ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2007QĐ-UBND |
Đà Lạt, ngày 23 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM TÀI SẢN KHÁC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật NSNN số 01/2002/QH KXI ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền
tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và
tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho tất cả các đơn vị sự nghiệp
công lập;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về
việc ban hành Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, ban
hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính
phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 77/2007/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của HĐND tỉnh Lâm
Đồng Khoá VII kỳ họp thứ 9 về việc thông qua Đề án phân cấp thẩm quyền quyết
định mua sắm tài sản khác tại đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 1354/ TTr-STC ngày 16 tháng 8 năm
2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản khác tại đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý (sau đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp) đã được cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền quyết định thành lập; bao gồm:
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (sau đây gọi tắt là đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí);
b) Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (sau đây gọi tắt là đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí);
c) Đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (sau đây gọi tắt là đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí).
Quyết định này không áp dụng cho việc mua sắm xe ô tô phục vụ công tác; thẩm quyền quyết định việc mua sắm các trang thiết bị gắn liền với dự án đầu tư xây dựng tại đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Tài sản khác tại đơn vị sự nghiệp
2.1. Tài sản khác tại đơn vị sự nghiệp là các tài sản không phải là nhà, công trình xây dựng, các trang thiết bị gắn liền với dự án đầu tư xây dựng, xe ô tô phục vụ công tác, gồm:
a) Máy móc, thiết bị;
b) Phương tiện vận tải chuyên dùng, thiết bị truyền dẫn;
c) Công cụ, dụng cụ quản lý;
d) Tài sản vô hình (bằng phát minh sáng chế, bản quyền tác giả, chi phí phần mềm máy vi tính);
đ) Các loại tài sản khác còn lại (tác phẩm nghệ thuật, sách, tạp chí khoa học, kỹ thuật trong các thư viện và sách báo phục vụ cho công tác chuyên môn, các vật phẩm trưng bày trong các nhà bảo tàng, các bản thiết kế mẫu của đơn vị thiết kế cho đơn vị khác thuê; các tài sản cố định là cơ thể sống như cây lâu năm, súc vật làm việc, súc vật cảnh và súc vật cho sản phẩm, vườn cây cảnh,…).
2.2. Nguồn hình thành tài sản khác tại đơn vị sự nghiệp:
a) Tài sản được mua sắm từ nguồn do ngân sách Nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước;
b) Tài sản được mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị được phép sử dụng theo quy định, từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và quỹ phúc lợi của đơn vị;
c) Tài sản được mua sắm từ các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Tài sản được mua sắm từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
đ) Tài sản được mua sắm từ các nguồn vốn huy động, sau khi đã trả hết nợ vốn huy động;
e) Tài sản được mua sắm từ nguồn lãi được chia trong các hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định;
g) Tài sản được tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
h) Tài sản được tiếp nhận từ viện trợ, tài trợ, biếu, tặng, cho của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định;
i) Tài sản đã xác lập sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật được chuyển giao cho đơn vị để quản lý sử dụng;
k) Tài sản khác tại đơn vị mà theo quy định của pháp luật thuộc tài sản của Nhà nước.
Điều 2. Thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản khác từ các nguồn theo quy định tại điểm a, c, d, g, h, i, k khoản 2, Điều 1 của Quyết định này như sau:
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho phép các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý (kể cả các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành, cấp huyện) mua sắm tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;
2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định cho phép các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý (kể cả các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành) mua sắm tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng /01 đơn vị tài sản;
3. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho phép đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện quản lý mua sắm tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
4. Giám đốc các sở, ngành quyết định cho phép các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành quản lý (đơn vị dự toán cấp III của Ngân sách cấp tỉnh) mua sắm tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
5. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh quản lý (đơn vị dự toán cấp I của Ngân sách cấp tỉnh), được quyết định việc mua sắm đối với các tài sản có giá trị đến dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
6. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành quản lý (đơn vị dự toán cấp III của Ngân sách cấp tỉnh), Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp huyện quản lý (đơn vị dự toán cấp I của Ngân sách cấp huyện) được quyết định việc mua sắm đối với các tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
Điều 3. Thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản khác từ các nguồn theo quy định tại điểm b, đ và e khoản 2, Điều 1 của Quyết định này như sau:
Đối với các đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí và các đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp căn cứ vào kế hoạch, dự toán, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn định mức sử dụng và nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động của đơn vị để quyết định việc mua sắm cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị sự nghiệp:
1. Căn cứ quy định phân cấp về thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản khác đã được HĐND và UBND quyết định, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hoặc Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp được quyết định việc mua sắm đối với tài sản khác của đơn vị sự nghiệp thực hiện theo kế hoạch, dự toán, dự án đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Đối với những tài sản khác phục vụ công tác, hoạt động của đơn vị khi mua sắm theo quy định phân cấp nêu trên phải thực hiện trình tự thủ tục hồ sơ mua sắm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 5. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các cấp, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc; Giám đốc các sở, ngành; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./-
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.