UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2327/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 29 tháng 6 năm 2017 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2017 TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;
Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
Theo Công văn số 8209/BKHĐT-ĐTNN ngày 05/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017; Công văn số 2642/BKHĐT-ĐTNN ngày 30/3/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về góp ý Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 của các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
Xét đề nghị của Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tại Công văn số 468/TTHCC-XTĐT ngày 15/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 tỉnh Quảng Nam, với các nội dung chính sau:
1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu
Căn cứ theo quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam, quy hoạch vùng của tỉnh (Kết luận số 25-KL/TU ngày 27/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, Khóa XXI về Định hướng và giải pháp triển khai các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam; Nghị quyết Số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Hội nghị tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXI về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025)…, quy hoạch các ngành trên địa bàn tỉnh để xác định mục tiêu, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư. Quảng Nam định hướng một số nội dung chính như sau:
Tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao như trồng và chế biến hoa quả, cây nông nghiệp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, CCN, đặc biệt là các KCN, CCN dành cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, hạ tầng sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông đô thị và một số lĩnh vực dịch vụ.
Trong cơ cấu ngành công nghiệp chú trọng XTĐT các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử và dệt may - da giày, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương như nông lâm sản, thủy hải sản, vật liệu xây dựng, các dự án công nghệ cao như khí, điện và công nghiệp sau khí, các dự án năng lượng mới và tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.
Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; phát triển các ngành dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế thế giới và khu vực để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp.
Đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư. Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tích cực hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi và tích cực hỗ trợ các dự án mở rộng đầu tư; tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
2. Nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư:
a) Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư
- Hợp tác với các đơn vị, viện nghiên cứu, các công ty tư vấn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng và đối tác đầu nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Đức,... Trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc 6 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ Hợp tác Việt - Nhật, tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các hiệp định mới được ký kết như Hiệp định FTA với Hàn Quốc, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do với liên minh kinh tế Á - Âu và cộng đồng kinh tế ASEAN.
- Khảo sát, làm việc với các nhà đầu tư là các tập đoàn, các công ty của Việt Nam có tiềm lực tài chính và năng lực chuyên môn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực để mở rộng đầu tư vào tỉnh Quảng Nam, như các tập đoàn: Dệt may Việt Nam, Tuần Châu, Mường Thanh, Hòa Phát, Vingroup, Sungroup, Viet Jet air, An Thịnh...
- Tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế như JETRO, JICA, KOTRA, EUROCHAM, SMF, SBF, ADB, WB, Un-Habitab, Viện nghiên cứu Mitshubishi, Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản (VERI)... để thu thập các thông tin số liệu, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; nghiên cứu, chọn lọc tham gia các hội nghị, hội thảo do các tổ chức nêu trên tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài.
- Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở để xúc tiến các nhóm dự án động lực các lĩnh vực: dịch vụ du lịch, đô thị, xây dựng hạ tầng KCN, CCN, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, may mặc, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế biến dược phẩm từ dược liệu, bảo quản nông sản - chế biến sau thu hoạch, sản xuất hàng tiêu dùng, giáo dục đào, môi trường, y tế, ...
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế mở Chu Lai.
b) Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
- Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư đồng bộ, khoa học, dễ tiếp cận, dễ tra cứu đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; công khai minh bạch và thường xuyên cập nhật, cụ thể ở các nội dung cơ bản sau: danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, các quy hoạch ngành, dữ liệu thông tin về các KKT, KCN, CCN, các khu đất có mặt bằng sạch thu hút đầu tư, chí phí đầu tư liên quan (giá thuê đất, giao đất, phí thuê hạ tầng, điện, nước, thông tin liên lạc, lao động, tiền lương, đào tạo nghề)…
- Thực hiện công khai các thông tin dữ liệu trên các cổng thông tin điện tử của các Sở, Ban, ngành, địa phương để nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm tra cứu phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, lựa chọn đầu tư và thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin.
c) Hoạt động xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư
- Tiếp tục rà soát, cập nhật và xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 phân theo nhóm ngành và địa phương đảm bảo phục vụ hiệu quả, kịp thời cho công tác xúc tiến đầu tư. Đề nghị các địa phương tiếp tục làm việc với Sở, Ban, ngành liên quan để đưa các dự án đề xuất kêu gọi đầu tư vào quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch sử dụng đất, rà soát tính khả thi…để đảm bảo công tác xúc tiến đầu tư được hiệu quả.
- Trên cơ sở danh mục dự án, xây dựng các dự án cơ hội cụ thể, khoa học, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin của các nhà đầu tư.
- Thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ các dự án đã cấp phép, kịp thời thu hồi các dự án không triển khai, xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án đúng tiến độ, hiệu quả.
d) Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
- Tiếp tục biên soạn và xuất bản các ấn phẩm phục vụ cho công tác XTĐT như: brochure, video clip, slide giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh, các KCN, KKT, CCN bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật, Hàn...
- Tập trung nâng cấp các website hiện có, bổ sung các phiên bản mới với các ngôn ngữ Nhật, Hàn ..., cập nhật bản đồ chỉ dẫn đầu tư để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - thương mại qua mạng internet.
- Biên soạn Sổ tay hướng dẫn đầu tư vào Quảng Nam nhằm tổng hợp đầy đủ các thông tin liên quan đến môi trường, cơ hội đầu tư tại Quảng Nam phục vụ cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác XTĐT cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
đ) Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và hợp tác về xúc tiến đầu tư
- Tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ ngành TW, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và chính quyền các địa phương có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Quảng Nam để tổ chức một số diễn đàn, hội thảo xúc tiến đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh Quảng Nam.
- Thiết lập quan hệ với Đại sứ quán và các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, các tham tán đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các công ty tư vấn đầu tư trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư.
- Chủ động gặp gỡ trao đổi thông tin xúc tiến đầu tư với các tổ chức như: JETRO, JICA (Nhật Bản), KOTRA, KOCHAM (Hàn Quốc), IE Singapore, AMCHAM (Hoa Kỳ), EUROCHAM (Cộng đồng châu Âu) và các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam để đẩy mạnh công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư.
- Phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí thực hiện chiến lược truyền thông đối ngoại tổng thể nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu chủ trương, chính sách và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Nam và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư đến các tham tán đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các công ty tư vấn đầu tư trong và ngoài nước để hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
- Trong tháng 3/2017, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017.
e) Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư
- Mời chuyên gia trong nước, quốc tế hỗ trợ thực hiện các hoạt động XTĐT, từng bước nâng cao trình độ của cán bộ chuyên trách làm XTĐT, nắm bắt và cập nhật tình hình kinh tế xã hội, bối cảnh kinh tế quốc tế.
- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung tại Đà Nẵng tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho cán bộ chuyên trách XTĐT của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
g) Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Năm 2017, Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động; theo đó, các thủ tục hành chính được thực hiện, giải quyết tại một đầu mối duy nhất trên cơ sở giảm tối đa thời gian, thủ tục, chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
- Các Sở, Ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành tổng hợp thông tin về quy định của luật, các chính sách, thủ tục liên quan phụ trách để thực hiện tốt việc hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư và phát triển doanh nghiệp để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi.
- Thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư: Cà phê doanh nhân, ngày tiếp doanh nghiệp, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp theo chuyên ngành để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư theo quy định, ký cam kết tiến độ đầu tư; tiến hành rà soát, thu hồi các dự án không triển khai, đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đầu tư - đất đai - xây dựng.
h) Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
- Tổ chức các chuyến làm việc, chủ động gặp gỡ và tiếp tục làm việc với các tổ chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư. Trong đó, tập trung vào các đơn vị như: Đại sứ quán Hàn Quốc, Mỹ, Canada; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV); Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO); Tổng Hội thương gia Đài Loan tại Việt Nam; Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI); Tổ chức xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham); Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham)...
- Tăng cường trao đổi thông tin với Tham tán Đại sứ quán của Việt Nam phụ trách xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ... để làm cầu nối tuyên truyền, quảng bá thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tại quốc gia mục tiêu.
- Tiếp tục làm việc và đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hỗ trợ phái cử Tình nguyện viên cao cấp Nhật Bản đến công tác tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư với nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài.
3. Danh mục các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2017 và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2017 - 2020:
(Chi tiết theo các phụ lục 1, 2 đính kèm)
Điều 2. Giao Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư làm cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các ngành, địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng các khu/cụm công nghiệp tổ chức, thực hiện tốt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 đảm bảo đúng định hướng lĩnh vực và đối tác ưu tiên thu hút đầu tư; định kỳ hằng quý, 6 tháng, hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương; Giám đốc Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, Trưởng Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.