ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2007/QĐ-UBND |
Hải Dương, ngày 20 tháng 06 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức/hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020;
Được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 937-TB/TU ngày 15/6/2018 về việc phê duyệt Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương giai đoạn 2018-2020 và Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Hải Dương giai đoạn 2018-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tại Tờ trình số 2188/TTr-SLĐTBXH ngày 15/6/2018 về việc phê duyệt Đề án “Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương giai đoạn 2018 - 2020”,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội Hải Dương giai đoạn 2018 - 2020”
(có Đề án chi tiết đính kèm).
Điều 2. Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động, thương binh và xã hội, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Nội vụ, Y tế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
I. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Sức khỏe tâm thần được định nghĩa bởi tổ chức Y tế thế giới (WHO) “là trạng thái hoàn toàn thoải mái mà ở đó mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả năng suất và có thể đóng góp cho cộng đồng”.
Nhận định của các nhà nghiên cứu về tâm thần học, rối nhiễu tâm trí là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, biểu hiện sự lệch lạc về sức khỏe tâm thần. Đây không phải là bệnh mới, là sự nhìn nhận mới về tình trạng sức khỏe, tâm trí theo hướng dự phòng. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể rơi vào trạng thái trầm uất, cô đơn, dần xa lánh bạn bè, người thân, rối loạn giấc ngủ, không ăn uống, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, hành động hủy hoại thân thể hoặc toan tính tự tử, khi đó, việc điều trị bệnh trở nên rất khó khăn, Các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần như: động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy .... số người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ngày càng gia tăng, nguyên nhân do áp lực công việc, sự thay đổi về môi trường, lối sống, sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần, cùng với những hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội như: chưa có mạng lưới các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Những năm qua người Tâm thần (TT) và Rối nhiễu tâm trí (RNTT) chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của xã hội, của các địa phương mà mới chỉ giới hạn ở những đối tượng đã và đang điều trị tâm thần tại các Bệnh viện tâm thần, các Trung tâm điều dưỡng tâm thần và mạng lưới y tế cơ sở. Chúng ta cần mở rộng sự quan tâm, hỗ trợ đối với các đối tượng có nguy cơ cao về RNTT như ở người già, người nghiện chất, học sinh, thanh thiếu niên do bạo lực học đường, trẻ em khuyết tật và phụ huynh trẻ khuyết tật, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ, gia đình người bệnh tâm thần...
Hiện nay tỉnh Hải Dương chưa có cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; các cơ sở bảo trợ xã hội mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng của người tâm thần. Các cơ sở bảo trợ xã hội chủ yếu nuôi dưỡng tập trung người tâm thần; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng... Việc tăng cường hợp tác giữa các ngành, đặc biệt giữa hai ngành Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội là rất cần thiết để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, hỗ trợ tâm lí và hỗ trợ xã hội đối với các đối tượng này.
Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương đang chăm sóc, phục hồi chức năng cho 450 người tâm thần, với cơ sở vật chất hiện tại của Trung tâm theo mô hình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về diện tích phòng đáp ứng điều trị và phục hồi chức năng tâm thần cho khoảng 450 người, theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức cho 700 người tâm thần. Diện tích đất hiện được giao của Trung tâm là 4,7ha, trong đó khu vực cũ là 1,8 ha đã bàn giao đã cơ bản sử dụng hết, còn 2,7 ha tiếp nhận từ Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy hiện mới sử dụng một phần cho tăng gia sản xuất (Các cơ sở vật chất cũ đã xuống cấp không sử dụng được) chưa có nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất để tiếp nhận số lượng đối tượng trên, phương tiện thiết bị phục vụ điều trị còn đơn sơ, nghèo nàn không đạt chuẩn về điều trị theo quy định. Chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại trên địa bàn tỉnh về điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Người bệnh trong Trung tâm đều là những trường hợp đặc biệt, tâm lý bất bình thường, người bệnh phân làm nhiều cấp, cần có cơ sở vật chất phục vụ công tác chăm nom người bệnh, có chế độ chăm sóc cho mỗi đối tượng bệnh nhân, tạo môi trường thân thiện hòa nhập, phục hồi chức năng giúp người bệnh thuyên giảm, có thể trở về với cuộc sống gia đình.
Xuất phát từ thực tiễn trên Đề án" Phòng và Trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người tâm thần tại trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương giai đoạn 2018 - 2020” tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội nhằm mục đích phát hiện, can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần đồng thời giảm bớt số người tâm thần vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Mặt khác giúp cho các gia đình phát hiện sớm người tâm thần bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời và các hậu quả do người tâm thần gây ra. Cũng như bảo đảm cơ sở vật chất để tổ chức tiếp nhận đến 700 bệnh nhân
- Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/09/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội;
- Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;
- Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020;
- Thông tư số 98/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020;
- Thông tư số 01/2015/TT-BLĐTBXH ngày 06/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn về quản lý trường hợp với người khuyết tật;
- Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh Hải Dương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương;
- Quyết định số 1465 ngày 11/6/2015 của UBND tỉnh Hải Dương về việc đổi tên Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương thành Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và Xã hội Hải Dương;
- Kế hoạch số 2774/KH-UBND ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020;
1. Thực trạng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí
Hiện nay, do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng người tâm thần (TT) và rối nhiễu tâm trí (RNTT) có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các khu vực thành thị. Theo số liệu báo cáo nhanh của các huyện, thị xã, thành phố hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh số người tâm thần nặng, lang thang có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng , toàn tỉnh có 11.786 người tâm thần trong đó tâm thần phân liệt có 4.307 người, chiếm 36,5%, rối loạn tâm thần 5.112 người chiếm 43,4%, còn lại là các loại đối tượng tâm thần khác. Người tâm thần trong diện hộ nghèo là hơn 3.000 người chiếm trên 26% tổng số người bị tâm thần; có 450 người tâm thần được chăm sóc phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội
Số lượng người TT và RNTT gia tăng, sự biến động về số lượng ở mỗi nhóm đối tượng là khác nhau. Ngoài ra, bạo lực học đường, các sang chấn tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, quấy rối tình dục vị thành niên, trầm cảm ở phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ đang có xu hướng tăng. Các vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển tinh thần, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, nguy cơ đưa đến RNTT ở các đối tượng này là không thể tránh khỏi và nặng hơn nữa là đưa đến các biểu hiện về bệnh tâm thần mãn tính.
Do nhận thức hạn chế của gia đình và cộng đồng, người có bệnh TT thường bị đối xử phân biệt và chưa thật sự nhận được sự quan tâm của xã hội. Một số người bị cộng đồng kì thị và được xem như là gánh nặng của gia đình và xã hội, vĩnh viễn sẽ không còn khả năng hồi phục và làm việc như người bình thường. Vì vậy, phần lớn người có vấn đề về SKTT thường không thừa nhận các rối loạn tâm thần mà họ mắc phải, hoặc một số người sau khi điều trị ổn định về sinh sống tại cộng đồng đã xin quay trở lại các trung tâm điều dưỡng người tâm thần, bệnh viện, hoặc các trung tâm bảo trợ người tâm thần vì không thể hòa nhập bởi sự phân biệt và kì thị.
Thêm vào đó, sự điều trị người TT và RNTT đòi hỏi thời gian kéo dài và kiên trì, một số gia đình có người TT điều trị tại bệnh viện rơi vào cảnh khánh kiệt hoặc không còn khả năng điều trị tiếp tục cho người thân, không biết kêu gọi hỗ trợ từ đâu, đành để người tâm thần đi lang thang hoặc nhốt, xích tại nhà. Có nhiều người có hành vi nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng như là đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang gây rối, mất trật tự an toàn xã hội, và nhiều vụ án nghiêm trọng do người tâm thần gây nên gây hoang mang trong gia đình và cộng đồng.
Dự báo đến năm 2020, ước tính số người TT và RNTT trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 20.000 người.
2. Thực trạng công tác trợ giúp xã hội cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng
- Thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng Bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các thông tư hướng dẫn trong đó quy định chính sách và chế độ trợ giúp cho người khuyết tật dạng tâm thần nặng, đặc biệt nặng các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho người tâm thần được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Việc trợ cấp, trợ giúp được thực hiện chủ yếu tại gia đình và cộng đồng nơi đối tượng sinh sống, mức trợ cấp tối thiểu là 270.000đồng/người/tháng, với mức tiền từ 405.000đ/tháng/người đến 675.000đồng/tháng/người, bảo đảm 100% người tâm thần được xác định mức độ khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, đối với người tâm thần được xác định nặng, đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội khi chết được hỗ trợ mai táng phí với mức trợ cấp là 5.400.000đ/người; Người tâm thần được chăm sóc nuôi dưỡng sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội mức trợ cấp hàng tháng là 1.080.000đồng/người/tháng, vật dụng tư trang là 1.150.000đồng/người/năm; tiền thuốc chữa bệnh 2.000.000đồng/người/năm, hỗ trợ mai táng phí khi chết 5.400.000đ/người...
- Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố đến 31/12/2017 toàn tỉnh có 4.067 người tâm thần đặc biệt nặng, người tâm thần nặng đang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, hàng năm chi trả gần 20tỷ đồng; có 01 bệnh viện điều trị, nội trú cho trên 2.000 lượt người/năm, điều trị ngoại trú cho khoảng 5.000 lượt người/năm; có 01 Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và Xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng 450 người với kinh phí trên 6 tỷ đồng/ năm.
- Đội ngũ cán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí trên toàn tỉnh có 829 người trong đó có 530 cán bộ làm công tác Lao động Thương binh và Xã hội và cán bộ y tế xã, phường, thị trấn; có 12 cán bộ trung tâm y tế huyện; có 185 cán bộ, công nhân viên bệnh viện tâm thần, bệnh viện đa khoa tỉnh; có 213 cán bộ, nhân viên thuộc trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và Xã hội Hải Dương.
IV. Thực trạng Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và Xã hội Hải Dương
Hiện nay Trung tâm đang thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh Hải Dương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương và Quyết định số 1465/QĐ-UBND ngày 11/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc đổi tên Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương thành Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và Xã hội. Hiện nay Trung tâm đang chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 450 người bị tâm thần. Trung tâm có 213 cán bộ, nhân viên người lao động thuộc trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và Xã hội Hải Dương trong đó 03 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, 60 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề do Sở y tế tỉnh Hải Dương cấp.
Hiện nay, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND tỉnh Hải Dương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hải Dương là chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 450 người bị mắc bệnh tâm thần, tư vấn điều trị cho người tâm thần đang nuôi dưỡng tại trung tâm và thân nhân của người tâm thần đang nuôi dưỡng tại Trung tâm. Để đảm bảo thực hiện nâng công suất chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 700 người vào năm 2020 theo mục tiêu Kế hoạch của UBND tỉnh và Quy hoạch của tỉnh trong thời gian tới cũng như nhằm phát hiện, can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần đồng thời giảm bớt số người tâm thần vào các cơ sở bảo trợ xã hội cần bổ sung thêm một số hoạt động theo nội dung của Đề án như sau:
1. Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, góp phần phòng ngừa, hạn chế người bị rối nhiễu tâm trí, người mắc bệnh tâm thần; huy động sự tham gia của xã hội, gia đình và cộng đồng trong việc trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
- 90% số trẻ trong độ tuổi mầm non tại các trường công lập trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được khảo sát để phát hiện và hỗ trợ kịp thời những trẻ có biểu hiện về rối nhiễu tâm trí và chậm phát triển trí tuệ.
- 100% đối tượng có nhu cầu được cung cấp các dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ xã hội tại Trung tâm và kết nối đến các dịch vụ xã hội liên quan khác.
- 80% phụ huynh trẻ khuyết tật, phụ nữ mang thai nuôi con nhỏ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được khảo sát tâm lý để phát hiện và hỗ trợ kịp thời những biểu hiện của rối nhiễu tâm trí nhằm ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến bệnh tâm thần.
- 80% người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được chăm sóc và phục hồi chức năng luân phiên tại Trung tâm; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác;
- 100% gia đình có người tâm thần, 80% gia đình có người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào trung tâm.
- Hình thành và đưa vào hoạt động mô hình “ Phòng và Trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người tâm thần” tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, làm cơ sở cho việc phát triển mô hình phòng chống RNTT dựa vào cộng đồng lồng ghép giữa hai ngành Y tế và Lao động -Thương binh và Xã hội trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2020. Theo quy trình khép kín từ khâu phát hiện sớm, can thiệp, kết nối và phục hồi với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, các đơn vị cung cấp dịch vụ và chính quyền địa phương.
III. Nội dung mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ các phòng chức năng hiện tại của đơn vị xây dựng quy trình và tổ chức hoạt động mô hình theo cơ chế kết hợp, liên thông các phòng chức năng đảm bảo không phát sinh bộ máy, nhân lực làm việc.
1. Chức năng, nhiệm vụ
1.1. Cung cấp các dịch vụ:
- Đánh giá các nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng.
- Cung cấp dịch vụ điều trị y tế ban đầu.
- Tư vấn và trợ giúp điều trị tại gia đình và cộng đồng.
- Tư vấn hỗ trợ trị liệu, dạy nghề ngắn hạn tại Trung tâm.
- Tiếp nhận đối tượng tự nguyện vào chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần không đủ tiêu chuẩn theo quy định mà gia đình người tâm thần có nhu cầu nguyện vọng.
1.2. Tư vấn tâm lý, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý cho trẻ bị xâm hại, bạo lực, phụ nữ mang thai nuôi con nhỏ, người rối loạn tâm thần do nghiện chất; đánh giá trị liệu tâm lý và can thiệp hành vi cho trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ.
1.3. Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc.
1.4. Xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch.
1.5. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các biểu mẫu đánh giá mức độ rối nhiễu tâm trí cho mạng lưới cán bộ làm công tác Lao động - thương binh và Xã hội cấp xã, phường thị trấn (gọi chung cấp xã), hoặc cộng tác viên công tác xã hội (nếu có) hỗ trợ phát hiện sớm người rối nhiễu tâm trí tại các trường mầm non, trường học, trạm y tế cấp xã.
1.6. Phối hợp với nhà trường tổ chức các hội thảo ca hỗ trợ chuyên môn cho các mô hình tham vấn học đường tại các trường học; tiếp nhận và hỗ trợ tham vấn viên tại các trường quản lý các trường hợp có vấn đề phức tạp, cần sự phối hợp với gia đình, các ngành và địa phương.
1.7. Cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rối nhiễu tâm trí như liệu pháp tâm lý, điều hòa cảm xúc bằng phương pháp yoga, thiền, liệu pháp âm nhạc, nghệ thuật, lao động trị liệu... cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ huynh trẻ khuyết tật...) tập huấn các kỹ năng ứng phó với stress, kiềm chế cảm xúc...
1.8. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở cung cấp dịch vụ, chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận quản lý trường hợp những người bệnh tâm thần từ bệnh viện và các trung tâm về hòa nhập cộng đồng; bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần đang được chăm sóc tại gia đình và các đối tượng khác của Trung tâm có nhu cầu trợ giúp xã hội cần đưa vào danh sách quản lý trường hợp tại cộng đồng.
1.9. Huy động nguồn lực và phối hợp địa phương thực hiện các mô hình trợ giúp xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thuộc phạm vi phục vụ của Trung tâm như giải quyết việc làm, sinh kế, cải tạo môi trường sống và các nhu cầu khác.
2. Đối tượng phục vụ
- Trẻ em có những biểu hiện về rối loạn phát triển thần kinh: Khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý;
- Trẻ em rối loạn stress sau sang chấn tâm lý, là nạn nhân của sự xâm hại, của bạo lực gia đình và học đường;
- Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; phụ huynh của trẻ khuyết tật;
- Người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần;
- Người tâm thần.
3. Quy trình hoạt động
Các phòng tham gia quy trình hoạt động gồm: Phòng Nghiệp vụ công tác xã hội; Phòng Y tế; Phòng Dạy nghề, Khoa phục hồi chức năng, các khoa Bệnh nhân.
- Bước 1: Đón tiếp
- Bước 2: Sàng lọc, phân loại
- Bước 3: Đánh giá nhu cầu phục hồi chức năng
- Bước 4: Lập kế hoạch phục hồi chức năng (quản lý ca)
- Bước 5: Thực hiện kế hoạch phục hồi chức năng
- Bước 6: Theo dõi, đánh giá kết quả phục hồi
- Bước 7: Dạy nghề và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng
4. Cơ cấu tổ chức, nhân sự làm việc
Trực tiếp 01 Phó Giám đốc phụ trách chỉ đạo chung, phân công nhiệm vụ phê duyệt hồ sơ tiếp nhận, ký kết hợp đồng dịch vụ và phê duyệt kế hoạch phục hồi chức năng (quản lý ca). Số lượng cán bộ các phòng chức năng tham gia thực hiện quy trình gồm 18 người bao gồm: cán bộ CTXH; 01 bác sĩ, và 16 cán bộ (tâm lý lâm sàng, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội, kỹ thuật viên ...). Ngoài ra, bố trí cán bộ kiêm nhiệm để hỗ trợ chuyên môn thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng. Tất cả cán bộ đều phải được đào tạo chuẩn 03 tháng về CSSK tâm thần. Bên cạnh đó thường xuyên mời hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
5. Nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên
Cán bộ, nhân viên gồm: Nhân viên công tác xã hội, nhân viên tâm lý, bác sỹ, nhân viên y tế, điều dưỡng viên thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Nhân viên công tác xã hội:
+ Sàng lọc, đánh giá phân loại đối tượng;
+ Thực hiện quản lý ca;
+ Trợ giúp các đối tượng tiếp cận các dịch vụ xã hội;
+ Trợ giúp học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm.
- Nhân viên tâm lý: Tư vấn tâm lý, Trị liệu tâm lý.
- Bác sỹ, nhân viên y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần:
+ Tư vấn trị liệu;
+ Khám chữa bệnh ban đầu cho đối tượng;
+ Chăm sóc đối tượng trong thời gian lưu trú;
+ Phục hồi chức năng;
+ Chuyển tuyến điều trị tại các bệnh viện hoặc phục hồi chức năng tại các phòng chăm sóc thuộc Trung tâm.
- Nhân viên điều dưỡng:
+ Theo dõi và đánh giá bệnh nhân trong quá trình chăm sóc;
+ Giúp đỡ cho bệnh nhân ăn uống;
+ Giúp BN vận động, luyện tập phục hồi chức năng;
+ Thực hiện các kỹ năng chăm sóc ĐD;
+ Thực hiện theo các quy định của ngành Y tế về công tác điều dưỡng.
6. Cơ Sở vật chất
6.1. Sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, nâng công suất cung cấp dịch vụ một số hạng mục công trình và mua sắm trang thiết bị
- Cải tạo sửa chữa nâng cấp, mở rộng khu nhà ở bệnh nhân và phục hồi chức năng 2.791.50 m2;
- Cải tạo sửa chữa, nâng cấp mở rộng nhà khám chữa bệnh: diện tích 1.605.00m2 (phòng đón tiếp, khám sàng lọc, kho thuốc, phòng trực, phòng làm việc và các phòng thiết bị y tế);
- Cải tạo sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu nhà bếp, nhà ăn: 678.24m2;
- Mua sắm trang thiết bị.
6.2. Địa điểm cải tạo, sửa chữa: Tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương (Phường Cộng hòa, thị xã Chí Linh).
6.3. Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương ( nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020)
1. Giải pháp về cơ sở vật chất, trang thiết bị
Trên nền cơ sở vật chất của Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội hiện có. Với nguồn kinh phí thực hiện Đề án này, trong năm 2018 sẽ cải tạo, xây dựng mới thêm khu y tế và 01 khu nội trú bệnh nhân, nhà ăn để bố trí thêm các phòng chức năng theo mô hình can thiệp sớm và trị liệu rối nhiễu tâm trí, cho người bệnh tâm thần.
Đồng thời, bố trí thêm các trang thiết bị phù hợp cho các phòng chuyên môn như các bộ công cụ đánh giá, sử dụng các đồ chơi, thiết bị y tế, thiết bị phục hồi chức năng ....
2. Giải pháp về nhân lực
- Bổ sung thêm biên chế để tuyển dụng người có chuyên môn cao và kết hợp với nhân lực hiện có của đơn vị, thực hiện bố trí sắp xếp nhân lực để đảm bảo thực hiện mô hình, sử dụng đội ngũ nhân viên hiện có tại Trung tâm với trình độ năng lực về y tế, công tác xã hội, tâm lý và giáo dục đặc biệt phù hợp, đã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, để thực hiện vai trò tư vấn, sàng lọc và phát hiện sớm.
3. Giải pháp nâng cao năng lực
- Cử cán bộ Trung tâm tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng định hướng tâm thần, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng CTXH lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
- Tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng CTXH cho mạng lưới cán bộ cơ sở của ngành Lao động, Y tế và giáo dục mang tính chuyên nghiệp về CSSKTT đặc biệt, tập huấn, sàng lọc, chuẩn đoán ban đầu người bệnh có vấn đề sức khỏe tâm thần tại các cơ sở y tế cấp huyện, xã.
- Tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần.
- Trung tâm duy trì tổ chức giao ban, tập huấn, hội thảo ca để nâng cao năng lực và quản lý mạng lưới cộng tác viên cơ sở.
4. Giải pháp về cơ chế chính sách
- Chính sách hỗ trợ kinh phí cho các bộ cơ sở trong việc quản lý trường hợp người tâm thần tại địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
- Bố trí kinh phí cho các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về CSSK tâm thần và nghề CTXH.
- Chính sách trợ giúp xã hội cho người bệnh tâm thần, người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
- Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thu phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trung tâm; ban hành khung giá dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng nội trú, ngoại trú.
5. Giải pháp về sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan
- Cơ chế phối hợp giữa Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội với các đối tác có liên quan như: Các trường học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các Trung tâm y tế và Bệnh viện trong công tác sàng lọc, xác định đối tượng có nguy cơ RNTT và đưa ra các giải pháp hỗ trợ và can thiệp về CSSKTT.
- Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội cấp tỉnh trong việc kết nối, chuyển tuyến.
1. Kinh phí thực hiện
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là: 30 tỷ đồng
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương: 25 tỷ đồng, chi cho sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, nâng công suất dịch vụ một số hạng mục công trình từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020
+ Ngân sách địa phương: 4 tỷ đồng.
+ Nguồn khác: 1 tỷ đồng.
2. Nguồn kinh phí thực hiện đề án
- Năm 2018: 15 tỷ đồng từ nguồn Kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Trung ương chi sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, nâng công suất dịch vụ một số hạng mục công trình.
- Năm 2019:
+ Ngân sách Trung ương: 10 tỷ đồng
+ Ngân sách địa phương 2 tỷ đồng
+ Nguồn khác: 0,5 tỷ đồng trong đó thu phí dịch vụ, thu từ lao động trị liệu: 250 triệu đồng, nguồn vận động 250 triệu đồng
- Năm 2020:
+ Ngân sách địa phương 2 tỷ đồng
+ Nguồn khác: 0,5 tỷ đồng trong đó thu phí dịch vụ, thu từ lao động trị liệu: 250 triệu đồng, nguồn vận động 250 triệu đồng
Từ các phân tích thực trạng trên, sự ra đời của mô hình Phòng và Trị liệu rối nhiễu tâm trí, cho người tâm thần tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội hết sức ý nghĩa và cần thiết, cụ thể:
- Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư tại địa phương trong việc hỗ trợ tâm lý xã hội cho các đối tượng TT và RNTT, đồng thời cung cấp thông tin xã hội cần thiết theo nhu cầu của người dân.
- Góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh Hải Dương trong công tác phòng ngừa, giảm tải số lượng người TT và RNTT thông qua các hoạt động phối hợp của nhân viên CTXH, đối với người dân trong công tác kết nối, sàng lọc, phát hiện và can thiệp kịp thời đối với các đối tượng đã nêu trên.
- Phòng ngừa và góp phần giảm thiểu các nguy cơ RNTT như trầm cảm sau sinh ở phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ, trẻ khuyết tật và RNTT ở phụ huynh trẻ khuyết tật, khủng hoảng tâm lý của gia đình người bệnh tâm thần ở cộng đồng, bạo lực học đường và xâm phạm tình dục vị thành niên...
- Huy động sự tham gia của xã hội, gia đình và cộng đồng trong việc trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
- Khi mô hình đi vào hoạt động ổn định, sẽ cung cấp dịch vụ can thiệp sớm và trị liệu rối nhiễu tâm trí có chất lượng cho người tâm thần và người khuyết tật, việc thu phí từ các đối tượng có nhu cầu và tự nguyện chi trả các dịch vụ tại Trung tâm đảm bảo cơ sở cho sự vận hành và quản lý.
Tăng cường sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, thông qua các giải pháp đồng bộ nhằm trợ giúp cho gia đình và người bệnh TT và người khuyết tật ổn định cuộc sống, mang lại hiệu quả cao trong phát triển bền vững xã hội.
1. Năm 2018: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Triển khai thiết lập mô hình, bố trí nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ...
- Sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu khám chữa bệnh, khu nội trú bệnh nhân và phục hồi chức năng mua sắm trang thiết bị dùng cho cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí;
- Học tập kinh nghiệm về phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí;
- Thực hiện hoạt động phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho đối tượng ở giai đoạn I là trẻ em. Hoạt động này được thực hiện tại Trung tâm và đồng thời ở cộng đồng;
- Thực hiện đào tạo cho cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp xã và cộng tác viên công tác xã hội về kiến thức kỹ năng phòng chống RNTT;
- Truyền thông nâng cao nhận thức;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn hoạt động công tác xã hội, trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho trẻ rối nhiễu tâm trí.
2. Giai đoạn 2019-2020
- Tiếp tục duy trì hoạt động của cơ Sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm và mở rộng sang các đối tượng khác: Người trầm cảm, lo âu, sang chấn sau stress, rối loạn tâm thần do rượu, nghiện chất, và đặc biệt là các nhóm bệnh tâm thần ở phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ...;
- Cải tạo nâng cấp khu nhà bếp, nhà ăn, sắm bổ sung các thiết bị chuyên dùng cho cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí;
- Học tập kinh nghiệm về phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội;
- Nghiên cứu phát triển và hoàn thiện dịch vụ công tác xã hội trợ giúp cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí;
- Tiếp tục hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức;
- Nghiên cứu cơ chế, chính sách để nhân rộng mô hình.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Là đơn vị chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức triển khai hoạt động của mô hình Phòng và Trị liệu rối nhiễu tâm trí, cho người tâm thần và người khuyết tật tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương.
- Tổ chức kiểm tra; giám sát và đánh giá việc triển khai thực hiện các hoạt động của mô bình; Định kỳ tổ chức sơ kết, đề xuất các giải pháp, báo cáo kết quả hoạt động với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Chỉ đạo Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương; Thực hiện các hoạt động của Đề án, Chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển chọn nhân lực, tham gia tổ chức đào tạo và triển khai các hoạt động tại mô hình theo nội dung Đề án. Xây dựng dự toán hoạt động mô hình hàng năm.
2. Sở Y tế
- Phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình kết nối điều trị cho bệnh nhân tham gia chương trình điều trị tại cơ sở. Kết hợp chặt chẽ với Sở Lao Thương binh và Xã hội trong quá trình thực hiện; đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh cử nhân lực có chuyên môn về khám chữa bệnh để phối hợp với Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
3. Sở Tài chính
Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo các hoạt động của Đề án; Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo đúng quy định hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành và cơ quan có liên quan vận động các nguồn lực hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho việc thực hiện Đề án; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Nội vụ
Chủ trì phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND bố trí cán bộ làm việc theo Đề án khi được phê duyệt.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, các xã, phường, thị trấn rà soát lại đối tượng của Đề án để tuyên truyền vận động tham gia các hoạt động tại cơ sở, nhằm trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng bền vững./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.