UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2629/QĐ-UB |
Bến Tre, ngày 04 tháng 11 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
“V/V BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ GIỐNG TÔM BIỂN CỦA TỈNH BẾN TRE”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
- Căn cứ Quyết định số 166 TS/QĐ ngày 12 tháng 6 năm 1991 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản “ V/v ban hành quy chế quản lý giống nuôi trồng thuỷ sản”. Quyết định số 407 TS/QĐ ngày 07/12/1991 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản “ V/v ban hành Bản quy định về đăng ký và cấp các loại giấy phép liên quan đến hoạt động nghề cá”;
- Căn cứ tình hình thực tế địa phương;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số 145/TT-TS ngày 28/10/1999,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý giống tôm biển của tỉnh Bến Tre thay thế Bản quy chế được ban hành theo Quyết định số 1552/ QĐ-UB ngày 07/10/1998, Quyết định số 283/QĐ-UB ngày 01/02/1999 của UBND tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Thuỷ sản, Chủ tịch UBND các huyện, thị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Thuỷ sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị, Thủ trường các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
“V/V
QUẢN LÝ GIỐNG TÔM BIỂN CỦA TỈNH BẾN TRE”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2629/QĐ-UB ngày 04/11/1999 của Uỷ ban nhân
dân tỉnh Bến Tre)
Điều 1. Quy chế này quy định: về quản lý chất lượng giống tôm biển nhằm đảm bảo chất lượng con giống cung cấp cho người nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản.
Điều 2. Phạm vi áp dụng của quy chế này bao gồm:
- Sản xuất kinh doanh tôm giống.
- Di nhập tôm giống từ ngoài vào tỉnh hoặc xuất ra khỏi tỉnh.
- Thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch tôm giống.
Điều 3: Các thuật ngữ trong quy chế này được hiểu như sau:
- Giống tôm biển: bao gồm giống tôm sú và giống tôm thẻ (được gọi tắt là tôm giống).
- Kích thước tôm giống: được tính từ mũi chuỳ đến mút đốt đuôi (telson).
- Hộ đại diện trá hình: thực chất là người kinh doanh tôm giống mượn danh nghĩa người đại diện cho một số hộ có ngư trường tôm xin phép nhập tôm giống và nuôi tôm để kinh doanh trốn thuế.
Điều 4. Trách nhiệm quản lý tôm giống:
1) Sở Thuỷ sản: là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, điều phối các hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống và thanh kiểm tra việc tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.
2) Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản (BVNL):
Là cơ quan trực tiếp quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, di nhập tôm giống trên địa bàn tỉnh.
3) Trung tâm Khuyến ngư: chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ sản xuất tôm giống, di nhập và ương tôm giống cho các thành phần kinh tế, là cơ quan tư vấn về công tác quản lý chất lượng tôm giống cho người sản xuất, người kinh doanh và người nuôi tôm.
4) UBND các huyện, thị xã, phường và các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát: phối hợp chăt chẽ với ngành Thuỷ sản quản lý tốt nguồn tôm giống, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về quản lý tôm giống trên địa bàn mình phụ trách.
Điều 5. Khuyến khích các thành phần kinh tế: tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, nghiêm cấm kinh doanh tôm giống dưới hình thức hộ đại diện trá hình. Trường hợp hộ có như trường nuôi tôm xin nhập tôm giống về nuôi phải tuân thủ theo hướng dẫn của Sở Thuỷ sản về điều kiện ương tôm giống.
Điều 6. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống: khi chọn địa điểm xây dựng công trình phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Điều 7. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phải nằm trong vùng quy hoạch (đối với vùng đã được quy hoạch).
- Có giấy tờ đúng quy định.
- Có cơ sở vật chất và lao động kỹ thuật có chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh tôm giống.
- Quy trình sản xuất và ương phải đảm bảo chất lượng tôm giống. Không gây dịch bệnh, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
- Trước khi xuất bán tôm giống phải loại bỏ các cá thể dị hình, còi cọc, nhiễm bệnh.
- Khi phát hiện dịch bệnh phải xử lý ngay theo đúng hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh của ngành và phải báo cáo cho Sở Thuỷ sản để có biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
- Khi kiểm tra kỹ thuật viên phải có mặt tại cơ sở.
Điều 8. Các giấy tờ được cấp.
1) Cơ sở sản xuất:
- Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản (Chi cục BVNL thuỷ sản cấp).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư cấp).
2) Cơ sở kinh doanh:
- Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản (Chi cục BVNL thuỷ sản cấp).
- Giấy di nhập giống thuỷ sản (Chi cục BVNL thuỷ sản cấp).
- Giấp phép kinh doanh (UBND huyện cấp).
Điều 9. Thời gian sản xuất và di nhập tôm giống.
1) Đối với cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh được phép sản xuất quanh năm, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng cơ sở mà bố trí thời gian sản xuất thích hợp.
2) Đối với cơ sở kinh doanh tôm giống: giao cho Sở Thuỷ sản có quy định thời gian di nhập tôm giống căn cứ theo diễn biến môi trường của từng năm.
Điều 10. Kích cỡ tôm giống di nhập và xuất bán.
1) Đối với trại sản xuất tôm giống được phép xuất bán dưới hai dạng:
- Xuất bán tôm giống cho cơ sở ương có kích thước từ 11mm trở lên.
- Xuất bán tôm giống cho người nuôi có kích thước từ 16mm trở lên.
2) Đối với hộ kinh doanh tôm giống:
- Di nhập tôm giống có kích thước từ 11mm trở lên và phải ương tại bể ương, ao ương đạt kích thước từ 16mm mới được xuất bán cho người nuôi.
- Di nhập tôm giống có kích thước từ 16mm trở lên thì phải thuần dưỡng tại bể ương, ao ương thời gian thuần dưỡng là 24 giờ mới được xuất bán.
Điều 11. Kiểm tra, kiểm dịch tôm giống:
1) Cơ sở xản xuất tôm giống:
- Trước khi xuất bán 3 ngày, chủ cơ sở phải gửi giấy khai báo kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản cho Chi cục BVNL thuỷ sản để được kiểm dịch (kể cả xuất bán trong và ngoài tỉnh). Trường hợp xuất bán tại địa phương phải niêm yết giấy chứng nhận kiểm dịch tại cơ sở sản xuất.
2) Cơ sở kinh doanh, di nhập tôm giống (kể cả Trung tâm Khuyến ngư):
Trước khi vận chuyển tôm giống vào tỉnh 24 giờ, chủ cơ sở kinh doanh phải báo cho Chi cục BVNL thuỷ sản, cán bộ giám sát phụ trách địa bàn để giám sát việc đưa tôm giống vào địa điểm ương, đồng thời giám sát thời gian ương tại cơ sở.
a) Tại trạm kiểm dịch, Chi cục BVNLT thuỷ sản chịu trách nhiệm kiểm tra:
- Giấy phép di nhập giống.
- Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản.
- Kiểm tra số lượng và chất lượng tôm giống theo các chỉ tiêu kỹ thuật đúng qui hoạch của chuyên ngành.
- Cấp biên bản kiểm tra tôm giống nhập tỉnh.
b) Tại cơ sở ương tôm giống:
Tôm giống vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải được ương, thuần dưỡng tại bể ương, ao ương theo đúng qui định trong biên bản của Chi cục BVNL thuỷ sản, trước khi xuất bán cho người nuôi phải được Chi cục BVNL thuỷ sản kiểm dịch và phải niêm yết giấy chứng nhận kiểm dịch tại cơ sở ương. Trường hợp khi nhập tỉnh tôm giống đạt kích thước từ 16mm, sau khi thuần dưỡng 24 giờ xuất bán cho người nuôi không phải kiểm dịch mà phải báo giám sát kiểm tra và niêm yết biên bản kiểm tra tại cơ sở.
Điều 12. Phối hợp giám sát - kiểm tra tôm giống.
- Chủ tịch UBND 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Chủ tịch UBND các xã có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh cử cán bộ giám sát cùng với Chi cục BVNL thuỷ sản để quản lý tốt nguồn tôm giống.
- Chi cục trưởng Chi cục BVNL thuỷ sản có trách nhiệm bàn bạc thống nhất với UBND 3 huyện ven biển, UBND các xã có phong trào nuôi tôm phát triển mạnh để cử giám sát viên và ban hành quyết định bổ nhiệm giám sát viên.
- Thanh tra Chi cục BVNL thuỷ sản thường xuyên bám sát địa bàn (nếu có điều kiện mở trạm kiểm dịch động vật, thú y thuỷ sản; đăng kiểm 3 huyện miền biển) phối hợp với giám sát viên và chính quyền địa phương quản lý tốt nguồn tôm giống nhập tỉnh và xuất bán cho người nuôi, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm về quản lý tôm giống.
Điều 13. Chế độ thông tin báo cáo.
Chi cục BVNL thuỷ sản tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh, báo cáo về Sở Thuỷ sản chậm nhất là ngày 20 hàng tháng.
Điều 14: Khen thưởng - kỷ luật.
1) Khen thưởng: các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh tôm giống chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý tôm giống sẽ đươc khen thưởng theo chế độ hiện hành.
2) Xử phạt: các tổ chức cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống và người nuôi tôm nếu vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ vả phát triển nguồn lợi thuỷ sản, vi phạm các quy định của quy chế này sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chánh và Nghị định 48/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chánh trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Nếu tái phạm sẽ xử lý khung tình tiết tăng nặng, đồng thời cơ quan chức năng xem xét đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.
Điều 15. Tổ chức thực hiện.
Giao cho Sở Thuỷ sản có văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này. Bản quy chế này thay thế Bản quy chế kèm theo Quyết định số: 1552/QĐ-UB ngày 07/10/1998 và Quyết định số: 283/QĐ-UB ngày 01/02/1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc Chi cục BVNL thuỷ sản, UBND các huyện và các cơ quan có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Thuỷ sản, để Giám đốc Sở Thuỷ sản tập hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.