ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2315/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 07 tháng 6 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị quyết số 141/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2018;
Theo Thông báo số 327-TB/TU ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Thành ủy Đà Nẵng về ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc về công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2018 và Thông báo số 376-TB/TU ngày 10 tháng 5 năm 2018 của Thành ủy Đà Nẵng về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 04 tháng 5 năm 2018;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tại Công văn số 1835/CT-KTT2 ngày 23 tháng 5 năm 2018;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Điều 2. Giao Cục Thuế thành phố Đà Nẵng chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Công thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Thông tin Truyền thông, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CHỐNG
THẤT THU THUẾ ĐỐI VỚI MỘT SỐ LĨNH VỰC, NGÀNH NGHỀ CÓ RỦI RO CAO VỀ THUẾ TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2315/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Trong những năm qua thành phố đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo môi trường thông thoáng, giúp cho kinh tế phát triển; tổng sản phẩm xã hội (GRDP, giá so sánh 2010) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng qua từng năm, năm 2017 đạt 58.597 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2016); giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 54.451 tỷ đồng (tăng 8,1%), giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.248 tỷ đồng (tăng 8,8%), doanh thu vận tải đạt 9.706 tỷ đồng (tăng 6,3%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 79.100 tỷ đồng (tăng 16%), thu từ hoạt động dịch vụ du lịch đạt 19.403 tỷ đồng (tăng 20,6%).
Tổng thu nội địa năm 2017 là 20.093,4 tỷ đồng, đạt 111% dự toán địa phương và tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2016; nếu không kể tiền thu sử dụng đất, tổng thu nội địa là 16.261,4 tỷ đồng, đạt 101,7% dự toán địa phương và tăng 21,7% so với cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực có mức thu tăng thấp so với dự toán như: lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh: 4.625,9 tỷ đồng, đạt 103,8% (tăng 37,2% so với cùng kỳ) và địa bàn thực hiện hoàn thành dự toán nhưng không tương xứng với tốc độ phát triển như Thanh Khê.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý thuế, hàng năm ngành thuế xây dựng chương trình kế hoạch chống thất thu thuế đã mang lại một số kết quả nhất định:
Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 2.229 cơ sở kinh doanh, xử lý truy thu thuế: 164,48 tỷ đồng, giảm lỗ: 354,45 tỷ đồng, giảm khấu trừ: 27,26 tỷ đồng; đồng thời tiến hành khảo sát doanh thu tại 62 nhà hàng, qua đó đã đôn đốc, giám sát người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; nhờ vậy doanh thu kê khai của các đơn vị này là 468,1 tỷ đồng tăng 32%, thuế giá trị gia tăng phải nộp là 17,2 tỷ đồng tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.
Năm 2017 đã thanh tra, kiểm tra 2.906 cơ sở kinh doanh, xử lý truy thu thuế: 225,08 tỷ đồng, giảm lỗ: 631,97 tỷ đồng, giảm khấu trừ: 44,58 tỷ đồng; đồng thời chọn 100 cơ sở kinh doanh nhà hàng kê khai doanh thu và số thuế phải nộp không phù hợp với quy mô, năng lực kinh doanh đưa vào diện giám sát; qua thời gian giám sát, doanh thu kê khai của các đơn vị này là 366,3 tỷ đồng tăng 23%, số thuế giá trị gia tăng phải nộp: 10,4 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự phát triển kinh tế của thành phố, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, tập trung tại các quận trung tâm (Hải Châu, Thanh Khê); đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ du lịch được đặc biệt quan tâm nhờ đó các dự án đầu tư, các sản phẩm du lịch mới, đa dạng được đưa vào khai thác, thu hút nhiều du khách đến với thành phố, trong đó nhất là khu vực ven biển (Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn); quy mô kinh doanh ngày càng lớn, ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực phát triển đa dạng, mang nhiều yếu tố phức tạp, như: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng các căn hộ/biệt thự; hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành, chuyển nhượng vốn gắn liền với chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án …; Việc chấp hành pháp luật về thuế, kế toán của một bộ phận người nộp thuế chưa nghiêm, tình trạng bán hàng cung ứng dịch vụ không xuất hóa đơn, bỏ doanh thu ngoài sổ sách kế toán trốn thuế vẫn còn, phổ biến là bán hàng, cung cấp dịch vụ cho tiêu dùng cá nhân (nhất trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, thương mại, dịch vụ); hoạt động kinh doanh bất động sản phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô dự án tại một số địa bàn: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ ... nhưng việc kê khai giá qua ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (kể cả trường hợp có công chứng) chưa đúng với thực tế phát sinh; dẫn đến doanh thu kê khai, số thuế phải nộp không phản ánh đúng thực tế, thất thu thuế vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung ở nhiều lĩnh vực trọng tâm của ngành thuế, tuy nhiên do thực hiện cơ chế quản lý (theo Luật Quản lý thuế): tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế và với sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp trong thời gian qua, cùng với nguồn lực của Cơ quan Thuế thiếu lại phải bố trí dàn trải trên nhiều lĩnh vực, từ đó đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế; sự thiếu đồng bộ trong chính sách, kết quả điều chỉnh tăng thu qua công tác kiểm tra hồ sơ khai tại cơ quan thuế chưa sát với tình hình thực tế kinh doanh. Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác chống thất thu giữa các sở, ngành và địa phương còn chưa đồng bộ và thiếu quyết liệt.
Qua phân tích số liệu về tình hình thực hiện dự toán thu theo ngành, lĩnh vực, địa bàn; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế và tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực cho thấy việc đóng góp nghĩa vụ với ngân sách của các cơ sở kinh doanh chưa tương ứng với nguồn lực và quy mô kinh doanh; đặc biệt một số lĩnh vực: du lịch (ăn uống, lưu trú, lữ hành...), vận tải, kinh doanh bất động sản và một số địa bàn: Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ... dư địa thu vẫn còn.
Từ thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên địa bàn, cần phải có giải pháp chống thất thu để “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần phát triển kinh tế của thành phố ngày một bền vững; đây là việc làm vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài; vì vậy, việc ban hành đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là cần thiết.
1. Mục tiêu:
- Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, sự chủ động phối hợp giữa các sở, ngành trên địa bàn thành phố trong công tác quản lý thuế nhằm ngăn ngừa và chống thất thu thuế trên địa bàn một cách hiệu quả.
- Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật nói chung và chính sách thuế nói riêng; tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm.
- Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu và chống thất thu có hiệu quả; góp phần phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán và tăng ít nhất từ 3% đến 5% thu từ phát sinh kinh tế (trừ đất) theo nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố so với dự toán thu ngân sách Nhà nước Trung ương giao hàng năm; Riêng năm 2018 mức tăng đạt ít nhất 1.007 tỷ đồng thu phát sinh kinh tế (trừ đất) so với dự toán thu ngân sách Nhà nước Trung ương giao; trong đó, tăng thu qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế (hậu kiểm) đạt ít nhất 250 tỷ đồng và tăng thu qua cải thiện tình hình kê khai của người nộp thuế trong năm 2018 từ việc triển khai các biện pháp chống thất thu, phấn đấu tăng ít nhất 750 tỷ đồng.
2. Yêu cầu:
- Thực hiện chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế; đảm bảo đúng quy định của pháp luật thuế và đạt hiệu quả cao; phải có sự phối hợp, hỗ trợ giữa Cơ quan Thuế, các sở ngành, UBND các quận, huyện và người nộp thuế trên địa bàn.
- Kết hợp các biện pháp giám sát, kiểm tra, khảo sát với vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác thực hiện đúng các quy định về sử dụng hóa đơn, kê khai doanh thu, số thuế phải nộp sát với thực tế kinh doanh.
1. Chọn lĩnh vực chống thất thu:
1.1. Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn:
a) Chọn những nhà hàng (kể cả Trung tâm Hội nghị tiệc cưới), khách sạn có quy mô kinh doanh lớn nhưng kê khai doanh thu, số thuế phải nộp không sát với thực tế phát sinh đưa vào diện giám sát đặc biệt (khoảng 100 đơn vị); ban hành thông báo giám sát gửi đến cơ sở kinh doanh, trong đó nêu rõ lý do giám sát khai thuế (kê khai thuế chưa phù hợp với thực tế kinh doanh) và biện pháp giám sát: cử công chức thuế giám sát hoạt động kinh doanh của khách sạn, nhà hàng, thực hiện khảo sát thực tế vào bất kỳ các giờ trong ngày, để xác định doanh thu trong 01 ngày bất kỳ.
Mời các cơ sở kinh doanh thuộc diện giám sát đến cơ quan thuế thông báo chủ trương của thành phố; công khai: doanh thu, số thuế phát sinh phải nộp của người nộp thuế trong thời gian qua; các yêu cầu về ghi chép sổ sách, kê khai doanh thu, số thuế phải nộp; các quy định về việc phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn. Tạo được sự đồng thuận và phối hợp từ người nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế.
b) Định kỳ từ 03 đến 05 ngày thực hiện việc khảo sát tình hình thực tế kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn, xác định quy mô, năng lực kinh doanh; dự kiến doanh thu và số thuế phải nộp theo từng lĩnh vực kinh doanh, từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
c) Đối chiếu kết quả khảo sát với tình hình kê khai, nộp thuế; tình hình phát hành, sử dụng hóa đơn của người nộp thuế; theo đó:
+ Đối với các trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai: tiến hành giám sát, kiểm tra hồ sơ khai quyết toán thuế năm và hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo từng kỳ kê khai trong năm tại Cơ quan Thuế, thực hiện so sánh doanh thu, số thuế giá trị gia tăng phải nộp, tỷ lệ số thuế giá trị gia tăng phải nộp trên doanh thu thuần (của hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn);
+ Đối với các trường hợp nộp thuế theo phương pháp khoán: tiến hành điều tra doanh thu theo thực tế kinh doanh, xác định mức doanh thu khoán và doanh thu phát sinh từ việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế; nếu doanh thu trên hóa đơn kê khai thấp phải kịp thời điều chỉnh doanh thu khoán, xác định tổng doanh thu tính thuế bao gồm doanh thu khoán và doanh thu hóa đơn;
+ Đối với các Trung tâm Hội nghị tiệc cưới, thu thập thông tin (gồm: số lượng tiệc, lượng khách, doanh thu phát sinh ...); đối chiếu với hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để đánh giá tình hình kê khai, nộp thuế của các cơ sở kinh doanh;
Xác định hồ sơ khai doanh thu, số thuế phải nộp thấp hơn so với kết quả khảo sát, thấp hơn so với số dự kiến của Cơ quan Thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin tài liệu; điều chỉnh doanh thu tính thuế sát với thực tế kinh doanh. Đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao về thuế; phân tích thông tin, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm tiến hành kiểm tra thuế hoặc kiểm tra liên ngành (gồm: Cơ quan Thuế, QLTT, Công an, Du lịch ...) tại trụ sở người nộp thuế.
d) Tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị cho Đà Nẵng được triển khai thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có xác thực, thí điểm Đề án sử dụng máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.
1.2. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản:
- Các cơ quan chuyên ngành phải thường xuyên cập nhật, tham mưu điều chỉnh bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất đảm bảo phù hợp, tiệm cận với giá thị trường.
- Tiến hành thu thập thông tin về các dự án đầu tư được cấp phép, xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển nhượng bất động sản; tiến độ triển khai dự án, tình hình kê khai, nộp thuế của các chủ đầu tư; tiến hành giám sát, kiểm tra hồ sơ khai quyết toán thuế của từ 10 đến 15 dự án lớn được cấp phép; trong đó kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm:
+ Các hình thức liên danh với chủ đầu tư để được ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người được ủy quyền làm trung gian khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp với giá thị trường, số tiền chênh lệch do khâu trung gian thu theo thỏa thuận, không được phản ảnh trên sổ sách kế toán làm sai lệch kết quả kinh doanh, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
+ Chuyển nhượng dự án kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các các trường hợp chuyển nhượng vốn dẫn đến thay đổi chủ sở hữu quyền sử dụng đất (chuyển nhượng vốn gắn với bất động sản).
- Cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi có dấu hiệu gian lận và khai giá thấp hơn giá trị thực tế giao dịch.
- Tiếp tục triển khai việc kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có thu tiền theo tiến độ; trong đó tập trung kiểm tra đối với các dự án của chủ đầu tư là các doanh nghiệp ngoại tỉnh, có phát sinh việc đầu tư chuyển nhượng bất động sản tại thành phố Đà Nẵng; các hoạt động mua bán, chuyển nhượng và cho thuê căn hộ khách sạn/biệt thự resort trên địa bàn thành phố.
- Giao Cục Thuế thành phố theo dõi kết quả giải quyết của Bộ Tài chính, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc sửa đổi giá tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (đất) là giá đất (theo bảng giá) x hệ số điều chỉnh.
1.3. Lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ lữ hành:
Thu thập thông tin về số lượng phương tiện, dữ liệu giám sát hành trình ...; phân tích chuỗi các hoạt động kinh doanh lữ hành đối chiếu với hồ sơ khai thuế xác định những trường hợp có rủi ro cao đưa vào kế hoạch chống thất thu thuế.
Lập phương án thanh tra, kiểm tra một số hoạt động kinh doanh vận tải (chủ yếu vận tải khách du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành), dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Cơ quan Thuế cùng với các ngành: Giao thông Vận tải, Du lịch ... tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh có rủi ro cao về thuế ở địa bàn trọng điểm.
1.4. Đối với hộ kinh doanh khoán thuế:
Tăng cường công tác quản lý các hộ kinh doanh trên địa bàn, nắm chắc số hộ có sản xuất, kinh doanh, diễn biến hoạt động của các hộ như: hộ mới ra kinh doanh, hộ nghỉ kinh doanh, di chuyển địa điểm kinh doanh ...; kịp thời đưa các hộ thuộc diện nộp thuế vào quản lý. Giám sát, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chứng từ khi bán hàng, cung ứng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, nhất trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ; đồng thời tập trung chọn những cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực: vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, sản xuất đá mỹ nghệ (làng nghề đá mỹ nghệ - quận Ngũ Hành Sơn) ... tiến hành khảo sát, điều tra doanh thu, tính và áp dụng mức thuế sát thực tế kinh doanh; khuyến khích các hộ kinh doanh lớn đang quản lý theo mô hình khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán theo quy định.
UBND các quận, huyện chỉ đạo các Chi cục Thuế lập kế hoạch phối hợp UBND các xã, phường tổ chức thống kê lập danh bạ kinh doanh theo từng tuyến đường trên địa bàn; tiến hành khảo sát, điều tra doanh thu, tính và áp dụng mức thuế sát thực tế kinh doanh đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn. Thực hiện niêm yết công khai thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế khoán tại trụ sở UBND xã, phường, trụ sở Đội thuế, Ban quản lý chợ...và thông báo công khai địa điểm niêm yết cho hộ kinh doanh biết.
2. Chọn địa bàn điểm:
2.1. Địa bàn chống thất thu toàn diện: quận Thanh Khê.
2.2. Địa bàn chống thất thu theo lĩnh vực:
- Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn: địa bàn thực hiện: thành phố Đà Nẵng; trong đó các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê được chọn làm điểm.
- Lĩnh vực kinh doanh bất động sản: địa bàn thực hiện: thành phố Đà Nẵng; trong đó các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ được chọn làm điểm.
- Lĩnh vực kinh doanh vận tải: địa bàn thực hiện: thành phố Đà Nẵng; trong đó các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ được chọn làm điểm.
- Lĩnh vực dịch vụ lữ hành: địa bàn thực hiện: thành phố Đà Nẵng; trong đó các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà được chọn làm điểm.
- Lĩnh vực hộ kinh doanh: địa bàn thực hiện: thành phố Đà Nẵng; trong đó các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà được chọn làm điểm.
1. Cơ quan chỉ đạo triển khai:
UBND thành phố chỉ đạo triển khai Đề án; phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực tài chính ngân sách trực tiếp theo dõi, chỉ đạo quá trình triển khai, thực hiện Đề án.
2. Thời gian thực hiện:
Đề án được thực hiện trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế sẽ điều chỉnh, bổ sung các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế vào nội dung Đề án.
Hàng năm, UBND thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện của năm trước, đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách thuế trên địa bàn, các cán bộ ngành Thuế và các ngành có liên quan, UBND các quận, huyện đạt thành tích tốt trong công tác chống thất thu; xử lý các tập thể, cá nhân ngành Thuế và các ngành có liên quan, UBND các quận, huyện có chuyển biến chậm trong việc triển khai các giải pháp tăng thu.
3. Đơn vị chủ trì và phối hợp thực hiện: Cục Thuế thành phố chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Công thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Thông tin Truyền thông; Công an thành phố, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, Kho bạc Nhà nước thành phố, Cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường; UBND các quận, huyện.
Giám đốc các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế những hành vi vi phạm có dấu hiệu xảy ra thất thu thuế, vi phạm hóa đơn và tích cực phối hợp với Cơ quan Thuế trong việc đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân; kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc để tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế:
3.1. Cục Thuế thành phố căn cứ Đề án, chủ trì lập kế hoạch triển khai chống thất thu đối với từng lĩnh vực; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện tích cực triển khai có hiệu quả, thực hiện tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện; hàng năm tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung các lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế vào nội dung Đề án.
Thường xuyên giám sát tình hình kê khai, nộp thuế của các cơ sở kinh doanh, đảm bảo doanh thu kê khai, số thuế phải nộp sát với thực tế phát sinh; kịp thời phát hiện những trường hợp có rủi ro cao về thuế, tiến hành kiểm tra hoặc phối hợp liên ngành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
Lập kế hoạch trình UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về việc chấp hành các chính sách thuế, nghĩa vụ nộp NSNN, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong việc mua bán hàng hóa, dịch vụ; việc chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật; tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, người dân trong việc chấp hành và thực hiện nghĩa vụ thuế.
3.2 Sở Tài chính: tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá; kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; phối hợp cùng các ngành thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Định kỳ rà soát, tham mưu điều chỉnh hệ số điều chỉnh bảng giá đất đảm bảo sát với giá thực tế thị trường.
3.3 Sở Công thương và Chi cục Quản lý thị trường: xây dựng kế hoạch chương trình công tác của ngành, trong đó quan tâm các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái pháp luật, vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác góp phần tích cực trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.
3.4 Sở Kế hoạch và Đầu tư: định kỳ hàng tháng cung cấp cho Cơ quan Thuế thông tin về Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn; các thông tin về các trường hợp góp vốn bằng bất động sản có thực hiện chuyển nhượng vốn; theo dõi, giám sát việc đăng ký thành lập doanh nghiệp của các tổ chức, cá nhân, kịp thời cung cấp thông tin cho Cơ quan Thuế những trường hợp có dấu hiệu rủi ro; lưu ý các trường hợp có dấu hiệu bất thường sớm chuyển thông tin cho Cơ quan Thuế để kịp thời phát hiện xử lý hành vi vi phạm.
3.5 Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Cơ quan Thuế trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và xác định các nghĩa vụ tài chính có liên quan đến đất đai theo đúng quy định của pháp luật; hàng tháng cung cấp các thông tin về các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện việc chuyển nhượng bất động sản. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu giải pháp đề xuất điều chỉnh giá đất kịp thời theo từng khu vực, tuyến đường ... vừa đảm bảo công tác chống thất thu, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
3.6 Sở Du lịch: hàng quý cung cấp các thông tin về doanh thu, số lượt khách phục vụ, lịch trình tour; số khách lưu trú, số ngày lưu trú, công suất sử dụng phòng, xếp hạng cơ sở lưu trú ..., ý kiến nhận xét về quản lý nhà nước của Sở Du lịch đối với từng khách sạn theo đề nghị của Cơ quan Thuế; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi sử dụng tư cách pháp nhân, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của các đơn vị trong nước để hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép; mua bán tour với giá 0 đồng.
3.7 Sở Xây dựng: định kỳ hàng tháng cung cấp cho Cơ quan Thuế các thông tin về Giấy phép xây dựng các công trình căn hộ khách sạn/biệt thự resort (condotel, officetel, resort) để chống thất thu thuế trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng và cho thuê căn hộ khách sạn/biệt thự resort trên địa bàn thành phố.
3.8 Sở Tư pháp: tăng cường giám sát hoạt động của các Phòng công chứng và nghiệp vụ công chứng trên lĩnh vực kinh doanh, mua bán bất động sản trên địa bàn thành phố để góp phần chống thất thu liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
3.9 Sở Thông tin và Truyền thông: Triển khai đến các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế và nội dung Đề án này để các đơn vị, địa phương biết và thực hiện. Đặc biệt, thường xuyên tuyên truyền về sử dụng hóa đơn trong mua bán hàng hóa, dịch vụ.
3.10 Cục Hải quan thành phố: phối hợp trao đổi và cung cấp một số thông tin cần thiết nhằm phục vụ công tác chống thất thu của Cơ quan Thuế; nhất là công tác phối hợp chống thất thu đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu nhưng nợ thuế, có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
3.11 Công an thành phố: chủ động trong công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế; phối hợp trong công tác chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch lữ hành và một số ngành nghề kinh doanh đặc thù khác; phối hợp điều tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
3.12 Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế trong công tác thu ngân sách; thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng của các đơn vị thi công trên địa bàn bằng nguồn vốn NSNN; các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế; xử lý kịp thời các khoản ghi thu, ghi chi NSNN; phối hợp thu nợ đọng thuế, thực hiện các lệnh thu NSNN do Cơ quan Thuế phát hành.
3.13 Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp thực hiện tốt việc thu nộp thuế qua ngân hàng, đặc biệt là công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; nộp thuế điện tử; thực hiện các lệnh thu NSNN do Cơ quan Thuế phát hành và cung cấp kịp thời thông tin về người nộp thuế theo yêu cầu của Cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật.
3.14 Chủ tịch UBND quận, huyện: triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn quận, huyện; chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp khai thác nguồn thu, chống thất thu; thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách pháp luật thuế, gian lận thương mại ... trong phạm vi địa bàn quản lý; chỉ đạo UBND các xã, phường, các Phòng - Ngành phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách và chống thất thu thuế.
4. Kinh phí thực hiện Đề án:
Cục Thuế thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan dự trù chi tiết kinh phí phục vụ công tác chống thất thu thuế, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt bố trí vào dự toán ngân sách thành phố hàng năm.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản hồi về Cục Thuế thành phố tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND thành phố để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.