ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2119/QĐ-UBND |
Bắc Giang, ngày 22 tháng 10 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 02/11/2019;
Căn cứ Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến 2030, tầm nhìn đến năm 2035;
Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh: Số 33/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về quy định mức chi công tác phí, chi hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; số 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; số 21/2021/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị Quyết 24/2018/NQ-HĐND ; số 44/2020/NQ- HĐND ngày 09/12/2020 ban hành Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 157/TTr-SNN, ngày 12/10/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”, với các nội dung chính sau:
1. Tên Đề án: Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.
3. Địa điểm thực hiện: Các vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm, tập trung trên địa bàn tỉnh.
Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo các mã số vùng trồng gắn với tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị cây ăn quả của tỉnh đạt trên 10.000 tỷ đồng, nằm trong Top 03 tỉnh có giá trị cây ăn quả lớn nhất toàn quốc.
- Phấn đấu đến năm 2025, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn thành vùng trọng điểm cấp Quốc Gia.
- Đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh 53.500 ha, trong đó có 26.875 ha sản xuất thành vùng tập trung (vùng sản xuất tập trung là vùng trồng một đối tượng cây ăn quả liền khu, liền khoảnh, có quy mô từ 10 ha trở lên) được sản xuất 100% theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.
- Phát triển sản xuất các cây ăn quả chủ lực, tiềm năng lợi thế của tỉnh, bao gồm: vải, nhãn, cam, bưởi, na, táo, ổi. Mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc...
5.1. Chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn bền vững; Xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ; Truy xuất nguồn gốc gắn với số hóa vùng sản xuất; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; Sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
5.2. Hỗ trợ mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, Hữu cơ
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất cây ăn quả an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Điều kiện được hỗ trợ: Quy mô diện tích mô hình sản xuất đạt từ 10 ha trở lên; Trường hợp nhiều hộ tham gia mô hình thì phải có hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc ban điều hành do UBND cấp xã thành lập.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận GlobalGAP cho 9 vùng sản xuất cây ăn quả, bao gồm: 08 vùng vải (huyện Lục Ngạn 07 vùng; Tân Yên 01 vùng) và 01 vùng nhãn ở huyện Lục Nam. Định mức hỗ trợ 140 triệu đ/vùng.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận hữu cơ cho 04 mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bao gồm: 03 mô hình vải (huyện Lục Ngạn 02 mô hình, Tân Yên 01 mô hình) và 01 mô hình bưởi tại huyện Lục Ngạn; Định mức hỗ trợ cấp chứng nhận 180 triệu đồng/mô hình.
+ Hỗ trợ phân bón hữu cơ, vi sinh cho 04 mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thời gian hỗ trợ trong 03 năm (năm thứ nhất hỗ trợ 50%; năm thứ hai hỗ trợ 30%; năm thứ ba hỗ trợ 20% chi phí mua phân bón hữu cơ, vi sinh).
5.3. Hỗ trợ cấp mới mã số, số hóa vùng trồng
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất cây ăn quả an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Điều kiện được hỗ trợ:
+ Vùng sản xuất cây ăn quả có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên.
+ Địa điểm phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 100% kinh phí cấp mới mã số vùng trồng cho 187 vùng trồng (65 vùng trồng vải thiều; 20 vùng trồng nhãn; 72 vùng trồng cam, bưởi; 10 vùng trồng na; 8 vùng trồng táo; 11 vùng trồng ổi; 01 vùng trồng vú sữa. Kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/vùng.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí số hóa cho 549 vùng trồng cây ăn quả tập trung, bao gồm: 262 vùng trồng vải thiều; 68 vùng trồng nhãn; 189 vùng trồng cây có múi (cam, bưởi); 10 vùng trồng na; 8 vùng trồng táo; 11 vùng trồng ổi; 01 vùng trồng vú sữa, Kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/vùng.
5.4. Hỗ trợ sơ chế, bảo quản sản phẩm
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả thuộc Đề án.
- Điều kiện được hỗ trợ: Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hoặc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các vùng sản xuất cây ăn quả thuộc đề án với quy mô 10 ha trở lên.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ xây dựng 12 nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản; hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt sau khi nghiệm thu đạt các điều kiện hỗ trợ theo quy định; Định mức hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, tối đa không quá 400 triệu đồng/nhà sơ chế, kho bảo quản.
+ Hỗ trợ xây dựng 02 cơ sở xông hơi khử trùng phục vụ xuất khẩu; hình thức hỗ trợ bằng tiền sau khi nghiệm thu đạt các điều kiện hỗ trợ theo quy định; Định mức hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, tối đa không quá 700 triệu đồng/cơ sở xông hơi khử trùng.
5.5. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả thuộc Đề án.
- Điều kiện được hỗ trợ: Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hoặc có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho các vùng thuộc Đề án có với quy mô 10 ha trở lên.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu bao bì, nhãn mác và sản xuất bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 20 hợp tác xã, doanh nghiệp. Định mức hỗ trợ 100 triệu đồng/01 sản phẩm/hợp tác xã, doanh nghiệp.
+ Hỗ trợ xây dựng mã QRcode, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm cho 20 hợp tác xã, doanh nghiệp: Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hợp tác xã, doanh nghiệp.
+ Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng gian hàng không gian ảo (tạo tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ví điện tử, hình ảnh gian hàng, thông tin nhà cung cấp, mô tả sản phẩm...) đưa lên sàn thương mại điện tử cho 40 hợp tác xã: Mức hỗ trợ 7 triệu đồng/gian hàng/hợp tác xã.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí phân tích 200 mẫu quả để phục vụ xuất khẩu, mức hỗ trợ 7,5 triệu đồng/mẫu.
5.6. Hỗ trợ tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho các vùng sản xuất tập trung
- Đối tượng hỗ trợ: Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Đề án.
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho các vùng sản xuất tập trung: 100 lớp tập huấn, kinh phí 7,4 triệu đồng/lớp.
5.7. Hỗ trợ sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV
- Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất cây ăn quả an toàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Điều kiện được hỗ trợ:
+ Vùng sản xuất cây ăn quả có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên.
+ Địa điểm phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện.
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% kinh phí thuê máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho 800 ha cây ăn quả (1,2 triệu đồng/lần phun x 3 lần phun). Kinh phí hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ha.
5.8. Hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã
Hỗ trợ thành lập mới 20 hợp tác xã gắn với vùng sản xuất tập trung: Hỗ trợ tư vấn, xây dựng hồ sơ, điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp tổ chức, hoạt động của HTX cho phù hợp với các quy định hiện hành.
5.9. Hỗ trợ chi phí quản lý chung của đề án: Ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 620 triệu đồng (3% kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ triển khai đề án).
6.1. Tổng kinh phí Đề án: 44.912.600.000 đồng (Bốn mươi bốn tỷ, chín trăm mười hai triệu, sáu trăm nghìn đồng). Trong đó:
- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 21.032.600.000 đồng, gồm: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 10.780.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh hỗ trợ 7.872.600.000 đồng; Ngân sách các huyện hỗ trợ: 2.380.000.000 đồng.
- Kinh phí đối ứng của các doanh nghiệp, HTX, người dân: 23.880.000.000 đồng.
6.2. Phân kỳ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ:
- Năm 2022: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 4.660.750.000 đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 2.480.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh 1.585.750.000 đồng; Ngân sách huyện 595.000.000 đồng.
- Năm 2023: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5.855.550.000 đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 2.920.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh 2.340.550.000 đồng; Ngân sách huyện 595.000.000 đồng.
- Năm 2024: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5.773.150.000 đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 2.840.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh 2.338.150.000 đồng; Ngân sách huyện 595.000.000 đồng.
- Năm 2025: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 4.743.150.000 đồng, gồm: Ngân sách Trung ương 2.540.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh 1.608.150.000 đồng; Ngân sách huyện 595.000.000 đồng.
(Chi tiết theo Đề án được duyệt)
Điều 2: Tổ chức thực hiện Đề án
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ Đề án đúng quy định; Hàng năm, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ theo quy định báo cáo UBND tỉnh quyết định;
- Phối hợp với các địa phương lựa chọn vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chí, điều kiện sản xuất; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nội dung của Đề án. Hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án và kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổ chức sơ kết, tổng kết triển khai thực hiện Đề án theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện đề án;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng và các quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu phân bổ nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thu hút đầu tư các dự án đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững.
4. Sở Công Thương: Phối hợp với UBND các huyện trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác chế biến, tiêu thụ quả; lồng ghép các chương trình nhằm hỗ trợ các vùng sản xuất quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn bền vững.
5. UBND các huyện
- Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, nội dung hỗ trợ của Đề án để các tổ chức và nhân dân trên địa bàn biết tham gia thực hiện.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan lựa chọn các vùng sản xuất đảm bảo các tiêu chí, điều kiện; tổ chức triển khai, quản lý các vùng sản xuất trong phạm vi thực hiện của đề án trên địa bàn một cách hiệu quả và phát triển bền vững.
Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch UBND các huyện và tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.