ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 21 tháng 01 năm 2021 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 - 2025;
Xét Tờ trình số 03/TTr-LHCTCHN ngày 14/01/2021 của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Vĩnh Long.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Giao Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
XÚC TIẾN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TỈNH
VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của Chủ tịch
UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), được xây dựng dựa trên cơ sở tham chiếu các văn bản quan trọng sau đây:
- Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 - 2025 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ);
- Kế hoạch triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Long);
- Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Nghị quyết số 275/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Vĩnh Long về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025;
- Trên cơ sở trao đổi, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong tỉnh về nhu cầu và lĩnh vực cần được hỗ trợ các dự án/chương trình từ các nguồn tài trợ PCPNN.
1. Mục tiêu tổng quát:
Tăng cường huy động, khai thác, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ từ bên ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Qua đó, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân Vĩnh Long nói riêng với Nhân dân các nước trên thế giới trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Duy trì, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động hợp pháp tại tỉnh Vĩnh Long, mở rộng quan hệ với các tổ chức có tiềm năng nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ PCPNN cho tỉnh.
- Nâng cao giá trị và sử dụng hiệu quả viện trợ của các tổ chức PCPNN, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời tạo điều kiện thực hiện công tác an sinh xã hội của tỉnh.
- Xây dựng môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho hoạt động giao lưu hữu nghị giữa Nhân dân Vĩnh Long với nhân dân nước bạn và thu hút viện trợ của các tổ chức PCPNN.
- Chủ động hội nhập quốc tế trong công tác đối ngoại nhân dân và tranh thủ kêu gọi hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế giữa địa phương với các nước thông qua kênh ngoại giao nhân dân và tổ chức PCPNN.
1. Định hướng chung:
Viện trợ của các tổ chức PCPNN cần phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, chiến lược giảm nghèo bền vững của tỉnh; phù hợp với quy hoạch và ưu tiên phát triển theo ngành và từng địa phương; hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nghèo, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của tỉnh.
2. Định hướng theo lĩnh vực:
- Định hướng về lĩnh vực trong Chương trình này là những lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long ưu tiên kêu gọi viện trợ PCPNN; phù hợp với Kế hoạch triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Long)
- Viện trợ PCPNN cần được định hướng vào các lĩnh vực mà các tổ chức PCPNN có lợi thế, tiềm năng hỗ trợ thực hiện phù hợp với các chương trình quốc gia, tỉnh trong các lĩnh vực cụ thể:
a) Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề:
* Về giáo dục:
- Hỗ trợ đào tạo, cung cấp giáo viên tình nguyện, tập huấn nâng cao năng lực giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT, ưu tiên đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở vùng sâu, vùng lũ, vùng dân tộc về kỹ năng giảng dạy ngoại ngữ, kỹ năng tiếp cận và truyền đạt công nghệ thông tin, truy cập mạng Internet trong thời đại hiện nay.
- Xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp phòng học, phòng chức năng, nâng cao cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cho các trường học, trong đó ưu tiên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
- Xây dựng chương trình hỗ trợ học bổng, dụng cụ và đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhằm tiếp sức cho các em đến trường và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng các mô hình và chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường và vệ sinh học đường; tổ chức sân chơi lành mạnh cho giáo viên, học sinh nhằm rèn luyện sức khỏe để đảm bảo việc dạy và học hiệu quả hơn.
- Hỗ trợ đào tạo và xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến; kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục.
- Giao lưu, trao đổi giữa hệ thống giáo dục địa phương và nước bạn nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy và làm cầu nối giao lưu cho học sinh, sinh viên với nhau thông qua hoạt động giao lưu kết nghĩa, thông qua mạng Internet….
* Về đào tạo, dạy nghề:
- Hỗ trợ đào tạo, dạy nghề phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề và nhu cầu lao động, việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng đến người lao động các vùng nông thôn, các vùng đang đô thị hóa, vùng ven đô thị. Thông qua việc tài trợ kinh phí đào tạo, cung cấp chuyên gia tình nguyện viên, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, trung tâm đào tạo nghề cho người lao động.
- Gắn kết tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài với địa phương trong việc đào tạo nghề và sử dụng nguồn lao động của tỉnh nhằm góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hội thảo về các chủ đề nóng của xã hội trong nước và khu vực, thế giới như: Việt Nam hội nhập thương mại quốc tế, khu vực Đông Nam Á; dịch bệnh; tình hình biến đổi khí hậu,… nhằm kịp thời tuyên truyền và chia sẻ thông tin chính thống để người dân hiểu đúng, có cách đối phó và thích nghi.
- Tổ chức tập huấn công tác đối ngoại nhân dân và kỹ năng vận động, quản lý các chương trình/dự án tài trợ của tổ chức PCPNN trong tình hình mới cho đối tượng là lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và cán bộ làm công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
b) Lĩnh vực giao thông nông thôn:
- Thực hiện xóa cầu khỉ, cầu tạm và hình thành cầu kiên cố nhằm phục vụ giao thông nông thôn, giảm thiểu rủi ro cho phụ nữ, trẻ em, người già trong mùa mưa lũ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi đến cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người dân; thông thương mua bán, trao đổi nông sản cho nông dân.
- Xây dựng đường giao thông nông thôn (đường đan, trải nhựa), nhằm đảm bảo đê điều và phục vụ giao thông nông thôn, kết hợp ngăn lũ và thích ứng-ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất của người dân.
- Hỗ trợ điện thắp sáng đường giao thông vùng nông thôn theo mô hình nông thôn mới, nhằm phục vụ việc đi lại và bảo đảm an ninh cho người dân.
c) Lĩnh vực nước sạch - Vệ sinh môi trường:
- Xây dựng mới nhà máy cung cấp nước sạch và mở rộng hệ thống ống nước cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân; Cung cấp bồn chứa nước sạch cho hộ nghèo, cận nghèo vùng nông thôn và khu vực chưa có nhà máy cung cấp nước sạch.
- Xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế, lò đốt rác thải sinh hoạt cho hộ dân; Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh cho người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo nhằm đảm bảo và hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế bệnh tật do môi trường gây ra.
- Thúc đẩy việc sử dụng khí sinh học, năng lượng mặt trời, công nghệ xử lý nước thải phi tập trung; Xử lý môi trường khu vực trung tâm dân cư vùng nông thôn; Tuyên truyền lồng ghép bảo vệ môi trường thông qua các chương trình/dự án phát triển nông nghiệp vùng nông thôn và thành thị.
d) Lĩnh vực an sinh xã hội:
- Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; Hỗ trợ vốn, vật nuôi nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững (trong đó ưu tiên gia đình người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, đối tượng người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội).
- Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo để người dân tiếp cận và hưởng lợi tốt hơn từ các dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh. Hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo cho người nghèo, cận nghèo.
- Cứu trợ khẩn cấp (cung cấp thuốc men, lương thực, nhà ở, tái thiết hạ tầng sản xuất) khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ quà cho người nghèo, cận nghèo trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
- Hỗ trợ và xây dựng các Trung tâm nuôi trẻ mồ côi, người cao tuổi neo đơn (trong và ngoài công lập), nạn nhân chất độc Da Cam/DIOXIN… và trung tâm phục vụ tạm lánh cho người yếu thế, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
f) Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:
- Trao đổi văn hóa, thể thao; hỗ trợ đào tạo huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp nâng cao trình độ thi đấu và giao lưu với nước bạn.
- Tuyên truyền giá trị văn hóa và bảo vệ văn hóa phi vật thể, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa tại địa phương.
- Hỗ trợ tuyên truyền phát triển mô hình du lịch địa phương cho bạn bè trong khu vực và thế giới.
g) Lĩnh vực y tế:
- Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ thông qua việc trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với nước bạn và hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước.
- Phát triển hạ tầng cơ sở y tế: nâng cấp, xây dựng, cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ,… cho các phòng khám khu vực, bệnh viện chuyên ngành, trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế xã - phường.
- Hỗ trợ việc thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống đại dịch COVID-19, sốt rét, lao phổi, mắt, chống phong, sốt xuất huyết, nước sạch và vệ sinh môi trường….
- Phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và điều trị cho người có HIV/AIDS, phòng, chống và giảm tác hại của ma túy trong cộng đồng và trong học đường.
- Tuyên truyền các hoạt động về dân số như: kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát tỷ lệ sinh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản….
- Tổ chức các đoàn khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, cận nghèo tại vùng nông thôn.
h) Lĩnh vực khác:
- Nâng cao năng lực quản lý và triển khai kế hoạch, chương trình, dự án cho đối tác địa phương;
- Nâng cao nhận thức cộng đồng trong thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.
- Chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp; Hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ, giống cây trồng, vật nuôi tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao để phục vụ phát triển sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế và góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
IV. BIỆN PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Biện pháp:
- Bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp quy liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến hoạt động và triển khai viện trợ tại tỉnh Vĩnh Long với thủ tục đơn giản, nhanh gọn nhưng đảm bảo đúng quy định.
- Duy trì và tăng cường tranh thủ sự quan tâm và hỗ trợ trực tiếp của Ban điều phối viện trợ nhân thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về công tác tiếp cận vận động, kêu gọi viện trợ; quản lý việc sử dụng nguồn viện trợ này.
- Tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin nhằm giới thiệu các nhu cầu của tỉnh với các tổ chức PCPNN và các tổ chức tài trợ, hướng viện trợ vào các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên. Chủ động xây dựng danh mục các chương trình/dự án trên các lĩnh vực ưu tiên nêu trên để kêu gọi tài trợ (xây dựng từng chương trình/ dự án cụ thể).
- Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác PCPNN, nhằm đảm bảo triển khai đúng mục đích, giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ.
- Củng cố và tăng cường năng lực của cơ quan đầu mối về công tác phi chính phủ nước ngoài, đảm bảo về cán bộ chuyên trách, được đào tạo cơ bản và phù hợp, đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện công tác vận động, quản lý và sử dụng viện trợ hiệu quả.
2. Tổ chức thực hiện:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh là cơ quan đầu mối thực hiện đàm phán, ký kết các khoản viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đồng thời tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có chính sách khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân cùng chủ động tham gia vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Do đó các cơ quan, tổ chức do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập hoặc các cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động, kinh doanh; các hội, hiệp hội, các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh trước khi tiếp xúc và làm việc hoặc tiếp nhận viện trợ từ các tổ chức PCPNN, nhà tài trợ nước ngoài phải báo cáo cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh biết để phối hợp hoạt động.
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh: là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác tiếp xúc, quan hệ, vận động, đàm phán, ký kết, tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; làm công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM TW) xây dựng các chính sách ưu tiên phù hợp với pháp luật hiện hành đối với các tổ chức PCPNN đã, đang và sẽ hoạt động trên địa bàn tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Kinh tế-Ngoại vụ), các cơ quan liên quan và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực, địa bàn phụ trách tổ chức thực hiện theo quy định.
- Các ban ngành, địa phương căn cứ theo Chương trình để cụ thể hóa các ưu tiên trong vận động viện trợ PCPNN trên cơ sở tình hình thực tế của mỗi ngành, địa phương; hợp tác với các tổ chức PCPNN tổ chức triển khai, quản lý và thực hiện dự án viện trợ một cách hiệu quả. Chủ động tìm kiếm và xây dựng các mối liên hệ vận động, hợp tác với các tổ chức PCPNN với sự hỗ trợ từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Vĩnh Long./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.