tính mạng, tài sản và điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường của mọi cá nhân, tổ chức, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
c) Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thúc đẩy hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu - ứng dụng KHCN, bảo vệ môi trường…; duy trì quan hệ truyền thống với các địa phương của nước bạn Lào, một số vùng của Pháp; đẩy mạnh quan hệ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc… Chú trọng đến hoạt động ngoại giao văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế. Bám sát Chương trình quốc gia xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 - 2017. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới; theo dõi việc phân giới, cắm mốc với các tỉnh của nước bạn Lào.
1. Các thành viên UBND tỉnh theo chức năng và nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm nêu trên nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
2. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công chủ trì hoặc được giao nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các các chương trình, đề án và các dự án trọng điểm.
3. Căn cứ nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Quyết định này; các sở, ngành, địa phương tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình bám sát các công việc được giao để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của ngành, địa phương mình, với phương châm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để có biện pháp phân công, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu quả cao. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh.
4. Đối với các chương trình, đề án được phân công (đặc biệt là các Đề án trình HĐND tỉnh) các đơn vị chủ trì phải xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể để tổ chức thực hiện và báo cáo UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc (chú ý theo dõi tiến độ các hợp đồng thực hiện các Đề án, Quy hoạch quan trọng, trọng điểm) tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn để hoàn thành kế hoạch tiến độ đề ra.
5. Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, công chức, các đơn vị, bộ phận trực thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý nhằm phát huy cao độ tinh thần thi đua đẩy mạnh sản xuất quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thành công Kế hoạch năm 2015, làm tiền đề thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2012 - 2015.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác năm 2015 của UBND tỉnh và Danh mục văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, chỉ thị năm 2015 của UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.