BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 267/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2017 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 267/QĐ-BYT ngày 23/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Bộ Y tế xây dựng Chương trình hành động với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu:
1. Mục tiêu chung:
Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Phấn đấu đạt và vượt 02 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là: (i) số giường bệnh trên một vạn dân: 25,5 giường; (ii) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: 82,2%.
- Phấn đấu đạt và vượt 15 chỉ tiêu về y tế cơ bản tại Phụ lục kèm theo.
1. Công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế
a) Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì về lĩnh vực y tế, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì về lĩnh vực dân số, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Ban cán sự Đảng dự thảo Đề án Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và chất lượng dân số.
b) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục xây dựng các dự án Luật: Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; Luật về Máu và tế bào gốc; Luật dân số; Luật chuyển đổi giới tính; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật khám, chữa bệnh; phối hợp sửa Luật bảo hiểm.
- Hoàn thành Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017; đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật dược.
- Tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến công tác y tế.
- Xây dựng và triển khai tốt Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành y tế năm 2017; xuất bản Bản tin Thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế năm 2017 bảo đảm tiến độ theo kế hoạch và chất lượng.
- Tiếp tục triển khai Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
c) Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Xây dựng và thực hiện tốt Kế hoạch Thanh tra năm 2017, tập trung vào: thanh tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; hóa chất chế phẩm diệt côn trùng và đồ gia dụng; kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; thanh tra toàn diện một số đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; việc thực hiện chính sách, pháp luật trong xã hội hóa công tác y tế; quản lý nhà nước về lĩnh vực dược; công tác đấu thầu thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc; việc thực hiện chế độ thu, chi tài chính và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với các cơ sở y tế tư nhân. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
- Tiếp tục xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng công tác hệ thống thanh tra y tế, cộng tác viên thanh tra y tế và mạng lưới cán bộ làm công tác thanh tra của thủ trưởng, thanh tra nhân dân tại các đơn vị trực thuộc.
- Tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra về các lĩnh vực: khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị y tế, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình, thanh tra của thủ trưởng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành y tế.
d) Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Trình ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV. Thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ.
- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiện toàn hệ thống tổ chức y tế địa phương theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của liên Bộ Y tế và Bộ Nội vụ và Thông tư số 59/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đối với tuyến tỉnh; Thông tư 37/2016/TT-BYT của Bộ Y tế đối với tuyến huyện; Nghị định 117/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 33/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đối với tuyến xã. Ban hành hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hoàn thiện các văn bản về quản lý viên chức chuyên ngành y tế, đặc biệt là các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Xây dựng và ban hành Thông tư quy định nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức để tổ chức thi và xét thăng hạng đối với viên chức ngành y tế.
- Chỉ đạo việc xây dựng vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Phấn đấu xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý đủ trình độ năng lực thi hành công vụ. Thực hiện quy hoạch cán bộ theo hướng dẫn tại Quyết định 1730/QĐ-BYT ngày 08/5/2015 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
e) Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Từng địa phương, đơn vị kiện toàn Ban Chỉ đạo, bổ sung, thay thế các thành viên chuyển đổi công tác, nghỉ hưu; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phong cách, thái độ phục vụ gắn với cải cách hành chính trong KCB Tiếp tục tổ chức ký cam kết thực hiện đối với những đơn vị chưa triển khai ký cam kết; Tổ chức tập huấn kỹ năng, giao tiếp ứng xử; Thành lập, kiện toàn, tổ chức hoạt động phòng (bộ phận) thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện; Phối hợp chặt chẽ với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tại các địa phương để thành lập mới, củng cố tổ chức hoạt động của đội tình nguyện, tiếp sức người bệnh; Duy trì, củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả đường dây nóng, hòm thư góp ý; Từng đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai trang phục y tế theo quy định của Thông tư số 45/2015/TT-BYT; Nghiên cứu, xây dựng chương trình nội dung tập huấn kỹ năng giao tiếp,ứng xử đưa vào giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp y tế.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát: Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện về Tiêu chí chấm điểm đánh giá kết quả thực hiện; Tiếp tục kiện toàn các Đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị; tổ chức xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, động viên khen thưởng kịp thời các trường hợp điển hình, tiên tiến.
- Tăng cường công tác truyền thông trong và ngoài bệnh viện về các quy định của bảo hiểm y tế, các chế độ chính sách về khám chữa bệnh, quy trình thủ tục khám chữa bệnh, nội quy bệnh viện, nghĩa vụ và trách nhiệm của người bệnh,... để tăng cường sự hợp tác của người bệnh trong sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Phát động các phong trào thi đua về quy tắc ứng xử, đồng bộ với thực hiện cụ thể Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh, tăng cường quản lý môi trường y tế
a) Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc tế, không để dịch bệnh xâm nhập.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông truyền thông nguy cơ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe của người dân và cộng đồng.
- Từng bước kiểm soát các bệnh không lây nhiễm: kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do bệnh không lây nhiễm; củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và tăng cường năng lực giám sát bệnh không lây nhiễm.
- Tăng cường hiệu quả hoạt động y tế trường học thông qua các giải pháp nâng cao năng lực mạng lưới, đẩy mạnh truyền thông và tăng cường công tác giám sát điều kiện vệ sinh trường học và hỗ trợ kỹ thuật các tuyến và các trường để triển khai công tác y tế trường học.
- Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về tiêm chủng, xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn sinh học trong xét nghiệm, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm chủng và không ngừng nâng cao chất lượng tiêm chủng.
b) Cục Quản lý môi trường y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Xây dựng bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật: Thông tư hướng dẫn hoạt động an toàn vệ sinh lao động trong ngành y tế; các Thông tư hướng dẫn thực hiện quy chuẩn vệ sinh lao động; hướng dẫn thực hiện tháng hành động quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và xây dựng danh mục các ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Thông tư ban hành danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối việc thực hiện quản lý và xử lý chất thải y tế trong và ngoài các cơ sở y tế.
- Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chuyên ngành môi trường y tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế để giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật.
- Tổ chức, hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực: bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn thương tích, giám sát chất lượng nước, vệ sinh môi trường cộng đồng, quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.
- Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, môi trường cơ sở y tế.
c) Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng ở mức dưới 0,3%; giảm số người nhiễm mới HIV.
- Duy trì hoạt động của mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu triển khai hoạt động dưới nhiều mô hình hoạt động khác nhau; phân phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí, đặc biệt ưu tiên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, và mở rộng chương trình tiếp thị xã hội.
- Mở rộng các điểm cấp phát thuốc tại xã/phường để tăng tỷ lệ tiếp cận và giảm tỷ lệ bỏ trị; mở rộng điều trị methadone trong trại giam và các cơ sở cai nghiện. Tăng cường tính sẵn có các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV trong tất cả các cơ sở y tế; mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng. Mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cho các khu vực xa trung tâm thành phố của tỉnh. Mở rộng xét nghiệm đo tải lượng HIV thường quy cho bệnh nhân đang điều trị ARV thay thế dần cho việc xét nghiệm thường quy CD4.
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin giáo dục truyền thông và truyền thông thay đổi hành vi thông qua các kênh truyền thông khác nhau đặc biệt qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng.
- Triển khai và củng cố chất lượng giám sát trọng điểm HIV tại 30 tỉnh/thành phố; giám sát trọng điểm STI tại 10 tỉnh/thành phố. Tiến hành đánh giá nhanh tình hình dịch HIV/AIDS tại các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS. Thực hiện ước tính dự báo kích thước quần thể nguy cơ cao tại 63 tỉnh/thành phố làm cơ sở cho việc lập kế hoạch và triển khai các can thiệp
- Kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS nhằm đảm bảo bệnh nhân HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh HIV thông qua bảo hiểm y tế. Tăng cường phối hợp với chương trình Lao quốc gia triển khai các hoạt động phối hợp Lao/HIV nhằm giảm tác động của lao trên người nhiễm HIV và nhiễm HIV trên bệnh nhân Lao.
3. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm các bệnh truyền qua thực phẩm; Giám sát phòng ngừa và cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn; Giám sát chủ động mối nguy ô nhiễm thực phẩm và kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, hậu kiểm.
- Thực hiện có hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm, thực hiện việc từng địa phương, từng gia đình, từng cơ sở dịch vụ ăn uống và cộng đồng cam kết và có biện pháp cụ thể, thích hợp không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người. Tiếp tục chú trọng phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, nhất là ngộ độc do nấm độc.
- Nâng cao năng lực thanh tra, tổng kết việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát ATTP. Duy trì Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp, thông tin truyền thông với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội về an toàn thực phẩm.
4. Tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu
Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng và các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới:
- Phân loại các trạm y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số dự án ODA để đầu tư cho y tế cơ sở. Các tỉnh, thành phố cần ưu tiên ngân sách, huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở, trong đó ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, để đạt tiêu chí quốc gia y tế xã theo các nhóm trạm quy định tại Quyết định 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách để đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và thực hiện ngay việc quản lý sức khỏe đến từng người dân, quản lý các bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã.
- Chỉ đạo các trạm y tế xã phải đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế đã được quy định tại Thông tư 33/2015/TT-BYT của Bộ Y tế; tiếp tục mở rộng mô hình bác sỹ gia đình.
- Đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở. Thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
5. Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng
a) Cục Quản lý khám chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, tập trung giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, mở rộng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh: bổ sung thêm các bệnh viện tuyến cuối có trình độ kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân và mở rộng các bệnh viện vệ tinh.
- Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, đẩy mạnh việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, tập huấn; tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine), đặc biệt đối với các huyện đảo.
- Thực hiện tốt Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người có thẻ BHYT. Khuyến khích phát triển dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất. Phát triển mô hình quản lý các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... tại cộng đồng, thực hiện mô hình bác sỹ gia đình, CSSK người cao tuổi tại cộng đồng.
- Thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; phát triển cả y tế phổ cập và một số lĩnh vực y học chất lượng cao, chuyên sâu phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam, cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh các cấp và hệ thống đánh giá phản hồi của người dân; ban hành các quy trình chuyên môn. Mở rộng các tiêu chí phụ của 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, xây dựng và triển khai mô hình đánh giá, chấm điểm độc lập. Phấn đấu có ít nhất một cơ sở y tế công lập đăng ký để thực hiện chuẩn chất lượng y tế quốc tế JCI.
- Tiến hành thường xuyên, liên tục việc cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh theo Quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế.
- Tăng cường thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27/02/2016 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 -2025, bảo đảm tiến độ chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hành nghề y dược tư nhân: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề KCB tư nhân; Các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - truyền thông kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân theo đúng quy định.
b) Cục Y dược học cổ truyền chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, đề án của Thủ tướng Chính phủ gồm: Quyết định số 2166/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 11/3/2014 về việc Phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025;
- Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về Y dược cổ truyền từ trung ương đến địa phương, phấn đấu 100% Sở Y tế có bộ phận chuyên trách về YDCT; Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực y dược cổ truyền từ trung ương đến địa phương;
- Đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại so với tổng số người bệnh được khám, chữa bệnh. Đến năm 2017: tuyến trung ương đạt 10%; tuyến tỉnh đạt 15%; tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 35%; Đáp ứng đủ dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu thiết yếu và chủ yếu đạt chất lượng theo quy định cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền.
- Tăng cường phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan và cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra chất lượng dược liệu trên thị trường và giám sát các hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở sản xuất dược liệu và thuốc đông y.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu và sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Triển khai hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về dược liệu tại một số tỉnh, thành phố.
5. Dân số, kế hoạch hóa gia đình
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thấp hợp lý, tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm sinh ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và duy trì mức sinh thấp hợp lý ở các vùng miền có mức sinh thấp. Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển.
- Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính khi sinh, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh;
- Triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp về truyền thông giáo dục, chuyên môn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dân số trước, sơ sinh (mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân) nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật, và tử vong ở trẻ em, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến yếu tố di truyền.
- Bảo đảm hậu cần và cung cấp đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
- Triển khai có hiệu quả Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 04/01/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó có định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số để xây dựng Nghị quyết về y tế và dân số trình ban hành năm 2017.
6. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tiếp tục xây dựng/hoàn thiện/hướng dẫn thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật, quy trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, đề án về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
- Đào tạo người đỡ đẻ có kỹ năng; kíp hồi sức nội khoa trong sản khoa cho các bệnh viện; kíp phẫu thuật sản khoa cho bệnh viện huyện, hỗ trợ để bệnh viện huyện thuộc các vùng khó khăn thực hiện được cấp cứu sản khoa toàn diện (mổ lấy thai và truyền máu)
- Củng cố và vận hành có hiệu quả đơn nguyên sơ sinh tại các bệnh viện huyện đủ điều kiện và có nhu cầu. Chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi: nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi dưỡng trẻ nhỏ; lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh.
- Thực hiện các can thiệp đặc thù đáp ứng nhu cầu CSSKSS của vị thành niên, thanh niên trẻ, người lao động ở các khu công nghiệp, người di cư; mô hình liên kết giữa các Câu lạc bộ SKSS/Góc thân thiện với các điểm cung cấp dịch vụ kỹ thuật lâm sàng.
- Thực hiện liên kết các dịch vụ CSSKSS, HIV, dự phòng lây truyền HIV, giang mai, viêm gan B từ mẹ sang con. Triển khai Kế hoạch hành động về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung. Chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới và tuổi mãn kinh.
- Cải tiến nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông, ưu tiên truyền thông nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ triển khai thực hiện, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân khám chữa bệnh sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình cả về nội dung chuyên môn lẫn phạm vi hành nghề.
7. Kết hợp quân dân y và y tế biển đảo
Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở; tổ chức khám chữa bệnh chính sách cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn và khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh và bảo đảm y tế trong các tình huống khẩn cấp.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm y tế khu vực phòng thủ; kiện toàn xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên và lực lượng huy động ngành y tế thực hiện Quyết định 137/QĐ-TTg ngày 09/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 129/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ.
- Triển khai nhiệm vụ Giáo dục quốc phòng an ninh, dân quân tự vệ và công tác phòng chống khủng bố trong ngành y tế.
- Triển khai các mục tiêu của Đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 317).
8. Nhân lực, khoa học và công nghệ
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế. Tập trung xây dựng và hoàn thiện mô hình đổi mới toàn diện đào tạo bác sỹ đa khoa, điều dưỡng và dược theo hướng hội nhập khu vực và thế giới, theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam .
- Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo thông qua giám sát thường xuyên, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về nhân lực y tế. Tăng cường phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo và quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế.
- Xây dựng Hướng dẫn thực hành đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế.
9. Thông tin y tế
Cục Công nghệ thông tin, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin y tế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030. Ban hành Thông tư quy định bệnh án điện tử. Xây dựng chỉ số, hệ thống thu thập các vấn đề ưu tiên như mục tiêu phát triển bền vững, bệnh không lây, vệ sinh an toàn thực phẩm... Cải thiện chất lượng số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tại các cấp và tăng cường phổ biến thông tin thống kê. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống tổ chức ngành y tế, tích hợp bản đồ địa lý GIS. Xây dựng hệ thống giám sát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin ngành y tế.
- Nâng cấp hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước ngành y tế, hệ thống thông tin quản lý cán bộ đảng viên; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình giao ban trực tuyến cho Bộ Y tế, hệ thống số hóa, quản lý tài liệu lưu trữ, hệ thống thông tin quản lý đào tạo cán bộ ngành y tế.
- Xây dựng hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến của Bộ Y tế, hệ thống chữ ký số chuyên ngành của Bộ Y tế phục vụ công tác quản lý và chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Xây dựng, triển khai dự án công nghệ thông tin Telemedicine cho 09 bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế; khảo sát đề xuất 01 dự án công nghệ thông tin Telemedicine trong phát triển y tế biển đảo. Khảo sát, đề xuất phương án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB và thanh toán BHYT (cập nhật bộ danh mục dùng chung, trích chuyển dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH,…)
- Nâng cao hiệu quả, tính chủ động của công tác truyền thông cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và thu hút sự vào cuộc của các cấp ủy, đảng, chính quyền, các cơ quan truyền thông, dư luận và mỗi người dân.
10. Dược, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng
a) Quản lý Dược
Cục Quản lý dược chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Bảo đảm cung ứng đủ về số lượng, an toàn về chất lượng thuốc với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện Luật Dược sửa đổi năm 2016, các văn bản cần thiết với bối cảnh hội nhập ASEAN, các hiệp định thương mại song phương và đa phương.
- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Tăng cường phát triển công nghiệp dược trong nước, chú trọng xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sản xuất thuốc, vắc - xin, nghiên cứu BA/BE, sản xuất nguyên liệu và bao bì dược. Tiếp tục đầu tư, tăng cường củng cố và duy trì chức năng NRA sau khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp giấy chứng nhận.
- Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế. Sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tuyến tỉnh. Nâng cao năng lực các đơn vị nghiên cứu BE, lộ trình mở rộng danh mục hoạt chất phải đánh giá BE.
- Tăng cường các biện pháp phát hiện và thu hồi thuốc kém chất lượng, phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm chất lượng thuốc. Thanh, kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn dược, tập trung công tác kiểm soát sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc phóng xạ.
- Triển khai các hoạt động sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Tiếp tục củng cố, đầu tư phát triển Trung tâm thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc Quốc gia (tại Hà Nội) và Trung tâm khu vực ở TP. Hồ Chí Minh.
- Xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả để giảm chi phí trung gian và bảo đảm cung ứng thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế đủ về số lượng, an toàn về chất lượng.
b) Trang thiết bị và công trình y tế
Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tăng cường sản xuất TTB y tế trong nước, trước mắt là các TTB y tế thông dụng, đồng thời từng bước đẩy mạnh sản xuất TTB y tế công nghệ cao, đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến cho sản xuất trang thiết bị y tế.
- Tiến hành đánh giá hiện trạng và nhu cầu TTB y tế tại cơ sở y tế các tuyến; rà soát, cập nhật danh mục TTB y tế thiết yếu cho các cơ sở y tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu về TTB y tế để giúp các cơ sở y tế trong việc mua sắm TTB y tế phù hợp.
- Xây dựng và phát triển lĩnh vực “Đánh giá công nghệ y tế” để xác định những giải pháp công nghệ và trang thiết bị phù hợp cho các cơ sở y tế, đảm bảo đầu tư một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu CSSK của nhân dân.
- Tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa TTB y tế. Các địa phương cần thành lập Đội bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị y tế để tăng cường hiệu quả đầu tư TTB y tế và chất lượng dịch vụ y tế. Các đơn vị phải phân bổ kinh phí cho việc bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa TTB và cơ sở y tế. Trích lập quỹ khấu hao tài sản từ nguồn thu phí để tái đầu tư TTB y tế khi có nhu cầu cần thiết.
- Tăng cường năng lực mạng lưới kiểm chuẩn và kiểm định TTB y tế; xây dựng một số trung tâm đo lường kiểm chuẩn TTB y tế cho ba miền.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng 05 bệnh viện trung ương và tuyến cuối đặt tại TP Hồ Chí Minh, dự án cơ sở 2 của một số bệnh viện trung ương, các bệnh viện đa khoa tỉnh sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để tăng thêm số cơ sở y tế, giường bệnh, tập trung cho các chuyên khoa quá tải như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi, hô hấp, thần kinh....
11. Tài chính y tế
a) Huy động, sử dụng và đổi mới cơ chế tài chính
Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho y tế, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi của một số ngân hàng cho các bệnh viện, nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh.
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế và tổ chức Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện một số dự án PPP, xã hội hóa ngay từ đầu năm 2017. Sửa đổi, bổ sung các quy định về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong bệnh viện công cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Kêu gọi WB, ADB và các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Bỉ, Pháp, Đức,...) tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho ngành y tế các dự án về đầu tư cho y tế cơ sở; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế; đầu tư hệ thống kiểm nghiệm thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm; Sản xuất vắc xin 4 trong 1; đầu tư xây dựng bệnh viện, đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt các trang thiết bị kỹ thuật cao như tim mạch, ung bướu cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh.
- Đầu tư có trọng điểm, ưu tiên phân bổ NSNN chi đầu tư cho YTCS, các bệnh viện ở vùng khó khăn, các trung tâm YTDP, các cơ sở kiểm nghiệm vùng, các viện nghiên cứu y học; ưu tiên phân bổ NSNN chi thường xuyên cho YTDP, các chương trình mục tiêu, các bệnh viện phong, tâm thần, các bệnh viện ở vùng khó khăn. Tiếp tục triển khai tốt chính sách BHYT và các chính sách khác về hỗ trợ KCB cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số vùng kinh tế - xã hội khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương.
- Tiếp tục thực hiện mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bao gồm cả tiền lương tại 27 tỉnh, thành phố còn lại, cho các đối tượng chưa tham gia BHYT trong năm 2017; thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (gồm cả tiền lương và phụ cấp) đối với nhóm đối tượng không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả, phối hợp với Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn các địa phương đăng ký thời điểm thực hiện điều chỉnh giá để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 và hoàn thành việc điều chỉnh giá cho 63 tỉnh, thành phố trong năm; Ban hành mức giá bao gồm cả chi phí quản lý để thực hiện từ năm 2018 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
- Xây dựng và ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả trong năm 2017, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên bằng chứng về chi phí- hiệu quả và nhu cầu CSSK của người dân; xây dựng quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo định suất mới. Nhân rộng mô hình thí điểm phương thức chi trả theo định suất, trọn gói theo trường hợp bệnh một cách phù hợp; đổi mới việc tiếp nhận các nguồn ODA từ theo dự án sang hỗ trợ chương trình, ngân sách.
b) Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân
Vụ Bảo hiểm y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn và triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bao gồm: (1) Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP); (2) Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; (3) Thông tư quy định việc trích chuyển dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và thanh toán bảo hiểm y tế; (4) Thông tư ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; (5) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3455/QĐ-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quyết định số 517/QĐ-BYT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ Y tế Ban hành mẫu Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng, đặc biệt là nhóm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Triển khai BHYT theo hộ gia đình lộ trình.
- Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cải tiến quy trình thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, có giải pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng lạm dụng và trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và quyền lợi khi mua BHYT, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
12. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh
Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Triển khai có hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phí và lệ phí,... các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước. Triển khai dự toán NSNN năm 2017, kế hoạch đầu tư công năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm.
- Tổ chức điều hành dự toán ngân sách năm 2017 chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, bảo đảm sử dụng các nguồn kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả, đúng chế độ. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo dự toán. Quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên. Chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
- Triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên đã có trong dự toán nhưng đến ngày 30/6/2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương.
- Xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án vay vốn ODA phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển ngành.
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
- Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo 389 của Bộ để tăng cường quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước. Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán cổ phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Triển khai đấu thầu mua thuốc chữa bệnh theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện tốt việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia để giảm giá thuốc, giảm chi phí cho người dân.
13. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp
a) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Xây dựng và hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính của ngành y tế năm 2017.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ và cải cách dịch vụ công để tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc Bộ. Nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ.
- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và xác định chỉ số cải cách hành chính của các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế.
- Triển khai mở rộng các bệnh viện thí điểm Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”.
b) Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, các Vụ, Cục có liên quan đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
14. Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí:
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hoàn thiện thể chế không để kẽ hở cho tham nhũng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực giữa các cấp và trong nội bộ.
- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các ngành, các cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện tốt cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng đối với việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí cùng toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
b) Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm an ninh, trật tự.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tổ chức thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo có hiệu lực pháp luật.
- Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
15. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại
Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:
- Tăng cường hợp tác, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế. Nghiên cứu các giải pháp để chủ động đối phó với tác động bất lợi của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
- Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức ngân hàng, tài chính nhằm vận động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế.
- Phối hợp các nước có chung đường biên giới trong phòng, chống các bệnh dịch như HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác.
1. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo chung việc thực hiện Chương trình hành động của Bộ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ của Bộ được Chính phủ giao, bảo đảm thực hiện một cách kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình hành động.
Các Thứ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các nội dung công việc theo lĩnh vực được Bộ trưởng phân công phụ trách.
2. Trên cơ sở những nhiệm vụ, nội dung công việc chủ yếu trong Chương trình hành động này và Phụ lục kèm theo, căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ:
- Khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 03/02/2017 để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
- Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp trong Chương trình đề ra, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai Chương trình hành động này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện giữa các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ ngành liên quan, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ.
- Thường xuyên kiểm tra, giá sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình công tác đã đề ra, tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý kết quả thực hiện và các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, đề xuất kiến nghị gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 15 hàng tháng và tháng cuối quý để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 hàng tháng và tháng cuối quý tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng.
- Kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp chỉ đạo điều hành của Bộ Y tế năm tiếp theo, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 15/11/2017 để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/11/2017 để báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 12 năm 2017.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính: Trên cơ sở nội dung công việc được giao của các đơn vị trong Bộ, phối hợp với Văn phòng Bộ tiến hành theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chương trình hành động này; tổng hợp báo cáo kiến nghị lãnh đạo Bộ các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Chương trình được thực hiện hiệu quả.
4. Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quán triệt, phổ biến Chương trình hành động này, tăng cường thông tin, truyền thông vận động để cộng đồng hiểu, tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện. Căn cứ tình hình thực hiện Chương trình hành động này của các đơn vị làm tiêu chí đánh giá thi đua năm 2017.
CÁC CHỈ TIÊU Y TẾ CƠ BẢN NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 267/QĐ-BYT ngày 23/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
TT |
Chỉ số |
Đơn vị |
Chỉ tiêu 2017 |
Đơn vị chủ trì |
1 |
Số bác sĩ trên 10.000 dân |
Người |
8,4 |
Vu Tổ chức cán bộ |
2 |
Tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc |
% |
84 |
Vụ Tổ chức cán bộ |
3 |
Số giường bệnh trên 10.000 dân (không bao gồm giường của TYT) |
Giường |
25,5 |
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh |
4 |
Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin |
% |
>90 |
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em |
5 |
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế |
% |
68 |
Vụ Kế hoạch-Tài chính |
6 |
Tỷ lệ dân số tham gia BHYT |
% |
82,2 |
Vụ Bảo hiểm y tế |
7 |
Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh |
Tuổi |
73,7 |
Tổng cục Dân số - KHHGĐ |
8 |
Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống |
Bà mẹ |
52,0 năm 2020 |
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Do không thu thập và công bố được hàng năm nên chỉ có chỉ tiêu giai đoạn 5 năm) |
9 |
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi |
‰ |
14,5 |
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em |
10 |
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi |
‰ |
21,6 |
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em |
11 |
Dân số trung bình |
Triệu người |
93,7 |
Tổng cục Dân số - KHHGĐ |
12 |
Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) |
trẻ |
113,7 |
Tổng cục Dân số - KHHGĐ |
13 |
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) |
% |
13,1 |
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em |
14 |
Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng |
% |
<0,3 |
Cục Phòng, chống HIV/AIDS |
15 |
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh |
% |
69 |
Cục Quản lý môi trường y tế |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.