ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2412/QĐ-UBND |
Đồng Nai, ngày 11 tháng 7 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009.
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 828/SVHTTDL-DS ngày 09/5/2017 về việc duyệt quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu như sau:
a) Về không gian: Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
b) Về thời gian: Quy hoạch đánh giá thực trạng, lấy số liệu liên quan đến các di tích khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu đến năm 2016 và đưa ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và trùng tu di tích cũng như phát huy giá trị di sản về khảo cổ học tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
2. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch
a) Quan điểm
- Cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển lĩnh vực văn hóa thành những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phát triển có định hướng, lộ trình, giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo các hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm xây dựng, dự báo những chỉ tiêu, định hướng phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ở tỉnh Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung và trên thế giới.
- Xây dựng định hướng, mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản làm cơ sở triển khai các chính sách, chương trình và kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực khảo cổ học tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trên quan điểm phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng và cả nước.
- Xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học để triển khai các dự án trong lĩnh vực văn hóa và du lịch.
- Từ kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu tổng thể các địa điểm khảo cổ học từ Tiền sử đến Lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, kế thừa những kết quả nghiên cứu khảo cổ học của các nhà khoa học trong và ngoài nước, hệ thống hóa các tư liệu khảo cổ học và lập quy hoạch khảo cổ học tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Quy hoạch cũng định hướng cho việc nghiên cứu khảo cổ học và các phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng có mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ việc quản lý Nhà nước.
b) Mục tiêu
- Mục tiêu tổng quát:
+ Phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu, toàn diện về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong khung cảnh khảo cổ học Việt Nam và khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, góp phần phục vụ sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của tỉnh Đồng Nai và của đất nước.
+ Kết quả nghiên cứu khảo cổ học không những đáp ứng yêu cầu trong công tác lập Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, mà còn cung cấp những cơ sở khoa học tin cậy cho việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của các di tích, góp phần quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào lịch sử văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là nhiệm vụ then chốt của quy hoạch. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Tiến hành kiểm tra, khảo sát toàn bộ các di tích khảo cổ học từ giai đoạn tiền sử đến giai đoạn lịch sử với mục đích: Xác định vị trí, tên gọi cũng như thực trạng của các địa điểm khảo cổ học. Lập hồ sơ khoa học về các di tích khảo cổ học còn giữ được cho đến thời điểm triển khai thực hiện quy hoạch, cũng như những di tích khảo cổ học được phát hiện trong thời gian quy hoạch với mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát huy giá trị lâu dài khu di tích.
+ Tiến hành xác định tọa độ GPS (Global Positioning System) cho từng loại hình di tích: Di tích khảo cổ học ngoài trời; di tích kiến trúc (đình, đền, chùa, lăng mộ...), di tích khảo cổ học dưới nước (nếu có) với nội xác định khu vực I, khu vực II về ranh giới, quy mô. Từ đó xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho từng khu vực di tích, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Dự báo về những nơi có khả năng nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước, đề xuất phương pháp bảo vệ, khai quật.
+ Tổng hợp, đánh giá và phân loại những đặc trưng cơ bản về khảo cổ học cho mỗi di tích. Đưa ra phương pháp xử lý và biểu diễn thông tin tư liệu theo hệ thống thông tin địa lý và khảo cổ học GIS (Geographic Information System and Archaeology) phục vụ cho việc xây dựng bản đồ quy hoạch các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
+ Đánh giá tình trạng di tích, các khu vực có tiềm năng về khảo cổ, các vùng cảnh quan di tích và tình trạng xâm phạm di tích, lấn chiếm vùng bảo vệ di tích. Công tác bảo tồn, quản lý, khai thác di tích vào đời sống dân cư và phát triển kinh tế khu vực. Phải điều chỉnh tới hướng quy hoạch khảo cổ học Đồng Nai cân bằng giữa 0
3 yếu tố: Lịch sử, sinh thái và nhân văn.
+ Đánh giá đặc điểm về kinh tế, xã hội, các hoạt động liên quan đến văn hóa phi vật thể và các động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai trong khu di tích. Thực trạng sử dụng đất, không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường. Đánh giá tác động từ đô thị hóa đến quần thể di tích khảo cổ học.
+ Phân tích mối quan hệ về chức năng, không gian cảnh quan, hạ tầng đô thị của di tích khảo cổ học với quy hoạch xây dựng tại địa phương nơi có di tích. Dự báo quy mô dân số, quy mô khách du lịch, tín ngưỡng dân số trong khu di tích nhằm giảm tối đa các tác hại đến di tích. Dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng phù hợp đối với di tích mang tính trọng điểm.
+ Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, khoanh vùng bảo vệ, định hướng đầu tư, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản khảo cổ một cách hòan chỉnh với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành du lịch Đồng Nai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
+ Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, nâng cao nhận thức và sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, di sản khảo cổ.
+ Đặc điểm về kinh tế, xã hội, các hoạt động liên quan đến văn hóa phi vật thể và các động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai trong khu di tích. Thực trạng sử dụng đất, không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường. Đánh giá tác động từ đô thị hóa đến quần thể di tích.
+ Phân tích mối quan hệ về chức năng, không gian cảnh quan, hạ tầng đô thị của di tích với quy hoạch xây dựng tại địa phương nơi có di tích. Dự báo quy mô dân số, quy mô khách du lịch, tín ngưỡng dân số trong khu di tích nhằm giảm tối đa các tác hại đến di tích. Dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng phù hợp đối với di tích mang tính trọng điểm. Xây dựng các chương trình dự án đầu tư trọng điểm gồm: Các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và kế hoạch khai quật nghiên cứu những di tích có tiềm năng và có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu diện mạo văn hóa Đồng Nai.
+ Đề xuất danh sách và phương án trùng tu di tích.
+ Đề xuất dự kiến diện tích đất cần sử dụng của quy hoạch.
+ Xây dựng phương án phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
+ Lập sơ đồ phân bố các di tích khảo cổ trên địa bàn toàn tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ học ở giai đoạn tiếp theo.
3. Phương pháp thực hiện quy hoạch
a) Phương pháp thu thập tài liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.
b) Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: Thực trạng về di tích, thực trạng bảo tồn...
c) Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa: Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng. Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành khảo cổ học nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.
d) Phương pháp dự báo, chuyên gia: Được áp dụng để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và Quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành khảo cổ học; những thuận lợi và khó khăn thách thức... có ảnh hưởng sâu sắc đến sự bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học. Trên cơ sở đó dự kiến xây dựng hệ thống dữ liệu hiện có về di tích, khu di tích phục vụ cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích một cách bền vững; nghiên cứu đề xuất các trọng điểm, các dự án ưu tiên đầu tư.
đ) Phương pháp bản đồ: Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu cụ thể; xác định sự phân bố của các di tích khảo cổ học theo chuỗi niên đại từ sớm đến muộn ở từng vùng của các đối tượng được nghiên cứu trên bản đồ. Ngoài ra, quy hoạch cũng chú ý cập nhật bổ sung một số phương tiện nghiên cứu mới như: Ảnh vệ tinh từ Google Map, hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System - GPS).
e) Kế hoạch việc cắm mốc giới, phát huy giá trị di tích: Sau khi đề án quy hoạch được phê duyệt và được công bố, đơn vị chủ quản phối hợp với chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu tiến hành công tác cắm mốc giới trong khu vực bảo tồn di tích. Việc cắm mốc giới di tích ra ngoài thực địa bằng các cột mốc di tích làm cơ sở để quản lý bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.
4. Giải pháp, nguồn kinh phí và tiến độ thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp thực hiện
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan chuyên môn ở Trung ương, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.
* Giải pháp về tăng cường công tác quản lý Nhà nước
- Mục tiêu quan trọng của quản lý quy hoạch khảo cổ học là tạo điều kiện tốt nhất để bảo tồn, phát huy và phát triển nguồn lực di sản văn hóa. Quản lý Nhà nước về khảo cổ học phải thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; xây dựng pháp luật và cơ chế, chính sách.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ di sản văn hóa, nhờ đó nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa được quan tâm nhiều hơn. Triển khai hiệu quả hai khẩu hiệu: "Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ" của UNESCO và "Một chương trình thông tin đại cương" cho mọi người, bắt đầu từ trẻ em đến trường của Hội đồng Quốc tế các di tích và di chỉ (ICOMOS). Thông qua những hoạt động ngoại khóa, những chương trình lồng ghép trong các môn học, dần dần đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc của các di sản văn hóa khảo cổ học đến từng thanh thiếu niên.
- Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát và định hướng hoạt động bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa khảo cổ học. Tăng cường hiệu lực của công tác thanh, kiểm tra Nhà nước về văn hóa. Chủ động đấu tranh phòng chống nạn buôn bán cổ vật và xâm hại di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khảo cổ học gắn liền với việc duy trì, phát triển loại hình văn hóa lành mạnh như lễ hội, cưới hỏi, tang ma. Khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vào hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Giải pháp về xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
- Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư nhất là Nhân dân địa phương. Để làm tốt điều này cần: Ban hành những chính sách thu hút và tập hợp quần chúng vì sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa. Hình thành quỹ "Bảo tồn di sản văn hóa". Đồng thời, có hình thức khen thưởng thích đáng những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp trực tiếp cho công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.
- Thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, cùng với các nguồn kinh phí hỗ trợ khác, để điều tra, thám sát, khai quật nghiên cứu; trùng tu, tôn tạo các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh. Một số công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị tiêu biểu được tu bổ, tôn tạo, đảm bảo giữ vững giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa.
- Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan các di tích ngày một tăng, sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, sinh thái và dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy nền kinh tế cộng đồng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động
* Giái pháp về hợp tác và phát triển nguồn nhân lực
- Thực hiện các chương trình nghiên cứu, hợp tác khoa học tại Đồng Nai. Tổ chức hội thảo khoa học Quốc tế về di sản văn hóa; mở rộng mối quan hệ với các địa phương, tăng cường hợp tác, phối hợp tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học và trưng bày quảng bá giá trị di sản tại các địa phương.
- Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp khoa học và công nghệ trong khảo cổ học đô thị. Bên cạnh việc chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần đầu tư nghiên cứu xây dựng hệ thống phương pháp luận cùng quy trình nghiên cứu, ứng dụng đối với một số lĩnh vực như: Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học đô thị; phân loại chỉnh và lập hồ sơ khoa học về di vật; bảo tồn di tích khảo cổ học; ứng dụng công nghệ trong điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học. Các phương pháp và quy trình này đã góp phần hiệu quả cho công tác đào tạo nâng cao chất lượng cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa.
- Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khảo cổ học.
+ Đối với cán bộ quản lý văn hóa: Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý văn hóa học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác tài nguyên văn hóa khảo cổ học tại các tỉnh, thành trong nước và khu vực Đông Nam Á.
+ Đối với cán bộ thực hiện công việc bảo tồn di sản văn hóa: Chú trọng đào tạo cán bộ, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực thi nghiệp vụ bảo quản, tu bổ, tôn tạo đối với các di sản văn hóa vật thể; đủ năng lực để nghiên cứu lập hồ sơ lưu trữ và hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.
+ Đối với cán bộ văn hóa cơ sở: Tạo điều kiện để cán bộ văn hóa cơ sở tham gia các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy di sản do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cung cấp những tài liệu hướng dẫn về di sản văn hóa để cán bộ văn hóa cơ sở được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.
b) Nguồn kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện quy hoạch do ngân sách Nhà nước cấp.
- Kinh phí chi tiết cho hoạt động quy hoạch, khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các địa điểm khảo cổ học hàng năm được phê duyệt trên cơ sở căn cứ theo tình hình thực tế và tiến độ thực hiện công việc quy hoạch. Kinh phí thực hiện được Viện Khảo cổ học đưa ra dựa trên kinh nghiệm đã triển khai nghiên cứu khảo cổ học và bảo tồn phát huy giá trị di tích trên địa bàn cả nước.
c) Tiến độ thực hiện quy hoạch
Căn cứ vào giá trị khoa học - tiềm năng của các di tích khảo cổ học còn có khả năng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tiến độ thực hiện công việc theo quy hoạch như sau:
- Năm 2017:
+ Khai quật di tích Suối Chồn (xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh).
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
- Năm 2018:
+ Tổ chức hội thảo khoa học với nội dung: Đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa khảo cổ học tỉnh Đồng Nai trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Khai quật di tích Gò Me (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch). Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
- Năm 2019:
+ Khai quật di tích Đồi Phòng Không và di tích Suối Linh (huyện Vĩnh Cửu).
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
- Năm 2020:
+ Khai quật di tích Chùa Long Hưng (xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa).
+ Khai quật di tích Đình Tân Lại (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
- Năm 2021:
+ Khai quật di tích Cầu Sắt (xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh).
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
+ Xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh.
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
- Năm 2022:
+ Khai quật di tích Gò Me (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa).
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
- Năm 2023:
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
- Năm 2024:
+ Điều tra, thám sát các di tích khảo cổ học vùng Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất.
+ Lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ học trên toàn tỉnh.
+ Vẽ sơ đồ phân bố một số địa điểm khảo cổ học sẽ được đưa vào quy hoạch với tỷ lệ 1/500 và cắm biển báo, cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ địa điểm khảo cổ học.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, việc chấp hành pháp luật về quản lý di sản văn hóa, xác minh và giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định.
2. Các sở, ban, ngành chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa về các lĩnh vực chuyên môn do ngành mình phụ trách để thực hiện quy hoạch.
3. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện các kế hoạch, dự án trong quy hoạch. Chủ động lồng ghép kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.