ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2022/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 7 năm 2022 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình hạ tầng kỹ thuật - QCVN 07:2016/BXD
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 5285/TTr-SXD-HTKT ngày 18 tháng 5 năm 2022 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 3629/STP-VB ngày 12 tháng 10 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2022.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường; Công an Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện; Thủ trưởng các đơn vị và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định về các hoạt động lĩnh vực chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải chấp hành quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 2. Giải thích một số từ ngữ
Trong Quy định này, một số từ ngữ, khái niệm được nêu tại Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị như sau:
1. Hoạt động chiếu sáng đô thị: Quy hoạch, đầu tư phát triển và tổ chức chiếu sáng đô thị; quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Chiếu sáng đô thị: Chiếu sáng các công trình giao thông; chiếu sáng không gian công cộng; chiếu sáng mặt ngoài công trình; chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng khu vực lễ hội; chiếu sáng dân lập.
3. Chiếu sáng công cộng đô thị: Chiếu sáng công trình giao thông, chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị.
4. Chiếu sáng dân lập: Là bộ phận của hệ thống chiếu sáng đô thị, hệ thống chiếu sáng dân lập dùng để chiếu sáng đối với hẻm, đường nội bộ liên khu phố, liên tổ dân phố trên địa bàn Thành phố có kích thước nhỏ, chiều rộng ≤3m.
5. Đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị: Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng.
6. Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị: Là công tác quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng đô thị nhằm đảm bảo việc nắm bắt tình hình hoạt động để lập công tác cải tạo, sửa chữa đảm bảo hệ thống chiếu sáng đô thị hoạt động ổn định.
7. Hệ thống chiếu sáng đô thị: Là hệ thống vật tư, thiết bị của tủ điện điều khiển, dây cáp dẫn điện, bộ đèn, trụ đèn, cần đèn, hệ thống tiếp địa phục vụ cho hoạt động chiếu sáng công cộng đô thị.
8. Trung tâm điều khiển chiếu sáng đô thị: Bao gồm trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị, mạng lưới thông tin tín hiệu của hệ thống chiếu sáng và các tủ điều khiến chiếu sáng.
9. Công tác duy trì trạm đèn: Là quá trình thực hiện các công việc giám sát an toàn điện, kiểm tra lưới đèn chiếu sáng, vệ sinh tủ điều khiển, kiểm tra các thiết bị trong tủ, đo đạc các thông số điện áp, dòng điện từng pha, dòng điện trung tính, ghi vào phiếu kiểm tra đặt bên trong tủ điều khiển.
10. Tỷ lệ bóng sáng: Là tỷ số giữa số lượng đèn hoạt động bình thường trên tổng số đèn lắp đặt trên một tủ điều khiển.
11. Đơn vị được ký hợp đồng quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng đô thị: Là đơn vị có đủ điều kiện và năng lực được lựa chọn theo phương thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch.
Điều 3. Nguyên tắc về quản lý và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Hệ thống chiếu sáng đô thị được quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng phù hợp theo quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng hiện hành; đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; không sử dụng nguồn điện cấp cho hệ thống chiếu sáng đô thị vào mục đích khác; sử dụng nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc dán nhãn tiết kiệm năng lượng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Khi lập quy hoạch đô thị phải có hệ thống chiếu sáng đô thị; việc phát triển và đầu tư chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được phê duyệt và những quy định hiện hành khác.
3. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ hệ thống chiếu sáng đô thị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng hệ thống chiếu sáng đô thị.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng chiếu sáng đô thị trên địa bàn được giao quản lý.
5. Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Sở Xây dựng chủ trì tổ chức tiếp nhận và phân công, giao quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị cho đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị.
7. Sở Xây dựng chủ trì tổ chức xây dựng và ban hành hướng dẫn về yêu cầu kỹ thuật khi đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị để các đơn vị thực hiện.
8. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị; sản xuất, sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện theo đúng quy định. Khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để cấp điện cho hệ thống chiếu sáng đô thị.
QUY HOẠCH, THIẾT KẾ, XÂY DỰNG VÀ DUY TRÌ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ
Điều 4. Quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị phải phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của quy hoạch đô thị và phát triển đô thị; phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội, tính chất, chức năng và đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh; đảm bảo đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với các công trình và khu vực được chiếu sáng; tuân thủ theo quy định của Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị và quy định khác của pháp luật khác liên quan.
2. Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì việc tổ chức, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện lập quy hoạch chiếu sáng đô thị; có nhiệm vụ quản lý và thực hiện quy hoạch chiếu sáng đô thị.
Điều 5. Thiết kế hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Thiết kế hệ thống chiếu sáng đô thị phải đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chiếu sáng đô thị được phê duyệt và những quy định hiện hành khác. Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị đối với từng loại công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng. Bảo đảm các yếu tố trang trí, mỹ quan và phù hợp với chức năng của công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng. Có giải pháp sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện trong từng thiết kế từng công trình hoặc từng khu vực được chiếu sáng.
2. Các công trình chiếu sáng đô thị phải đảm bảo độ bền, ổn định, an toàn trong suốt quá trình làm việc của chúng dưới tác động của điều kiện tự nhiên. Số liệu về điều kiện tự nhiên dùng trong thiết kế và xây dựng công trình chiếu sáng phải tuân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BXD số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng ban hành theo Thông tư số 29/2009/TT-BXD ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Bộ Xây dựng.
3. Thiết kế hệ thống chiếu sáng đô thị tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị quy định cho từng loại công trình giao thông tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07-7:2016/BXD Các công trình hạ tầng kỹ thuật - Công trình chiếu sáng ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Xây dựng.
4. Vị trí lắp dựng trụ đèn phải có khả năng định hướng đi cho người điều khiển phương tiện giao thông. Tại các đoạn đường uốn lượn, trụ đèn phải lắp dựng ở đường cong ngoài của đoạn uốn. Không để cây xanh che ánh sáng đèn trong phạm vi mặt đường thiết kế chiếu sáng.
5. Chiếu sáng công trình giao thông cho xe có động cơ
a) Chiếu sáng đường, phố
Thiết kế chiếu sáng phải bảo đảm làm lộ rõ tất cả các đặc điểm của đường và của dòng giao thông, giúp người điều khiển phương tiện giao thông tiếp nhận đầy đủ thông tin từ các quang cảnh luôn thay đổi phía trước để có thể điều khiển phương tiện giao thông an toàn với tốc độ hợp lý cho phép. Ngoài việc đảm bảo đủ ánh sáng theo quy định phải tạo được tính định hướng giúp người điều khiển phương tiện giao thông nhận biết rõ ràng hướng tuyến.
Thiết kế chiếu sáng phải tạo ra độ chói cần thiết để mắt nhận biết các chi tiết nhỏ, ở độ tương phản thấp với tốc độ cao, tương ứng tình hình giao thông; độ chói phải đồng đều trên mặt đường theo cả phương dọc và phương ngang hạn chế sự xuất hiện các khoảng tối, không gây lóa mắt người điều khiển phương tiện giao thông. Sử dụng trụ đèn, cần đèn và bộ đèn có hình dáng phù hợp với từng khu vực, tuyến đường, có tính thẩm mỹ, phù hợp với không gian kiến trúc và cảnh quan môi trường xung quanh.
b) Chiếu sáng tại nút giao thông
Thiết kế chiếu sáng phải tạo điều kiện để người điều khiển phương tiện giao thông phát hiện được cả sơ đồ nút giao thông và hoạt động giao thông. Phải bảo đảm cho người điều khiển phương tiện giao thông có thể nhìn thấy vị trí các mép vỉa hè và các mốc đường, các chiều của đường, sự có mặt của người đi bộ hoặc các chướng ngại, sự chuyển động của tất cả các loại xe gần nút giao thông và trước khi vào nút giao.
Tại các nút giao thông phải:
Các giá trị chiếu sáng phải đạt hoặc cao hơn yêu cầu chiếu sáng đường tối thiểu 10% và tối đa là 20%.
Độ chói mặt đường yêu cầu trên toàn nút giao thông không được nhỏ hơn độ chói trên mặt các đường chính dẫn tới nút.
Phải có phần mềm chuyên dụng để thể hiện Bảng tính toán chiếu sáng độ chói lóa G hoặc TI max.
Tại các nút giao thông, phải bố trí cột đèn tại các lối đi bộ qua đường.
c) Chiếu sáng trên các cầu và đường trên cao: Thiết kế chiếu sáng trên cầu phải tương đồng với chiếu sáng của phần đường nối tiếp với cầu. Chỉ sử dụng đèn chiếu sáng loại được che hoàn toàn để tránh gây lóa cho người đi ở phía dưới.
d) Chiếu sáng đường hầm: Chiếu sáng bên trong đường hầm được tính toán tuân thủ tiêu chuẩn CIE 88:2004. Dọc theo lối vào, vùng cửa hầm vùng chuyển tiếp, vùng trong hầm, vùng cuối đường hầm và lối ra phải đảm bảo yêu cầu độ chói không thay đổi đột ngột.
đ) Chiếu sáng các đường gần sân bay, đường xe lửa, bến cảng
Khu vực gần sân bay, chiếu sáng đường không được gây nhầm lẫn với hệ thống đèn tín hiệu cất, hạ cánh của sân bay.
Chiếu sáng đường tại nút giao với đường sắt: Thiết kế chiếu sáng phải đảm bảo để phân biệt rõ xe cộ, lối đi, chướng ngại vật và người bộ hành Đảm bảo độ rọi đứng để phân biệt rõ các bảng thông tin tín hiệu. Màu của đèn chiếu sáng không được lẫn lộn với màu của đèn tín hiệu đường sắt; Mặt đường phải có độ chói và hệ số đồng đều độ chói cao hơn phần mặt đường kế cận 10%.
e) Chiếu sáng bãi đỗ xe
Thiết kế chiếu sáng đối với điểm đỗ xe ngoài trời ở trung tâm đô thị và điểm đỗ xe ngoài trời ở ngoài trung tâm đô thị phải đảm bảo độ rọi ngang trung bình và độ rọi ngang tối thiểu theo quy định; độ rọi đứng đạt 50% giá trị độ rọi ngang.
6. Chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị
Quảng trường, lối đi trong công viên, vườn hoa, cổng vào sân vận động, khu triển lãm, sân trước các công trình công cộng, ven hồ nước, ven hai bên bờ sông, ven bờ biển phải được thiết kế chiếu sáng. Thiết kế chiếu sáng phải góp phần làm tăng thẩm mỹ không gian đô thị, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cảnh quan như cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, mặt nước với các công trình kiến trúc, tượng đài, đài phun nước và các công trình khác có liên quan.
Giảm tối thiểu số lượng cột đèn chiếu sáng không gian công cộng bằng cách sử dụng tối đa tường hồi của các công trình kiến trúc kế cận làm nơi lắp đặt thiết bị chiếu sáng.
7. Chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị
Các công trình kiến trúc, xây dựng; công trình di tích lịch sử, văn hóa, thể thao; tháp truyền hình ăng ten thu, phát sóng có kiểu dáng, hình ảnh và vị trí tạo điểm nhấn đô thị hoặc ảnh hưởng đến kiến trúc và cảnh quan đô thị phải được chiếu sáng mặt ngoài hoặc một phần mặt ngoài của công trình. Hệ thống chiếu sáng trang trí vận hành theo 02 chế độ: chế độ ngày thường và chế độ ngày chủ nhật, ngày lễ, tương ứng với các công suất tiêu thụ khác nhau để đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm điện. Chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng các công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chiếu sáng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
8. Chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng phục vụ lễ hội
Chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng phục vụ lễ hội do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Sở Xây dựng quản lý việc chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng phục vụ lễ hội. Cá nhân tổ chức thực hiện chiếu sáng quảng cáo, trang trí và chiếu sáng phục vụ lễ hội thực hiện theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
a) Chiếu sáng quảng cáo, trang trí
Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, các quy định hiện hành về quảng cáo; đảm bảo an toàn, thẩm mỹ. Chiếu sáng quảng cáo, trang trí không được có độ chói quá lớn theo hướng nhìn của các phương tiện giao thông cơ giới, gây hiện tượng chói lóa, làm mất an toàn giao thông.
b) Chiếu sáng phục vụ lễ hội
Chiếu sáng phục vụ lễ hội phải theo chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố; các công trình chiếu sáng phục vụ lễ hội phải đảm bảo an toàn cao, tính thẩm mỹ cả ban ngày và ban đêm, đảm bảo đa dạng, độc đáo và tính thẩm mỹ cao của khu vực được tổ chức chiếu sáng. Sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện xã hội hóa trong tổ chức chiếu sáng phục vụ lễ hội.
9. Chiếu sáng dân lập
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện thực hiện cải tạo, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng dân lập theo hướng dẫn do Sở Xây dựng ban hành đối với hẻm, đường nội bộ liên khu phố, liên tổ dân phố trên địa bàn Thành phố có kích thước nhỏ, chiều rộng ≤3m.
Đối với hẻm, đường nội bộ liên khu phố, liên tổ dân phố trên địa bàn Thành phố có chiều rộng lớn hơn 3m, Sở Xây dựng có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang và quản lý hệ thống chiếu sáng.
Điều 6. Đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Thi công xây dựng các công trình chiếu sáng đô thị phải thực hiện theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn, thuận tiện và tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình.
2. Trước khi thi công xây dựng công trình chiếu sáng đô thị, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thông báo biện pháp thi công và ngày khởi công công trình đến cấp thẩm quyền để phối hợp giám sát tình hình thực hiện.
3. Đơn vị thi công xây dựng công trình chiếu sáng đô thị là đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực, thiết bị theo quy định của pháp luật. Đơn vị thi công xây dựng công trình chiếu sáng đô thị phải đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi công. Đảm bảo không làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.
4. Quá trình thi công cải tạo hệ thống chiếu sáng đô thị hiện hữu, đơn vị thi công phải có trách nhiệm đảm bảo ánh sáng tại khu vực bị ảnh hưởng, không làm gián đoạn để đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại khu vực.
5. Chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình chiếu sáng đô thị phải tuân thủ quy định hiện hành về việc lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình.
6. Sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống chiếu sáng đô thị, chủ đầu tư thực hiện bàn giao về Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp nhận và phân công, giao quản lý cho đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị tổ chức quản lý theo quy định.
Điều 7. Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị là chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố được phân cấp quản lý.
2. Đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị có trách nhiệm thực hiện công tác duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị có trách nhiệm tổ chức điều chỉnh thời gian hoạt động của hệ thống chiếu sáng đô thị, đảm bảo thời gian hoạt động của hệ thống chiếu sáng đô thị phù hợp với tình hình thời tiết thực tế của Thành phố, đảm bảo tiết kiệm điện và an toàn giao thông. Đối với hệ thống chiếu sáng trang trí phải vận hành theo 02 chế độ: chế độ ngày thường và chế độ ngày chủ nhật, ngày lễ, tương ứng với các công suất tiêu thụ khác nhau để đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm điện. Áp dụng các biện pháp giảm điện năng tiêu thụ nhưng phải đảm bảo an toàn trong các thời gian lưu lượng giao thông thấp (từ 23 giờ đến sáng hôm sau). Riêng ngày lễ, ngày Tết và kế hoạch theo mục tiêu cụ thể khác thì Sở Xây dựng có yêu cầu cụ thể.
Điều 8. Công tác tiếp nhận và phân công, giao quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị
Đối với hệ thống chiếu sáng đô thị được đầu tư xây dựng, sau khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu theo quy định hiện hành. Phân công Sở Xây dựng xem xét tiếp nhận và giao quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị.
Điều 9. Bảo vệ hệ thống chiếu sáng đô thị
1. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị được giao sở hữu. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý về xâm hại gây hư hỏng và trộm cắp tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công an Thành phố trong công tác bảo vệ tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn được giao quản lý theo quy định hiện hành.
3. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
a) Thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ hệ thống điện chiếu sáng đô thị.
b) Kịp thời thông báo đến Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Công an Thành phố và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khi phát hiện các xâm hại hư hỏng, trộm cắp tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị.
Điều 10. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chiếu sáng đô thị
Các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động nhân dân sử dụng điện chiếu sáng an toàn, đúng mục đích; sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chiếu sáng đô thị.
1. Sở Xây dựng
a) Thực hiện quản lý nhà nước về chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố và tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về chiếu sáng đô thị phục vụ công tác quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố.
b) Chủ trì việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư dài hạn, ngắn hạn hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét phê duyệt.
c) Thẩm định hoặc tham gia ý kiến thiết kế đối với lĩnh vực chiếu sáng đô thị theo quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo cho công tác quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng đô thị.
d) Chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và các hoạt động khác liên quan đến hệ thống chiếu sáng đô thị theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng đô thị.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân quận - huyện và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền phổ biến đầy đủ nội dung quy định này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tích hợp cơ sở dữ liệu chiếu sáng đô thị về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố và sẵn sàng kết nối với Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
3. Sở Quy hoạch Kiến trúc
Chủ trì tổ chức thẩm định quy hoạch chiếu sáng đô thị và có ý kiến góp ý hướng dẫn, quản lý chiếu sáng đô thị.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng trình Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công các công trình liên quan đến xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị Thành phố.
5. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng để cân đối, bố trí dự toán ngân sách hàng năm đảm bảo cho hoạt động quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng.
Bố trí kinh phí cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện đảm bảo cho hoạt động quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng dân lập theo phân cấp.
6. Sở Giao thông vận tải
a) Chủ trì thực hiện thủ tục về chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công các công trình đầu tư công liên quan đến xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị trên đường bộ đang khai thác do Sở Giao thông vận tải quản lý.
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra xây dựng kiểm tra xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.
7. Sở Công Thương
Phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân quận - huyện đảm bảo nguồn điện cung cấp cho hệ thống chiếu sáng đô thị và dân lập đối với hẻm, đường nội bộ (đường liên khu phố, liên tổ dân phố trên địa bàn Thành phố) có kích thước nhỏ ≤3m.
8. Công an Thành phố
Chỉ đạo các lực lượng Công an thành phố Thủ Đức và quận - huyện, phối hợp với các lực lượng của Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân quận - huyện kiểm tra, xử lý kịp thời các xâm hại gây hư hỏng và trộm cắp tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị.
9. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện
a) Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến quy định này và yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
b) Có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài sản của hệ thống chiếu sáng dân lập. Thường xuyên tuần tra, theo dõi hệ thống chiếu sáng, đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân bảo vệ tài sản công và tố giác hành vi phá hoại tài sản hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn quản lý.
c) Chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng dân lập theo phân cấp.
d) Xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định này theo thẩm quyền và địa bàn quản lý.
đ) Thông báo kịp thời cho các cơ quan có chức năng những vi phạm nội dung của Quy định này và các quy định pháp lý khác.
10. Đơn vị có thẩm quyền quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị
a) Chủ sở hữu, tổ chức quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và đầu tư xây dựng chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố theo quy định hiện hành.
b) Có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị được giao sở hữu. Xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý về xâm hại gây hư hỏng và trộm cắp tài sản của hệ thống chiếu sáng đô thị.
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp các đơn vị, Sở, ngành phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.