ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2090/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 27 tháng 6 năm 2019 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÍA NAM TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Theo đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 727/SVHTTDL-QLLH ngày 14/6/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
I. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển du lịch phía Nam tỉnh Quảng Nam đến năm 2025
1. Quan điểm
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh.
- Phát triển du lịch phía Nam là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch.
- Phát triển du lịch bền vững, cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, lấy phát triển du lịch quốc tế là hướng chiến lược; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
- Phát triển du lịch có trọng điểm, tạo lan tỏa và thương hiệu du lịch phía Nam. Tăng cường liên kết với các vùng khác trong cả nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm, tour du lịch.
2. Mục tiêu:
- Mục tiêu tổng quát:
Phát triển du lịch phía Nam với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ và hiện đại; xây dựng các sản phẩm du lịch có thương hiệu và chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương; du lịch có tính chuyên nghiệp để cạnh tranh trong khu vực.
- Chỉ tiêu cụ thể:
Đến năm 2025 đón được ít nhất 3,5 triệu lượt khách du lịch, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 7.000 tỷ đồng, đóng góp 30% thu nhập xã hội từ du lịch của tỉnh; tạo ra 5.000 việc làm.
3. Phạm vi: Một số huyện, thành phố: Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My.
4. Định hướng phát triển du lịch phía Nam Quảng Nam đến năm 2025
a) Định hướng sản phẩm du lịch
Giai đoạn 2019 - 2021:
Tập trung hoàn thiện và khai thác sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử cách mạng: Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Địa đạo Kỳ Anh, Làng Hương Trà, Khu Căn cứ cách mạng Nước Oa, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, các Nhà Lưu niệm: cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; Bảo tàng tỉnh, Tháp Chiên Đàn, Tháp Khương Mỹ, Khổng Miếu, Khu kháng chiến Hạ Lào, Khu tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Khu di tích Nước Là, huyện Nam Trà My... ; kết hợp du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, phát triển du lịch làng quê, làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp là các điểm đến vệ tinh bổ sung cho khách tham quan như làng chiếu cói Thạch Tân, làng nghề biển Tam Thanh, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh; du lịch sinh thái Hố Quờn, du lịch cộng đồng tại Làng cổ Lộc Yên, Mô Chai, Cao Sơn, xã đảo Tam Hải, Vườn sâm Tăk Ngo, du lịch biển Tam Thanh, biển Bình Minh, biển Rạng phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án lớn để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch ven sông, hồ Phú Ninh và các khu vui chơi giải trí. Tập trung đầu tư hoàn thành sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử cách mạng tại Phật viện Đồng Dương, Bãi sậy sông Đầm...
Tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới: Dược liệu, chăm sóc sức khỏe gắn với du lịch dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi.
Giai đoạn 2022 - 2025
Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch ven sông, hồ, du lịch cộng đồng, du lịch làng quê, làng nghề truyền thống; du lịch đường biển, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái... Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử cách mạng.
b) Định hướng thị trường khách du lịch
Phát triển du lịch phía Nam tương đối phù hợp với các thị trường sau đây:
- Khách công vụ: Đây là đối tượng khách quan trọng của phía Nam, có khả năng đóng góp nguồn thu lớn do có sử dụng dịch vụ lưu trú; đặc biệt là các chuyên gia quốc tế làm việc tại các dự án, khu công nghiệp có thời gian lưu trú dài và nhu cầu sử dụng các dịch vụ, du lịch kèm theo.
- Khách du lịch nội địa: Các cơ quan, trường học, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện hoạt động về nguồn kết hợp hoạt động nhóm (team-building) cho các đối tượng có liên quan. Khách du lịch nội địa lưu trú tại thành phố Đà Nẵng, Hội An, Huế. Nhóm khách gia đình, bạn bè từ các tỉnh lân cận: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Khách du lịch phượt, tìm hiểu văn hóa từ hai đầu đất nước. Khách du lịch nghỉ dưỡng biển từ các tỉnh Tây Nguyên.
- Khách du lịch quốc tế:
+ Giai đoạn 2019 - 2021: Chủ yếu khai thác khách quốc tế lưu trú tại Hội An, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, tập trung vào khách Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc…), một số khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc.
+ Giai đoạn 2022 - 2025: Chủ động lựa chọn khai thác các nguồn khách quốc tế có chất lượng cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… .
II. Giải pháp phát triển du lịch một số huyện, thành phố phía Nam tỉnh Quảng Nam đến năm 2025
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch
Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định phát triển du lịch phía Nam. Thực hiện tuyên truyền thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại, nâng cao nhận thức của những người tham gia hoạt động du lịch, cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động phát triển du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện nội dung của Đề án.
2. Thực hiện tốt công tác định hướng, quy hoạch du lịch
Quy hoạch du lịch là cơ sở quan trọng nhằm định hướng và thu hút đầu tư phát triển ngành. Tập trung thực hiện tốt Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch vùng hồ Phú Ninh và các đề án, kế hoạch phát triển du lịch của các địa phương đã được phê duyệt. Chỉ đạo, lãnh đạo quản lý tốt hiện trạng và điều lệ quy hoạch du lịch; quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện hạ tầng khung của quy hoạch để đảm bảo thu hút đầu tư. Khẩn trương triển khai lập quy hoạch có chất lượng tại những điểm có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch.
3. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch quyết định đến phát triển du lịch phía Nam. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, điện, cấp thoát nước, môi trường và các lĩnh vực liên quan đảm bảo đồng bộ, vừa đáp ứng yêu cầu kết nối tuyến du lịch quốc gia và tuyến du lịch địa phương phía Nam. Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch phía Nam đến năm 2025 từ nhiều nguồn kinh phí, kể cả lồng ghép các chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực khác. Ưu tiên các dự án:
+ Xúc tiến thu hút đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế đủ điều kiện đón các chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài.
+ Đầu tư cảng biển du lịch: Tam Hiệp, An Hòa, Kỳ Hà…, cầu tàu du lịch ở các bến sông. Nạo vét, khơi thông sông Trường Giang, kết nối phát triển du lịch đường sông Bắc Nam của tỉnh.
+ Đầu tư nhà ga Tam Kỳ phục vụ du lịch.
+ Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường: Đường 129 từ Hội An đến Chu Lai, nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 40B đoạn từ thành phố Tam Kỳ đến huyện Nam Trà My; đôn đốc tiến độ xây dựng tuyến đường Trung tâm Khu Công nghiệp Tam Thăng (từ Quốc lộ 1A nối đường ven biển). Chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường: Đường Thanh niên ven biển, đường Tam Kỳ - Phú Ninh, một số tuyến đường vào các khu, điểm du lịch ở các huyện, thành phố khu vực phía Nam.
+ Đầu tư hạ tầng du lịch biển như: Khu thể thao, khu công viên, dịch vụ tiện ích công cộng dọc tuyến đường ven biển.
+ Đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục như hệ thống bảo tàng, nhà hát, cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và cơ sở giáo dục, đào tạo đủ điều kiện, tiện nghi phục vụ khách du lịch.
+ Nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt nội vùng phục vụ phát triển du lịch phía Nam.
Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Quảng Nam về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, trong đó có hỗ trợ các điểm du lịch khu vực phía Nam thuộc 03 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My; Đề án quản lý và khai thác một số bãi biển du lịch; Quyết định số 4143/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020.
Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, tạo động lực lan tỏa các khu vực: Ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi, đảo Tam Hải, ven sông Trường Giang, hồ Phú Ninh, Phật viện Đồng Dương, khu vực miền núi… Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư khai thác dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
4. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu du lịch phía Nam
Sản phẩm du lịch là yếu tố quyết định việc thu hút khách và định hình thương hiệu du lịch phía Nam. Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đang khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch mới thu hút khách; hình thành liên kết các sản phẩm du lịch mang tính hệ thống có chất lượng như Khu Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Địa đạo Kỳ Anh, Làng Hương Trà, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Bãi sậy sông Đầm, Văn thánh Khổng Miếu, Bảo tàng tỉnh, Phật viện Đồng Dương, Biển Bình Minh, Làng du lịch cộng đồng xã Tam Hải, tham quan Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Tháp Khương Mỹ, Hố Giang Thơm, Tượng đài chiến thắng Núi Thành, Biển Rạng, Hồ Phú Ninh, Tháp Chiên Đàn, Nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh, Mỏ vàng Bồng Miêu - Thác trắng - Hầm Hô, Làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng sinh thái Thanh Khê - Thác Ồ Ồ, Khu sinh thái Hố Quờn, Quần thể Khu di tích Nước Oa, Làng du lịch cộng đồng Cao Sơn, Làng văn hóa - du lịch cộng đồng Mô Chai, Vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo…
Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch; tour, tuyến du lịch bao gồm cả đường thủy và đường bộ, kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng nhằm thu hút du khách đến với phía Nam Quảng Nam ngày càng nhiều hơn, lưu trú lâu hơn. Xác định phát triển các loại hình du lịch chính tại khu vực phía Nam: Du lịch nghỉ dưỡng biển - hồ, Du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng nông thôn…
Đầu tư phát triển gói sản phẩm du lịch chủ đề tìm hiểu văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng, biển đảo, thiên nhiên... gắn với xây dựng thương hiệu; đầu tư phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch, mặt hàng truyền thống địa phương. Tập trung thu hút đầu tư, xã hội hóa phát triển sản phẩm du lịch chính, đặc trưng để hình thành nên các hạt nhân thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch. Phát triển đồng bộ các yếu tố dịch vụ, tiện nghi phục vụ khách du lịch. Trùng tu, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát huy văn hóa phi vật thể, đặc biệt là thế mạnh văn hóa ẩm thực và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và bán sản phẩm du lịch; liên kết, hợp tác xây dựng, khai thác, quản lý và phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng công cụ quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ cũng như thực hiện quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn với thực hiện bình chọn, xếp hạng chất lượng các dịch vụ lưu trú, lữ hành, cơ sở ăn uống và mua sắm... theo chuẩn quốc tế.
5. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch có chất lượng
Lao động du lịch có vai trò quyết định chất lượng phục vụ khách du lịch. Cần nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 6425/KH-UBND ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng đang phục vụ trong ngành du lịch chuyên nghiệp hơn để nâng chất lượng dịch vụ; tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư tại khu, điểm du lịch để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
Xây dựng đội ngũ những người làm du lịch có phẩm chất tốt, hiểu biết về đất nước, có lòng tự hào dân tộc, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, hiểu biết về văn hoá và ứng xử, có kiến thức về văn hóa, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ. Đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ, có chính sách thu hút lao động, nhất là nhân lực có chuyên môn cao trong hoạt động du lịch. Các cơ sở đào tạo tăng cường liên kết, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, trình độ và ngoại ngữ du lịch.
Hướng đào tạo phù hợp với trình độ chuyên môn, vị trí của từng bộ phận và các nhóm đối tượng như nhóm cán bộ, công chức quản lý nhà nước; nhóm người lao động các doanh nghiệp du lịch và nhóm cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch.
6. Xây dựng môi trường tự nhiên và xã hội tốt phục vụ phát triển du lịch, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển du lịch.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 21/11/2013 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa. Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh an toàn cho du khách; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của du khách; thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; phòng chống tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, cạnh tranh không lành mạnh… làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng du lịch tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 3285/QĐ-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam nhằm nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, tổ chức - cá nhân kinh doanh và người dân trong ứng xử đối với du khách; phát động chương trình tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện Bộ quy tắc ứng xử. Phát huy vai trò hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ du khách tỉnh Quảng Nam nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, vướng mắc của khách du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đầu tư hoàn thiên hạ tầng thiết yếu như bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, công trình vệ sinh tại các khu, điểm du lịch theo Quyết định số 4143/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 UBND tỉnh; đầu tư hoàn thiện và quản lý tốt các bãi tắm biển du lịch theo Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 23/5/2013 và Quyết định số 4137/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh.
7. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch
Xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch phía Nam. Đổi mới hình thức tổ chức các sự kiện du lịch, mỗi huyện/thành phố định kỳ thường niên tổ chức lễ hội, tránh trùng lắp sự kiện và thời gian tổ chức.
Lựa chọn các thị trường mục tiêu để tập trung xúc tiến, quảng bá với nhiều hình thức, nội dung phù hợp thu hút khách. Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài...), trên các ấn phẩm (sách hướng dẫn, tờ rơi, catalogue...), trên các phương tiện trực quan (pano, biểu ngữ...) tại các sân bay, bến cảng, thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch. Tổ chức các đoàn famtrip và presstrip giới thiệu các điểm đến du lịch khu vực phía Nam nhân các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch ở các địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch phía Nam. Xây dựng phim ngắn, trailer quảng bá du lịch phía Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu du lịch phía Nam tại các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế; quảng bá các sản phẩm du lịch phía Nam trên các website, trang mạng xã hội.
Xây dựng và lắp đặt bảng thông tin, sơ đồ tuyến điểm du lịch phía Nam đặt tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, hồ Phú Ninh, sân bay Chu Lai, bãi biển Tam Thanh.
8. Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch
Các địa phương triển khai ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch theo vùng, gồm có: Núi Thành - Tam Kỳ - Thăng Bình - Phú Ninh; Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My. Đẩy mạnh liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến quảng bá điểm đến. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch phía Nam.
Xây dựng các tour kết nối các điểm du lịch phía Nam. Vận động, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành thực hiện kết nối tour, tuyến các khu, điểm du lịch phía Nam và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành lớn ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá thu hút du khách. Xây dựng chương trình ưu đãi hoặc kích cầu dành cho các công ty lữ hành, khách tham quan các khu, điểm du lịch phía Nam và vận động các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn ký kết tham gia chương trình khuyến mãi.
9. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch phía Nam. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư và quản lý nhà nước về du lịch. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nhận và quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, quản lý quy hoạch và đầu tư du lịch...
Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Nghiên cứu triển khai thực hiện hợp tác công tư trong việc quản lý và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.
10. Giải pháp nguồn lực thực hiện đề án
a) Tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách.
- Nguồn ngân sách: Nhà nước đầu tư mang tính chất tổng thể, đồng bộ; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, khôi phục làng nghề; thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá; đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch và một phần chương trình đào tạo... thông qua lồng ghép các chương trình, đề án, dự án, quy định hỗ trợ đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kết luận 25-KL/TU ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy về định hướng và giải pháp thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam; Chương trình phát triển nông thôn mới tỉnh Quảng Nam; Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của HĐND tỉnh về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Quyết định số 4143/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1222/QĐ-UBND ngày 07/4/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch; Đề án quản lý và khai thác các bãi biển du lịch; Kế hoạch số 3552/KH-UBND ngày 03/9/2014 của UBND tỉnh về xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 6425/KH-UBND ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về đào tạo bồi dưỡng lao động du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030"…
- Nguồn ngoài ngân sách tập trung đào tạo nghiệp vụ trong các đơn vị kinh doanh du lịch; đầu tư cơ sở vật chất chuyên ngành; khai thác phát triển các sản phẩm du lịch mới và các hàng lưu niệm đặc trưng để phục vụ khách du lịch.
b) Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; huy động tối đa nguồn lực của Nhân dân tham gia vào đầu tư phát triển du lịch địa phương; thực hiện việc lồng ghép nhiều chương trình, dự án, đề án để tăng nguồn lực đầu tư như: Các nguồn vốn ODA, FDI; chương trình hạ tầng du lịch, các dự án phi chính phủ… để thực hiện nhiệm vụ của Đề án.
c) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.
d) Hằng năm, trình HĐND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vượt thu thực hiện các dự án trọng điểm, cấp thiết phục vụ phát triển du lịch phía Nam như hạ tầng giao thông khớp nối các khu, điểm du lịch; hạ tầng thiết yếu phát triển du lịch…
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án. Đề xuất các cơ chế, chính sách mới về phát triển du lịch phía Nam. Hằng năm, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, tổng hợp các đề xuất, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển, nguồn vốn đầu tư công thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển du lịch khu vực phía Nam; ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch; tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư lớn, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam; hướng dẫn thu hút các dự án đầu tư du lịch vào phía Nam theo hình thức xã hội hóa. Tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các dự án do Trung ương quản lý phục vụ phát triển du lịch như: Sân bay Chu Lai và Nhà ga Tam Kỳ.
3. Sở Tài chính: Tham mưu bố trí nguồn vốn từ ngân sách, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện hỗ trợ các địa phương đầu tư phát triển sản phẩm du lịch phía Nam.
4. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch phía Nam. Lồng ghép các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển các lĩnh vực hạ tầng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chất lượng dịch vụ giao thông, nhất là giao thông đường bộ phục vụ khách du lịch.
5. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả quản lý kiến trúc cảnh quan, hướng dẫn các địa phương trong công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch có liên quan đến du lịch theo đúng quy định của pháp luật.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Kế hoạch số 6425/KH-UBND ngày 07/11/2018 về việc đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, tham mưu công tác quy hoạch sử dụng đất để phát triển du lịch, kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư để xây dựng các dự án du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
người dân, du khách bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch.
8. Sở Y tế: Phối hợp với các địa phương bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các lễ hội, thu hút đông khách du lịch; Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương liên quan nghiên cứu phát triển du lịch gắn với khám chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quy hoạch, xây dựng các dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án OCOP tại các địa phương; ưu tiên hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
10. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tài trợ các dự án liên quan đến phát triển du lịch khu vực phía Nam.
11. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai: Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Khu Kinh tế mở.
12. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; đảm bảo môi trường du lịch; quản lý chặt các hoạt động tham quan, lưu trú, quản lý tạm trú.
13. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch trong xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông kết hợp với cơ sở hạ tầng quảng bá du lịch, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị.
14. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch trong xã hội. Xây dựng các kênh thông tin, chuyên mục du lịch. Đổi mới hình thức, phương thức quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành, địa phương liên quan quảng bá du lịch phía Nam thông qua các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên trang và lồng ghép nội dung này vào các chương trình khác.
15. UBND các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My: Chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý, bảo tồn các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch. Tăng cường quản lý điểm đến tại địa phương, quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Chú trọng công tác phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng để phát triển sản phẩm, thị trường và các chuỗi giá trị du lịch, luân phiên hằng năm tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch nhằm thu hút khách, tránh sự trùng lắp về thời gian, nội dung, hình thức.
16. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Chủ trì, tổ chức tốt các đoàn famtrip, presstrip đến tham quan, khảo sát du lịch phía Nam; kết nối các Công ty lữ hành đưa khách đến khu vực phía Nam; phối hợp với các Sở, Ban, ngành địa phương liên quan thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch.
17. Các Sở, Ban, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu các nội dung liên quan đến việc thực hiện Đề án này; chủ động đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm phát triển du lịch phía Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.