ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2784/QĐ-UBND |
Kiên Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2014 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2001/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 343/TTr-SGTVT ngày 04 tháng 12 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
- Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long; chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và các địa phương có liên quan.
- Tập trung phát triển giao thông vận tải với bước đột phá mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, ven biển và hải đảo, tạo điều kiện phát triển mạnh các vùng Tây Sông Hậu và U Minh Thượng.
- Phát triển giao thông vận tải trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng; đảm bảo sự liên kết giữa các phương thức vận tải, liên kết với các tỉnh trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chú trọng công tác bảo trì nhằm khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có. Tập trung đầu tư các công trình quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế, ưu tiên các công trình kết nối vùng.
- Phát triển vận tải với chất lượng cao, giá cả hợp lý; tập trung phát triển các dịch vụ vận tải; phát triển vận tải đa phương thức. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển giao thông vận tải với đảm bảo an ninh, quốc phòng (nhất là các xã đảo, khu vực biên giới); duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị về lĩnh vực giao thông vận tải với các tỉnh biên giới - Campuchia.
- Huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải dưới nhiều hình thức. Phát triển giao thông vận tải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tầm nhìn dài hạn.
1. Mục tiêu phát triển đến năm 2020:
1.1. Về vận tải:
- Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn, tiện lợi; phát triển vận tải đa phương thức; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phát triển vận tải hành khách công cộng sức chứa nhỏ, xe taxi và tàu điện nổi (tramway), tàu điện ngầm (metro) trên đảo Phú Quốc; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khai thác vận tải.
- Tổ chức phân công luồng tuyến hợp lý đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống và phối hợp tốt giữa các tuyến liên tỉnh, tuyến nội tỉnh. Tổng khối lượng vận tải hàng hóa khoảng 8,5 tỷ tấn.km (tương đương với 60 triệu tấn hàng hóa), tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 9-10%. Khối lượng vận tải hành khách đạt khoảng 24,8 tỷ hành khách.km (tương đương 422 triệu lượt hành khách), tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 12-13%. Tái cơ cấu thị trường vận tải trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm dần thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy nội (gồm đường sông và đường biển) đến năm 2020 khoảng 42%.
1.2. Về kết cấu hạ tầng giao thông:
- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có trên địa bàn; xây mới hệ thống đường quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như đường hành lang ven biển, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ ven biển, đường hành lang biên giới, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (trùng với đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Hà Tiên - Rạch Giá); đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, 80% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt đường. Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc để thúc đẩy phát triển trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
- Từng bước nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từng thời kỳ; xây dựng cảng nước sâu tại Nam Du, Hòn Chông; phát triển cảng nhỏ tại các đảo đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nghiên cứu chỉnh trị và nâng cấp hệ thống luồng đảm bảo cho tàu ra vào thuận lợi và đồng bộ với quy mô bến.
- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; nâng cấp và đầu tư các cảng sông. Chuyển đổi công năng một số cảng hàng hóa phù hợp với quy hoạch đô thị để phục vụ cho vận tải hành khách và du lịch.
- Các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông các tuyến đường vành đai, đường trên cao và hệ thống giao thông tĩnh, từng bước phát triển hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu.
2. Định hướng phát triển đến năm 2030:
- Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải trên địa bàn với chất lượng cao, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn; kết nối hợp lý giữa các phương thức vận tải, giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực với cả nước và quốc tế.
- Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục phát triển các công trình kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
1. Quy hoạch phát triển vận tải:
Tổ chức vận tải hợp lý trên các tuyến giao thông quan trọng nối các trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị sẽ là những luồng tuyến vận tải chủ yếu trong tương lai có lượng hành khách và hàng hóa lớn và ổn định trên một số tuyến hành lang chủ yếu sau:
- Hành lang Kiên Giang - Thành phố Hồ Chí Minh - Phía Bắc: Vận chuyển hành khách và hàng hóa đường dài do đường bộ đóng vai trò chủ yếu, sau đó đến hàng không và đường biển.
- Hành lang Kiên Giang - Đồng bằng sông Cửu Long - Thành phố Hồ Chí Minh: Vận chuyển hành khách và hàng hóa do đường bộ là chủ yếu, sau đó đến đường thủy nội địa.
- Hành lang Kiên Giang - Campuchia: Là trục hành lang quốc gia, quốc tế nằm trên đường Xuyên Á ven biển phía Nam. Vận chuyển hành khách và hàng hóa do đường bộ là chủ yếu, sau đó đến đường thủy nội địa (ven biển).
- Hành lang Kiên Giang - Thành phố Hồ Chí Minh - Miền Đông Nam Bộ: Vận chuyển hành khách và hàng hóa do đường bộ là chủ yếu, sau đó đến đường thủy nội địa.
- Định hướng phát triển thêm các tuyến lân cận và nội tỉnh. Sau giai đoạn này, cơ bản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 35 tuyến xe buýt, trong đó có 09 tuyến xe buýt lân cận, 19 tuyến xe buýt nội tỉnh, 01 tuyến xe buýt đô thị và 6 tuyến xe buýt trên Phú Quốc với tổng chiều dài của mạng lưới là 1.140km.
2. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:
2.1. Đường bộ:
2.1.1. Hệ thống đường quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn tỉnh:
- Quốc lộ 61: Dài 44km, điểm đầu Km52+167 giáp ranh tỉnh Hậu Giang; điểm cuối tại Km96+250 (ngã ba Rạch Sỏi). Quy hoạch đến 2020 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 02 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
- Quốc lộ 63: Dài 74km, điểm đầu Km0+000 giao Quốc lộ 61 tại thị trấn Minh Lương), điểm cuối Km74+100 giáp ranh tỉnh Cà Mau. Quy hoạch đến 2020 đạt cấp III đồng bằng, kết cấu mặt đường bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, gồm các đoạn tuyến sau: Đoạn từ Km0+000 (giao với Quốc lộ 61) đến Km20+097 (Thứ Bảy) trùng với dự án đường hành lang ven biển phía Nam (gồm đoạn vượt sông Cái Bé, Cái Lớn); đoạn từ Km20+097 đến Km62+033 (cầu Vĩnh Thuận) dài 39km sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; đoạn từ Km62+033 đến Km62+833 dài 0,8km, mặt đường rộng 14m, nền đường 22m, nâng cấp kết cấu mặt đường bê tông nhựa; đoạn từ Km62+833 đến Km74+100 giáp ranh tỉnh Cà Mau dài 11,26km sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
- Quốc lộ 80: Dài 133km, điểm đầu Km82+746 (cầu Kênh B) giáp ranh thành phố Cần Thơ; điểm cuối Km215+455 (biên giới Campuchia), gồm các đoạn tuyến sau: Đoạn từ Km82+746 (cầu Kênh B) ranh thành phố Cần Thơ đến Km111+913 (cầu Rạch Sỏi) dài 29,2km, giữ nguyên quy mô hiện hữu đường cấp IV đồng bằng; đoạn từ Km111+913 đến Km122+650 (đầu tuyến tránh Rạch Giá) dài 12,7km; đã được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đô thị của thành phố Rạch Giá; đoạn từ Km122+650 đến Km203+283 (núi Xoa Ảo) dài 80,6km, giữ nguyên quy mô hiện hữu đường cấp IV đồng bằng; đoạn từ Km203+283 đến biên giới Campuchia dài 10,6km trùng với đường đường hành lang ven biển phía Nam, cấp III đồng bằng, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
- Đường N1 (Tịnh Biên - Hà Tiên): Dài 40,4km, điểm đầu tại Km162+189,6 (cầu Kênh Ranh) giáp tỉnh An Giang; điểm cuối giao Quốc lộ 80 tại Km202+300. Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
- Đường Hồ Chí Minh: Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang dài 100km, gồm các đoạn tuyến sau: Đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 26,5km, bắt đầu từ ranh thành phố Cần Thơ chạy song song và cách Quốc lộ 80 từ 1,2km đến 2,0km về bên trái hướng Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đến vị trí giao với tuyến tránh thành phố Rạch Giá tại Km105+600 theo lý trình đường hành lang ven biển phía Nam; đoạn từ Km105+600 theo lý trình đường hành lang ven biển phía Nam đến Quốc lộ 61 tại Km109+910,85 dài 5km, trùng với tuyến tránh thành phố Rạch Giá; đoạn 3 trùng với Quốc lộ 61 đến Km65+096 (ranh xã Định Hòa và Định An, huyện Gò Quao); đoạn 4 dài 22,2km, từ Km65+096 tuyến chuyển về bên phải và chạy theo hướng Nam đi qua địa bàn xã Định An, thị trấn Gò Quao và giao với ĐT.962 (cách ngã ba Lộ Quẹo 1,0-1,2km), tiếp tục đi qua địa bàn xã Vĩnh Phước B, Vĩnh Thắng, cách đường tỉnh ĐT.962 khoảng 500m - 1.000m đến xã Vĩnh Tuy và giáp ranh tỉnh Bạc Liêu; đoạn từ sông Cái Nhum (xã Phong Đông) chạy song song với đường Phong Đông đến giao với Quốc lộ 63 tại cống Bà Bang dài 11,9km (mở mới); đoạn cuối dài 7,9km, từ cống Bà Bang đến ranh tỉnh Cà Mau trùng Quốc lộ 63. Toàn tuyến, quy hoạch đến 2020 đầu tư đạt quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe, mặt đường rộng 7m, nền đường rộng 12m.
- Đường hành lang ven biển phía Nam: Tổng chiều dài đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang khoảng 162,8km.
+ Từ nay đến 2015, đầu tư xây dựng hoàn thành các đoạn tuyến như sau: Đoạn trùng Quốc lộ 80 hiện hữu từ Cửa khẩu Hà Tiên đến cầu Tô Châu dài 4,3km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, lộ giới 50m; đoạn tuyến tránh qua thành phố Rạch Giá dài 20,83km, gồm 2 đoạn: Đoạn tránh thành phố Rạch Giá dài 18,55km, điểm đầu tại Km122+650 - Quốc lộ 80 (Km90+900 đối với Hành lang ven biển phía Nam), điểm cuối tại Km109+910,85 - Quốc lộ 61 và quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, mặt láng nhựa, rộng 7m, nền 12m; đoạn nối vào đường Lạc Hồng dài 2,28km đầu tư theo tiêu chuẩn đường đô thị được quy hoạch; đoạn từ ngã ba Minh Lương đến Thứ Bảy dài 20,1km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; đoạn 4km, từ Thứ Bảy đến Kênh 14 (Ngã Bát) dài 28km, đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, 2 làn xe, lộ giới 50m.
+ Giai đoạn đến năm 2020, đầu tư mở mới đoạn từ núi Xoa Ảo đến tuyến tránh Rạch Giá dài 89,6km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, mặt láng nhựa hoặc bê tông nhựa.
- Đường tuần tra biên giới: Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang dài 49,6km, chạy dọc theo ranh giới tỉnh Kiên Giang và Campuchia. Tuyến được xây dựng cách biên giới quốc gia trở vào 100m; mặt đường bằng bê tông xi măng hoặc đá dăm nhựa, rộng 3,5m, nền 5,5m; toàn bộ cầu tuyến được xây dựng vĩnh cửu tải trọng HL.93.
- Đường bộ ven biển (theo Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam): Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang dài 196,1km, điểm đầu từ Tiểu Dừa (huyện An Minh); điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Quy mô tối thiểu của các đoạn tuyến đạt cấp IV đồng bằng.
2.1.2. Hệ thống đường tỉnh (ĐT):
- Hệ thống đường tỉnh bao gồm các tuyến hiện hữu được nâng cấp cải tạo để đạt cấp theo quy hoạch, các tuyến đường tỉnh xây dựng mới và một số tuyến chuyển cấp quy hoạch, cụ thể như sau:
+ Đối với hệ thống các tuyến đường tỉnh hiện hữu: Đến năm 2020 khôi phục, nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng Bm=7,0m, nền đường rộng Bn=9,0m, lộ giới tối thiểu 32m. Định hướng đến năm 2030, các tuyến quan trọng sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, lộ giới tối thiểu 45m.
+ Đối với các tuyến đường tỉnh dự kiến: Được hình thành trên cơ sở nâng cấp từ các tuyến đường huyện, đường xã hiện hữu kết hợp việc mở mới hoàn toàn một vài đoạn tuyến. Xây dựng các tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt đường rộng Bm=7,0m, nền đường rộng Bn=9,0m, lộ giới tối thiểu là 32m.
- Trong giai đoạn đến năm 2020, khi nguồn kinh phí còn hạn chế tùy điều kiện thực tế sẽ đầu tư các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp V (mặt rộng 5,5m, nền 7,5m) và cấp VI (mặt rộng 3,5m, nền 6,5m). Định hướng sau năm 2020, nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp quy hoạch. Đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực đô thị, sẽ được đầu tư theo quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt; quy mô xây dựng cầu trên tuyến phải phù hợp với cấp quy hoạch, tải trọng từ 0.65HL93 - HL.93 tùy theo từng tuyến quy hoạch; các yếu tố hình học trên tuyến phải phù hợp với cấp quy hoạch.
- Đối với các tuyến đường tỉnh trên huyện đảo Phú Quốc: Tiếp tục thực hiện theo “Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến 2030” và phù hợp với các quy hoạch xây dựng khác được duyệt.
2.1.3. Hệ thống đường huyện (ĐH):
- Hệ thống đường huyện bao gồm tất cả các tuyến đường trên địa bàn được công bố theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Quy hoạch giai đoạn đến 2020, đề xuất chung đối với các tuyến đường hiện hữu và mở mới sẽ đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI đồng bằng, mặt đường rộng Bm=3,5m, nền đường rộng Bn=6,5m và cấp V, mặt đường rộng Bm=5,5m, nền đường rộng Bn=7,5m. Kết cấu mặt đường láng nhựa hoặc bê tông xi măng; cầu trên tuyến có tải trọng từ 0,5HL93 đến 0,65HL93. Lộ giới tối thiểu 32m.
- Quy hoạch định hướng đến năm 2030, hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu là cấp V, mặt láng nhựa hoặc bê tông xi măng rộng Bm=5,5m, nền Bn=7,5m. Lộ giới tối thiểu 32m.
2.2. Đường thủy và cảng thủy nội địa:
Định hướng phát triển mạng lưới giao thông thủy trong tỉnh được xem xét theo 03 khu vực chính yếu gồm: Khu vực Tứ giác Long Xuyên với trục chính là Kênh Rạch Giá - Hà Tiên; khu vực Tây sông Hậu với trục chính sông Cái Bé - Kênh Thị Đội - Ô Môn và khu vực U Minh Thượng với trục chính là Kênh Tân Bằng - Cán Gáo và Kênh Làng Thứ Bảy. Mạng lưới giao thông thủy của tỉnh Kiên Giang sẽ được xem xét với 02 hệ thống chính là các luồng tuyến trục, và các luồng tuyến nhánh.
- Hệ thống các tuyến trục: Là các tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, thủy lợi, an ninh quốc phòng đối với cả khu vực hoặc toàn vùng, đã được công bố hoặc có định hướng quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, gồm các kênh thuộc 03 tuyến đường thủy quốc gia và từng bước hình thành thêm 02 tuyến trục Rạch Giá - Cà Mau và Mộc Hoá - Hà Tiên:
+ Tuyến trục số 01: Là hệ thống các kênh thuộc hành lang quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Lương dài 35km, gồm các kênh sau: Kênh Tám Ngàn, Kênh Rạch Giá - Hà Tiên.
+ Tuyến trục số 02: Là hệ thống các kênh thuộc hành lang quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Lương (qua Kênh Lấp Vò) dài 104km, gồm các kênh sau: Kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang, Kênh Vành Đai Rạch Giá, Kênh Rạch Giá -Hà Tiên.
+ Tuyến trục số 03: Là hệ thống các kênh thuộc hành lang quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau dài 50km, gồm các kênh sau: Rạch Cái Nhứt, Rạch Tắt Cây Trâm, Rạch Ngã Ba Đình, Sông Trẹm Cạnh Đền.
+ Tuyến trục số 04: Nằm trên hành lang Rạch Giá đi Cà Mau, cửa sông Ông Đốc dài 54,2km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển -Tà Niên, Sông Cái Bé, Rạch Tắc Cậu, Kênh Tân Bằng - Cán Gáo.
+ Tuyến trục số 5: Nằm trên hành lang Mộc Hoá -Hà Tiên dài 49,6km, gồm các kênh sau: Kênh Vĩnh Tế, Kênh T3, Kênh Rạch Giá -Hà Tiên.
+ Cỡ loại phương tiện vận hành trên tuyến: Tàu tự hành trọng tải đến 500T; đoàn sà lan: Tàu kéo đẩy 150 ¸ 250cv, sà lan 200 ¸ 300T; đội hình 01 tàu kéo đẩy và 2 ¸ 3 sà lan (tổng trọng tải đoàn 600T).
+ Đối với hướng tuyến chính được chuẩn tắc luồng tàu được quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III đường thủy nội địa, với: Chiều rộng đáy luồng B > 50m ¸ 65m; độ sâu chạy tàu H > 2,8m; mái dốc luồng đào m = 2,5 ¸ 3,0; bán kính cong tối thiểu Rmin > 350m; tĩnh không cầu đường bộ ngang luồng ≥ 7,0m.
- Hệ thống các tuyến nhánh gồm 07 luồng tuyến nhánh, trong đó có một luồng tuyến gồm các tuyến vận chuyển khách từ bờ ra đảo:
+ Tuyến nhánh 01: Rạch Giá - Tắc Cậu - Cần Thơ dài 75,2km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển - Tà Niên, Sông Cái Bé, Kênh Thốt Nốt, Kênh Thị Đội - Ô Môn.
+ Tuyến nhánh 02: Rạch Giá - Gò Quao - Vị Thanh dài 78,1km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển - Tà Niên, Sông Cái Bé, Rạch Tắc Cậu, Sông Cái Lớn, Rạch Cái Tư, Rạch Cái Nhứt.
+ Tuyến nhánh 03: Rạch Giá -Tiểu Dừa dài 64,4km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển - Tà Niên, Sông Cái Bé, Kênh Khe Luông, Sông Cái Lớn và Kênh Chống Mỹ.
+ Tuyến nhánh 04: Thứ Bảy - Vĩnh Thuận - Phước Long dài 45,7km gồm các kênh sau: Kênh Làng Thứ Bảy, Sông Trẹm Cạnh Đền, Kênh Cạnh Đền.
+ Tuyến nhánh 05: Rạch Giá - Giồng Riềng - Vị Thanh dài 50,6km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển - Tà Niên, Kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang, Kênh Nước Mặn mới, Kênh Lộ Mới và Kênh Lộ 12.
+ Tuyến nhánh 06: Rạch Giá - Long Xuyên dài 33,11km gồm các kênh sau: Kênh Ông Hiển - Tà Niên và Kênh Rạch Giá - Long Xuyên.
+ Các tuyến từ bờ ra đảo: Bao gồm các tuyến kết nối từ bờ ra đảo với tổng chiều dài 126km.
- Đối với hệ thống đường thủy do tỉnh quản lý gồm 53 tuyến với tổng chiều dài 914,7km. Quy hoạch cải tạo luồng tuyến duy trì đạt tiêu chuẩn cấp III, IV, V.
- Bến, cảng đường thủy nội địa: Bố trí tại các trung tâm các huyện, thị, thành phố ít nhất 02 bến thủy nội địa và trung tâm các xã ít nhất 01 bến thủy nội địa, đảm bảo việc kết nối các bến thủy với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy trên địa bàn của tỉnh. Các bến thủy nội địa cho cụm công nghiệp tại các cụm công nghiệp đều có điều kiện thuận lợi về giao thông bộ, giao thông thủy phục vụ việc trung chuyển hàng hóa cho các cụm công nghiệp, lên xuống hàng hóa ở chợ và bến xăng dầu đường thủy nội địa. Xây dựng mở mới các bến tổng hợp (hàng hóa và hành khách) cấp huyện, cấp xã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của các huyện, xã.
2.3. Đường biển:
Cảng Kiên Giang: Khu bến chính là Hòn Chông, Kiên Lương, Bãi Nò và các cảng chuyên dùng, trong đó:
- Tiếp tục duy trì luồng vào bến chuyên dùng Bình Trị - Kiên Lương cho tàu 10.000DWT. Khu bến Bãi Nò - Hà Tiên gồm các bến hàng hóa, hành khách phục vụ khu kinh tế cửa khẩu, tiếp nhận tàu đến 3.000DWT. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,3 - 0,5 triệu T/năm hàng hóa và 200 - 250 ngàn khách/năm. Khu cảng Hòn Chông sẽ thực hiện đầu tư và nâng cấp theo Công văn số 2054/BGTVT-KHĐT ngày 23 tháng 3 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải và Công văn số 2220/VPCP-KTN ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch bến cảng Hòn Chông đủ năng lực tiếp nhận trọng tải đến 15.000DWT.
- Các cảng chuyên dùng phục vụ trung tâm nhiệt điện chạy than: Khu bến chuyên dùng Kiên Lương cho các loại hàng xi măng, than điện, xăng dầu và cảng Nam Du và cảng tại Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương. Trong đó: Xây mới cảng nước sâu Nam Du tại Tây Bắc đảo Hòn Lớn thuộc quần đảo Nam Du, để làm cảng trung chuyển than nhập ngoại cung ứng cho Trung tâm nhiệt Kiên Lương kết hợp cảng xăng dầu, hàng hoá, có bến cho tàu đến 200.000DWT (chở than nhập) và tàu/sà lan biển đến 10.000DWT (tiếp chuyển vào nhà máy).
2.4. Giao thông đô thị và giao thông nông thôn:
Phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh theo quy hoạch được duyệt.
3. Dự kiến quỹ đất:
Dự kiến quỹ đất dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Kiên Giang theo quy hoạch là 18.430,3ha, chiếm 2,9% diện tích tự nhiên (không tính đến giao thông đô thị).
IV. Các giải pháp, chính sách chủ yếu:
1. Giải pháp, chính sách về quản lý nhà nước:
- Phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang theo chiến lược quy hoạch và kế hoạch được duyệt; dựa vào quy hoạch được duyệt các ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn mình quản lý.
- Tăng cường năng lực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông từ tỉnh đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã cả về kiến thức và kỹ thuật.
2. Giải pháp, chính sách phát triển vận tải:
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải; đổi mới phương tiện, công nghệ, trang thiết bị dịch vụ vận tải, ưu tiên phát triển đa phương thức để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải.
- Có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng đô thị, vận tải khối lượng lớn. Tổ chức hợp lý các đầu mối vận tải, đặc biệt là tại khu vực thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc và thị xã Hà Tiên.
3. Các giải pháp, chính sách về nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:
- Giai đoạn đến năm 2020, tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để tăng cường khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải.
- Huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như: Các vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội,…
- Ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
4. Giải pháp, chính sách về bảo trì:
- Xác định rõ và phân chia trách nhiệm quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông giữa các cấp (tỉnh, huyện, xã); nâng cao nhận thức, tạo lập quy trình thường xuyên, xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
- Dành phần vốn bảo đảm cho công tác quản lý, bảo trì; sử dụng có hiệu quả quỹ bảo trì đường bộ và nguồn hỗ trợ từ ngân sách.
5. Các giải pháp chính sách đảm bảo an toàn giao thông:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với công tác tăng cường cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
- Tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với tất cả các công trình nâng cấp và xây dựng mới, tăng cường áp dụng các công nghệ giao thông thông minh để hỗ trợ và kiểm soát giao thông. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải, chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới.
6. Giải pháp, chính sách bảo vệ môi trường:
- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, đường quốc lộ, cảng biển đi qua các khu vực bảo tồn; thực hiện tốt công tác giám sát môi trường và tăng cường kiểm tra thường xuyên bảo vệ môi trường đối với các đơn vị xây dựng, sản xuất, kinh doanh giao thông vận tải và các cơ sở công nghiệp giao thông.
- Sử dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong việc thi công các công trình giao thông; trồng cây xanh ven đường để chống bụi và giảm tiếng ồn.
- Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu tác động đến kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức, hướng dẫn việc triển khai thực hiện quy hoạch theo những nội dung được phê duyệt tại Quyết định này. Trong quá trình thực hiện, tiến hành xem xét, đánh giá để điều chỉnh bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế.
2. Giao các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với Quy hoạch này. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, đảm bảo quy hoạch triển khai đồng bộ, tạo được hệ thống giao thông vận tải kết nối liên hoàn nhằm nâng cao năng lực toàn mạng lưới giao thông.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc (Thủ trưởng) các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
TỔNG HỢP QUY HOẠCH,
QUỸ ĐẤT CHO GIAO THÔNG VÀ DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2014 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
1. Tổng hợp quy hoạch:
Quy hoạch giao thông tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chủ yếu tập trung phát triển mạng lưới đường bộ. Kết quả quy hoạch mạng lưới đường bộ được thể hiện theo một số chỉ tiêu như sau:
Các chỉ tiêu |
Hiện trạng |
Đến 2020 |
Đến 2030 |
1. Tổng chiều dài (km) |
9.358,7 |
9.799,3 |
12.563,3 |
Đường quốc gia |
291,8 |
759,8 |
838,8 |
Đường tỉnh |
708,0 |
724,9 |
854,4 |
Đường huyện |
636,3 |
1.028,6 |
1.396,5 |
Đường đô thị |
638,6 |
638,5 |
680,6 |
Đường xã |
7.084,0 |
6.647,5 |
8.792,9 |
2. Mật độ theo diện tích (km/km2) |
1,5 |
1,5 |
2,0 |
3. Mật độ theo dân số (km/1.000 dân) |
5,5 |
5,0 |
5,5 |
4. Tỷ lệ nhựa hóa (cứng hóa) (%) |
45,8 |
91,2 |
100,0 |
2. Quỹ đất phát triển mạng lưới giao thông đường bộ:
Theo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.
- Phần đất của đường bộ, gồm:
+ Phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng.
+ Phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ.
- Đất hành lang an toàn đường bộ: Là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.
Quỹ đất phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh như sau: Dự kiến quỹ đất dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Kiên Giang theo quy hoạch là 18.460 ha, chiếm 2,9% diện tích tự nhiên (không tính đến giao thông đô thị).
STT |
Hạng mục |
2013-2020 |
2021-2030 |
Tổng diện tích (ha) |
1 |
Đường bộ |
6.985,30 |
6.076,18 |
13.061,48 |
2 |
Đường thủy |
2.807,85 |
754,50 |
3.562,35 |
3 |
Bến xe |
8,39 |
|
8,39 |
4 |
Bãi đỗ xe |
5,70 |
3,30 |
9,00 |
5 |
Bến cảng |
867,07 |
|
867,07 |
6 |
Sân bay |
922,01 |
|
922,01 |
|
Tổng (ha) |
11.596,32 |
6.833,98 |
18.430,30 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.