ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2009/QĐ-UBND |
Long Xuyên, ngày 17 tháng 6 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUYẾT ĐỊNH 11/2008/QĐ-UBND NGÀY 31/3/2008 CỦA UBND TỈNH VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 196/TTr-SNN-CC ngày 03 tháng 6 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Bản quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang.
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
Điều 1: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Đối tượng áp dụng của Quy định này là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan đến nuôi cá tra, cá basa; các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản.
2. Phạm vi điều chỉnh của Quy định này là hoạt động nuôi cá tra, cá basa theo hình thức ao hầm và lồng bè (không kể loại hình nuôi giống) của các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
Điều 6. Tổ chức và cá nhân nuôi cá tra, cá basa trên địa bàn tỉnh phải có giấy xác nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản do chính quyền cấp xã, phường, thị trấn xác nhận thông qua bảng đăng ký nuôi trồng thủy sản (tại mẫu 1). Giấy xác nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
1. Đối với nuôi ao hầm:
a) Phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi thủy sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng mục đích nuôi trồng thủy sản. Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng mục đích cho nuôi trồng thủy sản thì phải lập thủ tục xin chuyển mục đích theo trình tự thủ tục nêu tại phụ lục 1 (kèm theo các mẫu 2a, 2b và 2c);
c) Về thủ tục môi trường:
- Đối với ao nuôi có diện tích mặt nước dưới 10 ha: Trường hợp chưa nuôi phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường (mẫu 3a); trường hợp đã nuôi phải lập đề án bảo vệ môi trường (mẫu 3b) gửi phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện hoặc UBND xã, phường, thị trấn (đối với trường hợp UBND cấp huyện ủy quyền cho UBND cấp xã xác nhận) để được xác nhận (không phải kèm theo hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường như: báo cáo đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hoặc tài liệu tương đương);
- Đối với ao nuôi có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, phê duyệt theo quy định;
d) Phải đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm (mẫu 4).
2. Đối với nuôi lồng bè:
a) Phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi thủy sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bè cá) (phụ lục 2);
c) Về thủ tục môi trường: Phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường đối với trường hợp chưa nuôi (mẫu 5a) hoặc đề án bảo vệ môi trường đối với trường hợp đã nuôi (mẫu 5b) gửi phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện hoặc UBND xã, phường, thị trấn (đối với trường hợp UBND cấp huyện ủy quyền cho UBND cấp xã xác nhận) để được xác nhận (không phải kèm theo hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường như: báo cáo đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hoặc tài liệu tương đương);
d) Phải đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm (mẫu 4).
3. Chính quyền cấp xã được phép xác nhận vào bảng đăng ký nuôi trồng thủy sản của hộ nuôi khi hộ nuôi có làm đầy đủ các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản, đăng ký bảo vệ môi trường (trong đó hộ nuôi phải có đăng ký về thời gian hoàn thành các thủ tục trên trong thời hạn tối đa cho phép của cơ quan quản lý chuyên ngành)
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và UBND huyện, thị, thành có liên quan tổ chức hậu kiểm kết quả thực hiện về bảng đăng ký này.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này là Sổ Đăng ký nuôi trồng thủy sản trong đó bao gồm các mẫu, phụ lục được sắp xếp theo thứ tự như sau: mẫu 1, phụ lục 1 (kèm theo mẫu 2a, 2b, 2c) mẫu 3a, mẫu 3b, mẫu 4, phụ lục 2, mẫu 5a và mẫu 5b được quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này. Các phụ lục, mẫu gốc này được lưu tại Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm in mẫu Sổ Đăng ký nuôi trồng thủy sản phát miễn phí cho các hộ nuôi thủy sản thông qua chính quyền cấp xã với số lượng phù hợp thực tế, tránh lãng phí.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường, Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi cá tra, cá basa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.