ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 254/2004/QĐ-UB |
TP.Cần Thơ, ngày 16 tháng 6 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
"V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ"
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 18/2002/CT-UB ngày 16/10/2002 của UBND tỉnh Cần Thơ (trước đây) về việc tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa và cơ sở giáo dục truyền thống trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Phòng Văn hóa - Trung tâm Thể thao và Du lịch các quận, huyện, UBND xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ |
QUY CHẾ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TỒN, PHÁT HUY
CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
CẦN THƠ
(Ban hành theo Quyết định số 254/2004/QĐ-UB ngày 16/6/2004 của Ủy ban nhân
dân thành phố Cần Thơ
Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh ở thành phố Cần Thơ là một phần tài sản vô giá của đất nước và nhân dân Việt Nam, vì vậy, mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ và quản lý đối với tất cả những di tích thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tập thể hay tư nhân.
Để quản lý, bảo tồn lâu dài, nguyên vẹn và phát huy có hiệu quả các di tích, danh thắng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quy chế quy định cụ thể việc quản lý, bảo tồn và phát huy di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng c¶nh (sau đây gọi là di tích) được quy định ở Quy chế này bao gồm:
- Các di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND thành phố Cần Thơ (kể cả tỉnh Cần Thơ trước đây) ra quyết định xếp hạng.
- Các di chỉ, di tích khảo cổ học.
- Các hiện vật tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thống nhất quản lý Nhà nước đối với các di tích trên địa bàn thành phố Cần Thơ được quy định tại Điều 1 nêu trên.
Điều 3. Mọi hoạt động tiến hành trong các khu vực bảo vệ, kể cả việc trùng tu, sửa chữa các di tích đều phải bảo đảm các biện pháp phòng cháy chữa cháy; phải tuân thủ các quy định về thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Nghiêm cấm việc làm hư hại, tiêu hủy, biến dạng, lấn chiếm, sử dụng, mua bán trái phép làm ảnh hưởng xấu, giảm giá trị các di tích. Ban quản lý di tích, UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn, ngành Văn hóa - Thông tin có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đến di tích.
Chương II
QUẢN LÝ, NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN, PHÁT HUY DI TÍCH VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH
Điều 4. Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bảo tồn di tích bao gồm: Quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát hiện, kiểm kê, đăng ký, xác định loại hình và đề nghị Nhà nước xếp hạng di tích; Quản lý việc lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về di tích; Quy định cụ thể và quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ, tu sửa, phục hồi, bảo quản và phát huy di tích; Thanh tra, kiểm tra các hoạt động có liên quan đến công tác bảo tồn di tích.
Điều 5. Bảo tàng thành phố Cần Thơ là cơ quan chuyên môn, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiếp thu sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Di sản Văn hóa, sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến di tích.
Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về các hoạt động bảo tồn, bảo tàng.
Điều 6. Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa - Thông tin giúp Ủy ban nhân dân thành phố bảo vệ và phát huy có hiệu quả các di tích trên địa bàn.
Điều 7. Các di tích đã được xếp hạng, tùy tính chất sở hữu và địa bàn phân bố mà thành lập Ban quản lý di tích. Nếu di tích thuộc một cá nhân, gia đình, dòng họ, một tập thể sở hữu lâu đời thì cá nhân, tập thể đó vẫn tiếp tục quản lý nhưng có sự giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra của Ban quản lý di tích theo quy định của Nhà nước.
Điều 8. Các hoạt động nghiên cứu nhằm phát hiện, bảo vệ và phát huy di tích trên địa bàn thành phố được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.
Tất cả các tiêu bản hiện vật, các tư liệu gốc, hồ sơ khoa học về di chỉ, di tích được tìm thấy hoặc thực hiện trong quá trình nghiên cứu phải được lưu lại và bảo quản tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.
Điều 9. Các di sản thuộc di tích phải được kiểm kê hàng năm theo sự hướng dẫn của người đứng đầu Bảo tàng thành phố, có sự phân công phụ trách quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi di tích, di sản bị phá hoại, lấy cắp.
Điều 10. Sở Văn hóa - Thông tin và Bảo tàng thành phố Cần Thơ được quyền nghiên cứu hoặc đưa khách đến tham quan các di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể.
Điều 11. Di tích được xếp hạng phải có kế hoạch bảo quản thường xuyên. Khi tu bổ lớn phải có quy hoạch và đồ án thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Đối với di tích là công trình kiến trúc, nghệ thuật cổ, chỉ khi tối cần thiết để bảo quản mới tiến hành tu bổ. Khi tu bổ phải tuân thủ nguyên tắc giữ đúng công năng vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, phải bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc.
Trong trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận, vật liệu, chất liệu cũ bằng một bộ phận, vật liệu, chất liệu mới thì phải bảo đảm tính cần thiết, tính khoa học, tính chính xác của việc thay thế đó. Trường hợp phục hồi hoặc phục chế những bộ phận đã bị hủy hoại, biến dạng thì phải có cơ sở khoa học.
Điều 13. Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng. Trong khu vực này cấm ô tô lưu thông; cấm các hoạt động gây tiếng ồn và độ rung, gây cháy nổ hoặc thải chất độc tác hại đến môi trường vượt quá mức cho phép; việc xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn các yếu tố gốc.
Trong khu vực I phải bảo đảm tính toàn vẹn cảnh quan thiên nhiên như: các cây cổ thụ phải được giữ gìn chu đáo, việc chặt bỏ, tỉa bớt rễ, cành các cây cổ thụ, cây xanh trong di tích đều phải được phép của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, việc trồng cây mới phải theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 14. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I, tùy theo từng vị trí cụ thể mà cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh xây dựng, nhưng phải góp phần làm tăng giá trị của di tích về mặt kiến trúc và cảnh quan.
Điều 15. Việc tu bổ di tích cần áp dụng các phương thức:
- Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện (sử dụng nguồn kinh phí của Nhà nước và vận động nguồn vốn nhân dân đóng góp).
- Nhà nước hướng dẫn, nhân dân thực hiện.
- Nhà nước thực hiện, vận động các tổ chức đóng góp vào việc tu bổ di tích.
Điều 16. Các di tích phải được phát huy đúng với chức năng, phục vụ tích cực cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, nhu cầu nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân.
Đối với các di tích từ nhiều đời nay nhân dân thường đến lễ bái thì vẫn được tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nhưng phải kiên quyết loại bỏ các hủ tục mê tín dị đoan; không phát triển mới hoặc phục hồi các nghi thức lễ bái thiếu cơ sở khoa học và không có ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Các hoạt động lễ hội truyền thống được khuyến khích. Cá nhân, tập thể, đơn vị đứng ra tổ chức phải đăng ký nội dung, hình thức với Sở Văn hóa-Thông tin và khi được cho phép mới tiến hành. Các hoạt động dịch vụ trong lễ hội phải bảo đảm an ninh trật tự và không làm xâm hại đến di tích.
Điều 17. Mọi thành phần kinh tế sử dụng trực tiếp hoặc nhờ sức hút của di tích để kinh doanh du lịch và các dịch vụ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý; đồng thời, phải có trách nhiệm đóng góp vào quỹ tu bổ di tích.
Điều 18. Ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý các khoản thu từ di tích, có ghi chép và công khai theo định kỳ. Sau khi trừ các khoản phí tổn, phải dành ít nhất 70% cho việc tu bổ di tích.
Ban quản lý di tích cần có những hình thức ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân đối với di tích.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các hoạt động bảo tồn các di tích, danh lam, thắng cảnh quy định trong Quy chế này được Sở Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 20. Tổ chức và cá nhân vi phạm các điều khoản trong Quy chế này sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.
Điều 21. Các chủ sở hữu tư nhân, tập thể hay Nhà nước đối với di tích lịch sử, UBND các cấp, các đơn vị, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc hoặc có điều chưa phù hợp, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, bổ sung, sửa đổi kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.