ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2007/QĐ-UBND |
Đồng Xoài, ngày 02 tháng 5 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá
tài sản;
Căn cứ Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về
bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BTP ngày 04/5/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số
điều Quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về
bán đấu giá;
Căn cứ Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 và Thông tư số 13/2007/TT-BTC
ngày 06/3/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung việc xác định giá
khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 25/TTr-STP ngày 16/3/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND ngày 28/02/2006 của UBND tỉnh.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thương mại & Du lịch, Giám đốc Công an tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU SUNG CÔNG QUỸ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2007 của
UBND tỉnh)
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1. Tài sản sử dụng trong các vụ vi phạm hành chính đã có Quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của các ngành, các cấp có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002.
2. Tài sản do cơ quan Tòa án ra quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004.
3. Tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự, gồm:
- Tài sản là bất động sản mà sau 05 năm, kể từ ngày ra thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu.
- Những tài sản là cổ vật, di tích lịch sử, văn hóa trong tài sản được tìm thấy không phải là cổ vật, di tích lịch sử, văn hoá mà có giá trị lớn bị chôn dấu, chìm đắm, trôi dạt được tìm thấy và đã được các cơ quan có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu Nhà nước hoặc tài sản tuy có giá trị nhỏ nhưng được pháp luật quy định thuộc sở hữu Nhà nước.
- Tài sản có giá trị lớn bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được ai là chủ sở hữu sau một năm, kể từ ngày được cơ quan chức năng của Nhà nước thông báo công khai.
- Những tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hay có những người đó không được hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
4. Những tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước hiến tặng hoặc giao cho tổ chức, cá nhân được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.
5. Tài sản do cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền bán đấu giá.
1. Các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tài sản sung công quỹ Nhà nước theo quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002.
2. Cơ quan Thi hành án các cấp ra quyết định thi hành án đối với tài sản có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Tòa án cùng cấp theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004.
3. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước:
a) UBND từ cấp huyện trở lên theo thẩm quyền ra quyết định xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản đến thời hạn xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.
b) Người đứng đầu hoặc cấp có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước ra quyết định xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản được chủ sở hữu tài sản chuyển quyền sở hữu dưới hình thức cho tặng.
Điều 3. Xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá là tài sản Nhà nước
1. Nguyên tắc xác định giá khởi điểm
Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tài sản Nhà nước được xác định theo nguyên tắc phải phù hợp với giá bán thực tế của tài sản cùng loại hoặc tương tự ở thị trường địa phương tại thời điểm xác định giá. Cụ thể một số trường hợp sau:
a) Đối với những tài sản do Nhà nước quy định giá, giá khởi điểm không được thấp hơn giá do Nhà nước quy định tại thời điểm xác định giá khởi điểm.
b) Đối với tài sản chuyên dùng đơn chiếc, giá khởi điểm được xác định căn cứ vào chi phí tái tạo lại tài sản hoặc chi phí nhập khẩu và mức độ hao mòn (cả hữu hình và vô hình) của tài sản.
2. Thẩm quyền quyết định giá khởi điểm
a) Tài sản Nhà nước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuộc cấp nào ra quyết định bán đấu giá, thì cơ quan Tài chính Nhà nước hoặc Hội đồng định giá cấp đó quyết định giá khởi điểm để bán đấu giá.
b) Đối với những tài sản thuộc loại khó định giá (bất động sản, tài sản chuyên dùng đơn chiếc và các tài sản không phổ biến trên thị trường), cơ quan Tài chính trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản theo thẩm quyền.
c) Đối với tài sản bán đấu giá không phải là tài sản của Nhà nước thì giá khởi điểm phải do người có tài sản bán đấu giá tự xác định hoặc ủy quyền cho người bán đấu giá hoặc người thứ ba xác định.
Điều 4. Thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản
1. Tài sản Nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện hoặc các cơ quan khác thuộc địa phương quyết định bán đấu giá theo quy định của pháp luật, thì giá khởi điểm do Thủ trưởng cơ quan Tài chính Nhà nước cùng cấp quyết định hoặc trình Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập Hội đồng định giá để quyết định.
Thành phần Hội đồng định giá tài sản bao gồm:
- Đại diện cơ quan Tài chính Nhà nước - Chủ tịch Hội đồng.
Các thành viên khác của hội đồng:
- Đại diện cơ quan được giao trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc xử lý tài sản bán đấu giá.
- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần).
- Ngoài ra, tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá, Chủ tịch Hội đồng mời một số thành viên khác tham gia Hội đồng.
2. Đối với tài sản Nhà nước là động sản thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 37 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì giá khởi điểm do Hội đồng định giá, Hội đồng bán đấu giá tài sản, Hội đồng thanh lý tài sản của cơ quan, đơn vị quyết định theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Quy định này.
Hội đồng định giá tài sản làm việc theo nguyên tắc tập thể. Các Quyết định của Hội đồng phải được quá nửa số thành viên Hội đồng tán thành và được lập thành Biên bản. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau, thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
3. Các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm quy định tại Khoản 2, Điều 3 và Khoản 1, 2, Điều này có thể thuê hoặc giao cho các cơ quan được giao trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc xử lý tài sản bán đấu giá thuê các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng định giá hoặc thẩm định giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật xác định giá khởi điểm để xem xét, tham khảo trước khi quyết định. Chi phí thuê này được tính vào chi phí bán đấu giá tài sản.
Điều 5. Phương pháp xác định giá khởi điểm
1. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thu nhập. Trình tự thực hiện của từng phương pháp thực hiện theo hướng dẫn tại mục I, Thông tư số 114/2004/TT-BTC ngày 26/11/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.
2. Đối với tài sản chuyên dùng đơn chiếc, việc xác định giá khởi điểm được áp dụng theo phương pháp chi phí quy định tại mục II, phần B, Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Đối với tài sản Nhà nước khác (trừ các tài sản quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này), việc xác định giá khởi điểm được áp dụng theo phương pháp so sánh. Nội dung của phương pháp và căn cứ áp dụng thực hiện theo quy định tại mục I, phần B, Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 6. Chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá
1. Chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước
Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý như sau:
a) Đối với tang vật, phương tiện là văn hóa phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng buộc phải tiêu hủy và các hàng hóa khác không được phép lưu hành trên thị trường, thì cơ quan ra quyết định tịch thu lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, đại diện cơ quan Tài chính và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Việc tiêu hủy phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng.
b) Đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản đó thì chuyển giao cho Sở Tài chính để tổ chức hạch toán, theo dõi, quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Đối với tang vật, phương tiện là thuốc tân dược, vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng liên quan đến an ninh, quốc phòng, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia; hàng lâm sản quý hiếm nhóm 1A, 1B và các tài sản khác không được phép lưu hành, thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính và các ngành có liên quan tổ chức bàn giao cho cơ quan Nhà nước chuyên ngành quản lý tài sản đó để tổ chức quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Đối với động vật hoang dã còn sống, khoẻ mạnh hoặc sau khi cứu hộ khoẻ mạnh, thì cơ quan Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thả về môi trường thiên nhiên phù hợp với sinh thái của từng loại hoặc bán cho cá nhân, tổ chức được phép gây nuôi phát triển, nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu văn hóa, đời sống theo giá thị trường tại địa phương. Việc thả động vật về môi trường thiên nhiên phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia.
e) Đối với các tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước là phương tiện đi lại, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, thiết bị thí nghiệm còn sử dụng được, thì chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị tổ chức của Nhà nước có nhu cầu sử dụng. Sở Tài chính có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền chuyển giao tài sản cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước.
Sau khi có Quyết định của cơ quan Nhà nước, cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận. Thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản thực hiện theo Thông tư số 43/TC-QLCS ngày 30/7/1996 của Bộ Tài chính. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được tiếp nhận tài sản có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, xác định giá trị tài sản theo số lượng và giá trị tài sản ghi trong biên bản giao, nhận tài sản.
f) Đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn lại (sau khi xử lý theo quy định từ Điểm a đến Điểm e, Khoản 1, Điều này) được xử lý như sau:
- Đối với tang vật, phương tiện là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng (hàng tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản, hàng thực phẩm đã qua chế biến nhưng hạn sử dụng còn dưới 30 ngày), thì cơ quan (người) ra quyết định phải tiến hành lập biên bản và phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp tổ chức chuyển giao cho cơ quan bán đấu giá tổ chức bán đấu giá. Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của cơ quan Tài chính cùng cấp nơi bắt giữ tài sản.
- Đối với tang vật, phương tiện là vật tư, hàng hóa Nhà nước cấm nhập khẩu buộc phải tái xuất, thì cơ quan Tài chính phối hợp với cơ quan ra quyết định tịch thu bán trực tiếp cho các tổ chức kinh tế được Nhà nước chỉ định để tái xuất theo quy định hiện hành của pháp luật.
g) Đối với các tang vật, phương tiện còn lại, việc chuyển giao để bán đấu giá được thực hiện như sau:
- Đối với các tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị dưới 10 triệu đồng, thì chuyển giao cho cơ quan Tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá.
- Đối với các tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, thì chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh để tổ chức bán đấu giá.
2. Chuyển giao tài sản khu vực hành chính sự nghiệp có quyết định thanh lý hoặc bán đấu giá của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
a) Đối với tài sản khu vực hành chính sự nghiệp có quyết định bán, thanh lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tài sản bán, thanh lý chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh tổ chức bán đấu giá.
b) Trường hợp Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh từ chối bán, thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tài sản bán, thanh lý thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng thanh lý tài sản để tổ chức bán đấu giá. Thành phần Hội đồng thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Đối với tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động
a) Khi chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đã kết thúc hoạt động, chủ dự án có trách nhiệm kiểm kê, lập danh mục các phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc, thiết bị thí nghiệm và các tài sản khác thu hồi từ dự án báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên để cơ quan chủ quản lập phương án xử lý gửi đến cơ quan Tài chính Nhà nước cùng cấp.
b) Căn cứ Quyết định xử lý tài sản thu hồi từ dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ dự án phối hợp với cơ quan Tài chính Nhà nước cùng cấp thực hiện:
- Bàn giao tài sản có quyết định điều chuyển, bán cho cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước.
- Chuyển giao tài sản có quyết định bán đấu giá cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh để tổ chức bán đấu giá. Trường hợp Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh từ chối bán thì cơ quan chủ quản dự án quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản thu hồi từ các dự án kết thúc hoạt động để tổ chức bán đấu giá. Hội đồng do Thủ trưởng cơ quan chủ dự án làm Chủ tịch. Các thành viên khác bao gồm: Đại diện cơ quan chủ quản dự án, đại diện cơ quan Tài chính cùng cấp, đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật (nếu cần).
4. Bán đấu giá tài sản Nhà nước khác
Đối với tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước khác (trừ tài sản tịch thu do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Điều này), tài sản được xác lập sở hữu Nhà nước: Tài sản thi hành án, tài sản là vật chứng vụ án, tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, tài sản do tổ chức, cá nhân biếu tặng..., thì cơ quan Tài chính quyết định chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quản lý thu, chi đối với công tác quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước
1. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước phải được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp sau khi trừ các khoản chi phí cho vận chuyển, giao nhận, bảo quản và phí đấu giá theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến công tác xác minh, điều tra, mua tin, bắt giữ, cung cấp tin, phát hiện, xử lý vi phạm, xử lý tài sản (phân loại, định giá) và các chi phí khác có liên quan đến quản lý, xử lý tài sản. Số tiền còn lại nộp vào Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
Điều 8. Các cơ quan ra quyết định tịch thu (hoặc cơ quan đề xuất ra quyết định tịch thu) và cơ quan trực tiếp quản lý, xử lý, bán các tài sản tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước không thực hiện đúng hoặc cố tình vi phạm các quy định này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, cá nhân có trách nhiệm quản lý và tổ chức xử lý tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước nếu cố tình làm thiệt hại, thất thoát tài sản về hiện vật hoặc giá trị thì phải bồi thường vật chất. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 9. Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm, Sở Thương mại & Du lịch, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã và các ngành liên quan triển khai và thực hiện theo quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh, vướng mắc yêu cầu các đơn vị báo cáo UBND tỉnh để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.