ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 224/QĐ-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 3 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;
Căn cứ Quyết định số 38/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 79/TTr-SGDĐT ngày 25/01/2024 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 109/TTr-SNV ngày 11/3/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án vị trí việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ danh mục vị trí việc làm; biên chế công chức và lao động hợp đồng; cơ cấu ngạch công chức; bảng mô tả vị trí việc làm trong Đề án kèm theo Quyết định này để làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý công chức và lao động họp đông theo quy định của pháp luật, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1403/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo
Quyết định số 224/QĐ-UBND ngày 14/3/2024 của UBND tỉnh)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở GDĐT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định khác của Bộ GDĐT.
Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của Sở GDĐT được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1403/QĐ-UBND ngày 09/12/2022; Sở GDĐT đã thực hiện việc sử dụng, quản lý, sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng công chức phù hợp với bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm; chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên, góp phần từng bước chuẩn hóa đội ngũ công chức của Sở.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ GDĐT, các Bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính; hướng dẫn vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và cơ cấu ngạch công chức1. Điều này dẫn đến sự thay đổi về vị trí việc làm; tiêu chuẩn khung năng lực đối với một số vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức. Do đó, việc rà soát vị trí việc làm, khung năng lực, cơ cấu ngạch công chức để có sự điều chỉnh Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt bảo đảm phù hợp với các văn bản quy định hiện hành là cần thiết, làm cơ sở để thực hiện sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức Sở GDĐT phù hợp với từng vị trí việc làm, có số lượng, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Xuất phát từ những lý do trên; đồng thời để triển khai thực hiện mục tiêu về cải cách chế độ công vụ đến năm 2025 quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ “Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định” thì việc triển khai xây dựng lại Đề án vị trí việc làm để thực hiện việc sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ công chức Sở GDĐT có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng vị trí việc làm, có số lượng, cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới là cần thiết.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019;
2. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;
3. Quy định 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị quản lý biên chế hệ thống chính trị;
4. Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
5. Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026;
6. Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ;
7. Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục;
8. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2021 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;
9. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
10. Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 quy định về thực hiện hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập;
11. Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT ngày 22/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GDĐT thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng GDĐT thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
12. Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư;
13. Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ Tài chính quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ;
14. Thông tư số 06/2021/TT-BNV ngày 28/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư;
15. Thông tư số 11/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Nội vụ.
16. Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp;
17. Thông tư số 15/2023/TT-BGDĐT ngày 09/8/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành giáo dục.
18. Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thông tin và Truyền thông trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
19. Thông tư số 01/2023/TT-TTCP ngày 01/11/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Thanh tra.
20. Quyết định số 62/2017/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người quản lý doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi;
21. Quyết định số 38/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi;
22. Kế hoạch số 202-KH/TU ngày 24/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”;
23. Công văn số 242-CV/BCSĐ ngày 18/2/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ về kết quả xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã.
Phần II
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 111, CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
I. THỰC TRẠNG
1. Về vị trí, chức năng
Sở GDĐT là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về GDĐT ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Sở GDĐT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định khác của Bộ GDĐT.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 38/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Cơ cấu tổ chức
3.1 Lãnh đạo Sở gồm có: Giám đốc và 03 Phó Giám đốc.
- Giám đốc Sở là Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu, là người đứng đầu Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm thay Giám đốc Sở điều hành các hoạt động của Sở. Phó Giám đốc Sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở GDĐT do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Đảng và của pháp luật.
3.2. Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
- Văn phòng Sở GDĐT: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động của cơ quan Sở GDĐT và toàn ngành, điều phối hoạt động của Sở theo chương trình, kế hoạch làm việc; thực hiện công tác hành chính, quản trị đối với các hoạt động của cơ quan Sở, các hoạt động báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; công tác pháp chế; công tác đối nội, đối ngoại, hợp tác quốc tế; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; công tác thi đua - khen thưởng toàn ngành; công tác cải cách hành chính và dịch vụ công; quản lý tài chính, tài sản cơ quan Sở, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống thiên tai.
- Thanh tra Sở GDĐT: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
- Phòng Tổ chức cán bộ: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, công tác tuyển dụng, chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức, nhân viên của ngành GDĐT theo phân cấp; công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trực tiếp phụ trách công tác tổ chức cán bộ cơ quan Sở.
- Phòng Kế hoạch - Tài chính: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính, kế toán, đất đai, tài sản nhà nước và thống kê toàn ngành GDĐT trên địa bàn tỉnh.
- Phòng Chính trị tư tưởng và Giáo dục Chuyên nghiệp - Thường xuyên: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chính trị, tư tưởng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục thường xuyên; hợp tác quốc tế; công tác học sinh, sinh viên; công tác thanh niên; hoạt động thể thao trường học, văn hóa văn nghệ; hoạt động Đoàn, Hội, Đội; công tác y tế học đường; công tác dân vận; công tác trẻ em; công tác gia đình; công tác giáo dục, phổ biến và tuyên truyền pháp luật; ngoại ngữ, tin học ngoài trường phổ thông; giáo dục kỹ năng sống; hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng xã hội học tập; hoạt động tư vấn du học và chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao của UBND tỉnh.
- Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh.
- Phòng Giáo dục Trung học: Có chức năng tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông gồm: cấp THCS và THPT; giáo dục dân tộc; giáo dục quốc phòng và an ninh; công tác thi tốt nghiệp, học sinh giỏi, tuyển sinh; công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá ngoài và xây dựng trường chuẩn quốc gia; công nhận, cấp phát văn bằng, chứng nhận theo thẩm quyền.
4. Biên chế công chức và hợp đồng lao động theo Nghị định số 111
a) Biên chế công chức được UBND tỉnh giao năm 2024: 47 biên chế, đã tinh giản 05 biên chế, đạt tỷ lệ 10% so với biên chế được giao năm 2015 (52 biên chế).
b) Hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là hợp đồng lao động 111): 05 người.
5. Thực trạng đội ngũ công chức
Tổng số công chức hiện có tính đến tháng 02/2024 là 47 người. Cụ thể:
a) Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sĩ: 01 người (chiếm tỷ lệ 2,13%), thạc sĩ: 29 người (chiếm tỷ lệ 61,70%), đại học 17 người (chiếm tỷ lệ 36,17%).
b) Về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân 01 người (chiếm tỷ lệ 2,13%); cao cấp: 14 người (chiếm tỷ lệ 29,79%), trung cấp 17 người (chiếm tỷ lệ 36,17%).
c) Về trình độ tin học: Trung cấp trở lên: 11 người (chiếm tỷ lệ 23,4%), chứng chỉ 36 người (chiếm tỷ lệ 76,6%).
d) Về trình độ ngoại ngữ (Anh văn): Đại học trở lên: 14 người (chiếm tỷ lệ 29,79%), chứng chỉ 33 người (chiếm tỷ lệ 70,21%).
đ) Về bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: Cử nhân 01 người (chiếm tỷ lệ 2,13%), chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: 03 người (chiếm tỷ lệ 6,38%); chuyên viên chính hoặc tương đương: 26 người (chiếm tỷ lệ 55,32%), chuyên viên hoặc tương đương: 17 người (chiếm tỷ lệ 36,17%).
e) Về cơ cấu theo ngạch: Ngạch chuyên viên cao cấp: 02 người (chiếm tỷ lệ 4,26%); ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: 14 người (chiếm tỷ lệ 29,79%); ngạch chuyên viên hoặc tương đương: 31 người (chiếm tỷ lệ 65,95%).
II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
Qua triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm: Giúp cho Lãnh đạo Sở GDĐT giám sát kết quả giải quyết công việc thuận lợi hơn; thực hiện việc phân công nhiệm vụ từng phòng chuyên môn gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tránh được sự chồng chéo khi phân công giao việc. Việc sử dụng, sắp xếp, bố trí và quản lý công chức, người lao động được thực hiện hợp lý, vị trí từng công việc được sắp xếp phù hợp với chuyên môn, khung năng lực; đến thời điểm hiện tại công chức của Sở đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng vị trí việc làm. Mặt khác, việc triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm giúp cho công chức thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, không đùn đẩy, thoái thác công việc; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khung năng lực giúp chỉ ra những năng lực và biểu hiệu tương ứng mỗi công chức cần phải đáp ứng cho từng vị trí cụ thể. Việc so sánh giữa thực tế và yêu cầu tiêu chuẩn của từng vị trí giúp đánh giá được mức độ phù hợp và hoàn thành yêu cầu công việc của vị trí đảm nhiệm của từng công chức.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt có những tồn tại, hạn chế trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch công chức, cụ thể như: Khung năng lực của từng vị trí việc làm chưa quy định cụ thể một số nhóm ngành phù hợp với vị trí việc làm; ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm chỉ quy định ngạch công chức tối thiểu” nên không có cơ sở để xác định số lượng từng ngạch công chức của cơ quan.
Phần III
XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM, BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC, HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 111; BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC, KHUNG NĂNG LỰC CỦA TỪNG VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC
I. XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM
1. Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý: 08 vị trí.
1.1. Giám đốc Sở: Là người đứng đầu cơ quan, quản lý, điều hành mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; phụ trách chung và trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác theo Quyết định phân công nhiệm vụ của Lãnh đạo Sở do Sở GDĐT ban hành; là Chủ tài khoản và người phát ngôn của Sở GDĐT.
1.2. Phó Giám đốc Sở: Giúp Giám đốc Sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở phân công (theo Quyết định phân công nhiệm vụ của Lãnh đạo Sở do Giám đốc Sở GDĐT ban hành) và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm thay Giám đốc Sở điều hành các hoạt động của Sở. Phó Giám đốc Sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
1.3. Chánh Văn phòng Sở: Phụ trách chung hoạt động của Văn phòng; quản lý, điều hành hoạt động của Văn phòng Sở; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng Sở theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; trực tiếp tham mưu giúp Giám đốc Sở các chương trình, kế hoạch công tác của Sở; điều phối hoạt động của Sở theo chương trình, kế hoạch công tác; công tác đối nội, đối ngoại của cơ quan; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; công tác thi đua - khen thưởng toàn ngành; công tác cải cách hành chính và dịch vụ công; quản lý tài chính, tài sản cơ quan Sở, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống thiên tai và một số nhiệm vụ khác theo nhiệm vụ được phân công.
1.4. Chánh Thanh tra Sở: Phụ trách chung và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra; tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng; quản lý, điều phối, theo dõi công việc của công chức Thanh tra Sở. Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, báo cáo Giám đốc Sở xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra Sở trong kế hoạch thanh tra tỉnh; thanh tra vụ việc khác do Giám đốc Sở giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Sở và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Sở; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
Tham mưu Giám đốc Sở tổ chức tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định và một số nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Sở phân công.
1.5. Trưởng phòng thuộc Sở (Gồm: Tổ chức cán bộ; Kế hoạch-Tài chính; Chính trị tư tưởng và Giáo dục Chuyên nghiệp-Thường xuyên; Giáo dục Mầm non và Tiểu học; Giáo dục trung học); Trưởng phòng là người đứng đầu một phòng, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phân công nhân sự thuộc phòng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp; tham mưu, quản lý nhà nước về ngành, chuyên ngành hoặc làm nhiệm vụ bảo đảm, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Sở theo sự phân công của Giám đốc Sở. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về mọi hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
1.6. Phó Chánh Văn phòng Sở: Giúp Chánh Văn phòng phụ trách một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Sở, Chánh Văn phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được giao; cùng với Chánh Văn phòng theo dõi công chức thuộc phòng; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Sở; tham mưu xây dựng các quy định, đề án, quyết định, hướng dẫn, báo cáo,... liên quan đến nhiệm vụ được phân công.
1.7. Phó Chánh Thanh tra Sở: Giúp Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh Thanh tra Sở; chịu trách nhiệm trước pháp luật, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở và trước pháp luật về những nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
1.8. Phó Trưởng phòng thuộc Sở (Gồm: Tổ chức cán bộ; Kế hoạch-Tài chính; Chính trị tư tưởng và Giáo dục Chuyên nghiệp-Thường xuyên; Giáo dục Mầm non và Tiểu học; Giáo dục trung học); Phó Trưởng phòng giúp Trưởng phòng phụ trách một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Sở, Trưởng phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được giao; cùng với Trưởng phòng theo dõi công chức phòng; báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Sở; tham mưu xây dựng các quy định, đề án, quyết định, hướng dẫn, báo cáo,... liên quan đến nhiệm vụ được phân công.
2. Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành: 18 vị trí
2.1. Chuyên viên chính về quản lý chất lượng giáo dục
2.2. Chuyên viên về quản lý chất lượng giáo dục
2.3. Chuyên viên chính về quản lý hoạt động đào tạo
2.4. Chuyên viên về quản lý hoạt động đào tạo
2.5. Chuyên viên chính về quản lý học sinh, sinh viên, công tác chính trị tư tưởng
2.6. Chuyên viên về quản lý học sinh, sinh viên, công tác chính trị tư tưởng
2.7. Chuyên viên chính về quản lý chương trình giáo dục
2.8. Chuyên viên về quản lý chương trình giáo dục
2.9. Chuyên viên chính về quản lý chính sách và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục
2.10. Chuyên viên về quản lý chính sách và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục
2.11. Chuyên viên chính về quản lý người học
2.12. Chuyên viên về quản lý người học
2.13. Chuyên viên chính về quản lý bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục
2.14. Chuyên viên về quản lý bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục
2.15. Chuyên viên chính về quản lý thi và văn bằng, chứng chỉ
2.16. Chuyên viên về quản lý thi và văn bằng, chứng chỉ
2.17. Chuyên viên về quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục
2.18. Chuyên viên về quản lý tổ chức và hoạt động cơ sở giáo dục
3. Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung: 26 vị trí.
3.1. Thanh tra viên chính về công tác thanh tra
3.2. Thanh tra viên về tiếp công dân, xử lý đơn
3.3. Thanh tra viên về giải quyết khiếu nại, tố cáo
3.4. Thanh tra viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
3.5. Chuyên viên chính về tổ chức bộ máy
3.6. Chuyên viên về tổ chức bộ máy
3.7. Chuyên viên chính về quản lý nguồn nhân lực
3.8. Chuyên viên về quản lý nguồn nhân lực
3.9. Chuyên viên chính về tổng hợp
3.10. Chuyên viên về tổng hợp
3.11. Chuyên viên chính về quản lý công nghệ thông tin
3.12. Chuyên viên về quản lý công nghệ thông tin
3.13. Chuyên viên chính về hành chính - văn phòng
3.14. Chuyên viên chính về pháp chế
3.15. Văn thư viên
3.16. Chuyên viên về lưu trữ
3.17. Chuyên viên về thi đua, khen thưởng
3.18. Chuyên viên về cải cách hành chính
3.19. Chuyên viên về hợp tác quốc tế
3.20. Chuyên viên chính về kế hoạch đầu tư
3.21. Chuyên viên về kế hoạch đầu tư
3.22. Chuyên viên chính về thống kê
3.23. Chuyên viên về thống kê
3.24. Chuyên viên về tài chính
3.25. Kế toán viên
3.26. Chuyên viên thủ quỹ
4. Vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ: 04 vị trí
4.1. Nhân viên kỹ thuật
4.2. Nhân viên phục vụ
4.3. Nhân viên lái xe
4.4. Nhân viên bảo vệ
II. XÁC ĐỊNH BIÊN CHẾ VÀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 111
1. Tổng số vị trí việc làm xác định theo Đề án là 56 vị trí. Trong đó:
- Vị trí việc làm thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý là 08 vị trí;
- Vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành là 18 vị trí;
- Vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung là 26 vị trí;
- Vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ là 04 vị trí.
2. Biên chế công chức xác định theo Đề án vị trí việc làm là 47 biên chế. Sở GDĐT có trách nhiệm thực hiện tinh giản biên chế đến năm 2026 theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp có thẩm quyền; chủ động bố trí biên chế công chức được giao từng năm theo vị trí việc làm đã được phê duyệt.
3. Hợp đồng lao động theo Nghị định 111 xác định theo Đề án vị trí việc làm là 05 người. Sở GDĐT chủ động sắp xếp, bố trí theo từng vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
(Danh mục vị trí việc làm, biên chế công chức, hợp đồng lao động theo Nghị định 111 theo Phụ lục số 01 đính kèm)
III. BẢN MÔ TẢ CÔNG VIỆC VÀ KHUNG NĂNG LỰC CỦA TỪNG VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Công việc cụ thể của từng vị trí việc làm được mô tả theo nhiệm vụ chính, có xác định yêu cầu về trình độ, nhóm năng lực. Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với từng vị trí việc làm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 và Thông tư số 11/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thông tư số 15/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông và Thông tư số 01/2023/TT-TTCP ngày 01/11/2023 của Tổng Thanh tra Chính phủ.
(Bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm theo Phụ lục số 2 đính kèm)
IV. XÁC ĐỊNH CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC
Cơ cấu ngạch công chức của Sở GDĐT được xác định theo Công văn sô 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024 của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, cụ thể:
1. Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Gồm có 19 biên chế.
Trong khi chưa có quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về xếp lương đối với vị trí việc làm thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý, tạm thời xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm theo Phụ lục số 01 kèm theo Đề án.
2. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (thuộc nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và chuyên môn dùng chung): Gồm có 28 biên chế.
a) Công chức giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: 11 người, chiếm tỷ lệ 39,29%.
b) Công chức giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương: 17 người, chiếm tỷ lệ 60,71%.
(Tổng hợp cơ cấu ngạch theo Phục lục số 3 đính kèm)
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Sở GDĐT có trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Đề án được duyệt; sắp xếp, bố trí công chức giữa các phòng và tương đương thuộc Sở để phù hợp với từng vị trí việc làm; quản lý, sử dụng biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm công chức, đảm bảo nâng cao được chất lượng đội ngũ công chức, phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ.
II. QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP
1. Trong trường hợp công chức được tuyển dụng từ năm 2023 trở về trước của Sở GDĐT có chuyên ngành đào tạo, trình độ đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận theo Đề án thì vẫn được tiếp tục thực hiện. Đối với công chức được điều động từ cơ quan, tổ chức này sang cơ quan, tổ chức khác có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm dự kiến được đảm nhận thì phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong ngành, lĩnh vực, vị trí việc làm đó.
2. Trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch và phương án sắp xếp, bố trí công chức tại các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở đảm bảo phù hợp với số lượng, cơ cấu ngạch, trình độ chuyên môn theo từng vị trí việc làm./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.