BỘ NÔNG
NGHIỆP
VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2713/QĐ-BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2018 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NGÀ VOI, SỪNG TÊ GIÁC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 10.10 được sửa đổi, bổ sung tại Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 17 về việc buôn bán mẫu vật từ voi;
Căn cứ Nghị quyết số 9.14 được sửa đổi, bổ sung tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 17 về bảo tồn và buôn bán Tê giác châu phi và châu á;
Căn cứ văn bản số SC69 Doc.60 của Ban Thư ký CITES về các vấn đề cụ thể liên quan đến tê giác;
Căn cứ văn bản số SC69 Doc.29.3 về tiến trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về ngà voi;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác giai đoạn 2018 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
NGÀ
VOI, SỪNG, TÊ GIÁC GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm
theo Quyết định
số 2713/QĐ-BNN-TCLN, ngày 10 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn)
Trong thập kỷ gần đây, Việt Nam được coi là một nước trung chuyển cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài xuyên biên giới và xuyên châu lục. Các hoạt động buôn bán trái phép ĐTVHD, đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác không chỉ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia, các mục tiêu bảo tồn, sinh kế bền vững của người dân và còn làm giảm sút hiệu quả nỗ lực quản lý, kiểm soát và thực thi pháp luật đối với buôn bán ĐTVHD. Hiện nay, tội phạm buôn bán, vận chuyển trái pháp luật ĐVHD được coi là loại hình tội phạm nguy hiểm, có tổ chức cùng mức độ nghiêm trọng với tội phạm buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người1.
Tê giác và voi là hai loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên thế giới, không chỉ đóng vai trò nhất định trong hệ sinh thái mà còn mang tính biểu tượng cao đối với hình ảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Châu Phi. Tuy nhiên, trong những thập kỷ vừa qua, số lượng tê giác và voi bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn trái phép, chủ yếu để lấy sừng tê giác và ngà voi. Tại Việt Nam, tê giác được cho là đã tuyệt chủng sau khi cá thể cuối cùng được tìm thấy bị bắn hạ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 2010. Với số lượng quần thể khoảng 104 - 134 cá thể, voi hoang dã tại Việt Nam (Elephas maximus) chủ yếu phân bố tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, và đang được đưa vào Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi để thực hiện bảo tồn, hướng tới có giải pháp phát triển đàn2.
Mặc dù nhiều nỗ lực trong nước, quốc tế đã được thực hiện, vấn nạn buôn bán trái pháp luật ĐVHD, cụ thể ngà voi và sừng tê giác tại Việt Nam vẫn diễn ra ở một quy mô nhất định, gây khó khăn trở ngại cho công tác quản lý, kiểm soát. Tình hình buôn bán ĐVHD, trong đó có các mẫu vật, bộ phận, dẫn xuất từ ngà voi và sừng tê giác vẫn diễn ra tại một số khu vực ở Việt Nam với thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Theo số liệu tổng hợp của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2016 - đầu năm 2017, các cơ quan thực thi pháp luật đã điều tra, bắt giữ hàng chục vụ buôn bán, tàng trữ mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, cụ thể bao gồm trên 12 tấn ngà voi, 230 kg sừng tê giác. Kết quả trên là từ nỗ lực không ngừng của các cơ quan hải quan, công an, biên phòng, quản lý thị trường, kiểm lâm các cấp trên cả nước. Tổng hợp kết quả điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vi phạm hành chính trong giai đoạn từ tháng 10/2016 - 12/2017, đối với các vụ việc liên quan đến xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật ĐTVHD, bao gồm ngà voi và sừng tê giác cho thấy trong số 87 vụ án/ 127 bị cáo, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 03 năm và 03 bị cáo bị phạt tù từ 03-07 năm3. .
Việt Nam gia nhập Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994, và luôn là một quốc gia thành viên có trách nhiệm. Với hệ thống quy định pháp luật được Công ước CITES xếp loại 1, Việt Nam được đánh giá có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý buôn bán ĐTVHD thuộc các phụ lục CITES đầy đủ và phù hợp với quy định quốc tế. Trên thực tiễn, việc áp dụng các quy định pháp luật vào xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thông tin. Các kết quả thực thi pháp luật nêu trên là đáng khích lệ, tuy nhiên, công tác đấu tranh, phòng chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD, cụ thể là đối với mẫu vật ngà voi, sừng tê giác là yêu cầu cấp thiết với Việt Nam nhằm đảm bảo công tác thực thi pháp luật, an ninh, an sinh xã hội, góp phần bảo tồn loài ĐVHD trong tự nhiên và hoàn thành các trách nhiệm quốc tế. Đặc biệt, việc Bộ Luật hình sự sửa đổi 2015 chính thức có hiệu lực từ năm 2018 với những điều khoản mới về tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD và ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm là sự thay đổi lớn, giúp định khung hình phạt đồng thời tăng nặng mức phạt hình sự, gia tăng sự răn đe, giáo dục với loại hình tội phạm có liên quan. Tuyên bố Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật ĐTVHD mà Việt Nam đã tham gia với tư cách nước chủ nhà, dưới sự đồng thuận của 42 quốc gia, vùng lãnh thổ khác là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị lớn, đồng thời nâng tầm hình ảnh quốc gia trước trường quốc tế. Thực hiện cam kết quốc gia, Việt Nam cần có những hành động cụ thể thể hiện sự phối hợp liên ngành, liên vùng và xuyên biên giới với những mục tiêu, đầu ra cụ thể.
Với các yếu tố nêu trên, đòi hỏi cần có một kế hoạch hành động cấp quốc gia nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm (1) kiểm soát vấn nạn buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác đến và từ Việt Nam (2) tiếp tục triển khai thực hiện các sáng kiến, chương trình, kế hoạch đã định. Kế hoạch NIRAP, trước hết để giải quyết các yêu cầu trong nước, đồng thời để thực hiện các nghĩa vụ quốc gia thành viên mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trước cộng đồng quốc tế.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
- Luật Đa dạng sinh học năm 2008;
- Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/08/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm;
- Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
- Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ;
- Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
- Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam;
- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
- Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
2.2. Căn cứ quốc tế
- Năm 2013, theo yêu cầu của Công ước CITES, Việt Nam đã đệ trình Kế hoạch NIAP lần thứ nhất. Năm 2014, Kế hoạch được Cuộc họp Ủy ban thường trực lần thứ 65 đánh giá là “Substantially achieved” (tạm dịch: Đạt kết quả tương đối).
- Tại Cuộc họp Ủy ban thường trực CITES lần thứ 69 (tháng 11/2017), cân nhắc khuyến nghị của Ban thư ký CITES về tình hình buôn bán trái pháp luật ngà voi, sừng tê giác, cân nhắc báo cáo kết quả chuyến công tác của Ban thư ký CITES đến Việt Nam (tháng 9/2017), cuộc họp đã đưa ra các yêu cầu cho Việt Nam như sau:
+ Rà soát, bổ sung và tích hợp nội dung NIAP để xây dựng NIRAP;
+ Lưu ý các nội dung khuyến nghị của Ban thư ký về vấn đề Tê giác để đưa ra hành động cụ thể;
+ Thực hiện các hành động đã nêu tại NIRAP.
Các tài liệu, khuyến nghị cụ thể kèm theo:
(i) Văn bản số SC69 Doc.29.3 của Ban Thư ký CITES về tiến trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về ngà voi;
(ii) Văn bản số SC69 Doc.60 của Ban Thư ký CITES về các vấn đề cụ thể liên quan đến tê giác;
(iii) Tài liệu Hướng dẫn và mẫu xây dựng NIAP
(iv) Báo cáo Tiến độ thực hiện NIAP của Việt Nam.
1. Mục tiêu chung:
- Kế hoạch hành động ngà voi, sừng tê giác giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là "Kế hoạch NIRAP") được xây dựng nhằm đưa ra một kế hoạch cụ thể thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống, đấu tranh với buôn bán trái pháp luật ngà voi và sừng tê giác đến, đi và trong Việt Nam trong giai đoạn 30 tháng. Kế hoạch được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách có liên quan trong ngắn hạn, đồng thời, góp phần giảm thiểu, dần xoá bỏ vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
- Kế hoạch NIRAP tổng hợp các sáng kiến, chương trình, hoạt động, nguồn lực của các bên liên quan đã được xác định, đồng thời đưa ra các ưu tiên hành động nhằm vận động nguồn hỗ trợ của các đối tác khác.
- Với thời gian thực hiện trong vòng 03 năm (từ 2018 - 2020), NIRAP 2018 - 2020 thừa kế các thành quả từ Kế hoạch hành động quốc gia Ngà voi giai đoạn 2013 - 2014 (NIAP 2013 - 2014), đồng thời bổ sung các hoạt động mới mang tính ưu tiên cho giai đoạn 2018 -2020.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Thứ nhất, Kế hoạch NIRAP nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý có liên quan đến kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã trong đó có ngà voi, sừng tê giác như việc xây dựng mới, sửa đổi, hướng dẫn các quy định liên quan đến việc thực thi CITES tại Việt Nam, các quy định cụ thể thực hiện Luật Lâm nghiệp và các quy định mới liên quan đến quản lý, đánh dấu, truy xuất nguồn gốc mẫu vật;
- Thứ hai, Kế hoạch NIRAP hướng tới nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tăng cường phối hợp liên ngành thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, kỹ năng phục vụ công tác nghiệp vụ, chuyên môn từ điều tra, truy tố, xét xử loại hình tội phạm có liên quan; các kỹ năng khác nhận dạng mẫu vật, công tác áp dụng các quy định mới của Luật Hình sự sửa đổi 2015 và khung hình phạt tương ứng; và các hoạt động phối hợp của mạng lưới VN-WEN;
- Thứ ba, Kế hoạch NIRAP giúp phần tăng cường hợp tác xuyên biên giới, hợp tác trong khu vực và quốc tế giữa các quốc gia nguồn - trung chuyển - tiêu thụ để tăng cường kiểm soát, phục vụ công tác điều tra;
- Thứ tư, Kế hoạch NIRAP tập trung giải quyết vấn đề nhu cầu thị trường trong nước đối với sản phẩm ngà voi, sừng tê giác, bao gồm việc thực hiện tuyên truyền giảm cầu dựa trên nghiên cứu khoa học, cơ sở thực tiễn, hướng tới chiến lược giảm nhu cầu sử dụng một cách lâu dài, bền vững;
- Thứ năm, Kế hoạch NIRAP hướng tới thiết lập một hệ thống thông tin theo chuỗi về các vụ bắt giữ ngà voi, sừng tê giác trong giai đoạn tới nhằm phục vụ trao đổi, chia sẻ giữa các cơ quan trong nước cũng như đáp ứng yêu cầu quốc tế.
Kế hoạch NIRAP đòi hỏi sự phối hợp liên ngành của các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các đơn vị khác có liên quan, cụ thể:
1. Đối tượng:
a) Các cơ quan quản lý, cơ quan hành chính và cơ quan thực thi pháp luật:
- Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đơn vị đầu mối thực hiện Kế hoạch NIRAP;
- Cục Cảnh sát môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an);
- Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an);
- Cục Đối ngoại (Bộ Công an);
- Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng);
- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính);
- Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
- Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
- Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
- Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường);
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương)
b) Các cơ quan tư pháp:
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- Tòa án nhân dân tối cao
c) Các tổ chức liên chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (đơn vị phối hợp, tài trợ):
- Ban Thư ký Công ước CITES;
- Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC);
- Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID thông qua dự án Saving Species);
- Tổ chức quốc tế đối xử nhân đạo với động vật (HSI);
- Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam.
Danh sách trên bao gồm các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch NIRAP, không giới hạn sự tham gia, phối hợp thực hiện của tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan các cấp Bộ, ban, ngành, Trung ương, địa phương khác.
2. Phạm vi
Phạm vi thực hiện Kế hoạch NIRAP trên toàn quốc.
Kế hoạch NIRAP được xây dựng dựa trên yêu cầu nêu tại điều (2), mục (I) nêu trên, bao gồm các nội dung cơ bản như sau:
1. Khung pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật;
2. Thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành trong nước;
3. Phối hợp thực thi pháp luật cấp vùng và quốc tế;
4. Nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng;
5. Báo cáo.
Kinh phí thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch NIRAP được xác định từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm:
- Ngân sách nhà nước: đối với các hoạt động thường xuyên;
- Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ: hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch hoặc thông qua tài trợ trực tiếp và tài trợ nhỏ.
- Chú giải phần kinh phí của Kế hoạch:
+ Các hoạt động đã có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, hoặc hoạt động nghiệp vụ mang tính thường xuyên: được thể hiện bằng "Không cần kinh phí bổ sung " ("Not Applicable");
+ Các hoạt động đã có nguồn kinh phí do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nguồn tài trợ khác: được thể hiện “Đã xác định nguồn kinh phí ” ("Funding secured") và được dẫn giải nguồn cụ thể;
+ Các hoạt động chưa có nguồn kinh phí được thể hiện “Chưa xác định nguồn kinh phí ” ("Funding to be secured"). Các hoạt động này cần có sự hỗ trợ của các bên có liên quan để có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
- Kế hoạch NIRAP được ban hành với sự thống nhất của các cơ quan có liên quan;
- Các cơ quan đầu mối, phối hợp với đơn vị cung cấp kinh phí (nếu có), chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động có liên quan;
- Các đơn vị, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các dự án, chương trình và các đối tác khác cung cấp nguồn lực, kinh phí trong khả năng cho phép, hỗ trợ, phối hợp với cơ quan đầu mối thực hiện hoạt động có liên quan;
- Cơ quan quản lý CITES Việt Nam là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bên có liên quan thực hiện Kế hoạch NIRAP; tổng hợp thông tin, kết quả thực hiện Kế hoạch NIRAP; báo cáo cho Ban thư ký CITES, các bên có liên quan về Kế hoạch NIRAP và kết quả thực hiện Kế hoạch NIRAP theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.