THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2351/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 180/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Vị trí địa lý, quy mô, ranh giới
Vùng Đông Nam Bộ (sau đây gọi tắt là Vùng) bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; có diện tích tự nhiên: 23.597,9 km2, vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc và Tây Bắc giáp với Vương quốc Cămpuchia.
- Phía Đông và Đông Bắc giáp với tỉnh phía Nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và biển Đông.
- Phía Tây và Tây Nam giáp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện theo các quan điểm chung của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và bổ sung các quan điểm phát triển cụ thể đối với Vùng như sau:
a) Phát triển du lịch Vùng phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; bảo đảm thống nhất với các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực liên quan trong khu vực quy hoạch.
b) Phát triển du lịch Vùng theo hướng tăng cường liên kết, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các địa phương và của Vùng.
c) Phát triển đồng thời các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; trong đó phát triển du lịch hội nghị, hội thảo là sản phẩm chủ đạo.
d) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động mọi nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển du lịch Vùng trở thành vùng động lực hàng đầu để phát triển du lịch Việt Nam, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
b) Mục tiêu cụ thể
- Về các chỉ tiêu phát triển ngành
+ Khách du lịch: Đến năm 2020, đón trên 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 06 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 50 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 12 triệu lượt.
+ Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2020 đạt khoảng 125.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 230.000 tỷ đồng.
- Số lượng cơ sở lưu trú: Năm 2020 có khoảng 90.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 25%. Phấn đấu đến năm 2030 có trên 145.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 30%.
- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 400 nghìn lao động, trong đó 130 nghìn lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động, trong đó trên 350 nghìn lao động trực tiếp.
4. Các định hướng phát triển chủ yếu
a) Phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế
- Thị trường khách du lịch quốc tế:
+ Tập trung khai thác mạnh thị trường chính như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Âu.
+ Duy trì khai thác thị trường truyền thống cao cấp như: Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc.
+ Mở rộng thị trường mới: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đến từ khu vực Trung Đông...
- Thị trường khách du lịch nội địa:
+ Tập trung khai thác khách du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách du lịch đến từ các vùng liền kề như: Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và khách đến từ thủ đô Hà Nội; trong đó chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, nghỉ cuối tuần và du lịch mua sắm.
+ Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề.
b) Phát triển sản phẩm du lịch
- Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch nghỉ dưỡng biển.
- Phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn; du lịch lễ hội và tâm linh; du lịch tàu biển.
c) Tổ chức không gian phát triển du lịch
- Không gian phát triển du lịch
+ Trung tâm du lịch của Vùng là Thành phố Hồ Chí Minh; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: hội nghị, hội thảo; sinh thái biển; vui chơi giải trí, thể thao; nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch tàu biển...
+ Không gian phát triển du lịch biển đảo: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó chú trọng địa bàn đô thị du lịch Vũng Tàu, Xuyên Mộc và khu du lịch quốc gia Côn Đảo; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: nghỉ dưỡng và tắm biển; chữa bệnh; tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hội nghị, hội thảo và du lịch tàu biển...
+ Không gian du lịch đô thị - sinh thái tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: sinh thái hồ, miệt vườn; tham quan di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề; lễ hội, tâm linh.
+ Không gian phát triển du lịch di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái tại các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: lễ hội, tâm linh; tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; sinh thái và nghỉ dưỡng tại núi, vườn quốc gia, hồ; tham quan làng nghề...
- Khu du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch:
+ Tập trung đầu tư phát triển 04 khu du lịch quốc gia, gồm: Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Long Hải - Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh) và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); 05 điểm du lịch quốc gia, gồm: Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai), căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) và Tà Thiết (Bình Phước).
+ Từng bước hình thành đô thị du lịch Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).
- Tuyến du lịch nội vùng:
+ Tuyến du lịch chính: bao gồm các quốc lộ lớn kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm du lịch Vùng) tới các địa phương trong vùng.
+ Tuyến du lịch phụ trợ: là các tuyến du lịch nối từ trung tâm du lịch Vùng, trung tâm du lịch của các địa phương, đô thị du lịch đến các điểm du lịch phụ cận trong Vùng, gồm: các tuyến từ các đô thị trung tâm đi các điểm du lịch phụ cận của địa phương trong Vùng; tuyến du lịch theo đường vành đai 5 Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa trên hệ thống tuyến nội vùng hình thành và khai thác các tuyến du lịch chuyên đề: du lịch cuối tuần nghỉ dưỡng biển Vũng Tàu; du lịch sinh thái biển và tham quan di tích lịch sử Côn Đảo; du lịch miệt vườn, làng nghề, du lịch sinh thái vùng đất ngập mặn Cần Giờ; du lịch đường sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai, Thị Vải và du lịch sinh thái hồ Đồng Nai, Trị An, Dầu Tiếng.
- Phát triển các tuyến du lịch liên vùng theo tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đến các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc.
- Phát triển các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ và đường thủy kết nối trực tiếp với các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn như:
+ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh);
+ Tuyến đường sắt xuyên Á (Dĩ An - Lộc Ninh - Cămpuchia);
+ Các tuyến quốc lộ nối với các cửa khẩu quốc tế đường bộ như: quốc lộ 22 và 22B nối với cửa khẩu quốc tế đường bộ Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh); quốc lộ 13 và 14 nối với cửa khẩu quốc tế đường bộ Hoa Lư (Bình Phước);
+ Tuyến du lịch đường thủy qua các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
d) Đầu tư phát triển du lịch
- Vốn đầu tư từ ngân sách (kể cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được bố trí căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo tiến độ từng giai đoạn.
- Các chương trình và dự án đầu tư: Ưu tiên đầu tư phát triển 04 khu du lịch quốc gia, 05 điểm du lịch quốc gia. Đầu tư 04 chương trình phát triển du lịch, gồm: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên và phát triển hạ tầng du lịch then chốt.
5. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch
a) Giải pháp đầu tư phát triển du lịch
- Đầu tư du lịch
+ Tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn cho phát triển du lịch Vùng; tổ chức định kỳ Hội nghị phát triển du lịch Vùng.
+ Cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Rà soát, xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với đặc trưng Vùng, có cơ chế mở để cho các địa phương vận dụng phù hợp với từng địa bàn cụ thể; có chính sách ưu tiên cho các địa phương còn khó khăn, chưa đủ năng lực phát triển du lịch.
- Huy động nguồn vốn cho du lịch
+ Huy động nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước để bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư cho du lịch.
+ Mở rộng, đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư trong và ngoài nước như các hình thức BOT, BTO, BT, PPP.
+ Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút và có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
+ Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; bảo tồn và phục dựng các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
+ Đa dạng nguồn vốn đầu tư thông qua xã hội hóa các loại hình và sản phẩm du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho huy động nguồn vốn cho du lịch.
b) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch; chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tăng cường công tác đào tạo tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và phù hợp với hội nhập quốc tế...
- Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng theo yêu cầu, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của Vùng và cả nước.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cán bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch và các khu du lịch tại các địa phương trong Vùng. Tăng cường năng lực chuyên môn về xúc tiến quảng bá du lịch cho cán bộ của các Trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương trong Vùng.
c) Giải pháp liên kết phát triển du lịch
- Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình du lịch và thống nhất về nội dung, hình thức của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Tăng cường trao đổi, phối hợp và hỗ trợ cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn vùng, đặc biệt là liên kết cung cấp dịch vụ giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển khách... trong việc đón, phục vụ khách du lịch.
- Mở rộng và tăng cường liên kết nội Vùng và liên vùng, liên kết giữa các địa phương trong vùng; hợp tác, liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt với Công an, các đơn vị Quốc phòng để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch để góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
d) Giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng
- Thực hiện và triển khai đồng bộ các quy hoạch: trên cơ sở nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng, các tỉnh, thành phố trong vùng rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp; triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch; quy hoạch cụ thể các khu du lịch chức năng và các dự án đầu tư cho từng khu vực cụ thể trên địa bàn.
- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch
+ Tổ chức phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đến mọi tầng lớp xã hội, cộng đồng, tôn giáo, dân.
+ Tiến hành cắm mốc giới, chỉ giới cho các dự án đã được xác định hoặc đã có nhà đầu tư và để bảo vệ đất và tài nguyên du lịch.
+ Tổ chức giám sát nội dung các chỉ tiêu về kinh tế du lịch, tiêu chuẩn về bảo vệ tài nguyên môi trường...
+ Quản lý tổng hợp các dự án đầu tư của các ngành khác trong khu vực đã được quy hoạch phát triển du lịch.
+ Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn chuyên sâu về quản lý quy hoạch, tài nguyên và môi trường du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
đ) Giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch
- Kiện toàn bộ máy tổ chức về xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Xây dựng chương trình, lộ trình cho hoạt động xúc tiến ở từng địa phương trong vùng bằng nhiều hình thức, đa dạng; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng để nâng cao hình ảnh du lịch Vùng.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá du lịch chung cho Vùng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Phát huy vai trò hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Vùng của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
e) Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và công tác thống kê về du lịch trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; trong đó chú trọng việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, khai thác tài nguyên và xây dựng sản phẩm du lịch, thống kê du lịch, đánh giá tác động môi trường, biến đổi khí hậu lên hoạt động du lịch.
- Chủ động xây dựng và đề xuất các dự án tài trợ từ các nguồn vốn hợp tác quốc tế, từ các tổ chức quốc tế.
g) Giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm du lịch
- Xây dựng chiến lược về thị trường khách để phát triển du lịch một cách ổn định và mang tính bền vững.
- Khuyến khích xây dựng các hãng lữ hành có thương hiệu mạnh và có năng lực trong việc thu hút các thị trường khách du lịch, trong đó chú trọng lữ hành quốc tế.
- Ưu tiên xây dựng và hình thành các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia để tạo sức lan tỏa phát triển du lịch cho toàn Vùng; đầu tư và phát triển các khu dịch vụ vui chơi giải trí có chất lượng cao để tăng chi tiêu và kéo dài ngày lưu trú của khách.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo, sông, hồ và các tài nguyên du lịch nhân văn để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng và đa dạng hóa các loại hình du lịch; tập trung xây dựng thương hiệu “Du lịch hội nghị, hội thảo” thành sản phẩm du lịch chủ đạo và thương hiệu du lịch Vùng.
h) Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của du lịch, của tài nguyên và môi trường đối với hoạt động du lịch.
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để kiểm soát các vấn đề về môi trường, quản lý tài nguyên và phát triển.
- Khuyến khích các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.
- Xây dựng các giải pháp kỹ thuật hữu hiệu nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; biện pháp phòng chống thiên tai hữu hiệu.
- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
1. Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch
Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng trong việc giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch.
b) Chủ trì xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia mang tính liên tỉnh hoặc có vai trò quan trọng đối với quốc phòng, an ninh trên địa bàn Vùng.
c) Phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong mọi hoạt động du lịch; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Vùng trên cơ sở Danh mục dự án ưu tiên đầu tư đính kèm Quyết định này.
Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện quy hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án ưu tiên đầu tư.
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển du lịch cho các giai đoạn 5 năm phù hợp định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng.
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án chuyên ngành văn hóa, thể thao phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng.
e) Hướng dẫn các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch địa phương.
g) Tiến hành sơ kết hằng năm, đề xuất các chính sách và giải pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp thực tế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vùng, cụ thể:
- Tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hành động của ngành với việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng;
- Chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng;
- Phối hợp có hiệu quả với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc giải quyết những vấn đề liên ngành.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chủ động triển khai và mở rộng liên kết giữa các địa phương trong vùng trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư du lịch.
- Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng.
- Căn cứ nội dung Quy hoạch tổng thể du lịch Vùng tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, các quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư phù hợp và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng.
- Chỉ đạo, quản lý việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đặc biệt đối với những khu vực được định hướng phát triển thành khu du lịch, điểm du lịch quốc gia.
- Chú trọng công tác trật tự an toàn giao thông nhằm cải thiện an toàn cho khách du lịch, nâng cao hình ảnh du lịch Vùng và địa phương.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
- Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch để phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế cho phát triển du lịch.
- Trên cơ sở nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng, thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cấp quản lý trong lãnh thổ để có phương án phù hợp chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư thực hiện đúng định hướng phát triển chung của Vùng.
- Thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch.
5. Doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội du lịch và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội khác
- Hiệp hội du lịch và các tổ chức xã hội khác theo phạm vi chức năng hoạt động nắm bắt mục tiêu, quan điểm và định hướng trong Quy hoạch này để cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình.
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành du lịch và chính quyền các địa phương trên địa bàn trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Vùng; vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch, quy hoạch du lịch và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.
- Cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng và các hoạt động bảo tồn, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch theo các quy hoạch phát triển du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Tên dự án |
Phân kỳ thực hiện |
|
I |
Đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia |
||
1 |
Khu du lịch quốc gia Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) |
Đến 2020 |
2021-2030 |
2 |
Khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Đến 2020 |
|
3 |
Khu du lịch quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Đến 2020 |
2021-2030 |
4 |
Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) |
Đến 2020 |
|
II |
Đầu tư phát triển điểm du lịch quốc gia |
||
1 |
Điểm du lịch quốc gia Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) |
Đến 2020 |
|
2 |
Điểm du lịch quốc gia Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (Tây Ninh) |
Đến 2020 |
|
3 |
Điểm du lịch quốc gia Tà Thiết (Bình Phước) |
Đến 2020 |
|
4 |
Điểm du lịch quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) |
Đến 2020 |
2021-2030 |
5 |
Điểm du lịch quốc gia hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai) |
Đến 2020 |
2021-2030 |
III |
Các chương trình phát triển du lịch vùng |
||
1 |
Xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu |
Đến 2020 |
2021-2030 |
2 |
Phát triển nguồn nhân lực |
Đến 2020 |
2021-2030 |
3 |
Bảo tồn tôn tạo tài nguyên, môi trường du lịch |
Đến 2020 |
2021-2030 |
4 |
Phát triển hạ tầng then chốt |
Đến 2020 |
2021-2030 |
Ghi chú: Quy mô, diện tích đất sử dụng của các khu, điểm du lịch và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.