ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2442/QĐ-UBND |
Lâm Đồng, ngày 22 tháng 12 năm 2022 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Kế hoạch số 9564/KH-UBND ngày 25/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 12/8/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước";
Căn cứ Chương trình hành động số 5806/CTHĐ-UBND ngày 16/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Kế hoạch số 744/KH-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 2035” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
BẢO
TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2026 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2035 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 2442/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.783,34 km2, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 10 huyện và 02 thành phố, với 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường và 13 thị trấn); 1.376 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh là 1.296.906 người (1); có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống đan xen, với nhiều tôn giáo khác nhau, có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã tạo nên một cộng đồng đa dạng trong văn hóa cũng như phong tục tập quán; tỷ lệ dân cư thành thị 39,18%, cư dân nông thôn 60,82%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm 25,72% (dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 17%) (2); tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 66,7% trong cơ cấu lao động của tỉnh.
Lâm Đồng có nguồn tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú góp phần hình thành nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, như: du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội... Bên cạnh đó, Lâm Đồng được biết đến là vùng đất có nhiều rừng núi, sông hồ và những thác nước hùng vĩ cùng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” (năm 2005) và “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (năm 2008); Lâm Đồng còn là vùng đất của những phong tục đặc trưng như: Lễ mừng lúa mới, Lễ bỏ mả; tục bắt chồng... của ĐBDTTS gốc Lâm Đồng; tạo nên bức tranh về đời sống văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại Lâm Đồng.
Trong quá trình phát triển kinh tế, do có ưu thế về tài nguyên đất đai và vị trí địa lý thuận lợi nên Lâm Đồng trở thành địa phương hấp dẫn nhiều luồng dân cư cả nước thuộc các DTTS đến định cư, sinh cơ lập nghiệp, góp phần làm cho Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp và mang đến nhiều loại hình văn hóa khác nhau, vô cùng phong phú, giàu bản sắc và độc đáo. Tất cả những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em, những nét văn hóa dân gian tạo thành một bức tranh văn hóa với những sắc độ khác nhau, nhưng lại kết hợp khá hài hòa tạo nên một hòa sắc độc đáo, tinh tế trên mảnh đất Tây Nguyên.
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa - xã hội vùng ĐBDTTS, miền núi; đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sau khi được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tỉnh Lâm Đồng đã tích cực, chủ động nhằm phát triển văn hóa nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ĐBDTTS và đạt được những kết quả quan trọng trong tư tưởng, lối sống, phong tục, tập quán tiến bộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng từng bước được nâng lên. Việc mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh với nhân dân các địa phương khác trong nước và nước ngoài ngày càng được tăng cường. Đặc biệt các hoạt động liên quan đến Không gian văn hóa cồng chiêng đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của ĐBDTTS ở Lâm Đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện nay, cùng với quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Do đó, không gian văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang đứng trước những thách thức lớn, đối mặt với nguy cơ mai một. Đó là ảnh hưởng của văn hóa hiện đại; tác động mặt trái của cơ chế thị trường; sự đô thị hóa quá nhanh; sự ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng; người già am hiểu văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, lớp trẻ còn ít mặn mà với việc giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng của ông bà để lại; một số nơi rừng bị phá, lấn chiếm, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, bến nước bị hoang hóa, nhà dài truyền thống đang bị thay dần bằng nhà có kết cấu và kiến trúc hiện đại... dẫn đến Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mai một dần. Nhiều nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng nữa mà đã trở thành vật trang trí, phục vụ sưu tầm, buôn bán, trao đổi và các mục đích khác.
“Không gian văn hóa cồng chiêng” là một không gian cụ thể, bao gồm: Cồng chiêng, các bản tấu cồng chiêng, người đánh chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, địa điểm truyền thống tổ chức cồng chiêng (như nơi cư trú và khu đất canh tác của buôn làng; bến nước; khu rừng nuôi sống buôn làng; khu nhà mồ; khu sinh hoạt cộng đồng của buôn làng...). Phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng trước hết phải giữ gìn, bảo tồn không gian văn hóa cộng đồng; trong việc giữ gìn, bảo tồn, trước hết cần giữ gìn từng bộ cồng chiêng, nơi tổ chức sinh hoạt cồng chiêng, truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng và tổ chức các nghi lễ liên quan đến văn hóa cồng chiêng.
Trước thực trạng này, việc bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên của các DTTS tỉnh Lâm Đồng cần được tiếp tục thực hiện. Đây là một chương trình lớn, cần được triển khai một cách đồng bộ và có tính lâu dài. Do đó, việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026 và tầm nhìn đến năm 2035” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rất cần thiết và có tính cấp bách, nhằm phát huy những kết quả đạt được đồng thời khắc phục những tồn tại từ đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” (theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 22/02/2018 của UBND tỉnh) phát huy có hiệu quả văn hóa cồng chiêng các dân tộc tại Lâm Đồng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã được Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESSCO) thông qua trong phiên họp thứ 32 tại Pa-ri (Cộng hoà Pháp) ngày 17/10/2003.
- Quyết định của Tổ chức UNESCO ngày 25/11/2005 “Công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
- Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc.
- Kế hoạch số 9564/KH-UBND ngày 25/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 12/8/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
- Chương trình hành động số 5806/CTHĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 2025.
- Kế hoạch số 744/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
- Cồng chiêng từ bao đời đã gắn bó mật thiết trong đời sống cộng đồng, trong các nghi lễ - lễ hội của ĐBDTTS gốc Tây Nguyên trong tỉnh; là thế giới tinh thần và bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Hiện nay, ở Lâm Đồng các dân tộc thiểu số như: K’ho, Churu, Mạ,... còn lưu giữ các bộ cồng chiêng quý và duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng vào các dịp lễ hội, nghi lễ truyền thống. Cồng chiêng thực sự đã gắn bó với mỗi đời người, mỗi gia đình, dòng họ và các nghi lễ cổ truyền của cộng đồng, thể hiện trong hai hệ thống nghi lễ vòng đời người và nghi lễ nông nghiệp.
- Với quan niệm rằng: “Cồng chiêng có thể giúp cho con người thông tin trực tiếp với thần linh. Cồng chiêng không sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các lễ hội của buôn làng”, nhưng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh làm cho Không gian văn hóa cồng chiêng truyền thống có sự biến đổi, một số nhu cầu mới, hiện đại, lối sống mới đang làm thay đổi nhận thức về “tính thiêng” và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng.
- Những tác động của toàn cầu hóa đến di sản Không gian văn hóa cồng chiêng đứng trước xu hướng xâm nhập của văn hóa nước ngoài thông qua nhiều phương tiện truyền thông, internet, đã ảnh hưởng lớn đến tính đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc truyền thống của Không gian văn hóa cồng chiêng.
- Sự ứng dụng các thành tựu khoa học trong nông nghiệp, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch từ trồng lúa rẫy truyền thống sang chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả đã tác động một phần đến môi trường diễn tấu cồng chiêng, lễ hội; sự phát triển của đời sống dân cư dẫn đến những ngôi nhà sàn, nhà dài truyền thống dần bị thay thế bằng các công trình kiến trúc hiện đại, vật liệu mới; không gian, thời gian của cồng chiêng dần bị thu hẹp. Điều này đã thể hiện rõ Không gian văn hóa cồng chiêng trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, cần có giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
- Thế hệ trẻ trong ĐBDTTS chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng; đồng thời, bị phân tán sự quan tâm đối với nhiều loại hình văn hóa mới nên niềm đam mê và khả năng kế tục, giữ gìn văn hóa cồng chiêng còn thấp, ít mang tính bắt buộc; nghệ nhân cồng chiêng (chỉnh chiêng, trình diễn, nghi thức...) ngày càng ít.
- Một bộ phận dân cư ĐBDTTS dần từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, tiếp nhận lối sống sinh hoạt mới nên không gìn giữ không gian sinh hoạt truyền thống và không sử dụng cồng chiêng, nhiều bộ cồng chiêng bị mai một, thất lạc dần thông qua nhiều hình thức.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành:
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa năm 2009; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
- Kế thừa và phát huy kết quả đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015” (Quyết định số 1583/QĐ-UBND ngày 09/7/2009 của UBND tỉnh), ngày 22/02/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả đề án.
- Các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống các DTTS nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa truyền thống nhằm góp phần nâng cao ý thức tự gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
- Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia được thực hiện lồng ghép với nhiều hình thức như: tuyên truyền qua hệ thống pa-nô, áp-phích, băng-rôn; qua các kênh truyền thanh, truyền hình, báo chí; tuyên truyền qua các buổi họp của các thôn, buôn, làng; thông qua các hoạt động tuyên truyền lưu động về cơ sở, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn hóa... Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép trong các hoạt động phục dựng các lễ hội truyền thống, hoạt động vinh danh các nghệ nhân có những đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn tỉnh.... nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
2.2. Tăng cường hoạt động trao truyền văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ chủ nhân của di sản:
- Trong 05 thành tố của không gian văn hóa cồng chiêng (cồng chiêng và nhạc cụ đi kèm, hệ thống bài bản, người diễn tấu, môi trường truyền thống, thời điểm), con người luôn là nhân tố trung tâm quyết định. Âm nhạc cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng chỉ có thể được bảo tồn, phát huy và phát triển nếu những giá trị văn hóa đó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, thúc đẩy hoạt động chuyển giao giá trị văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ cư dân ĐBDTTS là một trong những mục tiêu, nội dung quan trọng của đề án.
- Từ năm 2019, thông qua đề án, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp mở được 13 lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đông đồng bào người K’ho, người Mạ và người Churu sinh sống; các lớp học cồng chiêng được tổ chức ngay trong buôn làng. Số lượng trung bình là 24 học viên/lớp. Người truyền dạy là những nghệ nhân cồng chiêng lớn tuổi, giàu kinh nghiệm tại chỗ. Chính phương thức khá gần gũi với hoạt động trao truyền văn hóa cồng chiêng truyền thống này đã góp phần tạo nên những thành công của các lớp cồng chiêng, cụ thể:
+ Năm 2019, mở 05 lớp tại: xã Đồng Nai Thượng - huyện Cát Tiên, xã Đoàn Kết - huyện Đạ Huoai, thị trấn Đạ Tẻh - huyện Đạ Tẻh, xã Lộc An - huyện Bảo Lâm; xã Lộc Châu - thành phố Bảo Lộc.
+ Năm 2020, mở 08 lớp tại: xã Phi Liêng - huyện Đam Rông, xã Pró - huyện Đơn Dương, xã Đạ Đờn - huyện Lâm Hà, xã Đạ Chais - huyện Lạc Dương, xã Hiệp An - huyện Đức Trọng, xã Tân Nghĩa - huyện Di Linh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (02 lớp). Ngoài ra, UBND huyện Di Linh đã mở 01 lớp tại xã Đinh Lạc.
- Môi trường văn hóa truyền thống với những sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đều đặn trong thực hành các nghi lễ phong tục tập quán đã không còn tồn tại nguyên vẹn; những dịp để diễn tấu cồng chiêng hiện không nhiều. Những lớp học cồng chiêng đã giúp các học viên cơ bản nắm bắt được những kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng đồng thời tiếp thu được những giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến âm nhạc cồng chiêng.
- Nhạc cụ cồng chiêng của các dân tộc K’ho, Mạ, Churu và M’nông,... ở Lâm Đồng ngoài bị thất thoát về số lượng do chủ nhân mua bán hoặc trao đổi ra khỏi cộng đồng còn có một nguyên nhân khác: hư hỏng, vỡ, thất lạc không đủ bộ... Nhằm tạo ra điều kiện cơ bản để các thôn, tổ dân phố duy trì và phát triển tốt không gian văn hóa cồng chiêng trong giai đoạn 2018 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Lâm Đồng đã mua và trang bị 03 bộ chiêng truyền thống (chiêng 6) cho các địa phương, đơn vị: huyện Đạ Tẻh, huyện Di Linh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; 57 bộ trang phục truyền thống cho các địa phương: huyện Đạ Tẻh, huyện Đam Rông, huyện Lạc Dương và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Đây là điều kiện cơ bản để các buôn, làng, nhóm ĐBDTTS duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Tái trang bị hệ thống nhạc cụ (cồng chiêng) cho cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của đề án là tái trang bị cồng chiêng và hệ thống nhạc cụ đi kèm cho cộng đồng dân cư bản địa.
- Đối với cồng chiêng, những bộ chiêng được trang bị cho cộng đồng đều do chính những nghệ nhân của cộng đồng ấy thăm dò, phát hiện ra và có nguyện vọng muốn trao đổi của chủ nhân bộ chiêng; được sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh, các bộ chiêng truyền thống đã được được chuyển giao cho cộng đồng đang có nhu cầu, trở thành tài sản của tập thể đội chiêng... Về trang phục, ĐBDTTS tại Lâm Đồng còn duy trì nhiều làng dệt vải truyền thống của người K’ho, Mạ, Churu... do đó khá thuận lợi để tái trang bị trang phục truyền thống cho các đội chiêng.
2.4. Bước đầu hình thành mô hình bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại cơ sở theo hướng dịch vụ:
- Tiếp tục phát huy định hướng sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào hình thành sản phẩm du lịch tại 03 mô hình trên địa bàn các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương. Việc triển khai thực hiện đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các cộng đồng ĐBDTTS.
- Ban chủ nhiệm đề án đã triển khai công tác tập huấn một số kỹ năng giao tiếp, phục vụ du lịch cho các thành viên đội cồng chiêng; thường xuyên quan tâm hỗ trợ, kết nối với các tour, tuyến du lịch nhằm tạo điều kiện cho các đội, nhóm cồng chiêng tham gia phục vụ các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa.
- Định kỳ hàng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao vùng ĐBDTTS tỉnh nhằm tạo cơ hội giao lưu văn hóa cồng chiêng cho các địa phương trong tỉnh; đồng thời, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Thuận lợi:
- Nhận thức của Nhân dân trên địa bàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án có sự chuyển biến tích cực, nhất là đối với một bộ phận thanh thiếu niên ĐBDTTS.
- Công tác tổ chức triển khai đề án đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương và hưởng ứng, đồng lòng của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.
- Công tác điều tra, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống, các bài cồng chiêng của ĐBDTTS; công tác trao truyền về các kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền... ngày càng được quan tâm và chú trọng, góp phần nâng cao lòng tự hào về giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức, sự tự giác về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong ĐBDTTS.
- Một số vùng ĐBDTTS còn duy trì tổ chức các nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc; các nghệ nhân, trong đó có một số người trẻ vẫn nắm giữ tốt các kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang của dân tộc; nhiều buôn, làng vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ cồng chiêng; nhiều địa phương đã dần đưa hoạt động lễ hội truyền thống, sinh hoạt cồng chiêng, múa xoang của ĐBDTTS trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng,... đây là những điều kiện thuận lợi trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
- Các địa phương đã chủ động trong việc giữ gìn và phát huy các loại hình văn hóa truyền thống; Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có loại hình di sản văn hóa cồng chiêng.
2. Khó khăn, hạn chế:
Trong thời gian qua, nhờ chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu; tổ chức truyền dạy và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà Không gian văn hóa Cồng chiêng các DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh được bảo tồn tương đối tốt, khả năng phát huy và phát triển phù hợp, hài hoà với môi trường văn hóa hiện đại. Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập:
- Vẫn còn một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, chưa quan tâm trong triển khai thực hiện Đề án; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị vào công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và thực hiện các nội dung của Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020” nói riêng.
- Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống chưa được triển khai đồng bộ, sâu rộng; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ văn hóa ở cơ sở, thiếu cán bộ chuyên môn sâu về lĩnh vực di sản văn hóa.
- Nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
- Việc bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên còn hạn chế ở các địa phương, bên cạnh những địa phương chủ động, tích cực quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng vẫn còn địa phương do điều kiện hạn chế chưa bố trí nguồn kinh phí hàng năm để duy trì các hoạt động này.
- Việc sử dụng âm nhạc cồng chiêng theo hướng dịch vụ nhằm quảng bá, giới thiệu, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa mang tính bền vững.
3. Nguyên nhân:
- Đô thị hóa và toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi tâm lý và lối sống của người dân, thay đổi môi trường văn hóa truyền thống của các DTTS trong đó có cả không gian văn hóa cồng chiêng, nhiều giá trị văn hóa mới tác động làm thay đổi nhu cầu thưởng thức của người dân.
- Nhận thức của một bộ phận người dân, chủ thể của các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chưa mang tính tự giác cao.
- Nhân lực trong công tác nghiên cứu và triển khai công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Không gian văn hóa cồng chiêng chưa nhiều.
1. Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, nhằm duy trì, khôi phục và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giữ vững danh hiệu “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới” và “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” mà UNESCO đã công nhận; giới thiệu, quảng bá giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng đến bạn bè trong và ngoài nước; gắn phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn hóa - du lịch trong thời kỳ hội nhập nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2026:
- Tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức một cách sâu sắc về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng và trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng trước xu thế phát triển của xã hội hiện nay.
- Đến năm 2026, 100% cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn có cộng đồng DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống được tập huấn, bồi dưỡng về công tác sưu tầm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương.
- Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố có cộng đồng DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống (có hoạt động sinh hoạt, biểu diễn cồng chiêng) tổ chức các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng và các lớp dân ca, dân vũ cho thanh niên DTTS tại địa phương.
- Hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, trống, kèn,..) và trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ DTTS trên địa bàn tỉnh.
- Phục hồi và giữ gìn các loại hình sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Đẩy mạnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, duy trì các lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng.
3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2035:
- Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cộng đồng DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống (có hoạt động sinh hoạt, biểu diễn cồng chiêng) được trang bị đầy đủ cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục phục vụ sinh hoạt truyền thống.
- Xây dựng các tổ, đội văn nghệ dân gian truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người DTTS biết sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ trong các buổi lễ, ngày hội.
- Hoàn thành nội dung kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh nhằm xác định giá trị, số lượng (bài chiêng cổ, nghệ nhân truyền dạy) phục vụ quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong những giai đoạn tiếp theo.
- Tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng các nội dung, mô hình, hoạt động trong giai đoạn 2023 - 2026 trên địa bàn tỉnh.
II. NHIỆM VỤ BẢO TỒN, PHÁT HUY VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG
1. Mở lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng, tìm những nghệ nhân có năng khiếu về khả năng thẩm âm các loại chiêng trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng chỉnh chiêng để lưu truyền kỹ năng chỉnh chiêng cho các thế hệ kế cận.
2. Mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho con em ĐBDTTS trong toàn tỉnh, nhằm khơi gợi lòng đam mê hát dân ca, dân vũ cho các em, để lưu giữ nghệ thuật hát dân ca, dân vũ cho thế hệ kế cận.
3. Lựa chọn và cấp trang phục truyền thống cho các đội chiêng, các đội văn nghệ ở các buôn làng có nhiều thành tích trong việc bảo tồn, phát huy gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng để các đội chiêng, đội văn nghệ chủ động hơn trong việc tập luyện hoặc tham gia vào các hoạt động giao lưu, biểu diễn tại cộng đồng cũng như trong và ngoài tỉnh.
4. Trang bị cồng chiêng cho các đội chiêng ở các buôn, làng nhằm khích lệ, động viên tinh thần đối với các nghệ nhân đánh chiêng cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn giữ giá trị văn hóa, giá trị di sản văn hóa cồng chiêng và góp phần phát huy có hiệu quả trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các buôn, làng.
5. Tổ chức lớp truyền dạy sử thi để thế hệ trẻ có điều kiện tiếp xúc và hiểu được nghệ thuật hát kể sử thi, từ đó giúp họ ý thức và yêu quý vốn văn hóa truyền thống quý báu đang có nguy cơ mất hẳn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
6. Thống kê, sưu tầm, ghi chép lưu giữ các bài chiêng cổ trong nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp của ĐBDTTS (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tư liệu). Tăng cường ứng dụng số hóa, chuyển đổi số về tư liệu, hiện vật, di sản văn hóa cồng chiêng để khoa học hóa việc lưu giữ tài liệu về di sản cồng chiêng; đồng thời, nâng cao việc tuyên truyền quảng bá cồng chiêng trên mạng internet.
7. Thống kê số lượng nghệ nhân dân gian có khả năng truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh (sửa) cồng chiêng và nhớ được các bài chiêng hiện có.
8. Tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các buôn, làng trong cộng đồng DTTS và giao lưu văn hóa cồng chiêng giữa các địa phương trong tỉnh để nâng cao ý thức, tự hào, yêu quý các giá trị văn hóa truyền thống trong ĐBDTTS.
9. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng; đánh giá kết quả thực hiện đề án, định hướng bảo tồn, phát huy trong giai đoạn tiếp theo.
10. Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
11. Tổ chức, duy trì các buổi sinh hoạt văn hóa cồng chiêng theo định kỳ hoặc các dịp lễ hội truyền thống nhằm phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của các DTTS tỉnh Lâm Đồng.
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, giúp cho ĐBDTTS ý thức được việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cồng chiêng, có các biện pháp để bảo vệ và xử lý đối với các hành vi trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng.
3. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch, văn hóa. Chú trọng đưa hoạt động văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng vào sinh hoạt trong nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc tại chỗ.
4. Phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng, nhạc cụ dân tộc cho con em ĐBDTTS trong cộng đồng. Động viên, khuyến khích các nghệ nhân, các đội chiêng và các gia đình gìn giữ phát huy văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng.
5. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng, sử thi của các DTTS tỉnh Lâm Đồng.
6. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực
a) Khuyến khích các nghệ nhân trực tiếp tham gia mở các lớp đào tạo, truyền dạy đánh cồng chiêng, truyền dạy chỉnh chiêng;
b) Phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa cấp xã, cấp thôn tổ chức các hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tập huấn công tác sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
7. Giải pháp nguồn vốn: Sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và chú trọng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống DTTS nói chung và hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Căn cứ Đề án để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung của Đề án. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, báo cáo kết quả bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng cho UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo định kỳ hàng năm.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân, đoàn viên, hội viên của mình nêu cao tinh thần thực hiện việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tổ chức tuyên truyền, vận động già làng, trưởng thôn/buôn, người có uy tín trong đồng bào các DTTS tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng.
3. Ban Dân tộc tỉnh: Chủ trì, tham mưu các chế độ các chính sách, chương trình, đề án, dự án, mô hình thí điểm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh; trong đó, quan tâm đến nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của đồng bào.
4. Sở Tài chính: Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định, tổng hợp dự toán kinh phí triển khai thực hiện đề án của các cơ quan, đơn vị, liên quan trong dự toán chi thường xuyên, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm thẩm định, tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí bố trí thực hiện một số nội dung của Đề án từ các chương trình, kế hoạch về đầu tư công.
6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của toàn thể Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
7. UBND các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện nội dung Đề án trên địa bàn; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần thực hiện việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc; báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo quy định./-
1 Dân số toàn tỉnh tính đến ngày 01/4/2019 theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
2 Đồng bào DTTS có 70.655 hộ với 333.561 người; trong đó: DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với 196.061 người; có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống; trong đó có 127 thôn, buôn, 18 xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Lâm Đồng có 7 tôn giáo được công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Ba Ha’i, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh sư đạo và Phật giáo Hòa Hảo. Các tôn giáo có 796.629 tín đồ/1.296.906 dân số, 1.600 chức sắc, 3.700 chức việc, 2.000 tu sỹ và 436 cơ sở thờ tự. Trong đó: 243.718 chức sắc, tín đồ là đồng bào DTTS, phần lớn đồng bào DTTS theo đạo Tin Lành và Công giáo.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.