ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2767/QĐ-UBND |
Quảng Bình, ngày 07 tháng 8 năm 2020 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Trẻ em năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em;
Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;
Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em;
Căn cứ Chỉ thị số 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số:86/TTr-SLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn thể có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2767/QĐ-UBND ngày 07/8/2020 của UBND tỉnh
Quảng Bình)
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Hiện nay, tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước đang là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh. Mặc dù các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương đã tích cực quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng nhìn chung, tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn chưa thuyên giảm.
Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 6/2020, số trẻ em bị đuối nước tăng lên đột biến. Năm 2015, Quảng Bình có 17 em tử vong do đuối nước, năm 2016 có 36 em, năm 2017 là 32 em, năm 2018 là 18 em, năm 2019 là 41 em, 6 tháng đầu năm 2020 là 13 em. Một số vụ điển hình, như: ngày 23/5/2019, cả tỉnh Quảng Bình chấn động khi chỉ trong một ngày có đến 5 trẻ em bị đuối nước, đó là 8 học sinh của trường đã rủ nhau ra sông Gianh, đoạn qua xã Thanh Thạch để tắm, 3 em học sinh nữ học lớp 6 đã bị đuối nước. Chiều cùng ngày, 2 em học sinh tiểu học khác trú tại bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cũng đã bị chết đuối khi đi tắm tại thượng nguồn sông Gianh. Tiếp đó vào chiều tối ngày 28/5, 01 em học sinh lớp 7 cùng 02 em học sinh lớp 4 tại xã Tân Hóa rủ nhau ra khe suối gần nhà để bắt cua, 5h sáng hôm sau, mọi người mới phát hiện thi thể các em ở hói Bụt, một nhánh của sông Rào Nan. Như vậy, chỉ trong 1 tuần, có 9 học sinh thiệt mạng ở Quảng Bình. Năm 2019, ba chị em ruột ở thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa tử vong khi đi tắm trên dòng kênh nhỏ, sát mép sông Gianh...
Tai nạn đuối nước ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, nhưng qua thống kê các trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh thì chủ yếu do các nguyên nhân cơ bản sau:
- Thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội;
- Các em chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông, suối; mặt khác, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương, cơ sở quan tâm đúng mức; trong khi đó địa hình của tỉnh có nhiều ao hồ, sông suối, khí hậu lại khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài.
- Các em lại thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn, kỹ năng cứu bạn, ít có khả năng phòng tránh các hiểm họa trong môi trường nước nên không tự bảo vệ được bản thân và các bạn.
- Môi trường sống xung quanh trẻ em không an toàn.
Những tai nạn đuối nước thường tập trung tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều sông suối, thiếu các điểm vui chơi giải trí, hồ bơi cho trẻ em, học sinh, như các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch, số lượng bể bơi kiên cố đạt chuẩn của tỉnh còn rất hạn chế. Mặt khác tỷ lệ trẻ em biết bơi đạt thấp, tính đến tháng 01/2020, tỷ lệ học sinh bậc Tiểu học trên địa bàn tỉnh biết bơi an toàn mới đạt khoảng 10 - 12%.
Trước thực trạng trên, cần có những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực, kịp thời để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em;
- Chỉ thị 1572/CT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hộ gia đình, cộng đồng và trẻ em về công tác phòng chống đuối nước; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hàng năm giảm từ 10-15% trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước
- Trên 60-70% trẻ em trong độ tuổi Tiểu học và Trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
- 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em.
- 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
- 100% cán bộ phụ trách công tác trẻ em, cộng tác viên công tác trẻ em cấp xã, phụ trách công tác Đội trường học được tập huấn về kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em.
- Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 04 - 06 bể bơi cố định để tổ chức dạy bơi an toàn cho trẻ em.
- Xây dựng mô hình phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, cơ sở.
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Thời gian: Từ năm 2020 - 2025.
2. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.
1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống đuối nước trẻ em, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
- Xây dựng tài liệu truyền thông về phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em phù hợp với từng địa phương.
- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước ở trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, đội ngũ cán bộ Đoàn tại địa phương.
- Lồng ghép tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em vào môn giáo dục thể chất, các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, các hoạt động của Đoàn, Đội, Hội.
2. Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em
- Theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, tăng cường chỉ đạo triển khai các hoạt động xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em như: mô hình Ngôi nhà an toàn, trường học, nhà trẻ mẫu giáo an toàn, cộng đồng an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em. Xây dựng mô hình trẻ em toàn xã biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi.
- Tăng cường công tác cảnh báo: gắn các biển báo, biển cấm, bảng chỉ dẫn... tại các khu vực nguy hiểm, bến đò, bến thuyền, vùng ao hồ, sông suối, địa điểm vui chơi, giải trí và du lịch; bố trí các đội xung kích tình nguyện trực cứu hộ tại các khu vực này, đặc biệt chú ý thời gian nghỉ hè và mùa mưa lũ.
- Bố trí hoạt động sơ, cấp cứu tại các hồ bơi, điểm tắm sông và các khu vui chơi dưới nước.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Đoàn Thanh niên với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phòng, chống đuối nước”.
3. Triển khai các hoạt động dạy bơi và hướng dẫn kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em
- Phát động phong trào dạy bơi cho trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh, chú trọng những vùng có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao và có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em;
- Tổ chức các lớp dạy bơi, các buổi sinh hoạt ngoại khóa hướng dẫn kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em
- Tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí và giảm phí cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
- Tổ chức các hoạt động, cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước như phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước, tổ chức giải bơi lội thiếu nhi,...
4. Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi duỡng, trang bị kiến thức cho cán bộ phụ trách trẻ em về phòng, chống đuối nước
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nòng cốt của các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.
- Xây dựng củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ nòng cốt về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước tại các huyện, thị xã, thành phố.
- Tổ chức các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em; tập huấn sơ cấp cứu cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội, Hội các cấp, giáo viên làm tổng phụ trách Đội, cán bộ phụ trách trẻ em.
5. Tập trung đầu tư và phát triển các bể bơi, các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, học sinh
- Cần quan tâm bố trí quy hoạch quỹ đất dành cho văn hóa - thể thao, khu vui chơi giải trí, đầu tư cơ sở vật chất, xây lắp bể bơi và kinh phí trong nguồn ngân sách hàng năm của địa phương nhằm đẩy mạnh triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ cho việc tổ chức dạy bơi, học bơi và tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em trong các nhà trường, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa và trên địa bàn dân cư.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ về kinh phí và các nguồn lực để xây dựng các hồ bơi, các điểm vui chơi giải trí nhằm triển khai Chương trình; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân liên kết với trường học tổ chức giảng dạy trẻ em học bơi, học kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong chương trình giáo dục thể chất và các giờ hoạt động ngoại khóa của học sinh các trường phổ thông.
- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án này, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động lập dự toán chi hàng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em bao gồm: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, nhân bản, in ấn và cấp phát tài liệu truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em; tổ chức chiến dịch truyền thông trong tháng hành động vì trẻ em;
- Tổ chức triển khai kế hoạch đánh giá Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em;
- Phối hợp với các địa phương, các cơ quan đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng;
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng tác viên công tác trẻ em các cấp về kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em;
- Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê, báo cáo về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em theo chức năng nhiệm vụ và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
2. Tỉnh Đoàn Quảng Bình
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các nội dung Đề án.
- Phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
- Chỉ đạo tổ chức Đoàn ở địa phương, cơ sở rà soát, cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước đối với trẻ em và tuyên truyền, hướng dẫn để trẻ em không tiếp cận gần.
- Chủ trì tham mưu, triển khai điểm chương trình “Giáo dục phòng chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ em ở lứa tuổi Tiểu học trên địa bàn tỉnh”.
- Phối hợp với các địa phương, các cơ quan đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động dạy bơi cho trẻ em, trong đó ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng.
- Tổ chức tập huấn cho giáo viên tổng phụ trách Đội và cán bộ phụ trách thiếu nhi trên địa bàn dân cư về kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả về việc xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt chú trọng phòng, chống đuối nước trẻ em;
- Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền và đào tạo giáo viên dạy bơi cho các địa phương; triển khai các mô hình dạy bơi trong trường học;
- Tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, nhân viên y tế trường học và học sinh về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em;
- Chủ trì, phối hợp tổ chức tập huấn cho trẻ em độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở về kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tập huấn cho nhân viên y tế trường học kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn đuối nước;
- Chủ trì, xây dựng đề án hỗ trợ xây dựng bể bơi, bể bơi thông minh cho các huyện, thị xã, thành phố trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.
4. Sở Văn hóa và Thể thao
- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.
- Chủ trì, phối hợp triển khai tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên tập luyện môn bơi và nhân viên cứu hộ bơi về kỹ thuật bơi cơ bản, phương pháp sơ cứu, cấp cứu và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng chống đuối nước trẻ em.
- Phát động và triển khai sâu rộng phong trào tập luyện môn bơi, hướng dần kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước của trẻ em. Phối hợp triển khai kế hoạch thí điểm phổ cập bơi cho trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình trẻ em toàn xã biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi.
- Phối hợp tổ chức các giải bơi, thi tuyên truyền viên, tìm hiểu về những kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh nhằm khuyến khích, động viên phong trào tập luyện bơi trong nhà trường.
- Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy bơi, bể bơi, hồ bơi tại các các điểm vui chơi, giải trí dưới nước.
5. Sở Tài chính: Theo khả năng ngân sách của tỉnh, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh bố trí, cân đối kinh phí chi có mục tiêu cho các sở, ngành, đoàn thể, địa phương được giao nhiệm vụ làm công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em nêu tại Đề án này; hướng dẫn, kiểm tra, thanh quyết toán theo quy định.
6. Sở Y tế
- Tiếp tục triển khai xây dựng mô hình Cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em;
- Tăng cường các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng tham gia phòng chống tai nạn đuối nước;
- Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu, công tác sơ cấp cứu ban đầu và cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn đuối nước;
- Nâng cao kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho cán bộ y tế các tuyến và đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản;
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em;
- Tập huấn cho nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học và nhân viên phụ trách cứu hộ của các đơn vị kinh doanh du lịch về kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn đuối nước.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng, kênh, mương dẫn nước lớn cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm để nhân dân, trẻ em biết nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước.
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tham mưu cho cấp có thẩm quyền chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân là chủ đập, các công trình thủy lợi không thực hiện các biện pháp an toàn (như rào chắn, đặt biển cảnh báo) gây tai nạn đuối nước tử vong đối với trẻ em.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung, kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em;
- Tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với nội dung: truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em (nếu có).
9. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình: Dành thời lượng phù hợp và tăng cường các tin, bài, phóng sự trên các chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em nói riêng.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trên địa bàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo phân cấp quản lý, đối với các ao hồ, hố đào, đập thủy lợi, công trình xây dựng... không có rào chắn, biển cảnh báo khi xảy ra tai nạn đuối nước thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em để tuyên truyền, nhân rộng trên địa bàn.
- Chủ động cân đối, bố trí ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tại địa phương;
- Chủ động lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả;
- Tăng cường các biện pháp giám sát, rà soát, lắp đặt biển cảnh báo, biển cấm tại các vùng có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước;
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc chỉ đạo cấp xã cập nhật thông tin kịp thời vào phần mềm trẻ em; kịp thời báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn đuối nước và các giải pháp giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em tại địa phương (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
VII. CÔNG TÁC KIỂM TRA, CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo kết quà thực hiện Đề án về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết Đề án.
Trên đây là Đề án tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh; trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên quan gửi ý kiến về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.