ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2417/QĐ-UBND |
Quảng Ninh, ngày 22 tháng 10 năm 2014 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÉT CHỌN ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN ĐÓNG MỚI, NÂNG CẤP TÀU CÁ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07/7/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 3602/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành hướng dẫn về số lượng tàu cá đóng mới thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 117/2014/TT-BTC ngày 21/8/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2395/TTr-SNNPTNT ngày 17 tháng 10 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí xét chọn đối tượng được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Ngân hành Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TIÊU CHÍ XÉT CHỌN ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN ĐÓNG MỚI, NÂNG CẤP TÀU CÁ
THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07/7/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH
SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số: 2417/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
1. Phạm vi áp dụng:
Quy định này quy định cụ thể các tiêu chí xét chọn các đối tượng tham gia chính sách tín dụng thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (sau đây gọi tắt là Chính sách) để thẩm định, trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt danh sách các đối tượng tham gia thực hiện Chính sách.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân đề nghị tham gia thực hiện Chính sách (gọi tắt là đối tượng); các cơ quan nhà nước thẩm định, thẩm tra đối tượng trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách tham gia thực hiện Chính sách.
II. Điều kiện xét chọn đối tượng tham gia thực hiện Chính sách
Đối tượng tham gia thực hiện Chính sách phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
1. Điều kiện 01:
a) Người đề nghị tham gia thực hiện Chính sách, gọi tắt là Chủ đầu tư (có thể là thuyền trưởng, máy trưởng hoặc thuyền viên), phải đảm bảo đã có thời gian hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ khai thác hải sản trên tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên trên 3 năm liên tục hoặc trên 5 năm liên tục đối với tàu có công suất dưới 90 CV và có hiệu quả.
b) Chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về quản lý hoạt động thủy sản (có đăng ký, đăng kiểm, có giấy phép hoạt động thủy sản, có văn bằng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng phù hợp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tàu dịch vụ); chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật đặc biệt là về thủy sản.
c) Chủ đầu tư phải trong độ tuổi lao động và có đủ sức khỏe theo quy định của Luật lao động.
2. Điều kiện 02:
Khả năng tài chính là phần vốn đối ứng của Chủ tàu tham gia thực hiện Chính sách ngoài số tiền được vay vốn từ ngân hàng để đóng mới, nâng cấp tàu cá; có căn cứ chính xác để thẩm tra xác minh cụ thể về phần vốn đối ứng:
a) Đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa:
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 5% tổng giá trị đầu tư đóng mới;
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 30% tổng giá trị đầu tư đóng mới;
b) Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản:
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV đến dưới 800 CV: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 10% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu;
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 5% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu;
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 30% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu;
- Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu: Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 30% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu.
c) Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có công suất máy chính từ 400 CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%): Chủ tàu phải có vốn đối ứng không dưới 30% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có).
3. Điều kiện 03:
Có phương án sản xuất cụ thể (theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT Tỉnh) và thực hiện các nhóm nghề khai thác khuyến khích phát triển: Nghề chụp, nghề câu, nghề lưới rê (trừ nghề lưới rê khai thác cá ngừ), nghề lưới vây (lưới vây mạn và lưới vây đuôi) và dịch vụ hậu cần nghề cá.
III. Tiêu chí ưu tiên xét chọn đối tượng
Trong trường hợp các đối tượng đáp ứng đủ 03 tiêu chí xét chọn đối tượng theo Mục II Quy định này nhiều hơn số tàu được phân bổ đóng mới cho địa phương thì việc xét chọn đối tượng được ưu tiên theo thứ tự như sau:
1. Ưu tiên 1 về hình thức tổ chức sản xuất: Những đối tượng nằm trong tổ, đội sản xuất, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá.
2. Ưu tiên 2 về vật liệu vỏ tàu: Ưu tiên theo thứ tự: Vỏ thép, composite, vật liệu mới, vỏ gỗ (xét hết vỏ thép, rồi đến vỏ composite, nếu còn chỉ tiêu thì xét sang vỏ gỗ và vật liệu mới).
3. Ưu tiên 3 về thời gian tham gia hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản: Ưu tiên những đối tượng đã có nhiều thời gian, kinh nghiệm sản xuất trên tàu cá có công suất lớn, hoạt động khai thác, dịch vụ hải sản xa bờ.
4. Ưu tiên 4 về quy mô đầu tư: Ưu tiên những đối tượng có quy mô đầu tư lớn, đầu tư các tàu có công suất lớn, trang bị các thiết bị hiện đại (thiết bị khai thác, thiết bị hàng hải và hầm bảo quản sản phẩm).
5. Ưu tiên 5 về chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thủy sản: không bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
6. Ưu tiên 6 về địa bàn: Ưu tiên những đối tượng thuộc địa bàn có truyền thống đánh bắt hải sản xa bờ.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và tổng hợp triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.