THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 213/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2018 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;
Căn cứ Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2015;
Xét đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 3471/PTM-QHQT ngày 28 tháng 12 năm 2017; của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 9559/BKHĐT-ĐTNN ngày 20 tháng 11 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng” (Đề án) với nội dung chủ yếu sau:
Đề án do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với các nước đối tác chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong đó định hướng tập trung phát triển quan hệ thương mại đầu tư với 09 nước thuộc khu vực Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippine), một số nước thuộc khu vực Châu Âu (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga); Anh, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.
Đây là những đối tác chiến lược đã có quan hệ lâu dài với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa v.v... Xét về vị thế, đây là những nước có vai trò trụ cột về kinh tế trong khu vực và quốc tế, có vị thế và tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Kinh tế các nước Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM)... Chính sách ngoại giao của các nước đều có điểm chung thể hiện rất rõ đó là coi trọng quan hệ với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, coi Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển ở Châu Á.
Xét về tiềm lực tài chính, những nước này đều là những nước có tiềm lực kinh tế, có thế mạnh về công nghệ tiên tiến, năng lực tài chính mạnh do đó Việt Nam có thể tận dụng quan hệ hợp tác giữa hai nước để khai thác những lợi thế về kinh nghiệm phát triển, công nghệ tiên tiến, nguồn vốn dồi dào từ các nước này để thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Xét về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam, các đối tác chiến lược, quan trọng đầu tư vào Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, bất động sản, xây dựng dịch vụ ăn uống, cư trú, nông lâm ngư nghiệp, chế biến thủy sản, giáo dục, y tế v.v... Về hợp tác thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với 16 nước đối tác chiến lược và quan trọng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Mặc dù quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng đang phát triển tích cực trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, nhưng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những biến động về tình hình kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ... So với một số nước đối tác chiến lược, quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ v.v... Việt Nam còn có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển; năng lực cạnh tranh của quốc gia và của doanh nghiệp còn thấp, mức độ gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư chưa cao, còn nhập siêu lớn. Việt Nam chưa khai thác hết một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý... để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc tận dụng lợi ích từ các Hiệp định thương mại, đầu tư, hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước này chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Qua thực tiễn triển khai nhiều hiệp định FTA đã ký kết của Việt Nam, nhìn tổng thể cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tận dụng được khoảng 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế, hàng hóa Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn khi xuất khẩu sang những nước này. Vì vậy, để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ mối quan hệ hợp tác sẵn có, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững; hoàn thiện thể chế pháp lý, tăng cường xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với các giải pháp chung, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên cả nước cần phải có sự đổi mới cách làm, phương thức quản lý, đẩy mạnh liên kết đa ngành, đa phương theo hướng bền vững nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nước, từng doanh nghiệp.
Đề án đưa ra các biện pháp phù hợp với tình hình, diễn biến kinh tế trong nước cũng như gia tăng nhu cầu mở rộng kinh doanh quốc tế, mở rộng thị trường của doanh nghiệp và nhu cầu thu hút đầu tư, công nghệ và các nguồn lực bên ngoài khi nước ta hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nhất là sau khi ta tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác chủ chốt.
Việc thực hiện Đề án này cũng góp phần tích cực làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược và quan trọng trong công cuộc phát triển của đất nước, giúp khai thác tối đa lợi thế của các nước theo từng mức độ và lĩnh vực. Đề án do VCCI xây dựng và chủ trì sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, là sự gắn kết giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các cơ quan Chính phủ và các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đưa ra chương trình hỗ trợ hiệu quả, tối ưu cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mới.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao thông qua các Nghị quyết và Chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:
- Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2015 giao VCCI chủ trì xây dựng Đề án thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại đầu tư với một số nước đối tác chiến lược.
- Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
- Nghị quyết số 06/NQ-TƯ 4 Khóa XII năm 2016 về việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2015.
- Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 22) và Chỉ thị số 15/CT-TTg về hội nhập quốc tế.
- Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
III. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LỢI VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Đối tượng hưởng lợi
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã, đang và sẽ kinh doanh xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư với các nước đối tác chiến lược và quan trọng.
2. Mục tiêu của đề án
Thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước có quan hệ đối tác chiến lược và quan trọng, góp phần tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về hội nhập cụ thể như sau:
- Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể tham gia một cách sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng lợi thế kinh doanh từ các nước đối tác chiến lược và quan trọng.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo sự gắn kết hợp lý, tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư theo trọng tâm.
- Đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết với các Bộ, Sở, ban ngành, Hiệp hội trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư góp phần vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện phương thức sản xuất áp dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
- Tăng cường kết nối giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
- Góp phần nâng cao năng lực của những người làm công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông tin cụ thể, chuyên sâu về ngành hàng, thị trường, dự báo các biến động về chính trị, tỷ giá...
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, tận dụng hiệu quả các cơ hội thuận lợi từ Hiệp định thương mại đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.
- Tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư từ các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ thuộc các nước đối tác chiến lược và quan trọng vào Việt Nam.
- Tăng cường phối hợp giữa VCCI với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề; giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Các hoạt động của Đề án được xây dựng nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Chủ thể triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư tại Đề án này là VCCI và các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan Chính phủ. Các hoạt động của đề án được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp từ các nước đối tác chiến lược, quan trọng, sáng kiến của VCCI và các đối tác là các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp các nước. Hình thức hoạt động này theo xu hướng đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công về xúc tiến thương mại, đầu tư từ Chính phủ sang các hiệp hội doanh nghiệp.
Thông qua triển khai các hoạt động của Đề án, VCCI sẽ báo cáo, kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm góp phần cải cách thể chế hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của Việt Nam và của các địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng.
Các hoạt động sẽ tập trung vào các nội dung chính:
1. Nghiên cứu chuyên sâu, khảo sát, đánh giá nhu cầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đánh giá tiềm năng thị trường, ngành hàng quan trọng, xác định, lựa chọn thị trường thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư theo ngành, lĩnh vực cụ thể.
2. Tăng cường cơ chế đối thoại hai chiều công - tư nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tăng cường các hoạt động đối thoại, giao lưu giữa cơ quan chính quyền các cấp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh...
3. Tăng cường các công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa - nhỏ (SMEs) tiếp cận công nghệ tiên tiến, đổi mới sản xuất, tạo thuận lợi cho khối SMEs tiếp cận thị trường các nước đối tác chiến lược, quan trọng và chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sáng tạo trong khối SMEs, xây dựng cơ chế hợp tác giữa các tập đoàn lớn và khối SMEs.
4. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời và tận dụng các lợi ích từ việc ký kết các Hiệp định, cam kết thương mại với các nước đối tác chiến lược, quan trọng.
5. Góp phần nâng cao năng lực cho những người làm công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương trên cả nước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế.
6. Tuyên truyền phổ biến thông tin định kỳ, cập nhật thường xuyên về các thị trường đối tác chiến lược, quan trọng và Việt Nam trên các phương tiện như: cổng thông tin điện tử, bản tin điện tử...
(Chi tiết các hoạt động của Đề án theo Phụ lục kèm theo Quyết định này).
Kinh phí hoạt động được huy động từ các nguồn: doanh nghiệp, đóng góp tài trợ từ các đối tác nước ngoài, VCCI và một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
1. VCCI: Chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động của Đề án và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng; căn cứ vào nhiệm vụ của Đề án xây dựng dự toán chi tiết cho hoạt động hàng năm gửi Bộ Tài chính bố trí ngân sách hỗ trợ, triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Bộ Tài chính: Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và dự toán chi tiết cho hoạt động của Đề án do VCCI lập, khả năng của các nguồn tài trợ khác, Bộ Tài chính xem xét, xác định mức hỗ trợ từ ngân sách và bố trí trong dự toán giao cho VCCI.
3. Các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan phối hợp với VCCI triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.