ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2243/QĐ-UBND |
Bình Định, ngày 21 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Văn bản số 1001/SCTQLTM ngày 31/5/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật Nhà nước.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
PHÁT
TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của Chủ tịch UBND
tỉnh)
MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Triển khai thực hiện “Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 10/10/2011 của UBND tỉnh, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và giá trị. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 đạt 7,282 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm, mở rộng sản xuất, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã thâm nhập được những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,....
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Bình Định trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 4,294 tỷ USD bằng 95,4% so với kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX đề ra (4,5 tỷ USD); Hầu hết các mặt hàng chỉ qua chế biến đơn giản, gia công thâm dụng lao động (đồ gỗ, may mặc, hải sản, vật liệu xây dựng), chưa có mặt hàng mang hàm lượng chất xám, công nghệ cao.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đề ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 6,0 tỷ USD. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc xây dựng "Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là cần thiết, đặt ra định hướng phát triển sản phẩm, thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh và đề xuất giải pháp phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Định phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã đề ra.
II. CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN
Các quyết định của Trung ương:
- Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn 2030;
- Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030;
- Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;
- Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;
- Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;
Các quyết định của UBND tỉnh Bình Định:
- Quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035;
- Quyết định số 5025/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035;
- Quyết định số 3333/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bình Định;
- Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2022;
- Quyết định số 1465/QĐ-UBND ngày 06/5/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh nhiệm vụ thuộc chương trình công tác trọng tâm năm 2022;
- Quyết định số 1456/QĐ-UBND ngày 06/5/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề cương Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định;
- Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
- Đánh giá thực trạng phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020.
- Phân tích, dự báo tình hình phát triển kinh tế, thị trường trong và ngoài nước có ảnh hưởng đến phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Định.
- Định hướng phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước.
- Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
IV. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN
1. Đối tượng
Hàng hóa xuất khẩu tỉnh Bình Định trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Phạm vi
- Đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2016-2020 và triển vọng phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề xuất các giải pháp phát triển hàng xuất khẩu đến năm 2030.
- Tập trung đánh giá hoạt động xuất khẩu hàng hóa (không bao gồm xuất khẩu dịch vụ) của tỉnh Bình Định.
V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LẬP ĐỀ ÁN
- Phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê kinh tế được sử dụng để đánh giá thực trạng phát triển xuất khẩu và xu hướng phát triển của các đối tượng nghiên cứu.
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế được sử dụng để thu thập tài liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu xây dựng đề án.
- Phương pháp so sánh, dự báo các chỉ tiêu phát triển ngành qua so sánh với một số tỉnh trong vùng và cả nước.
- Phương pháp chuyên gia được sử dụng trong quá trình đánh giá nhân tố ảnh hưởng, xây dựng quan điểm, định hướng, giải pháp phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
PHẦN I
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH ĐỊNH
1. Điều kiện tự nhiên
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao thương với khu vực và quốc tế; nằm ở Trung tâm của trục Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông mở rộng thông qua Quốc lộ 19 và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Tỉnh Bình Định có lợi thế về kết nối giao thông qua các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B và QL 19C, tuyến đường sắt Bắc Nam và Cảng hàng không Phù Cát, hệ thống các Cảng biển tại Quy Nhơn, tạo điều kiện cho giao thương phát triển kinh tế của địa phương đến với các nước trong khu vực và thế giới.
2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Năng suất lao động xã hội tăng bình quân hàng năm 6,5%. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hàng năm 6,4%, theo giá so sánh năm 2010, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,13%; dịch vụ tăng 6,16%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,96%. GRDP bình quân đầu người đạt 2.524 USD.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 27,63%; công nghiệp - xây dựng 28,58%; dịch vụ 39,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,54% (so với năm 2015: Nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 3,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 3,7%; dịch vụ giảm 0,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,3%). Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 4,294 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,107 tỷ USD.
II. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020
1. Quy mô và tốc độ tăng trưởng
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2020 đạt 1.107,5 triệu USD, tăng 57,7% (+405,4 triệu USD) so với năm 2015 (đạt 702,1 triệu USD). Tổng KNXK 5 năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 4.294,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5%/năm. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt khá như: Sản phẩm gỗ đạt 1.367,3 triệu USD, tăng 8,5%/năm; gỗ các loại đạt 791,9 triệu USD, tăng 9,2%/năm; khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt 211,4 triệu USD, tăng 9,6%/năm; sản phẩm may mặc đạt 742,5 triệu USD, tăng 17,3%/năm; hải sản các loại đạt 370,9 triệu USD, tăng 0,2%/năm; sản phẩm từ chất dẻo (bàn ghế nhựa giả mây) đạt 267,6 triệu USD, tăng 80,8%/năm; gạo các loại đạt 136,5 triệu USD, tăng 20,1%/năm; Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 253,3 triệu USD, giày dép các loại 40,3 triệu USD,...
Năm 2021 KNXK đạt 1,418 tỷ USD, năm 2022 dự kiến đạt 1,55 tỷ USD, do đó nhiều khả năng tổng KNXK giai đoạn 2021-2025 sẽ vượt 6,0 tỷ USD, mặc dù kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
2. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu
Năm 2015, cơ cấu các nhóm hàng trong KNXK của tỉnh như sau: lâm sản 52,6%, công nghiệp chế biến và tiêu dùng 17,4%, nông sản 15,6%, hải sản 9,6%, khoáng sản và vật liệu xây dựng 4,9%. Đến năm 2020: lâm sản 50,7%, công nghiệp chế biến và tiêu dùng 30,5%, nông sản 7,7%, hải sản 6,1%, khoáng sản và vật liệu xây dựng 4,9%.
Giai đoạn 2016-2020, KNXK theo từng nhóm hàng như sau: Nhóm hàng lâm sản đạt 2.159,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% tổng KNXK, tăng 8,8%/năm; Nhóm hàng công nghiệp chế biến và tiêu dùng đạt 1.141,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,6%, tăng 22,6%/năm; Nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt 211,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,9% tổng KNXK, tăng 9,6%/năm; Nhóm hàng nông sản đạt 410,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,5% tổng KNXK, giảm 4,8%/năm; Nhóm hàng hải sản đạt 370,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 8,6% tổng KNXK, tăng 0,2%/năm.
Sau 05 năm, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng đã qua chế biến từ 97,6% năm 2015 lên 99,8% năm 2020; số lượng sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, sản phẩm đa dạng hơn, từng bước nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng, năm 2015 xuất khẩu đến 87 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2020 hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã xuất sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.
3. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu giai đoạn 2016-2020
3.1. Sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất
KNXK đạt 1.367,3 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +8,5%/năm. Nguyên nhân, sản phẩm đồ gỗ của tỉnh đã và đang phát triển tại các thị trường lớn do chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã đầu tư các thiết bị tự động, kể cả trang bị quy trình quản lý hiện đại, chú trọng đầu tư cho thiết kế sản phẩm, do đó, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu tăng đáng kể. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ ngày càng gia tăng.
Ngoài các khách hàng truyền thống ở thị trường châu Âu, các doanh nghiệp của tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác để xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, đồng thời phát triển ở các thị trường giàu tiềm năng như Trung Đông, Úc và một số nước trong khối ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia. Ngoài ra, theo định hướng của tỉnh, một số doanh nghiệp gỗ của tỉnh đã chuyển sang sản xuất hàng nội thất nên có đơn hàng thường xuyên, giá trị cao hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển từ sản xuất theo thời vụ sang sản xuất liên tục.
Tuy nhiên, ngành đồ gỗ vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, nguồn gỗ trồng tại tỉnh Bình Định và các tỉnh xung quanh chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.
3.2. Gỗ các loại (dăm gỗ, viên nén gỗ, bột gỗ, ván lạng)
KNXK đạt 791,9 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +9,2%/năm. Nguyên nhân, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính với mặt hàng dăm gỗ, chiếm tới 49% thị phần và Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng viên nén gỗ.
Mặt hàng này xuất khẩu dạng thô, chế biến ko sâu; xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu với mặt hàng đồ gỗ nội ngoại thất.
3.3. Sản phẩm may mặc
KNXK đạt 742,5 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +17,3%/năm. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng đã đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm đạt chất lượng. Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang các nước Nhật Bản, EU, Mỹ và một số nước châu Á. Đặc biệt tại thị trường Mỹ và Nhật Bản, hàng dệt may của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường.
Nguyên phụ liệu ngành may đang phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Đây là ngành giải quyết nhiều việc làm ở các địa phương, tuy nhiên đây là ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao. Hàng hóa may mặc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu chủ yếu tại các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh.
3.4. Hải sản các loại
KNXK đạt 370,9 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +0,2%/năm. Nguyên nhân tăng nhẹ là do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng hải sản của tỉnh tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông luôn ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, thủy sản Việt Nam bị gắn thẻ vàng do hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam chưa tuân thủ các quy định của IUU và sự khắc phục của Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa đủ thuyết phục Ủy ban châu Âu. Sau khi Việt Nam bị thẻ vàng, gần 100% hàng bị dừng tại hải quan châu Âu kiểm tra, gây phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm đến 20 - 30% so những với năm trước…; một số mặt hàng đặc thù của thị trường EU, khi muốn chuyển hướng thị trường rất khó khăn do bị khách hàng mới ép giá ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu hải sản trong tỉnh chỉ đáp ứng 40% nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp, doanh nghiệp đôi khi phải tranh mua với thương lái của các tỉnh. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa dám mạnh dạn đầu tư do mặt bằng sản xuất không cho phép đầu tư nâng cấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện vẫn đang làm thủ tục xuất khẩu tại các cảng của thành phố Hồ Chí Minh.
3.5. Sản phẩm bằng chất dẻo (nhựa giả mây)
KNXK đạt 267,6 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +80,8%/năm. Nguyên nhân, sản phẩm bằng chất dẻo (mặt hàng bàn ghế nhựa giả mây) đây là mặt hàng xuất khẩu mới, được thị trường ưa chuộng, KNXK mặt hàng này qua các năm đều có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng KNXK hàng năm của tỉnh. Các dự án nhà máy sản xuất bàn ghế nhựa giả mây trên địa bàn tỉnh tăng mạnh (từ 10 dự án năm 2016 lên hơn 60 dự án năm 2020); đồng thời, một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ trên địa bàn tỉnh cũng dần chuyển sang sản xuất mặt hàng này.
3.6. Sắn và các sản phẩm từ sắn
KNXK đạt 253,3 triệu USD, tốc độ tăng bình quân -18,6%/năm. Nguyên nhân, thị trường Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn (chiếm khoảng 80% thị phần xuất khẩu của Bình Định) trong những năm gần đây, do nhu cầu nhập khẩu giảm dần, đặc biệt là từ năm 2018 trở về sau. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp của tỉnh khi xuất khẩu sắn sang thị trường này.
Sắn lát là mặt hàng xuất thô, giá trị gia tăng không cao, vùng trồng sắn chiếm diện tích lớn. Thị trường xuất khẩu của mặt hàng này không ổn định.
3.7. Khoáng sản và vật liệu xây dựng
KNXK đạt 211,4 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +9,6%/năm. Nguyên nhân, chủ yếu do mặt hàng đá granite xây dựng có tốc độ phát triển khá về lượng và giá xuất khẩu; nhu cầu tại các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Bỉ tăng nên dẫn đến tốc độ tăng bình quân hàng năm tăng khá. Tuy nhiên, về lâu dài khai thác tài nguyên khoáng sản để xuất khẩu cần hạn chế.
3.8. Gạo
KNXK gạo của doanh nghiệp trong tỉnh tăng trưởng khá cao và ổn định, đạt 136,5 triệu USD, tốc độ tăng bình quân +20,1%/năm. Nguyên nhân, do sự trở lại của các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia và Indonesia; thị trường xuất khẩu đang được mở rộng sang các nước châu Phi, Hàn Quốc. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu được đa dạng hóa và từng bước chuyển hướng tích cực, giảm dần gạo chất lượng trung bình sang gạo trắng chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp đều thực hiện ở miền Nam, ghi nhận chỉ số xuất khẩu ở Bình Định.
3.9. Giày dép các loại
KNXK đạt 40,3 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân -12,7%/năm. Nguyên nhân, những năm gần đây mặt hàng da giày tuy có đơn hàng nhưng khối lượng từng đơn hàng không lớn, giá trị xuất khẩu thấp. Hơn nữa, việc thiếu cơ sở vật chất kiểm tra các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, thiếu các trung tâm kiểm định nên khó kiểm soát chất lượng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, doanh nghiệp phải tự gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm mất nhiều thời gian, tốn chi phí.
(kèm theo Phụ lục 01: Biểu kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)
4. Cơ cấu thị trường xuất khẩu
4.1. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh
Giai đoạn 2016-2020, gần 250 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia xuất khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục với KNXK trực tiếp đạt 4.227,6 triệu USD, chiếm 98,4% tổng KNXK toàn tỉnh. Trong đó, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bình Định, chiếm gần 50% tổng KNXK trực tiếp của tỉnh. 10 thị trường xuất khẩu lớn có KNXK chiếm tỷ trọng cao trong tổng KNXK toàn tỉnh như: Mỹ đạt 727,2 triệu USD, chiếm 17,2%; Trung Quốc đạt 693,2 triệu USD, chiếm 16,4%; Nhật Bản đạt 483,5 triệu USD, chiếm 11,4%; Đức 411,4 triệu USD, chiếm 9,7%; Hàn Quốc 293,4 triệu USD, chiếm 6,9%; Anh 197,8 triệu USD, chiếm 4,7%; Hồng Kông 188,0 triệu USD, chiếm 4,4%; Pháp 155,5 triệu USD, chiếm 3,7%; Ô-xtrây-li-a 155,5 triệu USD, chiếm 3,7%; và Philippin 99,0 triệu USD, chiếm 2,3% trong tổng KNXK trực tiếp của tỉnh.
(kèm theo Phụ lục 02: Biểu tổng hợp mặt hàng theo thị trường xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 và Phụ lục 03: Biểu tổng hợp thị trường xuất khẩu của tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020)
4.2. Đánh giá sự chuyển dịch thị trường xuất khẩu, thị trường mới
Thị trường xuất khẩu của tỉnh được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới nhờ tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP có tín hiệu tích cực. Năm 2020, tỉnh Bình Định có 155 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP, tăng 05 doanh nghiệp so với năm 2019. Có 16 mặt hàng xuất khẩu sang tất cả 10 nước thành viên CPTPP với tổng KNXK ước đạt 179,5 triệu USD, trong đó sản phẩm dệt may có KNXK nhiều nhất, đạt 60,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 33,6% trong tổng KNXK sang thị trường các nước thành viên CPTPP.
Đối với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lâm sản, hải sản, dệt may… Năm 2020, Bình Định có 170 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường các nước thành viên EVFTA, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2019. Doanh nghiệp Bình Định đã xuất khẩu 09 mặt hàng sang 25/27 nước thành viên EVFTA (trừ Síp và Luc-xăm-bua) với tổng KNXK đạt 224,6 triệu USD, tăng 30,8% so với năm 2019, trong đó, sản phẩm gỗ tinh chế nội ngoại thất có KNXK nhiều nhất chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng KNXK sang thị trường các nước thành viên EVFTA.
5. Thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu
- Kinh tế nhà nước: KNXK đạt 157,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,7% tổng KNXK, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn +3,7%/năm;
- Doanh nghiệp ngoài nhà nước: KNXK đạt 3.717,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 86,6% tổng KNXK, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn +9,1%/năm;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: KNXK đạt 419,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,7% tổng KNXK, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn +16,1%/năm.
Các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều có bước tăng trưởng, trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong phát triển xuất khẩu của tỉnh với tỷ trọng 86,6% trong tổng KNXK toàn tỉnh, tiếp đến là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các dự án hoạt động sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài có thế mạnh của tỉnh như lâm sản, dệt may ngày càng nhiều góp phần vào sự tăng trưởng chung kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
6. Đóng góp của hàng hóa xuất khẩu đối với kinh tế - xã hội của tỉnh
Ngoài đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Ở khía cạnh khác, hoạt động xuất khẩu đã thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác như dịch vụ vận tải, giao nhận, bốc dỡ,...
Phát triển xuất khẩu thúc đẩy nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng các cảng biển, đặc biệt là Cảng Quy Nhơn; các khu, cụm công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế tỉnh... Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định không chỉ đóng góp vào tăng trưởng, phát triển của tỉnh mà còn góp phần vào tăng trưởng, phát triển của vùng.
III. ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH HÀNG HÓA XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH
1. Năng lực cạnh tranh của một số mặt hàng xuất khẩu chính
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có khả năng cạnh tranh ngày càng tăng, KNXK năm sau luôn cao hơn năm trước như: nông sản, hải sản, đồ gỗ, sản phẩm gỗ các loại, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây... do doanh nghiệp chú trọng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là lợi thế về giá khi tham gia các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA, UVFTA...Hàng xuất khẩu của tỉnh Bình Định đã có mặt ở 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm xuất khẩu nào của Bình Định có thương hiệu mạnh trên thế giới.
2. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từng bước được khẳng định và nâng cao, đặc biệt đối với những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chế biến nông, lâm, hải sản và hàng công nghiệp chế biến tiêu dùng.
Đã có các doanh nghiệp chú trọng đến việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo hệ thống ISO 9000, HACCP, GMP, SSOP, FSC....Các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử đã được quan tâm. Ngoài một số doanh nghiệp sử dụng vốn tự có để tham gia hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp của mình, hàng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các doanh nghiệp để tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, góp phần quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Các hiệp hội ngành hàng đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, bước đầu đã có những tác dụng tích cực, đem lại hiệu quả nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, chế biến, nuôi trồng, lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm từ nông, lâm, hải sản của tỉnh còn thiếu hoặc đã có nhưng năng lực hoạt động thấp dẫn đến tăng chi phí, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Công tác dự báo nhu cầu, nắm bắt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường còn hạn chế; kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ kiện và tranh chấp thương mại cũng còn ít. Trong khi đó ngày càng xuất hiện những rào cản chống bán phá giá, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nước nhập khẩu, điều này gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
3. Năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Một số chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn; hệ thống đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước và dịch vụ công được triển khai; xây dựng các kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phân tích, dự báo thị trường; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Công tác cảnh báo các quy định về rào cản thương mại và những vấn đề phát sinh đối với xuất khẩu hàng hóa được tăng cường.
UBND tỉnh và các sở ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại quốc tế, các cam kết, hiệp định thương mại tự do và chính sách xuất nhập khẩu; đề xuất cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu...Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để kết nối trực tiếp với khách hàng. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế như: Alibaba.com, Amazon.com,... để giới thiệu, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm.
Có hơn 150 doanh nghiệp làm dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh với các dịch vụ như: Vận tải, thông quan, bốc xếp chuyển tải, bưu chính…Tuy nhiên, doanh nghiệp dịch vụ Logistics của tỉnh còn rời rạc, chưa có doanh nghiệp lớn, hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số dịch vụ thông quan doanh nghiệp phải làm thủ tục ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
4. Kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Bình Định có Quốc lộ 1 chạy dọc theo trục Bắc Nam dài hơn 100 km. 03 tuyến đường kết nối Đông Tây đó là các tuyến quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1 dài gần 18km, đường kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định dài hơn 14,3km, tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5km. Đường ven biển đoạn từ TP Quy Nhơn ra đến Cầu Đề Gi. Ngoài ra còn có đường sắt Bắc Nam chạy qua Bình Định.
Cảng hàng không Phù Cát đã được đầu tư nâng cấp hiện đại, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm; Cảng Quy Nhơn có lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm hơn 10 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh còn có các cảng cá lớn như: Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn, Nhơn Lý.
Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 14.308ha, các Khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội có tổng diện tích gần 1.000 ha đã đi vào hoạt động, 45 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hạ tầng phục vụ xuất khẩu của Bình Định tương đối tốt, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, nhất là hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp, bến bãi, cảng cá; Bình Định chưa có cảng cạn (ICD).
5. Kết quả triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển xuất khẩu
Trên cơ sở Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2015, định hướng đến 2020, UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tham mưu đề xuất việc cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Sở Công Thương thường xuyên liên hệ trực tiếp đến Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường ngoài nước chủ động nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; thông tin đến các Hiệp hội và doanh nghiệp để có phản ứng kịp thời.
IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Đánh giá chung về kết quả hoạt động xuất khẩu tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
Mặc dù năm cuối của giai đoạn 2016-2020 bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhưng nhìn chung hoạt động xuất khẩu của cả giai đoạn vẫn có bước phát triển, tăng trưởng khá. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hàng hóa xuất khẩu ngày càng có vị thế trên thị trường các nước, trong đó thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU chiếm tỷ trọng cao trong tổng KNXK của toàn tỉnh. Tổng KNXK cả giai đoạn đạt 4,294 tỷ USD, hàng xuất khẩu của tỉnh đã vươn đến 128 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trên địa bàn tỉnh có gần 250 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đa số là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng KNXK toàn tỉnh.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thay đổi theo chiều hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô, khoáng sản sang sơ chế, gia công, tinh chế. Các mặt hàng qua gia công, chế biến, chế tạo thế mạnh của tỉnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông sản, hải sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây… chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tỷ lệ xuất khẩu khoáng sản, sản phẩm thô có xu hướng giảm dần, đặc biệt là khoáng sản titan các loại, sản phẩm sắn lát.
2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
Khả năng đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá tiếp thị sản phẩm và khả năng tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp còn hạn chế; dễ bị tổn thương khi các nước nhập khẩu áp dụng hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Hạ tầng phục vụ xuất khẩu như các khu, cụm công nghiệp; cầu đường, bến bãi, cảng cạn, cảng biển chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dịch vụ Logistics của tỉnh còn rời rạc, chưa có doanh nghiệp lớn, hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực bốc xếp, vận chuyển, thông quan hàng hóa còn ở mức độ khiêm tốn. Một số dịch vụ thông quan doanh nghiệp phải làm thủ tục ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian (sản phẩm gỗ, may mặc); đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chưa đăng ký thương hiệu sản phẩm trên thị trường thế giới.
Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh phần lớn phải nhập khẩu hoặc thu mua ngoài tỉnh như: gỗ, hải sản, nguyên phụ liệu may mặc.
Hầu hết sản phẩm xuất khẩu chỉ qua sơ chế hoặc gia công chế biến không sâu; chưa có sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chất xám, công nghệ cao.
Những tháng cuối năm 2019 cho đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cũng như trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Việc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, hạn chế đi lại làm hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài bị chậm lại. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam, trong đó có Bình Định.
2.2. Nguyên nhân
Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về vốn nên hạn chế trong đầu tư mở rộng, nâng cấp công nghệ, xây dựng thương hiệu; dễ tổn thương khi gặp các hàng rào kỹ thuật mới, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong những năm qua, mặc dù tỉnh Bình Định đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cả tỉnh nói chung và hạ tầng phục vụ xuất khẩu nói riêng nhưng do ngân sách có hạn, chưa huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước nên việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn hàng xuất khẩu của Bình Định còn chưa dồi dào, phong phú, đang dạng để thu hút các doanh nghiệp logistics lớn về đầu tư; các bộ, ngành chưa quan tâm hỗ trợ các dịch vụ thông quan cho tỉnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh chưa có những nhãn hàng mạnh, nổi tiếng trên thế giới để xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng.
Vùng trồng cây gỗ lớn, vùng nuôi trồng hải sản còn hạn chế nên chưa thể chủ động nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu các ngành chủ lực của tỉnh.
Chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng xuất khẩu mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng chất xám, công nghệ cao.
PHẦN II
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU CỦA TỈNH
1. Nhận diện điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định
1.1. Về điểm mạnh
Bình Định có thế mạnh để phát triển xuất khẩu và thương mại từ vị trí địa lý, địa hình thuận lợi, có đủ 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển) tạo điều kiện để Bình Định khai thác các thế mạnh về tiềm năng lao động, đất đai, các nguồn tài nguyên cho việc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, giao thương với các tỉnh trong nước và quốc tế; có nhiều công trình đầu mối hạ tầng quốc gia đã, đang và sẽ được xây dựng như: các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, cảng biển, đường hàng không, sân bay Phù Cát... Đây là những điều kiện thuận lợi giúp Bình Định phát triển thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bình Định có bờ biển dài 134 km, có tiềm năng phát triển cảng biển và khai thác các nguồn lợi khác từ biển như đánh bắt, nuôi trồng hải sản... các yếu tố đó tạo nền tảng phát triển dịch vụ logistics.
1.2. Điểm yếu
Doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Bình Định hầu hết có quy mô nhỏ và vừa nên tiềm lực tài chính, kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực… thiếu và yếu.
Thị trường lao động còn thiếu quản lý giỏi, lao động chất lượng cao. Chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, các khu vực và các ngành kinh tế. Lao động chưa năng động, sáng tạo, kỷ luật lao động còn hạn chế.
Có những thủ tục xuất khẩu doanh nghiệp Bình Định phải thực hiện tại các cảng của Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh gây phát sinh thêm nhiều chi phí, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia có lượng hàng thông quan hàng năm trên 10 triệu tấn năm, nhưng diện tích, cơ sở hạ tầng cảng bị hạn chế về bãi tập kết hàng hóa, container..., do đó khó phát huy tối đa các tiềm năng của Cảng cũng như lợi thế cạnh tranh tổng hợp của địa phương.
Bình Định chưa có một trung tâm hội chợ triển lãm quy mô lớn cho các ngành hàng xuất khẩu trên địa bàn nên khó thu hút khách hàng quốc tế đến thăm làm việc và đặt hàng.
1.3. Cơ hội
Bình Định có vị trí địa lý chiến lược là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông bắc Campuchia và Thái Lan; nằm trên hành lang Trung Quốc - ASEAN, hành lang kinh tế Đông - Tây, một vị trí thuận lợi giúp nắm bắt thị trường to lớn này và là một cửa ngõ giao thương Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc.
Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (bao gồm 5 tỉnh thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định), là vùng có bờ biển kéo dài, có vị trí có thể xây dựng cảng biển lớn để tập trung phát triển các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế mở nhằm lan tỏa, kích thích kéo theo sự phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Do đó, tỉnh Bình Định với lợi thế riêng sẽ là thị trường tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu. Trong chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn quốc tế, Việt Nam là lựa chọn số một trong đó có Bình Định.
Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các Hiệp định có hiệu lực và lộ trình giảm thuế là cơ hội cho các ngành hàng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới.
1.4. Thách thức
Kinh tế chính trị xã hội của nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Bình Định.
Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu xảy ra quyết liệt, các sản phẩm hàng nông, lâm, hải sản xuất khẩu của Bình Định đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… vì các nước này có sản phẩm cùng loại với Việt Nam nhưng có lợi thế hơn do ứng dụng cô ng nghệ hiện đại từ khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến, chất lượng hàng hóa cao, hệ thống logistics tốt, giá rẻ và hậu mãi tốt.
Các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh buộc phải đáp ứng hàng loạt những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắt khe về kỹ thuật, chất lượng, tiêu chuẩn môi trường, lao động, xã hội..., do đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tồn tại và phát triển của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Các quy định phòng vệ thương mại của Chính phủ tại các thị trường chính như Mỹ, EU... sẽ tác động rất lớn đến định hướng xuất khẩu và giá trị kim ngạch xuất khẩu của một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng trên địa bàn tỉnh (đồ gỗ tại Hoa Kỳ, hải sản tại EU...).
2. Nhận dạng phương án chiến lược cho phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới
Phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do đó cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Huy động mọi nguồn lực tham gia vào phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định theo hướng hiện đại dựa trên cơ cấu ngành hợp lý; thu hút, đào tạo lao động chất lượng cao, tạo việc làm mới; dẫn dắt sản xuất theo nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng hóa xuất khẩu Bình Định; tiếp tục duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đồng thời phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới có hàm lượng công nghệ, chất xám và giá trị gia tăng cao.
Linh hoạt trong chuyển đổi thị trường xuất khẩu; sớm nhận diện và có giải pháp phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thu hút các nguồn hàng xuất khẩu theo trục Đông-Tây và các tỉnh lân cận xuất khẩu tại cảng Quy Nhơn. Tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu đồng bộ, đáp ứng định hướng phát triển xuất khẩu.
Phát triển mạnh lĩnh vực thương mại điện tử, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Định.
II. DỰ BÁO XU HƯỚNG VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU TỈNH
1. Dự báo tình hình xuất khẩu trong nước
Theo Quyết định 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 5 - 6%/năm.
Kinh tế vĩ mô ổn định; Việt Nam đang là tâm điểm của các dòng vốn FDI; các chính sách xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ, của Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp Bình Định.
2. Dự báo xu hướng thương mại thế giới
Mỹ và Châu Âu có thể đang đi vào một cuộc khủng hoảng mới, trong khi các nền kinh tế khác vẫn đang phục hồi sau đại dịch. Xung đột ở U-crai-na làm tăng giá năng lượng và lạm phát toàn cầu. Triển vọng kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro lớn từ động thái thắt chặt tiền tệ diễn ra nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn duy trì chính sách zero-covid gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cạnh tranh các nước lớn Mỹ-Trung, Mỹ-Nga đang cản trở quá trình này, gây gián đoạn, mất cân đối cung cầu toàn cầu. Các nước đang phát triển như Việt Nam cần lưu ý trong nguồn gốc nhập khẩu nguyên vật liệu và thị trường xuất khẩu.
Trước mắt có thể nhận thấy thương mại thế giới đang chậm lại, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
3. Dự báo tình hình triển khai các dự án đầu tư phục vụ xuất khẩu trong tỉnh
Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đang thi công có quy mô hơn 1.000 ha, tập trung thu hút các ngành nghề: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, công nghiệp tiêu dùng, điện tử, nội thất, công nghiệp ô tô, dệt may…Hiện đã có Tập đoàn Kurz của Đức đầu tư nhà máy 40 triệu USD tại đây sẽ cho ra sản phẩm màng mỏng công nghệ cao để xuất khẩu. Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định hứa hẹn sẽ là dự án đem lại nhiều mặt hàng mới có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo đột phá xuất khẩu của tỉnh.
Khu liên hợp Gang thép Long Sơn ở thị xã Hoài Nhơn, với tổng vốn 53.500 tỷ đồng. Dự án sẽ chia thành 3 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn một dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm 2024. Đi kèm dự án này là dự án Khu bến cảng Hoài Nhơn gần 500 ha mặt đất và mặt biển làm cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của nhà máy và hướng đến làm cảng tổng hợp trong tương lai, tổng vốn làm cảng khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là những đại dự án hứa hẹn tăng mạnh KNXK của tỉnh.
Ngoài ra, nhiều dự án đang đầu tư tại Khu kinh tế tỉnh về dược phẩm, chế biến gỗ, đá thạch anh …các dự án của TMA, FPT cũng hứa hẹn đem lại các sản phẩm xuất khẩu với hàm lượng chất xám, công nghệ cao.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Quan điểm
Phát triển xuất khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường; gắn với đầu tư phát triển trên cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh; trên cơ sở có sự tham gia của các cơ quan quản lý; công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên; phát triển xuất khẩu ngày càng thân thiện môi trường.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Nâng cao kim ngạch xuất khẩu; phát triển xuất khẩu hàng hóa bền vững, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường, phát huy lợi thế cạnh tranh và so sánh; xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Bình Định, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn giai đoạn 2021-2030 ước đạt 17,716 tỷ USD; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,918 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 9,798 tỷ USD.
- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn giai đoạn 2021-2030 là 7,2%/năm; trong đó giai đoạn 2021-2025 là 8,9%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 5,4%/năm. (Phù hợp với Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Chính phủ)
3. Định hướng phát triển
3.1. Định hướng chung
- Duy trì tăng trưởng KNXK các mặt hàng chủ lực truyền thống của tỉnh như: Đồ gỗ nội, ngoại thất, may mặc, hải sản, vật liệu xây dựng, sản phẩm chất dẻo.…
- Đối với các mặt hàng xuất khẩu dạng thô, khai thác tài nguyên, thâm dụng lao động cần giảm dần tỷ lệ trong cơ cấu hàng xuất khẩu; phát triển các mặt hàng giá trị gia tăng cao dần chiếm tỷ trọng đáng kể.
3.2. Định hướng cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực
* Mặt hàng gỗ (đồ gỗ và gỗ các loại)
Quyết định số 327/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 3 năm 2022 phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030” đã nêu rõ quan điểm: Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ; Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó, định hướng phát triển xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh Bình Định đó là:
- Giai đoạn 2023-2025, chủ động nguồn nguyên liệu gỗ trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa bằng việc tăng diện tích rừng trồng, kết hợp tuân thủ nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu gỗ nguyên liệu để bảo đảm sản phẩm gỗ xuất khẩu của Bình Định có xuất xứ rõ ràng, nguồn gốc hợp pháp, tránh tình trạng bị kiện về xuất xứ và gian lận thương mại. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm "gỗ Bình Định" có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, với các nhóm sản phẩm chính như: Bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá để sách, các loại ván sàn; ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế bang, dù che nắng; viên nén, dăm gỗ (hạn chế).
Giữ ổn định và tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời khai thác hiệu quả cơ hội của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như Philippin, Canada, các nước khu vực EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ…, tìm kiếm các thị trường mới khu vực Châu Đại Dương nhằm hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
- Giai đoạn 2026-2030, thông qua đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ chế biến quy mô lớn, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển và hiện đại hóa công nghệ chế biến quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống, từ đó đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, bên cạnh các sản phẩm gỗ nội thất gia đình, văn phòng và sản phẩm ngoại thất, phát triển thêm các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao để tăng kim ngạch và nâng cao hiệu quả xuất khẩu:
+ Nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo: Ván ghép thanh, ván dán, ván dăm, ván lạng, ván MDF.
+ Nhóm sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền chắc, tiết kiệm gỗ: Song mây, tre, trúc, nhựa, kim loại, vải, da.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu chính và các thị trường tiềm năng theo các nhóm sản phẩm gỗ để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về gỗ, sản phẩm "gỗ Bình Định ", tích cực tham gia các hội chợ triển lãm thương mại gỗ trong và ngoài nước, cũng như các hội nghị quốc tế ngành chế biến gỗ để mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ sang các thị trường tiềm năng như Malaysia, Đài Loan, Đức, Singapore, Úc, New Zealand, Anh...
Ngoài ra, trong thời gian đến UBND tỉnh ban hành chính sách phát triển cây gỗ lớn để tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu gỗ trong tỉnh và thu mua trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa, đẩy nhanh việc áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến gỗ xuất khẩu. Kết hợp tuân thủ nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu gỗ nguyên liệu để bảo đảm sản phẩm gỗ xuất khẩu của Bình Định có xuất xứ rõ ràng, nguồn gốc hợp pháp, tránh tình trạng bị kiện về xuất xứ và gian lận thương mại.
Phấn đấu đến năm 2025 KNXK mặt hàng gỗ đạt gần 850 triệu USD, đến 2030 đạt trên 1,056 tỷ USD.
* Sản phẩm may mặc
- Giai đoạn 2023- 2025, đầu tư xây dựng thương hiệu, nhận diện thương hiệu thời trang của tỉnh; lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho sự phát triển của ngành, tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt, may mặc trên cơ sở tăng cường đầu tư công nghệ dệt nhuộm vải, công nghệ cắt may và các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của các nước nhập khẩu khó tính để duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm có sức mua lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ và một số nước khu vực châu Á.
- Giai đoạn 2026-2030, chú trọng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tăng cường đầu tư cho khâu thiết kế, nghiên cứu mẫu mã, kiểu dáng, mốt thời trang quốc tế, nắm bắt kịp thời xu thế trong ngành thời trang, từ đó gia tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng dệt may thời trang cao cấp nhằm nâng cao giá trị KNXK. Chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới phương thức kinh doanh thay cho việc mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới tiềm năng như Canada, Hàn Quốc, Australia, thị trường khu vực châu Phi; đồng thời chú trọng phát triển các thị trường nhỏ lẻ nhưng đóng vai trò là trung tâm mua sắm của khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thụy Sĩ, Anh…
Đầu tư xây dựng thương hiệu, nhận diện thương hiệu thời trang của tỉnh, nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của các nước nhập khẩu khó tính để duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Phấn đấu đến năm 2025 KNXK mặt hàng may mặc đạt 306 triệu USD, đến 2030 đạt trên 406 triệu USD.
* Sản phẩm bằng chất dẻo (nhựa giả mây)
Đây là ngành vừa mang tính thành phẩm, vừa là đầu vào "trung gian” cho nhiều ngành sản xuất khác, do đó cần ưu tiên đầu tư phát triển, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại gắn với thiết kế mẫu mã mới để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
- Giai đoạn từ nay đến năm 2025, cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, từ các sản phẩm đồ nhựa gia dụng, sản phẩm nhựa dùng trong xây dựng, đến các sản phẩm cao su, bao bì đóng gói các loại, tấm bạt nhựa…; ưu tiên sản xuất các loại linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng và vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, từ đó tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường các nước công nghiệp phát triển khu vực EU, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
- Giai đoạn 2026-2030, chú trọng vào khâu thiết kế mẫu mã và đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để tăng nhanh quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng so với các sản phẩm bằng chất dẻo cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất xanh, sạch, việc thu gom, tái chế rác thải nhựa là rất cần thiết. Do đó, cần khuyến khích đầu tư các khu công nghiệp tái chế chuyên ngành nhựa, hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế nhựa theo hình thức liên doanh, liên kết có quy mô thích hợp, tái chế nhựa trên cơ sở đảm bảo an toàn môi trường theo chứng chỉ quốc tế, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Phấn đấu đến năm 2025 KNXK sản phẩm bằng chất dẻo đạt 200 triệu USD, đến 2030 đạt trên 275 triệu USD.
* Hải sản các loại
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tăng sản lượng thủy sản nuôi, giảm sản lượng khai thác ven bờ và nhất là chấm dứt tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp nhằm bảo đảm duy trì trữ lượng nguồn lợi hải sản, hạn chế rủi ro thiên tai, đảm bảo nguồn nguyên liệu thủy sản có chất lượng, hợp pháp phục vụ chế biến xuất khẩu và đáp ứng quy định về Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu (EU), từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường EU đối với các sản phẩm hải sản khai thác của Bình Định. Tập trung nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm thủy sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.
- Giai đoạn 2026-2030, đẩy mạnh phát triển xuất khẩu thủy sản theo hướng đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu (tôm, cá ngừ, cá ngừ sọc dưa,...), chú trọng các mặt hàng mới chất lượng cao, các mặt hàng có hàm lượng chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp có giá trị gia tăng cao. Mở rộng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường tiềm năng như Anh, Canada, Úc, các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Israel, các thị trường đã ký FTA với Việt Nam để tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và phân tán rủi ro khi có những biến động thị trường.
Quan tâm đầu tư cho hạ tầng nghề cá; quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp chế biến hải sản tập trung.
Phấn đấu KNXK mặt hàng hải sản hàng năm đạt trên 167 triệu USD.
* Khoáng sản và vật liệu xây dựng
Thời gian tới, giảm nhanh tỷ lệ xuất khẩu các loại quặng thô và sơ chế. Vật liệu xây dựng vẫn được xác định là nhóm hàng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển xuất khẩu như đá granite của Bình Định.
- Giai đoạn từ nay đến năm 2025, vật liệu xây dựng vẫn được xác định là nhóm hàng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển xuất khẩu với tốc độ nhanh trên cơ sở đa dạng hóa mặt hàng, với các chủng loại vật liệu xây dựng có tiềm năng xuất khẩu lớn của tỉnh như đá granite, đá xây dựng, gạch ốp lát và một số vật liệu xây dựng có nguồn gốc tự nhiên khác... Do vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ giá xuất khẩu ở mức khá, duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu để gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ.
- Giai đoạn 2026-2030, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp để tăng nhanh quy mô và hiệu quả xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và củng cố phát triển các thị trường xuất khẩu chính khu vực Tây Á (Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-Út, I- xra-en, Li-băng), Nam Âu và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu; tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh, trên cơ sở tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường thế giới, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả.
Phấn đấu KNXK mặt hàng khoáng sản các loại hàng năm đạt trên 25 triệu USD.
* Giày dép các loại
Thu hút các nhà đầu tư mới, có khả năng đầu tư nhà xưởng hiện đại, có thương hiệu mạnh, thiết kế kiểu dáng, tạo mẫu sản phẩm mang tính thời trang.
Phấn đấu KNXK mặt hàng giầy dép các loại đạt từ 4,1-4,5 triệu USD.
* Mặt hàng gạo
Trong thời gian tới, tập trung nâng cao chất lượng và hàm lượng chế biến đem lại giá trị gia tăng cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt Nam.
Phấn đấu KNXK mặt hàng gạo hàng năm đạt từ 20-25 triệu USD.
* Sắn và các sản phẩm từ sắn
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tập trung đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ để nâng cao công suất, tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu sắn.
Giai đoạn 2026-2030, mở rộng hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ sắn và tinh bột sắn, các sản phẩm sau tinh bột để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm xuất khẩu. Mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, tăng dần quy mô xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Philippin, Nhật Bản và Pakistan...
Giảm dần xuất khẩu sắn lát, tăng chế biến sâu bột sắn tạo ra các sản phẩm từ sắn có giá trị gia tăng cao.
Phấn đấu đến năm 2025 KNXK sản phẩm sắn và các sản phẩm từ sắn đạt từ 45- 50 triệu USD.
* Các mặt hàng có hàm lượng chất xám, công nghệ và giá trị gia tăng cao, mặt hàng xuất khẩu mới
Giai đoạn từ nay đến năm 2025: Tập trung đầu tư công nghệ nhằm tăng tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu và hàng công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, từ đó tạo tiền đề vững chắc nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu cho giai đoạn tiếp theo.
- Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định để thu hút các nhà đầu tư có chất lượng tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mới, giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất phần mềm, AI của FPT, TMA…
- Tập trung nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế về điều kiện tự nhiên: Nông sản (Xoài, dưa hấu, dừa tươi uống nước, ớt, bưởi da xanh), nông sản chế biến (hạt điều; bún khô và bánh tráng…); Chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản (bột cá) để hướng đến xuất khẩu chính ngạch.
Giai đoạn 2026-2030: Tập trung phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, tăng cường ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phần mềm, AI… để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu.
- Các mặt hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu, sản phẩm tinh chế cao cấp có giá trị gia tăng cao được sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm (thuốc điều trị ung thư, dịch truyền; tinh dầu cá, thực phẩm chức năng chứa vi chất,…).
- Các mặt hàng công nghiệp, điện tử, cơ khí chế tạo.
Phấn đấu đến năm 2025, các sản phẩm có chất xám, hàm lượng công nghệ cao xuất khẩu của tỉnh đạt 64 triệu USD, đến năm 2030 đạt gần 200 triệu USD.
(kèm theo Phụ lục 04: Biểu kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu mới tỉnh Bình Định từ nay đến năm 2030)
3.3. Định hướng thị trường xuất khẩu
* Dự báo thị trường xuất khẩu các nhóm, mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Bình Định trong thời gian tới như sau:
TT |
Thị trường |
Định hướng |
Sản phẩm |
1 |
ASEAN |
Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN, tham gia hợp tác tạo cơ hội phát triển xuất khẩu |
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; nhóm hàng nông, lâm, hải sản, vật liệu xây dựng… có thế mạnh của tỉnh như đồ gỗ, đá granite. |
2 |
Đông Bắc Á |
Đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản |
Nhóm hàng dệt may, sắn và các sản phẩm từ sắn, các nhóm hàng tôm đông lạnh, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông sản, đá granite, phần mềm, AI, chế biến chế tạo công nghệ cao |
3 |
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan |
Giảm dần nhập siêu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô |
Nhóm hàng nông, hải sản, hạt điều, sắn lát, lâm sản (gỗ, dăm gỗ); nhóm hàng khoáng sản qua chế biến… |
4 |
Châu Đại Dương |
Xuất khẩu sang thị trường Ô-xtrây-li-a và Niu-Di-Lân |
Phát triển xuất khẩu nhóm hàng may mặc, da giày, sản phẩm cao su, đồ gỗ, hải sản. |
5 |
Châu Âu |
Duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Ý và các nước thành viên EVFTA, UVFTA. |
Xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao (phần mềm, AI, chế biến chế tạo…), khai thác tốt lợi thế về thuế từ EVFTA, UVFTA cho nhóm hàng giày dép, may mặc, đồ gỗ (ngoại thất, nội thất), hải sản, sắt thép. |
6 |
Châu Mỹ |
Mở rộng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Mê-hi- cô, Ac-hen-ti-na, Bra- xin, Chi Lê, Pê-ru. |
Nhóm hàng may mặc, da giày, đồ gỗ, hải sản. Tạo mặt hàng mới: Phần mềm, AI, chế biến chế tạo công nghệ cao |
7 |
Châu Phi |
Ai Cập, Angiêri, Cộng hòa Nam Phi, Ăng-gôla, Mô-dăm- bích, Công-gô |
Mặt hàng may mặc, giày dép, hải sản. |
8 |
Tây Á |
Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-Út, I-xra- en, Li-băng. |
Các mặt hàng nông sản các loại, may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ, hải sản, đá granite. |
9 |
Nam Á |
Thị trường Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la- đét và Xri Lan-ca. |
Các mặt hàng nông sản, hải sản, sản phẩm gỗ. |
3.4. Định hướng nâng cao năng lực hỗ trợ xuất khẩu
Tiếp tục cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu.
Tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trực tuyến hoặc qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazone. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng.
Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hiệp hội, doanh nghiệp về cam kết của Việt Nam cũng như cam kết của các đối tác trong các FTA liên quan đến từng ngành, lĩnh vực.
Tạo sự gắn kết để trao đổi thông tin, định hướng phát triển cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics của tỉnh.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Huy động nguồn lực phát triển xuất khẩu
1.1. Về huy động vốn đầu tư
Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển xuất khẩu từ nguồn vốn của doanh nghiệp, bao gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, vốn liên doanh, liên kết…Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh ưu tiên vốn vay cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.
Ngân sách Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và xuất khẩu nói riêng.
1.2. Về phát triển nguồn nhân lực
Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu phải xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực một cách cụ thể, trong từng giai đoạn nhất định, nhất là phát triển nhân lực trình độ cao. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng các cơ sở đào tạo, các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo một cách hệ thống, chuyên sâu về nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, về hội nhập kinh tế quốc tế, chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên và người lao động; mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo và học tập kinh nghiệm giữa các công ty trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài để tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Đặc biệt chú trọng đào tạo đối với nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp, đây là ngành đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu.
1.3. Về chuyển giao và phát triển công nghệ
Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ công lập của tỉnh tăng cường chuyển giao các nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường chính sách hỗ trợ một phần kinh phí về đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực chế biến sâu, từng bước hiện đại hóa công nghiệp chế tạo; cơ giới hóa, tự động hóa các công đoạn cần nhiều lao động và lao động nặng nhọc, thay thế dần các dây chuyền thiết bị lạc hậu, công nghệ cũ.
2. Hỗ trợ phát triển xuất khẩu của tỉnh
2.1. Về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại
Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại dài hơi (thời gian vài năm) hướng vào một vài mặt hàng, một vài thị trường trọng điểm cho tới khi đạt kết quả cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại quốc tế trong tỉnh.
Hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại tương xứng với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tích cực tham gia triển lãm các sản phẩm mới tại các hội chợ trong và ngoài nước.
Có cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh trên thị trường quốc tế.
2.2. Về phát triển sản phẩm mới và hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh
a) Đối với nhóm hàng mới
Thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm cả về sản lượng và chủng loại là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp logistics chất lượng đến Bình Định đầu tư.
Khuyến khích các doanh nghiệp mở ra các mặt hàng xuất khẩu mới có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chất xám công nghệ cao.
Sớm đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định. Có giải pháp để các Công ty TMA, FPT ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng hóa tại Bình Định.
b) Đối với nhóm hàng chủ lực (gỗ, chất dẻo, may mặc, hải sản, vật liệu xây dựng)
Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến..., giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động... nhằm hạ giá thành sản phẩm, tận dụng tối đa nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu hiện có và vươn tới thị trường tiềm năng. Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp, tập trung hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án (nếu có) để sớm hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đối với nhóm hàng hải sản: chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Ổn định mặt bằng sản xuất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng.
2.3. Về phát triển thương nhân
Khuyến khích thương nhân thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
3. Về nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển xuất khẩu
3.1. Thể chế môi trường kinh doanh
Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Đẩy mạnh cải cách hành chính một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, chất lượng, hiệu quả mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp.
Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và khuyến khích hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh.
3.2. Cơ sở hạ tầng
Quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu như: cầu đường, khu, cụm công nghiệp, bến bãi, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, kho chứa hàng hóa...
Đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh đủ tầm tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế.
3.3. Phát triển các loại hình dịch vụ logistics
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics, chú trọng thu hút các doanh nghiệp logistics có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính về đầu tư tại Bình Định. Hình thành trung tâm logistics của vùng, đóng vai trò kết nối giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và các nước trong khu vực thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Thành lập Hiệp hội logistics Bình Định khi hội đủ điều kiện, để trao đổi thông tin, tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp logistics của tỉnh.
3.4. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xuất khẩu để cung cấp thông tin thị trường đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống về các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và chống trợ cấp của các nước là thị trường xuất khẩu của tỉnh; kết quả cảnh báo các lô hàng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn vệ sinh tại các thị trường nhập khẩu, tránh tối đa việc hàng hóa xuất khẩu sang mới bị kiểm tra rồi trả lại, hoặc nằm lưu kho quá lâu để chờ các thủ tục giải quyết theo quy định.
4. Nhiệm vụ và giải pháp khác
4.1. Quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu
Các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh phối hợp trong triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu. Ban hành chính sách đầu tư mang tính bền vững theo nguyên tắc cùng chia sẻ quyền lợi giữa các bên tham gia thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, ổn định diện tích các vùng nguyên liệu theo đúng quy hoạch.
Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông, lâm nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… nhằm tạo nguồn cung cho sản xuất ổn định về số lượng, đồng đều về chất lượng, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm.
4.2. Liên kết phát triển nguồn hàng xuất khẩu
Đẩy mạnh các chương trình “Hợp tác thương mại” nhằm thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ giữa các khâu từ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, đến tổ chức sản xuất, bảo quản, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu thụ xuất khẩu, đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động trong từng khâu chuỗi, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường hợp tác, liên doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng quản lý, nhận hỗ trợ về tài chính, đồng thời có thêm cơ hội tiếp cận với thị trường và đối tác xuất khẩu nước ngoài.
4.3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTAs thế hệ mới, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần đổi mới tư duy quản lý để thích ứng với bối cảnh; tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình xây dựng chính sách; coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cho quá trình hội nhập hiệu quả và bền vững; thể hiện được vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu.
Có cách tiếp cận mới trong hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách phát triển xuất khẩu dựa trên cơ sở khoa học để phù hợp hơn, đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định, đồng bộ để thúc đẩy phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo nguyên tắc cơ chế thị trường, hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng ngành hàng.
Tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách. Cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cho quá trình hội nhập hiệu quả và bền vững hơn. Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm, xử lý và giải quyết những tranh chấp trong thương mại quốc tế và đối phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đối với lĩnh vực chống bán phá giá.
Tăng cường tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức từ các hiệp định FTA, từ đó tận dụng các ưu đãi thuế quan song phương giữa Việt Nam với các nước, thực hiện tốt các cam kết về lộ trình cắt giảm thuế quan theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, tiến tới doanh nghiệp có thể tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước đàm phán sâu hơn đối với các thỏa thuận ưu đãi trong các FTA.
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan. Đồng thời tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành với Hệ thống xử lý dữ liệu của ngành Hải quan.
4.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Cơ quan chức năng liên hệ chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên với các hiệp hội ngành hàng, tích cực, chủ động tham gia vào định hướng phát triển xuất khẩu; chủ động cập nhật các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các doanh nghiệp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất khẩu, đảm bảo hài hòa các mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu dựa trên nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp, từ đó xác định đối tác nhập khẩu mục tiêu, xây dựng chiến lược, kế hoạch marketing xuất khẩu phù hợp với từng khu vực thị trường.
Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin về các cam kết hội nhập, tập trung tìm hiểu và nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh của mình, cũng như các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và môi trường, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp để tuân thủ và thực thi hiệu quả, tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế rủi ro thách thức.
Các doanh nghiệp phải tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động và tận dụng tối đa nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất từ trong nước; tăng cường đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng và có tính cạnh tranh cao; tìm kiếm thị trường mới tiềm năng bên cạnh giữ vững thị trường truyền thống.
Xây dựng và triển khai các chính sách nâng cao năng lực công nghệ và quản trị doanh nghiệp, bên cạnh phương thức xuất khẩu chính ngạch truyền thống, cần phát triển các mô hình kinh doanh mới hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử xuyên biên giới, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để tiếp cận thị trường công nghệ, doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin, liên kết, hợp tác chuyển giao và khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.
PHẦN III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, BAN NGÀNH VÀ ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
1. Sở Công Thương
- Xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại liên quan đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn; chính sách hỗ trợ thương mại điện tử của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp theo Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương trong việc đào tạo lao động - cán bộ quản lý doanh nghiệp, đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
- Tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường nước ngoài, lộ trình miễn giảm thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu. Thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận và phổ biến thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các rào cản kỹ thuật trong thương mại,... phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp để ứng phó và hạn chế rủi ro, tổn thất.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hợp tác, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước; hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các Hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành và đa ngành; gặp gỡ, đối thoại với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm tình hình, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản có chất lượng của tỉnh như: Bưởi, xoài, dưa hấu, ớt…và các sản phẩm OCOP đủ điều kiện xuất khẩu.
- Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; tăng cường tập huấn, đào tạo ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phương pháp tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại, phi truyền thống như: hội chợ triển lãm trực tuyến, đào tạo trực tuyến, tìm kiếm đối tác trên không gian mạng thông qua việc thuê gian hàng của các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong việc ghi nhận giá trị xuất khẩu các mặt hàng sản xuất tại Bình Định nhưng đang tính giá trị xuất khẩu ở địa phương khác.
- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tiến độ thực hiện; đề xuất các giải pháp đảm bảo việc thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh khi phát sinh vướng mắc.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2035;
- Triển khai thực hiện các chương trình phát triển ngành, sản phẩm, chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo quy hoạch, đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm tạo nguồn hàng nguyên liệu phong phú, các sản phẩm có giá trị và lợi thế cạnh tranh để phục vụ xuất khẩu.
- Xây dựng cụ thể các kế hoạch triển khai các vùng nguyên liệu gần với nhà máy chế biến chất lượng cao; có lộ trình cụ thể cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án sản phẩm organic đế đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm; chú ý các sản phẩm tạo ra nền kinh tế tuần hoàn.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm xuất khẩu; rà soát các sản phẩm nông sản của tỉnh có lợi thế phát triển để hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản của tỉnh; tăng cường phát triển sản xuất, chế biến theo các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến: tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, ISO, HACCP...
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân liên quan; phối hợp tham mưu, đề xuất biện pháp ứng phó trước những biến động của thị trường trong nước và thế giới.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cân đối, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu, khu quy hoạch sản xuất, xuất khẩu; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp.
- Tham mưu thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); triển khai các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ logistics.
- Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Đẩy mạnh xây dựng, quản lý và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP..., xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
- Tiếp tục triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2025; khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo có tiềm năng phát triển trong một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm quy định tại các FTA có khả năng tạo ra rào cản kỹ thuật, gây khó khăn hoặc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược và chủ động tránh các rào cản kỹ thuật tiềm ẩn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ cho các sản phẩm OCOP phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt đủ điều kiện xuất khẩu.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xu thế hội nhập; tổ chức các phiên giao dịch việc làm (trong đó có các phiên lưu động) để tạo nguồn lao động có chất lượng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thúc đẩy phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng là hạ tầng chuyển phát kết hợp hạ tầng logistics phục vụ cho phát triển thương mại điện tử, xuất khẩu hàng hóa.
- Phối hợp thực hiện các biện pháp, chính sách phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội.
7. Sở Tài chính
Hàng năm, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
8. Sở Xây dựng
- Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai các định hướng, kế hoạch ngành đồng bộ với quy hoạch xây dựng, đảm bảo phục vụ xuất khẩu;
- Quy hoạch Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh có đủ tầm thực hiện các hội chợ triển lãm quốc tế, đáp ứng yêu cầu về trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ.
9. Sở Ngoại vụ
- Phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam và các tổ chức, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh tại thị trường nước ngoài.
- Phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tăng cường thông tin thị trường, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, kết nối để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
10. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
Theo dõi, tham mưu đẩy nhanh việc đầu tư kết cấu hạ tầng các Khu công nghiệp; tham mưu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp đặc biệt là các dự án đầu tư chế biến hàng xuất khẩu; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh.
11. Cục Hải quan Bình Định
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục xuất, nhập khẩu và giảm bớt thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp tục mở rộng việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis qua mạng Internet đối với các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu và chương trình e-payment (thu nộp thuế qua các ngân hàng thương mại), ký kết với các ngân hàng thương mại trên toàn quốc để thu nộp thuế nhằm thuận tiện, đơn giản cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Tăng cường sự phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để giảm thời gian thông quan, phấn đấu thủ tục hải quan trên địa bàn tiếp cận chuẩn mực của các nước tiên tiến; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do liên quan đến thủ tục Hải quan, biểu thuế xuất nhập khẩu; tiến hành đối thoại thường niên, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp.
12. Cục Thuế tỉnh
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, tập trung vào thủ tục đăng ký thuế và thủ tục kê khai thuế: dự án tập trung thu ngân sách nhà nước liên thông giữa cơ quan, thuế, hải quan, kho bạc và tài chính; dự án nộp thuế qua ngân hàng; nộp thuế qua mạng Internet; tham mưu, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương (như các biện pháp hoàn, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế...).
13. Cục Thống kê Bình Định
Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Cục Hải quan tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm thống kê số liệu xuất nhập khẩu tỉnh Bình Định nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
14. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định
Có ý kiến với Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chú trọng cho vay phát triển sản xuất, xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ tại Đề án.
- Quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; phổ biến đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nội dung các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
16. Đối với các Hiệp hội ngành hàng
- Phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển hàng xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển hàng xuất khẩu của tỉnh cho cộng đồng các doanh nghiệp để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu phù hợp.
- Tham gia xây dựng định hướng phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, nhất là những rào cản thương mại trong khu vực và thế giới cho doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại.
17. Đối với các doanh nghiệp
- Có các biện pháp cụ thể để khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu của những sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh như hàng: đồ gỗ, thủy sản, may mặc, giày dép. Bên cạnh đó, cần quan tâm khai thác các mặt hàng sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động như chế biến nông - lâm - hải sản, bàn ghế nhựa giả mây, sản phẩm may mặc, giày dép,…
- Tập trung nguồn lực cho đầu tư mới nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, trang thiết bị. Các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư đúng đắn, phù hợp khả năng tài chính và quản lý của mình, nhưng phải chú trọng trang bị công nghệ tiến bộ nhất có thể ở các khâu sản xuất then chốt quyết định chất lượng của sản phẩm và đảm bảo môi trường sinh thái tại các khu, cụm công nghiệp theo quy định hiện hành.
- Chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về những thách thức và cơ hội của các nước là thành viên WTO; nắm vững về các kiến thức pháp luật, thị trường, kinh doanh trong điều kiện hội nhập nhằm tận dụng có hiệu quả những cơ hội để chủ động trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu…
- Nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin và thương mại điện tử; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và các sản phẩm có thế mạnh ra thị trường nước ngoài, đặc biệt chú trọng công tác vận hành, duy trì hoạt động trên các Sàn giao dịch thương mại điện tử đã được xây dựng để phát huy hiệu quả.
- Cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và chuyên môn, cử cán bộ đi nghiên cứu trong nước và nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ doanh nghiệp mới có chất lượng. Song song với việc đào tạo một đội ngũ cán bộ, đội ngũ doanh nhân có năng lực phải chú trọng tạo dựng một đội ngũ công nhân đủ về số lượng, thạo về tay nghề để thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu.
KẾT LUẬN
"Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được thực hiện có vai trò rất quan trọng, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.
Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định được xây dựng trên cơ sở Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế theo chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; thực trạng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Định trong thời gian qua và tính đến những xu hướng phát triển mới trong thương mại quốc tế nhằm khai thác hiệu quả sức mạnh nội lực của từng ngành và toàn nền kinh tế, cũng như tận dụng tốt những cơ hội của quá trình hội nhập, chủ động vượt qua thách thức trong thời gian tới.
Để đạt mục tiêu phát triển hàng xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới, cần phát huy tối đa nội lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh và tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài bằng nhiều hình thức hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đổi mới và hoàn thiện công tác cải cách hành chính cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển linh hoạt nhằm động viên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX; Nghị quyết
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.
PHỤ LỤC
MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
TT |
Nội dung/nhiệm vụ |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian thực hiện |
Ghi chú |
I |
HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU |
||||
1 |
Huy động vốn đầu tư |
|
|
|
|
a |
Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Sở Tài chính, Sở Công Thương |
Hàng năm |
|
b |
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đáp ứng điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ nguồn các nguồn quỹ nhà nước |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Bình Định |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
c |
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh: tạo thuận lợi cho vay đối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, đang có tiềm năng thế mạnh và các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu; nâng hạn mức cấp tín dụng cho vay đảm bảo đủ nguồn vốn quay vòng hoạt động vào những thời điểm đã có đơn hàng theo hợp đồng nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định. |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Bình Định |
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp |
Hàng năm |
|
2 |
Phát triển nguồn nhân lực |
|
|
|
|
a |
Phối hợp với đơn vị đào tạo tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, đào tạo nghề … cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề ... |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
b |
Xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến pháp luật cho người lao động của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp |
Ban Quản lý Khu Kinh tế |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp |
Hàng năm |
|
c |
Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xu thế hội nhập; tổ chức các phiên giao dịch việc làm (trong đó có các phiên lưu động) để tạo nguồn lao động có chất lượng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các doanh nghiệp. |
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp |
Hàng năm |
|
d |
Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xuất khẩu trong việc tiếp cận với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, như hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xuất khẩu hàng hóa, mức thu thuế xuất khẩu |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp |
Hàng năm |
|
đ |
Triển khai thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
3 |
Chuyển giao và phát triển công nghệ |
|
|
|
|
a |
Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tư nhân đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và phát triển công nghệ |
Sở Khoa học và Công nghệ |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2025 |
|
b |
Triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
c |
Triển khai thực hiện các Chương trình khuyến công, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao các công nghệ, máy móc mới tiến tiên |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
d |
Xây dựng thí điểm mô hình sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm trong chế biến |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Hiệp hội ngành hàng/ UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2025 |
|
II |
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU CỦA TỈNH |
||||
1 |
Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại |
|
|
|
|
a |
Cung cấp thông tin thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu; tham gia hội nghị kết nối cung cầu do Bộ Công Thương với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu |
Thường xuyên |
|
b |
Tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ sở sản xuất, làng nghề trên địa bàn tỉnh: các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (chính sách thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài...), hệ thống quy chuẩn chất lượng hàng hóa quốc tế, các rào cản kỹ thuật, các tình huống tranh chấp thương mại, pháp luật về chống độc quyền, chống bán phá giá |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp |
Mỗi năm tổ chức từ 2-3 hội nghị, hội thảo |
|
c |
Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong nước và quốc tế (nếu có) |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
d |
Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trên thế giới (Alibaba, Amazon,…) |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
đ |
Tổ chức các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong tỉnh định hướng xuất khẩu để đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu; vận động các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế trong nước để mở rộng thị trường và phát triển thị phần xuất khẩu |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
e |
Xây dựng ấn phẩm song ngữ Việt - Anh cung cấp thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh để quảng bá, cung cấp thông tin kết nối xuất nhập khẩu |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành, các DN XNK trên địa bàn tỉnh |
2023 - 2024 |
|
2 |
Phát triển sản phẩm mới và hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh |
|
|
|
|
a |
Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
b |
Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các nội dung nhằm bảo hộ sản phẩm như đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu, kiểu dáng hàng hóa, bằng sáng chế; xây dựng thương hiệu, nhất là các sản phẩm làng nghề |
Sở Khoa học và Công nghệ |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
c |
Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến sản phẩm gỗ tinh chế nội ngoại thất |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp |
2023-2030 |
|
d |
Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác, đánh bắt thủy sản, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản, đáp ứng quy định nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu khu vực EU nhằm giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đồng thời gỡ thẻ vàng mà Hội đồng châu Âu (EC) áp đặt với ngành thủy sản |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2030 |
|
đ |
Làm cầu nối cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp cận nhau. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường thông qua việc cung cấp thông tin thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm |
Các Hiệp hội ngành hàng |
Các Ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu |
Hàng năm |
|
III |
NÂNG CAO NĂNG LỰC CUNG CẤP DỊCH VỤ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU |
||||
1 |
Thể chế môi trường kinh doanh |
|
|
|
|
a |
Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp |
Ban Quản lý Khu Kinh tế |
Sở Công Thương và các sở ngành liên quan |
2023-2030 |
|
b |
Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh thời gian qua và định hướng trong thời gian tới để xây dựng giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng, hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
c |
Rà soát, nghiên cứu, tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh xuất khẩu; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
d |
Xây dựng cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, nhằm xây dựng vùng nông nghiệp chuyên canh lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
đ |
Nghiên cứu, tham mưu đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương trong lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp |
Sở Tài chính |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
2 |
Phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư và phát triển các loại hình dịch vụ logistics |
|
|
|
|
a |
Thu hút đầu tư các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường vào các khu công nghiệp, nhằm tăng nhanh tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh |
Ban quản lý Khu Kinh tế |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
b |
Rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các phương án quy hoạch ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030 |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan |
2023-2030 |
|
c |
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh dịch vụ xuất nhập khẩu trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử |
Sở Thông tin và truyền thông |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
d |
Hướng dẫn và triển khai có hiệu quả chứng chỉ rừng (FSC), Mã số vùng trồng (PUC) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
đ |
Phát triển hệ thống kho bãi cảng cạn, bãi chứa container dọc tuyến Quốc lộ 19 mới có chức năng phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu khu vực cảng biển Quy Nhơn |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
đ |
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
e |
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, hoàn thiện hạ tầng trong các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện; đề xuất chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ đầu tư vào Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu đầu tư vào Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp |
Ban Quản lý Khu Kinh tế |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, Thành phố |
Hàng năm |
|
f |
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp theo quy hoạch trên địa bàn quản lý. |
UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Các sở, ban, ngành liên quan |
Hàng năm |
|
g |
Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch được duyệt |
UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, đơn vị có liên quan |
Hàng năm |
|
h |
Xây dựng Ấn phẩm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2024-2025 |
|
i |
Xây dựng danh mục xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
3 |
Xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại xuất khẩu và cơ sở dữ liệu về xuất nhập khẩu |
|
|
|
|
a |
Phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh có đủ năng lực để đảm nhiệm toàn bộ các hoạt động về xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về trưng bày, giới thiệu hàng hóa và dịch vụ, quảng bá, tuyên truyền thương hiệu nhằm mở rộng thị phần, phát triển thị trường xuất khẩu” |
Sở Xây dựng |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2024-2025 |
|
b |
- Xây dựng cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu của tỉnh đảm bảo đầy đủ, khoa học, kịp thời và chính xác; - Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường, sản phẩm xuất khẩu nhằm khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do bằng nền tảng thương mại điện tử |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2023-2025 |
|
IV |
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP KHÁC |
||||
1 |
Quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu |
|
|
|
|
a |
Triển khai các quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp như ngành thủy sản, ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng… |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2025 |
|
b |
Sửa đổi, bổ sung, các chính sách phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản xuất khẩu; khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo quy mô tập trung, năng suất, chất lượng cao. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Hiệp hội ngành hàng/ UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2024 |
|
c |
Tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu và ưu tiên cho những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế |
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
d |
Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP |
Sở Khoa học và Công nghệ |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
đ |
Triển khai thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
2023-2025 |
|
2 |
Liên kết phát triển nguồn hàng xuất khẩu |
|
|
|
|
a |
Xây dựng cơ chế liên kết trong sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất, đại lý thu gom với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
2023-2025 |
|
b |
Phát huy vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng để liên kết các doanh nghiệp trong hoạt động thu mua nguyên liệu, sản xuất xuất khẩu hàng hóa |
Các Hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn tỉnh |
Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
c |
Triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025 |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
d |
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần tạo chuỗi liên kết trong phát triển sản phẩm xuất khẩu |
Sở Công Thương |
Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố |
Hàng năm |
|
3 |
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước |
|
|
|
|
a |
Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
b |
Tham gia các Hội nghị, khóa tập huấn trên lĩnh vực xuất nhập khẩu do Trung ương tổ chức để nâng cao kiến thức, chuyên môn, khả năng dự đoán thị trường để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp |
Sở Công Thương |
Các Bộ ngành, các địa phương trong nước |
Hàng năm |
|
c |
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan |
Cục Hải quan Bình Định |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
2023-2025 |
|
4 |
Các nhiệm vụ khác |
|
|
|
|
a |
Tổ chức hội nghị tổng kết xuất nhập khẩu hằng năm; hội nghị sơ, tổng kết đánh giá thực hiện Đề án |
Sở Công Thương |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Hàng năm |
|
b |
Định kỳ tổ chức Buổi đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhằm nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp |
Hàng năm |
|
c |
Tăng cường giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn, bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. |
Sở Công Thương, |
Cục Hải quan tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị liên quan |
Thường xuyên |
|
PHỤ LỤC 01
BIỂU KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020, ƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Stt |
Chỉ tiêu |
Đv tính |
Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 |
Thực hiện giai đoạn 2016-2020 |
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 |
Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 |
Dự kiến giai đoạn 2026- 2030 |
Kế hoạch giai đoạn 2026-2030 |
Dự kiến giai đoạn 2021-2030 |
Vbq 2016- 2020 |
Vbq 2021- 2025 |
Vbq 2026- 2030 |
Vbq 2021- 2030 |
||||||||
2021 |
2022 |
2023 |
2024 |
2025 |
2026 |
2027 |
2028 |
2029 |
2030 |
|
|
|
|
|
|||||||
|
Tổng kim ngạch xuất khẩu |
Triệu USD |
4.500,0 |
4.294,5 |
7.918,4 |
1.418,1 |
1.550,3 |
1.600,0 |
1.650,0 |
1.700,0 |
9.798,0 |
1.758,0 |
1.840,0 |
1.942,0 |
2.048,0 |
2.210,0 |
17.716,4 |
9,5 |
8,9 |
5,4 |
7,2 |
I |
Thành phần kinh tế |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Nhà nước |
" |
|
157,5 |
188,2 |
68,2 |
45,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
100,0 |
20 |
20,0 |
20,0 |
20,0 |
20,0 |
288,2 |
3,7 |
|
|
|
2 |
Ngoài Nhà nước |
" |
|
3.717,2 |
6.889,0 |
1.203,7 |
1.335,3 |
1.415,0 |
1.445,0 |
1.490,0 |
8.488,0 |
1.528,0 |
1.600,0 |
1.682,0 |
1.768,0 |
1.910,0 |
15.377,0 |
9,1 |
9,7 |
5,1 |
7,4 |
3 |
DN có vốn đầu tư nước ngoài |
" |
|
419,8 |
841,2 |
146,2 |
170,0 |
160,0 |
180,0 |
185,0 |
1.210,0 |
210,0 |
220,0 |
240,0 |
260,0 |
280,0 |
2.051,2 |
16,1 |
8,1 |
8,6 |
8,4 |
II |
Nhóm hàng xuất khẩu |
Triệu USD |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Lâm sản |
" |
|
2.159,9 |
4.014,1 |
727,6 |
784,5 |
820,0 |
835,0 |
847,0 |
4.835,7 |
882,0 |
922,6 |
965,2 |
1.009,7 |
1.056,2 |
8.849,7 |
8,8 |
8,5 |
4,5 |
6,5 |
2 |
Công nghiệp, chế biến và TD |
" |
|
1.141,6 |
2.520,3 |
431,6 |
458,3 |
493,4 |
546,1 |
590,8 |
3.672,4 |
614,5 |
657,5 |
718,6 |
781,8 |
899,9 |
6.192,6 |
22,6 |
11,8 |
8,8 |
10,3 |
3 |
Nông sản |
" |
|
410,7 |
442,3 |
107,2 |
103,1 |
85,0 |
77,0 |
70,0 |
324,0 |
69,0 |
67,0 |
65,0 |
63,0 |
60,0 |
766,3 |
-4,8 |
-3,9 |
-3,0 |
-3,5 |
4 |
Hải sản |
" |
|
370,9 |
771,8 |
104,7 |
166,3 |
166,6 |
166,9 |
167,2 |
840,9 |
167,5 |
167,8 |
168,2 |
168,5 |
168,8 |
1.612,6 |
0,2 |
19,8 |
0,2 |
9,6 |
5 |
Khoáng sản và VLXD |
" |
|
211,4 |
170,0 |
47,0 |
38,1 |
35,0 |
25,0 |
25,0 |
125,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
295,0 |
9,6 |
-14,4 |
0,0 |
-7,5 |
III |
Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu |
Triệu USD |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 |
Sản phẩm gỗ |
" |
|
1.367,3 |
2.476,7 |
500,3 |
476,3 |
490,0 |
500,0 |
510,0 |
2.956,2 |
535,0 |
561,8 |
589,8 |
619,3 |
650,3 |
5.432,9 |
8,5 |
7,7 |
5,0 |
6,3 |
2 |
Gỗ các loại |
" |
|
791,9 |
1.537,4 |
227,3 |
308,1 |
330,0 |
335,0 |
337,0 |
1.879,5 |
347,0 |
360,9 |
375,3 |
390,3 |
405,9 |
3.416,8 |
9,2 |
9,9 |
3,8 |
6,8 |
3 |
Sản phẩm bằng chất dẻo |
" |
|
267,6 |
933,6 |
215,3 |
163,3 |
170,0 |
185,0 |
200,0 |
1.207,7 |
210,0 |
224,7 |
240,4 |
257,3 |
275,3 |
2.141,3 |
80,8 |
9,5 |
6,6 |
8,0 |
4 |
Sản phẩm may mặc |
" |
|
742,5 |
1.361,9 |
193,3 |
276,6 |
286,0 |
300,0 |
306,0 |
1.782,7 |
310,0 |
331,7 |
354,9 |
379,8 |
406,3 |
3.144,6 |
17,3 |
9,8 |
5,8 |
7,8 |
5 |
Hải sản các loại |
" |
|
370,9 |
771,8 |
104,7 |
166,3 |
166,6 |
166,9 |
167,2 |
840,9 |
167,5 |
167,8 |
168,2 |
168,5 |
168,8 |
1.612,6 |
0,2 |
19,8 |
0,2 |
9,6 |
6 |
Khoáng sản và VLXD |
" |
|
211,4 |
170,0 |
47,0 |
38,1 |
35,0 |
25,0 |
25,0 |
125,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
25,0 |
295,0 |
9,6 |
-14,4 |
0,0 |
-7,5 |
7 |
Gạo, nếp các loại |
" |
|
136,5 |
174,5 |
68,2 |
41,2 |
25,0 |
20,0 |
20,0 |
100,0 |
20,0 |
20,0 |
20,0 |
20,0 |
20,0 |
274,5 |
20,1 |
|
|
|
8 |
Sắn và các sản phẩm từ sắn |
" |
|
253,3 |
267,8 |
38,9 |
61,9 |
60,0 |
57,0 |
50,0 |
224,0 |
49,0 |
47,0 |
45,0 |
43,0 |
40,0 |
491,8 |
-18,6 |
9,0 |
-4,4 |
2,1 |
9 |
Giày dép các loại |
" |
|
40,3 |
21,8 |
5,5 |
4,1 |
4,1 |
4,1 |
4,1 |
22,0 |
4,2 |
4,3 |
4,4 |
4,5 |
4,6 |
43,8 |
-12,7 |
-3,7 |
2,3 |
-0,7 |
10 |
Sản phẩm từ sắt thép |
" |
|
|
7,6 |
0,8 |
1,4 |
1,6 |
1,9 |
1,9 |
11,4 |
2,0 |
2,2 |
2,3 |
2,4 |
2,5 |
19,0 |
|
|
5,6 |
|
11 |
Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng |
" |
|
|
5,7 |
1,1 |
0,4 |
1,2 |
1,5 |
1,5 |
8,6 |
1,5 |
1,6 |
1,7 |
1,8 |
2,0 |
14,3 |
|
|
5,9 |
|
12 |
Sản phẩm mới, hàm lượng chất xám, công nghệ cao |
|
|
|
122,1 |
0,0 |
0,0 |
17,5 |
40,6 |
64,0 |
573,9 |
73,7 |
79,5 |
101,8 |
122,9 |
196,0 |
696,0 |
|
|
25,1 |
|
13 |
Hàng hóa khác |
" |
|
|
67,5 |
15,6 |
12,6 |
13,0 |
13,0 |
13,3 |
7,8 |
13,1 |
13,5 |
13,1 |
13,2 |
13,2 |
75,3 |
|
|
|
|
PHỤ LỤC 02
BIỂU TỔNG HỢP MẶT HÀNG, THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CỦA CÁC MẶT HÀNG CHỦ YẾU CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020
STT |
THỊ TRƯỜNG |
Đơn vị tính |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Giai đoạn 2016-2020 |
Tốc độ tăng trưởng bình quân (%) |
A |
TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU |
1000 USD |
702.116 |
703.100 |
724.715 |
836.809 |
922.441 |
1.107.481 |
4.294.546 |
9,5 |
B |
Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp |
1000 USD |
685.879 |
689.668 |
718.861 |
817.209 |
908.462 |
1.093.365 |
4.227.565 |
9,8 |
C |
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
|
- |
|
I |
Hàng thủy sản |
1000USD |
65.847 |
68.431 |
78.599 |
77.404 |
76.757 |
67.403 |
368.594 |
0,5 |
1 |
Ac-hen-ti-na |
|
|
|
199 |
25 |
74 |
97 |
395 |
|
2 |
Ai-cập |
|
3.458 |
1.111 |
177 |
180 |
306 |
|
1.774 |
|
3 |
Ấn-độ |
|
|
|
15 |
|
|
|
15 |
|
4 |
An-giê-ri |
|
292 |
588 |
471 |
|
|
|
1.059 |
|
5 |
Anh |
|
2.753 |
2.840 |
2.202 |
1.636 |
1.661 |
1.019 |
9.358 |
-18,0 |
6 |
Bac-ba-đot |
|
387 |
5.160 |
491 |
741 |
338 |
|
6.730 |
|
7 |
Ba-lan |
|
20 |
51 |
54 |
1 |
|
95 |
201 |
36,6 |
8 |
Béc-mu-đa |
|
|
|
|
415 |
633 |
415 |
1.463 |
|
9 |
Bỉ |
|
3.772 |
180 |
5.040 |
6.387 |
3.435 |
1.805 |
16.847 |
-13,7 |
10 |
Bồ Đào Nha |
|
2.334 |
1.303 |
1.018 |
1.070 |
227 |
250 |
3.868 |
-36,0 |
11 |
Bra-xin |
|
172 |
53 |
204 |
363 |
533 |
336 |
1.489 |
14,3 |
12 |
Bun-ga-ri |
|
|
|
289 |
226 |
249 |
239 |
1.003 |
|
13 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
|
55 |
311 |
330 |
136 |
197 |
|
974 |
|
14 |
Ca-na-đa |
|
116 |
23 |
263 |
657 |
533 |
432 |
1.908 |
30,1 |
15 |
CH Đô-mi-ni-ca-na |
|
290 |
433 |
385 |
318 |
579 |
73 |
1.788 |
-24,1 |
16 |
Chi-lê |
|
69 |
369 |
157 |
147 |
535 |
310 |
1.518 |
35,1 |
17 |
Cô-lôm-bi-a |
|
|
|
|
|
784 |
397 |
1.181 |
|
18 |
Crô-at-ti-a |
|
|
4.223 |
396 |
542 |
|
38 |
5.199 |
|
19 |
Cu-ba |
|
170 |
648 |
159 |
221 |
384 |
121 |
1.533 |
-6,6 |
20 |
Đài Loan |
|
1.151 |
691 |
640 |
1.170 |
1.255 |
1.256 |
5.012 |
1,8 |
21 |
Đan-mạch |
|
307 |
3.675 |
43 |
103 |
27 |
216 |
4.064 |
-6,8 |
22 |
Đức |
|
3.595 |
490 |
5.299 |
6.413 |
7.958 |
6.901 |
27.061 |
13,9 |
23 |
Gru-di-a |
|
104 |
79 |
42 |
306 |
|
|
427 |
|
24 |
Hà Lan |
|
2.001 |
97 |
3.596 |
2.578 |
809 |
2.184 |
9.264 |
1,8 |
25 |
Hàn Quốc |
|
2.253 |
3.851 |
4.630 |
4.160 |
2.502 |
1.126 |
16.269 |
-13,0 |
26 |
Hồng Kông |
|
4.864 |
366 |
3.961 |
3.823 |
1.963 |
1.798 |
11.911 |
-18,0 |
27 |
Hun-ga-ri |
|
|
|
|
|
|
75 |
75 |
|
28 |
Hy-lạp |
|
262 |
17 |
368 |
|
152 |
127 |
664 |
-13,5 |
29 |
In-đô-nê-xi-a |
|
17 |
17 |
57 |
52 |
|
|
126 |
|
30 |
I-ta-li-a |
|
1.748 |
2.316 |
1.696 |
335 |
399 |
3.642 |
8.388 |
15,8 |
31 |
I-xra-en |
|
4.550 |
4.588 |
5.277 |
4.399 |
6.838 |
6.963 |
28.065 |
8,9 |
32 |
Lào |
|
22 |
94 |
|
|
|
|
94 |
|
33 |
Lat-vi-a |
|
84 |
434 |
|
|
|
|
434 |
|
34 |
Lit-va |
|
320 |
160 |
41 |
|
|
|
201 |
|
35 |
Luc-xăm-bua |
|
|
|
120 |
|
|
|
120 |
|
36 |
Ma-lai-xi-a |
|
301 |
4.995 |
308 |
536 |
534 |
175 |
6.548 |
-10,3 |
37 |
Mê-hi-cô |
|
3.483 |
2.961 |
7.013 |
7.466 |
9.940 |
5.231 |
32.611 |
8,5 |
38 |
Mô-na-cô |
|
|
|
|
|
41 |
|
41 |
|
39 |
Mô-ri-tuyt |
|
555 |
362 |
906 |
|
858 |
638 |
2.764 |
2,8 |
40 |
Mỹ |
|
8.147 |
9.640 |
11.149 |
11.068 |
16.351 |
14.075 |
62.283 |
11,6 |
41 |
Nhật Bản |
|
3 |
270 |
|
425 |
74 |
5.116 |
5.885 |
343,0 |
42 |
Ô-xtrây-li-a |
|
195 |
389 |
111 |
200 |
|
194 |
894 |
-0,1 |
43 |
Pê-ru |
|
|
|
204 |
324 |
247 |
834 |
1.609 |
|
44 |
Pháp |
|
7.517 |
7.744 |
7.624 |
5.921 |
4.316 |
1.813 |
27.418 |
-24,8 |
45 |
Phi-lip-pin |
|
1.074 |
521 |
1.294 |
1.279 |
1.576 |
1.079 |
5.749 |
0,1 |
46 |
Pu-ec-tô-ri-cô |
|
429 |
244 |
282 |
145 |
160 |
241 |
1.072 |
-10,9 |
47 |
Ru-ma-ni |
|
|
111 |
|
|
|
165 |
276 |
|
48 |
Séc |
|
792 |
143 |
902 |
684 |
793 |
1.151 |
3.673 |
7,8 |
49 |
Sec-bi-a và Môn-tê-nê-grô |
|
|
|
46 |
155 |
192 |
218 |
611 |
|
50 |
Tây Ban Nha |
|
5.668 |
4.283 |
6.825 |
7.131 |
4.473 |
2.907 |
25.619 |
-12,5 |
51 |
Thái Lan |
|
632 |
116 |
818 |
159 |
73 |
|
1.166 |
|
52 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
102 |
105 |
|
1.024 |
|
|
1.129 |
|
53 |
Thuỵ-điển |
|
116 |
437 |
789 |
1.828 |
1.832 |
2.015 |
6.901 |
77,0 |
54 |
Trung Quốc |
|
|
|
|
|
204 |
456 |
660 |
|
55 |
U-crai-na |
|
627 |
240 |
1.071 |
785 |
1.225 |
521 |
3.842 |
-3,6 |
56 |
U-ru-guay |
|
|
143 |
61 |
211 |
219 |
37 |
671 |
|
57 |
U-zơ-bê-ki-xtan |
|
|
|
|
69 |
103 |
45 |
217 |
|
58 |
Xinh-ga-po |
|
1.040 |
1.559 |
1.576 |
1.289 |
1.175 |
577 |
6.176 |
-11,1 |
II |
Gạo |
Tấn |
14.481 |
18.182 |
17.087 |
21.532 |
28.150 |
46.207 |
131.158 |
26,1 |
1 |
Bru-nây |
|
6.550 |
12.522 |
5.242 |
1.814 |
3.486 |
|
23.064 |
|
2 |
Ca-na-đa |
|
|
68 |
40 |
34 |
63 |
58 |
263 |
|
3 |
Cốt-đi-voa (Bờ biển Ngà) |
|
|
|
|
|
885 |
29 |
914 |
|
4 |
Đảo Xa-lô-môn |
|
|
|
|
41 |
26 |
|
67 |
|
5 |
Đông Ti-mo |
|
|
|
|
85 |
51 |
29 |
165 |
|
6 |
Gu-am |
|
|
112 |
75 |
98 |
100 |
99 |
484 |
|
7 |
Hồng Kông |
|
263 |
|
|
|
|
|
- |
|
8 |
In-đô-nê-xi-a |
|
|
|
271 |
|
|
|
271 |
|
9 |
I-xra-en |
|
|
|
304 |
|
|
|
304 |
|
10 |
Ma-lai-xi-a |
|
4.641 |
3.744 |
2.633 |
7.628 |
|
117 |
14.122 |
-52,1 |
11 |
Mỹ |
|
151 |
|
|
|
|
|
- |
|
12 |
Nam-phi |
|
|
|
|
103 |
324 |
245 |
672 |
|
13 |
Pa-pua Niu Ghi-nê |
|
|
|
|
597 |
|
|
597 |
|
14 |
Phi-gi |
|
|
|
582 |
|
|
|
582 |
|
15 |
Phi-lip-pin |
|
989 |
407 |
1.330 |
8.215 |
21.496 |
42.385 |
73.833 |
112,0 |
16 |
Trung Quốc |
|
192 |
|
|
|
|
|
- |
|
17 |
Xinh-ga-po |
|
1.634 |
1.329 |
6.610 |
2.917 |
1.719 |
3.245 |
15.820 |
14,7 |
III |
Sắn và các sản phẩm từ sắn |
Tấn |
87.176 |
74.933 |
68.363 |
47.101 |
29.945 |
32.527 |
252.869 |
-17,9 |
1 |
Ấn-độ |
|
841 |
1.337 |
1.764 |
|
330 |
|
3.431 |
|
2 |
Băng-la-đet |
|
|
|
|
|
|
11 |
11 |
|
3 |
Hàn Quốc |
|
3.864 |
3.294 |
6.520 |
11.010 |
8.581 |
10.891 |
40.296 |
23,0 |
4 |
In-đô-nê-xi-a |
|
|
|
|
|
|
505 |
505 |
|
5 |
Nam-phi |
|
|
|
|
154 |
543 |
|
697 |
|
6 |
Nhật Bản |
|
|
88 |
|
0 |
12 |
81 |
181 |
|
7 |
Trung Quốc |
|
82.471 |
70.214 |
60.079 |
35.937 |
19.628 |
21.039 |
206.897 |
-23,9 |
8 |
Xinh-ga-po |
|
|
|
|
|
851 |
|
851 |
|
IV |
Khoáng sản và VLXD |
Tấn |
34.381 |
40.411 |
37.285 |
35.494 |
43.134 |
54.447 |
210.771 |
9,6 |
1 |
Ai-len |
|
4 |
5 |
|
5 |
13 |
253 |
276 |
129,2 |
2 |
An-ba-ni |
|
|
|
|
|
|
23 |
23 |
|
3 |
An-ghi-la |
|
|
|
|
113 |
175 |
|
288 |
|
4 |
An-giê-ri |
|
|
17 |
326 |
15 |
160 |
122 |
640 |
|
5 |
Anh |
|
|
239 |
659 |
523 |
1.295 |
904 |
3.620 |
|
6 |
Áo |
|
10 |
|
|
|
4 |
68 |
72 |
46,7 |
7 |
Ả-rập Xê-ut |
|
|
|
|
|
192 |
15 |
207 |
|
8 |
Ba-lan |
|
80 |
66 |
61 |
280 |
1.368 |
998 |
2.773 |
65,7 |
9 |
Bê-la-rut |
|
|
|
|
5 |
|
|
5 |
|
10 |
Bỉ |
|
684 |
454 |
304 |
297 |
484 |
549 |
2.088 |
-4,3 |
11 |
Bun-ga-ri |
|
9 |
|
|
|
|
98 |
98 |
61,2 |
12 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
|
|
6 |
|
6 |
|
|
12 |
|
13 |
Căm-pu-chia |
|
|
|
|
4 |
|
|
4 |
|
14 |
Ca-na-đa |
|
184 |
104 |
93 |
94 |
42 |
88 |
421 |
-13,7 |
15 |
Chi-lê |
|
16 |
|
|
|
|
|
- |
|
16 |
CH Đô-mi-ni-ca-na |
|
|
|
|
|
|
7 |
7 |
|
17 |
Crô-at-ti-a |
|
|
|
13 |
|
20 |
23 |
56 |
|
18 |
Đài Loan |
|
561 |
483 |
605 |
681 |
355 |
466 |
2.590 |
-3,6 |
19 |
Đan-mạch |
|
- |
17 |
|
|
32 |
29 |
78 |
|
20 |
Đức |
|
1.689 |
1.422 |
2.433 |
3.458 |
6.992 |
11.490 |
25.795 |
46,7 |
21 |
Ê-ti-ô-pi |
|
|
|
|
12 |
18 |
|
30 |
|
22 |
Hà Lan |
|
352 |
143 |
99 |
239 |
220 |
490 |
1.191 |
6,8 |
23 |
Hàn Quốc |
|
87 |
862 |
424 |
2.583 |
1.907 |
2.159 |
7.935 |
90,1 |
24 |
Hồng Kông |
|
43 |
164 |
84 |
488 |
598 |
1.118 |
2.452 |
91,9 |
25 |
Hun-ga-ri |
|
|
68 |
126 |
36 |
|
5 |
235 |
|
26 |
In-đô-nê-xi-a |
|
|
|
7 |
|
|
|
7 |
|
27 |
I-ta-li-a |
|
723 |
311 |
77 |
132 |
172 |
130 |
822 |
-29,0 |
28 |
I-xra-en |
|
130 |
66 |
98 |
143 |
254 |
321 |
882 |
19,8 |
29 |
Joóc-đa-ni |
|
|
|
|
|
|
|
- |
|
30 |
Lat-vi-a |
|
|
|
|
5 |
|
|
5 |
|
31 |
Liên bang Nga |
|
|
|
|
111 |
569 |
1.650 |
2.330 |
|
32 |
Lit-va |
|
|
|
|
|
|
26 |
26 |
|
33 |
Ma Cao |
|
|
|
|
|
5 |
|
5 |
|
34 |
Ma-lai-xi-a |
|
31 |
|
16 |
5 |
12 |
78 |
111 |
20,3 |
35 |
Mỹ |
|
180 |
37 |
16 |
32 |
716 |
1.798 |
2.599 |
58,5 |
36 |
My-an-ma |
|
|
|
59 |
43 |
130 |
62 |
294 |
|
37 |
Na-uy |
|
|
|
|
|
|
19 |
19 |
|
38 |
Nhật Bản |
|
5.924 |
5.807 |
10.007 |
5.555 |
7.428 |
7.478 |
36.275 |
4,8 |
39 |
Niu-Di-lân |
|
27 |
|
|
|
|
6 |
6 |
-26,0 |
40 |
Ô-man |
|
|
|
|
9 |
14 |
6 |
29 |
|
41 |
Ô-xtrây-li-a |
|
753 |
713 |
1.184 |
1.329 |
1.668 |
1.950 |
6.844 |
21,0 |
42 |
Pa-ki-xtan |
|
|
|
17 |
|
|
|
17 |
|
43 |
Phần-lan |
|
|
|
|
65 |
91 |
|
156 |
|
44 |
Pháp |
|
43 |
89 |
|
20 |
|
174 |
283 |
32,3 |
45 |
Phi-lip-pin |
|
|
|
|
4 |
17 |
|
21 |
|
46 |
Quần đảo Mat-san |
|
|
|
|
|
|
34 |
34 |
|
47 |
Qua-ta |
|
|
|
|
23 |
27 |
10 |
60 |
|
48 |
Ru-ma-ni |
|
13 |
|
32 |
699 |
3.159 |
6.142 |
10.032 |
242,7 |
49 |
Sec-bi-a và Môn-tê-nê-grô |
|
|
|
|
44 |
4 |
|
48 |
|
50 |
Slô-va-ki-a |
|
15 |
11 |
9 |
|
|
11 |
31 |
-6,0 |
51 |
Tây Ban Nha |
|
80 |
|
112 |
35 |
227 |
191 |
565 |
19,0 |
52 |
Thái Lan |
|
271 |
831 |
224 |
672 |
765 |
739 |
3.231 |
22,2 |
53 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
13.586 |
17.035 |
10.523 |
8.190 |
5.398 |
1.879 |
43.025 |
-32,7 |
54 |
Thuỵ-điển |
|
|
|
|
20 |
28 |
39 |
87 |
|
55 |
Trung Quốc |
|
7.836 |
10.579 |
9.366 |
9.497 |
8.129 |
12.690 |
50.261 |
10,1 |
56 |
U-crai-na |
|
|
|
|
|
|
4 |
4 |
|
57 |
Xinh-ga-po |
|
1.050 |
877 |
311 |
17 |
446 |
105 |
1.756 |
-36,9 |
V |
Sản phẩm từ chất dẻo |
1000USD |
6.584 |
14.232 |
23.044 |
41.438 |
61.703 |
127.164 |
267.581 |
80,8 |
1 |
Ăn-gô-la |
|
8 |
|
|
|
|
|
- |
|
2 |
Anh |
|
|
35 |
333 |
612 |
1.518 |
6.313 |
8.811 |
|
3 |
Áo |
|
|
807 |
1.185 |
3.741 |
192 |
234 |
6.159 |
|
4 |
Ba-lan |
|
35 |
615 |
188 |
22 |
168 |
158 |
1.151 |
35,2 |
5 |
Bỉ |
|
53 |
1.352 |
|
|
12 |
8 |
1.372 |
-31,5 |
6 |
Bồ Đào Nha |
|
34 |
|
|
|
|
11 |
11 |
-20,2 |
7 |
Bra-xin |
|
|
|
|
|
|
13 |
13 |
|
8 |
Bun-ga-ri |
|
|
|
103 |
|
83 |
182 |
368 |
|
9 |
Ca-na-đa |
|
25 |
20 |
33 |
4 |
75 |
1.385 |
1.517 |
123,2 |
10 |
Cô-oét |
|
|
|
9 |
|
|
|
9 |
|
11 |
Crô-at-ti-a |
|
13 |
|
|
|
15 |
|
15 |
|
12 |
Đan-mạch |
|
|
300 |
107 |
21 |
9.106 |
10.188 |
19.722 |
|
13 |
Đảo Fa-ê-rô |
|
|
|
|
|
286 |
1.618 |
1.904 |
|
14 |
Đức |
|
1.989 |
7.464 |
11.665 |
13.130 |
13.559 |
21.446 |
67.264 |
60,9 |
15 |
Hà Lan |
|
1.701 |
1.871 |
4.103 |
12.689 |
4.618 |
3.451 |
26.732 |
15,2 |
16 |
Hồng Kông |
|
|
88 |
1.320 |
3.409 |
10.006 |
39.120 |
53.943 |
|
17 |
Hy-lạp |
|
24 |
|
|
|
36 |
|
36 |
|
18 |
I-ta-li-a |
|
89 |
134 |
846 |
82 |
115 |
566 |
1.743 |
44,8 |
19 |
I-xra-en |
|
40 |
|
|
|
22 |
|
22 |
|
20 |
Lat-vi-a |
|
14 |
|
|
49 |
|
|
49 |
|
21 |
Li-băng |
|
12 |
|
12 |
1 |
|
|
13 |
|
22 |
Liên bang Nga |
|
59 |
24 |
2 |
6 |
|
8 |
40 |
-32,9 |
23 |
Ma-đa-ga-xca |
|
|
|
|
|
|
11 |
11 |
|
24 |
Ma-lai-xi-a |
|
23 |
|
|
397 |
386 |
82 |
865 |
28,9 |
25 |
Ma-rốc |
|
|
|
|
|
27 |
|
27 |
|
26 |
Mê-hi-cô |
|
43 |
|
|
|
|
|
- |
|
27 |
Mỹ |
|
83 |
11 |
621 |
908 |
10.662 |
29.919 |
42.121 |
224,6 |
28 |
Na-uy |
|
|
|
|
|
378 |
|
378 |
|
29 |
Nam-phi |
|
|
|
8 |
32 |
|
41 |
81 |
|
30 |
Nhật Bản |
|
6 |
|
|
|
51 |
|
51 |
|
31 |
Niu-Di-lân |
|
55 |
48 |
50 |
118 |
575 |
157 |
948 |
23,3 |
32 |
Ô-xtrây-li-a |
|
1.886 |
1.247 |
2.198 |
5.790 |
4.272 |
1.675 |
15.182 |
-2,3 |
33 |
Pa-na-ma |
|
|
|
|
|
167 |
209 |
376 |
|
34 |
Pê-ru |
|
|
|
|
|
9 |
|
9 |
|
35 |
Phần-lan |
|
21 |
|
6 |
|
363 |
|
369 |
|
36 |
Pháp |
|
|
106 |
12 |
|
2.176 |
2.836 |
5.130 |
|
37 |
Qua-ta |
|
|
|
|
|
23 |
54 |
77 |
|
38 |
Ru-ma-ni |
|
|
|
|
|
|
250 |
250 |
|
39 |
Séc |
|
|
|
|
75 |
71 |
96 |
242 |
|
40 |
Síp |
|
6 |
|
|
|
|
|
- |
|
41 |
Slô-va-ki-a |
|
|
|
|
5 |
805 |
938 |
1.748 |
|
42 |
Slô-ven-nhi-a |
|
|
|
|
|
24 |
|
24 |
|
43 |
Tân Ca-lê-đô-ni |
|
|
|
|
|
8 |
|
8 |
|
44 |
Tây Ban Nha |
|
|
|
226 |
214 |
|
237 |
677 |
|
45 |
Thái Lan |
|
|
|
|
19 |
|
1 |
20 |
|
46 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
54 |
100 |
17 |
|
66 |
97 |
280 |
12,4 |
47 |
Thuỵ Sĩ |
|
|
|
|
|
56 |
104 |
160 |
|
48 |
Thuỵ-điển |
|
301 |
|
|
|
|
602 |
602 |
14,9 |
49 |
Trung Quốc |
|
|
10 |
|
114 |
1.689 |
5.085 |
6.898 |
|
50 |
U-ru-guay |
|
10 |
|
|
|
|
|
- |
|
51 |
Xinh-ga-po |
|
|
|
|
|
84 |
69 |
153 |
|
VI |
Gỗ các loại |
1000USD |
126.056 |
118.037 |
106.688 |
137.635 |
178.312 |
196.339 |
737.011 |
9,3 |
1 |
Ấn-độ |
|
26.499 |
7.348 |
4.420 |
1.000 |
552 |
438 |
13.758 |
-56,0 |
2 |
Anh |
|
15 |
|
|
|
|
|
- |
|
3 |
Ba-lan |
|
|
|
|
|
|
36 |
36 |
|
4 |
Bra-xin |
|
|
|
|
48 |
|
|
48 |
|
5 |
Bun-ga-ri |
|
|
|
|
|
30 |
|
30 |
|
6 |
Ca-na-đa |
|
|
|
|
|
|
1.568 |
1.568 |
|
7 |
Đài Loan |
|
651 |
667 |
334 |
454 |
537 |
205 |
2.197 |
-20,6 |
8 |
Đức |
|
1.344 |
1.170 |
1.202 |
|
76 |
45 |
2.493 |
-49,3 |
9 |
Hà Lan |
|
|
|
|
|
|
28 |
28 |
|
10 |
Hàn Quốc |
|
17.016 |
19.108 |
20.623 |
38.982 |
45.999 |
50.412 |
175.124 |
24,3 |
11 |
Hồng Kông |
|
175 |
905 |
411 |
2.411 |
2.318 |
1.954 |
7.999 |
62,0 |
12 |
In-đô-nê-xi-a |
|
|
|
|
|
31 |
|
31 |
|
13 |
Lào |
|
123 |
|
|
|
|
|
- |
|
14 |
Ma-lai-xi-a |
|
45 |
23 |
|
|
|
|
23 |
|
15 |
Mỹ |
|
|
|
|
|
1.542 |
12.585 |
14.127 |
|
16 |
Nhật Bản |
|
28.845 |
24.726 |
17.807 |
19.000 |
22.274 |
21.683 |
105.490 |
-5,5 |
17 |
Niu-Di-lân |
|
|
|
|
|
17 |
|
17 |
|
18 |
Ô-xtrây-li-a |
|
508 |
777 |
748 |
942 |
279 |
281 |
3.027 |
-11,2 |
19 |
Pháp |
|
30 |
30 |
70 |
51 |
163 |
626 |
940 |
83,6 |
20 |
Thái Lan |
|
|
|
|
110 |
|
796 |
906 |
|
21 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
|
50 |
|
|
|
|
50 |
|
22 |
Trung Quốc |
|
49.855 |
62.861 |
61.073 |
69.540 |
83.351 |
98.337 |
375.162 |
14,6 |
23 |
Xây-sen |
|
|
|
|
|
69 |
35 |
104 |
|
24 |
Xinh-ga-po |
|
950 |
267 |
|
5.097 |
21.074 |
7.310 |
33.748 |
50,4 |
VII |
Sản phẩm gỗ |
1000USD |
233.225 |
222.745 |
243.327 |
263.208 |
282.537 |
351.929 |
1.363.746 |
8,6 |
1 |
Ac-hen-ti-na |
|
42 |
339 |
207 |
190 |
91 |
58 |
885 |
6,7 |
2 |
Ai-cập |
|
22 |
|
65 |
|
|
|
65 |
|
3 |
Ai-len |
|
408 |
184 |
62 |
53 |
146 |
135 |
580 |
-19,8 |
4 |
Ai-xơ-len |
|
|
|
|
|
|
56 |
56 |
|
5 |
An-giê-ri |
|
|
|
|
|
|
72 |
72 |
|
6 |
Ấn-độ |
|
|
|
68 |
28 |
|
|
96 |
|
7 |
Ăn-gô-la |
|
31 |
9 |
58 |
|
|
167 |
234 |
40,0 |
8 |
Anh |
|
29.318 |
33.319 |
32.987 |
26.143 |
25.171 |
19.125 |
136.745 |
-8,2 |
9 |
Áo |
|
755 |
375 |
520 |
608 |
1.680 |
258 |
3.441 |
-19,3 |
10 |
Ả-rập Xê-ut |
|
|
|
|
302 |
66 |
49 |
417 |
|
11 |
Ba-lan |
|
3.069 |
4.280 |
2.318 |
2.203 |
1.023 |
2.414 |
12.238 |
-4,7 |
12 |
Ba-ren |
|
|
|
|
|
|
18 |
18 |
|
13 |
Béc-mu-đa |
|
6 |
|
|
|
|
|
- |
|
14 |
Bê-la-rut |
|
|
22 |
|
16 |
|
40 |
78 |
|
15 |
Be-li-zơ |
|
|
|
|
188 |
136 |
214 |
538 |
|
16 |
Bỉ |
|
3.641 |
3.318 |
4.240 |
2.741 |
2.457 |
2.455 |
15.211 |
-7,6 |
17 |
Bồ Đào Nha |
|
115 |
223 |
113 |
203 |
140 |
37 |
716 |
-20,3 |
18 |
Bra-xin |
|
617 |
613 |
697 |
2.668 |
844 |
225 |
5.047 |
-18,3 |
19 |
Bun-ga-ri |
|
170 |
214 |
113 |
274 |
377 |
498 |
1.476 |
24,0 |
20 |
Buốc-ki-na-fa-xô |
|
|
|
|
2 |
|
|
2 |
|
21 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
|
82 |
375 |
896 |
485 |
826 |
417 |
2.999 |
38,4 |
22 |
Ca-dăc-xtan |
|
9 |
9 |
9 |
|
|
|
18 |
|
23 |
Căm-pu-chia |
|
|
305 |
219 |
|
|
|
524 |
|
24 |
Ca-na-đa |
|
3.084 |
2.167 |
1.209 |
2.600 |
1.742 |
2.026 |
9.744 |
-8,1 |
25 |
CH Đô-mi-ni-ca-na |
|
|
|
|
|
35 |
9 |
44 |
|
26 |
CH Goa-tê-ma-la |
|
|
24 |
9 |
|
|
|
33 |
|
27 |
Chi-lê |
|
267 |
479 |
6 |
788 |
360 |
224 |
1.857 |
-3,5 |
28 |
Cô-lôm-bi-a |
|
9 |
28 |
103 |
43 |
133 |
21 |
328 |
18,5 |
29 |
Côt-xta-ri-ca |
|
74 |
|
|
22 |
|
|
22 |
|
30 |
Crô-at-ti-a |
|
440 |
237 |
309 |
402 |
432 |
421 |
1.801 |
-0,9 |
31 |
Đài Loan |
|
108 |
|
52 |
163 |
466 |
412 |
1.093 |
30,7 |
32 |
Đan-mạch |
|
995 |
1.117 |
1.174 |
2.279 |
2.846 |
4.854 |
12.270 |
37,3 |
33 |
Đảo Vơ-gin (thuộc Anh) |
|
|
|
|
|
|
176 |
176 |
|
34 |
Đức |
|
61.347 |
55.987 |
57.248 |
48.529 |
45.880 |
49.805 |
257.449 |
-4,1 |
35 |
Et-xtô-ni-a |
|
|
56 |
18 |
19 |
|
11 |
104 |
|
36 |
Ga-bông |
|
|
|
|
|
|
9 |
9 |
|
37 |
Goa-đơ-lúp |
|
17 |
|
|
|
|
|
- |
|
38 |
Grê-na-đa |
|
154 |
|
|
|
|
|
- |
|
39 |
Gru-di-a |
|
20 |
|
|
|
|
|
- |
|
40 |
Hà Lan |
|
7.700 |
6.970 |
8.499 |
9.615 |
7.594 |
8.466 |
41.144 |
1,9 |
41 |
Hai-i-ti |
|
122 |
100 |
|
|
|
33 |
133 |
-23,0 |
42 |
Hàn Quốc |
|
284 |
753 |
557 |
754 |
1.625 |
500 |
4.189 |
12,0 |
43 |
Hồng Kông |
|
3.216 |
4.425 |
10.814 |
17.990 |
26.945 |
37.890 |
98.064 |
63,8 |
44 |
Hun-ga-ri |
|
1.150 |
1.510 |
150 |
18 |
24 |
86 |
1.788 |
-40,5 |
45 |
Hy-lạp |
|
714 |
884 |
826 |
762 |
441 |
575 |
3.488 |
-4,2 |
46 |
In-đô-nê-xi-a |
|
|
|
|
100 |
172 |
|
272 |
|
47 |
I-rắc |
|
|
|
|
|
17 |
15 |
32 |
|
48 |
I-ta-li-a |
|
8.983 |
6.117 |
7.521 |
5.413 |
4.609 |
3.524 |
27.184 |
-17,1 |
49 |
I-xra-en |
|
363 |
681 |
650 |
758 |
1.161 |
157 |
3.407 |
-15,4 |
50 |
Joóc-đa-ni |
|
14 |
|
|
|
|
|
- |
|
51 |
Lat-vi-a |
|
291 |
29 |
265 |
123 |
179 |
189 |
785 |
-8,3 |
52 |
Lech-ten-sten |
|
|
|
|
|
350 |
472 |
822 |
|
53 |
Li-băng |
|
141 |
76 |
208 |
196 |
40 |
|
520 |
|
54 |
Liên bang Nga |
|
1.495 |
739 |
1.387 |
1.150 |
796 |
901 |
4.973 |
-9,6 |
55 |
Lit-va |
|
|
75 |
33 |
|
- |
15 |
123 |
|
56 |
Luc-xăm-bua |
|
|
|
|
|
|
56 |
56 |
|
57 |
Mac-ti-nich |
|
53 |
|
|
|
|
|
- |
|
58 |
Ma-lai-xi-a |
|
767 |
410 |
510 |
1.433 |
1.010 |
410 |
3.773 |
-11,8 |
59 |
Man-ta |
|
31 |
14 |
50 |
34 |
27 |
9 |
134 |
-21,9 |
60 |
Ma-rốc |
|
|
60 |
6 |
21 |
32 |
63 |
182 |
|
61 |
Mê-hi-cô |
|
196 |
770 |
1.354 |
551 |
1.067 |
253 |
3.995 |
5,2 |
62 |
Mỹ |
|
20.588 |
25.960 |
33.577 |
52.562 |
75.793 |
150.008 |
337.900 |
48,8 |
63 |
Nam-phi |
|
518 |
252 |
151 |
209 |
213 |
173 |
998 |
-19,7 |
64 |
Na-uy |
|
32 |
|
16 |
81 |
|
|
97 |
|
65 |
Nhật Bản |
|
939 |
678 |
678 |
1.630 |
1.550 |
3.269 |
7.805 |
28,3 |
66 |
Niu-Di-lân |
|
1.564 |
2.548 |
2.148 |
2.113 |
1.783 |
2.331 |
10.923 |
8,3 |
67 |
Ô-man |
|
7 |
|
38 |
57 |
47 |
54 |
196 |
50,5 |
68 |
Ô-xtrây-li-a |
|
32.549 |
27.135 |
23.156 |
23.698 |
24.780 |
22.850 |
121.619 |
-6,8 |
69 |
Pa-ki-xtan |
|
|
13 |
|
|
51 |
|
64 |
|
70 |
Pa-na-ma |
|
51 |
115 |
28 |
|
- |
24 |
167 |
-14,0 |
71 |
Pê-ru |
|
|
76 |
136 |
78 |
140 |
64 |
494 |
|
72 |
Phần-lan |
|
633 |
51 |
295 |
435 |
108 |
489 |
1.378 |
-5,0 |
73 |
Pháp |
|
27.207 |
21.924 |
26.594 |
27.176 |
21.340 |
18.933 |
115.967 |
-7,0 |
74 |
Phi-lip-pin |
|
|
|
|
|
210 |
|
210 |
|
75 |
Pu-ec-tô-ri-cô |
|
|
48 |
31 |
|
- |
|
79 |
|
76 |
Quần đảo Pô-li-nê-di (thuộc Pháp) |
|
9 |
|
|
|
|
|
- |
|
77 |
Qua-ta |
|
51 |
|
|
|
104 |
228 |
332 |
34,9 |
78 |
Rê-uy-ni-ông |
|
128 |
53 |
30 |
92 |
77 |
37 |
289 |
-22,0 |
79 |
Ru-ma-ni |
|
735 |
305 |
500 |
797 |
942 |
365 |
2.909 |
-13,1 |
80 |
Séc |
|
4.456 |
3.818 |
4.763 |
6.285 |
4.808 |
1.228 |
20.902 |
-22,7 |
81 |
Sec-bi-a và Môn-tê-nê-grô |
|
18 |
59 |
73 |
79 |
- |
31 |
242 |
11,5 |
82 |
Síp |
|
62 |
|
28 |
|
18 |
5 |
51 |
-39,6 |
83 |
Slô-va-ki-a |
|
294 |
118 |
|
174 |
93 |
87 |
472 |
-21,6 |
84 |
Slô-ven-nhi-a |
|
53 |
15 |
56 |
138 |
232 |
120 |
561 |
17,8 |
85 |
Tân Ca-lê-đô-ni |
|
|
|
|
47 |
- |
|
47 |
|
86 |
Tây Ban Nha |
|
3.275 |
2.099 |
3.422 |
3.179 |
1.632 |
1.905 |
12.237 |
-10,3 |
87 |
Thái Lan |
|
|
|
26 |
288 |
375 |
702 |
1.391 |
|
88 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
3.813 |
1.783 |
2.446 |
1.232 |
502 |
626 |
6.589 |
-30,3 |
89 |
Thuỵ Sĩ |
|
537 |
727 |
653 |
827 |
2.456 |
2.753 |
7.416 |
38,7 |
90 |
Thuỵ-điển |
|
396 |
617 |
1.866 |
2.107 |
565 |
1.341 |
6.496 |
27,6 |
91 |
Tòa Thánh Va-ti-căng |
|
|
|
|
|
|
22 |
22 |
|
92 |
Trung Quốc |
|
3.766 |
5.491 |
3.562 |
5.939 |
9.747 |
3.962 |
28.701 |
1,0 |
93 |
Tuy-ni-di |
|
|
13 |
|
|
|
29 |
42 |
|
94 |
U-crai-na |
|
16 |
|
|
|
|
|
- |
|
95 |
U-ru-guay |
|
9 |
15 |
7 |
105 |
113 |
6 |
246 |
-7,8 |
96 |
Xinh-ga-po |
|
1.199 |
1.539 |
3.517 |
4.013 |
3.837 |
2.467 |
15.373 |
15,5 |
97 |
Xoa-di-len |
|
|
|
|
|
17 |
|
17 |
|
98 |
Xu-ri-nam |
|
|
|
|
|
66 |
|
66 |
|
VIII |
Hàng dệt, may |
1000USD |
86.578 |
102.770 |
117.528 |
154.089 |
176.084 |
192.006 |
742.477 |
17,3 |
1 |
Ac-hen-ti-na |
|
|
|
|
2 |
13 |
12 |
27 |
|
2 |
Ai-len |
|
|
|
4 |
24 |
100 |
337 |
465 |
|
3 |
Ấn-độ |
|
|
|
|
95 |
188 |
86 |
369 |
|
4 |
Anh |
|
524 |
2.984 |
5.670 |
11.711 |
8.993 |
4.101 |
33.459 |
50,9 |
5 |
Áo |
|
64 |
25 |
1 |
353 |
23 |
|
402 |
|
6 |
Băng-la-đet |
|
|
|
|
|
57 |
|
57 |
|
7 |
Ba-lan |
|
|
|
|
|
|
22 |
22 |
|
8 |
Bỉ |
|
253 |
|
|
123 |
896 |
6.554 |
7.573 |
91,7 |
9 |
Bra-xin |
|
|
|
|
4 |
84 |
62 |
150 |
|
10 |
Bun-ga-ri |
|
|
|
30 |
10 |
34 |
|
74 |
|
11 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
|
|
|
|
64 |
104 |
64 |
232 |
|
12 |
Căm-pu-chia |
|
|
3 |
|
|
1 |
2 |
6 |
|
13 |
Ca-na-đa |
|
49 |
177 |
358 |
745 |
1.181 |
670 |
3.131 |
68,7 |
14 |
Chi-lê |
|
|
|
103 |
89 |
101 |
36 |
329 |
|
15 |
Cô-lôm-bi-a |
|
|
|
|
|
5 |
|
5 |
|
16 |
Côt-xta-ri-ca |
|
22 |
|
|
|
|
|
- |
|
17 |
Đài Loan |
|
317 |
81 |
590 |
1.398 |
1.288 |
750 |
4.107 |
18,8 |
18 |
Đan-mạch |
|
|
|
|
|
|
36 |
36 |
|
19 |
Đức |
|
5.381 |
4.932 |
7.569 |
1.496 |
722 |
902 |
15.621 |
-30,0 |
20 |
En-xan-va-đo |
|
|
|
|
|
|
5 |
5 |
|
21 |
Hà Lan |
|
|
50 |
645 |
1.392 |
840 |
460 |
3.387 |
|
22 |
Hàn Quốc |
|
4.380 |
8.683 |
12.749 |
10.622 |
10.261 |
8.159 |
50.474 |
13,2 |
23 |
Hồng Kông |
|
1.915 |
411 |
352 |
3.230 |
6.759 |
1.765 |
12.517 |
-1,6 |
24 |
Hy-lạp |
|
|
|
|
24 |
51 |
50 |
125 |
|
25 |
In-đô-nê-xi-a |
|
19 |
708 |
157 |
45 |
32 |
36 |
978 |
13,6 |
26 |
I-ta-li-a |
|
677 |
6 |
68 |
566 |
970 |
154 |
1.764 |
-25,6 |
27 |
I-xra-en |
|
1 |
165 |
|
217 |
162 |
216 |
760 |
193,0 |
28 |
Li-băng |
|
|
|
|
20 |
|
|
20 |
|
29 |
Liên bang Nga |
|
56 |
|
1 |
|
23 |
114 |
138 |
15,3 |
30 |
Ma-lai-xi-a |
|
|
|
1 |
20 |
588 |
41 |
650 |
|
31 |
Mê-hi-cô |
|
30 |
621 |
135 |
361 |
150 |
364 |
1.631 |
64,7 |
32 |
Mỹ |
|
13.570 |
19.616 |
30.420 |
49.028 |
65.413 |
94.205 |
258.682 |
47,3 |
33 |
My-an-ma |
|
|
|
|
|
|
1 |
1 |
|
34 |
Na-uy |
|
|
|
3 |
|
|
|
3 |
|
35 |
Nam-phi |
|
|
|
|
|
6 |
95 |
101 |
|
36 |
Nhật Bản |
|
57.114 |
59.801 |
55.390 |
66.356 |
68.581 |
67.451 |
317.579 |
3,4 |
37 |
Niu-Di-lân |
|
|
|
23 |
12 |
74 |
73 |
182 |
|
38 |
Ô-xtrây-li-a |
|
240 |
192 |
363 |
661 |
494 |
435 |
2.145 |
12,6 |
39 |
Pa-na-ma |
|
|
|
|
466 |
112 |
249 |
827 |
|
40 |
Pa-ra-guay |
|
|
|
|
|
13 |
7 |
20 |
|
41 |
Phần-lan |
|
|
|
|
|
|
9 |
9 |
|
42 |
Pháp |
|
- |
744 |
1.082 |
32 |
2 |
52 |
1.912 |
|
43 |
Phi-lip-pin |
|
|
|
|
14 |
73 |
30 |
117 |
|
44 |
Séc |
|
|
|
|
5 |
3 |
|
8 |
|
45 |
Tây Ban Nha |
|
411 |
122 |
69 |
89 |
13 |
29 |
322 |
-41,2 |
46 |
Thái Lan |
|
|
|
2 |
434 |
43 |
50 |
529 |
|
47 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
|
|
|
22 |
8 |
379 |
409 |
|
48 |
Thuỵ Sĩ |
|
|
|
87 |
|
|
|
87 |
|
49 |
Thuỵ-điển |
|
620 |
635 |
422 |
|
|
|
1.057 |
|
50 |
Trung Quốc |
|
935 |
2.814 |
1.234 |
4.337 |
7.571 |
3.933 |
19.889 |
33,3 |
51 |
Xinh-ga-po |
|
- |
|
|
22 |
52 |
10 |
84 |
|
IX |
Giày dép các loại |
1000USD |
9.776 |
8.701 |
8.645 |
7.797 |
10.177 |
4.946 |
40.266 |
-12,7 |
1 |
Ac-hen-ti-na |
|
|
|
|
173 |
62 |
159 |
394 |
|
2 |
An-giê-ri |
|
|
|
|
56 |
|
|
56 |
|
3 |
Anh |
|
2.721 |
1.712 |
2.422 |
1.602 |
1.764 |
843 |
8.343 |
-20,9 |
4 |
Áo |
|
|
|
|
|
30 |
|
30 |
|
5 |
Bỉ |
|
|
|
|
10 |
112 |
27 |
149 |
|
6 |
Bồ Đào Nha |
|
|
112 |
89 |
|
|
|
201 |
|
7 |
Bra-xin |
|
|
|
|
1 |
|
|
1 |
|
8 |
Ca-na-đa |
|
12 |
27 |
3 |
|
|
|
30 |
|
9 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
|
|
|
|
21 |
|
|
21 |
|
10 |
Chi-lê |
|
19 |
|
23 |
|
|
|
23 |
|
11 |
Cô-lôm-bi-a |
|
|
|
|
16 |
|
|
16 |
|
12 |
Côt-xta-ri-ca |
|
|
|
93 |
|
|
|
93 |
|
13 |
Đài Loan |
|
|
|
|
|
9 |
|
9 |
|
14 |
Đan-mạch |
|
|
|
1.014 |
1.329 |
128 |
118 |
2.589 |
|
15 |
Đức |
|
2.304 |
3.119 |
2.163 |
838 |
324 |
111 |
6.555 |
-45,5 |
16 |
Hàn Quốc |
|
3 |
|
|
34 |
11 |
|
45 |
|
17 |
Hồng Kông |
|
18 |
15 |
61 |
54 |
9 |
|
139 |
|
18 |
Hy-lạp |
|
|
|
|
9 |
23 |
|
32 |
|
19 |
I-ta-li-a |
|
346 |
299 |
606 |
862 |
586 |
711 |
3.064 |
15,5 |
20 |
I-xra-en |
|
|
|
|
13 |
58 |
16 |
87 |
|
21 |
Mỹ |
|
1.025 |
660 |
131 |
161 |
639 |
385 |
1.976 |
-17,8 |
22 |
Nam-phi |
|
|
|
|
16 |
|
|
16 |
|
23 |
Nhật Bản |
|
|
|
78 |
725 |
4.771 |
2.127 |
7.701 |
|
24 |
Ô-xtrây-li-a |
|
|
2 |
13 |
161 |
420 |
228 |
824 |
|
25 |
Pê-ru |
|
5 |
|
2 |
|
|
|
2 |
|
26 |
Pháp |
|
7 |
|
|
42 |
|
|
42 |
|
27 |
Slô-ven-nhi-a |
|
803 |
1.245 |
435 |
890 |
572 |
100 |
3.242 |
-34,1 |
28 |
Tây Ban Nha |
|
2.494 |
1.441 |
1.483 |
670 |
400 |
121 |
4.115 |
-45,4 |
29 |
Thái Lan |
|
1 |
7 |
|
|
|
|
7 |
|
30 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
|
|
|
|
5 |
|
|
5 |
|
31 |
Thuỵ-điển |
|
|
|
|
82 |
210 |
|
292 |
|
32 |
Thuỵ Sĩ |
|
|
|
9 |
|
|
|
9 |
|
33 |
Trung Quốc |
|
|
62 |
17 |
22 |
49 |
|
150 |
|
34 |
U-ru-guay |
|
4 |
|
3 |
|
|
|
3 |
|
35 |
Xinh-ga-po |
|
14 |
|
|
5 |
|
|
5 |
|
PHỤ LỤC 3
BIỂU TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2016-2020
STT |
THỊ TRƯỜNG |
Đơn vị tính |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Năm 2018 |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
Giai đoạn 2016- 2020 |
Tốc độ tăng trưởng bình quân (%) |
I |
TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU |
1000 USD |
702.116 |
703.100 |
724.715 |
836.809 |
922.441 |
1.107.481 |
4.294.546 |
9,5 |
II |
Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp |
1000 USD |
685.879 |
689.668 |
718.861 |
817.209 |
908.462 |
1.093.365 |
4.227.565 |
9,8 |
1 |
Các tiểu VQ Ả-rập Thống Nhất |
1000 USD |
137 |
770 |
1.226 |
712 |
1.103 |
481 |
4.292 |
28,6 |
2 |
An-ba-ni |
1000 USD |
|
|
|
|
|
23 |
23 |
|
3 |
An-ghi-la |
1000 USD |
|
|
|
|
175 |
|
175 |
|
4 |
Ăn-gô-la |
1000 USD |
39 |
9 |
58 |
113 |
34 |
167 |
381 |
33,8 |
5 |
Ac-hen-ti-na |
1000 USD |
42 |
339 |
406 |
390 |
177 |
326 |
1.638 |
50,7 |
6 |
Áo |
1000 USD |
829 |
1.207 |
1.706 |
4.702 |
985 |
560 |
9.160 |
-7,5 |
7 |
Ô-xtrây-li-a |
1000 USD |
36.974 |
31.630 |
28.848 |
33.986 |
31.976 |
28.606 |
155.046 |
-5,0 |
8 |
Bac-ba-đot |
1000 USD |
387 |
311 |
491 |
741 |
338 |
|
1.881 |
-100,0 |
9 |
Băng-la-đet |
1000 USD |
718 |
835 |
863 |
625 |
584 |
562 |
3.469 |
-4,8 |
10 |
Bỉ |
1000 USD |
8.403 |
10.284 |
9.584 |
9.558 |
7.466 |
11.398 |
48.290 |
6,3 |
11 |
Buốc-ki-na-fa-xô |
1000 USD |
|
|
|
2 |
|
|
2 |
|
12 |
Bun-ga-ri |
1000 USD |
179 |
394 |
535 |
510 |
948 |
1.017 |
3.404 |
41,5 |
13 |
Ba-ren |
1000 USD |
|
53 |
|
|
|
18 |
71 |
|
14 |
Béc-mu-đa |
1000 USD |
6 |
|
|
415 |
633 |
415 |
1.463 |
133,3 |
15 |
Bru-nây |
1000 USD |
6.550 |
12.522 |
5.242 |
1.968 |
3.486 |
|
23.218 |
|
16 |
Bra-xin |
1000 USD |
789 |
982 |
901 |
3.084 |
887 |
643 |
6.497 |
-4,0 |
17 |
Bê-la-rut |
1000 USD |
|
22 |
|
21 |
|
40 |
83 |
|
18 |
Be-li-zơ |
1000 USD |
|
|
|
188 |
225 |
214 |
627 |
|
19 |
Ca-na-đa |
1000 USD |
3.531 |
2.616 |
1.999 |
4.134 |
3.696 |
6.227 |
18.672 |
12,0 |
20 |
Thuỵ Sĩ |
1000 USD |
537 |
727 |
749 |
827 |
3.346 |
2.857 |
8.506 |
39,7 |
21 |
Cốt-đi-voa (Bờ biển Ngà) |
1000 USD |
|
|
|
|
885 |
29 |
914 |
|
22 |
Chi-lê |
1000 USD |
371 |
622 |
289 |
1.024 |
969 |
570 |
3.474 |
9,0 |
23 |
Trung Quốc |
1000 USD |
145.115 |
152.122 |
135.943 |
131.589 |
127.660 |
145.895 |
693.209 |
0,1 |
24 |
Cô-lôm-bi-a |
1000 USD |
9 |
28 |
499 |
601 |
906 |
418 |
2.452 |
115,5 |
25 |
Côt-xta-ri-ca |
1000 USD |
96 |
|
93 |
22 |
16 |
|
131 |
|
26 |
Séc |
1000 USD |
5.248 |
4.466 |
5.665 |
7.049 |
6.315 |
2.475 |
25.970 |
-14,0 |
27 |
Cu-ba |
1000 USD |
170 |
490 |
159 |
221 |
384 |
121 |
1.375 |
-6,6 |
28 |
Síp |
1000 USD |
68 |
|
28 |
|
16 |
5 |
49 |
-40,7 |
29 |
Đức |
1000 USD |
79.268 |
78.545 |
89.546 |
75.038 |
77.466 |
90.782 |
411.377 |
2,7 |
30 |
Đan-mạch |
1000 USD |
1.742 |
1.454 |
2.338 |
3.927 |
12.844 |
15.441 |
36.004 |
54,7 |
31 |
CH Đô-mi-ni-ca-na |
1000 USD |
290 |
433 |
385 |
318 |
611 |
89 |
1.836 |
-21,0 |
32 |
An-giê-ri |
1000 USD |
292 |
605 |
797 |
71 |
160 |
194 |
1.827 |
-7,9 |
33 |
Ê-cu-a-đo |
1000 USD |
|
|
|
19 |
|
|
19 |
|
34 |
Et-xtô-ni-a |
1000 USD |
|
56 |
18 |
|
|
11 |
85 |
|
35 |
Ai-cập |
1000 USD |
3.480 |
1.111 |
242 |
180 |
306 |
|
1.839 |
|
36 |
Tây Ban Nha |
1000 USD |
11.928 |
7.945 |
12.137 |
11.318 |
8.585 |
5.390 |
45.375 |
-14,7 |
37 |
Ê-ti-ô-pi |
1000 USD |
|
|
|
12 |
18 |
|
30 |
|
38 |
Phần-lan |
1000 USD |
654 |
51 |
301 |
500 |
709 |
498 |
2.059 |
-5,3 |
39 |
Phi-gi |
1000 USD |
|
|
582 |
|
|
|
582 |
|
40 |
Đảo Fa-ê-rô |
1000 USD |
|
|
|
|
286 |
1.618 |
1.904 |
|
41 |
Pháp |
1000 USD |
34.804 |
30.637 |
35.382 |
33.244 |
31.828 |
24.434 |
155.525 |
-6,8 |
42 |
Ga-bông |
1000 USD |
|
|
|
|
|
9 |
9 |
|
43 |
Anh |
1000 USD |
35.331 |
41.147 |
44.273 |
42.228 |
37.832 |
32.305 |
197.785 |
-1,8 |
44 |
Grê-na-đa |
1000 USD |
154 |
|
|
|
|
|
- |
|
45 |
Gru-di-a |
1000 USD |
124 |
79 |
42 |
306 |
|
|
427 |
|
46 |
Goa-đơ-lúp |
1000 USD |
17 |
|
|
|
|
|
- |
|
47 |
Hy-lạp |
1000 USD |
1.000 |
1.250 |
1.194 |
795 |
1.202 |
752 |
5.193 |
-5,5 |
48 |
CH Goa-tê-ma-la |
1000 USD |
|
24 |
9 |
|
|
|
33 |
|
49 |
Gu-am |
1000 USD |
|
112 |
75 |
98 |
100 |
99 |
484 |
|
50 |
Hồng Kông |
1000 USD |
10.494 |
10.231 |
17.003 |
31.512 |
45.263 |
84.023 |
188.032 |
51,6 |
51 |
Crô-at-ti-a |
1000 USD |
453 |
254 |
323 |
403 |
890 |
482 |
2.352 |
1,2 |
52 |
Hai-i-ti |
1000 USD |
122 |
100 |
|
|
|
33 |
133 |
-23,0 |
53 |
Hun-ga-ri |
1000 USD |
1.150 |
1.578 |
276 |
54 |
269 |
166 |
2.343 |
-32,1 |
54 |
In-đô-nê-xi-a |
1000 USD |
36 |
802 |
562 |
248 |
174 |
758 |
2.544 |
83,9 |
55 |
Ai-len |
1000 USD |
412 |
189 |
62 |
82 |
270 |
1.056 |
1.659 |
20,7 |
56 |
I-xra-en |
1000 USD |
5.084 |
5.500 |
6.331 |
5.530 |
7.967 |
7.673 |
33.001 |
8,6 |
57 |
Ấn-độ |
1000 USD |
40.306 |
22.331 |
15.345 |
6.534 |
4.909 |
2.711 |
51.830 |
-41,7 |
58 |
I-rắc |
1000 USD |
|
|
|
|
15 |
15 |
30 |
|
59 |
Ai-xơ-len |
1000 USD |
|
|
4 |
|
|
56 |
60 |
|
60 |
I-ta-li-a |
1000 USD |
12.566 |
9.183 |
10.817 |
7.395 |
7.363 |
8.727 |
43.485 |
-7,0 |
61 |
Joóc-đa-ni |
1000 USD |
14 |
|
|
5 |
|
|
5 |
|
62 |
Nhật Bản |
1000 USD |
93.307 |
91.655 |
84.259 |
94.173 |
105.947 |
107.465 |
483.499 |
2,9 |
63 |
Căm-pu-chia |
1000 USD |
158 |
682 |
583 |
460 |
957 |
572 |
3.254 |
29,3 |
64 |
CHDCND Triều tiên |
1000 USD |
385 |
365 |
286 |
120 |
|
|
771 |
|
65 |
Hàn Quốc |
1000 USD |
28.010 |
36.693 |
45.503 |
68.189 |
69.813 |
73.247 |
293.445 |
21,2 |
66 |
Cô-oét |
1000 USD |
|
|
9 |
40 |
|
|
49 |
|
67 |
Ca-dăc-xtan |
1000 USD |
9 |
9 |
9 |
|
|
|
18 |
|
68 |
Lào |
1000 USD |
1.868 |
1.243 |
1.891 |
1.233 |
961 |
1.231 |
6.559 |
-8,0 |
69 |
Li-băng |
1000 USD |
153 |
76 |
220 |
217 |
29 |
|
542 |
|
70 |
Lech-ten-sten |
1000 USD |
|
|
|
|
20 |
472 |
492 |
|
71 |
Xri-lan-ka |
1000 USD |
34 |
34 |
|
1 |
|
9 |
44 |
-23,3 |
72 |
Lit-va |
1000 USD |
320 |
235 |
74 |
|
73 |
41 |
423 |
-33,7 |
73 |
Luc-xăm-bua |
1000 USD |
|
|
120 |
|
|
56 |
176 |
|
74 |
Lat-vi-a |
1000 USD |
389 |
128 |
265 |
177 |
199 |
189 |
958 |
-13,4 |
75 |
Ma-rốc |
1000 USD |
|
60 |
6 |
21 |
55 |
65 |
207 |
|
76 |
Mô-na-cô |
1000 USD |
|
|
|
|
41 |
|
41 |
|
77 |
Ma-đa-ga-xca |
1000 USD |
|
|
|
|
|
11 |
11 |
|
78 |
Quần đảo Mat-san |
1000 USD |
|
|
|
|
|
34 |
34 |
|
79 |
My-an-ma |
1000 USD |
504 |
181 |
917 |
1.629 |
902 |
584 |
4.213 |
3,0 |
80 |
Mông Cổ |
1000 USD |
161 |
25 |
68 |
63 |
54 |
96 |
306 |
-9,8 |
81 |
Ma Cao |
1000 USD |
|
|
|
|
5 |
|
5 |
|
82 |
Mac-ti-nich |
1000 USD |
53 |
|
|
|
|
|
- |
|
83 |
Man-ta |
1000 USD |
31 |
14 |
50 |
34 |
25 |
9 |
132 |
-21,9 |
84 |
Mô-ri-tuyt |
1000 USD |
555 |
434 |
906 |
|
858 |
638 |
2.836 |
2,8 |
85 |
Mê-hi-cô |
1000 USD |
3.752 |
6.386 |
8.502 |
8.378 |
11.050 |
5.848 |
40.164 |
9,3 |
86 |
Ma-lai-xi-a |
1000 USD |
6.283 |
5.093 |
3.644 |
10.022 |
1.887 |
927 |
21.573 |
-31,8 |
87 |
Tân Ca-lê-đô-ni |
1000 USD |
|
|
|
47 |
8 |
|
55 |
|
88 |
Ni-giê-ri-a |
1000 USD |
59 |
|
|
24 |
|
|
24 |
|
89 |
Hà Lan |
1000 USD |
12.066 |
12.000 |
16.947 |
26.535 |
15.276 |
15.137 |
85.895 |
4,6 |
90 |
Na-uy |
1000 USD |
32 |
|
19 |
81 |
378 |
19 |
497 |
-9,9 |
91 |
Niu-Di-lân |
1000 USD |
1.646 |
2.597 |
2.222 |
2.246 |
2.811 |
2.567 |
12.443 |
9,3 |
92 |
Ô-man |
1000 USD |
7 |
|
38 |
66 |
55 |
60 |
219 |
53,7 |
93 |
Pa-na-ma |
1000 USD |
51 |
115 |
28 |
466 |
340 |
491 |
1.440 |
57,3 |
94 |
Pê-ru |
1000 USD |
5 |
173 |
342 |
402 |
373 |
914 |
2.204 |
183,4 |
95 |
Quần đảo Pô-li-nê-di (thuộc Pháp) |
1000 USD |
9 |
|
|
597 |
|
|
597 |
|
96 |
Phi-lip-pin |
1000 USD |
2.133 |
993 |
2.728 |
15.369 |
31.164 |
48.776 |
99.030 |
87,0 |
97 |
Pa-ki-xtan |
1000 USD |
162 |
208 |
32 |
99 |
73 |
37 |
449 |
-25,6 |
98 |
Ba-lan |
1000 USD |
3.482 |
5.012 |
2.621 |
2.506 |
3.178 |
3.731 |
17.048 |
1,4 |
99 |
Pu-ec-tô-ri-cô |
1000 USD |
429 |
292 |
313 |
145 |
160 |
241 |
1.151 |
-10,9 |
100 |
Bồ Đào Nha |
1000 USD |
2.483 |
1.638 |
1.220 |
1.273 |
421 |
298 |
4.850 |
-34,6 |
101 |
Pa-ra-guay |
1000 USD |
|
|
|
|
13 |
7 |
20 |
|
102 |
Qua-ta |
1000 USD |
51 |
|
|
23 |
168 |
292 |
483 |
41,8 |
103 |
Rê-uy-ni-ông |
1000 USD |
128 |
53 |
30 |
92 |
113 |
37 |
325 |
-22,0 |
104 |
Ru-ma-ni |
1000 USD |
748 |
416 |
532 |
1.496 |
4.290 |
6.922 |
13.656 |
56,1 |
105 |
Liên bang Nga |
1000 USD |
1.610 |
763 |
1.390 |
1.267 |
1.589 |
2.673 |
7.682 |
10,7 |
106 |
Ả-rập Xê-ut |
1000 USD |
|
|
|
302 |
250 |
64 |
616 |
|
107 |
Đảo Xa-lô-môn |
1000 USD |
|
|
|
41 |
26 |
|
67 |
|
108 |
Xây-sen |
1000 USD |
|
|
|
|
69 |
35 |
104 |
|
109 |
Thuỵ-điển |
1000 USD |
1.433 |
1.689 |
3.077 |
4.037 |
2.779 |
4.222 |
15.804 |
24,1 |
110 |
Xinh-ga-po |
1000 USD |
6.059 |
6.074 |
12.204 |
19.784 |
30.111 |
15.464 |
83.637 |
20,6 |
111 |
Slô-ven-nhi-a |
1000 USD |
856 |
1.260 |
491 |
1.028 |
1.178 |
231 |
4.188 |
-23,0 |
112 |
Slô-va-ki-a |
1000 USD |
309 |
129 |
9 |
179 |
926 |
1.025 |
2.268 |
27,1 |
113 |
Xu-ri-nam |
1000 USD |
|
|
|
|
1 |
|
1 |
|
114 |
En-xan-va-đo |
1000 USD |
|
|
|
|
|
5 |
5 |
|
115 |
Thái Lan |
1000 USD |
912 |
954 |
1.101 |
1.682 |
1.226 |
2.379 |
7.342 |
21,1 |
116 |
Đông Ti-mo |
1000 USD |
|
|
|
85 |
51 |
29 |
165 |
|
117 |
Tuy-ni-di |
1000 USD |
|
13 |
|
|
|
29 |
42 |
|
118 |
Thổ-nhĩ-kỳ |
1000 USD |
17.555 |
19.151 |
12.986 |
10.519 |
6.568 |
2.981 |
52.205 |
-29,9 |
119 |
Đài Loan |
1000 USD |
2.807 |
1.922 |
2.221 |
3.886 |
3.619 |
3.089 |
14.737 |
1,9 |
120 |
U-crai-na |
1000 USD |
643 |
240 |
1.071 |
785 |
1.225 |
525 |
3.846 |
-4,0 |
121 |
Mỹ |
1000 USD |
43.754 |
56.067 |
76.250 |
113.914 |
173.079 |
307.861 |
727.171 |
47,7 |
122 |
U-ru-guay |
1000 USD |
23 |
158 |
71 |
316 |
226 |
43 |
814 |
13,3 |
123 |
U-zơ-bê-ki-xtan |
1000 USD |
|
|
|
69 |
103 |
45 |
217 |
|
124 |
Tòa Thánh Va-ti-căng |
1000 USD |
|
|
|
|
|
22 |
22 |
|
125 |
Đảo Vơ-gin (thuộc Anh) |
1000 USD |
|
|
|
|
|
176 |
176 |
|
126 |
Y-ê-men |
1000 USD |
|
81 |
|
|
51 |
252 |
384 |
|
127 |
Sec-bi-a và Môn-tê-nê-grô |
1000 USD |
18 |
59 |
119 |
278 |
196 |
249 |
901 |
69,1 |
128 |
Nam-phi |
1000 USD |
518 |
252 |
159 |
514 |
1.215 |
554 |
2.694 |
1,4 |
III |
Ủy thác xuất khẩu |
1000 USD |
16.237 |
13.432 |
5.854 |
19.600 |
13.979 |
14.116 |
66.981 |
-2,8 |
PHỤ LỤC 04
BIỂU KIM NGẠCH XUẤT KHẨU MỘT SỐ MẶT HÀNG XUẤT KHẨU MỚI TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030
Stt |
Chỉ tiêu |
Đv tính |
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 |
Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 |
Dự kiến giai đoạn 2026- 2030 |
Kế hoạch giai đoạn 2026-2030 |
Dự kiến giai đoạn 2021- 2030 |
Vbq 2026- 2030 |
Vbq 2021- 2030 |
||||||||
2021 |
2022 |
2023 |
2024 |
2025 |
2026 |
2027 |
2028 |
2029 |
2030 |
||||||||
I |
Kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm mới, hàm lượng chất xám, công nghệ cao |
Triệu USD |
122,1 |
0,0 |
0,0 |
17,5 |
40,6 |
64,0 |
573,9 |
73,7 |
79,5 |
101,8 |
122,9 |
196,0 |
696,0 |
25,1 |
|
1 |
Phần mềm |
|
68,6 |
|
|
17 |
20,6 |
31 |
216,0 |
34 |
36 |
40 |
50 |
56 |
284,6 |
12,6 |
|
2 |
AI |
|
0,0 |
|
|
0 |
0 |
0 |
39,5 |
5 |
6,5 |
8,6 |
9,4 |
10 |
39,5 |
|
|
3 |
Dược phẩm |
|
5,0 |
|
|
0,5 |
2 |
2,5 |
16,4 |
2,7 |
3 |
3,2 |
3,5 |
4 |
21,4 |
9,9 |
|
4 |
Sản phẩm có hàm lượng chất xám công nghệ cao khác (Đá thạch anh nhân tạo, màng mỏng Kurd, điện tử, công nghiệp phụ trợ…) |
|
48,5 |
|
|
0 |
18 |
30,5 |
302,0 |
32 |
34 |
50 |
60 |
126 |
350,5 |
32,8 |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.