ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2444/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI THUỘC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 08/01/2024 của UBND Thành phố quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 2443/QĐ-UBND ngày 07/5/2024 của UBND Thành phố về việc đổi tên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội thuộc Sở Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 310/TTr- SGTVT ngày 27/3/2024 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1352/TTr-SNV ngày 19/4/2024 về việc đổi tên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thành Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, có chức năng giúp Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong công tác quản lý về hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ chuyên ngành giao thông vận tải; tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông; triển khai và quản lý hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn Thành phố; tổ chức đào tạo, tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành về giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố; công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ đầu tư trong công tác đấu thầu và đặt hàng, các đề án, dự án, duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, xe buýt...) và các danh mục dự toán ngân sách giao hàng năm; tổ chức quản lý, sử dụng, khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị, xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và thực hiện đề án, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố và vận tải hành khách công cộng tới các tỉnh liền kề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bao gồm: phát triển, điều chỉnh mạng lưới, kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế nghiệm thu, quy chế, cơ chế quản lý, cơ chế chính sách phát triển đảm bảo các loại hình vận tải hành khách công cộng được tích hợp một cách đồng bộ liên thông.
2. Quản lý, phát triển và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố (tổ chức đấu thầu, đặt hàng, ký kết và quản lý các hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ trong hoạt động vận tải hành khách công cộng và quản lý giám sát chất lượng dịch vụ theo các quy định của pháp luật. Điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng, quyết định điều chỉnh tạm thời một phần hoặc toàn bộ danh sách phương tiện, biểu đồ, hành trình chạy xe trên tuyến xe buýt có trợ giá phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện cho hành khách (đảm bảo không vượt giá gói thầu, đặt hàng được duyệt).
3. Quản lý, vận hành, khai thác, tổ chức duy tu bảo trì và sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (nhà ga, điểm dừng, điểm đỗ, bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và điểm trông giữ xe...) phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tiếp nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng (nhà ga, điểm dừng, điểm đỗ, bãi đỗ xe, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và điểm trông giữ xe...) được hình thành từ các dự án đầu tư công trên địa bàn hoặc được UBND Thành phố giao.
4. Thực hiện di chuyển, thu hồi, bổ sung và khắc phục sự cố gãy đổ, xô lệch hoặc thiếu, mất thông tin liên quan đến hạ tầng vận tải hành khách công cộng (điểm dừng, biển báo điểm dừng, pano điểm đầu cuối, nhà chờ xe buýt, sơn kẻ vạch...) để tạo thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.
5. Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị:
a) Tổ chức tiếp nhận, quản lý và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt đô thị được hình thành từ các dự án trên địa bàn được cấp có thẩm quyền giao;
b) Quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách và nguồn vốn khác được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì tài sản thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo đúng quy định hiện hành;
c) Triển khai thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm dịch vụ công hoặc quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo quy định hiện hành;
d) Xây dựng đề án quản lý tài sản công đường sắt đô thị để khai thác kinh doanh thương mại dịch vụ giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước.
6. Xây dựng, tham mưu chính sách và quản lý hệ thống vé vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố (vé giấy, thẻ vé điện tử) bao gồm: Quản lý phát hành, phân bổ doanh thu, quản lý thanh toán bù trừ (bao gồm quyết định, lựa chọn trung tâm thanh toán bù trừ...), quản lý dữ liệu, quản lý bảo mật, quản lý quy định chính sách, quản lý vận hành, bảo trì hệ thống và hệ thống thực hiện được thanh toán nhiều hình thức (thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code).
7. Tổ chức khai thác các nguồn thu:
a) Nguồn thu từ cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định);
b) Nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước) từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
c) Nguồn thu thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ (áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập): Khai thác thu từ dịch vụ cơ sở dữ liệu số hóa về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng; thu từ khai thác các dịch vụ từ hệ thống giao thông thông minh...;
d) Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
đ) Thu từ cho thuê tài sản công (sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến việc cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và nộp các khoản thuế theo quy định); thu từ lãi tiền gửi ngân hàng (sau khi trừ phí dịch vụ ngân hàng (nếu có) và nộp thuế theo quy định): Các điểm trung chuyển, đầu cuối, nhà chờ, các bảng LED, nhà ga, công trình, vật kiến trúc... được giao tiếp nhận quản lý sử dụng và khai thác tài sản.
e) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
8. Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ liên quan đến quản lý và phát triển hệ thống giao thông công cộng được giao.
9. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý hạ tầng giao thông đô thị, tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
10. Tổ chức đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
11. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ về an toàn giao thông.
12. Quản lý, vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông:
a) Tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì và khai thác có hiệu quả hệ thống giám sát và điều khiển giao thông thành phố được giao quản lý.
b) Triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với 12 chức năng: (1) Giám sát giao thông; (2) Cung cấp thông tin giao thông; (3) Điều khiển giao thông; (4) Hỗ trợ xử lý vi phạm TT ATGT; (5) Quản lý GTCC; (6) Quản lý đỗ xe; (7) Quản lý sự cố; (8) Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; (9) Quản lý thanh toán vé điện tử GTCC; (10) Quản lý vận tải; (11) Quản lý nhu cầu giao thông; (12) Mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải như: cảnh báo, dẫn đường; thu phí điện tử; trợ giúp lái xe an toàn; tối ưu hóa quản lý giao thông; tăng cường hiệu quả khai thác công trình đường bộ; trợ giúp cho hoạt động giao thông công cộng; hoạt động khác thông qua việc áp dụng dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things), Trí tuệ nhân tạo (AI), quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation);
c) Khai thác dữ liệu từ hệ thống tín hiệu giao thông, camera quan sát giao thông, dữ liệu thuộc hệ thống thẻ, vé liên thông; dữ liệu từ các thiết bị ngoại vi do cơ quan khác quản lý liên quan tới hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố.
13. Quản lý tài chính và tài sản được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật; quản lý cán bộ, viên chức của Trung tâm theo quy định hiện hành và phân cấp quản lý cán bộ của Nhà nước, của Thành phố.
14. Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư trong công tác đấu thầu và đặt hàng (cung cấp dịch vụ vận vận tải hành khách công cộng, duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông công cộng, lựa chọn nhà thầu, tư vấn...); triển khai các đề án, dự án (đầu tư xây dựng, duy tu duy trì kết cấu hạ tầng giao thông công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin, mua sắm trang thiết bị, thẻ vé điện tử...) và danh mục dự toán ngân sách giao hàng năm phục vụ cho hoạt động quản lý và phát triển hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
15. Phê duyệt kế hoạch kiểm tra giám sát hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố theo chuyên đề. Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế, hợp đồng cung ứng dịch vụ đối với các loại hình hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Trung tâm
a) Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải, trước Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm;
c) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc Trung tâm được Giám đốc Trung tâm ủy quyền điều hành các hoạt động của Trung tâm;
d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Giám đốc và các Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định theo quy định của pháp luật và theo tiêu chuẩn chức danh, quy định về phân cấp quản lý cán bộ, viên chức của UBND Thành phố.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ (07 phòng)
a) Phòng Tổ chức hành chính;
b) Phòng Tài chính kế toán;
c) Phòng Hạ tầng vận tải hành khách công cộng;
d) Phòng Quản trị hệ thống vé;
đ) Phòng Kế hoạch vận hành;
e) Phòng Điều hành giao thông thông minh;
g) Phòng Khai thác dịch vụ giao thông vận tải.
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm bố trí tối thiểu từ 07 người làm việc là viên chức trở lên, gồm: Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các viên chức chuyên môn, nghiệp vụ. số lượng Phó trưởng phòng thuộc các phòng thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 4. Số lượng người làm việc
1. Số lượng người làm việc (biên chế viên chức) của Trung tâm được xác định trên cơ sở vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của Sở Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền giao.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp trình Sở Giao thông vận tải để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cơ chế tài chính
Trung tâm hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.